Bóng Đè Chương 5. Dòng sông hủi

Chương 5. Dòng sông hủi
Người đàn ông nhìn tôi ân cần, ánh mắt như muốn nói ông chịu đựng nỗi đau cho con cái có cái ăn, cái mặc từ những gùi nan bán lấy tiền này.

Tôi muốn hét lên: Người đáng phải chịu bất hạnh như vậy không phải là ông. Nếu trên đời có Chúa, có Phật, có Giàng, người tốt được gặp điều tốt thì kẻ phải chịu nỗi cào xé thân xác không phải là ông. Phải là những kẻ giả dối, lừa đảo, ma quái, mặt xanh nanh vàng dưới thành phố, phải là Công, phải là hàng triệu người đang dối trá dưới kia. Tự dưng nước mắt tôi chảy tràn gò má, tự dưng tôi mang mặc cảm xấu hổ. Xấu hổ vì là vợ Công, vợ một người đàn ông chuyên rình rập những tâm hồn. Tôi chạy xiêu vẹo xuống những bậc thang chông chênh của nhà sàn, nước mắt nhỏ ướt đầm các phiến gỗ. Được một quãng, tôi bắt gặp một toán người Kinh ăn mặc lịch sự chặn đường. Cô gái có mái tóc nhuộm vàng, nước hoa thơm lừng khiến tôi bỗng muốn nôn oẹ.

"Chị mới đến buôn người hủi phải không? Chắc là sợ quá nên mặt mũi tái xanh tái xám. Sao chị bạo gan thế, dám đi một mình, nhỡ bọn hủi nó lấy hết tiền, hãm hiếp thì sao?"

Hai mắt tôi đỏ như hai tròng lửa, tôi muốn bóp chết đứa con gái thị thành vừa ăn nói nhăng cuội. Cánh rừng trước mặt thấm đẫm màu mắt to buồn. Tôi vùng chạy nhanh hơn, bàn chân nhỏ bé tứa máu. Tôi cũng chỉ là một người Kinh như đứa con gái kia. Tất cả chúng tôi ở thị thành đều như thế. Tôi cũng ưa ăn ngon, mặc đẹp, cũng đã sợ hãi những người Thượng hiếp mình... Cứ thế, tôi chạy hối hả về thành phố, về căn nhà gạch Tây sát ven hồ.

*

"Cô nghĩ cuộc sống bên ngoài ngôi nhà này tự do lắm ư? Cô tưởng rời tôi ra là cô sẽ thành ngay một người tốt được ư? Cô sẽ phải ở bên cạnh tôi suốt cuộc đời, bởi vì cô đã làm vợ tôi, đã chia thân xác cô với tôi. Cơ thể của cô là cơ thể của tôi. Cô ghi nhớ kỹ điều đó để mà nghiền ngẫm."

Tiếng vợ được đôi môi mỏng quẹt của Công kéo dài lỏng thỏng như một miếng bánh nếp. Khi tôi từ Tây Nguyên trở về, màu gạch Tây của căn nhà đã hoá đỏ sậm, màu cánh phù du. Chỉ có tôi mới hiểu màu phù du trông thế nào. Hồ Gươm câm lặng, gió bị suy hô hấp, không khí như một nồi cháo đặc. Mà tôi chẳng bao giờ thích cháo. Tôi cũng trở nên câm lặng như nước hồ. Câm lặng thản nhiên trước bóng gió mạt sát của chồng. Tôi cũng chẳng còn cảm giác gì khi Công lột quần lót kiểm tra mỗi tối. Cây sấu già nhìn tôi cong queo, khô héo. Tôi nhắm mắt chịu cho trí óc được thanh lý sạch sẽ. Thấy tôi câm nín, Công tỏ ra hài lòng, cho đấy là sự phục tùng khuôn phép. Tôi biết mình không phục tùng khuôn phép nào và cũng không nổi loạn đập phá. Tôi biết tôi cần tồn tại. Đêm đêm, khi Công vắng nhà, tôi ngồi bên cửa sổ ngắm mặt hồ đen tối rồi nhìn ngắm ngôi nhà trống hoác. Căn nhà có trí nhớ không? Hiện diện bao đời mà không hề có dấu vết người sống? Khi Công cho xây thêm lầu, chắc hẳn anh cũng đã điều tra tịch biên tất cả quá khứ của từng viên gạch. Tôi nằm ngửa giữa lòng giường không có kỷ niệm, giấc mơ dòng sông với khuôn trăng vàng không còn in trên trần. Dấu chân của đứa bé cũng không còn làm ướt mặt thảm mỗi đêm. Tôi đã không còn thức trong khi ngủ. Tôi đang biến thành vật vô tri như Công muốn.

Rồi lại đến ngày rằm, trăng dại vàng hồ nước. Tôi ngồi trong bóng tối nhìn ra mặt hồ nhớ quay quắt trăng rừng. Hình ảnh người đàn ông có làn da thương tích, tơi tả múa may dưới trăng và hét lên tiếng hét thống khổ hiện ra từ từ. Giống như Công không thể thanh lý những hình ảnh của buôn Thượng, từ những căn nhà sàn đến cả tấm biển cắm trước buôn hoen rỉ vì mưa cao nguyên cảnh báo người Kinh hãy tránh xa. Công không đủ sức xoá Làng Hủi trong trí nhớ của tôi còn sáng ánh trăng đại ngàn.

Công về nhà giữa lúc trí nhớ tôi đang phục hồi. Công nhận ra ngay tức khắc. Như một con thú, chồng tôi vật tôi như vật một con mồi. Đôi mắt chỉ còn là hai vệt đỏ lục lọi da thịt tôi tan nát. Không cởi tất, cứ thế Công chồng lên tôi, chọc sâu tàn nhẫn. Tôi càng đẩy Công ra, Công càng cứa như dao đâm. Không phải đâm mà anh đang chích vào người tôi những con trùng làm công tác hủy hoại bộ nhớ. Tôi nín lặng, mặc cho Công quay lộn, mài dũa. Tôi kháng cự bằng cách nghĩ đến gương mặt khổ đau của người đàn ông Thượng. Tôi thấy rõ trí nhớ tôi tan vữa dần dần sau mỗi cú thọc sâu của Công, chỉ có buôn Hủi, làng Hủi, và người đàn ông Thượng tồn tại. Khi Công chấm dứt, tôi không còn nhớ gì hết, kể cả mười móng tay vừa cấu nát lưng Công. Tôi nhìn chúng xa lạ không hiểu đã xảy ra chuyện gì ban nãy. Ngoài kia, ánh trăng đại ngàn vẫn ngời ngợi lung linh bên trên những con người thành phố thơm nức, sạch sẽ nhưng không trí nhớ. Tôi quyết định ra đi.

*

Ngày tôi quay lại căn nhà sàn heo hút nằm giữa đại ngàn, nơi dòng sông Ba hung dữ nhưng nồng nàn đi qua, người đàn ông Thượng lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Trong đôi mắt to u mặc như mênh mông Biển Hồ, có một chút vui mừng thầm lặng. Ông ngừng tay đan lát, nhìn tôi trầm ngâm:

"Sớm mai mà trời chưa nắng. Đường sá hơi bẩn, mùa khô mà đường lại bẩn… Cây rừng bị kẻ xấu đốn nhiều quá. Cánh rừng bên kia sông Ba, cánh rừng ngày xưa săn được con mang to nhất bây giờ trọc trụi. Người giày đen không biết giữ rừng…"

Những lời ngúc ngoắc không ra đầu ra đũa của ông làm tôi nhớ chuyện trên đường vào đây đã gặp mấy xe chở gỗ ngang nhiên chạy tung đất đỏ về xuôi. Tay tài xế thò bộ mặt đỏ gắt ỡm ờ trêu chọc tôi mấy câu tục tĩu. Nhưng đấy là chuyện của người Kinh, bây giờ tôi chỉ muốn được ngồi cạnh ông, được nhìn ông dùng hai cùi tay sứt sẹo đan những chiếc gùi, được nhìn vào đôi mắt to đen của ông, được hưởng cảm giác thanh bình của thiên nhiên, không còn lo sợ đôi mắt hìm hịp soi xét của Công. Bắt gặp ánh mắt đầy khắc khoải của tôi, ông thôi đi lại lăng xăng bằng đôi chân khập khiễng bị rụng hết ngón. Ông ngồi xuống bậu cửa, lại húi húi với bó nan tre, chừa ra một khoảng cách nhất định giữa tôi và ông. Lòng tôi tràn lên cảm xúc gần gụi không ngờ, một cảm giác ấm áp, an lành. Tôi ước có thể chia cho ông những ngón tay của mình, chia chung với ông những ngón chân của tôi, giúp ông làm người lành lặn, để ông lại vào rừng săn con mang con hoẵng, để ông trông coi những cánh rừng hùng vỹ khỏi bao kẻ giày đen đốn ngã. Ngồi trên bậc nhà sàn giữa núi rừng trong lành, tôi thấy mình trở lại nguyên hình một đứa trẻ. Rõ ràng đôi chân tôi không còn quá nhỏ nữa mà đã cân đối với hình hài. Tôi đang thun lại thành một đứa bé trong sáng, đang được một con người yêu thương. Tôi ngồi bên ông dưới nền trời nhiều mây, gió lạnh làm tôi khẽ rùng mình. Nghe tiếng ho của tôi, ông dừng tay, quay lại. Chao ôi, cái nhìn của ông, chỉ có thể là cái nhìn của con người mang tâm hồn rộng mở nhất. Trong đôi mắt ông, tôi thấy sự lo lắng của mẹ khi tôi ốm, nỗi buồn của cha khi tôi bị gãy chân vì tai nạn xe máy, cùng tất cả những tình thương tôi từng được hưởng. Ông nhìn quanh gian nhà sàn tìm chiếc chăn len. Nhưng rồi ông quay mặt đi ngay tức khắc, gương mặt ông buồn đến chao lòng. Ông không dám đưa cho tôi chiếc chăn len ông đã đắp. Ông không muốn lây bệnh cho tôi. Tấm lưng của ông rung lên, và chính ông bật ra những tiếng ho đau đớn, bất lực, tưởng như bật máu tươi rách nát vòm họng. Chúng tôi cứ thế yên lặng xao xuyến suốt buổi sáng. Ông không hỏi, không nghi ngờ, không dò xét điều gì. Lâu lâu, ông liếc nhìn tôi. Trong đuôi mắt ông, tôi thấy có nụ cười, thật hiền. Dường như ông hiểu được mọi điều trong lòng tôi. Đến trưa, nắng lên muộn màng, ông cất tiếng phá tan yên lặng:

"Chắc là đói bụng. Để tôi luộc bắp."

Tôi chợt ngã người nắm lấy cánh tay ông. Tôi không muốn mất giây phút này. Cánh tay ông hốt hoảng rụt vội, đôi mắt ông thảng thốt nỗi lo sợ. Tôi giữ chặt không cho ông chạy, hơi ấm từ cánh tay ông lan toả cơ thể tôi. Không phải làn da trơn trợt mát rượi của Trí, hay thô nhám của Công, nhưng là làn da dịu ngọt. Tôi đưa hai bàn tay mười ngón lành lặn của mình vuốt ve bàn tay ông. Ông không vùng ra nữa, mà nhìn tôi nửa van xin buông tha, nửa xúc động. Cứ thế, tôi nắm tay ông, quên mất ông đang mang căn bệnh trầm kha, bị cả xã hội này xa lánh, tôi không còn nhớ cây sấu già bên ngôi nhà gạch Tây. Tôi chỉ còn biết có yêu thương, chỉ còn biết bên ngoài, nơi cánh rừng nguyên sơ, bầy chim đang hoan ca vang trời. Sau buổi sáng ấy, ông tặng tôi một bó hoa quỳ vàng ươm.

*

Trí óc non nớt của một ngời đàn bà sống bằng tình cảm như tôi không lường được việc Công đang có mặt trên cao nguyên. Người chồng làm cái nghề kỳ cục của tôi đâu phải kẻ ngu đần. Tôi đồ rằng những con trùng ăn sâu, chui nhủi trong trí não, nhằn nhai trái tim Công cũng mang đôi mắt him híp, sùm sụp như chủ nhân của chúng. Không thể phủ nhận chồng tôi là một người đàn ông thông minh và tinh nhạy. Tinh nhạy để biết được vì sao tôi đang ở cao nguyên, thông minh để chỉ cần một vài chi tiết, Công ngọn ngành hết đường đi nước bước của tôi. Chẳng khó khăn chút nào với một người chuyên theo dõi trí não kẻ khác. Cảm xúc cuộn phăng đi, tôi không lường trước những việc có thể xảy ra, cho đến khi chồng tôi xuất hiện ngay tại căn nhà sàn vào buổi sáng hoa quỳ đang óng ánh. Sơ mi là trắng kệch cỡm tương phản với màu đất, Công bất thần hiện ra trên bậc thang gỗ với ánh mắt nghiệp vụ.

"Cô vui thú quá phải không nào?"

Bất động bên ôm hoa quỳ vàng rực rỡ, thân mình tôi hoá đá. Lạ quá, vui quá, đối với Công là một trò chơi, còn với tôi, là tất cả. Ôm hoa quỳ hái trong sương sớm tôi mang đến ngôi nhà sàn nhỏ bé này cùng chắp với hoa qùy của người đàn ông. Tôi muốn gầy một mùa xuân chưa hề có dưới phố.

"Cô khai báo cho tôi biết cô làm cái gì ở đây?"

Không còn là tiếng nói của chồng tôi nữa mà là giọng hỏi của một điều tra viên. Chân tay tôi bỗng líu ríu. Gió sắp rít gào, mưa giông sắp đổ. Trước mắt tôi hiện ra những giọt mưa đá lạ lùng hôm nào giữa lòng thành phố trong ngày mùa đông. Tôi ớn lạnh, tôi cần phải đi, cần phải tìm chỗ ẩn náu. Tôi chạy xuống những bậc thang căn nhà sàn không nghe tiếng gọi của người đàn ông Thượng. Tiếng thét đớn đau bên bờ sông Ba đêm trăng sáng sắp được lưu trữ trong hồ sơ các bộ nhớ cần thanh lý của chồng tôi. Rồi ông sẽ thành như Trí, như gã bán ngô luộc.

Tôi chạy vào đất đỏ, tôi chạy vào cây lá, tôi chạy dẫm lên cõi u mê mênh mang hoảng sợ cho đến khi một rừng hoa quỳ vàng ươm phủ kín.

"Giết mày, đâm chết mày như đâm con mang. Lột da đầu mày làm mũ đội. Róc xương mày nấu cao uống. Mày là đồ khốn nạn, mày là bọn giày đen bẩn thỉu!" Rừng vang lên những lời tục tằn, lá phát những lời thô lỗ của ông xua đuổi. "Mày, chính mày đã mang thằng giày đen bẩn thỉu đến đây làm bẩn thỉu mảnh đất của tao, bẩn thỉu cánh rừng của tao, bẩn thỉu dòng sông của tao." Tôi ngã xấp trong tiếng kêu hoảng hốt của hoa qùy. Tai tôi u u. Tai tôi mang bệnh. Mắt tôi mang bệnh. Căn nhà sàn mang bệnh. Có đúng là ông không, người đàn ông tôi đã gặp hôm nào bên dòng sông Ba, người đàn ông đã nhìn tôi bằng cặp mắt xót xa âu lo, đã rơi nước mắt khi tôi cầm tay? Chồng tôi đã biến ông thành một người thành thị. Không, không thể như vậy được. Từng bông quỳ vẫn hắt ra thứ ánh sáng lóng lánh. Gió lao xao, chúng như xâu xé mình tôi. Tự nhiên các đốt ngón chân tôi râm ran ngứa. Đưa tay gãi đến đâu, cái ngứa càng lặn sâu vào da, tôi càng rồ người lên đến đấy. Thân thể tôi phong hủi rồ dại và hoa quỳ thôi vàng trong mắt.

"Nhai lá đắp cho anh ta bớt đau."

Ông vẫn ngồi đó đan lát. Bàn tay cụt đốt quặp vốc lá rừng chìa tới trước. Công đang lăn lộn trên đất. Tôi nhìn kỹ Công không hề có vết tích của hành hung nhưng anh oằn oại mắt trợn ngược. Khắp mình Công không nổi sẩy, không lên ban nhưng anh cũng rồ dại y như tôi ban nãy. Tôi vụt hiểu, Công đang phát chứng hủi vô hình của người Kinh.

Tôi không sợ nữa. Tôi trở lại vì tin vào tâm hồn trong sáng của người Thượng. Tôi muốn nói Công không có khả năng tẩy xoá ánh trăng đại ngàn, ánh trăng được toàn nhân loại trông thấy. Nhưng ông đã đưa tôi nắm lá.

"Nhai đắp cho anh ta bớt đau."

Mùi hoa qùy bỗng dậy trong miệng tôi. Chất diệp lục tố của từng chiếc lá đắng mà ngọt ngào. Những chiếc lá tan trong máu huyết tôi vừa thanh sạch với mùi thơm tho như khắp châu thân tôi đang đơm nhụy, vừa kết những bông hoa vàng. Tôi cúi xuống bên Công. Tôi ngồi xuống cạnh chồng giữa một nền trời thinh không bát ngát hương quỳ.

Hà Nội, 10-2004

Nguồn: truyen8.mobi/t127930-bong-de-chuong-5-dong-song-hui.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận