Giai đoạn (1959-1978)
Trước ngày 13 tháng 5 năm 1955, ngày thành phố Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, trong Nhà thương chính của thành phố chỉ có khu Hộ sinh với 3 phòng bệnh và phòng khám. Khu hộ sinh của Nhà thương chính chỉ để phục vụ cho vợ con quan chức của bộ máy cai trị cũ.
Từ ngày thành phố được tiếp quản, chính quyền cách mạng đã có nhiều đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ. Chị em phụ nữ thuộc thành phần công nông, người lao động đều được đến khám bệnh và sinh đẻ tại Bệnh viện chính.
Tháng 4 năm 1957, trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa Chính phủ Tiệp Khắc với nước ta, thành phố Hải Phòng được Chính phủ Tiệp Khắc giúp đỡ xây dựng Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp; cũng từ đó khu Hộ sinh của Nhà thương chính được chuyển thành khoa Sản phụ - Bệnh viện Việt Tiệp. Được sự giúp đỡ hữu nghị có hiệu quả từ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chuyên gia kỹ thuật, chỉ trong thời gian ngắn, các cán bộ từ bác sĩ, nữ hộ sinh của Bệnh viện đã phấn đấu thực hiện các kỹ thuật chuyên môn vững vàng. Số liệu chuyên môn được lưu trữ, trong năm 1965, khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp đã thực hiện tổng số đẻ 1537 ca, trong đó có 796 ca đẻ khó, mổ lấy thai 132 ca. Cho đến những năm của thập kỷ 70, khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp đã không ngừng lớn mạnh trong phòng trào thi đua XHCN, Tổ đỡ đẻ khó đã xuất hiện như một ngôi sao sáng chói nhất của ngành Y tế Hải Phòng.
Tổ đỡ đẻ khó là một trong bẩy tổ lao động XHCN của thành phố Hải Phòng được Chính phủ công nhận và tặng Cờ thi đua. Năm 1962, Tổ đỡ đẻ khó - khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, đây là vinh dự rất lớn vì toàn miền Bắc ngày ấy mới có 2 tổ công tác Y tế đạt thành tích được tặng thưởng Huân chương Lao động. Nhiệm vụ của Tổ đỡ đẻ khó là tiếp nhận tất cả các trường hợp đẻ khó của các nhà hộ sinh khu phố, các huyện ngoại thành và của một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Cẩm Phả, Hồng Gai, Quảng Yên … Cán bộ của Tổ đỡ đẻ khó còn được cử đi tăng cường cho đảo Cát Bà, Cát Hải, huyện Thuỷ Nguyên, khu phố Ngô Quyền …
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Tổ đỡ đẻ khó cùng với toàn khoa Sản chia đôi lực lượng, nửa ở lại nội thành, nửa đến nơi sơ tán thuộc huyện An Lão. Nhiệm vụ chuyên môn lúc này không giới hạn trong công tác khám chữa bệnh sản phụ khoa, mà đồng thời tổ chức cấp cứu chiến thương và người bị nạn trong công cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Những thành tích công tác của khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp đã được ghi nhận: Tổ đỡ đẻ khó năm 1972 một lần nữa được tặng thưởng cao hơn: Huân chương Lao động hạng Nhì và cho đến năm 1977 được công nhận 22 năm liên tục đạt danh hiệu Tổ lao động XHCN.
Giai đoạn (1978 - 1988)
Khoảng thời gian gần 20 năm (từ năm 1959 đến năm 1977) khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp bên cạnh yếu tố nội tại là sự nỗ lực của cán bộ nhân viên của khoa, của bệnh viện; còn có sự ảnh hưởng chung của phong trào thi đua của đất nước ta thời kỳ đó, thời kỳ hưng thịnh của chế độ bao cấp, chế độ XHCN, sự giúp đỡ chí tình của Tiệp Khắc, Cu Ba, những đất nước XHCN giúp ta xây dựng và đánh Mỹ. Khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp trở thành nơi có trình độ chuyên môn kỹ thuật phát triển, tiếp nhận điều trị không chỉ bệnh nhân của thành phố Hải Phòng mà còn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân các tỉnh lân cận, đương nhiên trở thành tuyến cao nhất về sản phụ trong khu vực. Khoa Sản Việt Tiệp còn là nơi thực hành cho sinh viên Y4 Trường đại học y khoa Hà Nội, là cơ sở giảng dạy Y sĩ, Nữ hộ sinh của Trường Trung học Y tế Hải Phòng. Là một khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp nhưng lại ở một vị trí độc lập nên các bộ phận cận lâm sàng, dược, dinh dưỡng cũng hình thành bên cạnh bộ phận lâm sàng như một đơn nguyên độc lập. Cho đến khi chủ trương sáp nhập Trạm Sinh đẻ kế hoạch với khoa Sản hình thành từ nhu cầu tất yếu của thành phố là phải có một bệnh viện chuyên khoa về sản phụ khoa, kế hoach hoá gia đình.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng được thành lập theo Quyết định số 105/QĐ-VX ngày 31/1/1978 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, nhưng chính thức hoạt động từ 01/7/1978. Ngày đầu thành lập, Bệnh viện có qui mô 150 giường bệnh (tăng 70 giường so với khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp), có 96 cán bộ nhân viên; có 3 phòng chức năng, 8 khoa lâm sàng và 2 khoa cận lâm sàng. Cơ sở vật chất được thêm ngôi nhà của Trạm Mắt, còn lại vẫn là khu nhà cũ của khoa Sản và Trạm Sinh đẻ kế hoạch. Trang thiết bị y tế hầu như tăng thêm không đáng kể, Sở Y tế điều một máy Xquang D700 từ bệnh viện Kiến An. Nhiệm vụ của Bệnh viện được xác định: khám chữa bệnh về sản phụ khoa, thực hiện dịch vụ kỹ thuật kế hoạch hoá gia đình cho toàn thành phố và xây dựng bộ môn Sản phụ khoa của phân hiệu Đại học Y khoa Hải Phòng.
Ban giám đốc đầu tiên của Bệnh viện gồm:
- Giám đốc: Giáo sư Lê Điềm
- Phó giám đốc: Bác sĩ Hoàng Thuý Sơn - Phụ trách công tác chỉ đạo tuyến và SĐKH.
- Phó giám đốc: Đồng chí Nguyễn Văn Thư - Phụ trách hậu cần
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là bệnh viện chuyên khoa phụ sản địa phương được thành lập sớm nhất ở miền Bắc (Phụ sản Hà Nội - 1979, Phụ sản Nam Hà - 1984, Phụ sản Thanh Hoá 1989…). Những thách thức khó khăn đặt ra trong thời kỳ này không nhỏ.
Khó khăn đầu tiên là yếu tố cán bộ, thời điểm này sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều cán bộ, đa phần là những cán bộ có trình độ và kinh nghiệm công tác của miền Bắc phải chia sẻ cho miền Nam để tiếp quản và xây dựng các cơ sở y tế phía Nam. Những cán bộ mới được Bệnh viện tiếp nhận phần lớn là cán bộ trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Thêm nữa thời kỳ trước do tập trung phục vụ chiến tranh nên công tác đào tạo còn nhiều bất cập, nhất là đào tạo sau đại học và đào tạo chuyên sâu.
Khó khăn thứ hai là cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng nhà cửa. Trong khoảng 10 năm, Bệnh viện xây thêm được khu nhà dược. Còn về trang thiết bị y tế hầu như không tăng thêm gì, những thiết bị cũ theo thời gian bị hư hỏng. Do thành lập là một bệnh viện riêng nên những viện trợ của Tiệp Khắc không còn nữa, trong khi đó các tổ chức quốc tế khác lại quan niệm chúng ta là Bệnh viện Phụ sản Việt Tiệp, đã có sự giúp đỡ của Tiệp Khắc.
Khó khăn lớn nhất, đất nước ta thời kỳ này chịu ảnh hưởng nặng nề sau cuộc chiến tranh 30 năm, các nguồn viện trợ của các nước XHCN anh em không còn là bao, nội lực rất hạn chế do sự trì trệ của cơ chế bao cấp, kinh tế sa sút, đời sống khó khăn. Chúng ta lại phải tăng cường bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền đất nước, chắt chiu giúp bạn Lào, giúp Cam pu chia chống chế độ diệt chủng. Khó khăn chồng chất khó khăn, lòng người cũng có khi mệt mỏi, suy giảm niềm tin. Bệnh viện cũng chịu chung những ảnh hưởng đó, kinh phí ngân sách cấp eo hẹp, chưa có cơ chế thu viện phí, nhiều lúc như bất lực vì thiếu thốn. Sự hăng hái nhiệt tình của cán bộ, nhân viên thời kỳ trước nay trở thành im lặng hoặc lãn công, bớt giờ làm lo chạy vạy để cuộc sống đỡ khó khăn.
Nhưng nhu cầu về khám chữa bệnh và các nhiệm vụ của Bệnh viện thì ngày càng đòi hỏi cao. Số lượng khám bệnh năm 1988 tăng gấp đôi so với năm 1978; số nạo hút tăng gấp 3, số đẻ tăng gần 2 lần, số phẫu thuật (loại I, II) tăng gấp 3 lần, đặc biệt các số liệu xét nghiệm cận lâm sàng tăng từ 5 đến 7 lần. Đâu phải có phép mầu nhiệm mà Bệnh viện đạt được như vậy. Sự kiên trì trong chủ trương lãnh đạo, nghị lực vượt khó khăn của cán bộ nhân viên bệnh viện, tinh thần đoàn kết của tập thể các khoa phòng đã đem đến những thành công. Yếu tố con người lại trở thành quan trọng để đạt được những thành tích công tác.
Sau 10 năm, từ 11 bác sĩ chưa có học hàm, học vị sau đại học, Bệnh viện đã có 1 giáo sư, 3 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 14 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 27 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, 2 dược sĩ chuyên khoa I. Để nâng cao trình độ cán bộ, Bệnh viện đã thúc đẩy phong trào tự học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết công tác chuyên môn, đã tổ chức 7 Hội nghị khoa học với 201 đề tài nghiên cứu khoa học
Mười năm, một chặng đường khá dài, nhưng đối với Bệnh viện thì đoạn đường đã qua ấy vẫn chỉ là bước đi ban đầu. Vậy mà Bệnh viện đã tự khẳng định được mình, xứng đáng là một trung tâm sản phụ khoa của một thành phố có dân số một triệu rưỡi người. Quy mô Bệnh viện đến năm 1988 có 250 giường bệnh với 318 cán bộ nhân viên. Công tác khám bệnh điều trị phụ khoa đã được quan tâm đáng kể, tỷ lệ giường bệnh phụ khoa, KHHGĐ đã ngang bằng sản khoa, đã thành lập được khoa Sản bệnh lý để điều trị tích cực trước sinh và sản bệnh lý sau đẻ; thành lập khoa Sơ sinh để chăm sóc trẻ sơ sinh và điều trị sơ sinh bệnh lý sau đẻ. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên còn nhờ sự quan tâm phát triển các phòng cận lâm sàng, với đầy đủ cán bộ được đào tạo trong và ngoài nước, đã đáp ứng được yêu cầu của lâm sàng và tuyến trước. Bệnh viện đã có liên khoa xét nghiệm huyết học, sinh hoá, tế bào di truyền, giải phẫu bệnh lý, phòng điện quang lý liệu pháp.
Thành tựu nổi bật trong 10 năm này là Bệnh viện đã thực hiện chương trình lồng ghép từ thành phố xuống quận huyện công tác phụ khoa với công tác kế hoạch hoá gia đình. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao bởi việc lựa chọn khoa Sản làm chỗ dựa để thực hiện dịch vụ KHHGĐ. Hải Phòng đã trở thành địa phương đầu tiên triển khai mô hình trên. Ngoài ra, trong tình hình xuống cấp của các trạm y tế xã phường, Bệnh viện vẫn duy trì xây dựng được gần 100 điểm dịch vụ KHHGĐ liên xã, đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung, hút điều hoà kinh nguyệt. Bệnh viện đã cử 560 lần bác sĩ xuống làm việc ngắn ngày tại các xã. Thực hiện tốt dịch vụ KHHGĐ đã góp phần đưa thành phố Hải Phòng dẫn đầu toàn quốc về công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, góp phần giảm tỷ xuất sinh, ổn định dân số, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội thành phố.
Ghi nhận thành tích của Bệnh viện, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Bệnh viện (1988), Hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng Bệnh viện Huân chương Lao động hạng Nhì và tặng thưởng Tổ đỡ đẻ khó Huân chương Lao động hạng Nhất.
Giai đoạn (1989-1993)
Nếu 10 năm đầu xây dựng, Bệnh viện đã trải qua nhiều thách thức khắc nghiệt thì 10 năm tiếp theo lại thêm nhiều yếu tố khó khăn mới, đó là ảnh hưởng của sự sụp đổ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu; sự chuyển đổi cơ chế của nước ta từ nền kinh tế hành chính bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Thời kỳ 1989 - 1993 quả là một giai đoạn đầy sóng gió, cuộc khủng hoảng chính trị trên phạm vi toàn cầu, sự o ép phong toả của các thế lực phản cách mạng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của mỗi người dân, đến cả các Đảng viên cộng sản. Tình hình kinh tế xã hội xuống cấp nghiêm trọng, đạo đức lối sống cũng xuất hiện nhiều tiêu cực. Những vấn đề chung của xã hội đã tác động tiêu cực vào Bệnh viện, nhiều vấn đề không lường hết được: kinh phí khó khăn, Bệnh viện từng bước thực hiện chế độ thu một phần viện phí, sự lẫn lộn trắng đen, sự tiêu cực trong mối quan hệ giữa nhân viên y tế với bệnh nhân. Cũng chính thời kỳ này xuất hiện việc bệnh nhân và gia đình bệnh nhân do phải đóng một phần viện phí nên dễ phản ứng, kiện cáo, bắt đền khi kết quả điều trị có điều bất ưng, hoặc gặp những tình huống rủi ro trong điều trị, phẫu thuật.
Thời kỳ 1994 - 1998 khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đã khởi sắc, đã đạt được những thành tựu kinh tế nhất định, đời sống nhân dân đỡ khó khăn, trật tự xã hội ổn định hơn; thì những mặt trái của cơ chế thị trường đã bộc lộ. Trong Bệnh viện, mối quan hệ bệnh nhân - nhân viên y tế đã xuất hiện yếu tố như sự mua bán sòng phẳng. Chính yếu tố này cũng làm suy giảm y đức của cán bộ, nhân viên y tế. Cũng trong thời kỳ này, mối quan hệ đối ngoại được mở rộng, những thành tựu về y tế của các Bệnh viện bạn, của các nước tiên tiến đã tác động đến chúng ta, thúc giục chúng ta phải làm gì để khỏi tụt hậu về kỹ thuật.
Ban lãnh đạo Bệnh viện thời kỳ này cũng thay đổi: Giáo sư Lê Điềm chuyển công tác về Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Đức Lâm tháng 4/1989 được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện. Đồng chí Nguyễn Công Vinh làm Phó giám đốc Bệnh viện từ năm 1984 thay đồng chí Nguyễn Văn Thư. Năm 1989, Bác sĩ Nguyễn Tân Quang được bổ nhiệm Phó giám đốc chuyên môn.
Bác sĩ Nguyễn Đức Lâm quê tỉnh Quảng Ninh, tốt nghiệp Đại học Y năm 1961. Ra trường được phân công đến công tác tại Bệnh viện khu tự trị Tây Bắc. Ngày 29/12/1975 được điều về khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Năm 1979, ông được đề bạt Phó giám đốc Bệnh viện. Tháng 4/1989, ông được bổ nhiệm là Giám đốc Bệnh viện. Bằng trình độ, năng lực, cùng với kinh nghiệm có được trong những năm là cộng sự gần gũi với Giáo sư Lê Điềm, ông đã cùng với tập thể Đảng uỷ, Ban giám đốc lãnh đạo Bệnh viện trong những năm khó khăn nhất của thời kỳ đầu đổi mới. Đến năm 1996, tại Đại hội Đảng bộ Bệnh viện lần thứ VII, ông được Đảng bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ Bệnh viện. Tại Đại hội này, ông đã đưa ra một định hướng quan trọng, đó là xây dựng Bệnh viện chính qui hoá, hiện đại hoá trên nền tảng y đức. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bệnh viện đã cơ bản xây dựng được nền móng thực hiện kế hoạch xây dựng nâng cấp Bệnh viện chính qui hiện đại, tạo đà phát triển cho những năm tiếp sau.
Phương châm nhất quán của lãnh đạo Bệnh viện được thống nhất trong tập thể lãnh đạo, cũng như quán triệt sâu rộng trong tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện là: Chặn đứng, đẩy lùi sự xuống cấp, từng bước xây dựng nâng cấp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mục tiêu được xác định: Bệnh viện là cơ sở phúc lợi xã hội chứ không phải là cơ sở kinh doanh. Biện pháp thực hiện là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường thu hút bệnh nhân tới khám chữa bệnh, đồng thời nâng cao đời sống cán bộ nhân viên, tạo sự gắn bó của nhân viên với Bệnh viện để từ đó tác động trở lại làm tốt công tác khám chữa bệnh.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, có 3 vấn đề được giải quyết: Nâng cao trình độ cán bộ, chấp hành tốt qui trình công tác chuyên môn, đầu tư trang thiết bị y tế và tăng nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu các hoạt động khám chữa bệnh. Biện pháp giải quyết nguồn tài chính lúc đó ngoài nguồn kinh phí ngân sách cấp, chúng ta đã nắm bát nhạy bén, thực hiện chính sách thu một phần viện phí. Nguồn kinh phí thu từ viện phí đã tăng nhanh, năm 1989 là 113 triệu đồng, đến năm 1993 đã lên 1.100 triệu đồng. Bệnh viện Phụ sản cũng là đơn vị đầu tiên được Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo cùng Sở Tài chính vật giá, Sở Y tế xây dựng chi tiết biểu giá viện phí các dịch vụ khám chữa bệnh. Bệnh viện là đơn vị đầu tiên xây dựng loại hình phục vụ theo yêu cầu, chính điều này giúp cho Bệnh viện tăng đáng kể viện phí. Tiền viện phí đã góp phần quan trọng để giải quyết cho kinh phí hoạt động giường bệnh, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên Bệnh viện và từng bước góp phần nâng cấp Bệnh viện.
Yếu tố quan trọng để nâng cấp Bệnh viện trong thời kỳ này là Bệnh viện được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Dự án cải tạo xây dựng lại Bệnh viện được chính thức phê duyệt tháng 6 năm 1993. Chương trình cải tạo xây dựng Bệnh viện được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là cơ sở cho khu vực các khoa cận lâm sàng; giai đoạn 2 là cơ sở cho khu vực lâm sàng. Việc cải tạo xây dựng bệnh viện được thực hiện đồng thời với việc Bệnh viện vẫn đang duy trì đảm bảo công tác khám chữa bệnh, trong khi bệnh nhân vẫn tăng lên. Chính điều này cũng tạo ra khó khăn không nhỏ do diện tích mặt bằng Bệnh viện hạn chế, môi trường xây dựng làm ô nhiễm môi trường điều trị của Bệnh viện. Về trang thiết bị, Bệnh viện được đầu tư dự án ODA của Cộng hoà Pháp, nhà mới xây xong chúng ta có ngay thiết bị mới được lắp đặt và vận hành. Bộ mặt Bệnh viện cho đến năm 1998 đã đổi thay rất nhiều.
Công tác tổ chức và cán bộ đã được kiện toàn và có nhiều thay đổi và chất lượng cán bộ. Trong thời gian 1989 - 1998, Bệnh viện được tăng thêm 100 giường bệnh, do vậy biên chế Bệnh viện đến năm 1998 được giao chính thức 415 biên chế. Bệnh viện đã sắp xếp mô hình tổ chức bệnh viện hoàn chỉnh theo quy chế bệnh viện cho Bệnh viện chuyên khoa hạng II: có 6 phòng chức năng, 8 khoa cận lâm sàng và 11 khoa lâm sàng. Công tác đào tạo cán bộ để nâng cao trình độ được quan tâm thích đáng, với 3 hình thức đào tạo: tại chỗ, học tập trung, học bổ túc nghiệp vụ chuyên sâu. Thường xuyên Bệnh viện có từ 10 - 15% số biên chế được đi học. Ngoài học chuyên môn còn học chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ. Công tác đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cũng được duy trì đều đặn, nhiều đối tượng từ bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên xét nghiệm, dược tá được tổ chức thành các đợt học tập, nội dung học bao gồm về y đức, quy trình qui tắc chế độ công tác chuyên môn và chuyên môn kỹ thuật. Việc nâng cao trình độ cán bộ đã giúp cho Bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế mới và bước đầu thực hiện các kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại. Cũng từ việc học tập thường xuyên chế độ công tác chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, bình bệnh án mà việc chấp hành qui chế chế độ công tác chuyên môn Bệnh viện ngày càng tốt hơn, chất lượng hồ sơ bệnh án được nâng cao rõ rệt.
Hoạt động đối ngoại trong thời kỳ này được tăng cường đem lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển của Bệnh viện. Đối với các đơn vị trong ngành, không chỉ lãnh đạo Bệnh viện mà nhiều đối tượng cán bộ các phòng chức năng, khoa lâm sàng đều tổ chức thăm quan học tập. Chính điều này đã góp phần nâng cao nhận thức, nắm bắt được xu hướng phát triển, tạo động lực phấn đấu của mỗi cá nhân. Bệnh viện cũng tạo được sự ủng hộ giúp đỡ của các Bệnh viện cùng chuyên ngành, các cơ quan Trung ương, các ban ngành hữu quan của thành phố; chúng ta tạo ra được nguồn lực ủng hộ cả vật chất và tinh thần từ bên ngoài. Hoạt động đối ngoại quốc tế cũng thực hiện được trong khuôn khổ hợp tác quốc tế quỹ ODA của Cộng hoà Pháp, tổ chức Appel, tổ chức Sida Thuỵ Điển. Sự hợp tác quốc tế đã giải quyết nhiều trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Kết quả hoạt động chuyên môn của giai đoạn 1989 - 1998 so với giai đoạn 1978 - 1988 có được thành tựu đáng tự hào. Hoạt động giường bệnh tăng từ 250 giường lên 350 giường. Số khám bệnh tăng 200%, bệnh nhân nội trú tăng 4 lần, sản phụ đẻ tăng 130%, tổng số xét nghiệm tăng gấp 3 lần, siêu âm Xquang tăng 4 lần, phẫu thuật loại I, II tăng gấp 3 lần. Về một số chỉ số chất lượng như tử vong mẹ từ 31%o giảm còn 11%o, các tai biến sản khoa cũng giảm rõ rệt, tai biến uốn ván sơ sinh không còn xẩy ra ở Bệnh viện. Những số liệu cơ bản trên đây đã nói lên sự phát triển và trưởng thành của Bệnh viện.
Ghi nhận thành tích công tác của Bệnh viện ở giai đoạn này, chúng ta chưa có những tấm Huân chương cho tập thể cũng như cá nhân cán bộ nhân viên Bệnh viện. Nhưng cái tên Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã trở nên thân thuộc trong lòng người dân thành phố, đã trở thành địa chỉ tin cậy cho chị em phụ nữ khi sinh đẻ hoặc lúc ốm đau. Người bệnh vào Bệnh viện, khi ra viện đều có những so sánh với bệnh viện khác họ đã tới điều trị hoặc đã biết; thật đáng mừng sự so sánh ấy là họ nhận thấy ở Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng một sự tin tưởng, thân thương, gần gũi.
Giai đoạn (1994-2013)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước ta bước vào thời kỳ mới: thời kỳ mở cửa và hội nhập; nền kinh tế nước ta ngày càng phục hồi và phát triển; mở cửa hội nhập tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.
Cũng như các ngành Kinh tế, Văn hoá, Khoa học kỹ thuật ... ngành Y tế có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, tiếp cận với những nước có nền Y học tiến tiến trong khu vực và trên thế giới
Mở cửa hội nhập cùng với sự vận hành của nền kinh tế thị trường thúc đẩy xã hội phát triển, đời sống vật chất xã hội được cải thiện và nâng cao; nhưng cùng với nó, nền kinh tế thị trường cũng nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma tuý, mại dâm ... và đặc biệt là sự tha hóa về đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ công chức, kể cả cán bộ công chức ngành Y tế, Giáo dục, một trong những ngành luôn được xã hội tôn vinh.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã bước qua tuổi 20, bước đầu ổn định và phát triển; là một Bệnh viện chuyên ngành Sản phụ khoa của một thành phố lớn, Bệnh viện không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân thành phố Hải Phòng mà còn có ý nghĩa khu vực với một số tỉnh miền Duyên hải. Vì vậy, xây dựng Bệnh viện ngày một phát triển, lớn mạnh không chỉ là mong muốn của các cấp lãnh đạo, mà còn là yêu cầu bức xúc của chị em phụ nữ và nhân dân thành phố. Đó là yêu cầu tất yếu, khách quan. Tuy nhiên, trước bối cảnh xã hội có nhiều biến động, cơ sở vật chất trang thiết bị của Bệnh viện còn nghèo nàn, lạc hậu, kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động của Bệnh viện còn eo hẹp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, tác phong làm việc còn nặng tính quan liêu, bao cấp; tinh thần thái độ phục vụ người bệnh còn có biểu hiện hách dịch, ban ơn ... từ thực tế đó Đảng uỷ, Ban giám đốc bệnh viện luôn trăn trở, lo toan, tính toán; nhiều phương án kế hoạch phát triển Bệnh viện đã được lập ra, để chọn cho được phương án tối ưu nhất.
Ban lãnh đạo Bệnh viện thời kỳ này đã kiện toàn, Giám đốc bệnh viện là BsCKII Đoàn Thị Bích Ngọc; Phó giám đốc bệnh viện là các đồng chí: BsCKII Lê Hồng Danh phụ trách công tác chuyên môn; Ds,Ks Phạm Thiện Hoạch phụ trách hậu cần. Các đồng chí lãnh đạo bệnh viện đều là cán bộ trẻ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, hết lòng xây dựng Bệnh viện…
Sau 2 năm nghiên cứu, thực nghiệm, tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, đến năm 1998, tại Đại hội Đảng bộ Bệnh viện lần thứ VIII, bằng sự thống nhất, cao Đảng bộ Bệnh viện đã thông qua một nghị quyết quan trọng cho sự phát triển của Bệnh viện, với các nội dung cơ bản:
- Đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu công tác khám chữa bệnh được UBND Thành phố và Sở Y tế giao.
- Kiện toàn tổ chức, qui hoạch, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ tài, đủ đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực quản lý tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
- Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh; tinh thần thái độ phục vụ người bệnh.
- Xây dựng lề lối làm việc; xây dựng văn hoá ứng xử trong giao tiếp.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại; đặc biệt chú trọng đào tạo sau đại học và đào tạo các chuyên khoa sâu.
- Tổ chức NCKH, ứng dụng các kỹ thuật y học mới, tiên tiến.
- Chống xuống cấp và từng bước nâng cấp Bệnh viện; khai thác và sử dụng những trang thiết bị sẵn có với năng xuất và hiệu quả cao nhất.
- Phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài, phát triển nhanh qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại.
- Mở rộng quan hệ hợp tác Quốc tế.
Toàn bộ nội dung trên được rút, cô đọng lại thành khẩu hiệu hành động: " Xây dựng Bệnh viện chính qui hoá - hiện đại hoá trên nền tảng Y đức ". Đó chính là hướng đi, là mục tiêu phát triển của Bệnh viện trong thời kỳ mới.
Tổng kết 5 năm xây dựng Bệnh viện chính qui hoá - hiện đại hoá trên nền tảng Y đức đó là công sức, trí tuệ của cả tập thể Đảng bộ, Ban giám đốc, cán bộ công chức Bệnh viện. Có được thành công đó là nhờ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng uỷ, Ban giám đốc, tập thể cán bộ công chức, sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Đảng uỷ, Ban giám đốc đã nhận thấy yếu tố then chốt trong công cuộc xây dựng Bệnh viện chính qui, hiện đại là con người. Muốn xây dựng Bệnh viện chính qui, hiện đại phải có con người có tri thức, có tư duy "hiện đại", có tác phong làm việc chính qui... Vì vậy, Đảng uỷ, Ban giám đốc bệnh viện luôn quan tâm đến công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, củng cố các khoa phòng; bồi dưỡng trình độ chuyên môn, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ; xây dựng tác phong, lề lối làm việc chính qui, hiện đại.
Song song với việc kiện toàn bộ máy, củng cố khoa phòng và nâng cao trình độ cán bộ là việc đẩy mạnh quá trình nâng cấp cở sở hạ tầng; tranh thủ sự ủng hộ từ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước, đầu tư mua sắm trang thiết bị mới, hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút bệnh nhân đến với bệnh viện.
Việc tạo môi trường công tác thuận lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công chức để mọi người yên tâm công tác, cống hiến cho Bệnh viện là một trong những nội dung được đặt lên hàng đầu. Bằng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ; thực hành tiết kiệm trong các hoạt động, trong mọi chi phí, hằng tháng cán bộ công chức Bệnh viện đều nhận được một khoản tiền thưởng nhất định bằng 50% tiền lương hằng tháng.
Bằng tâm huyết, trí tuệ, năng lực, sự nhiệt tình, cùng với các Nghị quyết, quyết định đúng đắn Đảng uỷ, Ban giám đốc đã "chèo lái con thuyền Bệnh viện" vượt qua khó khăn, thử thách, vững vàng tiến lên chính qui, hiện đại; đưa Bệnh viện lên một tầm cao mới, xứng đáng là Bệnh viện chuyên khoa hàng đầu của Thành phố và các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ, bằng các thành tích rất đáng tự hào, đó là:
- Vừa đảm bảo nhiệm vụ khám chữa bệnh, vừa xây dựng nâng cấp Bệnh viện. Đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu khám chữa bệnh, có nhiều chỉ tiêu kế hoạch đạt cao hơn những kế hoạch năm 1991 - 1995, giảm đáng kể tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, giảm 5 tai biến sản khoa.
Phát triển và ứng dụng có hiệu quả nhiều lĩnh vực kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến hiện đại như: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật và điều trị ung thư phụ khoa, phẫu thuật cắt tử cung đường dưới, kỹ thuật sinh sản hỗ trợ, điều trị chăm sóc sơ sinh non tháng, ứng dụng tiến bộ sản khoa điều trị, ứng dụng siêu âm phục vụ khám chữa bệnh, quy trình tiệt khuẩn tập trung liên hoàn.
- Hoàn thành giai đoạn hai nâng cấp cơ sở hạ tầng; xây dựng mới toàn bộ khu vực cận lâm sàng, khu điều trị phục vụ yêu cầu, khu nhà 4 tầng cho các khoa lâm sàng, hoàn thành hệ thống giao thông nội bộ, sân trước khu điều trị 4 tầng.
Bệnh viện thực hiện hiện đại hoá nhiều trang thiết bị y tế cho khu vực cận lâm sàng và lâm sàng: Máy siêu âm mầu không gian 3 chiều, Xquang chụp vú, máy phân tích Eliza, máy tự động phân tích tế bào máu, thiết bị rửa và bảo quản tinh trùng, máy chụp XQ tổng hợp, máy đo độ loãng xương, thiết bị tiệt khuẩn, máy theo dõi bệnh nhân, máy theo dõi chuyển dạ đẻ...
- Nâng cao trình độ cán bộ: Công tác đào tạo cán bộ luôn được chú trọng, thường xuyên có trên 30 cán bộ được cử đi đào tạo trong và ngoài nước hằng năm: Nghiên cứu sinh, chuyên khoa cấp II, cấp I, thực tập sinh và đào tạo bổ túc chuyên sâu, đặc biệt đối tượng Y tá, Nữ hộ sinh được cử đi đào tạo cử nhân điều dưỡng.
- Công tác chỉ đạo chuyên khoa được duy trì thường xuyên với những nội dung thiết thực:
+ Hằng năm có hàng trăm lần bệnh viện cử đội phẫu thuật cấp cứu ngoại viện đi tăng cường cho các khoa sản tuyến 3, thậm chí tới tận y tế xã, tới tận gia đình bệnh nhân.
+ Duy trì giao ban tuyến, thông báo tai biến chuyên môn.
+ Đào tạo lại cho cán bộ cơ sở.
- Nâng cao Y đức, cán bộ viên chức bệnh viện đã thực hiện tốt văn hoá giao tiếp ứng xử trong công tác khám chữa bệnh, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người dân thành phố. Những tấm gương, những cử chỉ dịu hiền, nhân hậu của các thầy thuốc, điều dưỡng viên đã tiếp thêm sức khoẻ, niềm tin cho sản phụ, bệnh nhân lúc ốm đau, vượt cạn.
- Công tác quản lý kinh tế được nâng cao một bước, hệ thống quản lý tài chính được hiện đại hoá. Quản lý viện phí, quản lý ngân sách được ứng dụng xử lý tin học. Đội ngũ quản lý cán bộ khoa phòng được nâng cao, họ đã làm tốt việc quản lý và thực hành tiết kiệm từ những công việc cụ thể hàng ngày.
- Hoạt động đối ngoại được mở rộng; Bệnh viện đã thực hiện hiệu quả chương trình ODA của Cộng hoà Pháp; mở rộng cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài.
Quan hệ tốt với các Bệnh viện chuyên khoa Phụ sản bạn, gửi cán bộ đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực đơn vị bạn đã thực hiện tốt.
- Công tác chính trị tư tưởng: Bệnh viện đã quan tâm và thường xuyên thực hiện công tác giáo dục bồi dưỡng tư tưởng cho cán bộ công chức. Tình hình nội bộ cơ quan về cơ bản được ổn định, Đảng bộ Bệnh viện thực sự là hạt nhân lãnh đạo cơ quan thực hiện nhiệm vụ của Bệnh viện, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Y tế. Các tổ chức đoàn thể quần chúng được đề cao vai trò trong hệ thống chính trị, tích cực tham gia vận động đoàn viên thực hiện công tác Chính quyền, xây dựng mối đoàn kết, tương thân tương ái... thể hiện sự tốt đẹp của xã hội.
- Tổ chức và duy trì phong trào thi đua giữa các khoa phòng và các cá nhân trong cơ quan. Từ đầu năm xây dựng nội dung thi đua, phát động thi đua nhân ngày truyền thống của ngành. Các khoa phòng ký kết giao ước thi đua. Phong trào thi đua thực sự đem lại sức mạnh của tập thể, lôi cuốn mọi người thực hiện nhiệm vụ cơ quan. Phong trào thi đua đã trở thành động lực của phong trào trong Bệnh viện.
Kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Thành phố và ngành Y tế. Những phần thưởng cao quý đó là sự khẳng định thành quả lao động và những đóng góp lớn lao của tập thể cán bộ viên chức bệnh viện vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân Thành phố và các tỉnh Miền Duyên hải Bắc bộ.
Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong cả quá trình 25 năm xây dựng và phát triển, giai đoạn 5 năm tiếp theo (2003 – 2008) của Bệnh viện có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn.
Lãnh đạo bệnh viện với ba đồng chí trong Ban giám đốc: BsCKII Đoàn Thị Bích Ngọc, BsCKII Lê Hồng Danh và Ds, KsKT Phạm Thiện Hoạch đều là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sản – Phụ khoa; có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác quản lý hành chính, kinh tế. Năm 2003, Ban giám đốc bệnh viện được Thành phố, Sở Y tế bổ sung thêm một đồng chí Phó giám đốc chuyên môn. Đó là BsCKII Đỗ Thị Thu Thuỷ, trẻ trung, năng động, cũng là người có trình độ chuyên môn vững vàng, đã được thử thách, trải nghiệm qua hầu hết các khoa lâm sàng và có kinh nghiệm quản lý nhiều năm ở cấp khoa. Ban giám đốc, thời kỳ này có sự kết hợp giữa các cán bộ lãnh đạo cũ có nhiều kinh nghiệm với cán bộ lãnh đạo mới trẻ trung, năng động, đã hình thành nên một “E kíp” lãnh đạo đầy “niềm tin” đối với tập thể CBVC bệnh viện.
Bs Đoàn Thị Bích Ngọc, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện sau 5 năm công tác (1998 – 2003), trên cương vị của mình đã tập hợp được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng uỷ, Ban Giám đốc và tập thể CBVC bệnh viện; Bệnh viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Thành phố và ngành Y tế giao; khẳng định được vị thế của một trung tâm Sản – Phụ khoa hàng đầu khu vực Duyên hải Bắc bộ. Bs Đoàn Thị Bích Ngọc tiếp tục được Thành phố và Sở Y tế bổ nhiệm lại làm Giám đốc bệnh viện và được Đảng bộ bệnh viện bầu làm Bí thư Đảng uỷ nhiệm kỳ tiếp theo.
Toàn bộ hoạt động của Bệnh viện đã đi vào nề nếp. Cơ cấu tổ chức các khoa, phòng đã ổn định. Thời kỳ này, Bệnh viện có 26 khoa, phòng, bao gồm: 6 phòng chức năng (Kế hoạch tổng hợp, Tổ chức cán bộ, Hành chính quản trị, Tài chính kế toán, Y tá Điều dưỡng, Vật tư thiết bị y tế), 8 khoa cận lâm sàng (Giải phẫu bệnh, Huyết học, Vi sinh, Hoá sinh, Chẩn đoán hình ảnh, Dược, Chống nhiễm khuẩn, Dinh dưỡng) và 12 khoa lâm sàng (Khám bệnh, Khám yêu cầu, Kế hoạch hoá gia đình, Sơ sinh, Sản A, Sản bệnh, Sản B, Phụ nội, Phụ ngoại, Phụ yêu cầu, Hiếm muộn, Gây mê hồi sức). Đội ngũ cán bộ quản lý các khoa, phòng đều có trình độ sau đại học, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm trong công tác quản lý. Họ thực sự là những “cánh tay nối dài” của Ban giám đốc, giúp Ban giám đốc triển khai, thực hiện các quyết định quản lý một cách chính xác, hiệu quả.
Thực hiện chiến lược đầu tư cho con người, Bệnh viện đã có nhiều biện pháp đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích, động viên cán bộ viên chức đi học dài hạn, ngắn hạn, chuyên sâu ở các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu trong nước và các nước trong khu vực. Giờ đây, đã đến ngày “hái quả”, đội ngũ cán bộ viên chức đi học trở về đã vận dụng những kiến thức về các kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào công việc một cách sáng tạo, hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn bệnh viện được nâng cao rõ rệt. Đến thời điểm này, bệnh viện đã có: Tiến sĩ: 01, BsCKII: 08,Thạc sĩ Y: 12, Thạc sĩ Dược: 01, BsCKI: 54, CN ĐD: 12... Nhiều kỹ thuật chuyên môn tiên tiến, hiện đại được triển khai nghiên cứu, ứng dụng tại bệnh viện sau thời gian thử nghiệm đến nay đã được công nhận và khẳng định là những mũi nhọn kỹ thuật, tạo nên uy tín và vị thế của Bệnh viện trong chuyên ngành Sản – Phụ khoa khu vực Duyên hải Bắc bộ và trên toàn quốc, thu hút thêm bệnh nhân ngoại tỉnh đến với bệnh viện như các kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản, Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật cắt tử cung đường dưới, phẫu thuật và hoá trị liệu trong điều trị ung thư sinh dục, thực hiện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ; điều trị chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng; phá thai bằng thuốc… Khối cận lâm sàng cũng phát triển mạnh mẽ, với việc triển khai được thêm nhiều kỹ thuật cao cấp như: cắt lạnh chẩn đoán, định lượng nội tiết, nuôi cấy vi khuẩn, phân tích máu, xét nghiệm sàng lọc, siêu âm chẩn đoán... giúp cho các khoa lâm sàng chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân đạt chất lượng cao hơn.
Về cơ sở vật chất, khu nhà điều trị 4 tầng, và khu nhà Hành chính 3 tầng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Bệnh viện trở nên khang trang, sạch đẹp.
Ở giai đoạn này Bệnh viện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, tồn tại. Mặt trái của cơ chế thị trường ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, làm suy thoái tư cách, đạo đức của một bộ phận cán bộ viên chức. Họ không còn giữ được Y đức, lời thề Hyppocrat, thương mại hoá nghề nghiệp, vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, một số không quan tâm đào tạo cho đội ngũ kế cận. Làn sóng toàn cầu hoá, sự giao lưu văn hoá Đông – Tây và các thay đổi về tư tưởng trong đời sống xã hội là những tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ viên chức bệnh viện, đặc biệt là với lớp cán bộ viên chức trẻ, thế hệ 7X, 8X.
Những thay đổi về chính sách của Nhà nước, tác động đến việc xác định mục tiêu hoạt động của bệnh viện. Khi Nhà nước còn bao cấp toàn bộ, kinh phí cho mọi hoạt động của bệnh viện là do Nhà nước cấp, bệnh viện sẽ chỉ thực hiện một mục tiêu duy nhất, đó là mục tiêu xã hội: chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Nhưng khi mà kinh phí Nhà nước cấp cho bệnh viện không thể đủ trang trải cho các hoạt động, bệnh viện phải tự đảm bảo phần còn lại và thêm phần chăm lo đời sống cán bộ viên chức, thì khi đó, bệnh viện buộc phải đảm bảo thực hiện tốt hai mục tiêu cùng lúc: xã hội – kinh tế. Đó là thách thức không nhỏ cho các đơn vị sự nghiệp có thu trong bối cảnh chính sách xã hội luôn thay đổi.
Nguồn tài chính có được để duy trì các hoạt động của Bệnh viện và nâng cao đời sống cán bộ viên chức phần lớn là từ các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Với điều kiện xã hội hiện tại, rất nhiều người dân sẵn sàng trả phí cao để nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ theo yêu cầu, nhưng Bệnh viện không có điều kiện để tận dụng cơ hội này. Vì, diện tích mặt bằng của Bệnh viện quá chật hẹp (khoảng 8.000m2), sẽ rất khó có thể phát triển thêm được các phòng bệnh, chứ chưa nói đến việc phát triển các khu vực khám chữa bệnh yêu cầu riêng biệt. Bên cạnh đó Bệnh viện không được cấp đủ vốn để cải tạo cơ sở vật chất và mua máy móc thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh, trong khi những máy móc thiết bị có được từ nguồn vốn ODA từ những năm 1998 – 1999 đã dần trở thành lạc hậu và xuống cấp.
Phát huy những thế mạnh và thuận lợi, hạn chế và khắc phục những khó khăn, tồn tại để tiếp tục xây dựng bệnh viện phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Thành phố và Sở Y tế giao là quyết tâm của Đảng uỷ, Ban Giám đốc và tập thể cán bộ viên chức toàn bệnh viện. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng uỷ, Ban giám đốc cùng với lòng quyết tâm, sự hăng say, nhiệt tình của tập thể cán bộ viên chức bệnh viện đã làm nên những thành công lớn trong giai đoạn xây dựng và phát triển của Bệnh viện từ năm 2003 đến năm 2008.
Ngày 16 tháng 6 năm 2004 Bệnh viện được Thành phố xếp nâng hạng từ Bệnh viện chuyên khoa hạng II lên Bệnh viện chuyên khoa hạng I. Đây là mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của bệnh viện, nâng bệnh viện lên một tầm cao mới, đánh dấu một bước tiến mới của Bệnh viện cả về “lượng” và về “chất”. Để đạt được kết quả này, suốt từ những năm cuối của thế kỷ 20, Bệnh viện đã âm thầm chuẩn bị, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến chuyên môn, kỹ thuật và đặc biệt là con người. Bệnh viện đã chắt chiu, tiết kiệm từng đồng để động viên, khuyến khích cán bộ viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý, Tin học, ngoại ngữ... Không chỉ chuẩn bị về cơ sở vật chất và con người, bệnh viện còn có nhiều sự chuẩn bị khác để đáp ứng các chỉ tiêu của Bệnh viện chuyên khoa hạng I như: tổ chức bộ máy, chỉ tiêu giường bệnh, đề tài nghiên cứu khoa học, các kỹ thuật cao đang thực hiện, công tác chỉ đạo chuyên khoa... Căn cứ vào đề nghị của Bệnh viện, ngày 05 tháng 02 năm 2004, Sở Y tế Hải Phòng ra quyết định số 02/QĐ - TC về việc thành lập khoa Sản khó và Hậu sản. Tiếp đến ngày 15 tháng 3 năm 2004, Bệnh viện có quyết định số 105/QĐ-TCCB về việc kiện toàn tổ chức các khoa sản. Theo đó, Bệnh viện có 4 khoa sản:
Khoa Sản 1 (Khoa Đỡ đẻ): Có chức năng nhiệm vụ: Theo dõi chuyển dạ đẻ, đỡ đẻ, theo dõi sau đẻ 6 giờ sản phụ đẻ không có nhu cầu phục vụ theo yêu cầu.
Khoa Sản 2 (Khoa Sản khó và Hậu sản): Tiếp nhận điều trị sản phụ sau đẻ không bệnh lý, sản phụ chưa chuyển dạ không bệnh lý nhưng có yếu tố nguy cơ cao về sản khoa (đẻ khó).
Khoa Sản 3 (Khoa sản bệnh): Tiếp nhận điều trị sản phụ sau đẻ có bệnh lý (bệnh lý sản khoa, nội ngoại khoa, truyền nhiễm) và sản phụ tiền sản bệnh lý, tiền sản yêu cầu.
Khoa Sản yêu cầu: Theo dõi chuyển dạ đẻ, đỡ đẻ và điều trị hậu sản yêu cầu.
Việc chia tách thành nhiều khoa sản là cơ sở để các khoa phát triển chuyên sâu hơn về các kỹ thuật được giao, là cơ sở để xây dựng chuyên môn hoá, hiện đại hoá từng lĩnh vực trong công tác chuyên môn bệnh viện.
Cuối năm 2005, bệnh viện tiếp tục đề nghị Sở Y tế Hải Phòng cho tách khoa Sản yêu cầu thành khoa Sản 4 và Sản 5. Như chúng ta đã biết, Khoa Sản yêu cầu của Bệnh viện được thành lập từ năm 2001; sau 4 năm hoạt động, nhu cầu sinh đẻ và chăm sóc sau sinh phục vụ theo yêu cầu của nhân dân thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận ngày càng tăng. Số lượng sản phụ đăng ký đẻ tại phòng đẻ phục vụ yêu cầu trong thời gian đầu chỉ chiếm khoảng 25 - 30% tổng số sản phụ đẻ tại Bệnh viện. Đến năm 2005 số sản phụ đẻ tại phòng đẻ yêu cầu tăng lên gần 50% số ca đẻ tại Bệnh viện (4500 ca năm 2004 và 3700 ca trong 10 tháng năm 2005).
Do công tác quản lý thai nghén thực hiện tốt, ngày càng nhiều sản phụ có nhu cầu được chăm sóc theo dõi trước sinh, phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ cao cho mẹ và con, phòng ngừa tai biến sản khoa. Nhu cầu khách quan về quy mô tổ chức hiện tại của khoa Sản yêu cầu hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tự nguyện cho các đối tượng sản phụ đến sinh đẻ tại bệnh viện.
Vì vậy, ngày 31 tháng 10 năm 2005 và ngày 07 tháng 11 năm 2005 Sở Y tế cho phép Bệnh viện tách khoa Sản yêu cầu thành hai khoa: Khoa Sản 4 và khoa Sản 5. Khoa sản 4 có nhiệm vụ theo dõi, đỡ đẻ các sản phụ tự nguyện sinh đẻ phục vụ yêu cầu. Khoa sản 5 là khoa Điều trị chăm sóc sản phụ trước đẻ và sau đẻ tự nguyện.
Như vậy, sau khi tổ chức lại bộ máy, toàn bệnh viện có 28 khoa phòng, gồm: 6 phòng chức năng, 8 khoa cận lâm sàng và 14 khoa lâm sàng (thêm 02 khoa lâm sàng). Chỉ tiêu giường bệnh của bệnh viện cũng đã được tăng từ 350 giường (năm 2003) lên 380 giường (năm 2005). Đến cuối năm 2007, để thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của bệnh viện chuyên khoa hàng I và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn về công tác chỉ đạo tuyến đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện. Bệnh viện đã tách nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học khỏi phòng Kế hoạch tổng hợp và thành lập nên phòng Chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban giám đốc và người đứng đầu là bác sĩ Đoàn Thị Bích Ngọc, Bệnh viện đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong giai đoạn 5 năm (2003 – 2007) vừa qua. Trong những thành tựu đó, chúng ta không thể không nhắc tới hai lĩnh vực quan trọng: công tác đào tạo cán bộ và công tác nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến, hiện đại thuộc chuyên ngành sản phụ khoa.
Về công tác đào tạo cán bộ, Bệnh viện đã động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ viên chức đi học. Từ đó, phong trào học tập phát triển mạnh mẽ. Bệnh viện thường xuyên cử trên 10% cán bộ viên chức đi học các lớp ngắn hạn, dài hạn, chuyên sâu tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và cả nước ngoài. Trong 5 năm, Bệnh viện đã cử 415 lượt cán bộ đi học, trong đó có: Tiến sĩ 02, BsCKII 14, Thạc sĩ 9, BsCKI 17, bác sĩ nội trú tại Cộng hoà Pháp 03, Cử nhân đại học, cao đẳng (Điều dưỡng, Nữ hộ sinh, GMHS, Xét nghiệm) 55, các đại học khác (Luật, Hành chính, Kinh tế, Tài chính, Điện điển tử...) 15. Ngoài việc cử cán bộ đi đào tạo, Bệnh viện còn tích cực tổ chức các lớp đào tạo và đào tạo lại tại bệnh viện nhằm củng cố kiến thức, cập nhật những thông tin y học mới, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng điều trị.
Về nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác khám chữa bệnh, một số kỹ thuật mới: hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật nội soi, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng... đã được triển khai nghiên cứu, ứng dụng tại bệnh viện. Trước tiên là phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi trong sản phụ khoa được Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu ứng dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vào những năm cuối của Thế kỷ 20, Bệnh viện đã cử cán bộ vào Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để nghiên cứu học tập phẫu thuật nội soi. Cũng trong những năm đó, Bệnh viện tiếp nhận trang thiết bị viện trợ từ chương trình ODA và bắt đầu đưa nôi soi vào ứng dụng với các kỹ thuật trong điều trị chửa ngoài tử cung, khối u phần phụ, lạc nội mạc tử cung, vô sinh, u xơ tử cung nhỏ, lấy vòng trong ổ bụng, triệt sản, cắt tử cung... các Bác sĩ đi tiên phong trong lĩnh vực này là Bs Đoàn Thị Bích Ngọc, Bs Nguyễn Thị Lan, Bs Vũ Văn Chỉnh, Bs Nguyễn Văn Học... Về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, Hải Phòng là thành phố công nghiệp có dân số gần 1,8 triệu người, trong đó có hơn 300.000 số cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Với tỷ lệ vô sinh khoảng 13%, ước tính sẽ có trên 40 ngàn cặp vợ chồng cần can thiệp điều trị. Chỉ cần 1% trong số ngày phải thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì mỗi năm cũng phải tiến hành 800 chu kỳ điều trị. Con số này cho thấy, nhu cầu điều trị vô sinh nói chung và áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nói riêng của nhân dân Thành phố là không nhỏ.
Từ những thực tế nêu trên, việc triển khai áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại thành phố Hải Phòng là việc làm rất cần thiết, mang tính nhân văn và xã hội cao; đó cũng là dự định ấp ủ nhiều năm nay của Bệnh viện và cũng là mong muốn của lãnh đạo Thành phố và ngành Y tế Hải Phòng. Là Bệnh viện chuyên khoa hạng I, với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tương đối hiện đại từ nguồn vốn ODA, có đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản đã có rất nhiều cố gắng trong việc triển khai các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: phẫu thuật nội soi, điều trị nội khoa, lọc rửa và bơm tinh trùng vào buồng tử cung… và đã đạt được một số thành công nhất định để tạo tiền đề cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sau này.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị vô sinh, năm 2001, bệnh viện được Sở Y tế đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích gần 500m2, gồm 12 phòng làm việc. Năm 2002, khoa Hỗ trợ sinh sản được thành lập. Năm 2003, Bệnh viện đựơc thành phố phê duyệt dự án mua sắm trang thiết bị cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bằng nguồn vốn vay là 4 tỷ đồng và Thành phố cấp kinh phí trên 4 tỷ. Với nguồn vốn này, khoa Hỗ trợ sinh sản đã có cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp với các phòng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, hệ thống trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ hiện đại. Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo suốt 5 năm qua tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Cộng hoà Pháp, Ấn Độ đã vững vàng chuyên môn, kỹ thuật.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương là trung tâm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có đội ngũ thầy thuốc giầu kinh nghiệm và kỹ năng thao tác thành thạo các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Để chắc chắn cho sự thành công và tạo niềm tin cho người bệnh ngay từ những ca đầu, tháng 6 năm 2005, Bệnh viện đã mời Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng ê kíp các bác sĩ, kỹ thuật viên của Viện xuống chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Hỗ trợ sinh sản. Ngày 30/7/2005 bốn bệnh nhân đầu tiên đã được chọc hút noãn và chuyển phôi thành công.
Từ 7/2006, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được triển khai độc lập tại Hải Phòng. Bên cạnh việc đưa kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trở thành kỹ thuật thường quy trong điều trị vô sinh, các bác sĩ bệnh viện đã nắm bắt và thành công trong kỹ thuật giảm thai, điều trị quá kích buồng trứng nặng, kỹ thuật trữ lạnh tinh trùng, trữ lạnh phôi, nhằm mang lại nhiều hơn nữa cơ hội được làm mẹ cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Đến tháng 11 năm 2007, cháu bé đầu tiên sau chuyển phôi đông lạnh đã chào đời hoàn toàn khoẻ mạnh.
Tính đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được 151 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, đã sinh 28 cháu an toàn khỏe mạnh, trong đó có 1 cháu được sinh sau chuyển phôi đông lạnh.
Ngoài hai kỹ thuật tiêu biểu trên, Bệnh viện còn thành công trong ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại khác của cả lâm sàng và cận lâm sàng: Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, điều trị ung thư bằng hoá chất, phá thai an toàn, xét nghiệm các yếu tố đông máu, xét nghiệm sàng lọc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, siêu âm chẩn đoán hình ảnh lập thể 3 chiều, 4 chiều, Doplles mầu...
Giai đoạn qua, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình xuất sắc, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển bệnh viện, như các tập thể: khoa Sản 1, Sơ sinh, Phụ yêu cầu, Hỗ trợ sinh sản, Dược, Giải phẫu bệnh... và các cá nhân: Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Đoàn Thị Bích Ngọc, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện, người khởi xướng, động viên, khích lệ phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật Y học mới, tiên tiến, hiện đại. Trong khoảng 10 năm trên cương vị Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Đoàn Thị Bích Ngọc đã cùng với Đảng uỷ, Ban giám đốc lãnh đạo bệnh viện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đưa bệnh viện từ Bệnh viện chuyên khoa hạng II lên Bệnh viện chuyên khoa hạng I, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác của Thành uỷ, UBND thành phố Hải Phòng, Bộ Y tế, Sở Y tế. Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Đỗ Thị Thu Thuỷ, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện, người hết lòng vì người bệnh, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không ngại khó khăn, gian khổ, dù đang trên cương vị Trưởng khoa vẫn quyết tâm đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, với mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Học tập trở về, bác sĩ Đỗ Thị Thu Thuỷ là cộng sự đắc lực cho bác sĩ Đoàn Thị Bích Ngọc trong giai đoạn 2003 đến 2007. Tháng 10 năm 2007, bác sĩ Đỗ Thị Thu Thuỷ đã được tập thể cán bộ viên chức bệnh viện tin tưởng, giới thiệu với Sở Y tế, Thành phố bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện. Ngày 22 tháng 2 năm 2008, bác sĩ Đỗ Thị Thu Thuỷ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Học, Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Phụ yêu cầu, người rất say mê học tập và nghiên cứu khoa học. Trong 5 năm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Học đã có ba công trình khoa học được Thành phố công nhận, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Ba bằng lao động sáng tạo, và được Thành phố bình chọn là một trong 10 nhà khoa học tiêu biểu của Thành phố năm 2003, là đại biểu chính thức tham dự đại hội thi đua yêu nước do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức năm 2005 và Hội nghị tổng kết lao động sáng tạo 10 năm do Tổng liên đoàn Lao độngViệt Nam tổ chức năm 2006 tại Hà Nội. Bác sĩ Đỗ Thị Hải, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, suốt gần 10 năm qua đã không ngừng học tập, nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Một trong 10 “bông Phượng đỏ” tiêu biểu của Thành phố năm 2007. Ds Phạm Thiện Hoạch, Phó giám đốc phụ trách công tác hậu cần, chăm chỉ, cần mẫn “như con ong góp mật cho đời”, trong suốt giai đoạn qua đã tham mưu, giúp việc cho Giám đốc bệnh viện trong lĩnh vực quản lý kinh tế, đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của bệnh viện và nâng cao đời sống cán bộ viên chức; đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... Dù công việc bề bộn vẫn cố gắng dành thời gian học tập nâng cao trình độ. Tháng 12 năm 2007, Ds Phạm Thiện Hoạch đã tốt nghiệp chương trình Dược sĩ chuyên khoa II, chuyên ngành Quản lý Y tế. Và còn nhiều tấm gương khác như bác sĩ Vũ Văn Chỉnh, Phạm Xuân Sơn, Phạm Thị Bích Nhung, Phạm Thị Mai, Nguyễn Thị Bích Thuỷ... Vừa Hồng – Vừa Chuyên. Các anh, các chị là điểm tựa, là niềm tin, là “thần tượng” để lớp đàn em phấn đấu, noi theo.
Bệnh viện Phụ sản đã bước vào tuổi 30 mươi, tuổi của sự trưởng thành, vững chãi. Ban lãnh đạo bệnh viện cũ, người đã nghỉ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, người đã tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ban Lãnh đạo mới của Bệnh viện cũng đã được kiện toàn, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Đỗ Thị Thu Thuỷ được Thành phố, Sở Y tế tin tưởng bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Nguyễn Văn Học, Trưởng khoa Phụ yêu cầu và Bác sĩ Vũ Văn Chỉnh, Trưởng khoa Sản 4 được bổ nhiệm làm Phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Đã khép lại giai đoạn 5 năm (2003 – 2007) xây dựng và phát triển Bệnh viện để mở ra một thời kỳ mới. Từ những kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong suốt chặng đường 30 năm qua, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào Ban lãnh đạo của Bệnh viện ngày nay, sẽ phát huy truyền thống, đoàn kết, thống nhất một lòng, lãnh đạo bệnh viện phát triển mạnh mẽ, bền vững, luôn xứng đáng là một trung tâm sản – phụ khoa của khu vực Duyên hải Bắc bộ.