Lịch Sử Tình Yêu Chương 5


Chương 5
Chiếc lều của cha tôi

1. Cha tôi không thích viết thư

Chiếc hộp đựng kẹo Cadbury bằng thiếc chứa đầy thư của mẹ tôi không có lá thư trả lời nào của cha. Tôi đã tìm chúng khắp mọi nơi nhưng chưa bao giờ thấy. Mà cha cũng không để lại lá thư nào cho tôi mở khi tôi lớn lên. Tôi biết bởi tôi đã hỏi mẹ liệu cha có để lại thư không, bà bảo Không. Bà bảo cha không phải típ người như vậy. Khi tôi hỏi cha thuộc típ người nào, bà nghĩ một phút. Rồi mẹ bảo rằng cha thuộc típ người thích thách thức quyền lực. “Với lại,” bà nói, “ông ấy không thể ngồi yên.” Đây không phải những gì tôi nhớ về cha. Tôi nhớ ông không ngồi trên ghế thì cũng nằm trên giường. Trừ lúc tôi còn rất nhỏ và nghĩ rằng làm “kỹ sư” nghĩa là ông lái tàu hoả. Rồi tôi tưởng tượng ông ngồi trên ghế của đầu tàu có màu than, một chuỗi các toa chở khách kéo dài phía sau. Một hôm cha bật cười và chỉnh lại suy nghĩ tôi. Mọi thứ bất chợt trở nên sáng rõ. Đó là một trong những khoảnh khắc không thể quên xảy ra lúc còn bé, khi bạn phát hiện ra toàn bộ thế giới đang đi ngược lại ý nghĩ của mình. Truyen8.mobi

2. ‑Ông cho tôi một cây bút có thể viết ở tình trạng không trọng lượng

“Nó có thể hoạt động ở trạng thái không trọng lượng,” cha nói trong khi tôi ngắm nghía nó trong chiếc hộp bọc nhung có biểu tượng chính thức của NASA. Hôm đó là sinh nhật lần thứ bảy của tôi. Cha nằm trên giường bệnh viện, đầu đội một chiếc mũ bởi ông không còn tóc nữa. Lớp giấy bọc sáng bóng nằm nhăn nhúm trên tấm chăn của ông. Ông cầm tay tôi và kể câu chuyện hồi lên sáu tuổi ông đã ném đá vào đầu một đứa bắt nạt anh trai ông, thế là sau đó chẳng bao giờ có kẻ nào quấy rầy ai trong hai anh em nữa. “Con phải tự vệ,” ông bảo tôi. “Nhưng ném đá không tốt,” tôi nói. “Bố biết,” ông nói. “Con thông minh hơn bố. Con sẽ tìm được thứ gì đó tốt hơn đá.” Khi y tá đến, tôi bước đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Phố 59 sáng lên trong bóng tối. Tôi đếm những con thuyền chạy qua trên sông. Khi chán, tôi đi ra nhìn ông già ở giường phía bên kia rèm. Gần như lúc nào ông cũng ngủ và khi ngủ, hai bàn tay ông run rẩy. Tôi cho ông xem chiếc bút. Tôi bảo ông rằng nó có thể hoạt động ở trạng thái không trọng lượng, nhưng ông không hiểu. Tôi cố giải thích lần nữa nhưng ông vẫn không rõ. Cuối cùng tôi nói, “Nó dành để sử dụng khi cháu lên vũ trụ.” Ông gật đầu và nhắm mắt.

3. Người không thể trốn được trọng lực

Rồi cha tôi mất, tôi cất chiếc bút vào một ngăn kéo. Mấy năm trôi qua, rồi tôi lên mười một tuổi và có một người bạn Nga quen qua thư. Chương trình này do hội đoàn giáo đường Hadassah chỗ tôi ở thực hiện thông qua trường học Do Thái. Ban đầu chúng tôi phải viết cho những người Nga Do Thái vừa mới di cư tới Israel, nhưng khi việc đó không thành, chúng tôi được giao viết cho những người Nga Do Thái bình thường. Vào dịp lễ Sukkot chúng tôi gửi cho lớp của các bạn quen qua thư một quả etrog cùng những lá thư đầu tiên. Bạn của tôi tên là Tatiana. Cô sống ở St. Petersburg, gần công viên Field of Mars. Tôi thích vờ là cô sống trên vũ trụ. Tiếng Anh của Tatiana không được tốt lắm, thường tôi không thể hiểu những lá thư cô viết. Nhưng tôi vẫn mong đợi một cách hào hứng. Bố tớ là nhà toán học, cô viết. Bố tớ có thể tồn tại được nơi hoang dã, tôi viết lại cho cô. Cứ mỗi lá thư cô viết, tôi viết lại hai lá. Cậu có nuôi chó không? Bao nhiêu người dùng phòng vệ sinh của cậu? Cậu có thứ gì từng của Czar không? Một hôm một lá thư xuất hiện. Cô muốn biết liệu tôi đã từng tới Sears Roebuckchưa. Cuối thư là tái bút. Nội dung thế này: Một cậu con trai lớp tớ đã chuyển tới New York. Có lẽ cậu cần viết cho cậu ấy bởi cậu ấy không biết ai. Đó là tin cuối cùng tôi nhận được từ cô. Truyen8.mobi

4. Tôi tìm ra các kiểu sống khác

“Bãi biển Brighton ở đâu mẹ?” tôi hỏi. “Ở Anh,” mẹ tôi vừa nói vừa xem các ngăn tủ bếp để tìm thứ gì đó bà đã để sai chỗ. “Ý con là bãi biển ở New York kia.” “Mẹ nghĩ là gần Coney Island.” “Coney Island cách bao xa?” “Có lẽ khoảng nửa giờ.” “Chạy xe hay đi bộ?” “Con có thể đi tàu điện ngầm.” “Có bao nhiêu ga?” “Mẹ không biết. Sao con quan tâm đến bãi biển Brighton thế?” “Con có một người bạn ở đó. Cậu ấy tên Misha, là người Nga,” tôi nói với vẻ ngưỡng mộ. “Người Nga cơ à?” mẹ hỏi từ bên trong ngăn tủ bếp dưới chậu rửa. “Mẹ bảo người Nga cơ à là ý gì?” Mẹ đứng dậy và quay về phía tôi. “Không có gì,” mẹ nói và nhìn tôi với thái độ đôi lúc bà vẫn thể hiện khi vừa nghĩ tới điều gì đó thú vị lạ lùng. “Chỉ là như con chẳng hạn, có một phần tư của Nga, một phần tư Hungary, một phần tư Ba Lan, một phần tư Đức.” Tôi không nói gì. Mẹ mở một ngăn kéo rồi lại đóng vào. “Thực ra,” bà nói, “con có thể nói rằng con có ba phần tư Ba Lan và một phần tư Hungary, bởi cha mẹ của bà nội sinh ở Ba Lan trước khi họ chuyển tới Nuremberg, và quê gốc của bà ngoại Shasha là Belarus - hay Bạch Nga - trước khi nó trở thành một phần của Ba Lan.” Mẹ mở một ngăn khác đầy các túi nhựa và bắt đầu lục tung lên. Tôi quay người bước đi. “Bây giờ nghĩ kỹ,” mẹ nói, “mẹ cho là con cũng có thể nói rằng con có ba phần tư Ba Lan và một phần tư Séc, bởi vì thành phố là quê của ông nội lại thuộc Hungary trước năm 1918 và thuộc Tiệp Khắc sau năm đó, dù những người Hungary vẫn tự coi mình thuộc Hungary, và nhanh chóng trở lại thuộc Hungary lần nữa trong Thế chiến Thứ hai. Tất nhiên con luôn có thể nói rằng con có một nửa Ba Lan, một phần tư Hungary và một phần tư Anh, bởi ông ngoại Simon rời Ba Lan tới London khi ông chín tuổi.” Mẹ giật một tờ ở tập giấy cạnh điện thoại và bắt đầu viết một cách hăng hái. Một phút trôi qua trong khi bà vạch lia lịa. “Xem này!” bà nói, đẩy tờ giấy để tôi có thể trông thấy. “Thực tế là con có thể vẽ mười sáu biểu đồ khác nhau, từng biểu đồ đều chính xác!” Tôi nhìn biểu đồ, có nội dung thế này:

“Tuy nhiên, con luôn có thể nhắc lại rằng mình có một nửa Anh và một nửa Israel, bởi…” “CON LÀ NGƯỜI MỸ!” tôi hét lên. Mẹ tôi chớp mắt. “Con thích thế nào cũng được,” bà nói và đi đặt ấm nước lên đun. Từ góc phòng, nơi nó đang xem ảnh trong một cuốn tạp chí, Bird lầm bầm, “Không, không phải. Chị là người Do Thái.” Truyen8.mobi

5. ‑Một lần tôi đã dùng cây bút để viết cho cha

Chúng tôi ở Jerusalem để tổ chức lễ Bat Mitzvah cho tôi. Mẹ tôi muốn tổ chức ở Bức tường phía Tây để ông bà nội tôi có thể dự được. Khi ông nội đến Palestine năm 1938, ông nói ông sẽ không bao giờ rời khỏi đó, và thực tế là ông chưa bao giờ đi đâu cả. Bất kỳ ai muốn gặp ông đều phải đến căn hộ của ông bà trong một tòa nhà cao ở Kiryat Wolfson, nhìn ra tòa nhà quốc hội. Căn hộ đầy những đồ nội thất cũ tối màu và những tấm ảnh cũ tối sẫm họ mang đến từ Châu Âu. Vào buổi chiều, họ hạ các chớp cửa kim loại xuống để bảo vệ tất cả trước ánh nắng chói chang, vì chẳng có thứ gì họ sở hữu được chế tạo để có thể tồn tại trong thời tiết ấy.

Suốt vài tuần mẹ tôi tìm vé giá rẻ, cuối cùng kiếm được ba vé giá bảy trăm đô la của hãng hàng không El Al. Vẫn là số tiền lớn với bọn tôi, nhưng mẹ nói rằng đó là việc tốt cần tiêu. Ngày trước lễ Bat Mitzvah của tôi, mẹ đưa chúng tôi đến Biển Chết. Bà nội cũng đến, đội một chiếc mũ rơm được giữ yên nhờ một sợi dây phía dưới cằm bà. Khi bước ra khỏi phòng thay đồ, bà trông thật quyến rũ trong bộ đồ tắm, làn da nhăn nheo nhàu nhĩ, đầy những mạch máu xanh. Chúng tôi nhìn gương mặt bà đỏ lựng lên dưới những làn nước lưu huỳnh nóng, những giọt mồ hôi đọng lại ở môi trên của bà. Khi bà bước ra, hơi nước bốc từ người lên. Chúng tôi theo bà ra mép nước. Bird đứng dưới bùn, hai chân bắt chéo nhau. “Nếu cháu phải đi, hãy đi dưới nước ấy,” bà nói to. Một nhóm phụ nữ Nga nặng nề người phủ đầy bùn khoáng đen quay ra nhìn. Nếu có nhận thấy điều đó chăng nữa, bà cũng chẳng quan tâm. Chúng tôi nằm ngửa cho người nổi trong lúc bà theo dõi chúng tôi qua vành mũ rộng. Hai mắt nhắm nhưng tôi vẫn cảm thấy bóng của bà trùm lên mình. “Cháu không có ngực à? Chuyện rì xảy ra thế?” Tôi thấy mặt mình nóng ran và vờ như không nghe thấy. “Cháu có bạn trai không?” bà hỏi. Bird ngẩng mặt lên. “Không,” tôi lầm bầm. “Rì?” “Không.” “Xao không?” “Cháu mới mười hai tuổi.” “Thế thì xao! Hồi bằng tuổi cháu bà đã có ba, có khi bốn cậu rồi. Cháu trẻ và đẹp, trộm vía.” Tôi quẫy ra để tránh bộ ngực khổng lồ nổi bật của bà. Tiếng bà vẫn bám theo. “Nhưng điều ấy xẽ không kéo dài mãi đâu!” Tôi cố đứng dậy rồi chuồi người vào lớp bùn. Tôi lướt mắt qua làn nước phẳng tìm mẹ cho tận tới khi tôi thấy bà. Bà đã bơi qua người bơi xa nhất và vẫn còn tiếp tục. Truyen8.mobi

Sáng hôm sau tôi đứng ở Bức tường phía Tây, người vẫn tỏa mùi lưu huỳnh. Các kẽ giữa những tảng đá lớn đầy những mảnh giấy nhỏ vo lại. Vị giáo sĩ bảo tôi rằng nếu muốn, tôi có thể viết lời gửi Chúa rồi nhét vào những kẽ ấy. Tôi không tin có Chúa nên thay vào đó tôi viết cho cha mình: Bố à, con đang viết thư này bằng cây bút bố đã cho con. Hôm qua Bird hỏi con rằng bố có thể thực hiện thủ thuật Heimlich không, con bảo nó là có. Con còn bảo nó là bố có thể lái được tàu đệm không khí. Mà bố này, con đã tìm thấy chiếc lều của bố trong tầng hầm. Con đoán là mẹ đã không nhận thấy nó khi mẹ ném đi mọi thứ từng thuộc về bố. Nó có mùi nấm mốc nhưng không có vết thủng nào. Thi thoảng con dựng nó ở sân sau rồi nằm bên trong và nghĩ xem trước đây bố thường nằm trong đó thế nào. Con viết thư này nhưng con biết là bố không thể đọc nó. Con yêu bố, Alma. Bà cũng viết một lá. Khi tôi cố nhét lá thư của mình vào bức tường, thư của bà rơi ra ngoài. Lúc ấy bà đang mải cầu nguyện nên tôi nhặt lên và mở ra. Thư viết: Baruch Hashem, tôi và chồng tôi nên sống để thấy ngày mai và thấy rằng Alma của tôi cần lớn lên, được ban cho sức khỏe, hạnh phúc và thứ ác liệt là bộ ngực đẹp.

6. Nếu tôi nói giọng Nga, mọi thứ sẽ khác

Khi tôi trở lại New York, lá thư đầu tiên của Misha đang chờ. Alma thân mến, thư bắt đầu như thế. Xin chào! Tớ rất vui vì cậu chào đón tớ! Cậu ta suýt soát mười ba tuổi, nhiều hơn tôi năm tháng. Tiếng Anh của cậu khá hơn Tatiana bởi cậu đã thuộc lời hầu hết các bài hát của Beatles. Cậu hát chúng khi mang theo mình cây đàn accordion mà ông cậu cho, ông đã chuyển đến ở cùng gia đình Misha sau khi bà cậu mất và theo lời Misha, linh hồn của bà đã đầu thai xuống Khu vườn Mùa hè ở St. Petersburg dưới hình dạng một đàn ngỗng. Đàn ngỗng ở đó hai tuần liên tục, kêu dưới mưa, khi chúng đi, lớp cỏ phủ đầy phân. Vài tuần sau ông tới nhà cậu, kéo theo sau một chiếc va li méo mó chất đầy mười tám tập Lịch sử người Do Thái. Ông chuyển vào căn phòng đã chật chội sẵn mà Misha ở cùng với chị gái Svetlana, lấy ra chiếc accordion và bắt đầu sáng tác tác phẩm của đời mình. Ban đầu ông chỉ viết biến thể của vài bài dân ca Nga phối với vài điệp khúc Do Thái. Sau ông chuyển sang những bản hoang dại hơn, đen tối hơn, cuối cùng ông ngừng chơi những bản quen thuộc, và khi ông giữ những nốt dài, ông khóc, và Misha cùng Svetya, dù có dốt đến đâu, không cần ai bảo cũng biết rằng cuối cùng ông đã trở thành nhạc sĩ mà ông hằng mong muốn. Ông có một chiếc xe cũ nát đậu ở lối đi phía sau căn hộ họ ở. Theo Misha kể, ông lái xe như một người mù, cho chiếc xe gần như hoàn toàn tự do cảm nhận con đường, chồm lên các thứ, chỉ xoay nhẹ tay lái khi tình huống lên đến mức nguy hiểm cho tính mạng. Khi ông đến đón hai chị em ở trường, Misha và Svetlana bịt tai lại và cố nhìn đi chỗ khác. Khi ông rú ga và không thể lờ đi được nữa, cả hai sẽ vội vàng chạy về phía xe với tư thế đầu cúi xuống rồi chui tọt vào ghế sau. Họ sẽ bám chặt lấy nhau ở băng ghế sau trong lúc ông nội ngồi sau tay lái, ngân nga hát theo cuốn băng của Lev - anh họ của hai chị em - phát bài hát của ban nhạc punk Pussy Ass Mother Fucker. Nhưng ông luôn hát sai lời. Nếu lời gốc là “Dính vào vụ ẩu đả, bị đập mặt xuống sàn xe,” có thể ông sẽ hát, “Anh là tất cả của em và em luôn có anh che chở,” và thay cho “Em là đồ khốn nạn, nhưng em đẹp lắm,” ông sẽ hát, “Hãy là bạn, và mình cùng đi tắm nhé.” Nếu Misha và chị cậu chỉ ra những chỗ ông hát sai, ông sẽ làm ra vẻ ngạc nhiên và vặn âm lượng to thêm để nghe cho rõ hơn, nhưng lần tiếp theo ông sẽ lại hát y như cũ. Khi mất, ông để lại cho Svetya mười tám tập Lịch sử người Do Thái và để cho Misha chiếc accordion. Cũng khoảng thời gian ấy chị của Lev - người đánh mí mắt màu xanh - mời Misha vào phòng, cho cậu nghe bài “Let it be” và dạy cậu cách hôn. Truyen8.mobi

7. Cậu bé với cây đàn Accordion

Misha và tôi viết cho nhau hai mươi mốt lá thư. Đó là năm tôi mười hai tuổi, hai năm trước khi Jacob Marcus viết thư cho mẹ tôi đề nghị bà dịch Lịch sử tình yêu. Những bức thư của Misha đầy các dấu chấm than và chấm hỏi như Cậu nói mông cậu sắp thành cỏ nghĩa là gì? còn thư của tôi đầy những câu hỏi về cuộc sống ở Nga. Rồi cậu mời tôi tới dự lễ Bar Mitzvah của cậu.

Mẹ tết tóc cho tôi, cho tôi mượn chiếc khăn đỏ rồi đánh xe đưa tới nhà cậu ở Brighton Beach. Tôi bấm chuông cửa và đợi Misha xuống. Từ xe, mẹ vẫy tay với tôi. Tôi run lên dưới cái lạnh. Một đứa con trai cao, có lớp lông tơ đen thẫm trên môi trên bước ra. “Alma hả?” cậu ta hỏi. Tôi gật đầu. “Xin chào bạn của tôi!” cậu ta nói. Tôi vẫy tay chào mẹ và theo cậu bước vào trong nhà. Hành lang có mùi như cải bắp muối. Trên gác, căn hộ đầy những người đang ăn uống và hò hét bằng tiếng Nga. Trong góc phòng ăn có một ban nhạc, mọi người cứ cố gắng nhảy dù chẳng có không gian. Misha bận bịu nói chuyện với mọi người và nhét phong bì vào túi, thế nên phần lớn thời gian của buổi tiệc, tôi ngồi ở đầu một chiếc ghế dài với một đĩa tôm khổng lồ. Tôi thậm chí chẳng ăn tôm nhưng đó là điều duy nhất tôi nhận ra. Nếu ai đó nói chuyện với tôi, tôi phải giải thích rằng tôi không nói tiếng Nga. Một ông già mời tôi uống chút vodka. Ngay lúc ấy Misha từ bếp lao ra, hai tay ôm cây đàn accordion của mình nối vào một bộ ampli, rồi bật ra một bài hát. “You say it’s your birthday!” cậu ta hét lên. Đám đông trông có vẻ hồi hộp. “Well, it’s my birthday too!” cậu ta hét, và chiếc accordion cựa quậy chuyển mình. Điệu này chuyển thành bài “Sgt. Pepper’s lonely heart’s club band,” dẫn tới bài “Here comes the sun,” và cuối cùng sau năm hay sáu bài, ca khúc của The Beatles chuyển thành “Hava Nagila,” và đám đông cuồng lên, mọi người hát theo và cố gắng nhảy. Khi rốt cuộc nhạc ngừng, Misha đến tìm tôi, mặt cậu hồng lên và ướt đẫm mồ hôi. Cậu tóm lấy tay tôi, tôi theo cậu ra khỏi căn hộ, đi dọc hành lang, lên năm lượt cầu thang, qua một cánh cửa rồi ra sân thượng. Bạn có thể trông thấy đại dương xa xa, những ngọn đèn của Coney Island, sau đó là đường tàu lượn siêu tốc bị bỏ không. Răng tôi bắt đầu đánh vào nhau lập cập, Misha cởi áo khoác của mình quàng lên vai tôi. Chiếc áo ấm và có mùi mồ hôi.

8. 

Tôi kể cho Misha mọi điều. Về chuyện cha tôi mất thế nào, về nỗi cô đơn của mẹ, về niềm tin không thể lay chuyển của Bird đối với Chúa. Tôi kể cho cậu về ba tập Làm thế nào tồn tại được ở nơi hoang dã, vị biên tập viên người Anh và cuộc đua thuyền của ông ta, về Henry Lavender và những chiếc vỏ sinh vật biển vùng Philippines, về bác sĩ thú y Tucci. Tôi kể với cậu về tiến sĩ Eldridge và Những điều ta không biết về sự sống, và sau đó - hai năm sau khi chúng tôi bắt đầu viết thư cho nhau, bảy năm sau khi cha tôi qua đời và 3,9 tỷ năm tính từ sự sống đầu tiên trên trái đất - khi lá thư đầu tiên của Jacob Marcus từ Venice tới, tôi kể cho Misha về Lịch sử tình yêu. Chủ yếu chúng tôi viết thư hoặc nói chuyện qua điện thoại, nhưng đôi khi vào dịp cuối tuần chúng tôi đến gặp nhau. Tôi thích đến Brighton Beach hơn bởi bà Shklovsky sẽ mang cho chúng tôi trà sơ ri ngọt đựng trong tách bằng sứ và ông Shklovsky - người mà nách luôn có những vòng mồ hôi tối thẫm - dạy tôi chửi thề bằng tiếng Nga. Đôi khi chúng tôi thuê phim về xem, nhất là phim gián điệp hay trinh thám. Những phim ưa thích của chúng tôi là Rear Windows, Strangers on a Train, North by Northwest - chúng tôi xem tới vài chục lần. Khi tôi giả danh mẹ viết thư cho Jacob Marcus, chính Misha là người được tôi kể, đọc qua điện thoại cho cậu nghe bản thảo cuối cùng. “Cậu nghĩ thế nào?” tôi hỏi. “Mình nghĩ mông cậu…” “Quên nó đi,” tôi nói. Truyen8.mobi

9. Người đàn ông tìm kiếm một viên đá

Một tuần trôi qua kể từ khi tôi gửi lá thư của mình, hay lá thư của mẹ tôi, hoặc bạn muốn gọi là gì cũng được. Một tuần nữa trôi qua và tôi tự hỏi liệu có thể Jacob Marcus đã xuất ngoại, có thể là tới Cairo, hoặc có thể là Tokyo. Một tuần nữa qua đi và tôi nghĩ có lẽ bằng cách nào đó ông ta đã phát hiện ra sự thật. Bốn ngày nữa trôi qua và tôi để ý kỹ gương mặt mẹ để tìm các dấu hiệu giận dữ. Lúc này đã là cuối tháng Bảy. Một ngày qua đi và tôi nghĩ có lẽ mình nên viết thư cho Jacob Marcus để xin lỗi. Ngày hôm sau thì thư của ông tới.

Tên mẹ tôi - Charlotte Singer - được viết choán hết mặt trước bằng bút máy. Tôi vừa xỏ chân vào quần soóc thì điện thoại đổ chuông. “A lô?” tôi nói với vẻ mất kiên nhẫn. “Đây có phải nhà Moshiach không?” tiếng ở đầu dây kia nói. “Nhà ai?” “Nhà Moshiach,” đứa trẻ nói, rồi tôi nghe đầu dây bên kia tiếng cười khùng khục. Có vẻ hơi giống Louis, đứa sống cách một khu nhà, từng là bạn với Bird cho tới khi nó gặp được những đứa khác nó thích hơn và thôi nói chuyện với Bird. “Để cho nó yên,” tôi nói và cúp máy, lòng những ước mình nghĩ được câu gì hay hơn.

Tôi chạy hết khu nhà về phía công viên, tay giữ lấy hông để chiếc phong bì khỏi trượt ra. Ngoài trời nóng, tôi đổ nhiều mồ hôi. Cạnh một thùng rác ở Long Meadow, tôi xé bì thư. Trang đầu tiên viết Jacob Marcus thích những chương mẹ tôi gửi ra sao. Tôi lướt qua cho đến lúc ở trang hai, tôi gặp câu này: Tôi vẫn chưa nhắc đến lá thư của bà. Ông viết:

Tôi lấy làm sung sướng vì sự tò mò của bà. Tôi ước mình có câu trả lời thú vị hơn cho tất cả những câu hỏi của bà. Tôi phải nói rằng những ngày này tôi dành rất nhiều thời gian chỉ ngồi đây nhìn ra cửa sổ. Trước đây tôi hay thích du lịch. Nhưng chuyến đi tới Venice vất vả hơn tôi nghĩ, tôi e rằng mình sẽ không đi tiếp. Cuộc sống của tôi, vì những lý do ngoài sự kiểm soát của tôi, đã dần dần hạ xuống những phần đơn giản nhất. Chẳng hạn trên bàn tôi đây là một hòn đá. Một viên granite xám đậm bị cắt đôi bởi một vân trắng. Phải mất gần một buổi sáng tôi mới tìm thấy nó. Ban đầu nhiều viên bị loại bỏ. Lúc bắt đầu chuyến đi, trong đầu tôi không có ý tưởng cụ thể về viên đá này. Tôi nghĩ, khi tìm thấy nó tôi sẽ nhận ra nó. Trong khi tìm kiếm, tôi hình thành những yêu cầu nhất định. Nó phải vừa khít lòng bàn tay, nhẵn, tốt hơn là có màu xám, vân vân. Buổi sáng của tôi là thế. Tôi đã dành vài giờ đồng hồ vừa qua để hồi sức. Truyen8.mobi

Không phải lúc nào cũng thế này. Trước đây thường thì một ngày không có giá trị gì với tôi nếu như tôi không làm được một khối lượng công việc nhất định. Chuyện tôi nhận ra hoặc không nhận ra dáng đi khập khiễng của người làm vườn, tảng băng trên hồ, những cuộc dạo bộ dài đầy nghiêm trang của đứa trẻ nhà hàng xóm có vẻ chẳng có bạn bè gì - những thứ này không có gì quan trọng. Nhưng giờ đã khác.

Bà hỏi tôi đã lập gia đình chưa. Tôi đã một lần có gia đình nhưng lâu rồi, và chúng tôi đã đủ thông minh hoặc đủ ngu ngốc để chưa có một đứa con. Chúng tôi gặp nhau khi còn trẻ, trước khi chúng tôi biết đủ về sự thất vọng, và khi đã biết đủ, chúng tôi phát hiện ra rằng mình khiến người kia nhớ về nó. Tôi nghĩ bà có thể nói rằng tôi cũng mang một nhà du hành vũ trụ Nga nho nhỏ trên ve áo. Giờ tôi sống một mình, điều ấy không làm tôi bận tâm. Hoặc có thể chỉ chút ít. Nhưng giờ hẳn một phụ nữ không bình thường mới muốn làm bạn cùng tôi bởi tôi khó có thể bước hết lối vào nhà để lấy thư rồi quay trở lại. Nhưng tôi vẫn làm việc ấy. Cứ hai lần một tuần bạn tôi mang đến chút đồ ăn, còn mỗi ngày một lần hàng xóm ngó qua lấy cớ là để xem đám dâu bà ấy đã trồng trong vườn nhà tôi. Tôi thậm chí không thích dâu.

Tôi đang làm cho tình hình nghe có vẻ tệ hơn thực tế. Tôi thậm chí vẫn chưa biết bà, thế mà tôi lại đang câu kéo sự thông cảm của bà.

Bà cũng đã hỏi việc tôi làm. Tôi đọc. Sáng nay tôi đã đọc hết cuốn Phố cá sấu lần thứ ba. Tôi thấy lời văn tuyệt không chịu nổi.

Tôi còn xem phim nữa. Em tôi đã mang cho tôi một chiếc đầu DVD. Bà không tin tháng vừa rồi tôi xem bao nhiêu phim đâu. Đó là việc tôi làm. Xem phim và đọc. Đôi khi tôi còn giả vờ viết, nhưng tôi không lừa ai đâu. Ồ, tôi ra hòm thư nữa.

Đủ rồi. Tôi yêu cuốn sách của bà. Xin hãy gửi cho tôi thêm chút nữa.

JM

10. Tôi đọc lá thư một trăm lần

Và mỗi lần đọc, tôi cảm thấy mình biết ít hơn một chút về Jacob Marcus. Ông bảo mình dành buổi sáng tìm một viên đá nhưng chẳng bao giờ giải thích thêm vì sao Lịch sử tình yêu lại quan trọng với ông đến thế. Tất nhiên điều ông viết không thoát khỏi mắt tôi: Tôi thậm chí vẫn chưa biết bà. Vẫn! Nghĩa là ông đang muốn biết rõ hơn về chúng tôi hay ít nhất là mẹ chúng tôi, bởi ông không biết về Bird và tôi. (Vẫn!) Nhưng tại sao ông hầu như không thể đi bộ ra thùng thư và quay lại? Và tại sao phải là một phụ nữ không bình thường mới muốn làm bạn cùng ông? Và tại sao ông mang một nhà du hành vũ trụ Nga trên ve áo? Truyen8.mobi

Tôi quyết định liệt kê các đầu mối. Tôi về nhà, đóng cửa phòng ngủ của mình và lấy ra tập ba bộ Làm thế nào tồn tại được ở nơi hoang dã. Tôi lật sang một trang mới. Tôi quyết định viết mọi thứ bằng mật mã, đề phòng có người quyết định ngó trộm đồ của tôi. Tôi nhớ Saint-Ex. Ở trên cùng tôi viết Làm thế nào tồn tại khi dù của bạn không mở được. Rồi tôi viết:

1. Tìm một viên đá.

2. Sống gần hồ

3. Có một người làm vườn có tật đi khập khiễng

4. Đọc Phố cá sấu

5. Cần một phụ nữ không bình thường

6. Chỉ đi bộ ra thùng thư cũng khó khăn

Đó là tất cả những manh mối tôi có thể tìm ra từ lá thư của ông, thế nên tôi tôi lỉnh vào phòng viết của mẹ lúc bà xuống gác, rồi lấy những lá thư khác của ông ra khỏi ngăn kéo của mẹ. Tôi đọc những lá thư này để tìm thêm đầu mối. Đó là lúc tôi nhớ ra rằng lá thư đầu tiên của ông bắt đầu bằng một đoạn trích từ lời giới thiệu của mẹ về Nicanor Parra, đoạn về chuyện ông ta mang một nhà du hành vũ trụ Nga nho nhỏ trên ve áo và bỏ trong túi những lá thư của người phụ nữ đã rời bỏ ông để tới với một người khác. Khi Jacob Marcus viết rằng ông cũng mang một nhà du hành vũ trụ Nga, liệu có phải ý rằng vợ ông đã bỏ ông để đến với người khác? Vì không chắc chắn, tôi không viết điều này thành đầu mối. Thay vào đó tôi viết:

7. Đi một chuyến tới Venice

8. ‑Lâu rồi, có người đọc cho bạn nghe Lịch sử tình yêu khi bạn ngủ thiếp đi

9. Không bao giờ quên được điều đó.

Tôi nhìn qua các đầu mối của mình. Chẳng số nào trong đó có ích.

11. Tôi thế nào Truyen8.mobi

Tôi quyết định rằng nếu tôi thực sự muốn tìm ra Jacob Marcus là ai và vì sao chuyện thuê dịch cuốn sách lại quan trọng với ông ấy như vậy, nơi duy nhất còn lại để tìm là Lịch sử tình yêu.

Tôi lén l 29c2 n gác vào phòng viết của mẹ để xem có thể in những chương mẹ đã dịch từ máy tính của bà ra không. Vấn đề duy nhất là bà đang ngồi trước máy tính. “Chào con,” mẹ nói. “Chào mẹ,” tôi đáp, cố ra giọng bình thường. “Con thế nào?” bà hỏi. “Conkhỏecảmơnmẹcònmẹthếnào?” tôi đáp, bởi đó là điều mẹ dạy tôi nói, cũng như chuyện cầm dao và nĩa thế nào cho đúng cách, cầm tách trà thế nào cho cân giữa hai ngón tay, cũng như cách tốt nhất lấy ra một mẩu thức ăn giắt trong kẽ răng mà không gây chú ý, phòng khi Nữ hoàng tình cờ mời tôi đến uống trà. Khi tôi chỉ rõ là không ai trong số những người tôi biết cầm dao nĩa đúng cách, mẹ trông buồn và nói rằng mẹ đang cố làm một bà mẹ tốt, và nếu bà không dạy dỗ tôi thì ai sẽ làm điều đó? Nhưng tôi ước rằng mẹ đã không dạy bởi đôi khi lịch sự còn tệ hơn không lịch sự, như lần Greg Feldman đi qua tôi ở hành lang trong trường và nói, “Này Alma, có gì không?” và tôi nói “Tớkhỏecảmơncậucòncậuthếnào?” thì cậu ta dừng lại và nhìn tôi cứ như tôi vừa nhảy dù từ sao Hỏa xuống, rồi bảo, “Sao cậu chẳng bao giờ có thể nói Chẳng có gì mấy hả?”

12. Chẳng có gì mấy

Bên ngoài trời đã tối, mẹ tôi nói rằng trong nhà không còn gì ăn, chúng tôi có muốn gọi ít đồ ăn Thái hoặc Tây Ấn, hay đồ ăn Campuchia không. “Sao mình không tự nấu?” tôi hỏi. “Mì ống với pho mát à?” mẹ tôi hỏi. “Bà Shklovsky làm món Chicken L’Orange ngon lắm,” tôi nói. Mẹ tôi trông hoài nghi. “Hay món cay Mexico ạ?” tôi nói. Trong lúc mẹ tôi đi siêu thị, tôi lên phòng viết của mẹ và in từ máy tính tất cả các chương từ một tới mười lăm của Lịch sử tình yêu, những chương mẹ đã dịch xong cho tới lúc ấy. Tôi mang các trang in xuống gác và giấu vào chiếc ba lô để dưới gầm giường. Vài phút sau mẹ tôi về nhà với khoảng nửa cân thịt gà tây xay, một bông cải xanh, ba quả táo, một lọ dưa muối và một hộp bánh hạnh nhân nhập khẩu từ Tây Ban Nha.

13. Sự thất vọng vĩnh cửu về thực tại cuộc sống

Sau bữa tối có những viên giả thịt gà nướng bằng lò vi sóng, tôi đi ngủ sớm và chui vào chăn dùng đèn pin đọc những trang mẹ đã dịch từ Lịch sử tình yêu. Có chương về chuyện trước đây người ta thường dùng ám hiệu bằng tay để giao tiếp, chương nói về người thanh niên nghĩ cơ thể mình làm từ thủy tinh, và một chương tôi chưa được đọc gọi là “Sự ra đời của cảm xúc.” Các cảm xúc không xuất hiện ngay từ đầu, chương bắt đầu như thế.

Cũng giống như thời khắc đầu tiên khi ai đó cọ hai thanh gỗ vào nhau để phát ra tia lửa, có thời khắc đầu tiên thấy vui, có lần đầu tiên thấy buồn. Trong một thời kỳ, lúc nào cũng có những cảm xúc mới được tạo ra. Khao khát ra đời sớm, ân hận cũng thế. Khi sự ương bướng được cảm nhận lần đầu tiên, nó sinh ra phản ứng dây chuyền, một mặt tạo ra cảm giác oán giận, mặt khác tạo cảm giác xa lánh và cô đơn. Có lẽ một cái lắc hông ngược chiều kim đồng hồ đã đánh dấu sự ra đời của cảm giác hưng phấn cao độ; một tia sét dẫn tới cảm giác thán phục đầu tiên. Hoặc có lẽ đó chính là cơ thể của cô gái tên Alma. Trái với logic, cảm giác ngạc nhiên không sinh ra ngay lập tức. Nó chỉ xuất hiện sau khi con người đã có đủ thời gian quen với mọi thứ như chúng vốn có. Và khi đủ mức thời gian đã trôi qua và một người lần đầu tiên nhận thấy cảm giác ngạc nhiên, thì một người ở một nơi khác lần đầu tiên cảm thấy nuối tiếc. Truyen8.mobi

Sự thật là đôi khi người ta cảm thấy được một số cảm xúc và vì không có từ ngữ diễn tả chúng, chúng trôi đi mà không được nhắc đến. Cảm xúc lâu đời nhất trên thế giới có lẽ là xúc động; nhưng để mô tả nó - chỉ gọi tên nó thôi - cũng chẳng khác nào cố nắm lấy một thứ vô hình.

(Nghĩ lại thì, cảm xúc lâu đời nhất trên thế giới có lẽ đơn giản là cảm giác hoang mang.)

Khi bắt đầu cảm nhận, khao khát cảm nhận của con người lớn dần lên. Họ muốn cảm nhận nhiều hơn, cảm nhận sâu sắc hơn, cho dù đôi lúc có đau đớn thế nào chăng nữa. Con người trở nên nghiện cảm giác. Họ nỗ lực khám phá những cảm xúc mới. Có lẽ đó là cách nghệ thuật sinh ra. Những hình thức mới của niềm vui mới được tạo ra, cùng với những kiểu đau buồn mới: sự thất vọng vĩnh cửu về thực tại cuộc sống; sự nhẹ nhõm do thoát hiểm một cách bất ngờ; cảm giác sợ chết.

Thậm chí bây giờ, tất cả những gì có thể là cảm xúc vẫn chưa hiện hữu hết. Vẫn có những cảm xúc nằm ngoài khả năng và trí tưởng tượng của chúng ta. Thi thoảng, khi một bản nhạc chưa từng có ai viết, hay một bức tranh chưa từng có ai vẽ ra, hoặc thứ gì đó không thể dự đoán, không thể hiểu được hay mô tả được xuất hiện, một cảm xúc mới bước vào thế giới. Và rồi, lần thứ hàng triệu trong lịch sử cảm xúc, trái tim dâng trào và hút lấy tác động ấy.

Tất cả mọi chương đều tương tự như vậy, không có chương nào trong số đó thực sự cho tôi chút manh mối gì về chuyện tại sao cuốn sách quan trọng như thế đối với Jacob Marcus. Thay vào đó tôi lại thấy chính mình đang nghĩ về cha. Về chuyện Lịch sử tình yêu hẳn đã có ý nghĩa như thế nào với ông vì ông trao nó cho mẹ tôi chỉ hai tuần sau khi hai người gặp gỡ, ngay cả khi ông biết mẹ chưa thể đọc tiếng Tây Ban Nha. Tại sao? Vì ông đang phải lòng mẹ, tất nhiên là thế. Truyen8.mobi

Rồi tôi nghĩ tới một điều khác. Nếu cha tôi viết gì đó vào phía trong cuốn Lịch sử tình yêu mà ông đã tặng mẹ thì sao? Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xem quyển sách gốc.

Tôi ra khỏi giường và lên gác. Phòng viết của mẹ không có ai, cuốn sách đặt cạnh máy tính. Tôi cầm lên và mở đến trang ghi nhan đề sách. Có đoạn bằng chữ viết tay tôi không nhận ra là của ai: Tặng Charlotte, Alma của anh. Đây là cuốn sách anh sẽ viết tặng em nếu anh có thể viết. Yêu em, David.

Tôi trở về giường và nghĩ một lúc lâu về cha tôi, về những từ ấy.

Và rồi tôi bắt đầu nghĩ về cô. Alma. Cô ấy là ai? Mẹ tôi sẽ nói rằng cô ấy là mọi người, mọi cô gái, mọi phụ nữ mà ai đó đã từng yêu. Nhưng càng nghĩ về chuyện này, tôi càng thấy chắc chắn cô cũng phải là người nào đó. Vì làm thế nào Litvinoff có thể viết được nhiều thế về tình yêu nếu bản thân ông không yêu? Yêu một người cụ thể. Và chắc chắn người nào đó ấy đã được đặt tên…

Dưới chín đầu mối đã viết, tôi viết thêm một đầu mối nữa:

10. Alma

14. Sự ra đời của cảm xúc

Tôi lao xuống bếp nhưng không có ai. Ngoài cửa sổ, giữa khu vườn sau cây cối mọc tự do và đầy cỏ dại nhà tôi, là mẹ tôi. Tôi đẩy cánh cửa có màn che. “Alma,” tôi vừa nói vừa thở gấp. “Hử?” mẹ tôi nói. Bà đang cầm một chiếc bay làm vườn. Tôi không có thời gian dừng lại mà nghĩ vì sao mẹ cầm bay làm vườn bởi cha chứ không phải mẹ mới là người hay làm vườn, và vì lúc ấy đã là chín rưỡi tối. “Họ cô ấy là gì?” tôi hỏi. “Con đang nói về chuyện gì thế?” mẹ nói. “Alma,” tôi mất kiên nhẫn. “Cô gái trong cuốn sách. Cô ấy tên gì hả mẹ?” Mẹ tôi lau trán, để lại một vệt đất. “Thực ra, giờ khi con nhắc đến điều ấy... một trong các chương đã nhắc đến một cái họ. Nhưng thật lạ lùng bởi trong khi tất cả những cái tên khác trong sách là tên Tây Ban Nha, họ của cô ấy lại…” Mẹ nhăn mặt. “Gì cơ?” tôi nói, đầy hào hứng. “Họ cô ấy là gì?” “Mereminski,” mẹ tôi nói. “Mereminski,” tôi nhắc lại. Mẹ gật đầu. “M-E-R-E-M-I-N-S-K-I. Mereminski. Người Ba Lan. Đây là một trong số ít các đầu mối Litvinoff đã để lại liên quan đến quê của ông.” Truyen8.mobi

Tôi chạy trở lại trên gác, trèo vào giường, bật đèn pin và mở tập ba Làm thế nào tồn tại được ở nơi hoang dã. Bên cạnh Alma, tôi viết Mereminski.

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu đi tìm cô.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25448


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận