Ông Cố Vấn Chương 52


Chương 52
Chuyện Về Tấm Căn Cước Của Nhà Tình Báo Vũ Ngọc Nhạ

Nhờ có sự giúp đỡ của người dân vùng tề làng Cổ Ninh, ông Vũ Ngọc Nhạ đã có được một tấm căn cước giả, biến ông trở thành người phía bên kia. Chính tấm căn cước làm năm 1951 này đã bắc cây cầu đầu tiên đưa ông vào sự nghiệp tình báo hiển hách của mình.

 

Từ trái sang phải: Bác Vũ Cao Đệ, cơ sở đầu tiên của nhà tình báo ở nội đô Sài Gòn; Cụ Ý (thôn Cổ Ninh); Ông cố vấn; Ông Vũ Ngọc Khoa

 

(em ruột ông Nhạ, người giả danh làm căn cước). Thôn Cổ Ninh có một ngôi nhà, từ đấu trụ, rường cột, cánh cửa, đều thửa bằng gỗ lim. Nhà trước kia là của cụ Chánh Kì bên Cổ Am, cụ Nguyễn Đăng Ý mua về dựng lại trên đất Cổ Ninh. Ngôi nhà ấy nơi lưu giữ bao chuyện hấp dẫn, huyền thoại, về tấm căn cước của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ.

 

Cụ Nguyễn Đăng Ý năm nay 95 tuổi, người đào căn hầm nhỏ trong buồng ngôi nhà cổ nuôi người tình báo; rồi cùng với ông Đỗ Đăng Bính, ông Vũ Ngọc Khoa (em ruột ông Nhạ) bàn mưu tính kế làm tấm thẻ căn cước cho Vũ Ngọc Nhạ bắc cây cầu đầu tiên vào nghề tình báo, sau này làm nên bao chuyện kinh thiên động địa qua các thời kỳ tổng thống của ngụy quyền Sài Gòn.

 

Năm 1951 làng Cổ Ninh đã tề, giặc đóng bót Niềm ngay đầu làng. Vũ Ngọc Nhạ đã tìm sự an toàn nhất cho mình vào trong lòng địch đào hang giấu mình ngay buồng nhà cụ Ý.

 

Sau hội nghị tổng kết chiến tranh du kích toàn quốc ở Việt Bắc (10-1951) về, một buổi tối ông Vũ Ngọc Nhạ từ dưới hầm bí mật chui lên gọi ông Đỗ Đăng Bính đến bàn bạc "Anh được giao nhiệm vụ đặc biệt, chẳng những ở Thái Bình, còn ở Hà Nội hoặc đi xa hơn nữa". Giọng ông thật nghiêm cẩn, ông Bính không dám hỏi lại, rồi ông tiếp: "Anh cần tấm thẻ căn cước dân tề người làng Cổ Ninh để dễ bề hoạt động. Muốn có căn cước phải có giấy khai sinh, nơi ở, nơi làm việc, tất cả nhờ vào chú Bính, chú Khoa và cụ Ý bên Cổ Ninh mới được".

 

Sau hôm ấy ông Bính đã tìm đến nhà Nguyễn Ngọc Trúc, Mai Doãn Thăng là chánh, phó lý làng Cọi, để lên phủ Kiến Xương xin tờ khai hợp thức cho ông Nhạ, giấy khai theo nguyên mẫu của ngụy quyền, áp triện hình chữ nhật hằn phẩm xanh. Có giấy tờ rồi cụ Ý, ông Khoa, ông Bính tìm đường đi, nước bước tiếp theo; Việc đầu tiên ông Bính dẫn ông Nhạ đi chụp hình ở hiệu ảnh Hồng Phát phố Lê Lợi thị xã Thái Bình. Hiệu ảnh mở ngay góc đường vào nhà thờ tỉnh bây giờ. Hồng Phát hồi ấy là thông phán tỉnh Thái Bình đứng tên. Sau này hiệu ảnh đổi thành hiệu Á Đông. Ông Nhạ đã chọn cửa hàng ông thông phán chụp tấm hình đi làm nghề tình báo. Không ngờ tấm ảnh chụp được, nhà hàng thấy đẹp, phóng to làm mẫu treo quảng cáo câu khách, anh em ông Khoa - Bính cùng cụ Ý lo lắm, mãi mới tìm cách gỡ được tấm ảnh đó khỏi cửa hiệu.

 

Thời ấy tên tuổi ông Nhạ cứ mờ mờ ảo ảo, người ta chỉ biết tên chứ không biết người. Ông Khoa là em ruột ông Nhạ, hai người rất giống nhau, cách nhau dăm bẩy tuổi, các ông bàn nhau để ông Khoa đến gặp chánh Tuân hương chủ làng Cổ Ninh làm căn cước thay cho ông Nhạ. Ông Khoa phải đối đầu với Chánh Tuân, một tay ghê gớm. Hôm ông Khoa đến cậy việc, thấy đầu "cụ Chánh" gối lên chiếc gối bông trắng, mắt "cụ" thật sắc sảo. "Cụ" bắc chân chữ ngũ, kéo thuốc phiện kêu ro ro, thơm phức. Chiếc tẩu dài được ghé sát ngọn đèn dầu mỡ chó. Dầu mỡ chó là thứ dầu quý hiếm, đây là lối chơi ngông của dân bàn đèn nhà quê. Mỡ chó vàng thơm hơn mỡ lợn, mỡ gà, dầu lạc. "Cụ bảo kéo thuốc phiện đốt bằng dầu mỡ chó mới khoái".

 

Chánh Tuân giọng hanh hách tay hắn sờ lên mặt hộp khảm đựng hạt na nói ra rả. Ông Khoa khom lưng lắng nghe giả vờ như nuốt lấy từng lời "cụ" dạy, hai tay ông dâng tờ giấy bạc 5 đồng Đông Dương thưa: "Thầy cháu bên nhà xin có chút đỉnh hầu cụ tiền trà nước", mắt hắn lim dim hất hàm hỏi :

 

- Cụ Khóa bên Cọi phải không?

 

- Dạ thưa phải, rồi ông Khoa lựa lời tiếp: Bên cháu không được yên ổn. Bên cụ đã quy quốc gia, cháu sang xin cụ cái căn cước là người làng bên này, để đi học trường Yersin (tên vị bác sĩ người Pháp).

 

"Cụ cầm tờ giấy bạc gấp bỏ tráp, ký luôn vào giấy cho làm thẻ, miệng "cụ" gọi anh Sáng chánh bảo an cùng ông Khoa mang giấy tờ vào bót Niềm cho đồn trưởng ký, rồi về phủ Kiến Xương xin dấu nổi.

 

Bước ra ngõ, ông Khoa nhớ lời anh Nhạ dặn dúi tiền vào tay Sáng. Vào bót đưa biếu đồn trưởng 20 đồng hắn chẳng kịp xem, ký ngay và dặn:

 

- Sau này công thành danh toại nên nhớ đến tôi đấy!

 

Thế là người trong ảnh, và người ngoài đời khác nhau mà chẳng đứa nào biết, cứ tưởng căn cước cấp cho Khoa nhưng chánh Tuân đã manh nha biết sự gian lận giữa Nhạ và Khoa, ông ta bảo: "Tao nom ảnh trong căn cước là Nhạ đâu phải là mày" nhưng Tuân đã cầm tiền rồi, vả lại ông Khoa và chánh Tuân đều là cháu cụ Ý cả, lẽ nào móc mãi chuyện...

 

Tấm thẻ màu vàng nhạt, in giấy cứng cấp cho Vũ Ngọc Nha (tức là Khoa) trong thẻ ghi 20 tuổi hợp với tuổi ông Khoa, sau ông cố vấn đã vặn nhỏ đèn ở nhà cụ Ý tự tay ngoắc cái móc vào đầu số 0 thành số 6. Chữ Nha thêm dấu nặng thành Nhạ, có lúc lại đổi thành Nhã là vậy.

 

Có tấm căn cước ông Nhạ lên nhà ông Ba ngõ 21 Hàng Chuối Hà Nội để ở nhờ, rồi đi dự thi vào làm kế toán cơ quan phòng nhì Pháp. Với tấm căn cước ấy nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con vào Sài Gòn trên chiếc tàu Esperanel cập bến tại Sài Gòn Khánh Hội 2-1955, có con bác Đệ ra đón để đi vào sào huyệt giặc.

 

Khi đi ông Nhạ để lại tặng ông Khoa chiếc bút Sa-tô -đô, ngòi vàng, khắc chữ ở thân bút "Tặng em Thanh Hùng" và chiếc khăn len là hai kỷ vật nay ông Khoa vẫn còn lưu giữ.

 

Tấm căn cước do cụ Ý - ông Khoa, ông Bính tạo dựng trong căn nhà cổ gỗ lim ở thôn Cổ Ninh, đã đưa ông Nhạ thành người phía bên kia rồi. Nếu không có tấm căn cước ấy, chắc chắn ông Nhạ trở thành con người khác, không là người theo giặc thì đâu phải để các đồng chí trong Thị ủy Thái Bình khai trừ ông ra khỏi Đảng!

 

Người ta bảo ông theo giặc phản Đảng, nhưng ông cứ ngâm nga câu thơ: "Cái còn thì vẫn còn nguyên/Cái tan thì tưởng vững bền vẫn tan (thơ Trần Đăng Khoa).

 

Đúng vậy, có thời tưởng chính quyền Sài Gòn vững bền, nhưng vẫn tan. Còn ông đối với Đảng bao giờ cũng là hòn máu tươi rói trong người ông nguyên vẹn. Làm tình báo như ông là chấp nhận sự nguy hiểm, nhiều lúc giáp ranh với cái chết, ông bị tra tấn bị treo tới 32 lần. Nhưng rồi vượt qua đó là sự gan dạ, trung thành của ông đối với Đảng, với dân tộc. Phố Đậu, 3-2003

 

BÁ CƯỜNG

 

(Báo Tiền phong)

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83521


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận