Nắng Trong Đáy Mắt Mùa hoa cải

Mùa hoa cải
Tôi không có chân. Sự thật là Thần chết đã cướp đi nó cũng như người mẹ mà tôi yêu quý nhất sau vụ tai nạn giao thông của ba năm trước.

Sự thật là tôi đã vĩnh viễn mất đi đôi chân. Đó là quãng thời gian vô cùng đau khổ đối với một con bé chỉ vừa bước qua cái tuổi mười bảy như tôi - cái tuổi chỉ mới chập chững nhìn thế giới này không qua tấm gương phủ một màu hồng hào nhoáng.

Kể từ khi đó tôi trở nên ít nói. Mái tóc cũng ngắn đi sau cái lần tôi cố cắt bỏ nó. Trong gương, tôi chẳng khác gì thằng con trai là mấy và lúc ấy tôi không biết sẽ phải sống tiếp như thế nào nếu không có mẹ bên cạnh.

Hai tháng sau khi mẹ mất, ba được bệnh viện cho phép nghỉ dài hạn để chăm sóc tôi. Tôi cùng ba chuyển đến sống ở một vùng quê cách thành phố hơn hai tiếng đi xe. Ba bảo không khí ở quê sẽ tốt hơn cho việc dưỡng bệnh của tôi...

Tôi có một căn nhà - một căn nhà gỗ có hiên phía trước. Nó nằm sau những vườn cải cao tới ngực đã rộ hoa vàng. Chỉ cần men theo con đường mòn nằm song song giữa hai vườn cải là đã tới nơi.

Ba đặt tôi trên chiếc giường được tết từ cỏ khô phủ một miếng drap bên trên. Chiếc giường nhỏ nép mình cạnh khung cửa sổ trên tầng áp mái. Thoạt đầu tôi cảm thấy khó khăn khi trở mình nhưng về sau nó thật tuyệt vời. Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài, mọi thứ như một thiên đàng thu nhỏ về chiều. Ba hỏi tôi có thích chúng không, tôi cười tươi gật đầu. Căn gác xép này, ba đã tự tay làm cho riêng tôi trước khi chuyển đến đây. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng tôi vẫn còn có một gia đình nhỏ mặc dù nó không được hoàn hảo như bao gia đình khác.

Bình minh, những tia nắng tinh khôi đã hắt qua rèm cửa mỏng tang, lấp đầy khoảng tối trên chiếc giường cỏ. Mi mắt mấp mé một lúc lâu mới kịp quen dần với ánh sáng bên ngoài. Tôi tỉnh dậy, ưỡn người như một con mèo lười ngủ ngày. Lâu rồi tôi mới có được một giấc ngủ ngon lành đến như thế. Toan ngồi trên chiếc xe lăn, tôi dịch người đến bên khung cửa rồi mở bung nó. Những cơn gió trống không ngần ngại ùa vào phòng mang theo hương cải, đầu tiên là áp vào mặt tôi đến mát rượi...

- Cậu dậy rồi hả?

Bỗng có tiếng nói phát ra từ đằng sau. Theo phản xạ, tôi quay đầu lại định hình giọng nói ấy. Là một anh chàng trạc tuổi tôi đang chống cằm nhìn đứa con gái tật nguyền trên giường một cách tò mò.

- Thấy cậu ngủ say quá nên tớ không đánh thức cậu dậy.

- Cậu là ai?

Cậu bật người đứng dậy, phủi phủi gấu áo cho thẳng thớm rồi cất chiếc ghế gỗ sang một bên, trước khi trả lời tôi:

- Tớ là Mẫn Tuệ, cứ gọi tớ là Tuệ hay tên chăm cải cũng được.

Cậu đưa mắt nhìn con gấu bông nằm bên cạnh tôi, từ sáng tới giờ thấy tôi cứ ôm nó khiến cậu mím môi băn khoăn:

- Cậu là con trai mà cũng thích ôm gấu bông nhỉ?

- Tớ là con gái mà. - Tôi cười nhạt. - Từ lúc ở bệnh viện tới giờ tớ chỉ có mỗi mình nó là bạn.

Thấy tôi nói, Tuệ gãi đầu cười khẩy. Thì ra lúc cậu nhìn tôi nằm trên giường có lẽ là để xem tôi là con trai hay con gái. Mà cũng đúng thôi, mười tám tuổi đầu mà ăn mặc như con trai, tóc ngắn, ngực lại phẳng thì sao giống con gái được cơ chứ. Nhìn cái vẻ mặt cứ thộn ra như chưa tin khiến tôi phì cười, đó là lần đầu tiên có một đứa con trai làm tôi cười kể từ sau vụ tai nạn giao thông lần ấy. Mà tên chăm cải, cái tên nghe cũng buồn cười thật.

- Ba tớ đâu? - Tôi đảo mắt khắp phòng

- Ba cậu đã tìm được công việc ở khu y tế xã, ông ấy có nhờ tớ ghé qua nhà cậu mấy ngày chủ nhật.

Tôi tần ngần một hồi lâu với mối vòng vo trong đầu, ba chưa nói với tôi về sự có mặt của cậu ấy sáng nay. Như hiểu ý của tôi, cậu chồm người với lấy dĩa thức ăn được đặt sẵn trên bàn, bằng một động tác rất nhẹ, cậu đưa cho tôi.

- Để chăm sóc cho cậu trong thời gian cậu dưỡng bệnh.

Tôi cầm lấy. Đó là món món mì xào trộn rau xanh hấp dẫn. Như một chuyên gia dinh dưỡng chính hiệu, Tuệ bảo rau xanh rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là da dẻ của con gái. Tôi hỏi món này ai làm, cậu hắng giọng, tớ làm đấy. Không cần cậu ấy hối thúc tôi đã chén sạch đĩa thức ăn một cách ngon lành. Tuệ thản nhiên cười, có lẽ lần đầu tiên cậu ấy thấy người khác ăn ngon lành đến như thế...

Sau khi nghe kể, tôi mới biết Tuệ là bà con xa của tôi được ba nhờ đến chăm sóc cho tôi trong thời gian ông làm việc trên trạm y tế xã. Mà nếu nói cho rõ ra vai vế thì đó lại là một câu chuyện dài lê thê. Tôi chỉ biết Tuệ bằng tuổi tôi, cao ráo nhưng mảnh khảnh. Mái tóc ngắn hơi ngả màu vàng cháy và đôi mắt có thể khiến cho người khác cảm thấy thân thuộc khi nhìn vào nó.

Tuệ giống tôi, là những người bị khiếm khuyết người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời. Nhưng Tuệ thiệt thòi hơn tôi khi mất mẹ từ nhỏ. Tôi hỏi, lúc ấy cậu có khóc không. Tuệ chỉ lắc đầu, tớ biết mẹ vẫn ở bên cạnh tớ - cậu áp lòng bàn tay vào tim mình nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn thoáng qua trên khuôn mặt.

- Nếu cậu là một viên đất sét nhỏ được Chúa trời tạo ra trên cõi đời này thì mẹ sẽ là người thợ lành nghề nhào nặn thể xác trở thành một sinh linh, đặt vào lồng ngực một con tim yêu thương của mẹ, để cậu có thể hãnh diện mở mắt nhìn thế giới này với tư cách là một con người thực sự...

Cậu nói như một nhà diễn văn thực sự, nhưng điều đó khiến tôi chợt lóe lên nguồn động lực để tiếp tục sống. Có lẽ Tuệ nói đúng, biết đâu mẹ đang ở bên cạnh tôi, nhìn tôi lớn lên từng ngày. Nghĩ như thế, tôi lại tự trách bản thân khi trước tự cắt bỏ đi mái tóc mà mẹ vẫn thường chải cho tôi mỗi chiều. Phải chăng tôi đã không trân trọng những gì mình đang có?

Tuệ mang cho tôi thứ gì đó được bọc trong túi nilon đen. Cậu ôm nó trong lòng, nhỏ nhắn nhưng đầy bí ẩn. Tôi dõi theo Tuệ đặt nó lên góc bàn.

- Tớ thấy phòng của cậu trống trải quá nên mang qua cho cậu.

Tuệ mở túi nilon ra. Tôi ngước nhìn từ trên giường. Thì ra là một bình hoa cải đã nở rộ.

- Vườn cải nhà tớ đấy! - Cậu khẽ thì thào với tôi như tránh để ai nghe thấy.

Nhìn ở khoảng cách gần thế này, tôi mới phát hiện ra nó thật tuyệt vời. Tôi với tay muốn chạm vào nó nhưng khi nhướn người lên, đôi chân lại cứ đờ ra như thế, mà cũng đúng thôi, nó đâu còn là của tôi nữa. Nhìn những thứ bình dị mình muốn được chạm vào nhưng sao lại khó khăn đến như thế, nghĩ đến đấy tôi lại nức nở, cảm giác như hàng vạn cái gai đâm thấu tim tôi đau nhói. Tôi đành ngậm đắng rụt tay lại trong sự đau khổ. Nếu như bất chợt TV phát sóng chương trình bạn yêu thích, cố với lấy cái điều khiển đặt trên bàn nhưng không sao lấy được, đành phải ngậm ngùi để chương trình đó trôi đi trong sự bất lực, lúc ấy bạn sẽ cảm thấy thế nào.

Thấy tôi như thế, Tuệ nhanh chóng ôm bình hoa đặt vào lòng tôi. Nhìn những nhành cải nở thành từng chùm vàng hoe trên đầu ngọn, tôi nở một nụ cười đầy mãn nguyện như thể đó là ngày cuối cùng tôi được sống và được chạm vào nó, đôi tay tôi vân vê cánh hoa, nâng niu nó như vật quý giá nhất trên đời.

Ôm bình cải vào lòng tôi lại nhớ khi nhỏ mẹ đã kể cho tôi rất nhiều về hoa cải. Vào cuối tháng mười, đầu mười một là lúc cải nở đẹp nhất nhưng phải đến Mộc Châu mới nhìn thấy được hết vẻ đẹp của nó. Thế là tôi lại ước mơ được đến Mộc Châu để ngắm nghía chúng một lần trong đời. Nhưng đã không cần thiết nữa, ở đây cũng đủ để tôi thỏa ước mơ của nhiều năm trước.

Tôi bâng quơ nhìn ra khung cửa sổ, cảm giác muốn được thoát khỏi căn phòng chật chội này bỗng dâng trào. Nhìn tôi bây giờ chẳng khác gì con chim non cứ gắn chặt thân trên cái tổ cao chót vót muốn bay đi nhưng lại không có cánh, muốn vươn ra nhưng cuối cùng lại thu vào. Tôi khẽ sờ lên đôi chân mình, tê dại, không chút cảm giác sau khi tôi gắng sức bóp mạnh nó, nó vẫn còn đó nhưng từ lâu lắm rồi, nó đã không còn thuộc về tôi nữa. Nó như trêu ngươi tôi, khiến tôi phải dằn vặt vì những gì tôi đã gây ra cho nó.

- Cậu muốn ra ngoài đó sao?

Tôi chỉ buồn bã gật đầu nhưng trong lòng vẫn không sao giấu nổi cái khát khao được vươn ra khỏi nơi này.

- Nhưng tớ không thể đi lại được. - Tôi nói mếu máo. - Tớ đã vĩnh viễn mất đi đôi chân.

Tôi ôm mặt khóc rưng rức.

- Cậu có biết lúc nhìn cậu chạy băng băng trên vườn hoa cải, tớ đã ganh tị biết nhường nào hay không, tớ không hiểu tại sao người ngồi ở đây phải là tớ?

Tuệ lặng người, chỉ biết vỗ vào vai tôi an ủi. Đâu có nỗi đau nào tệ hại hơn việc mất đi đôi chân của mình cơ chứ.

- Tớ không muốn làm cậu buồn, nếu như cậu thích tớ sẽ làm đôi chân của cậu, chịu chứ?

Tôi vội quay đầu lại, câu nói của Tuệ khiến tôi bất ngờ. Cậu ấy sẽ cõng tôi ra đó sao? Suy nghĩ tôi chợt lên tiếng. Tuệ vỗ ngực dám chắc nó như một lời hứa thực sự của một tên quân tử “Đã là nam nhi thì phải Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy chứ”. Tôi mừng rỡ nhưng cuối cùng nó lại quá xa vời. Tôi nói điều ấy sẽ là bình thường nếu như đó là người bình thường, còn nếu như một người bị mắc bệnh huyết tán bẩm sinh như Tuệ thì nó gần như quá khó khăn đối với cậu ấy. Những người mắc bệnh này thường xanh xao, nhợt nhạt, cảm giác mệt mỏi thậm chí có thể đột ngột ngất đi bất cứ lúc nào. Thế nên đó là lí do vì sao cậu ấy chỉ chăm sóc cho tôi vào những ngày cuối tuần. Còn những ngày khác Tuệ phải truyền máu trên khu y tế xã sau những buổi sáng chăm sóc vườn cải.

Tuệ bảo với tôi rằng con người là loài sinh vật ích kỉ, chỉ khi mất đi một thứ quan trọng nhất cuộc đời mới biết quý những thứ bình dị còn lại, vì thế hãy để cậu ấy thỏa ước mơ của hai đứa, để hai đứa biết quý những thứ thân thuộc còn lại sau những sự mất mát quá lớn. Tuệ hứa với tôi rằng nếu như cảm thấy mệt thì hãy đặt tôi xuống đất đừng quá cố sức. Sau đó, tôi cũng ậm ừ gật đầu rồi cùng nhau ngoéo tay như một giao kèo riêng của hai đứa.

Nhưng có lẽ đó sẽ là lần cuối cùng tôi được gặp anh em bà con xa của tôi. Ba phải trở về thành phố sau đợt nghỉ phép dài đẵng hơn ba tháng. Lúc ấy, tôi đã khóc rất nhiều, không phải vì rời ra vườn cải thân thuộc của tôi. Tôi nghĩ đến Tuệ, tôi chưa làm được gì cho Tuệ trong khi cậu ấy đã hy sinh cho tôi quá nhiều và điều ấy khiến tôi vô cùng dằn vặt. Cuộc vui nào mà chẳng đến lúc phải tàn, và sự gặp gỡ giữa tôi và Tuệ cũng đã đến điểm kết.

Hai tuần sau đó, Tuệ cõng tôi ra ngoài. Chúng tôi chạy băng băng trên vườn cải của những chiều tháng mười một. Tuệ làm đôi chân giỏi hơn bất kì ai, tôi có thể cảm nhận được điều đó. Đây là lần đầu tiên tôi mới có cảm giác được đi lại như trên chính đôi chân của mình. Tuệ là gã phù thủy đầy nhiệm màu. Cậu cho tôi mọi thứ nhưng lại không lấy đi của tôi bất cứ thứ gì. Tôi thật hạnh phúc và có thể kiêu hãnh nói rằng tôi có mọi thứ tuyệt vời hơn cả nàng tiên cá Ariel trong truyện cổ tích.

Những cơn gió chiều vỗ vào hai bên má tôi mát rượi, vập vờn trên những vườn cải như những cơn sóng vàng vỗ về mặt đất. Tuệ lướt qua nhiều người đang chụp ảnh. Có lẽ họ tới đây cũng giống như tôi, khi không lên được Mộc Châu. Chúng tôi đổ sạp trên cải, cảm giác từng hương thơm thốc vào mũi thật tuyệt vời.

- Cảm ơn cậu.

Tuệ nghiêng đầu nhìn tôi rồi cười khỉnh.

- Nhưng... chiều nay tớ phải theo ba về thành phố. - Tôi nói như muốn khóc.

Nụ cười trên môi Tuệ chợt tắt đi, bỏ lại sự buồn bã thoáng chút nuối tiếc trên gương mặt cậu.

- Nhanh thế sao?

Tôi ậm ừ gật đâu:

- Nhưng năm sau tớ sẽ xin ba trở lại đây.

- Hứa chứ? - Tuệ đưa ngón út của mình về phía tôi.

Tôi cười khì rồi ngoéo tay.

- Nhất định rồi.

Ba tôi đã dọn hành lí lên xe, đã đến lúc tôi phải rời xa nơi này trước khi ba kịp cất tiếng gọi. Tôi vội thò tay vào túi lấy ra chiếc bình thủy tinh lấp đầy những con hạc giấy xanh đỏ. Tôi đã gấp cho Tuệ từ hai tuần trước. Cậu xoay chiếc bình theo đủ chiều, ngắm nghía nó như một đứa con nít nhìn thấy vật thể lạ. Tôi bảo xấp giấy của tôi chỉ đủ để gấp chín chín con, còn một con cuối cùng tôi lại không thể chạy ù ra tiệm tạp hóa gần nhất để mua. Tuệ cười khỉnh, rút vội trong túi một con hạc giấy nhăn nhúm được làm từ giấy vở bỏ vào trong bình.

- Tớ chỉ gấp được một con như thế này thôi. Mà cũng đủ một trăm con rồi nhỉ?

Tôi sẽ nhớ đến Tuệ nhiều lắm - người đã cho tôi biết thế nào là những giá trị sống trong cuộc đời. Đôi khi phải mất mát đi thứ gì đó chúng ta mới kịp hiểu ra đó chưa phải là điểm dừng của sự hy vọng mà là điểm bắt đầu của một hy vọng mới.

Ánh sáng hoàng hôn cũng dần tắt đi bỏ lại phía sau những vệt tối trải dài. Tuệ vẫn đứng đấy nhìn tôi leo lên xe, đôi tay vẫn ôm chặt chiếc bình thủy tinh đến khi chiếc xe khuất bóng sau ngõ rẽ ra khỏi vườn cải đã rủ...

Nguồn: truyen8.mobi/t123910-nang-trong-day-mat-mua-hoa-cai.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận