Tài liệu: Thành phố Vũng Tàu

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vũng Tàu, thành phố cảng là một trung tâm du lịch lớn. Sự kết hợp hài hòa giữa quần thể thiên nhiên biển, núi cùng kiến trúc đô thị và các công trình văn hóa như tượng đài, chùa chiền, nhà thờ ...
Thành phố Vũng Tàu

Nội dung

Thành phố Vũng Tàu

Vũng Tàu, thành phố cảng là một trung tâm du lịch lớn. Sự kết hợp hài hòa giữa quần thể thiên nhiên biển, núi cùng kiến trúc đô thị và các công trình văn hóa như tượng đài, chùa chiền, nhà thờ ... tạo cho Vũng Tàu có ưu thế của một thành phố du lịch biển tuyệt đẹp. Vũng Tàu không có mùa đông do đó các khu nghỉ mát, các bãi tắm hoạt động quanh năm.

Vũng Tàu có nhiều bãi biển đẹp thu hút nhiều du khách như bãi Sau (Thùy Vân), bãi Trước (Tầm Dương), bãi Dâu (Phương Thải), bãi Dứa (Hương Phong).

Vũng Tàu, nơi có nhiều di tích, thắng cảnh đẹp như ngọn Hải Đăng trên núi Nhỏ, núi Lớn, Bạch Dinh, Niết Bàn Tịnh Xá, Thích Ca Phật đài, nhà thờ lớn Long Sơn.

Vũng Tàu là một trong 10 trung tâm du lịch lớn của Việt Nam

Có vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Côn Đảo

Bờ biển Long Hải và vùng núi Minh Đạm.

Vùng rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu và suối nước nóng Bình Châu.

Quần đảo Côn Sơn có khu rừng quốc gia Côn Đảo. Với bãi biển lớn nhỏ với những di tích lịch sử cách mạng, nổi tiếng với nhiều loài hải sản quý hiếm như ngọc trái, đồi mồi, hải sâm...

Vũng Tàu, vùng đất có nhiều lễ hội như: Lễ Hội Dinh Cô. Dinh Cô là một khu đền có kiến trúc hoành tráng, với những nét kiến trúc truyền thống nằm bên bờ biển Long Hải. Dinh Cơ thờ một cô gái giàu lòng nhân ái, sống ẩn dật trong một lần ra biển bị rạn. Hàng năm lễ hội Dinh Cô được tổ chức long trọng theo nghi thức cổ truyền trong 3 ngày từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội Dinh Cô mang đậm màu sắc dân gian.

Lễ hội Nghinh Ông:

Ở Vũng Tàu hàng năm lễ Nghinh Ông được tổ chức rất trọng thể, nhất là tại lăng Cá Ông ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu. Đây là nơi thờ Cá Ông với danh hiệu “Nam Hải Đại Dương Tướng quân” do vua Thiệu Trị ban tặng. Lễ hội tổ chức cùng với ngày vía (ngày mất) của Cá. Lễ hội kéo dài 3 ngày từ 16 đến 18 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Ban gồm lễ: cúng Ông, lễ Nghinh Ông (đón cá) bằng nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng.

Lễ hội đình Thần Thắng Tam:

Thờ chung 3 người có cùng xây dựng nên 3 làng Thắng ở Vũng Tàu. Hàng năm lễ hội đình Thần Thắng Tam được tổ chức trong 4 ngày từ ngày 17 đến 20 tháng 2 âm lịch. Đây là lễ hội cầu an, là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một vụ thu hoạch cá. Phần hội có nhiều trò vui, múa lân, hát bội…

Vũng Tàu, vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa như:

Thích Ca Phật đài: ngôi chùa lớn nằm trên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu. Chùa được xây dựng năm 1941 trên vùng đất rộng 6 ha, cách trung tâm thành phố 3 km. Đáng chú ý ở đây có ngọn tháp Bát Giác cao 19 m và tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen. Toàn bộ tượng cao 10,2 m, đường kính khoảng 6 m. Tượng và tháp màu trắng.

Niết Bàn Tịnh Xá:

Còn có tên chùa Phật Nằm, được dựng năm 1969, khánh thành 1974, trên sườn núi Nhỏ, mặt hướng ra biển, cách trung tâm thành phố 2 km. Trong chùa có pho tượng Phật Thích Ca nằm nghiêng dài 12 m, đặt trên bệ cao 2,5 m. Tượng được đúc bằng xi măng cốt thép bên ngoài là lớp đá cẩm thạch.

Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát:

Nằm trên đường vòng núi Lớn, cách bãi Dâu 500 m, được dựng năm 1976. Chùa tuy nhỏ nhưng nổi bật là pho tượng Phật Bà Quan Âm trắng toát. Tượng cao 16 m, bằng ximăng cốt thép, mặt hướng biển, tay cầm bình Cam Lộ, đứng trên tòa sen.

Linh Sơn cổ tự:

Tuy không đồ sộ nhưng là ngôi chùa lâu đời nhất ở Vũng Tàu. Trong chính diện có thờ tượng phật cao 1,2 m bằng đá thếp vàng.

Đình Thần Thắng Tam: được xây từ đời vua Minh Mạng (1820 - 1840) thờ chung 3 người có công dựng nên 3 làng Thắng ở Vũng Tàu là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Lúc đầu, đình là ngôi nhà tranh vách lá. Năm 1965 được trùng tu mới như hiện nay.

Lăng Cá Ông:

Được xây cùng thời Miếu Bà, cuối thế kỷ XIX. Hiện trong lăng còn bảo tồn xương Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được cách đây 100 năm. Lăng Cá Ông được vua ban sắc phong “Nam Hải Đại Dương Tướng quân”.

Bạch Dinh (Villa Blanche)

Khởi dựng năm 1898 hoàn thành năm 1901 trên sườn núi Lớn, dùng làm nơi nghỉ ngơi, cho viên toàn quyền Pháp Paul Doumer. Dinh có kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX. Ngày nay Bạch Dinh trở thành điểm tham quan của du khách.

Ngọn Hải Đăng:

Có từ năm 1907, năng 1911 được xây thành tháp tròn có đường kính 3m, cao 18m, đặt trên đỉnh cao nhất của núi Nhỏ (cao 170 m). Hải đăng Vũng Tàu rọi xa 35 hải lý, có kinh viễn vọng để theo dõi hướng dẫn tàu thuyền đi biển. Dưới chân tháp có 4 cổ đại bác dài 10m, nặng hàng tấn.

Vũng Tàu có nhiều bãi tắm lý tưởng:

Bãi Sau (Thùy Vân), nằm về phía Đông Nam thành phố, chạy dài trên 8 km, từ chân núi Nhỏ đến Cửa Lấp.

Bãi Trước (Tầm Dương):

Nằm ngay trung tâm thành phố, dọc theo đường Quang Trung. Đây là bãi tắm khá sạch sẽ, nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng như palace, Rex, Royal, Sông Hương…

Bãi Nghinh Phong (Ô Quắn):

Có nghĩa là “đón gió” ở hướng cực Nam của thành phố, gần bãi Dứa. Đây không những là nơi tắm biển mà còn là nơi hẹn hò của những du khách có thú vui câu cá và ưa mạo hiểm.

Bãi Dứa:

Nằm giữa bãi Trước và bãi Sau bên chân núi Nhỏ, gần mũi Nghinh Phong. Trước kia, nơi đây có nhiều cây dứa gai bên bờ đá nên gọi là bãi Dứa.

Bãi Dâu:

Nằm ven núi Lớn, cách bãi Trước 3 km. Bãi có nhiều người thích tắm, nước nông, sang êm dịu.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4182-02-633705737193718400/Viet-Nam/Thanh-pho-Vung-Tau.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận