Tài liệu: các mô hình cơ học của hấp dẫn

Tài liệu
các mô hình cơ học của hấp dẫn

Nội dung

CÁC MÔ HÌNH CƠ HỌC CỦA HẤP DẪN

 

Trong những ghi chép khoa học năm 1675 Newton đã giải thích việc Trái Đất hút các vật thể như sau: có một môi trường loãng đặc biệt gọi là ête hấp dẫn do có độ nhớt nên bị hành tinh làm đặc lại. Kết quả là một dòng ête xuất hiện, dòng này hướng từ trên xuống dưới về phía Trái Đất và nó ép mọi vật vào Trái Đất. Tuy nhiên về sau Newton lại từ bỏ cách giải thích này, có lẽ bởi thay vì một câu đó ông lại đưa vào câu đố khác - đó là sự giả định về ete.

Khi Newton xây dựng xong môn cơ học thì xuất hiện ngay một chương trình mô tả toàn diện các hiện tượng vật lý bất kỳ chỉ dựa trên cơ sở của cơ học. Người ta cho rằng cả hấp dẫn cũng có thể được giải thích thuần túy bằng cơ học nghĩa là bằng các định luật chuyển động của các vật mà không cần phải nhờ đến những bản thể bí hiểm không nhìn thấy được như ête.

Vào những năm 70 của thế kỷ XIX mô hình hấp dẫn được biết đến nhiều hơn cả là mô hình hấp dẫn nguyên tử của nhà vật lý người Thụy Sĩ Georges Louis Lesage (1724 - 1803) được đưa ra vào năm 1784. Thực chất của mô hình này là ở chỗ không gian được choán đầy bởi các hạt rắn nhỏ nhất (tương tự như các nguyên tử của Democritus), những hạt này chuyển động theo mọi hướng có thể. Kích thước của các hạt rất nhỏ so với khoảng cách giữa chúng, và do đó xác suất va chạm tương hỗ giữa chúng là nhỏ. Một vật thể riêng biệt chịu tác động hỗn độn của các hạt từ mọi phía khác nhau phải ở nguyên trong trạng thái cân bằng. Nếu bên cạnh vật thể này lại có vật thể thứ hai thì một phần dòng các hạt tác động lên vật thể thứ nhất sẽ bị chắn bởi vật thể thứ hai và kết quả là xuất hiện lực đẩy vật thể thứ nhất tới vật thể thứ hai. Tác động chắn của vật thể thứ nhất cũng hoàn toàn giống như vậy, dẫn đến lực đẩy vật thể thứ hai đến vật thể thứ nhất.

Tính toán cho thấy rằng với những vận tốc xác định của các hạt thì giả định của Lesage có thể giải thích được sự hút nhau của các vật thể phù hợp với định luật của Newton. Song, khi giải thích được một định luật cơ học của Newton, giả thiết đó lại mâu thuẫn với định luật khác - định luật bảo toàn cơ năng. Sự va chạm của các hạt, mặc dù rất hiếm xảy ra, phải làm cho vận tốc của các hạt giảm đi, và do đó ''hấp dẫn'' cũng yếu đi.

Lại xuất hiện những biến tướng khác của mô hình Lesage, song những mô hình này lại có nhược điểm khác: bên cạnh những môi trường vật chất bình thường người ta đưa vào một môi trường không thể quan sát được - đó là một môi trường vật chất không trọng lượng, rất loãng, tức là ête. Các tác giả này xuất phát từ những giả thiết không được thực nghiệm kiểm chứng và họ đã thu được những kết quả không thể kiểm tra bằng thực nghiệm hay bằng những quan trắc thiên văn.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1190-02-633399587335156250/Bi-mat-chua-duoc-kham-pha-cua-hap-dan/cac...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận