Lịch Sử Tình Yêu Chương 2


Chương 2
Nỗi buồn của mẹ tôi

1. Tên tôi là Alma Singer

Khi tôi chào đời, mẹ đặt tên cho tôi theo tên của mọi cô gái trong một cuốn sách cha tặng cho mẹ có nhan đề Lịch sử tình yêu. Mẹ đặt tên cho em trai tôi là Emanuel Chaim, theo tên nhà sử học Do Thái Emanuel Ringelblum - người đã chôn những thùng sữa chứa các bằng chứng ở Warsaw Ghetto, theo tên của nhạc công cello Do Thái Emanuel Feuermann - một trong những tài năng âm nhạc xuất sắc nhất thế kỷ hai mươi, rồi còn theo tên cây bút Do Thái thiên tài Isaac Emmanuilovich Babel, và theo tên bác Chaim của bà - một người hay pha trò, một tay hề thực sự, làm cho mọi người cười như điên, ông chết bởi tay bọn phát xít. Nhưng em trai tôi không chịu đáp lời khi được gọi bằng cái tên ấy. Khi người ta hỏi tên nó, nó bịa ra gì đó. Nó từng nghĩ ra mười lăm hay hai chục cái tên. Trong suốt một tháng, nó tự nói về mình ở ngôi thứ ba với cái tên: ông Fruit. Vào ngày sinh nhật thứ sáu của mình, nó chạy lấy đà và nhảy ra khỏi cửa sổ tầng hai, cố gắng bay. Nó bị gãy tay và dính một vết sẹo vĩnh viễn trên trán, nhưng từ đó không ai gọi nó bằng cái tên nào khác ngoài Bird.

2. Điều tôi phủ nhận

Trước đây hai chị em tôi thường chơi một trò. Tôi trỏ một cái ghế. “ĐÂY KHÔNG PHẢI GHẾ,” tôi sẽ nói thế. Bird sẽ chỉ vào chiếc bàn. “ĐÂY KHÔNG PHẢI BÀN.” “ĐÂY KHÔNG PHẢI BỨC TƯỜNG,” tôi sẽ lên tiếng. “KIA KHÔNG PHẢI TRẦN NHÀ.” Chúng tôi sẽ tiếp tục như thế. “KHÔNG PHẢI NGOÀI TRỜI ĐANG MƯA.” “GIÀY EM KHÔNG THẮT DÂY!” Bird sẽ hét lên. Tôi sẽ chỉ vào khuỷu tay mình. “ĐÂY KHÔNG PHẢI VẾT XƯỚC.” Bird sẽ nâng đầu gối của nó lên. “ĐÂY CŨNG KHÔNG PHẢI VẾT XƯỚC!” “KIA KHÔNG PHẢI ẤM ĐUN NƯỚC!” “KHÔNG PHẢI CÁI CHÉN!” “KHÔNG PHẢI THÌA!” “KHÔNG PHẢI BÁT ĐĨA BẨN!” Chúng tôi phủ nhận tất cả phòng ốc, năm tháng, thời tiết. Một lần khi đang la hét đến đỉnh điểm, Bird hít một hơi sâu. Bằng toàn bộ hơi sức, nó rít lên: “EM! CHƯA BAO GIỜ! BUỒN! SUỐT CẢ! ĐỜI EM!” “Nhưng em chỉ mới có bảy tuổi,” tôi nói. Truyen8.mobi

3. Em trai tôi tin vào Chúa

Hồi chín tuổi rưỡi, em tôi tìm thấy một cuốn sách nhỏ màu đỏ có nhan đề Sách về những tư tưởng của người Do Thái đề tặng cha tôi - David Singer - vào dịp Bar Mitzvah. Trong cuốn sách này, những tư tưởng của người Do Thái được sắp xếp theo các tiểu mục như “Mỗi người Israel đều nắm vinh quang của cả dân tộc mình trong tay,” “Dưới thời Romanoff” và “Sự bất tử.” Chẳng lâu sau khi Bird tìm thấy cuốn sách, đi nơi nào nó cũng mang một cái mũ kippah bằng nhung đen, chẳng bận tâm chiếc mũ không vừa vặn lắm làm cho tóc sau đầu phồng lên khiến nó trông thật ngớ ngẩn. Nó còn hình thành thói quen theo đuôi ông Goldstein, ông lao công ở trường Do Thái thường hay lầm bầm nói ba thứ tiếng và có đôi bàn tay để lại bụi bẩn nhiều hơn là lau sạch. Người ta đồn đại rằng mỗi đêm ông Goldstein chỉ ngủ một giờ trong tầng hầm nhà trường, rằng ông đã từng ở trại lao động khổ sai ở Siberia, rằng ông bị yếu tim, chỉ một tiếng động mạnh cũng có thể giết ông, rằng tuyết làm ông khóc. Bird bị ông thu hút. Sau giờ tan học, Bird lẽo đẽo theo chân Goldstein trong khi ông hút bụi giữa các hàng ghế, cọ rửa các nhà vệ sinh và xóa sạch những dòng chửi bậy trên bảng. Việc của ông Goldstein là thu lại các cuốn kinh Do Thái đã rách hoặc bị xé, và một buổi chiều, dưới sự theo dõi từ trên cây của hai con quạ to như hai con chó, ông đẩy một cái xe cút kít chứa đầy các cuốn kinh ấy ra phía sau nhà nguyện, xe xóc nảy trên đất đá và rễ cây, ông đào một cái hố, đọc một câu kinh rồi chôn chúng xuống. “Không thể cứ thế ném chúng đi được,” ông nói với Bird. “Không thể nếu trên đó có tên của Chúa. Phải được chôn cất đúng cách.”

Tuần sau đó, Bird bắt đầu viết khắp các trang vở bài tập về nhà bốn chữ Hebrew cái tên mà không ai được phép nói ra và không ai được phép vứt bỏ. Vài ngày sau, tôi mở giỏ chứa quần áo bẩn và thấy cái tên ấy viết bằng bút mực trên nhãn quần lót của Bird. Nó còn dùng phấn viết đầy cửa trước nhà, vạch lăng nhăng trên tấm ảnh chụp lớp nó, trên tường nhà tắm, và trước khi chấm dứt, Bird còn dùng con dao nhíp Thụy Sĩ của tôi khắc khắp thân cây trước nhà đến độ cao tối đa nó có thể vươn tới.

Có thể vì việc ấy, hoặc có thể do thói quen đưa cánh tay lên che mặt mà ngoáy mũi như thể người ta không biết nó đang làm gì, hoặc có thể do kiểu thỉnh thoảng nó lại tạo nên những âm thanh kỳ lạ như trò chơi điện tử, dù sao thì năm đó vài đứa bạn từng chơi với Bird cũng thôi không đến chơi nữa. Truyen8.mobi

Hằng sáng Bird dậy sớm để cầu kinh ngoài trời, mặt quay về hướng Jerusalem. Khi theo dõi nó từ cửa sổ, tôi ân hận vì đã dạy nó phát âm những chữ Hebrew từ khi nó mới chỉ lên năm. Tôi buồn vì biết chuyện ấy không thể kéo dài.

4. Cha tôi qua đời khi tôi mười bảy tuổi

Những điều nhớ được, tôi chỉ nhớ từng phần. Đôi tai của ông. Nếp da nhăn trên hai khuỷu tay ông. Những câu chuyện về thời thơ ấu ở Israel mà ông thường kể tôi nghe. Ông thường ngồi ở chiếc ghế mình thích và nghe nhạc như thế nào, rồi ông thích hát ra sao. Ông nói với tôi bằng tiếng Hebrew, tôi gọi ông là Abba. Tôi đã quên hầu hết mọi điều nhưng đôi khi các từ ngữ vẫn trở lại với tôi, kum-kum, shemesh, chol, yam, etz, nishika, motek, nghĩa của chúng phai mờ đi như mặt những đồng xu cũ. Mẹ tôi là người Anh, bà đã gặp ông vào mùa hè trước khi vào học tại Oxford, khi đang làm việc ở một nông trại không xa Ashdod. Cha tôi nhiều hơn mẹ mười tuổi. Trước đó ông trong quân ngũ, rồi đi du lịch khắp vùng Nam Mỹ. Rồi ông trở lại học đại học và trở thành kỹ sư. Ông thích cắm trại ngoài trời, luôn mang theo một cái túi ngủ và chừng mươi lít nước trong thùng xe, ông có thể đánh lửa bằng một mẩu đá lửa khi buộc phải thế. Cha đón mẹ vào các tối thứ Sáu, khi những người cùng làm khác ở nông trang nằm trên các tấm vải bên dưới một màn chiếu phim khổng lồ dựng trên cỏ, vỗ về đám chó và uống rượu đến say mèm. Cha đánh xe đưa mẹ đến biển Chết - nơi họ thả mình nổi một cách kỳ lạ.

5. Biển Chết là nơi thấp nhấy trên Trái đất Truyen8.mobi

6. Chẳng có hai người nào trông ít giống nhau như cha mẹ tôi

Khi da mẹ tôi ngả màu nâu, cha tôi bật cười và nói rằng mỗi ngày mẹ lại dần giống ông hơn, đó chỉ là câu nói đùa bởi trong khi ông cao tới một mét chín với cặp mắt xanh sáng và tóc đen thì mẹ lại trắng xanh và nhỏ bé đến mức ngay cả bây giờ, ở tuổi bốn mốt, nếu nhìn bà từ phía bên kia đường, bạn sẽ nhầm bà với một cô bé. Bird nhỏ nhắn và trắng trẻo như bà, tôi thì cao như cha. Tôi cũng tóc đen, răng thưa, gầy một cách tệ hại, và tôi mười lăm tuổi.

7. Có một tấm ảnh của mẹ chưa ai từng nhìn thấy

Vào mùa thu, mẹ tôi trở lại Anh để bắt đầu học đại học. Các túi của bà đầy những cát từ nơi thấp nhất trên Trái đất. Mẹ nặng 47 cân. Có một câu chuyện thi thoảng mẹ kể, trên chuyến tàu từ ga Paddington tới Oxford, mẹ gặp một người thợ chụp ảnh hầu như mù hẳn. Ông đeo kính đen, ông bảo rằng võng mạc bị hỏng một thập kỷ trước, trong một chuyến tới Nam Cực. Bộ vest của ông được là phẳng phiu đến độ hoàn hảo, ông đặt chiếc máy ảnh trong lòng. Ông nói rằng giờ thì ông nhìn thế giới khác đi, nó không hẳn đã xấu. Ông hỏi liệu có thể chụp mẹ một kiểu. Khi ông nâng máy ảnh và ngắm qua ống kính, mẹ hỏi ông thấy gì. “Cũng vẫn thứ tôi luôn thấy,” ông nói. “Là gì?” “Một vệt mờ mờ,” ông nói. “Vậy tại sao ông làm việc này?” mẹ hỏi. “Nhỡ đâu đôi mắt tôi có thể lành lại,” người thợ ảnh nói. “Khi đó tôi sẽ biết tôi đã nhìn thấy những gì lâu nay.” Trong lòng mẹ tôi có một chiếc túi giấy màu nâu đựng bánh sandwich gan băm mà bà ngoại đã làm cho. Mẹ mời ông thợ ảnh gần như mù ăn chiếc bánh sandwich. “Cô không đói à?” ông ấy hỏi. Mẹ bảo mình có đói, nhưng chưa bao giờ mẹ nói với bà ngoại rằng mẹ ghét gan băm, rốt cuộc thành ra quá muộn, không thể nói với bà nữa vì đã không nói suốt nhiều năm rồi. Tàu chạy vào ga Oxford, mẹ tôi xuống tàu, để lại phía sau một dải cát. Tôi biết trong câu chuyện này ẩn chứa một bài học, nhưng tôi không biết đó là gì.

8. Mẹ là người ương bướng nhất tôi từng biết Truyen8.mobi

Sau năm phút, mẹ quyết định rằng mẹ ghét Oxford. Tuần đầu tiên của kỳ học, mẹ chẳng làm gì ngoài việc ngồi ở phòng mình trong một tòa nhà gió buốt lạnh xây bằng đá, nhìn mưa rơi trên đám bò ở bãi cỏ Christ Church mà thương thân. Mẹ phải đun nước pha trà bằng bếp điện. Để gặp thầy giáo, bà phải leo năm mươi sáu bậc cầu thang đá và đập cửa cho đến khi ông ta bò dậy khỏi chiếc giường xếp trong phòng làm việc - nơi ông ngủ dưới một đống giấy tờ. Hầu như ngày nào mẹ cũng viết thư cho cha, khi đó ông đã về lại Israel, bằng thứ giấy đắt tiền của Pháp, rồi khi hết thứ giấy đó, mẹ viết cho cha bằng loại giấy kẻ ô li xé ra từ vở. Trong một trong những lá thư ấy (mà tôi tìm thấy trong một hộp kẹo Cadbury cũ dưới ghế sofa trong phòng viết của mẹ), mẹ viết: Cuốn sách anh tặng đang nằm trên bàn em, hàng ngày em đều học để đọc thêm được một chút. Lý do mẹ phải học để đọc cuốn sách là bởi nó viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Mẹ nhìn da dẻ mình nhợt nhạt trở lại trong gương. Suốt tuần thứ hai của học kỳ, mẹ mua một chiếc xe đạp cũ rồi đạp quanh ghim những tờ giấy ghi: CẦN TÌM GIA SƯ TIẾNG HEBREW, bởi mẹ học ngôn ngữ dễ dàng và bởi mẹ muốn hiểu được cha. Vài người đăng ký nhưng chỉ có một không lui bước khi mẹ phân trần rằng bà không thể trả tiền; đó là một chàng trai mặt mụn đến từ thành phố Haifa của Israel tên Nehemia, cũng là sinh viên năm thứ nhất, cũng nghèo như mẹ và cảm thấy - theo như lá thư mẹ viết cho cha - việc có một cô gái ở bên đã đủ là lý do để đồng ý gặp nhau hai lần một tuần tại phòng tự học King’s Arms, chỉ để nhận số tiền đủ để trả tiền bia. Mẹ tôi còn tự học tiếng Tây Ban Nha qua một cuốn sách mang tên Tự học tiếng Tây Ban Nha. Bà dành rất nhiều thời gian trong thư viện Bodleian đọc hàng trăm cuốn sách và chẳng kết bạn với ai. Bà yêu cầu mượn nhiều sách đến nỗi bất kỳ khi nào trông thấy mẹ tôi tới, nhân viên thủ thư cũng cố gắng trốn. Vào cuối năm đó, mẹ dẫn đầu một trong số các kỳ thi ở trường rồi bất chấp sự phản đối của cha mẹ, mẹ tôi bỏ học và đến sống cùng cha tôi ở Tel Aviv.

9. ‑Những gì diễn ra sau đó là những năm hạnh phúc nhất trong đời họ

Họ sống trong một căn nhà ngập tràn ánh nắng có hoa giấy phủ trên mái ở Ramat Gan. Cha tôi trồng một cây ô liu, một cây chanh trong vườn và đào quanh mỗi cây một rãnh nhỏ để nước chảy vào. Ban đêm họ nghe âm nhạc Mỹ qua chiếc đài sóng ngắn của ông. Khi các cửa sổ mở và gió thổi đúng hướng, họ có thể thấy hương vị của biển. Cuối cùng họ làm lễ cưới trên bãi biển ở Tel Aviv, kỳ trăng mật là hai tháng du lịch ở Nam Mỹ. Khi hai người trở về, mẹ tôi bắt đầu dịch sách sang tiếng Anh - ban đầu từ tiếng Tây Ban Nha, rồi sau đó cả từ tiếng Hebrew nữa. Năm năm như thế trôi qua, thế rồi cha tôi được mời một công việc ông không thể từ chối - làm cho một công ty Mỹ trong ngành vũ trụ. Truyen8.mobi

10. Họ chuyển tới New York và sinh tôi

Lúc mang bầu tôi, mẹ đọc cả kho sách về đủ các loại chủ đề. Mẹ không thích Mỹ nhưng cũng chẳng ghét. Hai năm rưỡi sau và hết một kho sách nữa, mẹ sinh Bird. Rồi nhà tôi chuyển tới Brooklyn.

11. ‑Tôi sáu tuổi khi cha tôi bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy

Năm đó mẹ và tôi đang đi xe hơi cùng nhau. Mẹ bảo tôi đưa cho bà cái túi. “Con không cầm,” tôi đáp. “Có khi nó ở đằng sau,” mẹ nói. Nhưng nó không ở phía sau xe. Mẹ tấp xe vào lề đường và tìm trong xe, nhưng vẫn không thấy đâu. Mẹ ôm đầu và cố nhớ xem mình đã bỏ cái túi ở đâu. Mẹ lúc nào cũng làm mất các thứ. “Có ngày,” mẹ nói, “mẹ sẽ đánh mất cả đầu mình cũng nên.” Tôi cố gắng hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ đánh mất đầu. Vậy nhưng rốt cuộc cha tôi mới là người mất mọi thứ: cân nặng, tóc, nhiều cơ quan nội tạng.

12. ‑Ông thích nấu nướng, cười và hát, có thể đánh lửa bằng tay, sửa đồ bị hỏng, lý giải bằng cách phòng mọi thứ lên vũ trụ, nhưng ông mất trong vòng chín tháng

13. ‑Cha tôi không phải nhà văn nổi tiếng của Nga

Ban đầu mẹ tôi giữ nguyên mọi thứ như cha tôi đã để lại. Theo Misha Shklovsky, đó là điều người ta làm với nhà của các nhà văn nổi tiếng ở Nga. Nhưng cha tôi không phải nhà văn nổi tiếng. Ông thậm chí còn chẳng phải người Nga. Rồi một hôm tôi đi học về và mọi dấu vết rõ ràng về ông đã biến mất. Các tủ đã được dọn sạch quần áo của ông, đôi giày nằm cạnh cửa không còn ở đó và ngoài phố, cạnh một chồng các túi đựng rác là chiếc ghế cũ của ông. Tôi lên phòng mình và theo dõi từ cửa sổ. Trên vỉa hè, gió cuốn những chiếc lá lăn qua cái ghế trên vỉa hè. Một ông già bước qua và ngồi vào đó. Tôi ra ngoài và lôi chiếc áo len của cha ra khỏi thùng rác. Truyen8.mobi

14. Ở tận cùng thế giới

Sau khi cha tôi mất, cậu Julian - em trai của mẹ và là một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật sống ở London - gửi cho tôi một con dao nhíp Thụy Sĩ mà cậu bảo là của cha. Nó có ba lưỡi khác nhau, một cái mở nút chai, một chiếc kéo nhỏ, một chiếc nhíp và một cái tăm. Trong bức thư gửi kèm con dao, cậu Julian nói rằng một lần cha đã cho cậu mượn con dao này khi đi cắm trại ở Pyreneees, rằng cậu đã hoàn toàn quên mất cho đến tận bây giờ, cậu nghĩ có thể tôi muốn có nó. Cháu phải cẩn thận, cậu viết, vì lưỡi dao sắc. Dao này được chế tạo nhằm giúp cháu tồn tại được ở nơi hoang dã. Cậu không biết bởi cậu với mợ Frances thuê phòng khách sạn sau khi mưa đổ xuống đầu bọn cậu ngay đêm đầu tiên, biến bọn cậu thành những kẻ ngớ ngẩn. Bố cháu là người dã ngoại giỏi hơn cậu nhiều. Một lần ở Negev, cậu thấy ông ấy hứng nước chỉ bằng một cái phễu với một miếng vải dầu. Ông ấy còn biết tên của mọi loài thực vật và biết liệu có ăn được loại đó không. Cậu biết là không an ủi được bao nhiêu, nhưng nếu cháu tới London, cậu sẽ nói cho cháu tên của tất cả những nơi ở Tây Bắc London có cà ri và liệu có thể ăn được cà ri ở đó không. Yêu cháu, cậu Julian. Tái bút: Đừng nói với mẹ cháu là cậu gửi thứ này cho cháu, nếu không bà ấy lại nổi giận với cậu mà nói rằng cháu còn quá trẻ. Tôi kiểm tra các bộ phận khác nhau, lấy móng tay gẩy từng thứ ra và dùng ngón tay để kiểm tra độ sắc của các lưỡi.

Tôi quyết định sẽ học cách tồn tại ở nơi hoang dã như cha tôi. Đó là điều có ích cần biết, phòng khi có chuyện xảy ra với mẹ, để lại tôi và Bird tự xoay xở. Tôi không nói cho mẹ biết về con dao bởi cậu Julian thực sự muốn đó là một bí mật, hơn nữa làm sao mẹ để cho tôi một mình cắm trại trong rừng nếu như mẹ thậm chí còn chẳng cho tôi đi hết nửa khu nhà?

15. ‑Bất cứ khi nào tôi đi chơi, mẹ đều muốn biết chính xác tôi sẽ đến đâu

Khi tôi về, mẹ sẽ gọi tôi vào phòng bà, ôm tôi trong vòng tay và hôn tôi chi chít. Mẹ sẽ xoa tóc tôi và nói, “Mẹ yêu con biết bao,” và khi tôi hắt hơi bà sẽ nói, “Cầu Chúa phù hộ cho con, con biết mẹ yêu con nhường nào, phải không?” và khi tôi đứng dậy lấy khăn giấy mẹ sẽ nói “Để mẹ lấy cho, mẹ yêu con nhiều lắm,” và khi tôi tìm bút để làm bài tập thì bà nói, “Dùng bút của mẹ ấy, bất kỳ thứ gì cũng dành cho con,” rồi khi tôi bị ngứa ở chân, mẹ tôi nói “Chỗ này à, để mẹ ôm con,” và khi tôi nói tôi chuẩn bị lên phòng, bà nói với theo, “Điều gì mẹ cũng có thể làm cho con mẹ yêu con b b lắm,” và tôi luôn muốn nói một điều, nhưng chưa bao giờ nói: Hãy yêu con ít hơn.

16. Mọi thứ đều được biến thành lý do

Một hôm mẹ dậy khỏi cái giường mẹ đã nằm suốt gần một năm. Cứ như lần đầu tiên chúng tôi được trông thấy mẹ không phải qua những cốc nước dần xếp quanh giường bà mà đôi lúc khi thấy buồn chán, Bird cố làm chúng kêu bằng một ngón tay ướt chạy quanh rìa cốc. Mẹ làm mì ống pho mát - một trong những món ít ỏi bà biết nấu. Chúng tôi vờ như đó là món tuyệt vời nhất từng được ăn. Một buổi chiều mẹ tách tôi riêng ra. “Từ bây giờ,” mẹ nói, “mẹ sẽ đối xử với con như một người trưởng thành.” Tôi chỉ mới tám tuổi, tôi muốn bảo vậy nhưng lại không nói. Mẹ bắt đầu làm việc trở lại. Mẹ đi khắp nhà trong bộ kimono in hoa đỏ và tới bất cứ nơi nào bà cũng để lại phía sau một dải những trang giấy đã vò nát. Trước khi cha mất, mẹ là người gọn gàng. Nhưng bây giờ nếu bạn muốn tìm bà, tất cả những gì bạn phải làm là đi theo những trang giấy đầy các từ ngữ bị gạch và ở cuối dải giấy, bà sẽ ngồi đó nhìn ra cửa sổ hoặc nhìn vào một cốc nước như thể trong đó có một con cá mà chỉ bà mới có thể trông thấy. Truyen8.mobi

17. Cà rốt

Bằng tiền tiêu vặt, tôi mua một cuốn sách nhan đề Các loài hoa và cây ăn được ở Nam Mỹ. Tôi đã học được rằng ta có thể loại chất đắng ra khỏi quả sồi bằng cách đun trong nước, rằng các loài hồng dại có thể ăn được, rằng ta nên tránh bất kỳ thứ gì có mùi quả hạnh, có kiểu lá ba chẽ, hoặc có nhựa giống như sữa. Tôi cố gắng hết sức định danh được thật nhiều loài thực vật trong công viên Prospect. Vì tôi biết rằng phải lâu nữa mình mới có thể nhận biết mọi loài thực vật và bởi luôn có khả năng tôi buộc phải tồn tại ở một nơi khác ngoài Nam Mỹ, tôi còn ghi nhớ cả Phương pháp chung kiểm tra khả năng ăn được. Thật hay khi biết phương pháp này bởi một số loài cây độc - chẳng hạn độc cần - có thể trông giống một số loài cây ăn được như cà rốt và củ cải vàng. Để thực hiện cuộc kiểm tra, trước tiên ta phải không ăn uống trong tám giờ. Rồi bạn phải tách cây thành các bộ phận khác nhau - rễ, lá, thân, chồi, hoa - và chà thử một phần nhỏ của một bộ phận vào mặt trong của cổ tay. Nếu không có gì xảy ra, chạm nó vào phía trong của môi ta trong vòng ba phút, nếu sau đó không có gì xảy ra, giữ nó trên lưỡi ta trong mười lăm phút. Nếu vẫn không có gì xảy ra, ta có thể nhai nó mà không nuốt và giữ thứ đó trong miệng mười lăm phút, nếu tiếp đó không việc gì, nuốt và đợi tám giờ, nếu sau đó không có gì xảy ra, ăn một phần tư chén, và nếu không có gì xảy ra: loài cây đó có thể ăn được.

Tôi cất cuốn Các loài hoa và cây ăn được ở Nam Mỹ vào một chiếc ba lô dưới gầm giường, trong đó còn chứa con dao nhíp Thụy Sĩ của cha tôi, một cái đèn pin, một tấm vải dầu, một chiếc la bàn, một hộp đựng mấy thanh yến mạch, hai gói đậu phộng M&M, ba hộp cá ngừ, một cái mở đồ hộp, băng y tế, một bộ dụng cụ chữa rắn cắn, một bộ đồ lót, một bản đồ hệ thống tàu điện ngầm thành phố New York. Thực sự trong ba lô nên có một viên đá lửa nữa nhưng khi tôi cố mua ở cửa hàng bán đồ dùng, họ không bán cho tôi, hoặc do tôi quá trẻ hoặc do họ nghĩ tôi là kẻ mắc bệnh cuồng phóng hỏa. Trong trường hợp khẩn cấp, ta có thể đánh một tia lửa bằng con dao săn và một mẩu ngọc thạch anh, mã não hay ngọc bích, nhưng tôi không biết tìm ngọc thạch anh, mã não hay ngọc bích ở đâu. Thay vào đó, tôi lấy một ít diêm ở tiệm cà phê trên phố Hai và cho vào một túi có khóa kéo để tránh bị mưa. Truyen8.mobi

Nhân lễ Chanukah, tôi xin được nhận quà là một chiếc túi ngủ. Chiếc túi mẹ tặng tôi in các trái tim màu hồng, làm bằng vải flannel, nó có thể giúp tôi sống được năm giây trong điều kiện nhiệt độ âm, trước khi tôi chết vì giảm thân nhiệt. Tôi hỏi mẹ liệu có thể mang trả lại và mua một chiếc loại dày. “Con dự định ngủ ở đâu, Nam Cực hả?” mẹ hỏi. Tôi nghĩ, Ở đó hoặc dãy Andes ở Peru, bởi vì đó là nơi cha đã từng cắm trại. Để chuyển chủ đề, tôi nói cho mẹ về độc cần, cà rốt dại và củ cải vàng, nhưng hóa ra đó là ý tưởng tồi bởi hai mắt mẹ nhòe đi, khi tôi hỏi có chuyện gì thì bà bảo không có gì, chỉ là nó khiến mẹ nhớ tới những củ cà rốt cha từng trồng trong vườn hồi ở Ramat Gan. Tôi muốn hỏi mẹ xem ngoài một cây ô liu, một cây chanh và cà rốt, cha còn thường trồng gì nữa, nhưng tôi không muốn làm mẹ buồn hơn.

Tôi bắt đầu lập một cuốn sổ tên là Làm thế nào tồn tại được ở nơi hoang dã.

18. Mẹ tôi chưa bao giờ ngừng yêu cha

Mẹ tôi đã duy trì tình yêu với cha nguyên vẹn như mùa hè họ gặp nhau lần đầu. Để làm được điều này, mẹ quay lưng lại với cuộc sống. Thi thoảng mẹ gắng sống vài ngày chỉ bằng nước và không khí. Mẹ là sinh vật phức tạp duy nhất làm việc này, nên có một loài mới đặt theo tên mẹ mới đúng. Một lần cậu Julian giải thích cho tôi điều nhà điêu khắc, họa sĩ Alberto Giacometti nói, rằng đôi khi chỉ để vẽ một cái đầu, ta phải bỏ đi toàn bộ cơ thể. Để vẽ một chiếc lá, ta phải hy sinh cả khung cảnh. Ban đầu có vẻ giống như ta đang tự giới hạn mình, song sau một thời gian ta nhận thấy rằng sở hữu một phần nhỏ nhoi của thứ gì đó giúp ta có cơ hội nắm giữ một cảm xúc cụ thể của vũ trụ hơn khi ta vờ như đang có cả bầu trời. Truyen8.mobi

Mẹ tôi đã không chọn một chiếc lá hay cái đầu. Mẹ đã chọn cha, và để nắm giữ một cảm xúc cụ thể, bà đã hy sinh cả thế giới.

19. ‑Bức tường làm bằng từ điển ngăn mẹ tôi với thế giới mỗi năm một cao thêm

Đôi khi các trang từ điển long ra và nằm cả dưới chân mẹ, shallon, shalop, shallot, shallow, shalom, sham, shaman, shamble, như những cánh của một bông hoa khổng lồ. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng những trang giấy nằm trên sàn là những từ mẹ sẽ không bao giờ sử dụng được nữa, tôi cố gắng dán chúng trở lại chỗ cũ vì sợ rằng một ngày mẹ sẽ yên lặng.

20. ‑Kể từ khi cha mất, mẹ tôi mới hẹn hò hai lần

Cuộc hẹn hò đầu tiên cách đây năm năm (khi tôi mười tuổi) với một biên tập viên béo ị người Anh làm ở một trong số các nhà xuất bản các bản dịch của mẹ. Ở ngón út tay trái, ông ta đeo một chiếc nhẫn gắn gia huy có thể phải cũng có thể không phải của ông ta. Bất kỳ khi nào nói về bản thân, ông ta đều khua bàn tay ấy. Có một cuộc nói chuyện đã khẳng định một điều là mẹ tôi và người đàn ông tên Lyle này đã học ở Oxford cùng một thời gian. Dựa vào sự trùng hợp này, ông ta mời mẹ tôi đi chơi. Đã có nhiều người đàn ông mời mẹ ra ngoài và bà luôn nói Không. Vì lý do nào đó, lần này bà đồng ý. Vào tối thứ Bảy, mẹ xuất hiện trong phòng khách với mái tóc bới cao, quàng chiếc khăn đỏ cha tôi đã mua cho bà ở Peru. “Mẹ trông thế nào?” bà hỏi. Mẹ trông đẹp, nhưng có gì đó không phải khi mẹ quàng chiếc khăn ấy. Không có thời gian để nói gì bởi đúng lúc đó Lyle đã đến cửa trước, thở hổn hển. Ông ta thả người trên ghế sofa để hồi sức. Tôi hỏi liệu ông có biết gì về cách tồn tại ở nơi hoang dã, ông ta nói, “Có chứ.” Tôi hỏi liệu ông có biết sự khác biệt giữa độc cần và cà rốt dại, ông ta tường thuật cho tôi một cách chi tiết về những khoảnh khắc cuối cùng của một cuộc đua thuyền ở Oxford, trong đó thuyền của ông lao về phía trước để giành chiến thắng trong ba giây cuối cùng. “Chúa ơi,” tôi nói, theo cách có thể hiểu là mỉa mai. Lyle còn hồi tưởng lại những kỷ niệm tuyệt vời về chuyện đi thuyền thúng trên sông Cherwell_. Mẹ tôi bảo không biết bởi bà chưa bao giờ đi thuyền thúng trên sông Cherwell. Tôi nghĩ, Vâng, con chẳng ngạc nhiên.

Sau khi họ đi, tôi thức xem một chương trình truyền hình về loài hải âu lớn ở Nam Cực: chúng có thể di chuyển nhiều năm mà không chạm đất, ngủ giữa trời, uống nước biển, khóc ra muối, năm này sang năm khác đều trở lại để nuôi những đứa con với cùng một bạn đời. Chắc chắn tôi đã ngủ quên bởi khi tôi nghe tiếng chìa khóa của mẹ trong ổ thì đã gần một giờ sáng. Vài lọn tóc rơi xuống quanh cổ còn mascara đã nhòe ra, nhưng khi tôi hỏi chuyện ra sao thì mẹ nói rằng mẹ có biết mấy con đười ươi còn nói chuyện thú vị hơn nhiều.

Một năm sau, Bird gãy cổ tay khi cố nh 8000 y qua ban công nhà hàng xóm, vị bác sĩ cao và gù cấp cứu cho nó muốn hẹn hò với mẹ. Có thể do cách ông ấy làm cho Bird cười được ngay cả khi cổ tay nó bị gập một góc kinh khủng, lần thứ hai kể từ khi cha mất, mẹ nói Được. Tên ông bác sĩ là Henry Lavender, tôi nghĩ đó là dấu hiệu tốt (Alma Lavender!). Khi chuông cửa reo, Bird đâm bổ xuống gác, người trần trùng trục, bỏ đĩa “That’s Amore” vào máy quay đĩa và lại bổ lên gác. Mẹ tôi chạy xuống gác, trên người không quàng chiếc khăn đỏ, nhấc kim của máy quay lên. Chiếc máy chạy đĩa rít lên một tiếng. Nó im lặng xoay lúc Henry Lavender bước vào, nhận một cốc vang trắng lạnh và kể cho chúng tôi nghe về bộ sưu tập vỏ các loài sinh vật biển của mình - phần nhiều trong số đó ông đã tự lặn lấy về trong các chuyến đi tới Philippines. Tôi tưởng tượng ra tương lai chúng tôi bên nhau, ông sẽ đưa mẹ con tôi tham gia các chuyến lặn thám hiểm, dưới làn nước biển cả bốn chúng tôi mỉm cười với nhau qua mặt nạ lặn. Sáng hôm sau tôi hỏi mẹ tình hình ra sao. Mẹ bảo ông ấy là người đàn ông tốt một cách hoàn hảo. Tôi thấy đây là điều tích cực nhưng chiều hôm đó khi Henry Lavender gọi tới thì mẹ đang ở siêu thị và không gọi lại cho ông. Hai ngày sau ông gọi thêm lần nữa. Lần này mẹ tôi đang đi dạo trong công viên. Tôi hỏi, “Mẹ sẽ không gọi lại cho ông ấy à?” và mẹ đáp, “Không.” Khi Henry Lavender gọi lần thứ ba, mẹ đang mải mê với một cuốn truyện ngắn, cứ liên tục thốt lên rằng tác giả này nên được truy tặng giải Nobel. Mẹ tôi lúc nào cũng nói về truy tặng giải Nobel. Tôi cầm chiếc máy con lẻn vào bếp. “Bác sĩ Lavender ạ?” tôi nói. Và rồi tôi nói với ông rằng tôi nghĩ mẹ tôi thực sự thích ông và mặc dù một người bình thường có lẽ sẽ cảm thấy rất vui khi nói chuyện với ông và thậm chí còn hẹn hò lần nữa nhưng, tôi đã biết mẹ mình được mười một năm rưỡi và bà chưa bao giờ làm điều gì bình thường. Truyen8.mobi

21. ‑Tôi nghĩ đó chỉ là vì mẹ chưa gặp được người phù hợp

Có vẻ như việc mẹ mặc bộ pyjama suốt ngày ở nhà dịch sách của những tác giả hầu hết đã chết chẳng giúp giải quyết được các vấn đề là mấy. Đôi khi mẹ mắc ở một câu nào đó suốt vài giờ và đi loanh quanh như một con chó mắc xương cho tới khi bà rít lên, “NGHĨ RA RỒI!” và tất tưởi chạy về bàn làm việc đào cái hố và chôn khúc xương xuống. Tôi quyết định tự lo mọi thứ. Một hôm một bác sĩ thú y tên Tucci đến nói chuyện với lớp sáu của tôi. Ông có giọng nói dễ chịu, một con vẹt xanh tên Gordo đậu trên vai ông và đăm đăm ngó ra cửa sổ vẻ đầy tâm trạng. Ông còn có một con cự đà, hai con chồn sương, một con rùa đất Bắc Mỹ, mấy con nhái bén, một con vịt gãy một cánh và một con trăn Mỹ nhiệt đới có tên Mahatma mới lột xác không lâu. Ông nuôi hai con lạc đà không bướu ở vườn sau. Sau buổi học, khi tất cả những đứa khác đang sờ mó Mahatma, tôi hỏi Tucci có vợ không; với vẻ mặt bối rối, ông nói Không, tôi hỏi xin danh thiếp của ông. Trên đó in hình một con khỉ, thế là vài đứa hết quan tâm tới con trăn và cũng quay ra đòi xin danh thiếp.

Đêm đó tôi kiếm một bức ảnh đẹp chụp mẹ mặc đồ tắm và gửi cho bác sĩ Frank Tucci, kèm theo một bản đánh máy liệt kê những phẩm chất tốt đẹp nhất của bà. Trong số này có CHỈ SỐ THÔNG MINH CAO, ĐỌC NHIỀU, HẤP DẪN (XEM ẢNH), VUI TÍNH. Bird nhìn qua danh sách và sau một chút suy nghĩ, nó gợi ý tôi thêm vào NGOAN CỐ - một từ tôi đã dạy cho nó - và cả CỨNG ĐẦU. Khi tôi nói rằng tôi không nghĩ đó là những phẩm chất tốt đẹp nhất, thậm chí tốt cũng không, Bird nói rằng đưa chúng vào bản liệt kê có thể khiến chúng nghe như thể phẩm chất tốt, và nếu sau đó bác sĩ Tucci đồng ý gặp gỡ mẹ, ông ấy sẽ không thấy nản. Đó có vẻ là một lập luận hợp lý nên tôi thêm vào NGOAN CỐCỨNG ĐẦU. Ở dưới cùng, tôi viết số điện thoại nhà tôi. Rồi tôi gửi qua đường bưu điện. Truyen8.mobi

Một tuần trôi qua, ông ấy không gọi gì. Ba ngày nữa trôi qua và tôi tự hỏi có phải đáng ra tôi không nên viết NGOAN CỐ CỨNG ĐẦU.

Ngày hôm sau điện thoại đổ chuông và tôi nghe thấy mẹ nói, “Frank nào?” Có một khoảng im lặng dài. “Xin lỗi, gì cơ?” Một khoảng im lặng nữa. Rồi mẹ bắt đầu cười như điên. Mẹ bỏ máy và vào phòng tôi. “Chuyện gì vậy mẹ?” tôi ngây thơ hỏi. “Chuyện gì là chuyện gì hả con?” mẹ tôi hỏi thậm chí còn ngây thơ hơn. “Người vừa mới gọi điện ấy,” tôi nói. “Ồ, người đó,” mẹ nói. “Mẹ hy vọng con không phiền lòng, mẹ đã sắp xếp một cuộc hẹn kép gồm mẹ, người dụ rắn, con và Herman Cooper.” Truyen8.mobi

Herman Cooper là cơn ác mộng học lớp tám sống cùng khu chúng tôi, gọi tất cả mọi người là Chim và la ó khi thấy hai hòn cà lớn trên con chó của hàng xóm nhà tôi.

“Con thà liếm vỉa hè còn hơn,” tôi đáp.

22. ‑Năm ấy tôi mặc chiếc áo len của cha suốt bốn mươi hai ngày liên tục

Vào ngày thứ mười hai, tôi đi qua Sharon Newman và lũ bạn của nó ở hành lang. “CÓ VẤN ĐỀ GÌ VỚI CÁI ÁO LEN TỞM LỢM CỦA MÀY THẾ?” nó hỏi. Cút đi mà ăn độc cần ấy, tôi nghĩ và quyết định mặc chiếc áo len của cha tới hết đời. Tôi đã làm thế đến gần hết năm học. Đó là chiếc áo len lông alpaca_(1), đến giữa tháng Năm thì không thể chịu nổi. Mẹ tôi nghĩ rằng đó là sự đau khổ muộn mằn. Nhưng chẳng phải tôi cố gắng thể hiện gì. Tôi làm chỉ vì thích cảm giác khi làm việc ấy.

23. ‑Mẹ tôi treo một tấm ảnh cha tôi trên tường gần bàn làm việc của bà

Một hay hai lần đi qua cửa phòng bà, tôi nghe bà nói chuyện to với tấm ảnh. Mẹ tôi cô đơn ngay cả khi có chúng tôi xung quanh, song lòng tôi vẫn quặn đau khi nghĩ đến điều sẽ xảy ra với bà khi tôi lớn lên, đi xa để bắt đầu cuộc sống riêng đến cuối đời mình. Những lúc khác tôi tưởng tượng mình sẽ không bao giờ có thể ra đi.

24. Tất cả bạn bè tôi từng có đều đã đi xa Truyen8.mobi

Vào ngày sinh nhật thứ mười bốn của tôi, Bird đánh thức tôi bằng cách nhảy lên giường tôi và hát bài “Vì cô ấy là người bạn tốt.” Nó tặng tôi một thanh sô cô la Hershey đã chảy nước và một cái mũ len đỏ nó lấy từ Văn phòng Tiếp nhận và Hoàn trả Đồ thất lạc. Tôi nhặt một sợi tóc xoăn vàng hoe ra khỏi cái mũ và đội suốt từ lúc đó đến hết ngày. Mẹ tặng tôi một cái áo có mũ trùm đầu đã được kiểm tra bởi Tenzing Norgay - người vùng Himalaya đã leo lên đỉnh Everest cùng Ngài Edmund Hillary, một chiếc mũ phi công bằng da tương tự loại mũ Antoine de Saint-Exupéryđã đội, ông là một trong những người anh hùng của tôi. Hồi tôi sáu tuổi cha đã đọc cho tôi nghe Hoàng tử bé và kể Saint-Ex là vị phi công vĩ đại thế nào khi mạo hiểm tính mạng của mình để mở các tuyến bưu chính tới những vùng xa xôi. Cuối cùng ông bị một phi công Đức bắn hạ, cả ông và máy bay của mình mất tích vĩnh viễn ở biển Địa Trung Hải.

Cùng với chiếc áo khoác và mũ phi công, mẹ còn tặng tôi cuốn sách của một tác giả tên Daniel Eldridge - mẹ nói rằng ông ấy đáng được trao giải Nobel nếu người ta có trao cho các nhà cổ sinh vật học. “Ông ấy chết rồi hả mẹ?” tôi hỏi. “Sao con lại hỏi thế?” “Chẳng sao cả,” tôi đáp. Bird hỏi nhà cổ sinh vật học là gì, mẹ nói rằng nếu nó mang một cuốn sách hướng dẫn đầy đủ, minh họa chi tiết tới Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, xé sách thành một trăm mảnh và cho gió ở thềm bảo tàng cuốn đi, để vài tuần trôi qua, trở lại và tìm kiếm tận lực cả Đại lộ Năm và Công viên Trung tâm để có được những mảnh còn lại rồi xây dựng lại lịch sử hội họa gồm cả các trường học, các trường phái, thể loại, tên của các danh họa từ những mảnh ấy, làm thế sẽ giống một nhà cổ sinh vật học. Điểm khác biệt duy nhất là các nhà cổ sinh vật học nghiên cứu các hóa thạch để tìm ra nguồn gốc và quá trình phát triển của sự sống. Mọi đứa trẻ mười bốn tuổi đều cần biết chút gì đó về gốc gác của mình, mẹ nói. Chẳng hay gì khi sống mà chẳng biết mô tê gì về chuyện quá trình ấy bắt đầu ra sao. Rồi rất nhanh, như thể đó không phải đó là mục đích chính mẹ tặng tôi cuốn sách, mẹ nói rằng cuốn sách đó trước đây là của cha. Bird vội vàng chạy lại và sờ vào bìa sách. Truyen8.mobi

Cuốn sách có tên Những điều ta chưa biết về sự sống. Ở bìa sau có ảnh của Eldridge. Ông có đôi mắt đen với hàng mi dày, râu quai nón, đang cầm hóa thạch của một con cá trông dễ sợ. Bên dưới chú thích ông là giáo sư của Đại học Columbia. Đêm đó tôi bắt đầu đọc cuốn sách. Tôi nghĩ có thể cha đã ghi chú một chút ở lề sách nhưng không phải thế. Dấu hiệu duy nhất của ông là cái tên ở mặt trong bìa sách. Cuốn sách kể chuyện Eldridge và một số nhà khoa học đã xuống đáy đại dương bằng một chiếc tàu lặn và phát hiện ra các miệng thủy nhiệt ở những nơi các mảng vỏ kiến tạo gặp nhau là nơi phun ra những luồng khí giàu khoáng chất nóng tới 700 độ. Trước đó các nhà khoa học vẫn nghĩ rằng đáy biển là nơi hoang vu có rất ít hoặc không có sự sống. Nhưng thứ mà Eldridge và các đồng nghiệp của ông quan sát được dưới ánh đèn của chiếc tàu lặn là hàng trăm sinh vật mà con người chưa bao giờ nhìn thấy, cả một hệ sinh thái mà người ta nhận ra rằng đã có từ rất, rất lâu. Họ gọi đó là sinh quyển bóng tối. Dưới đó có rất nhiều miệng thủy nhiệt và chẳng mấy chốc họ biết được rằng có những vi sinh vật sống trên lớp đá quanh các miệng thủy nhiệt ấy ở nhiệt độ đủ làm chì tan chảy. Khi mang một số sinh vật ấy lên mặt nước, họ ngửi thấy mùi trứng thối. Họ nhận ra rằng các sinh vật kỳ lạ này sống nhờ vào hydro-sulphide phát ra từ các miệng thủy nhiệt rồi thải ra lưu huỳnh giống như kiểu thực vật trên mặt đất tạo ra oxy. Theo cuốn sách của tiến sĩ Eldridge, những gì họ đã phát hiện ra không kém gì một ô cửa trên lộ đồ những phản ứng hóa học đã dẫn đến bình minh của tiến hóa cách đây vài tỷ năm.

Tư tưởng về tiến hóa thật hay mà cũng thật buồn. Kể từ khi có sự sống đầu tiên trên trái đất, đã có từ năm đến năm mươi tỷ loài, trong đó chỉ còn năm tới năm mươi triệu loài còn tồn tại đến giờ. Như vậy là chín mươi chín phần trăm tổng số loài từng tồn tại trên trái đất đã tuyệt chủng.

25. Em trai tôi - Messiah

Khi tôi đang đọc sách, Bird vào phòng tôi và leo lên giường. Nó nhỏ bé so với một đứa mười một tuổi rưỡi. Nó tì cái chân nhỏ và lạnh vào chân tôi. “Kể cho em nghe chút gì về bố đi,” nó thì thầm. “Em quên cắt móng chân rồi,” tôi nói. Nó day hai mắt cá vào bắp chân tôi. “Kể đi nào!” nó van vỉ. Tôi cố gắng nghĩ, và bởi vì tôi không thể nhớ nổi điều gì mà tôi chưa kể cho nó nghe tới vài trăm lần, tôi bịa ra một điều. “Bố thích leo vách đá,” tôi nói. “Bố là người leo giỏi. Một lần bố leo lên một tảng đá nằm cao phải hơn sáu mươi mét. Chị nghĩ là một nơi nào đó ở Negev.” Bird phả hơi thở nóng của nó vào cổ tôi. “Masada hả?” nó hỏi. “Cũng có thể,” tôi đáp. “Bố rất thích thế. Đó là một sở thích,” tôi nói. “Bố có thích khiêu vũ không?” Bird hỏi. Tôi chẳng biết bố có thích khiêu vũ hay không nhưng vẫn nói, “Bố thích khiêu vũ. Bố còn nhảy được điệu tango nữa kia. Bố đã học điệu ấy ở Buenos Aires. Bố với mẹ khiêu vũ suốt. Bố dịch bàn uống cà phê vào sát tường và dùng cả phòng. Bố thường nâng bổng mẹ lên, hạ mẹ thấp xuống rồi hát vào tai mẹ.” “Có em ở đó không?” “Chắc chắn có chứ,” tôi nói. “Bố thường ném em lên không rồi bắt lấy.” “Làm thế nào bố biết được là sẽ không đánh rơi em?” “Chỉ là bố biết thế thôi.” “Bố gọi em là gì?” “Nhiều lắm.” “Anh bạn, Cậu nhỏ, Cu.” Vừa tiếp tục tôi vừa bịa ra. Bird trông có vẻ không tin. “Người Juda dòng Maccabee,” tôi nói. “Thuần Maccabee. Mac.” “Bố hay gọi em là gì nhất?” “Chị đoán là Emmanuel.” Tôi giả vờ ngẫm nghĩ. “Không, đợi tí. Là Manny. Bố hay gọi em là Manny.” “Manny,” Bird nói và gọi thử. Nó cuộn mình lại vào sát tôi hơn. “Em muốn nói với chị một bí mật,” nó thì thầm. “Vì hôm nay là sinh nhật chị.” “Gì vậy?” “Trước tiên chị phải hứa tin em đã.” “OK.” “Hãy nói ‘Chị hứa’ đi.” “Chị hứa.” Bird hít một hơi sâu. “Em nghĩ có lẽ mình là một thiên sứ.” “Một gì?” “Một trong số các thiên sứ,” nó thì thào. “Ba mươi sáu nhân vật thần thánh.” “Ba mươi sáu người thần thánh gì cơ?” “Những người mà sự tồn tại của thế giới phụ thuộc vào họ ấy.” “Ồ, những người đó hả. Đừng có…” “Chị đã hứa rồi,” Bird nói. Tôi không nói gì. “Lúc nào cũng có ba mươi sáu,” nó thì thầm. “Không, chẳng ai biết họ là ai. Chỉ có những lời cầu nguyện của họ đến được tai Chúa. Đó là điều ông Goldstein bảo.” “Và em nghĩ em là một trong số họ,” tôi nói. “Ông Goldstein còn nói gì nữa?” “Ông ấy bảo là khi Messiah đến, ông ấy sẽ trở thành một trong các thiên sứ. Ở mọi thế hệ đều có một người có khả năng trở thành Messiah. Có thể ông ấy đủ khả năng hoặc có thể ông ấy không đủ. Có thể thế giới đã sẵn sàng cho ông ấy hoặc có thể là không. Thế thôi.” Tôi nằm trong bóng tối, cố gắng nghĩ đến điều gì phù hợp để nói ra. Lòng tôi bắt đầu thắt lại. Truyen8.mobi

26. Tình hình lên đến mức nghiêm trọng

Thứ Bảy tuần sau đó tôi bỏ cuốn Những điều ta chưa biết về sự sống vào ba lô và bắt tàu điện ngầm lên Đại học Columbia. Tôi lang thang trong khuôn viên của trường mất bốn mươi lăm phút cho tới khi tìm thấy văn phòng của Eldridge trong tòa nhà dành cho môn Khoa học Trái đất. Khi tôi tới đó, thư ký đang ăn đồ mua về bảo là tiến sĩ Eldridge không có ở văn phòng. Tôi nói sẽ chờ, ông thư ký bảo có lẽ tôi nên đến vào lúc khác bởi tiến sĩ Eldridge sẽ vắng mặt vài giờ. Tôi nói với ông ta là tôi không nề gì. Ông ta quay lại với túi đồ ăn của mình. Trong lúc chờ đợi, tôi đọc một số của tạp chí Hóa thạch. Rồi tôi hỏi viên thư ký - đang cười to vì thứ gì đó trên máy tính của ông ta - liệu ông ấy có nghĩ rằng tiến sĩ Eldridge sẽ sớm quay lại không. Ông ta ngừng cười và ngó tôi như thể tôi vừa làm hỏng mất khoảnh khắc quan trọng nhất đời ông ta vậy. Tôi trở lại chỗ ngồi của mình và đọc một số của tạp chí Nhà cổ sinh vật ngày nay.

Thấy đói nên tôi đi dọc hành lang và mua một gói bánh quy kẹp kem Devil Dogs từ máy bán hàng tự động. Rồi tôi ngủ quên mất. Khi tôi tỉnh dậy, viên thư ký đã đi khỏi. Cửa phòng Eldridge đang mở, các đèn bật sáng. Bên trong, một ông già tóc bạc đang đứng cạnh một tủ đựng hồ sơ phía dưới một tấm áp phích ghi: TỪ ĐÓ KHÔNG CÓ NGUỒN GỐC, SINH RA MỘT CÁCH TỰ PHÁT, XUẤT HIỆN NHỮNG PHẦN TỬ ĐẦU TIÊN CỦA TRÁI ĐẤT CÓ SỰ SỐNG - ERASMUS DARWIN.

“Mà nói thật, tôi đã không hề nghĩ về lựa chọn đó,” ông già nói vào điện thoại. “Tôi ngờ rằng ông ta thậm chí còn không muốn nộp đơn. Dù sao đi nữa tôi nghĩ chúng tôi đã có đúng người mình cần. Tôi sẽ phải nói chuyện với khoa, nhưng chúng ta hãy cứ nói rằng mọi thứ đang có vẻ ổn.” Ông trông thấy tôi đứng ở cửa và ra hiệu rằng chút nữa sẽ xong việc. Tôi đang chuẩn bị nói là Vâng, cháu đang đợi tiến sĩ Eldridge, thì ông xoay lưng lại và ngó ra ngoài cửa sổ. “Tốt, tôi mừng khi được nghe thế. Tôi phải cúp máy đây. Vâng, được rồi. Chúc may mắn. Tạm biệt.” Ông quay về phía tôi. “Rất xin lỗi,” ông nói. “Tôi có thể giúp gì được cháu?” Tôi gãi cánh tay và nhận thấy ghét ở móng tay mình. “Ông không phải tiến sĩ Eldridge đúng không ạ?” tôi hỏi. “Tôi đây,” ông nói. Tim tôi thắt lại. Hẳn là bức ảnh trong cuốn sách phải chụp được ba mươi năm rồi. Tôi chẳng phải nghĩ lâu mới biết rằng ông không thể giúp được gì việc tôi tới nhờ, bởi ngay cả khi ông xứng đáng được nhận giải Nobel do là nhà cổ sinh vật học vĩ đại nhất còn sống, ông cũng xứng đáng nhận một giải là người già nhất nữa. Truyen8.mobi

Tôi không biết nói gì. “Cháu đã đọc cuốn sách của ông,” cuối cùng tôi cũng gắng thốt được thành lời, “và cháu đang nghĩ đến chuyện trở thành một nhà cổ sinh vật học.” Ông nói, “Này, đừng có vẻ thất vọng như thế.”

27. ‑Một việc tôi sẽ không bao giờ làm khi lớn lên

Đó là yêu, bỏ học đại học, học cách sống bằng nước và không khí, có một loài đặt theo tên mình, hủy hoại cuộc sống của mình. Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường nhìn tôi bằng một ánh mắt kỳ lạ rồi nói, “Một ngày nào đó con sẽ yêu.” Tôi muốn nói nhưng lại chưa bao giờ nói: Không, một triệu năm nữa cũng không.

Đứa con trai duy nhất tôi từng hôn là Misha Shklovsky. Anh họ nó dạy cho nó hồi ở Nga - nơi nó sống trước khi chuyển tới Brooklyn, rồi nó dạy cho tôi. “Không dùng lưỡi mấy,” là tất cả những gì nó nói.

28. ‑Có hàng trăm thứ có thể làm thay đổi cuộc đời bạn; Thư từ là một

Năm tháng trời trôi qua và tôi gần như đã từ bỏ việc tìm ai đó làm cho mẹ hạnh phúc. Rồi chuyện này xảy ra: vào giữa tháng Hai năm ngoái, một lá thư xuất hiện, được đánh máy trên giấy thư màu xanh chuyển qua đường máy bay, dấu bưu điện gửi từ Venice, rồi được nhà xuất bản mà mẹ cộng tác chuyển tiếp. Bird trông thấy thư trước và mang đến cho mẹ hỏi liệu nó được lấy những con tem hay không. Lúc ấy chúng tôi đang ở cả trong bếp. Mẹ mở thư và đọc khi vẫn đang đứng. Rồi mẹ đọc lần thứ hai và ngồi xuống. “Chuyện này lạ thật,” mẹ nói. “Gì cơ mẹ?” tôi hỏi. “Ai đó viết thư cho mẹ về cuốn Lịch sử tình yêu. Cuốn sách mà bố mẹ lấy tên nhân vật đặt cho con ấy.” Mẹ đọc to lá thư cho chúng tôi nghe.

Thưa bà Singer,

Tôi vừa mới đọc xong bản bà dịch những bài thơ của Nicanor Parra, người mà như bà nói, “đeo trên ve áo một nhà du hành vụ trụ Nga nho nhỏ và mang trong túi những bức thư của một người phụ nữ đã bỏ ông để đến với một người khác.” Nó đang nằm ở đây, bên cạnh tôi, trên chiếc bàn trong phòng tôi ở một khách sạn nhỏ nhìn ra Grand Canal_(1). Tôi không biết nói gì về nó trừ một điều là nó đã làm cho tôi xúc động theo đúng cách người ta hy vọng khi bắt đầu đọc một cuốn sách. Ý tôi là theo cách tôi hầu như không thể biểu đạt nổi, nó đã làm thay đổi con người tôi. Nhưng tôi sẽ không nói về chuyện ấy. Sự thực là tôi viết thư không phải để cảm ơn bà mà để làm một việc có lẽ nghe như một đề nghị kỳ quặc. Trong lời giới thiệu của bà, bà đã nhắc tới một nhà văn quá cố ít tên tuổi Zvi Litvinoff, người đã trốn khỏi Ba Lan sang Chile năm 1941 và là người có tác phẩm duy nhất được xuất bản viết bằng tiếng Tây Ban Nha có nhan đề Lịch sử tình yêu. Câu hỏi của tôi là: liệu bà có thể xem xét việc dịch tác phẩm đó? Hoàn toàn bởi vì mục đích sử dụng mang tính cá nhân của tôi thôi; tôi không có ý định xuất bản nó, các quyền liên quan sẽ thuộc về bà nếu bà muốn làm như vậy. Tôi sẵn lòng trả mức giá mà bà cho là hợp lý đối với công việc như vậy. Tôi luôn thấy những vấn đề này khó xử. Chúng ta có thể thống nhất 100.000 đô la không? Chừng đó. Nếu bà cho rằng mức đó quá thấp, xin hãy cho tôi biết.

Tôi đang tưởng tượng phản ứng của bà khi đọc lá thư này, lá thư mà tính đến giờ đã mất khoảng một hay hai tuần nằm ở vùng vịnh này, rồi trải qua một tháng chao đảo trong hệ thống bưu chính của Ý trước khi băng ngang Đại Tây Dương và cuối cùng được chuyển cho Bưu chính Mỹ - cơ quan sẽ đưa nó vào một chiếc bao tải trên chiếc xe được một nhân viên bưu điện đẩy đi, người này sẽ lê bước trong mưa hay tuyết để nhét nó qua khe nhận thư nhà bà, nơi nó sẽ rơi xuống sàn và đợi bà tìm thấy. Và sau khi đã tưởng tượng ra, tôi chuẩn bị tinh thần cho phương án xấu nhất, trong đó bà sẽ coi tôi là một kẻ điên rồ. Song có thể không nhất thiết phải như thế. Có thể nếu tôi nói cho bà biết rằng đã rất lâu rồi, một lần khi tôi đang mơ màng thì có một người đọc cho tôi nghe vài trang của cuốn sách mang tên Lịch sử tình yêu, và rằng trong toàn bộ những năm sau đó tôi không quên nổi đêm ấy, bà sẽ hiểu. Truyen8.mobi

Tôi sẽ cảm kích nếu bà có thể gửi cho tôi thư trả lời tới đây, theo địa chỉ ở trên. Trong trường hợp lá thư tới khi tôi đã đi khỏi, người của khách sạn sẽ chuyển tiếp cho tôi.

                              Rất mong nhận được thư của bà,

                                             Jacob Marcus

Tôi nghĩ, Chúa ơi! Tôi hầu như không tin nổi vận may của chúng tôi và nghĩ đến chuyện tự viết thư cho Jacob Marcus với cái cớ là để giải thích chính Saint-Exupéry là người đã thiết lập khu vực phía Nam cuối cùng của tuyến bưu chính tới Nam Mỹ vào năm 1929, xuyên tới tận mũi lục địa. Jacob Marcus có vẻ quan tâm đến chuyện thư từ và dù sao đi nữa, một lần mẹ tôi đã bảo rằng một phần nhờ sự dũng cảm của Saint-Ex mà Zvi Litvinoff - tác giả của Lịch sử tình yêu - có thể nhận được những lá thư cuối cùng từ gia đình và bạn bè ở Ba Lan. Ở cuối thư tôi sẽ thêm điều gì đó về chuyện mẹ tôi vẫn còn một mình. Nhưng tôi nghĩ lại và đổi ý - phòng trường hợp bằng cách nào đó bà phát hiện ra, làm hỏng hết thứ đã bắt đầu một cách suôn sẻ - và không can thiệp gì vào chuyện này. Một trăm ngàn đô la là món tiền lớn. Nhưng tôi biết rằng giả sử Jacob Marcus có đề nghị trả ít đến thế nào đi chăng nữa thì mẹ tôi vẫn sẽ đồng ý làm việc đó.

29. ‑Mẹ thường đọc Lịch sử tình yêu cho tôi nghe

“Người phụ nữ đầu tiên có thể là Eve nhưng cô gái đầu tiên sẽ luôn là Alma,” mẹ sẽ nói như vậy, cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha để trong lòng bà còn tôi nằm ở giường. Đó là khi tôi mới bốn hay năm tuổi, trước khi cha bị ốm và cuốn sách bị cất lên giá sách. “Có lẽ lần đầu tiên ta trông thấy cô, ta mười tuổi. Cô đang đứng trong nắng, gãi hai chân. Hoặc là dùng một cái que vẽ chữ lên nền đất. Tóc cô đang bị kéo. Hoặc cô đang kéo tóc ai đó. Một phần ta bị hút về phía cô và một phần chống lại - muốn bỏ chạy bằng chiếc xe đạp của mình, sút một viên đá, giữ nguyên vẻ đơn giản. Trong cùng một hơi thở, ta cảm nhận thấy cả sức mạnh của một người đàn ông và sự thương hại dành cho chính bản thân khiến ta cảm thấy nhỏ bé và bị tổn thương. Một phần trong ta nghĩ: Xin đừng nhìn tôi. Nếu bạn không nhìn, tôi có thể vẫn quay đi được. Và một phần ta lại nghĩ: Hãy nhìn tôi.

“Nếu ta nhớ lần đầu tiên trông thấy Alma, ta cũng sẽ nhớ lần cuối cùng. Cô đang lắc đầu. Hoặc đang dần mất hút về phía bên kia một cánh đồng. Hoặc qua cửa sổ nhà ta. Trở lại đi, Alma! ta hét lên. Quay lại! Quay lại!

“Nhưng cô ấy đã không trở lại.

“Và dù cho từ đó ta đã lớn lên, ta vẫn cảm thấy mình ngây ngô như một đứa trẻ. Và dù cho niềm kiêu hãnh của ta đã vỡ vụn, ta vẫn cảm thấy tình yêu của mình dành cho cô thật lớn lao. Cô đã ra đi, tất cả những gì còn lại là khoảng không gian nơi ta đã lớn lên bên cô, giống như một cái cây lớn lên bên hàng rào.

“Trong một thời gian dài, nơi ấy vẫn trống trải. Có lẽ là nhiều năm. Và khi rốt cuộc nó được lấp đầy, ta biết được rằng nếu không có Alma, ta không thể yêu một người phụ nữ khác. Nếu không có cô thì đã chẳng bao giờ có khoảng trống nào hay nhu cầu lấp đầy nó.

“Tất nhiên cũng có những trường hợp khác, cậu bé ta nói trên không chịu ngừng hét gọi Alma. Làm một cuộc tuyệt thực. Cầu xin. Trút tình yêu của mình vào đầy một cuốn sách. Tiếp tục cho tới lúc cô không còn lựa chọn nào khác ngoài quay lại. Mỗi lần cô cố gắng ra đi, biết rằng đó là điều phải làm, cậu bé đều ngăn cản cô, van xin như một kẻ ngốc nghếch. Và vì thế cho dù cô hay bỏ đi nhiều lần đến mức nào, đi xa bao nhiêu, cô luôn trở lại, xuất hiện sau lưng cậu mà không hề gây chút tiếng động nào, che mắt cậu bằng hai bàn tay mình, bắt bất kỳ kẻ nào từng có thể theo bước cô làm chiến lợi phẩm dành cho cậu.” Truyen8.mobi

30. ‑Bưu chính Ý thật chậm chạp. Nhiều thứ bị thất lạc và những cuộc đời bị hủy hoại vĩnh viễn

Chắn chắn phải mất thêm vài tuần nữa thư trả lời của mẹ tôi mới đến được Venice, nhiều khả năng đến lúc đó Jacob Marcus đã ra đi, để lại yêu cầu chuyển tiếp thư của mình. Ban đầu tôi hình dung ông là một người rất cao và gầy, mắc chứng ho kinh niên, nói được vài từ Ý ông biết với âm điệu tệ hại, là kiểu người buồn bã không bao giờ chịu ngồi nhà dù có ở bất cứ đâu. Bird tưởng tượng ông như John Travolta trên một chiếc Lamborghini với một va li đầy tiền. Nếu như có tưởng tượng về ông, mẹ cũng chẳng nói.

Nhưng lá thư thứ hai của ông xuất hiện vào cuối tháng Ba, sáu tuần sau lá thư thứ nhất, đóng dấu bưu điện New York 3fa0 và được viết bằng tay ở mặt sau một tấm bưu thiếp đen trắng cũ in hình khí cầu. Tưởng tượng của tôi về ông phát triển thêm. Thay vì một cơn ho, tôi thấy ở ông một chiếc ba-toong ông đã dùng từ khi bị tai nạn xe hơi hồi hai mươi mấy tuổi và tôi quyết định rằng nỗi buồn của ông là vì cha mẹ ông đã để ông cô đơn quá thể khi còn là trẻ con, sau đó họ qua đời, để lại cho ông toàn bộ tiền bạc của mình. Ở mặt sau tấm bưu thiếp, ông viết:

Thưa bà Singer,

Tôi quá vui khi nhận được thư của bà và được biết rằng bà sẽ có thể bắt tay vào việc dịch. Xin hãy gửi thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng của bà, tôi sẽ gửi ngay lập tức 25.000 đô la đầu tiên. Bà có đồng ý là khi dịch, bà sẽ gửi mỗi lần một phần tư cuốn sách không? Tôi hy vọng bà sẽ lượng thứ cho sự thiếu kiên nhẫn của tôi và coi đó là kết quả của sự mong mỏi và hào hứng vì cuối cùng cũng được đọc tác phẩm của Litvinoff và của bà. Ngoài ra còn vì tôi rất thích nhận thư và muốn kéo dài càng lâu càng tốt việc đọc một cuốn sách mà tôi nghĩ sẽ làm mình rung động sâu sắc.

                                                                  Kính thư,

                                                                  J.M.

31. ‑Mỗi người Israel đều nắm vinh quang của cả dân tộc họ trong tay mình

Tiền chuyển đến một tuần sau đó. Để ăn mừng, mẹ đưa chúng tôi đi xem một bộ phim của Pháp có phụ đề, nói về hai cô gái trốn khỏi nhà. Trừ ba người khác nữa, rạp chiếu phim vắng tanh. Một trong ba người đó là nhân viên dẫn chỗ. Trong phần giới thiệu, Bird ăn hết chỗ kẹo Mild Dud, chạy lên chạy xuống các lối đi giữa những hàng ghế trong cơn say đường cho tới khi ngủ lăn quay ở hàng ghế đầu. Truyen8.mobi

Không lâu sau bữa ấy, trong tuần đầu tiên của tháng Tư, nó leo tận lên mái trường học Do Thái, bị ngã và bong gân cổ tay. Để tự an ủi mình, nó làm một chiếc bàn nhỏ phía ngoài nhà và vẽ một tấm biển đề NƯỚC CHANH TƯƠI 50 XU LÀM ƠN TỰ RÓT (BONG GÂN CỔ TAY). Dù nắng hay mưa nó cũng ra đó cùng bình đựng nước chanh và một chiếc hộp giày để đựng tiền. Khi khách hàng ở khu phố chúng tôi đã ngán ngẩm, nó chuyển đến nơi khác cách vài khu và dựng bàn ở phía trước một bãi đậu xe bỏ không. Nó bắt đầu dành ngày càng nhiều thời gian ở đó. Khi kinh doanh ế ẩm, nó bỏ mặc cái bàn và đi lang thang chơi trong bãi đậu xe. Mỗi lần tôi đi qua đều thấy nó đã làm một việc gì đó để nơi ấy khá hơn: kéo cái rào han gỉ sang một bên, cắt bớt cỏ dại, đổ đầy rác vào thùng rác. Khi trời tối, nó trở về nhà với hai ống chân đầy vết xước, chiếc mũ kippah lệch trên đầu. “Đó đúng là chỗ thật lộn xộn,” nó bảo. Nhưng khi tôi hỏi nó đang có kế hoạch làm gì ở đó, Bird chỉ nhún vai. “Một nơi chốn thuộc về bất kỳ ai biết sử dụng nó,” nó nói với tôi. “Cảm ơn thiên sứ nhé. Ông Goldstein bảo em thế hả?” “Không.” “Vậy em sử dụng nơi ấy vào việc lớn nào thế?” tôi gọi với sau lưng nó. Thay vì trả lời tôi, Bird bước tới khung cửa, vươn người chạm vào một thứ, hôn bàn tay mình rồi đi lên gác. Đó là một miếng bùa bằng nhựa; nó đã nhét lên mọi khung cửa trong nhà. Thậm chí còn có một cái phía trên cửa nhà tắm. Truyen8.mobi

Ngày hôm sau tôi tìm thấy cuốn thứ ba của bộ Làm thế nào tồn tại được ở nơi hoang dã trong phòng Bird. Nó đã dùng bút mực viết nghệch ngoạc tên Chúa ở khắp phía trên mọi trang sổ. “MÀY ĐÃ LÀM GÌ VỚI CUỐN SỔ CỦA TAO THẾ?” tôi hét lên. Nó im lặng. “MÀY LÀM NÓ HỎNG HẾT RỒI.” “Không, em không làm hỏng. Em đã cẩn thận…” “Cẩn thận? Cẩn thận? Ai nói là mày thậm chí được phép chạm vào nó? Đã bao giờ nghe thấy từ RIÊNG TƯ chưa?” Bird chằm chằm nhìn cuốn sổ trong tay tôi. “Khi nào mày mới bắt đầu hành động như một người bình thường?” “Có chuyện gì dưới đó thế?” mẹ từ trên gác hỏi vọng xuống. “Không có gì!” cả hai chúng tôi đồng thanh. Sau một phút, chúng tôi nghe thấy tiếng mẹ trở lại phòng làm việc. Bird lấy cánh tay che mặt và ngoáy mũi. “Chết tiệt, Bird,” tôi thì thào nói qua kẽ răng. “Ít nhất hãy cố gắng bình thường. Ít nhất mày cũng phải cố.”

32. ‑Trong hai tháng, mẹ tôi hầu như không rời khỏi nhà

Một buổi chiều vào tuần cuối cùng trước khi nghỉ hè, tôi đi học về thì thấy mẹ đang ở trong bếp, tay cầm một gói đồ ghi gửi cho Jacob Marcos theo một địa chỉ ở Connecticut. Mẹ đã dịch xong một phần tư đầu tiên của cuốn Lịch sử tình yêu và muốn tôi mang ra bưu điện. “Được ạ,” tôi nói, kẹp cái gói vào cánh tay. Thay vì ra bưu điện, tôi ra công viên và lần móng tay xuống dưới dấu niêm bì thư. Trên cùng là một lá thư, một câu tiếng Anh viết bằng nét chữ bé xíu của mẹ tôi:

Thưa ông Marcus,

Hy vọng những chương này thỏa mãn kỳ vọng của ông; nếu không được thế, lỗi hoàn toàn do tôi.

                                         Kính thư,

                                         Charlotte Singer

 

Tim tôi nhói lên. Hai mươi ba từ buồn tẻ thậm chí chẳng có dấu hiệu nhỏ nhất nào của sự lãng mạn! Tôi biết tôi nên gửi lá thư đi, rằng nó không phụ thuộc vào tôi, rằng thật không phải khi can thiệp vào công việc của người khác. Nhưng nghĩ kỹ, có đầy thứ không phải đấy thôi.

33. Lịch sử tình yêu, Chương 10

Suốt Thời kỳ Thủy tinh, người ta tin rằng một bộ phận nào đó trong cơ thể mình cực kỳ dễ vỡ. Đối với một số thì đó là bàn tay, với một số khác là xương đùi, có những người khác tin rằng mũi họ làm bằng thủy tinh. Thời kỳ Thủy tinh là sự điều chỉnh của tiến hóa đối với Thời kỳ Đồ đá trước đó, mang lại cho mối quan hệ giữa người với người cảm nhận về sự mong manh - thứ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Giai đoạn này tồn tại khá ngắn trong lịch sử tình yêu - khoảng một thế kỷ - cho tới khi một bác sĩ tên Ignacio da Silva tìm ra phương pháp điều trị bằng cách mời bệnh nhân ngả người trên một chiếc ghế dài và vỗ vào bộ phận cơ thể mà người đó nghĩ là thủy tinh, giúp họ biết sự thật. Ảo giác về cơ thể trước đó tưởng rất thật từ từ biến mất và - rất giống kiểu chúng ta không còn cần nữa nhưng không thể từ bỏ - trở thành một vết tích. Nhưng đôi khi vì những lý do không phải lúc nào cũng hiểu nổi, nó lại nổi lên, cho thấy rằng Thời kỳ Thủy tinh, cũng giống như Thời kỳ Im lặng, chưa bao giờ chấm dứt hoàn toàn. Truyen8.mobi

Hãy lấy người đàn ông đang đi dọc con phố kia làm ví dụ. Bạn không nhất thiết phải nhận ra ông, ông không phải kiểu người mà người ta chú ý; mọi điều từ quần áo đến hành vi của ông đều đòi hỏi làm sao để không bị nhận ra ở một đám đông. Thông thường - chính ông cũng nói thế nếu bạn hỏi thôi - ông không bị ai để ý. Ông không cầm gì. Ít ra cũng là ông có vẻ như không cầm gì, không mang ô dù cho trời có dấu hiệu mưa, không cầm ca táp dù trong giờ cao điểm, xung quanh ông, cúi mình trước gió, người ta đang mải miết trở về những căn nhà ấm áp của mình ở ngoại ô thành phố, nơi đám con của họ đang choài người làm bài tập ở bàn ăn, mùi bữa tối lan trong không khí, và có lẽ còn có một con chó bởi trong những căn nhà như vậy luôn có một con chó.

Một đêm, hồi còn thanh niên, người đàn ông này quyết định đến dự một bữa tiệc. Ở đó chàng trai tình cờ gặp một cô gái mà anh đã học cùng suốt thời tiểu học, cô gái mà anh luôn yêu dù anh chắc chắn rằng cô chẳng biết anh tồn tại. Cô có cái tên đẹp nhất anh từng được nghe: Alma. Khi cô trông thấy anh đứng ở cửa, gương mặt cô sáng bừng lên, cô băng qua phòng để nói chuyện với anh. Anh không thể tin nổi.

Một hoặc hai giờ trôi qua. Chắc hẳn đó phải là cuộc nói chuyện hay bởi điều tiếp theo anh biết là Alma bảo anh nhắm mắt lại. Rồi cô hôn anh. Nụ hôn của cô là một câu hỏi mà anh muốn dành trọn đời để trả lời. Anh thấy cơ thể mình đang run rẩy. Anh sợ anh sắp mất kiểm soát đối với cơ thể mình. Với bất kỳ ai khác, đó là một chuyện đơn giản, nhưng đối với anh thì không dễ dàng đến thế bởi chàng trai này tin - và đã tin kể từ khi anh biết nhớ - rằng một phần cơ thể anh làm từ thủy tinh. Anh tưởng tượng ra một động tác không đúng, anh ngã xuống và vỡ vụn trước cô. Anh lùi lại dù không hề muốn làm thế. Anh nhìn xuống chân Alma và mỉm cười, hy vọng cô sẽ hiểu. Họ nói chuyện suốt vài giờ.

Đêm đó anh trở về nhà với tâm trạng tràn ngập niềm vui. Anh không thể ngủ, anh vô cùng phấn khích chờ đợi hôm sau - ngày anh và Alma hẹn cùng đi xem phim. Tối hôm sau anh đón cô và tặng cô một bó thủy tiên vàng. Ở rạp chiếu phim, anh đã chiến đấu - và chiến thắng! - nỗi sợ hãi phải ngồi xuống. Anh xem cả bộ phim với tư thế ngả về phía trước, để trọng lượng của anh dồn xuống hai đùi chứ không tì lên phần cơ thể anh bằng thủy tinh. Nếu có nhận thấy chăng nữa thì Alma cũng không nói gì. Anh nhích đầu gối mình từng tí, từng tí một, cho tới khi nó tì vào đầu gối cô. Người anh toát mồ hôi. Khi phim hết, anh chẳng biết nó nói về cái gì. Anh gợi ý đi bộ xuyên qua công viên. Lần này chính anh dừng lại, ôm Alma bằng cả hai tay rồi hôn cô. Khi hai đầu gối anh bắt đầu run rẩy và anh hình dung ra chính mình nằm giữa những mảnh thủy tinh, anh phải cưỡng ý muốn lui lại. Anh miết những ngón tay dọc theo sống lưng cô ngoài lớp áo cánh mỏng, trong chốc lát anh quên đi mối nguy hiểm mình đang gặp phải, trong lòng biết ơn thế giới đã chủ tâm tạo sự ngăn cách để chúng ta có thể vượt qua và, cảm nhận niềm vui khi lại gần nhau hơn, cho dù sâu thẳm trong lòng chúng ta không bao giờ quên được nỗi buồn về những khác biệt quá lớn không thể vượt qua. Trước khi anh nhận ra điều ấy, người anh đã run bần bật. Anh gồng các cơ, cố gắng ngăn lại. Alma cảm thấy sự do dự của anh. Cô ngả người về sau và nhìn anh, trong ánh mắt có gì đó như bị tổn thương, và rồi anh suýt nói hai câu anh đã muốn nói suốt nhiều năm rồi: Một phần cơ thể anh làm bằng thủy tinh và Anh yêu em. Truyen8.mobi


Anh gặp Alma lần cuối cùng. Anh không biết đó sẽ là lần cuối. Anh nghĩ mọi thứ chỉ mới đang bắt đầu. Anh dành cả buổi chiều kết cho cô một chiếc vòng cổ từ những con chim nhỏ xíu gập bằng giấy. Ngay trước khi ra khỏi nhà, trong một phút bốc đồng anh giật một tấm nệm thêu trên chiếc đi văng của mẹ và nhét vào mông quần để đề phòng. Vừa làm xong, anh đã tự hỏi vì sao trước đó anh không nghĩ đến việc này.

Đêm đó - sau khi anh đã trao chiếc vòng cổ cho Alma, nhẹ nhàng buộc nó quanh cổ cô trong lúc cô hôn anh, anh chỉ cảm thấy hơi run rẩy một chút, không có gì đáng sợ, khi cô miết các ngón tay của cô dọc sống lưng anh và dừng lại một chút trước khi luồn bàn tay mình vào mông quần anh, rồi lùi ngay lại với nét mặt không thể phân biệt rõ là buồn cười hay kinh hoàng, nét mặt làm anh nhớ đến một cơn đau anh chưa bao giờ biết tới - anh nói cho cô biết sự thật. Ít ra anh cũng đã cố nói sự thật, song điều nói ra chỉ là một nửa sự thật. Sau đó, rất lâu sau đó, anh biết rằng mình không thể nguôi hai nỗi ân hận: thứ nhất, lúc cô ngả người về sau, qua ánh đèn đường anh thấy chiếc vòng cổ anh làm đã khiến cổ cô bị xước, hai là trong thời điểm quan trọng nhất của đời mình, anh đã chọn không đúng câu nói.

Suốt một lúc lâu, tôi ngồi đó đọc những chương mẹ tôi đã dịch. Khi đọc xong chương thứ mười, tôi biết mình phải làm gì.

34. Không còn gì để mất

Tôi vò nát lá thư của mẹ và ném vào thùng rác. Tôi chạy về nhà, lên thẳng phòng mình để thảo một lá thư mới cho một người đàn ông tôi tin là có thể làm mẹ tôi thay đổi. Tôi làm việc ấy trong nhiều giờ. Khuya hôm đó, sau khi mẹ và Bird đã đi ngủ, tôi ra khỏi giường, nhón chân dọc hành lang và mang chiếc máy chữ của mẹ vào phòng tôi - chiếc máy mẹ vẫn thích dùng đánh những lá thư dài hơn hai mươi từ. Tôi phải gõ đi gõ lại rất nhiều mới đánh được một bức thư không có bất kỳ lỗi nào. Tôi đọc nó lần cuối cùng. Rồi tôi ký tên mẹ và đi ngủ.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25445


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận