- Những nỗi khổ cực và mất mát cháu từng trải qua, và không chừng còn tiếp tục nếm trải. Bác dù sao vẫn còn sống đó, để mỗi khi chị Nhân cần chỗ nương tựa, là có bác một bên. Còn hơn như cháu, suốt đời khổ hận, có cha mà không thể nhìn, thấy mẹ chết cháu mà không cứu được, có thù mà không thể báo, tương lai bị huỷ diệt, đôi mắt mất đi ánh sáng. Còn đau khổ nào hơn? Bác à! Chỉ nghèo thôi, chưa phải là cái buồn, tàn tật chưa hẳn là phế nhân. Cháu nghĩ vậy, nên đứng lên được rồi.
- Mẹ con thằng Lượm nói về cậu không sai tý nào. Con N hân tính cố chấp lắm, vậy mà từng khoe, làm bạn với cậu là phần phước trời ban.
Thành thoáng cười. Anh em thằng Lượm và Tiến lủi ra ngoài, xách theo con diều mua được bằng tiền bán lon. Bên trong, hai người già, trẻ, làm quen nhau qua cuộc chuyện chân tình, nhưng không đề cập đến quá khứ.
- Nghe con Nhân kể, cậu mới dọn tới ở lộ trước và ở có một mình, vậy làm ăn, sinh hoạt, có khó khăn không?
- Dạ, con ăn cơm tháng mẹ cu Tiến nấu. Còn việc làm, vài ba hôm nữa, con đi kiếm.
- Cậu làm nghề gì?
Thành im lặng một lúc.
- Cháu chơi đàn ở một thính phòng nhưng nghỉ thời gian lâu quá, nên có người thế chân rồi.
- Thính phòng có giống như vũ trường không? Nếu giống con Nhân xin việc cho cậu được. Hồi xưa, nó làm ở vũ trường.
Thành có vẻ bất ngờ, nhưng bà Hiền không nhìn thấy. Hồi xưa làm ở vũ trường? Chị ta từng làm vũ nữ ư? Từ bao giờ? Mười năm hay lâu hơn? Phải rồi. Thằng Lượm đã mười tuổi, chị ta chắc ngoài ba mươi, nhưng sao nghe giọng nói, mình ngỡ trẻ hơn tuổi nhiều.
- Dạ thính phòng khác vũ trường bác ạ. Người luôn sống trong bóng tối như cháu, khó có thể sinh hoạt bình thường.
- Tôi cũng vậy. Thân như vầy không muốn ra ngoài, hồi mới tới, chợ vắng, người thưa, tôi còn đi chợ, mới đó mà xây nhà chật đất rồi. Giờ con Nhân đi làm về là đi chợ luôn - Bà chép miệng. - Thêm nỗi, tôi đau hoài. Tội nghiệp con Nhân, vì tôi với hai đứa nhỏ mà hy sinh cả đời son trẻ.
Thằng Lượm chạy vô thở hổn hển nói:
- Chú Thành ơi! Chơi thả diều đi. Thằng Tiến cá với tụi ngoài kia "người lớn" ...cũng chơi thả diều.
Nghe Lượm ngập ngừng hai chữ "người lớn", Thành thoáng cười, nói:
- Chú nghĩ là nó cá như vầy "Chú tao mù mà biết thả diều cao nhất". Đúng không?
- Dạ ...dạ ..là thằng ..a ...là ...con nói.
- Cá cược thứ gì?
- Cược, nếu chú thả diều cao nhất tất cả tụi nó đi lượm lon nguyên ngày lấy tiền mua tập, bút cho con.
- Ra là vậy. Được. Chú cháu mình đi.
Thành đeo kính, đứng lên chào bà Hiền, sực nhớ, hỏi Lượm:
- Để ngoại ở nhà một mình sao?
Lượm ngần ngừ, ngoại nó thường ở nhà một mình có sao? Tụi nó lâu nay vẫn "đi làm" kiếm tiền mà.
Bà Hiền nhìn thằng Lượm:
- Có con diều nào để ngoại thả không?
Thằng Lượm tròn xoe mắt, ấp úng:
- Dạ ...có. Ngoại cũng biết ...thả diều sao?
- Cha mày! Thả diều ai không biết. Nào, lấy mo đi.
Thằng Lượm nhanh nhẹn lấy mo và đòn gỗ cho bà ngoại. Bà Hiền nhanh nhẹn tròng vô người, nói:
- Nào, cho con thấy ngoại thả diều hay cỡ nào.
Thằng Lượm lơn tơn đi trước. Thành đi với bà Hiền. Bà "đi" bằng hai tay bám đòn ngồi, nhưng bà đi khá nhanh. Bà vừa "đi" vừa tâm sự như trải lòng cho Thành nghe.
- Người lớn nào cũng có tuổi thơ hết. Hôm nay gặp được cậu, bỗng dưng sao nghe trong lòng vui vẻ quá. Tôi quyết định từ nay không trốn tránh người đời nữa, sống vui vẻ được ngày nào hay ngày đó.
Thành cảm động, nhưng không hé môi. Cả ba ra tới bãi cỏ, đám trẻ nhìn đến há hốc. Trời thần! Thằng Tiến nói thiệt. Chẳng những ông chú nó mù đi thả diều, còn thêm một bà già cụt hai chân. Đúng là hết biết.
Bọn trẻ vây thành vòng tròn. Khi Thành và bà Hiền nắm con diều và hò reo dậy trời khi cả hai cánh diều căng gió bay cao dần. Suốt chiều hôm đó, bà Hiền ngồi giữa đám trẻ với Thành, cùng thả diều, cùng vui đùa đến quên thời gian.
Nhân đi làm về, ngang qua nhìn thấy, ngây người sững ra. Chuyện gì xảy ra vậy? Cô lần tới gần, nhìn mẹ mặt ửng hồng, tóc bết mồ hôi:
- Ngoại không biết hát vọng cổ, hay ngâm thơ bù được không? Nếu không, ngoại nghỉ chơi.
- Được, được. - Bọn trẻ ré dậy trời.
Bà Hiền nhắm mắt hò:
- Hò ơ ...đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu ...
- Má!
Nhân tới sat bên mẹ, mừng muốn khóc. Bao năm rồi, mẹ không vui như vậy. Nhân nắm tay mẹ, nhìn Thành, hỏi:
- Sao ra hết đây vậy? Ông đến lâu chưa? Mẹ tôi bắt ông ra đây à?
- Là tôi đưa bác ra. Bác thả diều cao hơn cả tôi, nhưng hỏi đố thì bác thua tôi.
Nhân xúc động, ứa nước mắt, nói nhỏ:
- Vậy từ nay, mỗi chiều, con đưa má đi chơi. Mình ăn tối một chút không sao đâu hả má. Má thích con diều màu gì?
- Màu gì cũng được, miễn là vui như bữa nay.
Bà Hiền nắm tay Thành, nói:
- Nếu cậu Thành không kiếm được việc làm, con tìm giúp nghen.
- Việc làm? - Nhân bối rối - Ông ấy làm sao đi làm như con được? - Cô nói thật nhỏ.
- Sao con gọi cậu Thành bằng ông? Nó lớn hơn con giỏi lắm năm, bảy tuổi, lẽ nào chức ông to vậy? Gọi nhau xưng anh em được rồi. Còn việc làm, con cứ hỏi cậu Thành, cậu ấy nói đàn ở thính phòng gì đó.
Thành nghe bà Hiền nói hơi nghi hoặc trong lòng. Chẳng lẽ anh già lắm sao để bà biểu Nhân gọi bằng anh? Chẳng lẽ năm tháng vô tình tàn phá thể xác anh nhanh hơn tâm hồn?
Thành chợt thấy buồn rũ, chán chường, anh muốn quay về với sự cô độc riêng mình.
Không chào từ giã, Thành bước đi trước ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ con bà Hiền. Thằng Tiến chạy theo, gọi vang:
- Chú Thành! Đợi cháu với. Đi đường này nè.
Nguồn:
truyen8.mobi/t59360-anh-mat-trong-tim-chuong-7.html