CÁC ĐÀI THIÊN VĂN GAMMA
Bức xạ gamma luôn luôn đi cùng với bức xạ tia X, bởi vậy người ta cũng dùng những phương pháp giống nhau để ghi nhận tia X và tia gamma. Thông thường trên kính thiên văn hoạt động ở quỹ đạo gần Trái Đất người ta nghiên cứu đồng thời cả nguồn phát tia gamma và tia X.
Thế nhưng các quá trình sinh ra bức xạ gamma có thể khác hẳn những gì dẫn đến sự xuất hiện các lượng tử tia X. Tia gamma mang đến cho chúng ta thông tin về những quá trình xảy ra bên trong hạt nhân nguyên tử và về sự biến đổi những hạt cơ bản trong Vũ Trụ.
Những quan sát đầu tiên về tia gamma đã được giữ bí mật. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, Mỹ đã phóng 4 vệ tinh quân sự cùng loạt như vệ tinh Vela. Thiết bị của những vệ tinh này được chế tạo để phát hiện ra các chùm bức xạ tia X và tia gamma xuất hiện đột biến những khi có các vụ nổ hạt nhân. Thế nhưng trên thực tế phần lớn những vụ tăng đột biến ghi nhận được lại không liên quan đến những vụ thử vũ khí quân sự, và nguồn của chúng không nằm trên Trái Đất mà ở trong Vũ trụ. Thế là người ta đã khám phá một trong những hiện tượng bí ẩn nhất trong Vũ Trụ: các bùng sáng (vụ nổ) tia gamma (tiếng Anh: gamma - ray bursts). Chúng là những vụ bùng nổ mạnh một lần một của bức xạ cứng. Mặc dù những vụ nổ tia gannma đầu tiên được ghi nhận vào năm 1969, những thông tin về nó chỉ được công bố 4 năm sau đó. Chỉ trong 10 năm hoạt động các vệ tinh Vela đã phát hiện được tất cả 73 vụ nổ như vậy. Các quan sát từ những con tàu vũ trụ khác đã cho thấy sự gia tăng nhiều lần con số đó, nhưng chỉ đến năm 1997 người ta mới xác định được những thiên thể đồng nhất về mặt quang học đầu tiên của hiện tượng bùng nổ tia gamma. Nhưng hiện nay vẫn chưa xác định rõ được bản chất của những vụ bùng nổ này.
Tại các đài thiên văn vũ trụ đã quan sát được những nguồn bức xạ khác siêu cứng. Vào tháng 8 năm 1975 kính thiên văn quan sát tia gamma "Cos - B" được phóng lên quỹ đạo gần Trái Đất. Nhiệm vụ của nó là quan sát những nguồn bức xạ hoạt động thường xuyên trong và ngoài Thiên Hà. Trên kính thiên văn này người ta đã quan sát thấy bức xạ gamma phát ra từ vài punxa. Tại đài thiên văn HEAO - 3 (High Energy Astronomy Observatory - đài thiên văn Năng lượng cao) phóng lên quỹ đạo vào tháng 9 năm 1979 người ta đã tiến hành quan sát các vạch gamma, tức các dòng lượng tử gamma trong một dải tần hẹp của năng lượng được tạo ra từ những phản ứng hạt nhân khi có những vụ sao mới và sao siêu mới.
Những kính thiên văn gamma đã được đặt trên nhiều con tàu vũ trụ liên hành tinh. Những quan sát thành công 85 vụ bùng phát tia gamma đột biến đã được tiến hành trên các trạm vũ trụ liên hành tinh của Liên Xô "Venera – 11" và "Venera - 12". Những thiết bị để ghi nhận những bức xạ cứng đã được sử dụng trên các bóng thám không thăm dò của Liên Xô "Phobos - 1",- "Phobos - 2" và trên con tàu của Mỹ "Ulysse" dùng để nghiên cứu những vùng cực của Mặt Trời. Nhờ những thiết bị này người ta đã nghiên cứu được hiện tượng bức xạ tia gamma trong thời gian có những vụ nổ trên Mặt Trời.
Đài thiên văn gamma lớn nhất nặng 17 tấn vẫn còn hoạt động cho đến nay đã được phóng lên khoảng không vũ trụ gần Trái Đất ngày 5 tháng 4 năm 1991. Trên đó đã đặt 4 kính thiên văn để ghi nhận bức xạ trong một dải năng lượng từ 30000 cho đến 30 tỉ êlectronvôn. Đài thiên văn này mang tên nhà vật lý Mỹ Athơ Cômptơn (Arthur Compton), người đã nhận giải thưởng Nôben vật lý năm 1927 do có công nghiên cứu bức xạ điện từ năng lượng cao.
Các kính thiên văn của đài thiên văn Cômptơn đã cho phép nhận được những thông tin mới về các vụ nổ Mặt Trời và bức xạ gamma của các nhân phát xạ ở các thiên hà và trên các chuẩn tinh xa xôi. Nó cũng cung cấp các thông tin về các ngôi sao nơtrôn và các ứng cử viên lỗ đen, cũng như về các vụ nổ tia gamma bí ẩn, về sự huỷ diệt các êlêctrôn cùng các pozitron để sinh ra các lượng tử gamma có mức năng lượng nhất định. Nó cũng cung cấp những thông tin về sự tương tác của các tia vũ trụ năng lượng cao cùng với các nguyên tử khí giữa các vì sao và về những phản ứng hạt nhân tại những ngôi sao mới và siêu mới.
Các đài thiên văn vũ trụ đã tăng lên đến con số vài chục. Tất nhiên trong một tiểu mục như thế này chỉ có thể kể đến một số đài trong số đó. Nhưng dẫu sao cũng không thể không nhắc tới một dự án rất thành công. Nhằm tiến hành những quan sát thiên văn ngoài khí quyển, vào tháng 8 năm 1989 người ta đã phóng lên vũ trụ vệ tinh đặc biệt "Hipparcos". Trong tiến trình quan sát của mình, vệ tinh này đã đo được toạ độ của hơn 118000 ngôi sao với độ chính xác tới phần nghìn giây góc và xác định được vị trí và những đặc tính màu sắc của gần một triệu ngôi sao.