Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía Bắc, có một vườn cây ăn quả vô cùng độc đáo. Bưởi, cam, phật thủ, quýt, quất, 5 loại quả đều chín rộ, tươi tốt trên một cây. Đây là kết quả sau nhiều lần tìm tòi, thử nghiệm và thất bại của ông Lê Đức Giáp ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội khi nảy ra ý tưởng đưa hình ảnh mâm ngũ quả lên cây cảnh ngày Tết.
Câu chuyện về vườn cây của ông Giáp giống như một sự tích “diệu kì”. Trước đây, ông đã từng có 10 năm kinh nghiệm với việc trồng cây cam Canh. Sau những đợt thu hoạch và tỉa cắt, những cành lá lộc nụ khỏe khoắn còn sót lại. Ông mới thử mày mò ghép chúng vào những thân cây bình thường, thật may mắn là chúng lại sống được và còn phát triển nữa.
“Sau đó, tôi mới nghĩ ra nếu mình đã ghép được như vậy thì mình sẽ ghép một cái cây có nhiều quả lên để cho đẹp hơn, tượng trưng cho cây “ngũ quả” trong ngày Tết, chắc sẽ dễ bán!”, ông Giáp nói.
Tuy nhiên từ ý tưởng đến triển khai thực tế không hề đơn giản. Hơn 3 năm, với bao công sức tìm tòi và nhiều lần thất bại, ông mới thành công. Ông phát hiện ra, điểm mấu chốt là phải biết tính toán thời gian ghép từng loại quả vì tùy từng đặc tính của mỗi loại cây mà các loại quả có thời gian chín khác nhau.
“Với bưởi Diễn, cam Canh tôi ghép từ tháng 5 (âm lịch). Quả quất và quýt thì tôi ghép vào tầm tháng 8, tháng 9. Còn quả phật thủ tôi ghép vào khoảng tháng 10, tháng 11”.
Theo ông Giáp, muốn quả ghép phát triển bình thường trên thân cây mới, người ghép phải khéo léo và cẩn thận từng tý để ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilong ở vết ghép để quả có chất dinh dưỡng; tiếp đó là bón phân, phun thuốc trừ sâu theo định kỳ.
Kết quả là đến cuối năm, tất cả các loại quả trên cây ngũ quả (cay ngu qua) đều đang độ chín vàng chuẩn bị đón Tết. Các loại quả trên cây ngũ quả sẽ giữ được màu sắc và hương vị đặc trưng đến hết tháng Giêng, thậm chí 3 tháng sau Tết. Thêm nữa, sau Tết Nguyên Đán, người chơi vẫn có thể chăm sóc, chơi tiếp vào những năm sau. Vì vậy mặc dù có giá cao (dao động từ 2 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng) nhưng khách tìm về mua đều cho rằng giá như vậy là tương xứng.
“Mấy ngày hôm nay, khách đến tìm hiểu, chọn mua loại cây mâm ngũ quả để biếu hoặc về trưng bày trong dịp tết. Nhiều người đã đánh dấu cây, chờ đến gần tết mang đi. Số lượng cây mâm ngũ quả còn lại trong vườn không nhiều”.
Thời điểm hiện tại, không chỉ người dân khu vực Hà Nội đến đặt mua những chậu cây ngũ quả, tam quả về chơi Tết mà nhiều khách hàng từ các tỉnh thành khác nhau như Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Cao Bằng… cũng tìm đến. Thậm chí, chỉ cách đây ít hôm, một khách hàng tận trong TP Hồ Chí Minh đã đánh xe ô tô ra đây đặt mua đến 7 chậu cảnh “ngũ quả” về chơi Tết.
Trên diện tích 3ha đất nông nghiệp, mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Giáp còn giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình khác phát triển sản xuất. Ông thường bán chịu toàn bộ cây giống, thậm chí hỗ trợ tiền mua phân bón cho những hộ khó khăn. Ðến nay những người được ông giúp đỡ đều đã trở thành những hộ trồng trọt, làm kinh tế giỏi.
Có thể nói, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, ở tuổi 60, ông Lê Đức Giáp đã làm giàu chính đáng trên đồng đất quê nhà từ việc trồng cây ăn quả. Không chỉ vậy, ông còn góp phần tô đẹp thêm ngày Tết cổ truyền của dân tộc bằng loại cây đặc biệt – cây ngũ quả!