Nắng Trong Đáy Mắt Xuyến chi không tàn

Xuyến chi không tàn
Cái tin con bé câm có bầu, bụng đã lùm lùm như cái rổ lớn, làm xôn xao làng trên xóm dưới.

Bà Ngà vật vã, khóc lên khóc xuống, cái quân ác ôn, con cái nhà người ta như thế mà không tha. Hết tru tréo chửi bới, bà quay qua tra hỏi, nói tao nghe của thằng nào, sao mày ngu thế hả con? Chửi bới một hồi, mới nhớ ra nó câm mà, con gái bà câm mà, giả dụ có biết, nó ú ớ mô tả cái thằng người ấy cho bà ra sao?

Ông Sửu đi bộ đội về đã ngót nghét bốn mươi, con gái trong làng đã lấy chồng hết, người thương của ông ngày xưa giờ cũng sắp lên chức bà. Mẹ ông chẳng thể chờ đến ngày để bế thằng cháu nội, ra đi mà lòng cứ ngắc ngứ vì thèm hơi con nít. Bà con lối xóm thấy vậy thì vun vào, xóm dưới có bà Ngà góa chồng, ông đem trầu cau xuống hỏi người ta xem, rổ rá cạp lại cho có người nương tựa lúc về già.



Bà Ngà đã có một đời chồng, nghe bảo, mới kết hôn được hai ngày thì chồng bà trúng bom chết, bà ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng gần mười năm. ông Sửu nghe người ta kể lại, cũng thấy mên mến cái nết ăn ở của bà, ngại ngần gặp nhau giữa đường đôi ba lần, rồi dọn về ở chung.

Khi bà Ngà có thai đến tháng thứ năm thì nghe đau nhói ở bụng, ông Sửu cấp tốc chở bà lên trạm xá. Cái thai đã chết lưu trước đó, nó là bé trai.

Hai ông bà đờ đẫn, bà Ngà ngửa mặt than trời: "Hơn bốn mươi tuổi rồi, ông trời còn chẳng thương cho một mụn con, ra sao cũng được, tôi chẳng cầu mong gì hơn."

Năm sau, bà Ngà có thai lần hai. Ông biểu bà ở nhà, quanh quẩn với đàn gà, cấm có đụng tay đụng chân vào việc gì. Bà Ngà sinh hạ một bé con kháu khỉnh, mắt mũi lúng liếng mà lại ít cười, ông bà đùa nghịch lắm mới nhếch mép cười rồ khẽ rồi thôi.

Bà đặt tên con là Thanh Bình. Gần hai tuổi, tập hoài mà con gái chẳng thể thốt ra tiếng gọi ba mẹ, ông bà đâm sợ, bán trâu bò đem con lên tỉnh khám, mới hay ông nhiễm chất độc da cam, con bé bị câm bẩm sinh, cơ thể cũng yếu ớt, không biết đầu óc thế nào.

Bà Ngà chạy khắp chùa chiền, vái tứ phương, nó câm nhưng mong sao nó không ngờ nghệch. Hai cái thân già này, làm sao nuôi nổi nó đến suốt đời nếu nó không thể nhận thức.

Càng lớn, Bình càng xỉnh đẹp, đôi mắt trong veo, cái miệng nhỏ xinh chúm chím, bàn tay bàn chân cũng thon dài, trắng trẻo nuột nà như con nhà thành phố. Bà Ngà năm lần bảy lượt thử đầu óc con gái có tỉnh táo không, rồi ứa nước mắt vui vì Bình khá thông minh, lanh lợi.

Tôi sinh sau chị Bình bốn năm. Nhớ ngày nhỏ, khi đám trẻ làng tụ tập thành đám, chúng giật cái nón chị Bình đang đội, kéo cái áo chị tưởng như gần rách rồi hét lớn:

"Ê, con câm, mày nói A tao xem nào!"

Tôi đã từng hùa theo chúng nó, mãi sau, thấy chị Bình đứng trân mắt nhìn, khó khăn lắm dòng nước nơi khóe mắt mới chảy xuống từ từ, tôi đâm thương, kêu bọn kia dừng lại.

Từ đó, mỗi khi bị ai đó trêu, chị đều nhìn phía tôi cầu cứu. Tôi mắng bọn trẻ trong xóm, rồi dẫn chị đi tránh lối mà chỗ bọn nó hay đứng chơi. Dần dà, hai chị em thân nhau hơn.

Tôi hay dẫn chị Bình đi ăn kem, hai chị em vừa ăn vừa cười, nhìn nhau thôi nhưng cảm giác hình như nói được nhiều chuyện

Một lần, chị đến tìm tôi trong khi người ướt nhẹp, nắm trong tay một trái ổi to, chị chìa ra đưa cho tôi và ra hiệu ăn đi, đoạn làm dáng điệu đứng với hái ổi rồi ôm đầu chạy... Tôi hốt hoảng:

- Chị bị ong vò vẽ đốt à? Có bị sao không?

Chị cười, tay khua khua như đang ở dưới nước.

- Chị nhảy xuống ao à, hèn chi, người ướt hết. May quá! Thôi, hai chị em mình ăn chung nhé. Lần sau, chị đừng hái nữa, em là con trai, để đó em tự trèo.

Chị gật đầu, cười ra chiều hiểu ý.

Tuổi thơ tôi gắn liền với Bình nhiều hơn với đám bạn. Thông thường, cứ mỗi độ chiều về, sau khi làm xong việc nhà, chị sang tìm tôi, đợi tôi học bài xong, hai chị em ra khu đất trống phía sau làng thả diều. Khu đất ấy để hoang từ bao đời nay, người trong làng bảo dưới đất ấy lô nhô nào là mộ nên đám trẻ con thường sợ, ít khi tụ tập ờ đó. Thành ra, nơi này trở thành chốn vui đùa riêng tư của tôi và chị. Khi tôi đang say sưa với ngọn diều, Bình thơ thẩn đi nhặt những bông hoa xuyến chi mọc đầy rẫy xung quanh, bó lại thành bó, rồi cài lên tóc. Trông chị đùa nghịch với một niềm thích thú đến lạ, cái lúm đồng tiền nhún nhảy theo từng nụ cười của chị.

Lên cấp III, tôi đi học trường huyện, phải ở trọ, mỗi tháng chỉ về nhà một lần. Mỗi khi về, lại thấy chị Bình ngượng ngùng đứng đợi tôi từ cổng làng. Chị càng ngày càng đẹp, đẹp hơn khối đứa nhà giàu ở trên huyện, tóc chị đen dài, mắt tròn xoe, khắp người cứ thơm mùi bông bưởi.

Chị "kể", chị đi làm phụ mẹ nhiều việc lắm, đi cắt lúa, chăn bò cho người ta, còn đem đồ về nhà may nữa. Chị đang học may, rồi nay mai chị sẽ may cho tôi một bộ áo quần đẹp để đi học. Tất nhiên, chị kể bằng muôn vàn ú ớ nhưng tôi hiểu hết. Chúng tôi hiểu nhau mà không cần phải nói.

Tôi hẹn, cứ cuối tháng tôi lại về thăm chị. Dặn chị ở nhà, nhớ đi đứng cẩn thận, giữ gìn sức khỏe, học may cho tốt. Trước khi lên trường, thể nào chị cũng dấm dúi cho tôi khi thì chục trứng gà, khi thì vài lon sữa... Đạp xe từ xa, thấy dáng Bình còn đứng ngóng ở cổng làng, tôi khoát tay ra hiệu chị về đi, biết thể nào chị cũng gật đầu cười lấy lệ, xua tay bảo tôi cứ an tâm mà đi. Cái cảm giác lúc ấy, Bình vừa giống như một người mẹ không ngừng lo lắng cho con, như cả một người yêu ngóng bạn trai bằng bao thương nhớ.

Mùa thi tới, tôi vùi đầu vào sách vở, ở nhà ba mẹ lại cãi nhau nên tôi đâm chán, chẳng muốn về. Thi xong, tôi hùn tiền với đám bạn đi Huế chơi mấy ngày. Phải ba tháng sau, tôi mới về quê.

Vậy mà vừa đạp xe về tới cổng làng, tôi đã thấy Bình đứng đó. Chị nhảy cẫng lên sung sướng, tôi đâm ngượng ngùng, chẳng biết chị đợi tôi từ khi nào. Ra là, cuối tháng nào, chị cũng đứng đợi như vầy, chị bảo chị để dành cho tôi bao nhiêu là thứ. Chị cũng sắp may xong bộ áo quần cho tôi rồi.

Bình vẫn đẹp, vẫn thuần khiết với một thằng con trai mới lớn như tôi. Cái eo nhỏ xíu ẩn hiện sau làn áo mòng. Bất giác, nhìn chị tôi bỗng nhớ lại những hình ảnh nam nữ quấn lấy nhau từ bộ phim mà hôm trước mấy anh sinh viên mở cho cả bọn xem để giải trí sau khi thi xong.

Tối đó, nghe tiếng con Ki sủa ngoài cổng, tôi biết Bình sang tìm để có gì cho tôi. Vừa thấy Bình, tôi đã hỏi:

- Bình muốn đi chơi với tôi không?

Chị ngạc nhiên lắm, bời lẽ đây là lần đầu tiên tôi không xưng với chị là chị em. Chần chừ trong giây lát, Bình cũng gật đầu cười.

Tôi đưa Bình đi ăn kem, đi uống nước dừa, chẳng mấy chốc mà trời chập choạng khuya. Bình ngồi sau xe, níu vào vạt áo tôi khi đi ngang qua nghĩa địa. Tôi phanh xe lại, bất ngờ kéo Bình vào một góc. Bình chẳng thể kêu cứu, cố vùng vẫy nhưng không thể cưỡng lại cái thân trai tráng của tôi, chị bất lực buông xuôi. Bình khóc hết nước mắt, bờ vai run rẩy, nhìn tôi như muốn hỏi tại sao. Tôi cúi đầu, xin lỗi chị.

Bất giác, thấy như mình vừa châm lửa đốt cả khu đất sau nhà, ngọn lửa hoang tàn, thiêu cháy những bông xuyến chi kiên cường nhất.

Tôi quyết định vào Sài Gòn ôn thi đại học rồi ở lại nhà người quen chờ kết quả thi. ở nhà, có nhiều biến cố xảy ra. Ba mẹ tôi vẫn cãi nhau vì những chuyện vặt vãnh rồi đòi ly hôn.

Bình có thai.

Qua điện thoại, tôi nghe mẹ kể, bà Ngà đuổi Bình ra khỏi nhà, ông Sửu lên cơn đột quỵ, mất vài hôm sau đó. Tôi cảm thấy có lỗi và thương chị, song chỉ biết thờ dài. Cái thở dài chẳng bao giờ cứu rỗi được ai nhưng người ta vẫn thường nhả ra như một thói quen tàn nhẫn.

Bà Ngà đuổi mấy Bình cũng không chịu đi, chị đứng trước cửa quỳ và khóc. Mẹ tôi sang an ủi bà Ngà.

- Thôi, con bé nó biết lỗi rồi. Chắc thằng ôn con nào đó thấy con bé dễ thương quá nên làm bậy, âu là số nó vậy, còn hai mẹ con, chị đừng trách nó tội.

- Cả đời tôi và ông ấy đã khổ sở vì nó, chị xem, thế mà nó cũng không giữ được mình. Nhục nhã quá!

Mẹ lại hỏi sao tôi chưa chịu về, tôi ấp úng cho xong chuyện, rằng nhập học luôn rồi, đợi Tết về luôn một thể. Tôi sợ về nhà, sợ phải đối diện với ánh mắt của Bình, đối diện với tội lỗi mình gây ra, mặc dù tôi từng cầu mong rằng, chị yêu ai đó rồi họ có con với nhau, chứ không phải là do tôi trong cái đêm oan nghiệt ấy. Cái suy nghĩ ấy chỉ vừa lướt qua cũng làm tôi khó chịu, đơn giản tôi không muốn Bình thuộc về ai khác.

Tết, tôi về, nghe mẹ bảo mộ hai mẹ con Bình nằm ngoài kia.

Lúc vừa sinh xong, hai mẹ con vẫn còn khỏe, chỉ có điều thằng bé không khóc, mắt cứ nhắm nghiền. Bình nắm lấy tay mẹ, lay lấy lay để rồi chỉ vào thằng bé, nước mắt cứ chảy, miệng thì ú ớ những gì chẳng rõ, bà Ngà còn không hiểu con bé định nói những gì. Nó cứ bắt mẹ phải bế, phải cầm tay thằng bé.

Mẹ ngớ người chưa kịp làm gì thì Bình lên cơn co giật, người ta bảo Bình bị băng huyết rồi mất. Thằng bé cũng đi sau mẹ nó vài tiếng.

Tôi lên chỗ khu đất ngày xưa để thăm mộ hai mẹ con. Cúi xuống ngắt những bông xuyến chi đẹp nhất, tôi cắm lên mộ Bình. Hồi nhỏ Bình thường "nói" với tôi, chị thích đội một vòng hoa trên đầu để làm công chúa, một công chúa không biết nói để giữ bí mật cho người khác. Tôi từng bảo chị là công chúa bất hạnh, ông trời lấy đi giọng nói vì quá ganh ghét với vẻ đẹp của chị. Bình nghe, nắc nẻ cười sung sướng. Tôi thường kể cho chị nghe rất nhiều bí mật, chị làm vẻ mặt nghiêm trọng rồi lại ra hiệu chị không kể với ai đâu. Tôi phì cười, biết chị không kể với ai nên em mới kể.

Tôi thấy Bình thơ thẩn hái những bông xuyến chi trên đồi rồi khẽ khàng cài lên tóc, em vẫy tay chào tôi, có một thằng bé chập chững tiến về phía tôi cất tiếng gọi "ba.".

Hai mươi tuổi, tôi loay hoay với cuộc đời mình, chợt nhận ra, những điều đã mất chẳng thể nào lấy lại được, bao nông nổi rồi sẽ trả giá trong chừng ấy tháng năm còn lại.

Những bông xuyến chi vẫn đung đưa theo chiều gió gọi, hóa thành một dải rộng dài miên man, tít tắp đến tận chân trời, tường như chẳng bao giờ tàn lụi.

Nguồn: truyen8.mobi/t123908-nang-trong-day-mat-xuyen-chi-khong-tan.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận