Âm nhạc
Âm nhạc truyền thống
Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc chủ yếu là âm nhạc trong thời Chosun (1392 - 1910). Âm nhạc của các thời kì trước được đúc kết trong thời gian này và các bản nhạc gần đây được viết theo phong cách truyền thống đều lấy hình mẫu từ thời kì đó. Âm nhạc phản ánh sự phân chia giai cấp cơ bản của xã hội Hàn Quốc giữa tầng lớp trên và tầng lớp dưới trong thời gian năm thế kỉ đó. Âm nhạc quý tộc Chong-ak trang trọng, uy nghiêm, có tính chất nghi thức, bao gồm nhạc nghi lễ của đạo Khổng và nhạc của triều đình. Nhạc bình dân Sog-ak mạnh mẽ, đầy sức sống, rung động gồm nhạc của đạo Phật và đạo Shaman, nhạc dân gian, bài hát của nông dân, ca kịch và độc tấu.
Tới thế kỉ XV, vua Sejong, người đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa Hàn Quốc đã bắt đầu việc ghi lại một cách có hệ thống nhạc Chong-ak. Trong triều đại của ông và các triều đại kế tiếp, âm nhạc và các điệu múa được phân loại, ghi lại, cách trình diễn và trang phục được quy chuẩn hóa. Nhờ đó, nhạc và các điệu múa cổ Trung Quốc đã bị mất trong một thời gian này lại được phục hồi dưới dạng nguyên gốc ở Hàn Quốc. Mỗi năm, nhạc và múa Khổng giáo được trình diễn hai lần ở Trường Đại học Songgyun-gwan ở Seol và cứ vào tháng năm, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên lại được thực hiện tại khu lăng mộ hoàng gia Chongmyo.
Ngày nay, tất cả các loại nhạc cung đình vẫn tiếp tục được trình diễn trên sân khấu Hàn Quốc. Các loại này bao gồm nhạc dân gian Hàn Quốc viết cho các bữa tiệc cung đình (hyang-ak), quân nhạc (ch'wit'a), nhạc thính phòng Hàn Quốc (p'ungnyu), các bài hát trữ tình (kagok)và các bài hát sonnet bản xứ được phổ nhạc (sijo).
Nhạc cung đình có đặc điểm là chậm rãi, khoan thai. Ngược lại, nhạc Sog-ak lại mạnh mẽ và tràn đầy cảm xúc, dễ được du khách nước ngoài tiếp cận. Nhạc dân gian không chỉ bao gồm các bài ca và bài hát ru của người lao động mà còn cả nhiều bài hát bóng bẩy của những người trình diễn lưu động. Họ là các đoàn hát rong, nhào lộn, kể chuyện và các thầy lang đã đem các bài ca và điệu múa đi khắp Hàn Quốc trong nhiều thế kỉ. Nhưng giờ đây, nhạc phương Tây đã đánh dấu sự kết thúc của những người này, họ chỉ còn tồn tại ở các “ban nhạc nông thôn” biểu diễn trong các lễ hội.
Dạng đơn ca nổi tiếng của nhạc dân gian giành được sự yêu thích của thế hệ trẻ là các bài ca kể chuyện hay “p’anori”. Loại nhạc này được phát triển từ phong cách hát nhạc dân gian của vùng Tây Nam, các câu chuyện phổ biến tương tự ở miền Tây về những người tốt bụng và hài hước, về cô bé lọ lem, về lòng dũng cảm và sự hài hước. Người biểu diễn luôn được đệm bằng chiếc trống tròn, biểu diễn tất cả các vai và kể chuyện giữa các bài hát. Trước đây, một vở “p’anori” trọn vẹn có thể kéo dài tới 6 giờ, ngày nay người ta chỉ biểu diễn khoảng hai giờ rưỡi và mỗi lần chỉ trình diễn một phần của câu chuyện.
Arirang là điệu dân ca tiêu biểu nhất của Hàn Quốc, bất cứ người Hàn nào cũng thuộc ít nhất là một bài. Arirang được con người nơi đây hát lên để an ủi, để xoa dịu đi nỗi vất vả của cuộc sống khó khăn, cực nhọc.
Arirang được chia thành 3 loại chính. Arirang tại khu vực tỉnh Nam Gyeongsang được gọi là Milyang Arirang, ở vùng Honam - phía Tây Nam của bán đảo là Jindo Arirang, và Jeongseon Arirang được phổ biến rộng rãi ở khu vực tỉnh Kangwon. Trong đó, Jeongseon Arirang được đánh giá là điệu dân ca được yêu thích nhất với ca từ đẹp, nhạc điệu khoan thai.
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Kangwon, Jeongseon là một khu vực hẻo lánh ở về phía Nam của dãy Baekdoo Daegan - xương sống của bán đảo Triều Tiên, bốn bề là núi cao và rừng rậm.
Với người sống ở vùng Jeongseon, những người đã phải vất vả, vỡ hoang những dốc núi hiểm trở, và sống một cuộc đời nghèo khó, thì Arirang chính là thú tiêu khiển tốt nhất giúp họ quên đi những lo lắng, mệt mỏi hàng ngày.
Giai điệu của Jeongseon Arirang giống với con người và cách sống của họ ở vùng sơn cước. Những câu hát bắt nguồn từ tỉnh Gangwon chủ yếu là những giai điệu thuộc gam nguyên. Những giai điệu đó bắt nguồn từ vùng đất này, gắn bó và hòa hợp với môi trường nơi đây. Người ta nói rằng: “Nước, núi và những con người của Jeongseon đều rất giống với những âm điệu chậm rãi của Arirang”.
Từ xa xưa, những người ở vùng núi sâu hẻo lánh Jeongseon đã giải tỏa những nỗi vất vả trong cuộc sống hàng ngày bằng việc hát lên những câu hát Jeongseon Arirang. Cuộc sống vất vả nơi núi cao rừng sâu, gánh nặng gia đình của người phụ nữ, sự oán trách và niềm hy vọng của họ... đều được gửi gắm trong Jeongseon Arirang.
Trong những điệu Arirang khác, câu chữ đều ở thể chủ động, họ hát “Tôi vượt đèo Arirang” vì những dốc núi nơi họ sống hoàn toàn có thể vượt qua nếu cố gắng và tập trung sức lực. Nhưng trong Jeongseon Arirang, câu hát lại ở thể bị động, “Hãy cho tôi vượt đèo Arirang”. Có nghĩa là, dù họ đã cố gắng để vượt qua nhưng cuộc sống đầy khó khăn và ngăn cách với thế giới bên ngoài đã không cho phép họ mơ tưởng quá nhiều. Vì vậy, bây giờ, Arirang đối với người Jeongseon là âm nhạc, điệu hát, nhưng trước đây nó chính là tiếng nói của họ. Arirang đã là một phần cuộc sống của những con người thời xưa.
Mọi vui buồn của cuộc sống đều được gửi gắm vào những giai điệu, vì thế mà trong Jeongseon Arirang có tới hàng nghìn cách đặt lời hát. Giống với con người, giống với thế núi... những bài hát đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống.
Nếu tìm hiểu sâu về ca từ của Jeongseon Arirang, có rất nhiều câu hát có nội dung nói về tình yêu và nỗi nhớ, trong đó nổi tiếng nhất là Arirang của vùng Awooraji. Awooraji thuộc Bookmyun, huyện Jeongseong. Từ xưa, nơi đây đã nổi tiếng là quê hương của Jeongseon Arirang, nơi tình yêu và khát vọng xuôi về với dòng sông. Tại Awooraji, nơi người xưa từng qua sông trên những con thuyền nhỏ, giờ đây những chiếc thuyền cổ lại phơi mình chờ đón khách sang sông. Người lái đò ở Awooraji giới thiệu về nơi này: “Đây là nơi gặp gỡ của hai dòng sông. Một dòng chảy từ phía Bắc xuống và nó giống như một người đàn ông hay gắt gỏng và ồn ào. Dòng sông hung dữ với tên gọi là Songcheon. “Song” có nghĩa là “cây thông” và “Cheon” có nghĩa là “dòng suối”. Một dòng khác chảy xuống từ phía Đông. Dòng sông rất hiền hòa và lặng lẽ như một cô dâu hay một nàng công chúa. Tên của nó là Goljl. “Gol” có nghĩa là “tuyệt vời”, “Ji” nghĩa là “cái ao”. Sông Golji và Songcheong gặp nhau thì gọi là Awooraji”.
Những lời ca của Jeongseon Arirang nói về một cô gái sống ở Yoocheon, bên sông Songcheon và một chàng trai ở Yeoryang yêu nhau. Hàng ngày họ đều đến gặp nhau. Bỗng một ngày kia sông Goljl dâng nước lên và hai người không thể đến gặp nhau được. Họ đứng ở hai bên bờ và hát. Người con trai hát: “Hỡi người lái đò Awooraji, xin hãy đưa tôi qua sông. Bầu ở làng Ssarigil đã rụng hết cả rồi”. Người con gái hát đáp lại: “Bầu rụng còn có lá rơi theo cùng, em sẽ không thể sống nếu thiếu anh chỉ trong chốc lát”. Vì vậy, câu hát đã trở thành giai điệu tiêu biểu cho sự sum họp. Awooraji cũng đã trở thành biểu tượng cho khát vọng, và là quê hương trong trái tim của những đôi lứa không thành.
Tượng một người con gái đã được dựng bên bờ sông Awooraji như tấm lòng hướng tới người thương. Vào mùa hè, khi hoa bầu nở vàng, những chàng trai, cô gái lại hẹn hò trong khung cảnh hoa nở rực rỡ. Tình yêu của những chàng trai, cô gái ở Awooraji vẫn chảy mãi như dòng sông trong lời ca của Jeongseon Arirang. Awooraji - bối cảnh cho những câu chuyện tình thơ mộng, dưới thời Joseon còn nổi tiếng là nơi thả bè gỗ xuôi về Seoul, dọc theo sông Namhan.
Vào giai đoạn cuối của triều đại Joseon, Awooraji là điểm xuất phát của một tuyến đường kinh tế trên sông. Khi ấy, gỗ đốn trên núi Taebaek và núi Hwangbyeon được vận chuyển trên những bè gỗ, theo dòng về Seoul. Những súc gỗ được buộc chặt vào bè bằng dây thừng và hai người lái bè, một ngồi đằng trước và một ngồi đằng sai để điều khiển bè. Những người lái bè thường hát lên điệu Jeongseon Arirang trong suốt cuộc hành trình của họ. Và làn điệu dân ca còn được lưu lại nhiều nhất ở khu vực dọc theo sông Namhan chính là Jeongseon Arirang.
Âm nhạc hiện đại
Âm nhạc phương Tây được truyền vào Hàn Quốc do các đoàn truyền giáo đưa vào qua việc dạy thánh ca (đầu thế kỉ XX). Từ đó, nó phát triển mạnh ở Hàn Quốc, đặc biệt là từ cuối cuộc chiến Hàn Quốc. Loại nhạc này có những điểm phát triển rõ rệt từ những năm 1960 do hàng loạt nhạc sĩ học tập ở nước ngoài trở về.
Ngày nay, thể loại nhạc cổ điển có sức thu hút mạnh mẽ nhất ở Hàn Quốc là Opera. Thủ đô Seoul tự hào với việc mỗi đêm có đến ba hoặc bốn buổi hòa nhạc do các dàn nhạc giao hưởng, các nhóm nhạc thính phòng, các đoàn Opera và các dàn đồng ca Hàn Quốc trình diễn.