Đại Đường Song Long Truyện Chương 746

Đại Đường Song Long Truyện
Quyển 59 - Hồi 12 - Biết bao giờ về
    
      

 
Khấu Trọng ngồi vào ghế thống soái.

 
Ngoại trừ bọn Cao Chiếm Đạo, Ngưu Phụng Nghĩa, Bốc Thiên Chí, Ma Thường, Tả Hiếu Hữu đang ở ngoài làm việc không thể tham dự, những nhân vật trọng yếu khác của Thiếu Soái quân đều có mặt trong sảnh. Đại diện cho Tống gia quân là Tống Lỗ.

 
Ngồi ở hàng ghế bên phải lần lượt là Tống Lỗ, Hư Hành Chi, Trần Trường Lâm, Bạch Văn Nguyên, Tiêu Hoành Tiến; Tuyên Vĩnh ngồi đầu dãy bên trái, tiếp đến là những người Trần Lão Mưu, Bạt Dã Cương, Bỉnh Nguyên Chân, Nhậm Mi Mi.

 
Ai nấy đều không dám thở mạnh, hiểu rằng đây là chuyện quan trọng.

 
Khấu Trọng rất muốn hỏi Tống Lỗ về việc của Tống Trí, song thời gian địa điểm đều không thích hợp, gã đành phải tạm thời gác lại, chào hỏi thân mật mọi người.



 
Tới khi gã trình bày rõ ràng tình huống trước mắt cũng như những biến đổi phát sinh, tất cả không khỏi biến đổi nét mặt.

 
Khấu Trọng tổng kết:

 
- Tử Lăng tự mình tới Lạc Dương, truyền đạt tới Lý Thế Dân ý muốn của ta, dẫn quân quyết chiến cùng liên quân Tái ngoại của Hiệt Lợi ở bình nguyên Quan Trung. Với tính cách của Lý Thế Dân, lại thêm người thay lời ta là Tử Lăng, ắt sẽ không có vấn đề gì.

 
Chúng tướng chợt ồ lên. Họ đã từng trải qua hiểm nguy cùng Khấu Trọng nên đối với gã tin tưởng cả mười phần. Hơn nữa chuyện Khấu Trọng từng đả bại Hiệt Lợi ở Bôn Lang Nguyên vẫn chưa phai mờ, không ai cho rằng gã nói bừa.

 
Tống Lỗ vuốt râu, cười nói:

 
- Trận này sẽ khiến Thiếu Soái lưu danh thiên cổ, tạo thành uy danh muôn đời, không chỉ đập tan âm mưu của Hiệt Lợi với Trung Thổ, mà còn trấn áp tinh thần Thống Diệp Hộ ở Tây Vực vẫn đang liên tục dòm ngó.

 
Bạt Dã Cương kích động:

 
- Trong thiên hạ chỉ có Thiếu Soái dám hành động hào hùng sảng khoái như vậy. Chúng thuộc hạ nguyện thề chết theo người, hết mình tuân lệnh.

 
Mọi người đứng dậy lập thệ, sĩ khí trào dâng.

 
Đợi tất cả ngồi lại vào vị trí, Trần Lão Mưu cười dài, nói:

 
- Thiên ứng nhân, nhân ứng thiên, thiên nhân giao cảm (1). Thiếu Soái và tiểu Lăng đã tình cờ phá được kho hỏa khí của Lý Kiến Thành trước khi hắn vận chuyển đi, chuyện này như có thần trợ giúp vậy. Đó đúng là một điềm lành, còn với Kiến Thành rõ ràng là điềm gở!

 
Mọi người đều đồng ý.

 
Khấu Trọng vui vẻ đáp lời:

 
- Điều này cũng chứng minh Lý Thế Dân chính là chân mệnh thiên tử. Giang hồ đồn rằng ‘Dương Công bảo khố, Hòa thị ngọc bích, được hai trong một, nhất thống thiên hạ‘, xem ra quả đúng ý của lão thiên gia. Ta và Tử Lăng là hai kẻ được lợi quá nhiều lại hóa ra không đủ, đành để Lý tiểu tử hưởng cái ơn trạch này. Ha ha! Ta nói nghe có đạo lý đấy chứ?

 
Hư Hành Chi cũng vui vẻ nói:

 
- Chỉ cần là kim khẩu của Thiếu Soái nói ra, không những có đạo lý, mà còn ẩn chứa cả thiên lý.

 
Khấu Trọng bật cười:

 
- Hành Chi quả là tri âm của ta.

 
Tuyên Vĩnh đề xuất:

 
- Hành động tiềm nhập Quan Trung do Ma Thường tướng quân chỉ huy, trong thời gian ngắn sẽ hoàn thành. Chúng thuộc hạ tụ tập tại đây đợi chỉ thị của Thiếu Soái.

 
Nhậm Mi Mi cất giọng nhỏ nhẹ:

 
- Mệnh trời đã đặt vào tay, bất kể Thiếu Soái nói thế nào, thắng lợi cuối cùng rốt cuộc cũng là của chúng ta.

 
Mọi người cười ồ lên.

 
Lời của quỷ thần thường dễ ảnh hưởng tới nhân tâm, đã có điềm lành xuất hiện, mọi người đương nhiên thấy lòng tin tăng lên nhiều, sĩ khí đại thịnh.

 
Khấu Trọng nói:

 
- Về phía Ma Thường đã có người lão luyện giang hồ như Lôi đại ca tiếp ứng, lại thêm địa đầu xà là Hoàng Hà bang an bài, ắt không xảy ra vấn đề gì.

 
Ngừng một chút, gã hỏi:

 
- Bên Phi Mã mục trường có tin tức tốt lành nào không?

 
Hư Hành Chi đáp:

 
- Chúng ta hôm qua vừa mới nhận phi mã truyền thư từ Thương trường chủ. Năm ngàn thớt chiến mã được thuần hóa và trải qua huấn luyện nghiêm ngặt đã được vận chuyển theo đường thủy tới Lương Đô, thuyền đội do Bốc Thiên Chí phụ trách cung ứng.

 
Khấu Trọng mừng rỡ:

 
- Năm ngàn thì nhiều thật, vượt quá khỏi dự liệu của ta rồi.

 
Tống Lỗ cũng lên tiếng:

 
- Về phía Lĩnh Nam, sự tình đã được giải quyết thuận lợi. Thiếu Soái có thể thoải mái điều binh khiển tướng, không phải phân tâm.

 
Trong sảnh chỉ có mình Khấu Trọng hiểu hàm ý trong lời nói của Tống Lỗ, biểu thị Tống Trí đã được Tống Khuyết xử lý thỏa đáng, không thể gây nên họa.

 
Khấu Trọng càng thêm vui, cười nói:

 
- Hiện giờ chuyện gấp là phải tập trung đại quân và hạm đội tại Lương Đô để có thể điều động được mau chóng theo đường thủy tới Quan Trung. Binh quý ở tinh nhuệ chứ không cần nhiều, trận này nhân tuyển không chỉ cần cái tinh nhuệ rèn dũa lâu ngày trong chiến trận, còn phải có lòng dũng cảm, tinh thông kỵ thuật.

 
Hư Hành Chi đề nghị:

 
- Quân đội có thể để Tuyên Vĩnh toàn quyền xử lý.

 
Khấu Trọng rất tin tưởng ở y, vui vẻ nói:

 
- Cứ quyết định như vậy, những người khác cùng hỗ trợ.

 
Ánh mắt mọi người chuyển sang Tống Lỗ.

  nguồn truyện t u n g h o a n h . c o m
Tống Lỗ ung dung:

 
- Về phía Tống gia lại càng không vấn đề. Thật ra chuyện này bên ta đã xắp xếp ổn thỏa từ trước, chỉ cần điều động quân đội tới Lương Đô là xong.

 
Khấu Trọng hỏi:

 
- Lỗ thúc ước chừng bao nhiêu nhân thủ có thể dùng được?

 
Tống Lỗ đáp:

 
- Tống gia quân luôn lấy kỵ binh làm chủ, người có thể tham chiến có thể đạt từ bốn vạn cho tới năm vạn.

 
Khấu Trọng cả mừng:

 
- Thêm cả quân tinh nhuệ Giang Hoài có kinh nghiệm tác chiến phong phú của lão gia, chúng ta có thể tạo thành mười vạn tinh kỵ. Chỉ cần phía Lý Đường cung ứng thêm mười vạn tinh binh, binh lực tổng cộng đã có hai mươi vạn. Binh lực đối phương tuy nói là mấy chục vạn, song rốt cuộc lại thuộc về những tộc khác nhau, có thể tính tới khả năng ly gián phân hóa, địch quân còn phải liên tục viễn chinh mệt mỏi để thâm nhập vào biên giới. Kết hợp với việc ta đã quen thuộc cách thức tác chiến của chúng để đề ra sách lược, khả năng nắm vững địa hình bên ta lại hơn xa, so sánh những điều kiện hơn kém đó, ta cho rằng thực lực hai bên ngang nhau. Còn lại phải xem Hiệt Lợi tài giỏi hay Khấu Trọng ta cao minh, ha ha!

 
Mọi người nhất loạt hò hét, tiếng nói làm rung chuyển cả cột kèo, sĩ khí ngút trời.

 
Đợi bình tĩnh lại, Khấu Trọng phát lệnh:

 
- Tuyên Vĩnh được ta chân truyền lại chiến thuật, tập kết đại quân ba phương lại Lương Đô, chỉ huy thao diễn, luyện tập mã chiến trên bình nguyên. Trang bị do Trần công tìm cách lo liệu, cung ứng lương thảo vật tư xin phiền Lỗ thúc. Cần nuôi tinh dưỡng nhuệ, trên dưới một lòng, người người phải hiểu được vinh nhục họa phúc của việc giao tranh với Hiệt Lợi. Khi liên quân Tái ngoại Nam hạ cũng là lúc chúng ta chấn hưng Trung thổ, rửa sạch mối nhục trước đây.

 
Tất cả sôi nổi đáp ứng.

 
o0o

 
Hai con thuyền từ từ cập bến.

 
Khác với dự tính của Từ Tử Lăng, trên thuyền không chỉ có Đơn Uyển Tinh mà còn thấy cả Bạt Phong Hàn, Vương Huyền Thứ và gần năm chục hảo thủ Phi Vân vệ.

 
Vợ chồng Lý Tịnh và Tử Lăng nhảy lên đầu thuyền Đông Minh hiệu. Bạt Phong Hàn mỉm cười tới đón:

 
- Chuyện này sao có thể xảy ra nhỉ! Tử Lăng lại được Lý đại tướng quân đích thân đưa tới Lương Đô.

 
Đằng sau truyền tới tiếng nói vui vẻ của Đơn Uyển Tinh:

 
- Chúng ta hãy vào trong rồi nói.

 
Phân ngôi chủ khách an tọa rồi, Bạt Phong Hàn lên tiếng:

 
- Chúng ta đi trước Dương Văn Can một bước, chặn được công chúa, mai phục chờ họ Dương tự chui đầu vào lưới. Quả nhiên hai đêm sau trên thủy đạo cách Khai Phong mười dặm, Dương Văn Can dùng khoái thuyền và hỏa tiễn phục kích Đông Minh hiệu, bị chúng ta đáp trả, mấy trăm hung đồ bị tổn thất quá nửa. Khi ấy tình thế hỗn loạn, Dương Văn Can có táng thân giữa dòng hay không khó mà biết được.

 
Bạt Phong Hàn miêu tả lại tình huống đúng theo phong cách nhẹ nhàng ung dung, nhưng Từ Tử Lăng có thể tưởng tượng sự kịch liệt của cuộc chiến, bởi vừa xong họ cũng đã kịp thấy nhiều vết sém do lửa đốt trên Đông Minh hiệu.

 
Tới khi Từ Tử Lăng thuật lại rõ ràng sự biến chuyển của hình thế, đôi mắt hổ của Bạt Phong Hàn sáng lên. Gã cười dài:

 
- Tất Huyền a! Trường An chính là nơi rất tốt để chúng ta giao chiến lần thứ ba, ta sẽ khiến người hối hận vì đã trèo non vượt biển tới tận Trường An.

 
o0o

 

 
Tống Lỗ đợi Khấu Trọng phân phó mọi người xong, theo gã vào nội đường nói chuyện, lại sai người lấy một vật bọc trong bao gấm ra đưa tận tay Khấu Trọng, mỉm cười nói:

 
- Đây là quà Ngọc Trí sai người tặng tiểu Trọng ngươi, ta cũng không biết trong đó là vật gì.

 
Khấu Trọng cầm lên tay, chạm vào tua vải mềm mại, trong lòng dâng lên sự ấm áp, vội lật mở gấm bọc ra, nhìn thấy một bức thư có hai dòng chữ thanh nhã: “Thái vi thái vi, vi diệc tác chỉ. Viết quy viết quy, tuế diệc mổ chỉ” (2)

 
Khấu Trọng đọc đi đọc lại hai lượt, gãi đầu nói:

 
- Thứ cho tiểu tử ít học, câu thơ này phải hiểu thế nào, xin Lỗ thúc lão nhân gia chỉ điểm.

 
Tống Lỗ bật cười, nghiêng người ngó qua kỷ trà, nói:

 
- Đoạn này nằm trong thiên ‘Thái Vi‘ lưu truyền thiên cổ, Ngọc Trí trích ra từ Tiểu Nhã truyện trong Kinh Thi. Toàn thiên phân ra làm sáu chương, ba chương đầu kể về nỗi khổ của người binh sĩ xa nhà chinh chiến, sau đó là hai chương thuật lại tình huống trong quân, chương cuối tả khi trở về nhà.

 
Khấu Trọng mình hổ rung lên, giờ đã hiểu rõ suy nghĩ chán ghét chiến tranh của Tống Ngọc Trí. Gã than:

 
- Ý của câu này là…

 
Tống Lỗ giải thích:

 
- Đây là bốn cầu đầu trong thiên. Rau vi có tên thường gọi là Sào Thái, chỉ khi non là ăn được. Ý thơ nói rằng phải liên tục hái, rau vi liên tục sinh trưởng, người chinh nhân không ngừng nhớ về nhà, thế nhưng một năm qua đi trong nháy mắt, vẫn chưa tới lúc hồi gia.

 
Khấu Trọng suýt nữa rơi lệ, áp mặt vào bức thư, không nói nên lời.

 
Tống Lỗ hiểu tâm trạng gã, nói:

 
- Hiểu lầm trước đây giữa Ngọc Trí và tiểu Trọng đã được giải thích rõ ràng, phải là chuyện vui mới đúng. Chỉ cần Thiếu Soái tiến hành mọi sự như kế hoạch, đến khi hè tới, chẳng phải sẽ được gặp Ngọc Trí sao? Trong bao này xem ra là một bộ y phục, hẳn do Ngọc Trí tự tay may cho ngươi đó.

 
Khấu Trọng gắng bình ổn lại kích động trong lòng, trước tiên đặt bức thư lên kỷ, mở bao ra ngắm nghía, thấy một bộ trang phục: khăn chít đầu màu đỏ, áo dài màu xanh có tay áo ngắn, quần trắng, thắt lưng đen và giày da mềm. Nhất thời gã ngây người ra.

 
Tống Lỗ vui vẻ nói:

 
- Ngọc Trí thật quan tâm tới ngươi, chuẩn bị từ đầu tới chân.

 
Khấu Trọng nghẹn ngào:

 
- Tiểu tử sẽ mặc bộ này vào Trường An.

 
Tống Lỗ chuyển chủ đề:

 
- Đại ca dặn ta xin lỗi ngươi về chuyện của nhị ca, còn đảm bảo sẽ không để phát sinh chuyện tương tự nữa.

 
Khấu Trọng lo âu:

 
- Phiệt chủ xử Trí thúc thế nào?

 
Tống Lỗ đáp:

 
- Nếu cứ theo tính khí trước đây của đại ca, nhị ca khó tránh khỏi cái chết. May mà sau khi gặp Phạm trai chủ, cách nghĩ của đại ca rõ ràng đã mềm hơn, lại thấy nhị ca bình tĩnh nhận tội, trước mắt chỉ không cho nhị ca rời khỏi nhà, còn đoạt lại binh quyền của huynh ấy.

 
Khấu Trọng nhớ tới Sở Sở, nói:

 
- Cháu còn có một việc nhờ Lỗ thúc giúp, hi vọng Ngọc Trí thông cảm.

 
Tống Lỗ thong thả:

 
- Nói đi!

 
Khấu Trọng kể việc mình quan hệ thế nào với Sở Sở lại cho Tống Lỗ, không một chút giấu diếm.

 
Tống Lỗ mỉm cười:

 
- Yên tâm đi, chắc rằng Ngọc Trí sẽ không dị nghị gì đâu. Ta sẽ viết hộ tiểu Trọng ngươi một bức thư kể cho nó rõ ràng chuyện này.

 
Hư Hành Chi lúc này tới báo cáo:

 
- Chiến thuyền tới Lịch Dương đang ở bến thuyền chờ lệnh, mời Thiếu Soái khởi giá.

 
o0o

 
Chiến thuyền đi qua Khai Phong.

 
Bạt Phong Hàn đẩy cửa bước vào. Từ Tử Lăng vừa mới đả tọa liền rời khỏi giường ra đón, nói:

 
- Trời sáng rồi! Thời gian qua nhanh thật.

 
Bạt Phong Hàn nhìn qua cửa sổ, nói:

 
- Vừa mới đi qua Khai Phong, trước trưa nay có thể tới Lương Châu.

 
Vừa ngồi xuống, gã cười nói:

 
- Mỹ nhân công chúa đã nói gì với ngươi?

 
Từ Tử Lăng ngồi bên kia kỷ trà, phì cười:

 
- Mỹ nhân công chúa? Ha ha! Mỹ nhân công chúa.

 
Bạt Phong Hàn châm chọc:

 
- Cái này gọi là gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, ở gần các ngươi lâu ngày, cách nói cũng ảnh hưởng theo, chỉ không biết là tốt hay xấu?

 
Từ Tử Lăng đáp:

 
- Đương nhiên là tốt. Nhân khi tâm tình lão ca đang tốt, ta có chuyện muốn thỉnh giáo.

 
Bạt Phong Hàn đùa theo:

 
- Ta rửa tai lắng nghe đây.

 
Từ Tử Lăng nói:

 
- Lão ca ngươi khiêu chiến Tất Huyền, chuyện này rất dễ hiểu. Song chuyện cùng bọn ta chính diện đối đầu cũng liên quân Tái ngoại thì khác, ngươi rốt cuộc cũng là người Đột Quyết, trong lòng sao tránh khỏi mâu thuẫn?

 
Bạt Phong Hàn mỉm cười:

 
- Thì ra là vấn đề này! Phương diện này Khấu Trọng hiểu ta rõ hơn một chút. Đột Quyết phân ra làm nhiều tộc, ta lại thuộc về Nhu Nhiên tộc bị Đột Quyết thôn tính vào thời điểm tương đương với thời Bắc Tề Văn Tuyên đế và Nam Triều Lương Kính đế. Dẫu bị Đột Quyết đồng hóa, song bọn ta với lũ hoành hành ngang ngược ấy vẫn khắc sâu cừu hận, chỉ là dám giận không dám nói thôi, đành phải giấu kín trong lòng. Thêm vào đó là chuyện ta từ nhỏ đã bị người Đột Quyết do Hiệt Lợi đứng đầu khiến cho nhà tan cửa nát, phải lưu lạc khắp nơi, trở thành mã tặc, ta không còn có thể áp chế mối cừu hận với lũ Đột Quyết thêm nữa. Kẻ khác cho rằng ta là người Đột Quyết nhưng ta chỉ nhận mình là kẻ lưu lãng không nhà. Giờ đây có thể cùng các ngươi kề vai sát cánh chiến đấu chống lại Hiệt Lợi chính là tâm nguyện và mộng tưởng từ nhỏ của ta. Từ Lăng hiện không cần phải lo ta là người thế nào nữa.

 
Từ Tử Lăng xúc động:

 
- Đa tạ lão ca đã thẳng thắn giãi bày. Có phải cũng vì nguyên nhân tương tự mà khiến ngươi cuối cùng vẫn chia tay với Ba Đại Nhi không?

 
Bạt Phong Hàn hai mắt tỏa ra vẻ phiền muộn, gật đầu đáp:

 
- Từ ban đầu ta đã xác định sẽ không có kết quả tốt với nàng rồi. Từng có một khoảng thời gian, ta nhận thức sai lầm rằng tình cảm nam nữ có thể vượt qua khỏi cừu hận gia tộc dân tộc, nhưng mối huyết cừu khắc cốt ghi tâm như loài sâu cắn vào tận xương tủy, không chỉ khắc vào tim mà còn chảy cùng dòng máu. Quan trọng nhất là chúng ta cả hai đều không thể vì đối phương mà thay đổi triệt để bản thân. Mối tình do cừu hận mà thành cũng do cừu hận mà kết thúc.

 
Từ Tử Lăng chưa tha:

 
- Không phải ngươi đã đi gặp Ba Đại Nhi sao?

 
Bạt Phong Hàn đáp:

 
- Ta khiến nàng hiểu rằng trong tim ta vẫn có nàng, cũng khiến nàng hiểu hiện thực tàn khốc là chúng ta không thể cùng sống bên nhau, để cho nàng đỡ hơn một chút. Ôi! Ta còn có thể làm gì nữa đây?

 
o0o

 
Sảnh đường phủ Tổng quản, thành Lịch Dương.

 
Đỗ Phục Uy nghe Khấu Trọng kể xong, nhíu mày phân tích:

 
- Về mặt chiến lược quân sự, nói hay ho là một trận định giang sơn, nói khó nghe là được ăn cả ngã về không. Con ta chiến thắng đương nhiên khiến thiên hạ từ đó thái bình, nhưng nếu bại, quân Lý Đường, Thiếu Soái và Giang Hoài đều trọng thương, phương Bắc rơi vào tay ngoại tặc. Phương Nam có Tiêu Tiễn và Lâm Sĩ Hoành kết thành liên minh, khi tình thế nghịch chuyển, Tống Khuyết không còn sức phản kích, chỉ có thể cố thủ giữ đất, Tiêu, Lâm sẽ có cơ hội Đông Sơn tái khởi (3), thiên hạ khẳng định sẽ rơi vào loạn thế như thời Ngũ Hồ loạn Hoa. Tiểu tử, kế hoạch của con có phải mạo hiểm quá không?

 
Khấu Trọng mỉm cười:

 
- Xin lão gia yên tâm, con đã nắm chắc phần thắng trong tay.

 
Đỗ Phục Uy ngửa mặt lên trời cười dài, hào khí sục sôi:

 
- Con ta là anh hùng vô địch, cha quá lo lắng rồi! Tất cả theo như con nói.

 
Khấu Trọng than:

 
- Từ khi rời Dương Châu, chưa lúc nào con có cảm giác nắm được tương lai trong tay như bây giờ.

 
Đỗ Phục Uy nói:

 
- Cha cũng chưa từng thấy thần khí như thế này của con, cái nhìn tự nhiên mà có phong phạm trấn nhiếp người khác.

 
Khấu Trọng ngẫm nghĩ:

 
- Tất cả là nhờ trực tiếp chứng kiến trận chiến giữa hai vị tiền bối Tống Khuyết với Ninh Đạo Kỳ, ích lợi về võ học thu được thực vô cùng. Nhớ lại cẩn thận tình huống khi đó, Ninh lão tuy không nói với con nửa câu, nhưng có những câu như dành cho chính con vậy, ví như ‘sáng tạo chứ không chiếm hữu, thành công mà không kiêu ngạo‘. Hai câu đó là miêu tả đúng nhất về con. Còn ba câu quan trọng nhất ‘Tự thấy còn chậm, chạy vội chẳng dừng, kiệt sức mà chết‘ càng khiến con thức tỉnh.

 
Đỗ Phục Uy than:

 
- Không hổ là Trung Nguyên đệ nhất nhân, chữ nào cũng là châu ngọc, lại đầy thiền ý. Chuyện này cứ quyết vậy đi, theo điều kiện tuyển binh của con, cha ít nhất cung cấp ba vạn tinh kỵ, tới lúc ấy ta tự mình dẫn quân, dưới quyền chỉ huy của con ta, cho lũ giặc kia thấy rõ phong độ.

 
Khấu Trọng đột nhiên nhớ tới ân tình mà Ngọc Trí tự tay làm cho gã.

 
o0o

 
Thuyền cập bến.

 
Tống Lỗ tự mình dẫn mọi người ra đón. Tiểu Hạc Nhi nhìn thấy Vương Huyền Thứ, vui vẻ quên hết xung quanh, kéo y ra một nơi nói chuyện riêng, khiến tên tiểu tướng trẻ tuổi xấu hổ nhưng không dám làm mất hứng của nàng.

 
Từ Tử Lăng để đám Tống Lỗ chào hỏi tiếp đãi vợ chồng Lý Tịnh, gã cùng Bạt Phong Hàn và Âm Hiển Hạc từ từ buớc vào thành.

 
Bạt Phong Hàn nhìn cảnh tượng của Vương Huyền Thứ và Tiểu Hạc Nhi, cười nói:

 
- Ta đề nghị để Huyền Thứ lưu lại Lương Đô bồi tiếp Tiểu Hạc Nhi, hai vị có ý kiến gì không?

 
Từ Tử Lăng nói:

 
- Phải để Khấu Trọng thuyết phục, y sẽ nghe lời hắn. Ta càng lúc càng thấy thù oán cá nhân không đủ quan trọng, cái quan trọng nhất là hòa bình thống nhất cho thiên hạ.

 
Chuyển sang Âm Hiển Hạc, gã nói:

 
- Kỷ Thiến hay nhất cũng nên ở lại Lương Đô.

 
Âm Hiển Hạc thần tình cổ quái đáp:

 
- Ta đã thuyết phục nàng, Tử Lăng không cần lo đâu.

 
Từ Tử Lăng và Bạt Phong Hàn nghe thấy, bốn mắt nhìn nhau ngỡ ngàng. Lẽ nào Kỷ Thiến đã thay đổi tính nết? Không thì ai thuyết phục nổi đại tiểu thư nàng đây, kể cả Âm Hiển Hạc cũng vậy.

 
Từ Tử Lăng ngạc nhiên hỏi:

 
- Ngươi làm sao thuyết phục được nàng?

 
Âm Hiển Hạc đỏ mặt van xin:

 
- Ta có thể không nói không?

 
Bạt Phong Hàn nhập cuộc, nói như đinh đóng cột:

 
- Không được! Mau thành thật khai ra cho ta!

 
Từ Tử Lăng gật đầu đồng ý, mỉm cười biểu thị đứng cùng chiến tuyến với Bạt Phong Hàn.

 
Âm Hiển Hạc mặt càng thêm đỏ, hết cách đành nói:

 
- Tha cho ta đi! Ôi! Nàng có thai rồi.

 
Bạt Phong Hàn cả mừng:

 
- Âm huynh thật bản lĩnh!

 
Từ Tử Lăng cũng vội chúc mừng.

 
Bạt Phong Hàn nói:

 
- Vậy Âm huynh không cần theo bọn đệ mạo hiểm làm gì.

 
Âm Hiển Hạc kiên quyết lắc đầu:

 
- Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, huống chi các ngươi là ân nhân và huynh đệ của ta.

 
Bạt Phong Hàn mỉm cười:

 
- Ta không nghĩ cho ngươi, mà cho chúng ta, càng vì con của ngươi hơn nữa. Thử nghĩ xem, ngươi đi thí mạng cùng bọn ta, tẩu phu nhân ở nhà ngày nào cũng lo lắng cho sự an toàn của ngươi, ít nhiều cũng ảnh hưởng tới thai nhi, càng sẽ ảnh hưởng tới ngươi. Tới Trường An rồi sẽ là kịch chiến liên tiếp, ai tàn nhẫn kẻ đó mới có thể sống sót, nhưng ngươi hiện giờ khẳng định không đủ ngoan độc. Nghe lời khuyên của bọn ta đi, không ai xem thường Âm đại ca ngươi đâu. Ngươi ở nhà đồng thời càng khiến bọn ta có thể ra tay không chút trở ngại.

 
Âm Hiển Hạc không nói được gì, rõ ràng đã bị thuyết phục.

 
Từ Tử Lăng trong lòng thấy ấm áp. Khi mới biết Bạt Phong Hàn, nằm mơ cũng không nghĩ có lúc gã sẽ nói ra những lời có tình có nghĩa thế này.

 
Thời loạn thế, tình huống như Âm Hiển Hạc có thể xảy ra ở bất kỳ gia đình nào, tạo thành thảm kịch sinh ly tử biệt.

 
Trăm họ đã chịu đựng nhiều rồi! Đến lúc kết thúc khổ nạn rồi.

 
Đặt tay lên bờ vai rộng gầy gò của Âm Hiển Hạc, gã cười nói:

 
- Ngươi phải lấy mình làm gương cho Huyền Thứ mới được. Nào! Chúng ta đi làm vài chung rượu, chúc tẩu phu nhân tương lai sinh ra bảo bối trắng trẻo bụ bẫm, khi đó thiên hạ không còn chiến tranh, mọi người đều an cư lạc nghiệp, không phải xa cách người thân.

 
Bạt Phong Hàn cười lớn: - Giờ rượu chúng ta uống là hỉ tửu. Âm huynh xem như chính thức kết phu phụ với Kỷ tiểu thư, ta và Tử Lăng làm chứng. Sao hả? Ha ha…

 

 
Chú thích:

 
(1) Tạm dịch là: Khi trời cảm ứng tới người, người cảm ứng được trời, trời và người cùng hòa nhịp với nhau.

 
(2) Đây là bài Thái vi – Hái rau vi trong Kinh Thi. Trích đoạn trên nằm trong:

 
Thái vi thái vi!

 
Vi diệc tố chỉ;

 
Viết quy viết quy;

 
Tuế diệc mộ chỉ,

 
Mỹ thất mỹ cồ,

 
Hiềm doãn chi cố;

 
Bất hoàng khải cư,

 
Hiềm doãn chi cố.

 
Dịch thơ (sưu tầm):

 
Hái rau vi, hái rau vi,

 
Rau vi mới mọc hái đi kẻo hoài.

 
Ngày về ta biết hỏi ai,

 
Nhanh ra cũng phải một hai năm trường.

 
Vợ chồng cách trở đôi đường,

 
Tại quân hiềm doãn nhiễu nhương tao loàn.

 
Từ nay chất chưởng bất an,

 
Vì quân hiềm doãn ta mang vạ này.

 
(3) Đông Sơn tái khởi: Câu này của Tạ An thời Đông Tấn, khi rời khỏi Đông Sơn, nơi ông ở ẩn để ra giúp triều đình, thể hiện niềm tin rằng rồi thành công sẽ đến, nhà Tấn sẽ phục hồi lại uy danh xưa. Giờ ý nghĩa chung của nó là sự vùng lên với hi vọng thay đổi thời cuộc của kẻ ẩn cư, âm thầm.

 

 

 
(Hết hồi 746)

 

Nguồn: tunghoanh.com/dai-duong-song-long-truyen/chuong-746-VxFaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận