Cuốn sách gồm 26 bài viết của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện Khoa học Chính trị, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, Vụ Quản lý khoa học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, do GS.TS. Hoàng Chí Bảo chủ biên, tập trung nghiên cứu về mối quan hệ giữa dân chủ với sự phát triển các năng lực sáng tạo của người nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn.
Khoa học xã hội - nhân văn nghiên cứu xã hội và con người từ đời sống xã hội hiện thực, từ lịch sử vận động, tiến hoá và phát triển của nó trong những điều kiện xác định của những thời đại lịch sử xác định, nhằm khám phá bản chất, quy luật, động lực của lịch sử xã hội và con người, đem những kiến giải khoa học soi sáng nhận thức của con người; thúc đẩy con người hành động sáng tạo, phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách để xã hội phát triển ngày một văn minh, hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 20 năm đổi mới ở nước ta đã mở ra cơ hội phát triển cho nền khoa học xã hội - nhân văn. Cuốn sách bước đầu tìm tòi những vấn đề lý luận và thực tiễn của cơ chế thực hiện dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn, tạo động lực khoa học từ cơ chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền khoa học nước nhà.