Lịch Sử Tình Yêu Chương 3


Chương 3
Hãy tha thứ cho tôi

Hầu như mọi điều biết được về Zvi Litvinoff đều xuất phát từ lời giới thiệu vợ ông viết trong cuốn Lịch sử tình yêu tái bản vài năm sau khi ông mất. Giọng điệu trong lời giới thiệu của bà - nhẹ nhàng và khiêm nhường - nhuốm đầy màu sắc sự hy sinh của một người đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp nghệ thuật của một người khác. Nó bắt đầu thế này: Tôi gặp Zvi tại Valparaíso vào mùa thu năm 1951, khi đó tôi vừa bước sang tuổi hai mươi. Trước đó tôi thường trông thấy ông ở các quán cà phê dọc con sông nơi tôi thường tụ tập với bạn bè. Ông mặc áo khoác ngay cả trong những tháng ấm áp nhất và luôn đăm đăm nhìn ra cảnh bên ngoài. Ông nhiều hơn tôi gần mười hai tuổi, song có điều gì đó ở ông khiến tôi thấy thu hút. Tôi biết ông là người di cư bởi tôi đã nghe giọng nói của ông vài lần, khi ai đó ông biết - cũng từ thế giới khác đó - dừng lại một chút bên bàn ông. Hồi tôi còn rất nhỏ, cha mẹ tôi đã di cư từ Kraków tới Chile, thế nên với tôi ở ông có gì đó thật quen thuộc và cảm động. Tôi để mặc ly cà phê của mình, ngắm nhìn ông đọc hết tờ báo. Bạn bè cười tôi, gọi ông là un viéjon, rồi một hôm cô bạn tên Gracia Stiirmer thách tôi đến nói chuyện với ông. Truyen8.mobi


Và Rosa đã làm thế. Hôm ấy cô nói chuyện với ông suốt gần ba tiếng, trong lúc buổi chiều như dài ra và làn hơi mát từ mặt nước bốc lên. Và Litvinoff - hài lòng vì sự chú ý của cô gái da trắng tóc đen này, vui vì cô hiểu được một chút tiếng Yiddish, đột nhiên thấy lòng tràn ngập niềm khao khát ông chưa từng biết đã mang trong mình suốt bao năm - trở nên hoạt bát, làm cho cô vui bằng những câu chuyện, những trích dẫn thơ ca. Tối hôm đó Rosa trở về nhà với niềm vui lâng lâng. Trong số đám con trai ở trường đại học đầy kiêu ngạo, chỉ biết đến mình, với mái tóc chuốt óng mượt và những câu chuyện rỗng tuếch về triết học, cả một vài tay chuyên cường điệu bày tỏ tình yêu khi thấy tấm thân trần của cô, chẳng gã nào có vốn sống bằng nửa Litvinoff. Chiều hôm sau, khi học xong, Rosa vội vã trở lại quán cà phê. Litvinoff đang chờ cô ở đó, và một lần nữa họ nói chuyện đầy hào hứng: về âm thanh của tiếng đàn cello, những bộ phim câm, những kỷ niệm cả hai đều nhớ lại khi thấy mùi nước biển. Chuyện này diễn ra trong hai tuần. Họ có rất nhiều điểm chung, nhưng giữa hai người lơ lửng một sự khác biệt nặng nề, u tối kéo Rosa lại gần hơn, trong nỗ lực nắm lấy dù chỉ là phần nhỏ nhất của nó. Nhưng Litvinoff rất hiếm khi nói về quá khứ của mình và tất cả những gì ông đã đánh mất. Và không một lần nào ông nhắc tới công việc mình đã bắt tay làm vào các buổi tối bên chiếc bàn viết cũ trong căn phòng nơi ông sống, cuốn sách sau này sẽ trở thành kiệt tác của ông. Tất cả những gì Litvinoff nói là ông dạy thêm ở một trường Do Thái. Rosa khó mà tưởng tượng ra người đàn ông đang ngồi đối diện với mình - đen như một con quạ trong chiếc áo khoác, xúc động vì sự trang nghiêm của một bức ảnh cũ - bị vây xung quanh bởi một lũ trẻ cười đùa, hò hét. Phải đến hai tháng sau, Rosa viết, trong những khoảnh khắc buồn đầu tiên dường như đã len qua cánh cửa sổ để mở mà chúng tôi không nhận ra, làm xáo trộn bầu không khí loãng xuất hiện cùng với tình yêu chớm nở, Litvinoff mới đọc cho tôi nghe những trang đầu tiên của Lịch sử tình yêu.

Chúng được viết bằng tiếng Yiddish. Sau này, với sự giúp đỡ của Rosa, Litvinoff đã dịch chúng sang tiếng Tây Ban Nha. Bản thảo gốc được viết tay bằng tiếng Yiddish đã mất khi nhà của Litvinoff bị ngập lúc họ đang đi lên núi. Tất cả những gì còn lại là một trang duy nhất Rosa lấy lại được khi nó đang trôi nổi trên mặt của khối nước cao tới sáu mươi phân trong phòng viết của Litvinoff. Dưới sàn nhà, tôi trông thấy chiếc nắp vàng của cây bút ông luôn bỏ trong túi, bà viết, và tôi phải thò tay đến khi nước ngập tới vai mới với tới nó. Mực đã phai, ở một số chỗ không đọc được chữ. Nhưng cái tên ông đã đặt cho bà trong cuốn sách của mình, cái tên thuộc về mọi người phụ nữ trong cuốn Lịch sử, vẫn có thể nhận ra trong nét chữ nghiêng nghiêng của Litvinoff ở cuối trang viết. Truyen8.mobi

Khác với chồng mình, Rosa Litvinoff không phải nhà văn, tuy nhiên lời giới thiệu được dẫn dắt bởi trí thông minh thiên bẩm, và xuyên suốt được bao trùm - hầu như mang tính trực giác - bởi những đoạn dừng, gợi ý, bỏ lửng mà toàn bộ hiệu ứng là một cảnh tranh tối tranh sáng khiến độc giả có thể hình dung theo cách của riêng mình. Bà mô tả ô cửa sổ mở và giọng Litvinoff run lên vì xúc động ra sao khi ông đọc cho bà nghe từ đầu, nhưng bà không nói gì về chính căn phòng - như vậy chúng ta được để cho tự suy đoán rằng đó chắc là phòng của Litvinoff với chiếc bàn viết từng một thời thuộc về con trai bà chủ nhà, ở góc có khắc những từ quan trọng nhất đối với mọi tín đồ Do Thái, Shema yisrael adonai elohanu adonai echad, để mỗi lần Litvinoff ngồi xuống viết ở đầu bàn dốc xuống, ông sẽ chủ ý hoặc vô thức bật lên một câu cầu nguyện - không nói gì về chiếc giường hẹp nơi ông ngủ hay đôi tất ông đã giặt và vắt đêm trước, giờ nằm xẹp như hai con vật kiệt sức trên lưng ghế, không nói gì về bức ảnh lồng khung đơn, dựng theo góc sao cho quay mặt về tấm giấy dán tường bong tróc (thứ mà chắc Rosa đã nhìn khi Litvinoff xin lỗi để đi theo hành lang ra nhà vệ sinh), hình một đứa con trai và một đứa con gái đang khép chặt hai cánh tay bên người, hai bàn tay nắm chặt, hai đầu gối để trần, đứng yên tại chỗ trong khi bên ngoài, ở phía góc xa của khung ảnh, bóng chiều đang chầm chậm xa chúng. Và dù cho Rosa mô tả một thời gian sau bà đã cưới con quạ đen của mình ra sao, bố bà qua đời rồi căn nhà lớn thời thơ ấu có khu vườn tỏa mùi ngọt ngào bị bán thế nào và bằng cách nào đó họ kiếm được tiền, họ đã mua căn nhà gỗ nhỏ một tầng màu trắng trên vách đá phía trên vùng Valparaíso, rồi Litvinoff có thể nghỉ việc ở trường một thời gian và viết lách vào hầu hết các buổi chiều, buổi tối, nhưng bà không nói gì về cơn ho dai dẳng của Litvinoff - nguyên nhân thường khiến ông phải ra ngoài hiên vào lúc nửa đêm, nơi ông đứng nhìn ra ngoài làn nước đen thẫm, bà không nói gì về những lần im lặng kéo dài của ông, cũng không nhắc đến chuyện đôi khi tay ông bị run hay chuyện bà chứng kiến ông già đi trước mắt mình như thế nào, như thể thời gian với ông trôi nhanh hơn với mọi thứ xung quanh ông.

Còn về phần Litvinoff, chúng ta chỉ biết những gì được viết trên các trang của cuốn sách duy nhất ông viết. Ông không có nhật ký và cũng viết rất ít thư. Những thứ ông viết hoặc đã thất lạc hoặc đã bị hủy hoại. Ngoài vài bảng kê mua sắm, vài ghi chú của cá nhân và một trang bản thảo duy nhất bằng tiếng Yiddish mà Rosa đã gắng cứu được từ dòng nước ngập, người ta chỉ biết duy nhất một lá thư còn sót lại, một bưu thiếp từ năm 1964 đề gửi tới một người cháu ở London. Đến thời điểm ấy cuốn Lịch sử đã được xuất bản với lượng bản in khiêm tốn chừng vài ngàn còn Litvinoff đã trở lại dạy, lần này nhờ một chút danh tiếng có được từ cuốn sách mới xuất bản ông giảng về văn học ở trường đại học. Có thể xem tấm bưu thiếp trong kệ trưng bày bọc nhung xanh đã sờn ở bảo tàng lịch sử thành phố phủ đầy bụi bặm vốn hầu như luôn đóng cửa khi bất kỳ ai nghĩ đến chuyện tới thăm. Ở phía sau viết đơn giản:

Boris thân mến,

Chú rất hạnh phúc khi nghe tin cháu đã đỗ các kỳ thi. Mẹ cháu - cầu mong rằng sự tưởng nhớ đến bà ấy sẽ mang lại phước lành - sẽ rất tự hào. Một bác sĩ thực sự! Cháu sẽ bận bịu hơn bao giờ hết, nhưng nếu cháu muốn đến thăm, luôn có phòng dành cho cháu. Cứ ở lại bao lâu tùy thích. Cô Rosa là tay nấu ăn cừ đấy. Cháu có thể ngồi bên biển và biến thời gian ở đây thành kỳ nghỉ thật sự. Còn các cô gái thì thế nào? Chỉ là hỏi thôi nhé. Đừng bao giờ tốn quá nhiều thời gian vào khoản đó đấy. Gửi tới cháu tình yêu và lời chúc mừng. Truyen8.mobi

                                                                   Zvi

Mặt trước của tấm bưu thiếp, một bức ảnh chụp cảnh biển tô màu bằng tay, được chụp lại trên tấm tranh bảng tường cùng những dòng chữ: Zvi Litvinoff, tác giả của Lịch sử tình yêu, sinh tại Ba Lan và sống ở Valparaíso ba mươi bảy năm cho tới khi qua đời vào năm 1978. Tấm bưu thiếp này được đề tặng cho con trai người chị cả của ông, Boris Perlstein. Phần nội dung in bằng chữ nhỏ hơn ở góc dưới bên trái ghi: Quà của Rosa Litvinoff. Điều tấm bảng không nhắc tới là người chị của ông, Miriam, bị một sĩ quan phát xít Đức bắn vào đầu ở Warsaw Ghetto, hoặc ngoài Boris - người đã trốn thoát trong một chiến dịch giải cứu trẻ em và sống những năm còn lại của Thế chiến thứ hai và thời thơ ấu trong một trại mồ côi ở Surrey, và con cái của Boris sau này, những đứa đôi lúc nghẹt thở vì nỗi tuyệt vọng và sợ hãi đi liền với tình yêu của cha chúng - Litvinoff không còn họ hàng nào còn sống. Nó cũng không nói rằng tấm bưu thiếp chưa bao giờ được gửi đi, song bất kỳ người xem nào cũng có thể thấy rằng tem không bị hủy.

Những điều không biết về Zvi Litvinoff thì vô tận. Chẳng hạn người ta không biết rằng trong chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông tới thành phố New York vào mùa thu năm 1954 - ở đó Rosa khăng khăng rằng họ cần tới đưa cho một số nhà biên tập xem bản thảo của ông - ông đã vờ bị lạc vợ lúc ở trong một trung tâm mua sắm đông đúc, lang thang ở phía ngoài, băng qua phố và đứng chớp mắt trong ánh nắng ở Công viên Trung tâm. Rằng trong khi bà tìm kiếm ông giữa những khu trưng bày vớ và găng tay da, ông đang đi bộ dọc theo một đại lộ trồng toàn cây du. Rằng đến lúc Rosa tìm thấy một viên quản lý và trên loa phát đi thông báo - Ông Z Litvinoff, chúng tôi gọi ông Z Litvinoff. Xin ông gặp vợ mình ở Khu Giày dép Phụ nữ - ông đã tới bên một hồ nhỏ và đang ngắm nhìn chiếc thuyền do một đôi thanh niên chèo về phía đám sậy mà ông đang đứng phía sau, và cô gái, nghĩ rằng mình đang được che khuất, bật nút áo để lộ ra hai bầu vú trắng muốt. Rằng việc nhìn thấy bộ ngực trắng ấy khiến Litvinoff tràn ngập nỗi ân hận, ông vội vã chạy trở lại xuyên qua công viên về đến khu mua sắm, nơi ông tìm thấy Rosa - mặt cô đỏ lên, phần tóc ở gáy ướt đẫm - đang nói chuyện với hai cảnh sát. Rằng khi bà quàng hai cánh tay quanh người ông, bảo rằng ông đã làm bà sợ mất hồn và hỏi xem ông vừa ở chỗ quái quỷ nào, Litvinoff đáp rằng ông đã vào nhà vệ sinh và vô tình tự khóa mình trong đó. Rằng sau đó trong một quán bar khách sạn, vợ chồng Litvinoff đã gặp một nhà biên tập đồng ý gặp họ - một người đàn ông có vẻ mặt lo âu, điệu cười nhếch mép và những ngón tay ám đầy khói thuốc - ông ta cho họ biết rằng dù rất thích cuốn sách, ông ta không thể xuất bản nó vì sẽ chẳng có ai mua. Để thể hiện sự đánh giá cao của mình, ông ta tặng hai người một cuốn sách mà nhà xuất bản của ông ta mới in. Sau khoảng nửa giờ, ông ta xin cáo từ với lý do có một bữa tối cần dự, rồi vội vã đi ra khỏi đó, bỏ lại nhà Litvinoff với tờ hóa đơn. Truyen8.mobi

Đêm hôm đó, sau khi Rosa đã ngủ say, Litvinoff tự khóa mình trong nhà vệ sinh thật. Hầu như đêm nào ông cũng làm việc này vì ông sợ rằng vợ sẽ phải ngửi thấy mùi do mình gây ra. Trong khi ngồi trên bồn cầu, ông đọc trang đầu tiên của cuốn sách tay biên tập viên đã cho họ. Và ông khóc.

Người ta không biết rằng loài hoa Litvinoff ưa thích là mẫu đơn. Rằng dấu chấm câu ông thích là dấu hỏi. Rằng ông thường gặp những giấc mơ kinh khủng và chỉ ngủ được - nếu như có thể - nhờ uống một cốc sữa ấm. Rằng ông thường tưởng tượng ra cái chết của chính mình. Rằng ông nghĩ người phụ nữ yêu ông đã sai lầm khi làm thế. Rằng ông có bàn chân bẹt. Rằng thứ thực phẩm ông ưa thích là khoai tây. Rằng ông thích tự nghĩ mình là triết gia. Rằng ông đặt câu hỏi với tất cả mọi điều, kể cả những điều đơn giản nhất, đến mức khi có ai đi qua ông trên phố nhấc mũ lên và nói “Chúc một ngày tốt lành,” Litvinoff thường ngừng lại để ngẫm nghĩ về câu nói ấy lâu đến mức khi ông tìm được câu trả lời, người kia đã đi mất, bỏ lại ông đứng một mình. Những điều này bị rơi vào quên lãng giống như rất nhiều điều về rất nhiều người sinh ra rồi mất đi mà không có bất kỳ ai dành thời gian viết ra. Thành thật mà nói, việc Litvinoff có một người vợ vô cùng tận tâm là lý do duy nhất giúp người ta biết được đôi chút về ông.

Vài tháng sau khi cuốn sách được một nhà xuất bản nhỏ ở Santiago in ra, Litvinoff nhận được một bưu kiện. Lúc người đưa thư bấm chuông cửa, ngòi bút của Litvinoff đã nằm chờ phía trên một trang giấy trắng, đôi mắt ông nhòa đi vì những điều phát hiện được, tràn ngập cảm giác rằng ông sắp nhận thức được bản chất của một điều gì đó. Nhưng khi chuông cửa reo, suy nghĩ ấy tan biến và Litvinoff - bình thường trở lại - lê hai chân dọc hành lang tối om và mở cửa, ở đó nhân viên đưa thư đứng trong ánh nắng. “Chúc một ngày tốt lành,” người đưa thư nói và đưa cho ông một chiếc phong bì lớn màu nâu được gói ghém gọn gàng, Litvinoff không phải suy nghĩ lâu để kết luận rằng trong khi chỉ trước đó một chút, ngày hôm ấy sắp trở thành một ngày tuyệt vời, hơn cả mức ông đã từng hy vọng, thì giờ đây nó đã đột ngột thay đổi như hướng của một cơn bão bất ngờ phía chân trời. Điều này được khẳng định thêm khi Litvinoff mở phong bì và thấy bộ sắp chữ của Lịch sử tình yêu, cùng với thông báo ngắn gọn của nhà xuất bản: Chúng tôi không còn cần bản in thử gói trong này, nó được gửi trả lại cho ông. Litvinoff chớp mắt, không biết chuyện trả bản in thử cho tác giả là một thông lệ. Ông tự hỏi liệu chuyện này có ảnh hưởng đến quan điểm của Rosa đối với cuốn sách. Không muốn biết điều ấy, ông đốt tờ thông báo và bản in thử, nhìn những trang giấy cháy xèo xèo và quăn lại trong lò sưởi. Khi vợ ông đi mua sắm về, mở toang các cửa sổ cho ánh sáng và không khí trong lành ùa vào và hỏi tại sao ông lại đốt lửa trong một ngày đẹp như vậy, Litvinoff nhún vai kêu lạnh. Truyen8.mobi

Trong hai nghìn bản in đầu tiên của Lịch sử tình yêu, một số được mua và đọc, nhiều cuốn được mua về rồi không đọc, một số được trao làm quà tặng, một số phai màu dần dựa bên cửa sổ hiệu sách làm bãi đáp cho ruồi, một số được đánh dấu bởi bút chì, khá nhiều được chuyển tới máy ép giấy - nơi chúng bị xén nát thành bột cùng những cuốn sách không được đọc hoặc không được cần tới khác, những câu chữ của chúng được phân tích và băm nhỏ trong các lưỡi dao xoay tít của máy. Nhìn ra cửa sổ, Litvinoff tưởng tượng hai nghìn cuốn Lịch sử tình yêu như một đàn hai ngàn con bồ câu đưa thư có thể vỗ cánh trở về với ông báo cáo đã có bao nhiêu giọt nước mắt nhỏ xuống, bao nhiêu tiếng cười, bao nhiêu đoạn được đọc to, bao nhiêu lượt gập bìa sách một cách thô bạo sau khi đọc chưa hết nổi một trang, bao nhiêu cuốn chưa bao giờ mở lần nào.

Ông hẳn không biết, nhưng trong số những cuốn Lịch sử tình yêu in lần đầu tiên (có rộ lên sự quan tâm sau khi Litvinoff chết, cuốn sách nhanh chóng được tái bản kèm theo lời giới thiệu của Rosa), ít nhất một cuốn đã làm thay đổi một cuộc đời - nhiều hơn một cuộc đời. Cuốn sách đặc biệt này là bản cuối cùng được in trong số hai nghìn cuốn đó, nằm hút hơi ẩm trong một nhà kho ở ngoại ô Santiago, lâu hơn toàn bộ số còn lại. Cuối cùng nó được chuyển từ đó tới một hiệu sách ở Buenos Aires. Người chủ tính cẩu thả chẳng hề biết đến sự có mặt của nó, và nó bị bỏ quên trên giá sách suốt vài năm, bị nấm mốc khắp bìa. Đó là một cuốn sách mỏng, và vị trí của nó trên giá chẳng hề thuận lợi: bên trái chịu sự chèn ép từ một cuốn tiểu sử quá khổ của một nữ diễn viên làng nhàng, bên phải là cuốn tiểu thuyết từng một thời bán chạy của tác giả mà sau đó người ta đã quên, vậy nên gáy sách khó mà lọt vào mắt ngay cả người tìm kiếm năng nổ nhất. Khi hiệu sách sang tay, nó trở thành nạn nhân của một cuộc thanh lý lớn, rồi được đưa lên xe tải chuyển tới một nhà kho khác hôi hám, dơ dáy và đầy những con vật nhiều chân, nơi nó nằm trong chốn tối tăm và ẩm thấp, trước khi rốt cuộc được đưa tới một hiệu sách cũ nhỏ cách không xa nhà của nhà văn Jorge Luis Borges. Khi ấy Borges đã mù hoàn toàn và không có lý do gì để đến thăm hiệu sách - vì ông không còn khả năng đọc nữa và trong suốt đời mình ông đã đọc nhiều, nhớ nhiều tác phẩm lớn của Cervantes, Goethe, Shakespeare đến mức tất cả những gì ông phải làm là ngồi trong bóng tối và nhớ lại. Các vị khách yêu mến nhà văn Borges sẽ tìm địa chỉ và gõ cửa nhà ông, nhưng khi đã được mời vào, họ sẽ thấy độc giả Borges - người sẽ đặt tay trên gáy các cuốn sách của mình cho đến khi lần tìm được cuốn ông muốn nghe, rồi đưa cho vị khách, thế là vị khách không có lựa chọn nào khác ngoài ngồi xuống và đọc to cho ông. Thi thoảng ông rời Buenos Aires để du lịch với người bạn María Kodama, đọc cho bà ghi những suy nghĩ của ông về niềm hạnh phúc khi được ngồi khí cầu hay thấy vẻ đẹp của một con hổ. Nhưng ông không tới thăm hiệu sách cũ cho dù hồi mắt vẫn còn nhìn được, ông có quan hệ thân thiện với chủ hiệu sách. Truyen8.mobi

Bà chủ hiệu sách dành thời gian gỡ đống sách bà đã mua rẻ cả lô từ nhà kho. Một buổi sáng, khi đi qua các thùng, bà phát hiện ra cuốn Lịch sử tình yêu mốc meo. Khi ấy bà chưa từng nghe về nó, song cái tên khiến bà chú ý. Bà đặt nó riêng ra và trong một giờ vắng khách tại hiệu sách, bà đọc chương mở đầu mang tên “Thời kỳ Im lặng”:

Ngôn ngữ đầu tiên của con người là cử chỉ. Thứ ngôn ngữ phát ra từ bàn tay con người này không hề thô sơ, chẳng điều gì chúng ta nói ngày nay mà hồi ấy không diễn đạt được qua những chuỗi cử động không ngừng bằng các ngón tay và cổ tay. Các cử chỉ rất phức tạp và tinh tế, bao gồm cả sự duyên dáng của chuyển động - thứ mà sau đó đã biến mất hoàn toàn.

Trong Thời kỳ Im lặng, người ta giao tiếp với nhau nhiều hơn chứ không hề ít hơn bây giờ. Sự sinh tồn căn bản đòi hỏi hai bàn tay hầu như không bao giờ đứng yên và chỉ có trong giấc ngủ con người mới không nói điều này điều khác (dù đôi lúc người ta vẫn dùng ngôn ngữ cử chỉ kể cả khi đang ngủ). Không có sự phân biệt nào giữa cử chỉ của ngôn ngữ và cử chỉ của cuộc sống. Chẳng hạn xây dựng một ngôi nhà hay chuẩn bị một bữa ăn là một sự thể hiện không kém gì việc làm tín hiệu bày tỏ Anh yêu em hay Anh cảm thấy hết sức nghiêm túc. Khi một bàn tay che mặt vì sợ hãi trước một tiếng động lớn, có điều gì đó đang được nói ra, và khi những ngón tay nhặt lên thứ gì đó người khác đã đánh rơi, có một điều đang được nói ra; và ngay cả khi đôi bàn tay nghỉ ngơi, thế cũng là đang nói lên điều gì đó. Cố nhiên, có những hiểu lầm. Có những thời điểm một ngón tay đưa lên gãi mũi, nếu đưa một ánh mắt bình thường về phía người yêu vào đúng lúc ấy, người yêu có thể vô tình coi đó là một cử chỉ không khác gì hàm ý Giờ anh nhận ra rằng anh đã sai lầm khi yêu em. Những hiểu lầm này thật đau lòng. Ấy thế nhưng, vì người ta biết những điều ấy có thể dễ dàng xảy ra thế nào, vì họ không sống với ảo tưởng rằng họ hiểu những điều người khác nói một cách trọn vẹn, người ta quen với chuyện ngắt lời nhau để hỏi xem liệu họ đã hiểu đúng hay chưa. Đôi khi người ta còn ước có những hiểu lầm này bởi chúng cho họ lý do để nói, Tha lỗi cho anh, anh chỉ vừa gãi mũi thôi. Tất nhiên anh biết mình luôn đúng khi yêu em. Do mức độ thường xuyên của những hiểu lầm như thế, theo thời gian cử chỉ xin tha thứ phát triển thành hình thức đơn giản. Chỉ cần mở lòng bàn tay để nói: Hãy tha thứ cho tôi.

Trừ một ngoại lệ, hầu như không có ghi chép gì về thứ ngôn ngữ đầu tiên này. Ngoại lệ này - mà tất cả những kiến thức về ngôn ngữ kia đều lấy làm căn cứ - là một bộ sưu tập gồm bảy mươi chín cử chỉ hóa thạch, hình những bàn tay con người đông cứng trong khi đang nói dở, được trưng bày trong một bảo tàng nhỏ ở Buenos Aires. Một hóa thạch có cử chỉ hàm ý Đôi lúc khi trời mưa, một mẫu khác thì Sau tất cả những năm này, mẫu khác lại Liệu em có lầm khi yêu anh? Chúng được một bác sĩ người Argentina tên Antonio Alberto de Biedma phát hiện tại Morocco năm 1903. Khi đang leo dãy High Atlas thì ông phát hiện ra cái hang có bảy mươi chín hóa thạch bị ép vào đá phiến sét. Ông nghiên cứu chúng nhiều năm mà chẳng hiểu được gì cho đến một ngày, sau khi đã chịu đựng cơn sốt do bệnh lỵ (sau này khiến ông bỏ mạng), đột nhiên ông cảm thấy mình có khả năng giải mã những ý nghĩa của các cử chỉ tinh tế của những nắm tay và ngón tay lưu lại trong đá. Không lâu sau ông được đưa tới một bệnh viện ở Fez, và khi ông nằm đó dần đến với cái chết, hai bàn tay ông cử động như chim, tạo thành cả ngàn cử chỉ vốn đã ngủ quên bao năm trước đó.

Nếu có mặt ở các buổi tập trung đông người hay các buổi tiệc, hoặc với những người bạn cảm thấy xa cách, đôi lúc hai bàn tay bạn treo một cách lóng ngóng ở cuối cánh tay - nếu bạn thấy mình không biết làm gì với chúng, tràn ngập phiền muộn vì cảm thấy xa lạ với chính cơ thể mình - ấy là bởi đôi tay bạn nhớ một thời khi sự phân chia giữa đầu óc và cơ thể, khối não và trái tim, nội tâm và biểu hiện bên ngoài không rõ rệt như bây giờ. Như thế không có nghĩa chúng ta đã hoàn toàn quên ngôn ngữ cử chỉ. Thói quen vung vẩy hai tay khi chúng ta nói là phần sót lại của ngôn ngữ ấy. Vỗ tay, chỉ tay, giơ ngón cái lên: thảy đều là các tạo tác của những cử chỉ cổ xưa. Chẳng hạn nắm tay là một cách nhớ xem khi không nói gì với nhau thì cảm giác như thế nào. Và vào ban đêm, khi tối không thể nhìn nổi, chúng ta thấy cần ra hiệu trên cơ thể của người kia để hiểu nhau. Truyen8.mobi

Chủ hiệu sách cũ vặn nhỏ âm lượng của chiếc đài. Bà lật tới tay gấp sau cuốn sách để tìm hiểu thêm về tác giả, nhưng tất cả những gì ghi ở đó là Zvi Litvinoff sinh ở Ba Lan và chuyển tới Chile năm 1941 - nơi ông vẫn còn sống cho đến khi ấy. Không có bức ảnh nào. Ngày hôm đó, giữa những lần phục vụ khách hàng, bà đọc hết cuốn sách. Trước khi khóa hiệu sách vào buổi tối, bà đặt cuốn sách ở quầy kính trưng bày, thoáng buồn vì phải chia tay với nó.

Sáng hôm sau, những tia nắng đầu tiên của vầng mặt trời đang lên rọi khắp bìa của Lịch sử tình yêu. Con ruồi đầu tiên trong số nhiều con hạ cánh xuống lớp bìa bọc. Những trang sách mốc bắt đầu khô đi dưới cái nóng trong khi con mèo Ba Tư xanh xám làm chủ cả hiệu sách lướt qua nó để đón nhận một biển ánh nắng. Vài giờ sau, người đầu tiên trong số nhiều khách bộ hành dành cho cuốn sách cái liếc thật nhanh khi họ đi ngang quầy trưng bày.

Chủ hiệu sách không cố gắng đẩy cuốn sách cho một khách hàng bất kỳ. Bà biết rằng nằm trong tay những người không phù hợp, một cuốn sách như vậy rất dễ bị coi thường hoặc tệ hơn là không được đọc. Thay vì cố bán, bà để nó yên tại chỗ với hy vọng có thể người đọc thích hợp sẽ phát hiện ra nó. Truyen8.mobi

Và đó là điều đã xảy ra. Một buổi chiều, một thanh niên trẻ cao ráo trông thấy cuốn sách ở cửa sổ. Anh vào hiệu sách, cầm cuốn ấy lên, đọc vài trang rồi mang đến quầy. Khi anh nói chuyện với bà chủ, bà không thể xác định giọng anh là người miền nào. Bà hỏi anh từ đâu tới, tò mò về người chuẩn bị mang cuốn sách đi. Israel, anh nói với bà, giải thích rằng anh mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đang du lịch vòng quanh Nam Mỹ vài tháng. Bà chủ chuẩn bị cho cuốn sách vào một chiếc túi nhưng anh thanh niên bảo rằng anh không cần, rồi đút cuốn sách vào ba lô. Tiếng chuông cửa vẫn còn lanh canh khi bà dõi theo anh đi mất hút, đôi xăng đan gõ xuống đường phố nóng sáng.

Đêm đó, ở trần trong căn phòng thuê, dưới một chiếc quạt lười biếng đẩy quanh những làn khí nóng, chàng thanh niên trẻ mở cuốn sách và bằng một nét cong bay bướm đã được tinh chỉnh suốt nhiều năm, anh ký tên mình: David Singer.

Lòng đầy hăm hở và khao khát, anh bắt đầu đọc.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25446


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận