Văn bản pháp luật: Nghị định 81/2007/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 334 & 335/2007;
Nghị định 81/2007/NĐ-CP
Nghị định
22/06/2007
23/05/2007

Tóm tắt nội dung

Quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

Thủ tướng
2.007
Chính phủ

Toàn văn

NGH? Đ?NH

NGHỊ ĐỊNH

Quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường

tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 về tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

2. Nghị định này áp dụng đối với:

a) Tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ);

b) Tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan thực thi pháp luật chuyên ngành (sau đây gọi chung là Cục, Tổng cục) thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;

c) Tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi chung là tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

d) Bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường của Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện);

đ) Công chức Địa chính - Xây dựng xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công chức Địa chính - Xây dựng cấp xã);

e) Tổ chức chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường tại Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và Ban Quản lý có tên gọi khác (sau đây gọi chung là Ban Quản lý khu kinh tế);

g) Tổ chức chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường tại các công ty, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước (sau đây gọi chung là doanh nghiệp nhà nước).

3. Các đối tượng không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:

a) Tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành có trách nhiệm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường;

b) Đơn vị sự nghiệp (trừ những đơn vị sự nghiệp nhà nước phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này);

c) Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ Bảo vệ môi trường của Bộ, ngành, địa phương;

d) Doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ bảo vệ môi trường;

đ) Tổ chức phi Chính phủ, tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư thực hiện các dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 116 Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 2. Nguyên tắc thành lập và tổ chức hoạt động của tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động phù hợp với yêu cầu tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch và hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực.

2. Việc thành lập đơn vị chuyên trách hoặc phân công đầu mối làm công tác bảo vệ môi trường phải căn cứ vào tính chất, phạm vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước hoặc thực hiện pháp luật bảo vệ về môi trường trong các ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn cụ thể theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Sử dụng linh hoạt và tạo điều kiện tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các chuyên ngành khoa học và công nghệ liên quan đến môi trường tự nhiên và xã hội phù hợp vào làm công tác bảo vệ môi trường.

4. Phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường với các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong việc giám sát, thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong ngành, lĩnh vực, địa bàn và trong việc huy động rộng rãi các nguồn lực kinh tế - xã hội trong nước và tài trợ của nước ngoài, các tổ chức quốc tế để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

5. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ môi trường và việc ký, thực hiện hợp đồng lao động bảo vệ môi trường phải tuân theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương II

TỔ CHỨC, BỘ PHẬN CHUYÊN MÔN VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC Ở TRUNG ƯƠNG

Điều 3. Tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của các Bộ, ngành ở Trung ương

1. Việc tổ chức các cơ quan, đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Thành lập Vụ Môi trường tại các Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thuỷ sản để giúp Bộ trưởng các Bộ nêu trên trong việc tham mưu, trình Bộ trưởng ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường trong ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác hiện có Vụ Khoa học và Công nghệ: đổi tên Vụ Khoa học và Công nghệ thành Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tham mưu, trình các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nêu trên ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường trong ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

Bộ, cơ quan ngang Bộ có thể thành lập các đơn vị sự nghiệp phục vụ công tác quản lý về bảo vệ môi trường như: Trung tâm quan trắc môi trường trong lĩnh vực, chuyên ngành và Trung tâm thông tin chuyên ngành có nhiệm vụ xử lý và cung cấp thông tin về quản lý môi trường thuộc lĩnh vực, chuyên ngành quản lý.

3. Bộ Công an có lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm môi trường để điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Tổ chức và hoạt động lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm môi trường do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Điều 4. Tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường của Cục, Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Căn cứ yêu cầu, khối lượng nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, thành lập Phòng (Ban) chuyên môn làm nhiệm vụ tham mưu, giúp Cục trưởng, Tổng Cục trưởng về bảo vệ môi trường khi có đủ điều kiện sau đây:

a) Chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành của Cục, Tổng cục liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hoặc trong hoạt động sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt nơi công cộng hoặc trong tổ chức lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Trong cơ cấu tổ chức của Cục, Tổng cục có nhiều phòng, ban, đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ có trách nhiệm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành của Cục, Tổng cục;

c) Có Chi cục (hoặc Cục trực thuộc Tổng cục) tổ chức theo ngành dọc và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục, Tổng cục đặt tại nhiều địa phương (từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).

2. Đối với Cục, Tổng cục có trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường thuộc chức năng quản lý nhà nước của Cục, Tổng cục nhưng chưa đủ điều kiện nêu tại khoản 1 Điều này thì có bộ phận hoặc cán bộ, công chức chuyên trách hoặc bán chuyên trách làm đầu mối chuyên môn giúp Cục trưởng, Tổng cục trưởng về bảo vệ môi trường.

3. Cục, Tổng cục quy định tại khoản 1 Điều này có thể có các đơn vị sự nghiệp phục vụ công tác quản lý về bảo vệ môi trường thuộc Cục, Tổng cục, bao gồm:

a) Trung tâm quan trắc môi trường trong lĩnh vực, chuyên ngành;

b) Trung tâm thông tin chuyên ngành có nhiệm vụ xử lý và cung cấp thông tin về quản lý môi trường thuộc chuyên ngành.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước ở Trung ương

1. Tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc Cục trưởng, Tổng cục trưởng (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp) xây dựng, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường trong phạm vi chức năng hoặc lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch hoạt động của ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan, đơn vị; tham gia thẩm định các báo cáo tổng hợp điều tra, đánh giá và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thuộc phạm vi quản lý.

2. Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố áp dụng và điều chỉnh tiêu chuẩn môi trường, chất lượng môi trường và chất thải môi trường phù hợp với đặc thù của hoạt động ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước và sức chịu tải của môi trường; kiến nghị các biện pháp áp dụng có hiệu quả các tiêu chuẩn môi trường trong lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: lập và thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường; quản lý và kiểm soát chất thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường; thông tin và báo cáo hiện trạng môi trường và việc xây dựng nguồn lực khác phục vụ công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý và tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; phát hiện và kiến nghị xử lý hoặc được xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; chủ trì giải quyết hoặc tham gia giải quyết theo thẩm quyền đối với các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường và bồi thường thiệt hại liên quan đến môi trường.

5. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Chủ trì hoặc tham gia, phối hợp thực hiện các dự án hợp tác quốc tế có liên quan đến bảo vệ môi trường trong ngành, lĩnh vực.

7. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quan trắc các tác động đối với môi trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước; thống kê và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường liên quan đến nhiệm vụ được giao.

8. Tổ chức nghiên cứu khoa học, dự báo, cảnh báo về môi trường; phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường; phối hợp với cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các dịch vụ bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý.

9. Phối hợp với các tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, các quỹ bảo vệ môi trường trong việc hướng dẫn, triển khai ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

10. Kiến nghị việc trao tặng các giải thưởng, khen thưởng về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Chương III

TỔ CHỨC, BỘ PHẬN CHUYÊN MÔN VỀ BẢO VỆ

MÔI TRƯỜNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG

Điều 6. Tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn cấp tỉnh quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức lại Phòng Bảo vệ môi trường hoặc bộ phận làm công tác bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để nâng cấp thành Chi cục Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Chi cục) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

a) Chi cục có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường do các cơ quan nhà nước ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hoặc ban hành.

b) Chi cục có tư cách pháp nhân; có con dấu, trụ sở làm việc; có tài khoản tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng. Biên chế hành chính của Chi cục bao gồm số biên chế hành chính hiện có của Phòng Bảo vệ môi trường hoặc bộ phận bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Biên chế sự nghiệp của Chi cục do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật. Kinh phí hoạt động của Chi cục được ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường.

d) Việc tổ chức lại Phòng Bảo vệ môi trường hoặc bộ phận làm công tác bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để nâng cấp thành Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 7 năm 2007.

đ) Căn cứ nhu cầu công việc và kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường được giao, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao biên chế sự nghiệp cho đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở.

Điều 7. Tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Phòng Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn cấp huyện quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường.

2. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường phân công cán bộ lãnh đạo cấp Phòng phụ trách và bố trí các công chức giúp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong số biên chế cán bộ, công chức của Phòng Tài nguyên và Môi trường như sau:

a) Các huyện đồng bằng; các huyện đảo có vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn thiên nhiên; các quận; các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã có dân số từ 35.000 người trở lên bố trí từ 02 đến 03 công chức;

b) Các huyện trung du, miền núi, các huyện đảo khác và các thị xã có dân số dưới 35.000 người bố trí từ 01 đến 02 công chức.

3. Căn cứ nhu cầu công việc bảo vệ môi trường trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường. Kinh phí chi cho việc thực hiện hợp đồng lao động được trích từ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cấp cho cấp huyện.

Điều 8. Công chức cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Công chức Địa chính - Xây dựng cấp xã có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường.

2. Căn cứ nhu cầu công việc, đặc điểm bảo vệ môi trường trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể ký hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường của công chức Địa chính - Xây dựng. Kinh phí cho việc thực hiện hợp đồng lao động được trích từ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cấp cho cấp xã.

Chương IV

TỔ CHỨC, BỘ PHẬN CHUYÊN MÔN VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

TẠI BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều 9. Tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại Ban Quản lý khu kinh tế

1. Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế bố trí 02 - 03 cán bộ thuộc Phòng (Ban) Quản lý quy hoạch, Xây dựng và Môi trường để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Ban Quản lý khu kinh tế.

Căn cứ đặc thù quản lý trên địa bàn và nhu cầu công việc, Ban Quản lý khu kinh tế được thành lập Phòng quản lý môi trường khi có đủ biên chế từ 04 người trở lên có chuyên môn về bảo vệ môi trường.

2. Trưởng ban Ban Quản lý quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chuyên môn hoặc cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường tại khu kinh tế.

Điều 10. Tổ chức, bộ phận chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp nhà nước

Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải phân công cán bộ lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh phụ trách và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có bộ phận chuyên môn tham mưu, giúp việc cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc trong việc xử lý các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của các đơn vị thành viên (nếu có); thành lập lực lượng chuyên trách hoặc bán chuyên trách ứng phó sự cố môi trường và định kỳ kiểm tra hoạt động của lực lượng này theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước hoặc dịch vụ công về bảo vệ môi trường; ban hành kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức phụ trách về bảo vệ môi trường;

b) Ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường với các cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân, hội và tổ chức phi chính phủ, cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn về điều kiện, định mức sử dụng phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường.

2. Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung chỉ tiêu biên chế và hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường phù hợp với quy định tại Nghị định này.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể kinh phí hoạt động của tổ chức, bộ phận chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường và kinh phí thực hiện hợp đồng lao động quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ban Quản lý có tên gọi khác, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm căn cứ vào Nghị định này, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phân công, quy định nhiệm vụ cụ thể và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân giúp việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 12. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Ban Quản lý có tên gọi khác; Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc các Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14298&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận