Lịch Sử Tình Yêu Chương 4


Chương 4
Niềm vui bất tận

Tôi không biết mình mong đợi gì, nhưng tôi trông đợi điều gì đó. Cứ khi nào ra mở thùng thư, các ngón tay tôi lại run rẩy. Tôi mở hôm thứ Hai. Không có gì. Tôi mở hôm thứ Ba và thứ Tư. Thứ Năm cũng không có gì. Hai tuần rưỡi sau khi tôi gửi cuốn sách đi, chuông điện thoại reo. Tôi chắc chắn đó là con trai mình. Lúc ấy tôi đang ngủ gật trên ghế, vai tôi có vết nước dãi. Tôi nhảy bổ tới nghe máy. A LÔ? Nhưng. Đó chỉ là người dạy ở lớp vẽ, cô ta bảo đang tìm người cho chương trình đang làm ở một phòng trưng bày và nghĩ đến tôi bởi vẻ ngoài đáng chú ý (trong ngoặc kép) của tôi. Thường thì tôi sẽ thấy phổng mũi. Vào bất kỳ thời điểm nào khác nó sẽ đủ là lý do tự thưởng cho mình ít sườn heo. Ấy thế nhưng. Chương trình kiểu gì? tôi hỏi. Cô ta nói tất cả những gì tôi phải làm là khỏa thân ngồi trên một chiếc ghế kim loại đặt giữa phòng và rồi, nếu tôi sẵn lòng - và cô hy vọng tôi sẽ sẵn lòng - nhúng mình vào một thùng tiết bò (vẫn hợp với tín ngưỡng Do Thái) và lăn người trên những tấm giấy trắng lớn được đưa cho. Truyen8.mobi

Tôi có thể ngốc nhưng tôi không tuyệt vọng. Từ trước tới nay tôi chỉ làm khi thấy sẵn lòng, thế nên tôi cảm ơn cô ta rất nhiều về lời đề nghị nhưng nói rằng tôi sẽ phải từ chối bởi tôi đã lên chương trình ngồi một chỗ và xoay cùng chuyển động của trái đất quanh mặt trời. Cô ta có vẻ thất vọng. Nhưng xem ra cô ta hiểu. Cô bảo rằng nếu tôi muốn đến xem những bức tranh lớp đã vẽ tôi, tôi có thể tới buổi triển lãm họ sẽ tổ chức sau một tháng nữa. Tôi ghi lại ngày và gác máy.

Tôi ở nhà suốt cả ngày. Trời đã bắt đầu tối, thế nên tôi quyết định ra ngoài đi dạo. Tôi là một ông già. Nhưng tôi vẫn có thể đi loanh quanh. Tôi cuốc bộ qua nhà hàng Zafi’s Luncheonette, Mr. Man Barber và tiệm bánh Kossar’s Bialysnơi đôi khi tôi mua một chiếc bánh vòng vào tối thứ Bảy. Thường trước đây họ không làm bánh vòng. Sao họ phải làm chứ? Nếu tên tiệm bánh là bialy thì nó phải nướng bánh bialy chứ. Ấy thế nhưng. Truyen8.mobi

Tôi tiếp tục cuốc bộ. Tôi đi vào một hiệu thuốc và làm đổ giá bày những hộp KY Jelly. Thế nhưng lòng tôi không tập trung vào đó. Khi đi qua Trung tâm Thương mại Thế giới, có một băng rôn lớn ghi DUDU FISHER TRÌNH DIỄN TỐI CHỦ NHẬT NÀY HÃY MUA VÉ NGAY. Sao lại không chứ? tôi nghĩ. Tôi không đi xem thứ đó vì bản thân mà vì Bruno thích Dudu Fisher. Tôi đi vào mua hai vé.

Trong đầu tôi không có đích đến nào. Trời đã bắt đầu tối nhưng tôi vẫn kiên nhẫn. Khi trông thấy một hiệu Starbucks, tôi vào mua một ly cà phê bởi tôi muốn uống cà phê chứ không phải vì muốn ai đó trông thấy mình. Thường thì tôi làm mình làm mẩy Cho tôi một Grande Vente, Ý tôi là Tall Grande, Cho tôi một Chai Super Vente Grande, hay là tôi cần một Short Frappe nhỉ? và rồi để kết lại, tôi sẽ có một cú va chạm nhỏ ở chỗ bán sữa. Lần này thì không. Tôi rót sữa như một người bình thường, một công dân của thế giới, rồi ngồi xuống một chiếc ghế thoải mái đối diện với một người đàn ông đang đọc báo. Tôi ấp hai bàn tay quanh cốc cà phê. Hơi ấm thật dễ chịu. Ở bàn phía bên kia, một cô gái có mái tóc xanh đang ngả người bên cuốn vở, miệng cắn đầu bút bi, còn ở bàn bên cạnh cô, một thằng bé mặc bộ đồ cầu thủ đang ngồi cạnh bên mẹ, cô ta nói với nó Số nhiều của elf là elves. Một con sóng hạnh phúc trùm lên tôi. Cảm giác thật choáng váng khi là một phần của khung cảnh này. Khi uống cà phê như một người bình thường. Tôi muốn hét to: Số nhiều của elf là elves! Một ngôn ngữ tuyệt vời! Một thế giới tuyệt vời!

Gần khu vệ sinh có một buồng điện thoại. Tôi lần túi lấy một đồng hai mươi lăm xu và bấm số của Bruno. Chuông đổ chín lần. Trên đường ra nhà vệ sinh, cô gái có mái tóc xanh đi qua tôi. Tôi mỉm cười với cô. Thật ngạc nhiên! Cô ấy mỉm cười đáp lại. Đến hồi chuông thứ mười thì Bruno nhấc máy.

Bruno hả?

Vâng?

Chẳng phải còn sống cũng tốt sao?

Không, cảm ơn, tôi không muốn mua gì cả.

Tớ đâu cố bán cho cậu thứ gì! Leo đây. Nghe này, tớ đang ngồi đây, uống cà phê ở một hiệu Starbucks và đột nhiên tớ ngộ ra.

Cậu bị ngộ độc á?

Ôi, nghe đi! Tớ ngộ ra rằng còn sống tốt biết bao. Sống! Và tớ muốn nói cho cậu. Cậu có hiểu điều tớ đang nói không? Tớ nói rằng cuộc sống là một thứ đẹp đẽ, Bruno. Một thứ đẹp đẽ và là niềm vui bất tận.

Một khoảng im lặng. Truyen8.mobi

Chắc chắn rồi, dù cậu có nói gì Leo. Cuộc sống là cái đẹp.

Và là niềm vui bất tận, tôi nói.

Đúng, Bruno nói. Và niềm vui.

Tôi chờ đợi.

Bất tận.

Tôi chuẩn bị gác máy thì Bruno nói Leo?

Gì thế?

Cậu vừa nói đến cuộc sống con người à?

Tôi lẩn mẩn với cốc cà phê suốt nửa giờ, uống cho kỳ hết. Cô gái gập sách và đứng dậy ra về. Người đàn ông đã đọc gần xong tờ báo. Tôi đọc các tít. Tôi là một phần nhỏ của thứ gì đó lớn hơn chính tôi. Đúng, cuộc sống con người. Con người! Cuộc sống! Rồi người đàn ông lật trang báo, và tim tôi ngừng đập.

Đó là một tấm ảnh của Isaac. Trước đây tôi chưa từng trông thấy. Tôi đã sưu tầm tất cả các bài báo của nó, nếu có một câu lạc bộ người hâm mộ, tôi sẽ làm chủ tịch. Trong suốt hai mươi năm tôi đã đặt tờ tạp chí thi thoảng có in tác phẩm của con trai mình. Tôi cứ nghĩ mình đã xem hết mọi tấm ảnh của nó. Tôi đã ngắm chúng kỹ đến cả ngàn lần. Ấy thế nhưng. Tấm ảnh này với tôi thì mới. Nó đang đứng trước cửa sổ. Cằm nó hạ xuống, đầu ngả sang một bên. Có lẽ nó đang suy nghĩ. Nhưng đôi mắt Isaac đang nhìn lên, như thể có ai đó gọi tên nó ngay trước khi cửa trập máy ảnh đóng lại. Tôi muốn gọi tên nó. Đó chỉ là một tờ báo, song tôi muốn hét gọi bằng cả hơi sức của mình. Isaac! Cha đây! Con có nghe thấy cha không, Isaac bé bỏng của cha? Tôi muốn nó hướng đôi mắt về phía tôi như thể nó sẽ làm với bất kỳ ai vừa lôi nó ra khỏi mạch suy nghĩ. Nhưng. Nó không thể. Vì dòng tít có nội dung: ISAAC MORITZ, TIỂU THUYẾT GIA, QUA ĐỜI Ở TUỔI 60.

Isaac Moritz, tác giả đã được vinh danh của sáu cuốn tiểu thuyết, trong đó có Thuốc - từng đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia - đã qua đời vào đêm thứ Ba. Nguyên nhân khiến ông qua đời là bệnh Hodgkin. Ông hưởng thọ 60 tuổi.

Đặc điểm các tiểu thuyết của Moritz là sự hài hước, lòng trắc ẩn cũng như những hy vọng mà chúng hướng tới trong cảnh tuyệt vọng. Ngay từ tác phẩm đầu tiên ông đã có những người cổ vũ nhiệt thành. Trong số này có Philip Roth - một trong các vị giám khảo Giải thưởng Sách Quốc gia năm 1972, giải thưởng được trao cho Moritz nhờ tác phẩm đầu tay của ông. “Ở trung tâm của Thuốc là một trái tim người đang sống, dữ dội và khẩn nài,” Roth phát biểu trong buổi họp báo thông báo giải thưởng. Buổi sáng hôm đó, một nhân vật khác có quan điểm ủng hộ Moritz - Leon Wieseltier - phát biểu qua điện thoại từ văn phòng của tờ New Republic ở thủ đô Washington, đã gọi ông Moritz là “một trong những nhà văn vĩ đại nhất nhưng chưa được đánh giá đúng tầm của giai đoạn cuối thế kỷ hai mươi. Gọi ông là một nhà văn Do Thái,” ông thêm, “hoặc tệ hơn là một nhà văn thể nghiệm, là bỏ qua toàn bộ quan điểm của ông về tính nhân văn - vốn không thể áp vào kiểu phân loại nào.” Truyen8.mobi


Moritz sinh năm 1940 tại Brooklyn, cha mẹ là người nhập cư. Là một đứa trẻ lặng lẽ và nghiêm túc, Moritz đã ghi lại những mô tả cụ thể về những cảnh diễn ra trong cuộc sống của mình vào đầy các cuốn vở. Một trong số đó - thuật lại chuyện theo dõi một con chó bị đám trẻ đánh đập, được viết khi Moritz mười hai tuổi - sau này là cảm hứng cho cảnh nổi tiếng nhất trong Thuốc, khi nhân vật chính Jacob rời khỏi căn hộ của người phụ nữ mà anh vừa quan hệ lần đầu tiên, đứng ở góc tối của một ngọn đèn đường trong cái lạnh tê tái, theo dõi một con chó bị hai gã đàn ông đá dã man cho tới chết. Vào thời điểm đó, đau đớn vì sự tàn nhẫn xót xa của tồn tại thể xác - với “mâu thuẫn không thể giải quyết giữa việc làm con vật bị gán cho khả năng biết tự nhìn nhận bản thân với những kẻ có đạo đức lại mang bản năng thú vật” - Jacob bật ra một lời than, một đoạn văn duy nhất, tuyệt đỉnh liền mạch dài hơn năm trang giấy được tạp chí Time gọi là một trong những đoạn văn “rực sáng và ám ảnh nhất” của văn học đương đại.

Ngoài việc mang lại cho ông vô số lời ca ngợi và một Giải thưởng Sách Quốc gia, Thuốc còn làm cho Moritz trở nên nổi tiếng. Trong năm đầu xuất bản, tác phẩm này bán được 200.000 bản và là một trong những cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times.

Nỗ lực thứ hai của ông được chờ đợi với những phỏng đoán sôi nổi nhưng khi rốt cuộc được xuất bản năm năm sau đó thì Nhà kính - tuyển tập truyện ngắn - lại được đón nhận với những đánh giá khác nhau. Trong khi một số nhà phê bình coi đó là bước khởi đầu đầy mới mẻ, những người khác - như Morton Levy, người viết một bài tấn công dữ dội trên tờ Commentary - gọi tuyển tập này là một thất bại. “Ông Moritz,” Levy viết, “người có tác phẩm đầu tay được động viên nhờ những quan điểm về thuyết mạt thế của mình, đến cuốn này đã chuyển trọng tâm sang hoàn toàn tục tĩu.” Viết theo phong cách rời rạc và đôi khi siêu thực, các truyện ngắn trong Nhà kính trải khắp các chủ đề từ các thiên thần tới những người nhặt rác.

Thể hiện lại giọng văn của mình lần nữa, cuốn thứ ba của Moritz mang tên Hát, viết bằng thứ ngôn ngữ trần trụi, được tờ New York Times mô tả là “căng như trống.” Dù trong hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo gần đây ông tiếp tục tìm kiếm những cách thức thể hiện mới, các đề tài của Moritz vẫn không thay đổi. Bản chất nghệ thuật của ông là tính nhân văn nồng nàn và sự khám phá không hề e ngại mối quan hệ của con người với Chúa.

Ông Moritz còn một người em trai, Bernard Moritz.

Tôi bàng hoàng ngồi đó. Tôi nghĩ về gương mặt đứa con trai năm tuổi của mình. Rồi cái lần tôi nhìn nó buộc dây giày từ phía bên kia phố. Cuối cùng một nhân viên hiệu Starbucks xỏ khuyên ở lông mày bước đến bên tôi. Chúng tôi chuẩn bị đóng cửa, cậu ta nói. Tôi nhìn quanh. Đúng thế. Mọi người đã đi cả. Một cô gái có móng chân móng tay sơn vẽ đang kéo chổi quanh sàn. Tôi đứng dậy. Hoặc là tôi đã cố đứng dậy nhưng chân tôi như muốn sụm xuống. Tay nhân viên hiệu Starbucks nhìn tôi cứ như tôi là con gián trong chiếc bánh sô cô la hạnh nhân vậy. Chiếc cốc giấy tôi cầm đã bị bóp thành một cục nhão nhoét trong bàn tay tôi. Tôi đưa nó cho cậu ta và bắt đầu lê ra phía ngoài. Rồi tôi nhớ tới tờ báo. Tay nhân viên đã ném nó vào thùng rác mà cậu ta đang kéo ngang sàn. Tôi nhặt nó ra, tờ báo bẩn như dính bánh kem ăn dở, trong khi cậu ta ngó nhìn. Vì tôi không phải gã ăn mày, tôi đưa cho cậu ta hai chiếc vé xem Dudu Fisher biểu diễn.

Tôi không biết mình đã về nhà như thế nào. Bruno hẳn phải nghe thấy tôi mở khóa cửa rồi, bởi một phút sau cậu xuống gác và gõ cửa. Tôi không trả lời. Tôi đang ngồi trên một chiếc ghế cạnh cửa sổ trong bóng tối. Cậu ta cứ gõ. Cuối cùng tôi nghe tiếng cậu trở lại trên gác. Một giờ hoặc hơn trôi qua, tôi lại nghe thấy tiếng cậu trên cầu thang lần nữa. Cậu ta đẩy nhẹ một mảnh giấy qua khe dưới cửa. Mẩu giấy viết: CUỘC SỐNG DẸP. Tôi đẩy nó ra. Cậu ta đẩy trở vào. Tôi đẩy nó ra, cậu đẩy vào. Ra, vào, ra, vào. Tôi nhìn chằm chằm. CUỘC SỐNG DẸP. Tôi nghĩ, Có lẽ thế. Có lẽ đó là từ dành cho cuộc đời. Tôi nghe tiếng Bruno thở ở phía bên kia cánh cửa. Tôi tìm một chiếc bút chì. Tôi nghệch ngoạc: VÀ LÀ MỘT TRÒ ĐÙA KHÔNG BAO GIỜ DỨT. Tôi đẩy nó ngược ra ngoài cửa. Một khoảng lặng khi cậu ta đọc nó. Rồi, mãn nguyện, cậu ta leo lên gác.

Có thể tôi đã khóc. Khóc hay không cũng có khác gì đâu. Truyen8.mobi

Gần sáng thì tôi thiếp đi. Tôi mơ thấy mình đang đứng trước một ga tàu. Tàu vào ga và cha tôi bước xuống. Ông mặc một chiếc áo khoác lông lạc đà. Tôi chạy về phía ông. Ông không nhận ra tôi. Tôi nói cho ông biết tôi là ai. Ông lắc đầu. Ông nói: Tôi chỉ có con gái. Tôi mơ thấy hàm răng mình vỡ vụn và những tấm chăn khiến tôi nghẹt thở đến chết. Tôi mơ thấy các anh em tôi, máu ở khắp mọi nơi. Tôi muốn nói: tôi mơ thấy người con gái tôi đã yêu và cùng lớn lên. Hoặc tôi đã mơ thấy một cánh cửa màu vàng và một cánh đồng thoáng đãng. Tôi muốn nói tôi mơ thấy mình đã chết và người ta tìm thấy cuốn sách của tôi giữa đám đồ đạc, rồi mấy năm sau khi tôi chết, tôi trở nên nổi tiếng. Ấy thế nhưng.

Tôi nhặt tờ báo và cắt ra tấm ảnh Isaac của tôi. Nó nhăn nhúm nhưng tôi miết cho phẳng. Tôi cho vào ví, ở phần nhựa dành để chứa ảnh. Tôi mở rồi đóng chiếc ví hiệu Velcro vài lần để ngắm mặt nó. Rồi tôi nhận thấy phía dưới chỗ tôi cắt có dòng Buổi lễ tưởng niệm sẽ… Tôi không thể đọc phần còn lại. Tôi phải lấy tấm ảnh ra và ghép hai phần lại với nhau. Buổi lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức lúc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 07 tháng Mười tại Giáo đường Trung tâm. Truyen8.mobi

Hôm ấy là thứ Sáu, tôi biết mình không nên ở nhà, thế nên tôi buộc mình ra ngoài. Trong hai lá phổi tôi, có vẻ không khí đã khác. Thế giới không còn như cũ. Bạn thay đổi rồi bạn thay đổi lần nữa. Bạn trở thành một con chó, một con chim, một cái cây luôn ngả về bên trái. Chỉ khi giờ đây con trai tôi không còn, tôi mới nhận thấy mình đã sống vì nó bao nhiêu. Buổi sáng tôi tỉnh giấc vì con trai tôi tồn tại, tôi gọi đồ ăn vì nó còn sống, tôi viết cuốn sách của mình vì con trai tôi còn tồn tại để đọc nó.

Tôi bắt xe bus lên phố. Tôi tự bảo rằng mình không thể đến dự lễ tang con trai tôi trong đám giẻ nhăn nhúm mà tôi gọi là bộ vest. Tôi không muốn làm nó xấu hổ. Hơn thế, tôi muốn nó tự hào. Tôi xuống xe ở đại lộ Madison và cuốc bộ, ngó vào các quầy kính trưng bày. Chiếc khăn tay lạnh và ướt trong bàn tay tôi. Tôi không biết vào cửa hiệu nào. Cuối cùng tôi chọn một cửa hàng trông đẹp. Tôi mân mê chất vải một chiếc áo vest. Một tay da đen khổng lồ mặc bộ vest màu be bóng bẩy, đi giày cao bồi tiến đến tôi. Tôi nghĩ hắn sắp quẳng mình ra ngoài. Tôi chỉ sờ thử chất vải, tôi nói. Ông có muốn thử không? hắn hỏi. Tôi thấy hãnh diện. Hắn hỏi tôi mặc cỡ nào. Tôi chẳng biết. Nhưng hắn có vẻ hiểu. Hắn quan sát tôi, chỉ cho tôi vào một phòng thử đồ rồi treo bộ vest lên mắc. Tôi cởi quần áo của mình ra. Có ba tấm gương. Tôi trông thấy những phần cơ thể của chính mình mà tôi chưa từng thấy suốt nhiều năm. Bất chấp nỗi đau khổ, tôi vẫn dành chút thì giờ xem xét chúng. Rồi tôi mặc bộ vest vào. Chiếc quần cứng và chật còn áo khoác thì dài tới tận đầu gối. Tôi trông như thằng hề. Gã da đen giật tấm rèm qua một bên với nụ cười trên miệng. Hắn dựng tôi đứng thẳng lên, cài hết các khuy bộ đồ rồi xoay người tôi. Cả hai chúng tôi đều nhìn vào gương. Vừa khít người ông, hắn tuyên bố. Nếu ông muốn, hắn nói và túm vào lưng áo, chúng tôi có thể cắt một chút chỗ này. Nhưng ông không cần đâu. Trông cứ như thể nó được may riêng cho ông vậy. Tôi nghĩ: Tôi biết gì từ thời trang? Tôi hỏi hắn về giá. Hắn thọc tay vào mông quần tôi và lục tìm mác giá quanh mông tôi. Bộ này giá… một ngàn, hắn thông báo. Tôi nhìn hắn. Một ngàn gì? tôi hỏi. Hắn cười một cách lịch sự. Chúng tôi đứng trước ba tấm gương. Tôi gập rồi mở chiếc khăn tay ướt của mình. Với chút bình tĩnh cuối cùng, tôi giật quần lót ở chỗ nó mắc vào giữa mông. Nên có một từ cho thứ này. Chiếc đàn hạc một dây.

Ra ngoài phố, tôi tiếp tục cuốc bộ. Tôi biết rằng chuyện bộ vest chẳng thành vấn đề. Nhưng. Tôi cần làm một việc gì đó. Để trấn an mình.

Có một cửa hiệu trên phố Lexington quảng cáo chụp ảnh hộ chiếu. Tôi thích thi thoảng đến đó. Tôi bỏ chúng vào một cuốn album nhỏ. Hầu hết là ảnh tôi, trừ một tấm, đó là tấm ảnh Isaac khi năm tuổi và một tấm khác của người anh họ - ông thợ khóa. Ông là một tay chụp ảnh nghiệp dư, một hôm ông chỉ cho tôi cách làm một chiếc máy ảnh không dùng thấu kính. Đó là mùa xuân năm 1947. Tôi đứng ở phía sau cửa hiệu bé tẹo của ông xem ông chỉnh tấm giấy ảnh phía trong chiếc hộp. Ông bảo tôi ngồi xuống rồi rọi đèn vào mặt tôi. Rồi ông bỏ tấm che ngoài chiếc lỗ nhỏ. Tôi ngồi yên đến mức gần như không thở. Khi xong, chúng tôi vào phòng tối và thả nó vào chậu rửa ảnh. Chúng tôi chờ đợi. Chẳng có gì. Nơi lẽ ra phải hiện hình ảnh của tôi chỉ có một vệt xám loang lổ. Anh họ tôi nằn nì chúng tôi làm thêm lần nữa, thế nên chúng tôi làm lần nữa và một lần nữa không có gì. Ba lần ông cố chụp hình tôi bằng chiếc máy ảnh không thấu kính, cả ba lần ảnh tôi không thể hiện lên. Anh họ tôi không thể hiểu tại sao. Ông rủa người đàn ông đã bán giấy ảnh cho mình vì nghĩ rằng ông ta đã bán cho tập giấy tồi. Nhưng tôi biết rằng không phải thế. Tôi biết rằng giống như cách những người khác mất một chân hay một cánh tay, tôi đã mất đi một cái gì đó, thứ khiến người ta không thể bị phai mờ. Tôi bảo ông anh họ ngồi vào ghế. Ông lưỡng lự nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Tôi chụp ông, và khi chúng tôi quan sát tấm giấy trong chậu rửa ảnh, gương mặt ông hiện ra. Ông bật cười. Và tôi cũng cười. Chính tôi là người chụp ảnh nên nếu như đó là bằng chứng về sự tồn tại của ông, đó cũng là bằng chứng về sự tồn tại của tôi nữa. Ông cho tôi giữ tấm ảnh đó. Bất kỳ khi nào tôi lấy nó khỏi ví và nhìn ông, tôi biết thực ra mình đang nhìn chính mình. Tôi mua một cuốn album và cho nó vào trang thứ hai. Ở trang đầu, tôi bỏ ảnh con trai mình. Vài tuần sau đó tôi đi qua một hiệu thuốc có buồng tự chụp ảnh. Tôi bước vào. Kể từ đó lần nào có tiền để dành là tôi đều tới buồng. Ban đầu luôn hệt như cũ. Nhưng. Tôi vẫn tiếp tục thử. Rồi một ngày tôi tình cờ di chuyển đúng lúc cửa trập đóng lại. Một cái bóng xuất hiện. Lần sau tôi trông thấy viền của mặt mình rồi vài tuần sau đó thấy gương mặt của tôi. Đó là sự đối lập của biến mất. Truyen8.mobi

Lúc tôi mở cửa hiệu máy ảnh, một chiếc chuông kêu lên. Mười phút sau tôi đã đứng trên vỉa hè, tay nắm chặt bốn tấm ảnh hệt nhau chụp chính tôi. Tôi nhìn chúng. Bạn có thể tả tôi bằng nhiều cách. Thế nhưng. Điển trai không phải một trong số đó. Tôi nhét một tấm vào ví, cạnh tấm ảnh Isaac cắt ra từ báo. Những tấm còn lại, tôi ném vào thùng rác.

Tôi ngước lên. Bên kia phố là Bloomingdale(1)_. Tôi đã đến đó một vài lần đúng thời điểm để được xịt thử một chút nước hoa từ một trong số các quý cô bán nước hoa. Biết nói sao nhỉ, đây là đất nước tự do mà. Tôi hết lên lại xuống thang máy cho tới khi tìm được nơi bán áo vest ở tầng thấp của tòa nhà. Lần này thì tôi xem giá trước. Có một bộ vest màu xanh sẫm treo trên mắc đang giảm giá còn hai trăm đô la. Trông có vẻ vừa cỡ người tôi. Tôi mang vào phòng thay đồ và thử vào. Quần quá chùng, nhưng điều đó đã được lường trước. Điều tương tự xảy ra với tay áo. Tôi bước ra khỏi khu thay đồ. Một thợ may quấn thước đo quanh cổ trỏ tôi bước lên chiếc bục. Tôi bước về phía trước, khi làm như thế tôi nhớ tới lúc mẹ bảo tôi đến nhà thợ may lấy mấy chiếc áo mới của cha. Khi ấy tôi chín tuổi, có thể là mười. Trong căn phòng mờ mờ, các ma nơ canh đứng bên nhau trong góc như đang chờ tàu. Ông thợ may Grodzenski đang cúi người bên máy, một chân dận bàn máy. Tôi quan sát ông, đầy thích thú. Hàng ngày, khi được ông chạm tới - chỉ có sự chứng kiến của các ma nơ canh - những miếng vải buồn tẻ trở thành cổ áo, tay áo, diềm, túi áo. Cháu muốn thử không? ông hỏi. Tôi ngồi xuống ghế của ông. Ông chỉ cho tôi cách khiến chiếc máy trở nên có sức sống. Tôi nhìn cây kim trồi lên thụt xuống, để lại phía sau nó một đường kỳ diệu làm từ những sợi chỉ xanh. Trong khi tôi đạp máy, Grodzenski mang mấy chiếc áo của cha tôi bọc trong giấy màu nâu ra. Ông trỏ tôi đến phía sau quầy. Ông mang ra một cái gói khác cũng bọc bằng loại giấy nâu kia. Một cách cẩn thận, ông lấy ra một cuốn tạp chí. Nó đã ra vài năm rồi. Nhưng vẫn trong trạng thái hoàn hảo. Ông rón rén nâng niu cuốn tạp chí. Bên trong là các tấm ảnh màu đen và bạc chụp những người phụ nữ da dẻ mềm mại, trắng muốt, như thể họ được rọi sáng từ bên trong vậy. Họ làm mẫu cho những chiếc váy thuộc loại tôi chưa thấy bao giờ: váy hoàn toàn bằng ngọc trai, bằng lông vũ và tua rua, váy để lộ chân, cánh tay, đường cong của ngực. Một từ duy nhất phát ra từ đôi môi của Grodzenski: Paris. Im lặng, ông lật các trang, tôi cũng im lặng ngắm nhìn. Hơi thở của chúng tôi quyện lại trên các tấm ảnh bóng loáng. Có lẽ với sự tự hào không nói ra, Grodzenski đang cho tôi thấy lý do ông thường ngân nga một chút khi làm việc. Cuối cùng ông gập cuốn tạp chí, đút nó trở vào bọc giấy. Ông quay lại với công việc. Nếu lúc đó có ai đó nói với tôi rằng Eve đã ăn trái táo chỉ để cho Grodzenski của trần gian có thể tồn tại, tôi sẽ tin.

Phiên bản tội nghiệp của Grodzenski chạy quanh tôi với phấn và ghim trong tay. Tôi hỏi liệu anh có thể tạo viền cho bộ vest trong khi tôi đợi. Anh ta ngó tôi như thể tôi có hai đầu vậy. Tôi có cả trăm bộ vest phía sau kia, mà ông muốn tôi làm bộ của ông bây giờ sao? Anh ta lắc đầu. Ít nhất phải hai tuần. Truyen8.mobi

Bộ này dành cho một đám tang, tôi nói. Con trai tôi. Tôi cố gắng giữ mình bình tâm. Tôi thò tay lấy chiếc khăn tay. Rồi tôi nhớ ra rằng nó đã nằm trong túi chiếc tuần vo lại nằm trên sàn phòng thay đồ. Tôi bước khỏi bục và vội vã trở lại phòng thay đồ của mình. Tôi biết tôi đã tự biến mình thành thằng hề trong bộ vest dở hơi kia. Một người đàn ông nên mua bộ vest cho sự sống chứ không phải cho cái chết. Đó chẳng phải điều hồn ma Grodzenski đang nói với tôi sao? Tôi không thể làm mất mặt Isaac và cũng không thể khiến nó tự hào. Bởi vì nó không tồn tại.

Ấy thế nhưng.

Tối hôm ấy tôi trở về nhà với bộ vest đã được viền đựng trong một túi nhựa của hãng may. Tôi ngồi ở bàn ăn và xé một đường ở cổ áo. Thường thì tôi thích xé hết. Nhưng tôi tự kiềm chế. Fishl - hoặc là một người đạo đức vĩ đại hoặc là thằng hâm - từng nói: Xé một vết duy nhất còn khó hơn xé cả trăm chỗ.

Tôi tắm rửa. Không phải rửa ráy bằng bọt biển qua loa chim mà tắm thật, khiến cho rìa chiếc bồn tắm sậm thêm một vòng nữa. Tôi mặc bộ vest mới và lấy chai vodka từ trên giá xuống. Tôi uống một ngụm, lau miệng bằng mu bàn tay, lặp lại cử chỉ đã được thực hiện vài trăm lần bởi cha tôi, ông nội, cụ nội tôi, hai mắt nhắm hờ khi vị mạnh của rượu thay thế nỗi đau sắc ngọt. Và rồi, khi chai rượu đã hết, tôi nhảy. Ban đầu chầm chậm. Nhưng nhanh dần. Tôi giậm chân, đá chân, các khớp xương kêu răng rắc. Tôi giậm mạnh chân và cúi thấp người và đá theo kiểu nhảy cha tôi và ông nội tôi đã nhảy, những dòng nước mắt chảy dài xuống mặt khi tôi cười và hát, nhảy và nhảy, cho tận tới lúc hai bàn chân tôi tê dại và máu xuất hiện dưới móng chân, tôi nhảy theo cách duy nhất tôi biết nhảy: điên cuồng trối chết, xô vào ghế, và xoay tròn cho tới khi ngã nhào, để rồi tôi có thể đứng dậy và lại nhảy cho tận tới lúc bình minh hé rạng và thấy mình nằm sóng soài trên sàn, gần cái chết đến mức tôi có thể nhổ vào mặt nó và thì thào: L’chaim_(1).

Tôi thức giấc khi nghe tiếng một con bồ câu giũ lông trên bậu cửa sổ. Một cánh tay của áo vest đã rách, đầu tôi đau như búa bổ, trên má có vết máu khô. Nhưng người tôi không làm bằng thủy tinh.

Tôi nghĩ: Bruno. Sao cậu ấy không tới? Có thể tôi đã không trả lời khi cậu gõ cửa.Vậy nhưng. Chắc chắn cậu đã nghe thấy tiếng tôi, trừ phi cậu đeo chiếc Walkman. Mà dù có thế đi chăng nữa thì vẫn nghe thấy chứ. Một chiếc đèn đã rơi vỡ trên sàn, tôi đã lật toàn bộ ghế. Đang chuẩn bị lên tầng gõ cửa phòng Bruno thì tôi nhìn đồng hồ. Đã mười giờ mười lăm rồi. Tôi thích nghĩ rằng thế giới không sẵn sàng cho mình, nhưng có lẽ sự thật là tôi đã không sẵn sàng cho thế giới. Trong đời mình, tôi luôn có mặt quá muộn. Tôi chạy tới bến xe bus. Hay nói đúng hơn là tập tễnh, kéo ống quần, kết hợp nhảy-chạy-dừng-và-thở, kéo quần, bước, lê bước, bước, lê bước, vân vân. Tôi bắt xe bus vào phố. Chúng tôi mắc kẹt đám trong xe cộ đông đúc. Thứ này không đi nhanh hơn được tí nào à? tôi nói to. Người phụ nữ ngồi cạnh tôi đứng dậy và chuyển sang ghế khác. Có lẽ trong lúc cao hứng tôi đã vỗ đùi cô ta, tôi cũng chẳng biết nữa. Một người đàn ông mặc áo vest màu cam và quần kiểu da rắn đứng dậy bắt đầu hát một bài. Mọi người quay nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi họ nhận ra rằng không phải ông ta đang xin tiền. Ông ta chỉ hát.

Lúc tôi tới giáo đường, buổi lễ tưởng niệm đã kết thúc nhưng nơi đó vẫn còn rất nhiều người. Một người đàn ông mặc áo vest trắng thắt nơ bướm màu vàng, phần tóc lưa thưa còn lại dính vào lớp da đầu, nói: Tất nhiên chúng ta đã biết, nhưng khi cuối cùng nó xảy ra, chẳng ai trong chúng ta sẵn sàng, lời nói ấy nhận được câu đáp từ người phụ nữ đứng cạnh ông ta: Ai mà có thể sẵn sàng chứ? Tôi đứng một mình cạnh một chậu cây lớn. Hai lòng bàn tay ẩm ướt, tôi cảm thấy mình mỗi lúc một choáng váng thêm. Có lẽ đến đây là một sai lầm.

Tôi muốn hỏi xem nó đã được chôn ở đâu, tờ báo không nói đến. Đột nhiên lòng tôi tràn ngập nỗi ân hận vì đã mua lô đất của riêng mình sớm đến thế. Nếu biết trước, tôi đã có thể ở cùng chỗ nó. Ngày mai. Hoặc ngày kia. Tôi sợ mình chết không có chỗ chôn thây. Tôi đã từng tới khu bằng đá của bà Freid ở Pinelawn, chỗ ấy cũng có vẻ đẹp. Một ông tên Simchik dẫn tôi đi xem xung quanh và đưa cho tôi một tờ bướm. Khi ấy tôi đang tưởng tượng ra một ngôi mộ dưới tán cây, có thể là một cây liễu rủ, có thể có một chiếc ghế nhỏ ở đó. Nhưng. Khi ông ấy nói cho tôi biết giá, tim tôi ngừng đập. Ông ta cho tôi xem những lựa chọn có thể, vài lô hoặc quá gần đường hoặc ở nơi cỏ đang trụi đi. Không lô nào có cây à? tôi hỏi. Simchik lắc đầu. Một bụi nhỏ? Ông ta liếm đầu ngón tay và lật đống giấy tờ. Ông ta ngần ngừ nhưng cuối cùng cũng bật ra. Có lẽ chúng tôi có một nơi, ông ta nói, nó đắt hơn mức ông định trả nhưng ông có thể thanh toán từng phần. Nó nằm ở rìa ngoài cùng, ở phần ngoài của khu dành cho người Do Thái. Nói chính xác thì nó không nằm dưới cây nhưng gần một cây, đủ gần để vào mùa thu, một ít lá của cây đó có thể phủ lên tôi. Tôi ngẫm nghĩ. Simchik bảo tôi cứ suy nghĩ, rồi trở lại phòng làm việc. Tôi đứng dưới nắng. Rồi tôi ngồi xuống cỏ và nằm xuống. Dưới lớp áo khoác, đất cứng và lạnh. Tôi nhìn những đám mây bay qua. Có lẽ tôi ngủ thiếp đi. Điều tiếp theo tôi biết là Simchik đang đứng phía trên tôi. Thế nào? Ông sẽ lấy chứ? Truyen8.mobi

Qua khóe mắt, tôi trông thấy Bernard, đứa em cùng mẹ khác cha của con trai tôi. Một thằng ngu to sụ, hình ảnh của cha nó, cầu cho ông ta được an lành. Vâng, kể cả ông ta. Tên ông ta là Mordecai. Nàng gọi ông ta là Morty. Morty! Ông ta đã ngủ dưới đất được ba năm. Tôi coi chuyện tay ấy ngỏm trước là một thắng lợi. Ấy thế nhưng. Mỗi khi nhớ ra, tôi lại đốt một cây nến yartzeit_(1) cho ông ta. Nếu không phải tôi thì còn là ai nữa?

Mẹ của con trai tôi - cô bé tôi đã đem lòng yêu khi tôi mười tuổi - đã mất năm năm trước. Tôi mong sẽ sớm đến bên nàng, ít nhất là ở nơi đó. Ngày mai. Hoặc ngày kia. Tôi tin vào điều ấy. Tôi nghĩ thật lạ lùng khi sống trên đời này mà không có nàng. Ấy thế nhưng. Tôi đã quen với việc sống cùng ký ức về nàng từ lâu rồi. Chỉ ở tận cùng con đường tôi mới gặp lại nàng. Ngày nào tôi cũng lẻn vào buồng nàng trong bệnh viện và ngồi cùng nàng. Có một nữ y tá, một cô gái trẻ, tôi đã nói cho cô bé biết - không phải sự thật. Nhưng. Một câu chuyện không khác sự thật. Cô y tá này cho tôi vào sau giờ thăm nom, khi tôi không phải tình cờ chạm mặt người nào. Người nàng nối với một hệ thống hỗ trợ sống, mũi gắn các loại ống, một chân đã liệt. Bất kỳ khi nào tôi nhìn ra chỗ khác, một phần trong tôi hy vọng rằng khi tôi quay lại thì nàng đã ra đi. Nàng bé xíu, nhăn nheo và điếc hẳn. Có nhiều điều lẽ ra tôi đã nên nói. Ấy thế nhưng. Tôi lại kể cho nàng truyện cười. Tôi là một Jackie Mason. Đôi lúc tôi nghĩ mình đã trông thấy một nụ cười phảng phất. Tôi cố gắng tỏ ra vui vẻ. Tôi nói: Em tin không, bộ phận ở đây, nơi cánh tay em gập lại, cái này người ta gọi là khuỷu tay. Tôi nói: Trong cánh rừng vàng, hai giáo sĩ đi hai ngả khác nhau. Tôi nói: Moshe đến tìm bác sĩ. Bác sĩ, ông ta nói, vân vân, vân vân. Có nhiều điều tôi đã không nói. Ví dụ. Anh đã chờ đợi lâu rồi. Ví dụ khác. Và em đã hạnh phúc chứ? Với thằng hèn thằng ngu thằng đầu đất thằng bất tài mà em gọi là chồng ấy? Sự thật là tôi đã ngừng chờ đợi từ lâu rồi. Thời điểm ấy đã trôi qua, cánh cửa ngăn giữa những cuộc đời chúng tôi có thể đã sống và những cuộc đời chúng tôi đã sống đã đóng sập trước mặt hai chúng tôi. Hoặc nói đúng hơn là trước mặt tôi. Ngữ pháp đời tôi: như một quy tắc phổ biến, nơi nào xuất hiện số nhiều thì hãy thử sửa thành số ít. Nếu từng có lúc nào tôi buột miệng nói Chúng tôi đầy kiểu cách, hãy cho tôi thoát khỏi đau khổ bằng một viên đạn vào đầu.

Ông ổn chứ? Trông ông có vẻ hơi nhợt nhạt.

Đó là người đàn ông tôi đã trông thấy lúc nãy, người đeo chiếc nơ bướm màu vàng. Người ta cứ thích tới khi bạn chưa sẵn sàng, không đến sớm hay muộn hơn lấy một phút, khi mà bạn đang trong tư thế nghiêm chỉnh để tiếp đón họ. Tôi cố gắng đứng vững bằng cách tì người vào cây cảnh trồng trong chậu.

Ổn, ổn, tôi nói. Truyen8.mobi

Mà ông quen biết ông ấy thế nào? ông ta hỏi và nhìn tôi khắp lượt.

Chúng tôi… tôi chèn đầu gối vào giữa chậu cây và bức tường, hy vọng nó sẽ giúp tôi thăng bằng. Có họ với nhau.

Người nhà! Rất lấy làm tiếc, hãy tha lỗi cho tôi. Tôi nghĩ tôi đã gặp toàn bộ người của đại gia đình! Theo kiểu phát âm của ông ta thì đó là đại ra đình.

Tất nhiên, đáng lẽ tôi phải đoán ra thế chứ nhỉ. Ông ta lại nhìn tôi từ trên xuống dưới, bàn tay vuốt vuốt tóc để chắc chắn là chúng vẫn yên chỗ. Tôi đã nghĩ ông là một trong những người hâm mộ, ông ta nói, ra hiệu về phía đám đông đang thưa dần. Vậy ông thuộc bên nội hay ngoại?

Tôi nắm lấy phần rễ chắc nhất của cây. Tôi cố gắng tập trung vào chiếc nơ to của người đàn ông trong khi không gian xung quanh chao đảo.

Cả hai, tôi nói.

Cả hai? ông ta nhắc lại với vẻ hoài nghi trong khi nhìn xuống những rễ cây đang vất vả bám chặt vào đất.

Tôi là… tôi bắt đầu. Nhưng đột nhiên bật một cái, cái cây rời khỏi mặt đất. Tôi lảo đảo chúi về trước, một chân tôi vẫn kẹp giữa chậu và bức tường nên chân còn lại buộc phải văng về phía trước, khiến cho cạnh chậu không còn chỗ nào di chuyển ngoài đập mạnh vào hạ bộ tôi, tay tôi không có lựa chọn nào khác ngoài quăng phần đất còn bám ở rễ cây vào mặt người đàn ông đeo chiếc nơ bướm màu vàng.

Xin lỗi, tôi nói, cơn đau dội lên ở hạ bộ và trong ruột tôi. Tôi cố gắng đứng thẳng dậy. Mẹ tôi, cầu cho mẹ được yên lành, thường nói, Đừng quỵ ngã. Đất từ hai lỗ mũi người đàn ông chảy xuống. Để vụ lộn xộn thêm phần hoàn chỉnh, tôi lấy chiếc khăn tay bẩn thỉu ra và ấn vào mũi ông ta. Ông ta gạt tay tôi rồi lấy ra chiếc khăn của mình đã được giặt sạch sẽ rồi gập vuông vức của mình. Ông ta rũ cái khăn. Cờ xin hàng. Một khoảng thời gian bối rối trôi qua khi ông ta tự lau sạch cho mình còn tôi xoa vùng hạ bộ.

Điều tiếp theo tôi biết được là tôi đứng mặt đối mặt với đứa em cùng mẹ khác cha của con trai tôi, ống tay áo tôi nằm giữa hàm răng của con bò mộng thắt nơ bướm. Xem tôi mang đến thứ gì này, hắn sủa lên. Bernard nhướng mày. Lão nói lão là người trong ra đình.

Bernard cười một cách lịch sự trong lúc đưa mắt nhìn, đầu tiên là vết rách ở cổ áo, sau đó đến vết rách ở cánh tay tôi. Tha lỗi cho tôi, anh ta nói. Tôi không nhớ ông. Chúng ta từng gặp nhau rồi chứ?

Rõ ràng con bò mộng nhỏ dãi. Một vệt bẩn nhỏ di chuyển trên li áo gã. Tôi liếc nhìn tấm biển ghi LỐI RA. Nếu không bị thương nặng ở chỗ kín, có lẽ tôi đã chạy về phía đó. Tôi chợt thấy buồn nôn khủng khiếp. Ấy thế nhưng. Đôi lúc khi bạn cần một ý tưởng thiên tài thì lạ chưa, ý tưởng thiên tài đến ngay với bạn.

De rets Yiddish? tôi thì thào với giọng khản đặc. Truyen8.mobi

Ông hỏi gì cơ?

Tôi túm lấy tay áo Bernard. Con chó túm tôi còn tôi túm Bernard. Tôi gí mặt mình sát mặt anh ta. Đôi mắt anh ta vằn máu. Có lẽ anh ta ngu độn nhưng là người tốt. Vậy nhưng tôi không có lựa chọn nào.

Tôi nói to lên. DE RETS YIDDISH? Tôi có thể cảm thấy vị rượu nhờ nhợ trong hơi thở của mình. Tôi túm lấy cổ áo anh ta. Những mạch máu ở cổ anh ta phồng lên khi anh ta lùi lại. FARSHTAIST?

Xin lỗi, Bernard lắc đầu. Tôi không hiểu.

Tốt, tôi tiếp tục bằng tiếng Yiddish, vì thằng thộn này, tôi nói và làm hiệu chỉ gã đàn ông đeo nơ bướm, thằng ngu này đâm đầu vào đít tôi, và chỉ vì tôi không thể muốn phóng uế lúc nào thì phóng nên nó mới chưa bị đẩy ra đấy. Làm ơn yêu cầu hắn buông vuốt khỏi tôi trước khi tôi buộc phải nhét một cái cây khác vào mũi hắn, mà lần này tôi sẽ không thèm nhổ ra khỏi chậu đâu.

Robert ư? Bernard cố gắng hiểu cho được. Có vẻ như anh ta hiểu rằng tôi nói về gã đàn ông đang bám lấy khuỷu tay tôi bằng hàm răng của gã. Robert là người biên tập cho Isaac. Ông biết Isaac chứ?

Con bò mộng bám chặt hơn. Tôi mở miệng. Thế nhưng.

Xin lỗi, Bernard nói. Ước gì tôi biết nói tiếng Yiddish, nhưng tôi lại không biết. Được rồi, cảm ơn ông vì đã tới. Thật cảm động khi thấy bao người đã có mặt. Hẳn Isaac sẽ hài lòng. Anh ta bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay. Anh ta xoay người chuẩn bị bước đi.

Slonim, tôi nói. Tôi không hề định trước. Ấy thế nhưng.

Bernard quay người lại.

Ông bảo sao?

Tôi nói lại lần nữa.

Tôi từ Slonim tới, tôi nói.

Slonim? anh ta nhắc lại.

Tôi gật đầu.

Đột nhiên anh ta trông như một đứa trẻ bị mẹ đón muộn, và chỉ đến lúc này, khi mẹ tới, anh ta mới được phép nhỏ nước mắt.

Trước đây bà hay kể cho chúng tôi về nơi ấy. Truyen8.mobi

Bà ấy là ai? con chó hỏi.

Mẹ tôi. Ông ấy quê cùng một thành phố với mẹ tôi, Bernard nói. Tôi đã nghe rất nhiều chuyện.

Tôi định vỗ vào cánh tay anh ta nhưng anh ta cử động để gạt gì đó khỏi mắt mình nên kết quả là tôi vỗ vào ngực. Không biết làm gì khác, tôi bóp nhẹ.

Con sông, phải không? Nơi bà ấy thường bơi, Bernard nói.

Nước sông lạnh như đá. Chúng ta sẽ cởi quần áo và nhảy từ trên cầu xuống, miệng hét váng lên. Tim chúng ta sẽ ngừng đập. Cơ thể chúng ta sẽ biến thành đá. Trong chốc lát chúng ta thấy mình đang bị chết đuối. Khi chúng ta chật vật trở lại bờ, thở gấp gáp, chân chúng ta sẽ nặng như đeo đá, hai mắt cá đau dội lên. Mẹ anh gầy giơ xương, bộ ngực nhỏ tái xanh. Ta sẽ ngủ quên và khô người đi dưới ánh nắng, rồi tỉnh dậy bởi sốc khi có nước lạnh như đá đổ trên lưng. Và cả vì tiếng cười của cô ấy.

Ông biết cửa hàng giày của bố bà ấy chứ? Bernard hỏi.

Sáng nào ta cũng đón cô ấy ở đó để chúng ta có thể cùng đi bộ tới trường. Trừ khoảng thời gian chúng ta cãi lộn và không nói gì với nhau trong ba tuần, hầu như không có ngày nào chúng ta không đi cùng nhau. Khi trời lạnh, mái tóc ướt của cô sẽ đóng băng thành những dải đá.

Tôi có thể kể tiếp mãi, tất cả những câu chuyện bà ấy đã kể cho chúng tôi. Cánh đồng bà thường chơi.

Ừ, tôi nói và vỗ vào tay anh ta. Cắn đồng.

Mười lăm phút sau, tôi kẹt cứng giữa con bò mộng và một phụ nữ trẻ ở băng ghế sau của một chiếc limousine kéo dài, bạn sẽ nghĩ tôi đang quen với việc đi loại xe này. Chúng tôi đang đến nhà Bernard dự cuộc gặp gỡ nho nhỏ gồm gia đình và bạn bè. Tôi muốn đến nhà con trai mình hơn, để được đau đớn giữa những đồ vật của nó, nhưng tôi phải tự hài lòng với việc đến nhà em cùng mẹ khác cha của nó. Ngồi ở ghế đối diện tôi trong chiếc limousine là hai người khác. Khi một người gật đầu và nở một nụ cười về phía tôi, tôi gật đầu và cười lại. Họ hàng của Isaac hả? ông ta hỏi lại. Rõ ràng rồi, con chó đáp, mò mò trên mớ tóc đang bay do cơn gió từ ô cửa sổ mà người phụ nữ vừa hạ kính xuống.

Mất gần một giờ mới tới nhà Bernard. Nơi nào đó ở Long Island. Những thân cây đẹp đẽ. Tôi chưa bao giờ thấy những thân cây đẹp như thế. Ở ngoài lối cho xe đi, một cậu cháu của Bernard rạch hai ống quần lên tận đầu gối rồi chạy đi chạy lại trong nắng, xem chúng đón gió ra sao. Trong nhà, người ta đứng xung quanh một chiếc bàn xếp đầy đồ ăn và nói chuyện về Isaac. Tôi biết mình không thuộc về nơi đó. Tôi cảm thấy mình như một gã ngốc, kẻ giả danh. Tôi đứng bên cửa sổ, tự làm cho mình trở thành tàng hình. Tôi không nghĩ sẽ đau đớn đến vậy. Ấy thế nhưng. Phải nghe người ta nói về đứa con trai mà tôi chỉ có thể tưởng tượng ra như thể nó gần gũi với họ như một người ruột thịt là điều quá sức chịu đựng. Thế nên tôi lỉnh đi. Tôi lang thang qua các phòng trong căn nhà của em cùng mẹ khác cha của Isaac. Tôi nghĩ: con trai tôi đã bước trên thảm. Tôi vào một phòng ngủ dành cho khách. Tôi nghĩ: đôi lúc nó đã ngủ trên chiếc giường này. Chính chiếc giường này! Đầu nó gối trên những chiếc gối này. Tôi nằm xuống. Tôi mệt mỏi, tôi không thể ngăn nổi mình. Dưới má tôi, chiếc gối lún xuống. Và khi nó nằm đây, tôi nghĩ, nó đã nhìn ra chính cửa sổ kia, nhìn chính cái cây kia. Truyen8.mobi

Cậu đúng là đồ mơ mộng viển vông, Bruno nói, có lẽ tôi thế thật. Có lẽ tôi cũng đang mơ về điều này, một lát nữa chuông cửa sẽ reo, tôi sẽ mở hai mắt, Bruno sẽ đứng đó hỏi liệu tôi có cuộn giấy vệ sinh nào không.

Chắc chắn tôi đã ngủ thiếp đi bởi điều tiếp theo tôi biết là Bernard đang đứng phía trên tôi.

Xin lỗi! Tôi không nhận ra có người ở đây. Ông ốm à?

Tôi bật dậy. Nếu có khi nào từ bật được dùng để nói tới những hành động của tôi, đây chính là lúc ấy. Và đó là khi tôi trông thấy nó. Nó nằm trên giá ngay sau vai anh ta. Đó là một khung ảnh bằng bạc. Tôi sẽ nói rằng lồ lộ, song tôi chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa của từ đó. Thứ gì có thể kém rõ ràng hơn việc trông thấy?

Bernard xoay người.

Ồ, thứ đó, anh ta nói và lấy nó xuống giá. Xem nào. Đây là mẹ tôi khi còn nhỏ. Mẹ tôi, thấy chứ? Khi ấy ông có biết bà không, khi còn như trong tấm ảnh này ấy?

(“Bọn mình hãy đứng dưới gốc cây,” cô nói. “Tại sao?” “Vì như thế đẹp hơn.” “Có khi em nên ngồi trên ghế còn anh đứng cao hơn em, giống như họ luôn làm với vợ và chồng ấy.” “Làm thế thật dở hơi.” “Sao lại dở hơi?” “Vì bọn mình có cưới nhau đâu.” “Bọn mình nên cầm tay nhau không?” “Không thể.” “Nhưng tại sao?” “Vì người ta sẽ biết.” “Biết gì?” “Về bọn mình.” “Họ biết thì sao nào?” “Bí mật thì tốt hơn.” “Sao lại thế?” “Vì không ai có thể lấy đi thứ gì từ bọn mình.”

Isaac tìm thấy nó trong số đồ đạc của bà sau khi bà mất, Bernard nói. Đây là tấm ảnh đẹp, phải không? Tôi không biết ông ấy là ai. Bà không mang theo nhiều thứ từ nơi đó. Vài tấm ảnh chụp cha mẹ và chị em bà, thế là hết. Tất nhiên bà đã không biết rằng bà sẽ không gặp lại họ, thế nên bà chẳng mang theo nhiều. Nhưng tôi không hề trông thấy thứ này cho đến tận hôm Isaac tìm thấy nó ở một ngăn kéo trong phòng bà. Nó nằm trong một chiếc phong bì cùng vài lá thư. Tất cả viết bằng tiếng Yiddish. Isaac nghĩ những lá thư này của một người bà đã yêu hồi còn ở Slonim. Nhưng tôi hoài nghi điều ấy. Bà chưa bao giờ nhắc đến ai. Ông không thể hiểu điều gì tôi nói, phải không?

(“Nếu anh có máy ảnh,” tôi nói, “ngày nào anh cũng sẽ chụp em một kiểu. Làm như thế anh sẽ nhớ được từng ngày trong đời em trông ra sao.” “Em trông vẫn đúng như vậy thôi.” “Không, em không thế. Lúc nào em cũng biến đổi. Mỗi ngày lại thay đổi một chút xíu. Nếu có thể, anh sẽ ghi lại toàn bộ.” “Nếu anh thông minh thế, xem hôm nay em đã thay đổi thế nào?” “Ví dụ như em đã cao hơn một phần trăm milimet. Tóc em đã dài thêm một phần trăm milimet. Và ngực em đã lớn thêm một phần trăm…” “Không phải thế!” “Có, phải thế.” “KHÔNG đúng.” “Đúng.” “Còn gì nữa, đồ lợn béo?” “Em thấy hạnh phúc thêm một chút và buồn hơn một chút.” “Thế nghĩa là chúng bù trừ cho nhau, khiến cho em hoàn toàn như cũ.” “Không hề. Chuyện hôm nay em hạnh phúc hơn một chút không làm thay đổi chuyện em cũng buồn thêm một chút. Mỗi ngày em trở nên vừa hạnh phúc hơn lại vừa buồn hơn, thế có nghĩa là ngay lúc này, đúng vào thời điểm này, em thấy hạnh phúc và buồn bã hơn bao giờ hết.” “Làm sao anh biết?” “Hãy nghĩ mà xem. Em đã bao giờ thấy hạnh phúc hơn lúc này, khi nằm trên cỏ ở đây chưa?” “Em đoán là chưa. Chưa.” “Và em đã bao giờ thấy buồn hơn chưa?” “Chưa.” “Em biết đấy, không phải mọi người đều thấy như thế. Một vài người, như chị gái em, mỗi ngày chỉ thấy hạnh phúc thêm. Và một số người, như Beyla Asch, chỉ trở nên buồn bã hơn. Còn một số, như em, thì cả hai.” “Còn anh thì sao? Ngay bây giờ anh cảm thấy hạnh phúc và buồn hơn bao giờ hết chứ? “Tất nhiên là thế rồi.” “Vì sao?” “Vì so với em thì chẳng có gì khiến anh hạnh phúc hơn và chẳng có gì khiến anh buồn hơn.”)

Nước mắt tôi rơi trên khung ảnh. May mắn là có lớp kính. Truyen8.mobi

Tôi muốn ở đây ôn lại quá khứ, Bernard nói, nhưng thực sự tôi nên đi. Bao nhiêu người đang ở ngoài kia. Anh ta chỉ ra phía ngoài. Hãy cho tôi biết nếu ông cần bất kỳ thứ gì. Tôi gật đầu. Anh ta khép cánh cửa lại phía sau lưng và rồi, ơn Chúa, tôi lấy tấm ảnh và nhét vào quần mình. Tôi lần xuống cầu thang rồi ra cửa. Ra ngoài lối xe đi, tôi gõ vào cửa sổ một trong số những chiếc limousine. Tài xế tỉnh giấc.

Giờ tôi đã sẵn sàng quay về, tôi nói.

Thật ngạc nhiên, anh ta ra khỏi xe, mở cửa và giúp tôi vào trong.

Khi trở về căn hộ, tôi nghĩ mình đã bị ăn trộm. Đồ đạc bị lật tung, trên sàn rải đầy bột trắng. Tôi nắm chặt chiếc gậy bóng chày vẫn để ở giá móc ô và theo vết bước chân dẫn tới bếp. Xoong chảo và bát bẩn bày khắp nơi. Có vẻ như kẻ đột nhập ăn cắp nhà tôi đã thảnh thơi dành thời gian nấu ăn. Tôi đứng với bức ảnh nằm trong túi quần. Có tiếng loảng xoảng sau lưng tôi, tôi quay lại quật bừa. Nhưng đó chỉ là một cái nồi trượt khỏi quầy bếp lăn qua sàn. Trên bàn ăn, cạnh máy đánh chữ của tôi là một chiếc bánh lớn, ở giữa lõm xuống. Nhưng tôi vẫn đứng. Nó được phủ lớp đường cô màu vàng, ngang trên mặt bánh là dòng chữ màu hồng viết ẩu: XEM AI ĐÃ NƯỚNG BÁNH NÀY. Ở mặt kia của chiếc máy đánh chữ của tôi có một mẩu giấy đề lời nhắn: ĐÃ CHỜ CẢ NGÀY.

Không thể cưỡng được, tôi mỉm cười. Tôi cất chiếc gậy bóng chày đi, lật lại những món đồ tôi nhớ ra đã bị đổ từ đêm trước, lấy khung ảnh ra, hà hơi lên lớp kính, lấy sơ mi lau đi và đặt lên bàn ngủ. Tôi leo lên phòng của Bruno. Chuẩn bị gõ cửa thì tôi trông thấy một mẩu giấy dính trên đó. Nội dung là: ĐỪNG LÀM PHIỀN. QUÀ DƯỚI GỐI CẬU.

Lâu lắm rồi mới có người tặng quà cho tôi. Một cảm giác hạnh phúc rộn lên trong tim tôi. Vì mỗi sáng tôi có thể tỉnh giấc và sưởi hai bàn tay quanh một tách trà nóng. Vì tôi có thể xem lũ bồ câu bay lượn. Vì vào giai đoạn cuối đời tôi, Bruno vẫn không quên tôi. Truyen8.mobi

Tôi xuống gác. Để trì hoãn niềm vui mà tôi biết sẽ xuất hiện phía trước, tôi dừng lại lấy thư. Tôi tự đưa mình trở lại căn hộ. Bruno đã gắng để lại được một lớp bột mì trên khắp sàn nhà. Có thể một cơn gió đã thổi vào, ai mà biết được. Trong phòng ngủ, tôi thấy rằng cậu đã quỳ xuống sàn và tạo ra một thiên thần trên lớp bột mì. Tôi bước vòng quanh đó, không muốn làm hỏng thứ đã được làm một cách mê say đến thế. Tôi nhấc gối lên.

Đó là một phong bì lớn màu vàng. Phía ngoài đề tên tôi, bằng chữ viết tay mà tôi không nhận ra. Tôi mở phong bì. Bên trong là một tập giấy có chữ in. Tôi bắt đầu đọc. Các từ rất quen. Mất một lúc tôi không thể nhớ chúng do ai viết. Rồi tôi nhận ra rằng chúng là của chính tôi.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25447


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận