Đất Độc Chương 7

Chương 7
Câu chuyện thứ 11: GÓC VƯỜN

Bẵng đi một thời gian kể từ dạo ấy con Linh không còn bị ma hành nữa. Nó được cái không để ý chuyện gì lâu, thế nên dần lấy lại cân bằng. Sau cái đợt con Linh bạn tôi theo nó mò về Ngọc Thụy, bà ngoại tôi đâm ra đăm chiêu và cau có nhiều hơn. Sáng sớm bà ra bờ sông cầm theo cái bị, đến gần trưa lại về.

Thỉnh thoảng cậu C ngó sang, thấy cái bị lúc về bà xách nặng trịch, nhưng không dám hỏi, hoặc cậu cũng không quan tâm. Cứ thế đến ngày thứ mười thì bà không ra đấy nữa. Cái cửa sổ trong phòng con Linh vẫn bị đóng đinh chặt, trước cửa phòng nó lại có thêm một lá bùa cậu tôi xin trong chùa; thế nhưng khoảng vườn dưới chân cửa sổ bà cấm tuyệt đối người nhà lai vãng đến. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nên nhà tôi cũng chẳng ai dám cãi lời. Cái chuồng gà được cậu D kéo lại sát cửa vườn, cách chuồng chó một đoạn. Lại đem dây buộc thành hàng rào, ngăn cách với góc vườn sau. Ở góc vườn thấy bà tôi đặt một con chó đá không có hốc mắt.

Tôi kể thêm một chút về cái vườn nhà cậu D. Nhà cậu tôi xây hai tầng, cầu thang và hành lang đặt ở ngoài. Dưới gầm cầu thang là một khoảng sân bê tông nhỏ, có cái giếng và bể nước mưa. Cuối chỗ đấy là đường ra vườn. Vườn nhà cậu ngăn cách với đường ra sông bằng một cái tường gạch cũ, chẳng biết xây từ bao giờ. Trong vườn chủ yếu trồng khế và ba cây chuối ở góc tường, chỗ nhìn lên cửa sổ phòng con Linh. Đặt con chó đá ở đấy một thời gian thì cái đường nhỏ đi ra sông sát tường nhà cậu bị bịt lại.

Chẳng biết phường xã làm gì mà lại đem đất đá đến bịt kín cuối ngõ, đoạn nhà tôi, thành ra người làng không còn qua lại được nữa. Con Linh vẫn sinh hoạt bình thường, cái cửa sổ vẫn đóng im ỉm, và cũng không còn nghe thấy tiếng gọi như hồi trước nữa.

Hôm ấy nhà tôi làm giỗ. Ở quê tôi có một món đặc sản rất ngon, là củ chuối nấu với lươn. Đám giỗ nào trong làng cũng phải có một nồi lớn, nghi ngút và thơm phức. Đám trẻ con tỏ ra khoái chí với cái món này, lúc nào cũng giành ăn sạch sẽ. Trước ngày làm giỗ, tôi và mẹ về sớm để cùng cậu mợ chuẩn bị. Nhà rộng nên kê bàn ăn ngay tại sân nhà cậu D, lại kiếm cái bạt che ở trên nên chẳng khác gì cái rạp cả, thoải mái ăn mà không lo nắng mưa. Chiều tối mẹ tôi chuẩn bị ra chợ mua thì cậu C gạt lại. Cậu bảo vườn nhà mình còn chuối. Chẳng nói chẳng rằng cậu C vác dao trèo qua cái hàng rào, đi ra chỗ ba cây chuối vườn sau, cũng là chỗ ngày xưa cậu D chôn con Tin. Cái hố con Tin bị tha mất xác năm trước giờ đã lấp kín lại, nhưng không hiểu sao đất ở đấy luôn mới, lúc nào cũng nâu tươi, khác hẳn màu đất xỉn, xám ngoét như ở gốc chuối trong cùng có cái cây duy nhất mọc, củ treo lơ lửng.

Trời mùa đông nhanh tối. Chạng vạng nhìn không rõ mặt người, cậu tôi lờ mờ nhìn thấy củ chuối, vung dao chặt. Nghe đốp một cái, tay cậu bị giật mạnh, tê rần như vừa chém vào cái gì rất cứng. Cái củ chuối vẫn trơ trơ, nhưng từ vết chặt một dòng nước lỏng lỏng chảy ra ồng ộc. Cậu đưa tay quệt vào dòng nước, rồi ngó xuống con dao, mẻ một miếng. Cảm thấy kinh hãi, tưởng hoa mắt, cậu nhìn lại chỗ vết chém thì đằng sau bụi chuối, chỗ góc tường, một cặp mắt đỏ lòm trong bóng tối nhìn thẳng vào cậu tôi, bảo: “Sao mày chặt tay tao”. Cậu C hoảng quá quẳng cả dao mà phi bán sống bán chết lên nhà. Nhìn thấy cậu la ầm lên, mặt tái mét, cà nhà hớt hải chạy ra. Lúc này mọi người mới thấy bàn tay trái cậu, chỗ đưa lên quệt lúc nãy bê bết máu tươi. Bà tôi từ bếp đi ra, không nói câu nào, không hỏi han, giơ tay tát cậu C một cái rất mạnh: “Thằng ngu”. Đoạn bắt cậu rửa tay, lên ban thờ thắp hương, còn bà thì đi ra chỗ cây chuối. Mẹ tôi, dì T mặt cắt không còn giọt máu, thút thít khóc vì lo cho cậu. Tôi cũng run như cầy sấy, nhưng không dám đi theo bà, mà chỉ dám ra cái chuồng chó hóng vào. Bà đi thẳng chỗ cây chuối, cái cạnh nhà che khuất làm tôi không nhìn thấy bà làm gì, chỉ nghe loáng thoáng tiếng mắng chửi. Năm ấy giỗ nhà tôi không có nồi củ chuối.

Cái góc vườn từ đấy lại càng kì dị hơn. Chẳng cần bà nhắc nữa, cả nhà tôi chẳng ai dám động một bước vào vườn sau, âu chỉ có cậu D hàng ngày vào chăm gà, nhưng cũng không lớ rớ gần cái hàng rào. Chuyện cũng chỉ đến thế nếu con gà trống trong đàn không quá nghịch. Sáng sớm, như mọi khi cậu ra vườn mở chuồng gà. Con gà trống chẳng gáy gủng gì, vỗ cánh bay phành phạch lên cái hàng rào. Không để ý, cậu tôi đuổi theo giữ nó lại. Đuổi một chập thì cũng tóm được. Sau này cậu kể, đang nghĩ bụng bực mình, tự nhiên thấy trong người là lạ và khó thở. Lũ gà đang kêu oang oác tự nhiên im bặt. Ôm con gà trống trước ngực, đột nhiên cậu thấy cả đàn gà, hai con chó, và con mèo đứng trên lan can cầu thang mở mắt trân trân nhìn cậu. Chúng nó đứng im, quay mặt nhìn thẳng vào mặt cậu, không sủa, cũng chẳng còn kêu nữa. Cúi xuống nhìn con gà trống, cậu tôi thấy một cục máu đỏ tươi trông như con chó con. Sợ quá cậu phi thẳng lên nhà trên. Từ đó cũng chẳng có ai dám loăng quăng gần cái chuồng gà. Chỗ góc vườn, con chó đá mù mắt vẫn đứng lặng thinh.


Câu chuyện thứ 12: Ở NHỜ

Từ hồi ông mất, bà cất một căn phòng nhỏ lợp ngói ở cái sân đằng sau nhà cậu C. Từ cổng đi vào khu nhà tôi thì nhà cậu C là nhà đầu tiên bên tay trái. Cậu C từ nhỏ là người thông minh, học hành giỏi giang nhất trong bốn chị em. Năm 18 tuổi, cậu đùng đùng nghỉ học, bỏ đi buôn biệt xứ. Thời gian ấy cậu tìm đường sang Liên Xô buôn bán.

Cái hồi mà cả nước chỉ dùng đồ Liên Xô, gia đình nào có cái bàn là Liên Xô hay mấy cái xô nhôm đã là thuộc hàng có của ăn của để. Cậu tôi sang được một năm thì làm ăn bắt đầu thuận lợi. Chẳng nhớ cậu buôn gì, nhưng thấy gửi tiền về nhà đều đều, lại kèm theo mấy cái bàn là, nồi cơm nữa. Ông tôi phần cho con cái, phần đem bán. Cuộc sống nhờ thế mà cải thiện dần dần.

Làm được ba năm thì cậu C nghỉ, lại về nước. Lúc này cậu để dành được một cơ số tiền và vàng. Cậu theo bạn bè lên biên giới đánh hàng về bán. Trời chẳng được lòng người, chuyến hàng đầu tiên cậu bị cướp sạch. Bọn nó chặn đường trên đèo, lột sạch sẽ cả đoàn, bao nhiêu tiền bạc cậu đem theo đều mất trắng. Không bỏ ý định, cậu C lại xoay sang buôn thuốc lá. Được dăm ba chuyến, cậu lại bị lột sạch trên đèo Hải Vân. Của nả cứ thế bay đi hết. Cậu lại vay mượn, gom góp, mở hàng quần áo trên chợ Đồng Xuân. Buôn bán đắp đổi, có phần cũng kiếm chác được.

Năm 1994 chợ Đồng Xuân cháy! Tài sản cuối cùng của cậu tôi theo thế mà mất hết luôn. Chán nản cậu nằm nhà một năm rồi lấy vợ. Hồi bé anh em tôi sợ cậu C lắm. Lúc nào nhìn thấy bọn trẻ con cậu cũng trừng mắt, hoặc lườm lườm không nói câu nào. Năm tôi 16 tuổi thì cậu C ly dị. Bà thì thầm với mẹ, mợ V vô sinh. Thời gian sau cậu tôi xin được chân lái xe cho một công ty nước ngoài. Cậu lại chúi mũi vào công việc. Một năm sau cậu C đi bước nữa. Vợ cậu kém gần 20 tuổi, rất xinh đẹp và giỏi kiếm tiền. Mợ sinh được hai đứa con gái. Gia cảnh cứ thế khấm khá dần. Đến khi ông ngoại tôi mất, chia đất cho các con xây nhà, cậu mợ dựng được một căn biệt thự nằm ngay đầu ngõ. Ngày tân gia, trời đang quang tự nhiên có cơn gió mạnh, bụi mù mịt thổi vào từ đầu đường rồi cuốn thẳng ra sông.

Mùa hè cách đây 4 năm, tôi hay sang kèm thằng TA, con dì T ôn thi đại học. Anh em chạc tuổi nhau, lại hợp tính nên có phần thân thiết hơn cả. Tối nằm ngủ với nhau, tự nhiên nó quay sang bảo: “Nhà bác C dạo này hay có người đến lúc nửa đêm”. Từ xưa đến nay cậu C là người nguyên tắc, về nhà là đóng cửa, cực ít khi tiếp khách sau giờ làm việc. Nhà cậu cứ 9 giờ là tắt đèn lên gác chuẩn bị đi ngủ. Tôi chẳng tin nó, coi là nói linh tinh, quay lưng ngủ tiếp. Nhưng mà thằng TA nói thật.

Buổi đêm tôi hay thức khuya, lúc đọc báo, lúc xem phim, hoặc có lúc chỉ để ngồi hóng mát. Đêm đấy khó ngủ, lay mãi tôi mới rủ rê được thằng TA ra sân ngồi tán phét. Vừa đặt chân ra bậc thềm, tôi nghe tiếng “Loẹt xoẹt, loẹt xoẹt” giống dép chà lên mặt đường bên sân nhà cậu C. Con chó nhà cậu hằng ngày hay gầm gừ, đêm nay tự dưng im bặt. Bà và nhà hai cậu đã tắt đèn đi ngủ từ lâu. Tôi thì thầm với thằng TA: "Có trộm". Ngó ra sân, tôi chết sững, bóng một người đàn bà mặc áo rộng thùng thình, tóc bù xù, dài rủ kín vai vừa bước vào cửa nhà cậu tôi. Chỗ cái cửa phụ chẳng mở cửa bao giờ. Thằng TA bảo: “Khách nhà bác C em thấy đến nhà khoảng hai lần vào tầm này nhưng không dám hỏi”. Sáng ra, tôi đem chuyện nói với bà. Bà nghĩ lâu lắm, rồi bỏ vào buồng. Cậu C một mực khẳng định không có ai điên mà đến chơi vào tầm đấy, và chắc chắn tôi bị hoa mắt. Thằng TA cũng im lặng hồi lâu rồi đi lên gác.

Bẵng đi một thời gian, tôi lại mò sang chơi. Hôm ấy nhà dì đi vắng, cậu C bảo tôi sang phòng trống trên tầng ba mà ngủ, tiện trông hộ cậu con B đang ốm. Nằm giường lạ tôi bị khó ngủ; con bé phòng bên ốm, thỉnh thoảng lại cựa mình làm cái giường kêu cọt kẹt. Một lúc lâu sau, phần vì mệt, phần cũng quen quen, tôi thiếp đi. Cơn buồn ngủ đến bất chợt mà cũng tan nhanh. Cái cửa gỗ khép hờ, bị bật ra, gió sông thổi sộc vào phòng. Tôi nửa tỉnh nửa mê co tay kéo cái chăn ngang bụng, bỗng bất chợt một bàn tay từ phía cuối giường tóm chặt lấy tay tôi, lạnh toát! Tôi sợ quá mở choàng mắt ra, ú ớ không nói được câu nào. Căn phòng trống trơn! Người tôi như có cái gì đó chèn qua, nhưng đầu óc thì lại trở nên mụ mị. Lúc này tôi mới thấy ở giữa phòng lù lù một đống đen sì, to bằng cái bao tải, bất động. Ở góc nhà, có cái gì đó cứ đùn lên như tổ mối, rột roạt, rột roạt. Cái đống ấy đứng im một lúc, rồi lao nhanh về phía tôi. Tôi không biết gì nữa, mở mắt ra thấy trời sáng, tôi lủi thủi luôn về nhà.

Sau cái đêm ngủ nhà cậu C tôi chẳng dám về quê nữa và cũng chẳng dám kể với ai. Mọi người thấy thế đâm ra trách nhiều lắm. Ba tháng sau nhà ngoại tôi có giỗ. Buổi tối hôm đấy, quá 10 rưỡi, dọn dẹp xong ai cũng mệt lử. Nhà cậu D đóng cửa đi ngủ sớm, chỉ còn mấy anh em tôi, dì T với hai bà mợ ngồi sân nói chuyện, cậu C lên nhà chơi với con khướu. Con khướu của cậu C rất khôn, nhưng chẳng hiểu dạy dỗ thế nào mà nuôi gần hai năm vẫn không biết nói. Chỉ kêu kêu mấy tiếng rồi thôi. Thế nhưng cậu vẫn thích nó lắm. Tối nào cũng ra ngó nghiêng nó một chút rồi mới đi ngủ. Cái lồng con khướu treo ở hiên trước cửa nhà.

Nhà tôi đang ngồi nói chuyện râm ran bỗng con khướu giãy giụa, vỗ cánh phành phạch và kêu ầm ĩ. Nó đạp cửa chuồng, lông xù lên, vỗ cánh điên loạn. Cậu C rối cả lên chẳng biết làm thế nào. Cả nhà tôi cũng chạy xuống xem. Lúc này tự nhiên con khướu cất tiếng nói, lạ hoắc, nhưng rất rõ ràng: “Mửa mật mày ra”. Ai cũng không tin vào tai mình. “Mửa mật mày ra…” - Con khướu nhìn thẳng vào mặt tôi mà rít lên re ré. Tim tôi đứng im, chết cứng. Dì T sợ quá gào toáng lên. Con khướu lại vỗ cánh điên loạn, mỏ nó banh rộng ra ngửa cổ lên trời: “Mửa mật mày ra…!”

Tôi sợ quá không nói được câu nào, nhưng người con khướu chĩa vào không phải tôi, mà là mợ H - vợ cậu C, đứng sau lưng tôi. Mợ H đột nhiên vùng chạy vào trong nhà, dì T với tay ra kéo nhưng không kịp. Mợ vừa chạy lên tầng vừa gào: “Con ơi con!”. Lúc này mọi người mới nhận ra con B đang ở trên gác một mình. Mợ H lao lên trước, cậu C, tôi và thằng TA cũng lao theo. Chạy đến tầng ba, cái cửa sổ hướng ra sông bỗng bật tung, một cái bóng lù lù như bao tải nhảy vọt ra. Mợ H lao vào ôm con B, con bé tròn mắt không hiểu gì, khóc òa lên.

Lúc này dì T gào lên thất thanh dưới nhà: “Anh C ơi, ôi giời ơi anh C ơi”, ba cậu cháu lại lao xuống tầng một. Dưới nhà, chẳng hiểu ai thả hay con khướu đạp được cửa lồng, bay toán loạn khắp phòng. Nó rít lên sởn gai ốc: “Thắt cổ!”. “Mửa mật mày ra…!”, rồi bay theo hướng cái bóng vọt ra sông. Cả nhà tôi loạn tiếng khóc, tiếng la hét. Thế nhưng cửa phòng bà vẫn đóng im ỉm, chỉ nghe tiếng tụng kinh đều đều.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t98713-dat-doc-chuong-7.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận