Tài liệu: Thành phố Nha Trang

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thành phố Nha Trang, tỉnh lỵ Khánh Hòa là một thành phố biển hàng đầu Việt Nam với bãi biển dài 7 km.
Thành phố Nha Trang

Nội dung

Thành phố Nha Trang

Thành phố Nha Trang, tỉnh lỵ Khánh Hòa là một thành phố biển hàng đầu Việt Nam với bãi biển dài 7 km.

Nha Trang có nhiều di tích lịch sử, chùa chiền, phong cảnh hữu tình, mỹ lệ, một trong những trung tâm du lịch của cả nước.

Nha Trang còn có nhiều lễ hội như lễ hội Tháp Bà, lễ hội lớn nhất được tổ chức từ ngày 20-23 tháng 3 âm lịch hàng năm tại khu du lịch Tháp Bà Ponagar, tưởng niệm nữ thần Mẹ Xứ Sở (phiên âm tiếng Chăm là: Po Ino Nogar). Theo truyền thuyết Mẹ Xứ Sở là người có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân trồng trọt.

Nghi lễ có hai phần chính: Ngày 20 là lễ thay y cho Nữ thần, tức là tháo bộ xiêm y, mũ miện cũ, tắm rửa tượng Nữ thần bằng nước lá thần và thay xiêm y, mũ miện mới. Ngày 23 là lễ cầu cúng, ca ngợi công đức Mẹ Xứ Sở và cầu mong cho dân sống yên bình no ấm.

Sau phần lễ là phần hội, chủ yếu là múa bóng, múa dâng bông và hát bội diễn các tích tuồng cổ.

Lễ hội Am Chúa, tổ chức vào ngày 22 tháng 4 âm lịch hàng năm để tưởng niệm nữ thần Thiên Y A Na được nhân dân trong vùng tôn sùng là Bà Chúa, bà mẹ của xứ sở tại Am Chúa, nơi thờ thần Ponagar (Thiên Y A Na) trên sườn núi Đại An (núi Chúa), thuộc xã Diên Điền.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Sau lễ cúng tôn nghiêm là điệu múa dâng bông, vãn Bà, các điệu múa gắn liền với truyền thuyết về sự tích Thiên Y A Na.

Lễ hội ngành khai thác Yến sào tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 5 âm lịch với những nghi thức trang nghiêm cầu xin Bà chúa Đảo Yến ban phước lộc, sự bình an cho những người làm nghề khai thác yến sào.

Thành phố Nha Trang có di tích Tháp Bà còn gọi là Tháp Ponagar, một công trình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Chăm. Tháp nằm trên một ngọn đồi nhỏ, gần cửa sông Cái, cạnh quốc lộ 1 A. Tháp Bà do vua Chămpa là Harivarman xây dựng vào những năm 813 - 817 và được tu bổ qua nhiều thời kỳ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Đây là quần thể kiến trúc, được lấy tên theo tháp chính Ponagar cao 23m có 4 tầng các mái giống nhau thu thỏ dần về phía trên. Trên đỉnh mái có hình vũ nữ Apsara, ngỗng, voi... cửa tháp quay về hướng Đông. Trên cửa tháp có phù điêu tạc nữ thần 4 tay, chân đạp lên lưng bò thần... Tháp giữa và tháp Nam đều thờ bộ Linga -Yoni, tượng trưng cho sự sống. Tháp Tây Bắc nhỏ nhưng còn khá nguyên vẹn gồm hai tầng.

Chùa Long Sơn: ngôi chùa lớn nhất Nha Trang nằm ngay trong nội thành cạnh quốc lộ 1 A, dưới chân hòn Trại Thủy. Chùa được khai sơn cuối thế kỷ XIX. Năm 1940, chùa được xây dựng mới như hiện nay. Trên đỉnh hòn Trại Thủy là tượng Phật ngồi, cao 24 mét, được xây dựng tháng năm 1904 -1905.

Thành cổ Diên Khánh: cách thành phố Nha Trang 10 km được Chúa Nguyễn xây dựng năm 1793 trên một diện tích 36.000 m2. Tường thành hình lục giác uốn lượn dài 2.639 mét, đắp bằng đất, cao khoảng 3,5m. Mặt tường ngoài dựng đứng, mặt trong thoai thoải theo hai bậc. Bên ngoài thành có hào nước sâu bao quanh.

Nguyên thủy thành Diên Khảnh có 6 cổng xây bằng gạch kiên cố, có cả vọng lâu. Hiện chỉ còn lại 4 cổng: Đông, Tây, Nam (Tiền), Bắc (Hậu), trong đó cổng Đông và Tây còn nguyên vẹn.

Thành Diên Khách từng là nơi Chúa Nguyễn cố thủ trong cuộc chiến chống nhà Tây Sơn. Trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương thành Diên Khánh trở thành căn cứ của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp.

Nhà thờ Chánh Tòa: còn gọi là nhà thờ Núi ở góc đường Thái Nguyên và Nguyễn Trãi, được xây dựng năm 1928 - 1934. Ba quả chuông lớn do hãng Bour dous Carillons cung cấp năm 1934. Đồng hồ trên tháp lắp 12 - 1935. Đã trải qua 70 năm, nhà thờ vẫn nguyên vẹn, thu hút nhiều du khách.

Nha Trang thành phố có nhiều danh lam thắng cảnh như: Hòn Chồng gồm 2 nhóm: 1 nhóm nằm ngoài biển, 1 nhóm nằm trên bãi cát, sát chân đồi thôn Cù Lao. Nhóm đá ngoài biển còn gọi là hòn Chồng với các khối đá lớp chìm, lớp nổi trên mặt nước chồng trên nhau thành nhiều tầng. Có những khối đá to, nằm trên hòn đá bé. Từ bờ, đá vươn ra tạo thành tảng đá cao rộng, bằng phẳng. Trên tảng đá này, có một hòn đá dáng tròn, ngồi chễm chệ, mặt hướng ra biển có dấu bàn tay to với năm đầu ngón tay vấu lại in sâu vào đá, tương truyền là dấu tay ông Khổng Lồ thuở xưa để lại.

Nhóm thứ hai dân địa phương gọi là hòn Vợ, với những tảng đá to chồng lên nhau, nhưng không bị sóng biển bào mòn. Hòn Vợ có hai tảng đá hình khối chữ nhật song song, cũng đỡ hai hòn đá nhỏ hình vuông. Đứng xa trông như hai người phụ nữ vận áo dài nhìn ra biển.

Thủy cung Trí Nguyên: Từ cảng Cầu Đá, ngồi thuyền máy chưa đến 20’ đã thấy thủy cung Trí Nguyên trên hòn Miễu. Thủy cung có nhiều bể thủy tinh to chứa các sinh vật biển như: Cá Mú khổng lồ, cá Mập to, răng trắng nhởn. Trung tâm thủy cung là bồn nước tròn, được thiết kế để hứng trọn ánh sáng mặt trời chiếu vào, chứa đầy san hô và các sinh vật biển nhỏ bé.

Viện Hải Dương học: được thành lập 1923, là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Viện nằm trên khu đất rộng cạnh cảng Cầu Đá, cách trung tâm thành phố Nha Trang 6 km về hướng Đông Nam. Đây là một bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển.

Hồ cá Trí Nguyên: Nằm trên đảo Bồng Nguyên, còn gọi là hòn Miễu, cách cảng Cầu Đá 20’ đi thuyền máy. Hồ cá Trí Nguyên được xây dựng năm 1971 do sáng kiến độc đáo của một người dân vùng biển lập lên. Đây là một vùng hồ trên biển được ngăn lại bằng hệ thống kè đá. Trong hồ nuôi thả hàng trăm loại sinh vật biển quý hiếm đẹp mắt như một bảo tàng sống về sinh vật biển. Giữa hồ có nhà thủy tạ, là nơi nghỉ ngơi, giải trí phục vụ ăn uống cho du khách.

Ngày nay thành phố Nha Trang còn tổ chức du lịch khám phá đáy đại dương, bơi lặn, chụp ảnh biển... Đặc biệt ở đây mới xây dựng khu nghỉ dưỡng (Vinpearl Resort & Spa) thu hút nhiều du khách.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4182-02-633705735832389992/Viet-Nam/Thanh-pho-Nha-Trang.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận