Hai Ông Già Ma Chương 4

Chương 4

Đã đến lúc không còn nhịn được nữa. Nhưng quan hai Phẹt-Năng là kẻ được đào tạo ngành gián điệp từ bên Pháp. Hắn đã lôi cuốn được hầu hết mấy ông cựu hương chức hội tề, luôn cả thầy giáo Chích.

Dưới mắt hắn, hai ông lão kia thuộc vào loại người khó mua chuộc. Và trước khi mua chuộc thì hắn cần phải hăm dọa khéo léo. Dùng lời ngon ngọt nhưng gợi nhiều ý nghĩa xa xôi để hai ông lão suy nghĩ và càng suy nghĩ thì càng sợ oai lực nhà nước Pháp.

- Ông già này, tên gì?

Giọng nói của quan hai trở nên cứng rắn. Ông lão thứ nhứt vụt đứng dậy:

- Quan lớn gọi tôi?

Quan hai Phẹt-Năng khoát tay:

- Ngồi xuống!

Ông lão lẩm bẩm:

- Ngồi mà nói chuyện là vô phép. Hay là…

Giáo Chích chận lời:

- Ổng sợ ông chạy trốn. Cứ ngồi mà nói. Ông tên gì?

- Dạ, tên Mười Bạch.

Quan hai nói chẫm rãi:

- Nhà ông trồng mận đỏ?

- Dạ, đó là mận hồng đào. Xưa kia xứ nầy không có mận đỏ. Mấy thứ kia trái ăn hơi chát, bán rẻ. Gọi là mận ta.

- Mận hồng đào có từ bao giờ? Tại sao trước kia chẳng nghe ai nói?

Lão Mười Bạch gãi đầu, day qua giáo Chích khẩn cầu nhờ giải thích giùm. Giáo Chích muốn khoe khoang sự hiểu biết của mình với quan trưởng đồn:

- Thưa ông, hầu hết loại trái cây… đều từ xứ lạ đem tới…

Rồi như nhận thấy sự lẩm cẩm của mình, giáo Chích sửa lại:

- Thưa ông tôi muốn nói: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… đều là giống cây ở miền dưới, tức là Mã Lai, Nam Dương đem lên Nam Kỳ. Còn trái mận hồng đào thì…

Giáo Chích cụt hứng, cố tiếp lời:

- Ông Mười Bạch ở xóm nầy hơn 50 năm, chắc hiểu rành hơn tôi. Cách đây chừng ba năm, mận hồng đào chưa có. Ai đem giống mận đó tới vậy?

Lão Mười Bạch thở dài rồi cười nhếch mép:

- Dạ nói ra sợ quan lớn chưa tin. Tôi là người đầu tiên trồng giống mận hồng đào tại xứ nầy.

- Giống mận ở đâu mà có?

- Trời mà biết! Số là…

Lão Mười Bạch ngưng một chập rồi tiếp lời:

- Số là năm đó trong vườn tôi trồng nhiều mận ta. Tôi ra vườn hái trái, thấy một cây mận hơi lạ… Lá nó lớn, bông nó to… Nó kết trái. Đó là trái mận hồng đào. Tôi sực nhớ mấy năm trước chim bay qua vườn của tôi từng bầy. Và có một con chim lạ to lớn, mặt mày quái dị. Tôi muốn nói là…

Quan hai nửa tin nửa nghi bèn thúc hối:

- Nói mau đi!

Lão Mười Bạch đáp:

- Nói ra sợ quan lớn chê bai. Số là con chim đó ăn mận từ xứ lạ, bay qua đây rồi tình cờ… ỉa xuống. Cái hột mận còn nguyên, châm rễ, mọc lá… Sự tích mận hồng đào là vậy!

Quan hai Phẹt-Năng hỏi:

- Còn mận sọc xanh? Ai đem nó tới?

Mười Bạch nhìn ông bạn già là Tư Nếp.

Anh cắt nghĩa đầu đuôi phải quấy cho quan am tường. Tôi nói chuyện mận hồng đào. Anh bạn nói chuyện mận sọc xanh đi! Sự tích cũng giống như vậy thôi…

Lão Tư Nếp vừa nói, vừa gãi đầu:

- Dạ năm đó, tôi ra ngoài biển Cà Mau mà đánh lưới. Tình cờ gặp con cá hình thù quái dị. Chừng đem về xẻ làm khô, tôi thấy trong ruột cá có cái hột gì đen thui, trồng thử thì nó sống nhăn, mọc lên, trổ ra trái mận sọc xanh. Mận xanh, mận hồng điều đều chiết nhánh được. Lần hồi hai thứ mận mọc lan tràn. Thiên hạ chê thứ mận ta, chát ngầm.

Quan hai Phẹt-Năng đứng dậy:

- Cho hai ông già nầy về! Nghe chán quá. Một thứ thì do cá dưới nước, một thứ thì do chim trên trời. Hai ông già nói dóc. Coi chừng tôi!

Rồi day qua giáo Chích:

- Xong rồi! Đưa hai ông già ra cửa.

Đến cổng, giáo Chích tạm biệt lão Mười Bạch và Tư Nếp.

Mười Bạch nói:

- Thầy giáo phá tôi hoài. Để tôi ở yên. Tại sao mấy ông Tây ưa cắt nghĩa quá.

- Thì người Pháp muốn biết nguồn gốc vài thứ trái cây lạ ở thuộc địa, vậy thôi. Mà hồi nãy mấy ông nói thiệt hả?

Lão Tư Nếp đáp:

- Thì ông bà mình có câu “cá nước chim trời…”. Cái gì lạ thì do cá nước chim trời… đem tới. Trời mà biết. Cắt nghĩa làm chi. Hai thứ mận đó ăn ngon, hợp với phong thổ, nó sống hoài. Thầy giáo biểu tôi cắt nghĩa cho ông quan hai nghe sự tích. Làm sao cắt nghĩa… Cũng như thầy giáo hỏi tại sao tôi biết ăn, biết thở. Từ rày về sau, thầy đừng làm vậy nữa. Tôi phiền lắm!

Giáo Chích bẽn lẽn:

- Tôi hứa để hai ông ở yên, trừ khi nào quan hai muốn điều tra…

Mười Bạch nói gắt, chỉ ngón tay vào một gốc cây đã trụi nhánh, trong sân.

- Đây là cây mận hồng điều. Muốn biết thì cứ coi nó trổ bông kết trái. Mấy cha nội Tây ưa đốn ngang để làm nọc giăng sợi dây phơi quần áo. Coi bộ nó còn mọc hoài…

Nói xong, hai ông lão vừa đi vừa chạy… Giáo Chích bị chạm tự ái, đến gặp quan hai để mong giữ uy tín:

- Hai ông già đó lợi hại lắm, có con cháu theo Thanh Niên Tiền Phong đó quan lớn!

Quan hai Phẹt-Năng gật đầu rồi đưa tay vỗ nhẹ lên đầu giáo Chích như người cha khen đứa con có hiếu. Thầy giáo Chích thấy đau xót lạ lùng.

 

Hết.

Nguồn: truyen8.mobi/t101711-hai-ong-gia-ma-chuong-4.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận