Đàn Bà Ba Mươi Truyện ngắn 25

Truyện ngắn 25
8/2009 Chữ “Công” không còn nói lên nhiều về phụ nữ

Có hai câu chuyện khá thú vị về phụ nữ trong phép so sánh. Câu chuyện thứ nhất là của một giáo sư nghiên cứu về bình đẳng giới tại Đại học Shih-Hsin (Đài Loan). Bà cho rằng, trong con mắt người phương Tây thì tam tòng tứ đức là một trong những điều khó hiểu nhất của phương Đông. Bà cho rằng, phụ nữ thế kỷ hai mốt mà có đủ tam tòng tứ đức, cho dù đã thay đổi theo định nghĩa hiện đại, chứ không phải theo những chuẩn mực bó buộc tới phi lý của thời cổ đại, thì người phụ nữ có đủ tam tòng tứ đức không còn là phụ nữ nữa, mà là một nô lệ của nam giới.

 Các giá trị quan thay đổi không có nghĩa là những chuẩn mực xa xưa như tứ đức “Công dung ngôn hạnh” của phụ nữ bị vứt bỏ vào sọt rác. Tuy nhiên, nếu đặt nó trong phép so sánh với đàn ông, thì tứ đức nào cho đàn ông?

 Câu chuyện thứ hai là do một anh bạn tôi kể lại. Cơ quan anh một ngày đẹp trời, sếp và nhân viên hào hứng kéo nhau lên xe rong ruổi xả hơi, đi du hí tới một khu du lịch mới mở. Đường đi khá xa, dọc đường câu chuyện tứ đức của các chị em được lôi ra mổ xẻ. Mọi người đều đồng ý rằng, chữ “Công” của các chị em giờ đã nhẹ nhõm hơn xưa rất nhiều rồi. Các chị em đâu cần giặt giũ, dệt vải, may vá, đâu cần nhóm lửa thổi cơm, đâu vất vả nâng bô đổ rác như ngày xưa, mọi việc đã có máy móc hay Ôsin làm hộ. Một người bỗng chất vấn rằng, thế tại sao bọn Tây nó lại cứ kêu là phụ nữ Việt Nam khổ, ra đường toàn thấy chị em làm lụng các nghề vất vả như hót rác, bán rong, chở rau, gánh gồng?

 Cả xe đồng ý vừa đi vừa quan sát, từ đường cao tốc, qua chỗ thu vé thấy phụ nữ làm, qua phố thấy phụ nữ bán hàng, dọc đường thấy phụ nữ với em nhỏ (lại là em gái) đẩy xe bò, quả thật là sao “tình cờ” thấy toàn phụ nữ làm việc nặng? Bỗng một anh nhân viên phát hiện, biết đâu đàn ông đang bận đi du hí, nhìn cả xe mình thì thấy ngay, hôm nay bỏ văn phòng đi chơi cũng chỉ toàn đàn ông!

 Chữ “công” của phụ nữ thời hiện đại giờ nên đo đếm bằng gì, khi mà máy móc và Ôsin đã đỡ đần rất nhiều?

 Nếu đứng từ góc độ bình đẳng giới, có một tiêu chí quan trọng để đánh giá vai trò và sự đóng góp của mỗi thành viên cho gia đình, đó là thu nhập và thời gian. Phụ nữ Việt Nam tất nhiên, cho dù không phải dệt vải, may vá, giặt giũ, cho dù nhà có Ôsin, thì trong một ngày, thời gian của các chị dành cho gia đình con cái cũng vẫn nhiều hơn các ông. Và cho dù hai vợ chồng lương bằng nhau, cùng làm một cơ quan, cùng nhu cầu chi tiêu cá nhân như nhau, thì tỉ lệ tiền lương mà người vợ chi cho gia đình cũng vẫn nhiều hơn các ông bố.

 Không phải vô lý mà một số học giả châu Á sang Việt Nam nghiên cứu về đời sống xã hội, kết cấu gia đình người Việt, khi về nước, họ đã công bố rằng Việt Nam là một dân tộc mẫu hệ. Khi phụ nữ là nguồn cung cấp kinh tế chính trong đại đa số gia đình, phụ nữ là người gánh vác những công việc lớn cũng như nhiều đầu việc trong gia đình hơn, bỏ nhiều thời gian cho gia đình hơn đàn ông Việt Nam. Họ gặp những đàn ông cởi trần trà thuốc bia rượu ngay cả trong giờ hành chính, và những phụ nữ vất vả ngay cả khi giờ tan tầm đã kết thúc từ lâu. Khi li hôn, phần lớn người mẹ Việt Nam cũng được giành quyền nuôi con, trái ngược hẳn lại với một số quốc gia và lãnh thổ láng giềng. Họ nói, Việt Nam chỉ còn thiếu một biểu hiện duy nhất nữa là “con mang họ mẹ” thì sẽ là một chế độ mẫu hệ đầy đủ và đặc trưng, nơi đàn bà gánh vác, và đàn ông lợi dụng chủ yếu vào chữ “công” của người phụ nữ.

 Tại Đài Loan và Hàn Quốc, nơi có nhiều phụ nữ Việt Nam sang làm vợ đàn ông bản địa, những quảng cáo môi giới cô dâu nước ngoài tại đó thường nhấn mạnh một ưu điểm của các cô dâu Việt Nam là sẽ chịu khó làm việc nhà, chịu khó gánh vác gia đình không than thở, n ếu quen cuộc sống thì các cô dâu Việt cũng sẽ đi làm kiếm tiền giúp chồng nuôi gia đình, chứ không bao giờ đòi hỏi các ông chồng phải chăm sóc mình, phải mang tiền về cho mình tiêu, chỉ ở nhà đi mua sắm và làm đẹp như những phụ nữ bản địa. Chữ “công” của phụ nữ Việt Nam cũng được đàn ông nước ngoài đánh giá rất cao, không biết đây là một điều đáng vui mừng hay một nỗi đau của phụ nữ Việt Nam?

 Tôi đã sống ở rất nhiều gia đình người Đài Loan, thông thường người chồng phụ trách các việc như đi chợ, đi siêu thị, lái xe, nấu ăn, rửa bát, đổ rác, lau nhà, là quần áo, ngoài ra còn phải đưa tiền cho vợ mua sắm theo ý… vợ. Rất nhiều, nếu không nói tới 95% gia đình tôi biết ở quanh tôi, người vợ một năm chỉ nấu ăn vài ba bữa, vào dịp Tết hoặc dịp đặc biệt nào đó, còn nếu chồng không nấu cơm, cả nhà sẽ ăn cơm ngoài đường, trong các quán ăn. Có lần tôi nói đùa, bảo, ở Việt Nam tôi là bằng cấp cao, thu nhập cao, thành phần trí thức, công việc có địa vị, thế nhưng tôi chỉ ghen tị với các cô dâu Việt Nam chưa học hết tiểu học ở đây.

 Những người đã từng sang Việt Nam thì họ hiểu, đó không chỉ là một câu nói đùa. Phụ nữ có rất nhiều ưu điểm chính là để bù đắp bởi có những người đàn ông không ưu điểm. Càng nhiều phụ nữ ba đảm đang thì xã hội càng trì trệ bảo thủ và trọng nam khinh nữ tới tận gốc rễ. Tứ đức càng được nhắc tới nhiều chứng tỏ những đàn ông lười biếng và gia trưởng còn đang có quyền lực lớn chỉ huy xã hội, nên họ tiếp tục tôn xưng những giá trị mà thực chất là “một sự lợi dụng giữa người với người” dựa trên những mỹ từ đẹp đẽ.

 Chữ “công” trong xã hội hiện đại nếu được đánh giá dựa trên những cống hiến của phụ nữ thúc đẩy xã hội phát triển, nuôi dạy con cái trưởng thành về thể chất và lành mạnh về tinh thần, xây dựng những không gian văn hoá quanh nơi họ ở và làm việc, thì thật quý giá biết bao. Phụ nữ tự tin rằng bản thân cái đẹp cũng đã là đóng góp, để chồng nấu cơm cho mình tranh thủ làm việc cũng không hề làm giảm chữ “công” của mình, ngồi chơi cùng con, đi xem phim, đi xem con biểu diễn và vỗ tay cũng là đã làm tốt chữ “công” của mình, thì lúc đó xã hội nào phải lo âu về chữ bình đẳng giới trong gia đình nữa? Thậm chí nếu phụ nữ đủ bận rộn, đủ chuyên tâm, và đủ tự tin để không còn bận tâm tới chữ “công” (không bận tâm chứ không phải không đếm xỉa) thì khi đó, tôi tin người phụ nữ mới đĩnh đạc trên vị trí của mình nhất, vị trí do mình tạo ra trong cuộc sống chứ không phải vị trí thoả mãn những tiêu chí của đàn ông.

 Tôi đã mất khoảng mười năm để trao đổi được với chồng tôi thông điệp ấy, không bằng lời.

 8/2009

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t106428-dan-ba-ba-muoi-truyen-ngan-25.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận