Omar Khayyam là ai?
Omar Khayyam sống ở Ba Tư vào thế kỷ thứ XI. Ông đồng thời là nhà văn, nhà triết học, thiên văn học và toán học. Song ông nổi tiếng hơn cả trong lĩnh vực thơ ca.
Omar Khayyam sinh tại Nichapur, một thành phố phía Đông Bắc Ba Tư, ngày nay là Iran. Tên ông có nghĩa là ''người dựng lều'', có thể cái tên này phản ánh nghề nghiệp của cha ông.
Là nhà thiên văn học và toán học nổi tiếng, ông điều hành đài quan sát thiên văn hoàng gia và được giao trọng trách sửa đổi lại hệ thống lịch cũ của Ba Tư. Ngược lại, trong cuộc đời mình ông chưa bao giờ được coi là một nhà thơ tài ba. Và các tác phẩm của ông chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời được 200 năm. Ở châu Âu, người ta chỉ phát hiện ra những tác phẩm này vào thế kỷ thứ XIX nhờ vào những bản dịch của một nhà văn người Anh, Edward Fitzgerald.
Tác phẩm của Omar Khayyam bao gồm rất nhiều những bài thơ ngắn chỉ độ vài vần, những bài thơ tứ tuyệt được gọi là robbai. Chủ đề cảm hứng chính của tác phẩm là sự ngắn ngủi của cuộc sống và những thú vui của nó.