Câu đố: Mặt em vuông tựa chữ điền, Dạ em thì trắng, áo em mặc ngoài. Lòng em có đất, có trời, Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung. Đến khi quân tử muốn dùng, Thì em lại ngả tấm lòng em ra.
Mặt em vuông tựa chữ điền, Dạ em thì trắng, áo em mặc ngoài. Lòng em có đất, có trời, Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung. Đến khi quân tử muốn dùng, Thì em lại ngả tấm lòng em ra.
Vin vào câu “mặt em vuông tựa chữ điền”, người ta cho rằng rõ ràng ca dao xưa đã từng tả thiếu nữ có “mặt chữ điền”…vậy thì cô gái thôn Vĩ mà Hàn Mạc tử tả có khuôn mặt chữ điền đâu có chi là lạ. Nhưng họ đã nhầm ! bởi vì 4 câu ca dao trên nguyên là câu đố; câu đố về cái bánh chưng ! Câu đố về đồ vật trong văn thơ dân gian vẫn thường dùng cách nhân hóa, gọi vật mình muốn nói đến bằng em; có lẽ là do người ra câu đố muốn làm cho nó trở nên khó đoán hơn và cũng là để làm tăng thêm tính hoa mĩ, chứ “em” đây chẳng phải để nói về người con gái nào cả. Ý kiến trên đã không lí giải được gì cho việc Hàn Mặc Tử đã tả mặt chữ điền của người thiếu nữ thôn Vĩ trong thơ.
Ngược với những lí giải truyền thống cũ ở trên, gần đây có ý kiến cho rằng “mặt chữ điền” chẳng phải để tả người mà chỉ là tiếp nối các câu tả cảnh ở đầu bài thơ: sau khi tả nắng hàng cau, tả vườn cây xanh lá… câu thứ tư tả thêm một nét kiến trúc đẹp: lá trúc che ngang …tấm chữ điền (chấn môn) trước cửa nhà. Quả thật theo phong thủy, kiến trúc xưa thường xây bức chấn môn chắn trước cửa ra vào, cách khoảng 5-7 mét. Tấm chắn này có khi được trang trí hoa lá, hổ phù, có khi đắp nổi nguyên hình một con hổ. Đơn giản hơn, có khi chỉ đắp nổi một hình chữ thập ở giữa khiến nó giống hệt chữ điền (田) và một số người bình dân vùng nông thôn Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, vào cho đến các tỉnh nam Trung phần xưa vẫn gọi tấm chắn trước cửa ấy là “mặt chữ điền”. Hai bên chấn môn lại thường có trồng thêm hai bụi trúc, phía sau có hòn non bộ…