Tài liệu: Tây Tạng - Tây Tạng - nóc nhà thế giới

Tài liệu
Tây Tạng - Tây Tạng - nóc nhà thế giới

Nội dung

TÂY TẠNG - NÓC NHÀ THẾ GIỚI

 

Ngay khi đặt chân đến “vùng đất nóc nhà của thế giới”, hẳn bạn sẽ không giấu được cảm giác hồi hộp, pha chút băn khoăn khi tự hỏi: Liệu bạn có dễ dàng thích ứng với không gian của đỉnh núi cao gần 3900m? Nơi mà áp suất không khí chỉ còn khoảng gần 70% so với mặt nước biển, không khí trong và loãng! Nhưng rồi cảm giác đó sẽ mất đi ngay, bạn sẽ òa lên hân hoan khi hòa vào cảnh quan bao la bát ngát. Nơi bạn đang đứng là một vùng lũng thấp của Tây Tạng mang vẻ ấm nóng của màu nâu đỏ của đất đai, bao quanh nó là các sườn núi thoai thoải với những vết nắng xuyên ngang lạ lùng, trên đầu bạn là những đám mây đang trôi hờ hững như đang định dừng chân đón chờ bạn!

Tây Tạng là nơi tiếp giáp nhiều mặt của các dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc phía tây nam cao nguyên Thanh Tạng tiếp giáp với Miến Điện, Ấn Độ, Bhutan, Sikkim, Nepal. Tây Tạng có độ dài của biên giới cùng các nước với hơn 3500 cây số. Đời Đường Tống gọi là Cổ Phồn, đời Nguyên gọi là Tuyên Chánh Viện. Đời Thanh phân ra bốn bộ là Tạng, Hậu Tạng, Khách Mộc và Alị gọi chung là Tây Tạng. Năm 1965 trở thành khu tự trị Tây Tạng. Diện tích toàn vùng có hơn 122.000 km2, chiếm một phần tám diện tích toàn Trung Quốc.

Lhasa xưa kia là thủ đô của nước Tây Tạng, hiện nay được gọi là thủ phủ của toàn vùng Tây Tạng. Dân số tại Lhasa có khoảng 236.000 người, là một trong những khu trực thuộc Trung Quốc có mật độ dân số thấp nhất. Tây Tạng là phần đất chính của cao nguyên Thanh Tạng, trong đó có hơn 50 ngọn núi với độ cao từ mặt biển là 7.000 mét. Trong những ngọn núi cao nhất, tất cả có 11 ngọn núi cao hơn 8.000 mét nên Tây Tạng được mệnh danh là nóc nhà của thế giới. Đỉnh núi Everest nằm ở Nam Tây Tạng có độ cao đến 8848 mét, là một đỉnh núi cao nhất thế giới và cũng là nơi ước vọng của nhiều nhà thám hiểm leo núi hàng đầu trên thế giới. Núi non ở Tây Tạng liên tiếp với nhau, các đỉnh núi tuyết trùng trùng điệp điệp đã từng là những nơi phiêu lưu lý tưởng của các nhà leo núi và khách du lịch trên khắp thế giới.

Du lịch Tây Tạng được hình thành hơi muộn nhưng sau đó đã phát triển mạnh. Các chùa viện tại Tây Tạng có hơn 2700 ngôi, trong đó có những nơi nổi tiếng trên thế giới như Cung điện thần bí Potala, Vườn ngọc Norbulingka và chùa Đại Chiêu. Shigatse là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng và nơi đây từ ngài Panchen Lama đời thứ tư về sau Phật giáo rất hưng thịnh, nên nơi đây một thời đã trở thành trung tâm chính trị của Tây Tạng. Tại thành phố này có ngôi tự viện Tashilhunpo là nơi mà mọi du khách đều không thể bỏ qua trong chuyến hành trình của mình. Ngoài ra còn có những lăng mộ của các vua chúa Tây Tạng, các ngọn núi linh thiêng được gọi Thánh Sơn, những hồ nước huyền bí, các thánh địa du lịch...

Do những dấu ấn đa dạng về một nền văn hóa đặc biệt như vừa kể trên, tên gọi “nóc nhà của thế giới” dù chỉ ra đặc trưng về vị thế địa lí quan trọng của Tây Tạng nhưng nó không chứa đủ nội hàm lẫn chỉ ra ngoại diên của khái niệm Tây Tạng. Núi non Tây Tạng đẹp và hùng vĩ, nhưng không chỉ có thế, những tấm áo màu sắc khi được khoác vào cao nguyên Tây Tạng, phong cảnh Tây Tạng, bầu trời Tây Tạng đều được ánh xạ biến ảo thành những sắc màu kì diệu. Những gam màu đất ấm nóng trên đường lên các tu viện, các sắc xanh vô tận từ màu thanh thiên của bầu trời, màu trắng mờ ảo bảng lảng khói sương từ những đám mây vời vợi. ..Ngay cả khi bạn là họa sĩ cũng khó có thể mô tả cái thần thái đặc biệt của sự pha trộn màu sắc kì ảo ấy của cảnh quan Tây Tạng!

Mảnh đất Tây Tạng không những thu hút sự khám phá, sự tò mò mà còn có sức mạnh níu giữ bước chân của du khách bởi nụ cười tươi, ửng hồng dưới ánh nắng của cư dân Tây Tạng. Người Tây Tạng rất mến khách, nhiệt tình lại khéo ca mua. Chỉ cần thấy bạn bước chân bỡ ngỡ trên mảnh đất thần bí của họ, bạn sẽ được mời nếm thử tách trà bơ sữa thơm lừng. Hương vị ngọt ngào của trà sữa được phủ vào đó một dư vị đặc biệt mà chúng ta rất khó có thể thốt nên lời, vừa dịu ngọt lại nồng cay, bởi vì mùi vị của trà đang hòa quyện với hương thơm dễ làm say lòng người của nhang, của trầm. Vị trà còn phảng phất đâu đây khiến bạn có cảm giác lâng lâng muốn dạo chơi ở một không gian thoáng đãng, thảo nguyên mênh mông và những ngọn núi chót vót với bầu trời xanh kì lạ đang chờ đợi bạn! Hoặc khi bạn muốn đắm mình trong một không man tâm tưởng vừa bí ẩn vừa gợi cảm giác thanh tịnh, bạn có thể hòa mình chìm sâu trong các lời kinh, lời chú cầu nguyện vang vọng sau tiếng chuông chùa ở các tu viện của các chư tăng Lama... Và còn nhiều, rất nhiều cảm giác mới lạ mà bạn sẽ bất chợt khám phá và cảm nhận được khi bạn in dấu chân của mình suốt bình nguyên Tây Tạng. Chuyến đi vừa mang tính thưởng ngoạn vừa mang tính khai phá đó chắc chắn sẽ để lại trong tất cả chúng ta những ký ức rất tuyệt vời, khó quên trong suốt cuộc đời.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2756-02-633544977516718750/Du-lich-mien-dat-Phat-huyen-bi/Tay-Tang--...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận