Tài liệu: Hoa Kỳ - Cuộc nội chiến

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cuộc Nội chiến đã chia rẽ đất nước. Đây là cuộc xung đột cay đắng nhất trong nội bộ nước Mỹ. Nguồn gốc của sự xung đột giữa miền Bắc và miền Nam chủ yếu là ở lối sống khác
Hoa Kỳ - Cuộc nội chiến

Nội dung

Cuộc nội chiến

Cuộc Nội chiến đã chia rẽ đất nước. Đây là cuộc xung đột cay đắng nhất trong nội bộ nước Mỹ. Nguồn gốc của sự xung đột giữa miền Bắc và miền Nam chủ yếu là ở lối sống khác biệt giữa hai miền. Kinh tế của miền Nam lệ thuộc vào nông nghiệp và nhất là việc trồng bông. Trong khi đó miền Bắc được công nghiệp hóa cao độ với những nhà máy và những cơ sở sản xuất làm nền tảng cho kinh tế.

Việc trồng và thu hoạch bông đòi hỏi một lượng lao động lớn. Lực lượng lao động này bao gồm 4 triệu người nô lệ. Đến thập kỷ 1800 việc mua bán nô lệ châu Phi đã trở thành bất hợp pháp. Tuy nhiên những nô lệ hiện hữu lúc đó vẫn không được trả tự do. Người dân miền Bắc buộc miền Nam phải bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ. Người miền Nam thì e ngại rằng việc phóng thích nô lệ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt kinh tế đối với việc trồng bông.

Abraham Lincoln chống lại việc duy trì nô lệ. Khi ông được bầu làm tổng thống năm 1860, đã có 7 bang của miền Nam ly khai khỏi Hiệp chủng quốc. Những bang này đã hình thành Liên minh Các bang của Mỹ. Ngày 12 tháng 4 năm 1861, các lực lượng của Liên minh miền Nam chiếm đóng pháo đài Sumter ở Nam Carolina. Lúc đó có thêm 4 bang nữa ly khai, và cuộc Nội chiến bắt đầu.

Trong cuộc Nội chiến này có trên 50 trận đánh lớn và 5.000 trận đánh nhỏ. Trong vòng chưa tới 5 năm đã có hơn 600.000 người bị thiệt mạng và mấy trăm ngàn người khác bị thương. Ngoài ra còn có khoảng 100.000 thường dân bị sát hại. Hầu như mỗi gia đình đều có người tham gia chiến đấu, và cứ 4 binh lính thì có một người tử trận. Quân đội của miền Bắc với nhiều binh lính và tài nguyên hơn cuối cùng đã đánh bại quân đội của Liên minh.Tướng Lee đã đem đội quân của Liên minh ra đầu hàng. Cuộc chiến kết thúc. Năm ngày sau khi hiệp ước đầu hàng được ký, tổng thống Abraham Lincoln đã bị một tay cảm tình với miền Nam ám sát.

Những pháo đài và vũ khí trong cuộc Nội chiến có đủ dạng, từ những lô cốt và công sự nổi đơn giản đến những pháo đài lớn. Những công sự nổi thường được làm bằng gỗ, đất và bất kỳ vật gì có thể che chắn được sự tấn công của quân địch.

Ở Bull Run, khoảng 30.000 binh lính miền Bắc đã đụng độ với quân của Liên minh. Đây là cuộc đụng độ lớn đầu tiên trong Nội chiến. Cả hai phía đều phải chịu con số thương vong rất lớn. Cuối cùng quân đội miền Bắc rút lui. Trận chiến ở Antietam là trận đẫm máu nhất diễn ra chỉ trong vòng một ngày với 24.000 ngàn người chết và bị thương. Trong trận này quân đội Liên minh của tướng Lee buộc phải rút lui. Sau trận này tổng thống Lincoln đã ra bản Tuyên ngôn Giải phóng, chính thức tuyên bố quyền tự do của các nô lệ.

Ngày 1 tháng 7 năm 1863, ở trận Gettysburg, các lực lượng của tướng Meade đã đánh bại tướng Lee. Đây là một bước ngoặt của cuộc chiến tranh này. Ngày 9 tháng 4 năm 1865 tại trụ sở tòa án Appomattox tại Virginia, tướng Leo đã buộc phải đầu hàng tướng Grant, chấm dứt cuộc chiến. Trong những tháng tiếp theo, những đội quân còn lại của lực lượng Liên mình lần lượt đầu hàng.

CUỘC CHIẾN MEXICO (1846-1848)

Qua cuộc chiến tranh Mexico, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã mở rộng lãnh thổ về phía Nam và tất cả phần đất kéo dài đến bờ biển phía Tây California.

Nước Mỹ và Mexico bất đồng ý kiến về biên giới giữa hai nước. Mexico không bao giờ nhìn nhận Texas như là một địa phương thuộc lãnh thổ của Mỹ, còn Mỹ thì muốn Texas thuộc về mình. Tháng 5 năm 1846, Mỹ đã tuyên bố chiến tranh với Mexico.

Lực lượng quân sự của Mỹ, do tướng Zachary Taylor, tướng Winfield Scott và thuyền trưởng Fremont chỉ huy đã đánh bại quân Mexico do tướng Antonio Lopez de Santa Anna chỉ huy. Kết quả của cuộc chiến tranh này là Mexico đã phải đồng ý để sông Ria Grande làm ranh giới giữa Texas và Mexico. Mexico cũng giao cho Mỹ phần đất bao gồm California, Nevada, Utah và một phần của Arizona.

SỰ PHÁT TRIỂN VÀ CHUYỂN HÓA (1865-1900)

Sau cuộc Nội chiến; miền Nam trở thành một mảnh đất hoang tàn, với gánh nặng nợ nần và sự suy thoái về đạo đức do hậu quả của chiến tranh. Thời gian trôi qua, và điều rõ ràng là những vấn đề của miền Nam không phải chỉ được giải quyết bằng việc tái thiết cơ bản, những luật lệ nghiêm khắc và sự hiềm thù đối với Liên minh trước đây. Tháng 5 năm 1872, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Ân xá, trả quyền tự do chính trị cho gần 500 cảm tình viên của Liên minh.

Giữa cuộc Nội chiến và Thế chiến thứ I, nước Mỹ đã chuyển hóa từ một nền cộng hòa thôn dã sang một quốc gia đô thị. Đất nước này đã trở thành một lực lượng công nghiệp hàng đầu. Những nhà máy và những lò luyện thép đồ sộ, những thành phố phồn thịnh và những trang trại nông nghiệp rộng lớn đã trở thành đặc trưng của nước Mỹ. Con đường sắt xuyên lục địa được hoàn tất năm 1869, và đến năm 1900 Mỹ có tổng số chiều dài đường sắt lớn hơn cả châu Âu. Các ngành công nghiệp xăng dầu, sắt thép và vải sợi nở rộ. Ngành công nghiệp điện cũng trở nên hưng thịnh vì người Mỹ đã ứng dụng hàng loạt các phát minh: điện thoại, bóng đèn điện, máy quay đĩa, v.v...

Tuy nhiên miền Nam bị dẫm chân suốt 30 năm sau cuộc Nội chiến với tình hình nghèo nàn, bị nông nghiệp chi phối và lệ thuộc về kinh tế. Xã hội ở đây có những sự phân biệt chủng tộc cứng nhắc giữa da trắng và da đen, và phải chịu những bạo động về sắc tộc luôn luôn tái diễn.

Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, nhiều vấn đề liên quan đã nẩy sinh. Các doanh nghiệp thao túng tất cả các ngành nghề. Những tờ rớt - một sự kết hợp to lớn giữa nhiều công ty - cố gắng kiểm soát một cách độc quyền một số ngành nghề. Đạo luật Sherman Chống Tờ rớt năm 1890 đã cấm các tờ rớt, các liên doanh, những thỏa thuận kinh doanh “gây kiềm chế nền mậu dịch”. Sự công nghiệp hóa cũng kéo theo một lực lượng lao động có tổ chức. Điều kiện làm việc của các công nhân thường nghèo nàn; công nhân nhiều khi phải làm việc với đồng lương thấp, thời gian kéo dài và trong tình trạng nguy hiểm. Những cuộc khủng hoảng kinh tế có chu kỳ đã làm giảm lương công nhân, gây thất nghiệp đại trà. Cùng lúc đó, những cải tiến về công nghệ được ứng dụng quá nhiều vào sản xuất đã liên tục làm giảm nhu cầu về kỹ năng thủ công. Các thành phố tăng trưởng quá nhanh làm cho chính quyền không cung ứng đủ chỗ ở và quản lý được số dân gia tăng này.

CHIẾN TRANH, SỰ THỊNH VƯỢNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ (1900-1929)

Thời kỳ phát triển kéo dài từ khoảng năm 1890 cho đến khi Thế chiến thứ I nổ ra. Để đối phó với sự tư bản hóa quá mức và sự sụp đổ về chính trị, một phong trào cải cách nổi lên được gọi là “thuyết tiến bộ”. Người ta tin rằng việc mở rộng qui mô của chính quyền sẽ đảm bảo cho sự tiến bộ của xã hội nước Mỹ. Những năm từ 1902 đến 1908 đánh dấu một thời kỳ cải cách rầm rộ nhất. Nhiều bang đã thi hành các luật lệ nhằm cải thiện đời sống và việc làm của nhân dân. Nhiều luật lệ về lao động trẻ em đã ra đời, nâng mức tuổi tối thiểu lên, giảm thời gian làm việc, hạn chế làm ban đêm và đòi hỏi trẻ em phải đi học.

Khi Thế chiến thứ I nổ ra ở châu Âu, tổng thống Woodrow Wilson đã thi hành một chính sách trung lập nghiêm khắc. Tháng Giêng năm 1917 các tàu chiến của Đức đã không hạn chế việc tấn công các cảng của quân Đồng minh. Sau khi 5 chiếc tàu của Mỹ bị đánh đắm, quốc hội đã tuyên bố chiến tranh với Đức vào tháng 4 năm 1917. Một cuộc đình chiến nhằm chấm dứt Thế chiến thứ I đã được tuyên bố vào ngày 11 tháng 11 năm 1918. Ý tưởng của Wilson về Hội Quốc liên được ghi trong bản Hiệp ước Versailles, nhưng thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn hiệp ước này, và Mỹ đã không tham gia vào Hội Quốc liên. Nước Mỹ đã rút ra khỏi những vấn đề của châu Âu.

Những thay đổi của thập kỷ 1920 có ảnh hưởng rất sâu rộng. Thời gian làm việc trong tuần giảm từ 60 giờ xuống còn 48 giờ. Lần đầu tiên việc giải trí được coi như quan trọng ngang hàng với công việc. Đây là một thập kỷ tuyệt vời cho nghệ thuật và văn chương ở Mỹ. Công nghệ phát triển và ô tô, radio và điện ảnh trở nên vô cùng phổ biến. Với lợi nhuận gia tăng và mức lãi suất thấp, một lượng tiền lớn được đưa vào đầu tư. Một số lớn trong lượng tiền này đi vào thị trường chứng khoán. Vào năm 1929, công ty Thị trường Chứng khoán New York đã trở nên hoạt động hơn bao giờ hết. Ngày 24 tháng 10 năm 1929, ngày Thứ Năm Đen tối, thị trường chứng khoán phá sản. Các ngân hàng đóng cửa. Cả nước ở trong tình trạng suy thoái trong gần hết thập niên 1930.

Đối với những doanh nghiệp lớn, thập kỷ 1920 được coi là thời kỳ vàng son, nhưng mối siêu lợi nhuận này che đậy nhiều vấn đề sâu xa. Thập kỷ này cũng là thời kỳ của cấm đoán và không dung thứ, của cướp giật và tội ác. Gần 19 triệu người đã nhập cư vào Mỹ trong khoảng từ 1890 đến 1921, năm mà quốc hội Mỹ đã đưa ra những hạn chế nghiêm khắc. Hầu hết những người nhập cư này đến từ Ý, Nga, Hà Lan, Hy Lạp và vùng Balkan. Những người không phải là người Âu cũng đến đây: từ phía Đông là người Nhật, từ phía Nam là người Canada, và từ phía Bắc là người Mexico.

SỰ SUY THOÁI NẶNG NỀ VÀ CHÍNH SÁCH KINH TẾ XÃ HỘI MỚI (1929-1941)

Tháng 10 năm 1929 thị trường chứng khoán phá sản, làm mất đi 40% giá trị cổ phiếu và tạo ra một cuộc suy thoái toàn cầu. Đến năm 1933 giá trị cổ phiếu ở thị trường New York chỉ còn dưới một phần năm so với nức của năm 1929. Những doanh nghiệp đóng cửa, nhà máy ngưng việc và các ngân hàng thua lỗ. Thu nhập từ nông nghiệp giảm hẳn một nửa. Năm 1932 cứ 4 người Mỹ thì có một người thất nghiệp. Tổng thống Roosevelt đã được bầu trên cơ sở Chính sách Kinh tế Xã hội Mới của ông.

Chỉ trong vòng vài tháng, Roosevelt đã thi hành hàng loạt những luật lệ nhằm phục hồi nền kinh tế. Những việc làm mới được tạo ra bằng cách tiến hành việc xây dựng đường sá, cầu cống, sân bay, công viên và những tòa nhà công cộng. Đạo luật Điều chỉnh Nông nghiệp do quốc hội thông qua năm 1933 nhằm tạo một sự thoải mái về kinh tế cho nông dân. Nhưng trong thập niên 1930 một trận hạn hán đã đổ xuống các bang ở vùng đồng bằng Great, đồng thời với  gió lớn và những trận bão bụi đã tàn phá vùng đồng bằng này.

Chính sách Kinh tế Xã hội Mới đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc làm gia tăng sản phẩm - nhưng nó cũng không chấm dứt được thời kỳ suy thoái. Tổng thống Roosevelt đã hậu thuẫn cho một loạt những biện pháp mới về kinh tế và xã hội (Chính sách Kinh tế Xã hội Mới lần thứ hai) để đối phó với nghèo đói, thất nghiệp và những vấn đề về an ninh xã hội. Các diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và nhà văn được tạo việc làm thông qua Dự án Sân khấu Liên bang, Dự án Nghệ thuật Liên bang và Dự án Văn sĩ Liên bang. Nhưng trọng tâm của Chính sách Kinh tế Xã hội Mới là Đạo luật An toàn Xã hội năm 1935. Đạo luật này đã tạo ra một hệ thống bảo hiểm cho người già, người thất nghiệp và tàn tật.

THẾ CHIẾN THỨ II (1941-1945)

Trung lập là thái độ phản ứng đầu tiên của Mỹ khi Thế chiến thứ II nổ ra ở châu Âu vào năm 1939. Sau đó Mỹ cùng tham gia với Canada trong một ban bảo vệ lẫn nhau và cùng với các nước châu Mỹ La Tinh mở rộng sự phòng ngự cho các nước ở Tây Bán cầu. Quốc hội đã cho phép tổng thống Roosevelt chuyển quân đội và trang thiết bị đến bất kỳ quốc gia nào cần thiết cho sự phòng thủ của Hoa Kỳ. Năm 1940, Roosevelt đắc cử tổng thống lần nữa, và là lần đầu tiên trong lịch sử của Mỹ một tổng thống tại chức đến nhiệm kỳ thứ ba.

Ngày 7 tháng 12 năm 1941 quân Nhật đã ném bom vào hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở cảng Pearl, Hawaii. Ngày 8 tháng 12 quốc hội Mỹ đã tuyên bố chiến tranh với Nhật. Ba ngày sau đồng minh của Nhật là Đức và Ý tuyên bố chiến tranh với Mỹ. Tất cả các hoạt động - từ nông nghiệp sản xuất, nghề mỏ, mậu dịch, viễn thông, cho đến giáo dục văn hóa - đều nằm dưới những sự kiểm soát mới. Đến cuối năm 1943, có khoảng 65 triệu người Mỹ đã từng mặc quân phục hoặc làm một công việc liên quan đến chiến tranh.

Quân Đồng minh đã quyết định tập trung quân đội vào châu Âu, nơi đặt trung tâm của lực lượng đối phương. Tháng 3 năm 1945 quân đội Đồng minh tiến vào nước Đức. Ngày 7 tháng 5 quân Đức đầu hàng. Ngày 6 tháng 8 một quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và ngày 8 tháng 8 một quả thứ hai được ném xuống Nagasaki. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 quân Nhật chính thức đầu hàng, chấm dứt Thế chiến thứ II.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2253-02-633495541553593750/Lich-su/Cuoc-noi-chien.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận