Đại Minh Vương Hầu Chương 18 : Tổ tiên họ Trần.

ĐẠI MINH VƯƠNG HẦU
Tác giả : Tặc Mi Thử Nhãn.

Chương 18: Tổ tiên họ Trần.

Dịch giả : Noland
Biên dịch + Biên tập : Noland
Nguồn : 4vn.eu









Người khác ồn ào suy đoán hắn làm cách nào để thuyết phục được Tào huyện lệnh, dĩ nhiên Tiêu Phàm không thể nói rõ ràng ra được. Có vài lời đụng chạm đến Yến Vương, đề tài này rất nhạy cảm, phạm phải dễ mang họa. Lúc này Chu Nguyên Chương đang còn sống, Yến Vương Chu Lệ cũng không dám lộ ra ý làm phản, còn tại sao hắn lại đưa một bách hộ cầm quân như Tào Nghị chuyển sang làm quan văn, lại làm một huyện lệnh bát phẩm nho nhỏ ở huyện Giang Phổ cách kinh sư phủ Ứng Thiên hơn mười dặm thì...

Oài, Tiêu Phàm cứ giả bộ như mình không biết gì hết.



Hắn chỉ là một người dân bình thường nhỏ nhoi, có một số việc tuy biết nhưng cũng không thể nói ra, dễ mất mạng như chơi.

Xuyên việt cũng đã lâu, dần dần Tiêu Phàm cũng phát hiện, hóa ra ưu thế của người xuyên việt cũng không quá rõ ràng. Cho dù có thể biết trước sự việc, nhưng thân tôm tép thì cũng không đủ tư cách tham dự hội Bàn đào của Vương Mẫu Nương Nương. Thôi thì cứ bắc ghế ngồi xem vậy, Tiêu Phàm vui vẻ quyết định, có lẽ an phận thủ thường mới an toàn nhất. Tiêu Phàm quyết làm một tiểu nhân vật không chút tiếng tăm, ít nhất trong giai đoạn trước mắt, hắn vẫn chưa nghĩ ra ý tưởng gì quá phận. Chu Nguyên Chương, Yến Vương, triều đình, mấy từ này với hắn mà nói vẫn còn rất xa xôi, rất lạ lẫm. Hắn chỉ là một người bình thường, thu mình trong một góc của cuộc sống, yên lặng nhìn bầu trời lúc mây tụ khi mây tan.

Tiêu Phàm có thể giả vờ không biết dụng ý của Chu Lệ khi bổ nhiệm Tào Nghị đến Giang Phổ. Nhưng Trần Tứ Lục cũng không thể vờ như không biết Tiêu Phàm đã cứu Trần gia, thân là gia chủ, là gia chủ của thương hộ chuyên kiếm tiền làm giàu thì người khác thiếu nợ Trần Tứ Lục thì Trần Tứ Lục buồn đến độ ngủ không yên. Tương tự, nếu hắn thiếu người khác một món ân tình lớn, hắn cũng sẽ khó lòng ngon giấc.

Thương nhân luôn tôn thờ câu “Không có lợi thì không làm”, Ra giá càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Nếu người khác đem lợi nhuận kếch xù đưa cho Trần Tứ Lục thì hắn lại càng phải lo lắng bội phần, không biết mình phải trả giá bao nhiêu mới đáp ứng được. Nguy cơ của Trần gia giải trừ được ba ngày, Trần Tứ Lục cũng mất ngủ ba ngày. Sáng sớm soi gương, Trần Tứ Lục buồn rầu phát hiện, mình gầy đi khá nhiều, dáng người đầy đặn phúc hậu như quả cầu thịt trước kia bây giờ sọp xuống đến không ngờ.

Đây quả thật là bi kịch.

Đời có câu Ơn cứu mạng xuống cửu tuyền cũng phải báo đáp nhưng cho đến giờ Trần Tứ Lục đều nghĩ đó là nói khoác. Cái gì cũng cho Tiêu Phàm thì mình còn gì đâu chứ? Có khác quái gì bị Tào huyện lệnh diệt toàn gia đâu. Mà không cho lại càng không được. Thân là thương nhân tuy chẳng biết Tiêu Phàm bằng cách nào thuyết phục Tào huyện lệnh tha cho Trần gia nhưng Trần Tứ Lục lờ mờ nhận thấy, vị Huyện lệnh đại nhân mới đến đánh giá Tiêu Phàm khá cao, nếu không thì Tiêu Phàm khó lòng thuyết phục được hắn. Nếu việc mình không báo đáp công ơn Tiêu Phàm cứu Trần gia lọt đến tai Tào huyện lệnh, Trần gia có còn quả ngọt mà xơi chăng?

Vì thế, lại quay về câu hỏi ban đầu. Nên trả ơn cho Tiêu Phàm thế nào đây? Quả là câu hỏi khó trả lời đây.

Gả con gái cho hắn?? Suy nghĩ, suy nghĩ.

Chia cho hắn một phần gia sản?? Hừm hừm.. nếu hắn không nhắc tới, mình cứ giả bộ lơ luôn. Thanh niên cần phải phấn đấu mới tốt, không thể cứ ngồi mát ăn bát vàng.

Cho tiền tiêu vặt hàng tháng nhiều hơn một chút?? Cái này thì được à.

Trần Tứ Lục nhìn khuôn mặt ngày càng tiều tụy của mình trong gương rồi cũng nghiến răng quyết định.

- Người đâu, gọi Tiêu…hiền tế đến tiền đường gặp ta!!

Khi Tiêu Phàm lãnh đạm bước vào tiền đường thì Trần Tứ Lục đã khôi phục lại được hình dáng cười tủm tỉm thật thà chất phác như xưa. Thân hình phì nộn ngồi chật cứng trong chiếc ghế làm từ gỗ lim bị tay vịn ép thành từng vòng từng vòng tựa như đang quảng cáo lốp xe đặc chủng. Trần Tứ Lục đang híp mắt chiêm ngưỡng một bức tranh chữ, thi thoảng làm bộ rung đùi đắc ý giống như đang chìm sâu trong ý cảnh của bức tranh khó lòng thoát ra được.

Tiêu Phàm nhíu mày, hắn rất ghét bộ dạng này của Trần Tứ Lục. Bởi vì hắn thừa biết, Trần Tứ Lục là người thất học, ngoại trừ con số trên giấy tờ còn lại nữa chữ cắn đôi cũng không hề quen biết. Thất học mà còn bày đặt học đòi văn vẽ. Lưu manh mà giả danh trí thức sao. Phi!! Ta khinh.

Trần Tứ Lục bỗng nhiên mở mắt, ra vẻ mới thấy Tiêu Phàm đi vào liền cười dài ngoắc ngoắc tay:
- Hiền … tế mau đến xem. Ha ha, ta mới mua được một bản chân tích của tổ tiên từ Mặc Lâm hiên. Đây là của báu gia truyền của Trần gia đấy, là hậu nhân họ Trần sao có thể để nó ở trong tay người ngoài được chứ? Nhờ ơn tổ tông phù hộ, cuối cùng ta cũng mua được..Con bà nó! Mất cả trăm lượng bạc mà cũng không giảm cho ta được tý nào, lão Chu của Mặc Lâm hiên đúng là tên vương bát đản lòng dạ hiểm độc..

Câu cuối cùng đã bộc lộ rõ bản chất thương nhân của Trần Tứ Lục. Nhưng mà tinh thần tôn trọng đạo hiếu của Trần Tứ Lục cũng đúng là phận làm con.

Tiêu Phàm nghe vậy không khỏi nghiêm trang kính bái:
- Chẳng biết tổ tiên của nhạc phụ đại nhân là vị cao hiền nào?

Trong mắt Trần Tứ Lục ánh lên vẻ đắc ý, rồi tỏ ra kinh ngạc nói:
- Ai da, tổ tiên của Trần gia ta mà ngươi cũng không biết sao? Hiền tế à, chúng ta cũng sắp là người một nhà, phận làm con không thể quên gốc bỏ nguồn. Nhớ cho kỹ, tổ tiên của Trần gia ta là Trần Tử Ngang (1)thời Sơ Đường, hiệu là Thập Di tiên sinh. Ha ha, hiền tế à, Trần gia ta cũng được coi như là danh gia à…

Tiêu Phàm ngạc nhiên:
- Trần Tử Ngang là cụ tổ? Thật vậy sao? A! quả thật là cửu ngưỡng… Tiểu tế có thể làm con rể Trần gia thật là vinh quang ngời ngời. Chẳng hay nhạc phụ đại nhân có thể cho tiểu tế chiêm ngưỡng gia phả một chút hay không ? Trần Tử Ngang cụ tổ đời thứ mấy của ngài vậy ?

- À..
Khuôn mặt béo phị của Trần Tứ Lục chợt cứng ngắt, rồi nhanh chóng lộ vẻ khó xử:
- À hèm.. gia phả ta để ở đâu quên mất rồi. Dù sao đó cũng chính là tổ tông của ta! Hay là chúng ta cùng đến chiêm ngưỡng chân tích của tổ tiên đi a..

Tiêu Phàm lập tức ra vẻ hiểu được. Hiểu được ở là đây gì? Hiểu được là lão cha vợ của mình vơ đại tổ tông họ Trần, cũng giống như trát thiếp vàng lên mặt, vô sỉ y hệt như dân Triều Tiên kiếp trước. Nhưng mà tâm lý của Trần Tứ Lục Tiêu Phàm cũng có thể hiểu được, người có tiền ắt sinh lễ nghĩa, tìm một danh nhân nhận làm tổ tông cũng là chuyện thường. Danh với lợi thường đi đôi mà. Ngay cả Hồng Vũ hoàng đế Chu Nguyên Chương cũng không ngoại lệ, sau khi dựng nước cũng sống chết la inh ỏi Chu Hi (2) triều Tống là tổ tông của hắn, nhân dân cả nước có dám hó hé gì đâu.

Tiêu Phàm có chút nghi ngờ, có phải người đầu thời Minh hay có tật xấu thấy người sang bắt quàng làm họ hay không? Đây có phải là làn sóng thời thượng ? Nếu đúng là như vậy mình có nên theo mốt, lật tới lật lui sách sử tìm đại vị danh nhân họ Tiêu nào đó làm tổ tông hay không? Tây Hán Tiêu Hà (3)? Hay là Nam Viện đại vương Tiêu Phong (4)?

Tiêu Phàm rất nhân từ không vạch trần Trần Tứ Lục. Người ta sống chết gì cũng đòi nhận danh nhân làm tổ tông, mình cũng không nên phá. Uầy, cho người ta sướng một chút cũng có sao đâu..

Trần Tứ Lục đầy tự mãn cầm bút tích thật của tổ tiên chậm rãi căng ra trước mặt Tiêu Phàm. Tờ giấy cổ xưa đã ngả vàng, ở trên có mấy cây cỏ rồng bay phượng múa dần hiện ra. Tiêu Phàm chăm chú nhìn, đây chính là đồ cổ a. Sống hai cuộc đời, cuối cùng cũng biết được đồ cổ nó méo tròn thế nào, Tiêu Phàm có chút hưng phấn.

Tiêu Phàm khẽ cúi người, cẩn thận xem xét những chữ tỏa ra mùi mực nhàn nhạt. Trần Tứ Lục cẩn thận giơ lên cao, giọng có chút khoe khoang đọc lớn bài thơ được viết trên giấy:
"Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ."


Bản dịch của Tương Như
“Người trước chẳng thấy ai
Người sau thì chưa thấy
Gẫm trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau mà lệ chảy ”.

(5) xem chương mới tại tunghoanh(.)com
- Đây là bài thơ mà tổ tiên tự tay viết, thấm đượm tình yêu nước thương dân. Là hậu nhân của tổ tiên, nhớ đến mà đau lòng chảy nước mắt a..

Tiêu Phàm nghiêm nghị kính lễ, nhìn kỹ trong chốc lát rồi đứng thẳng lên, khen thật lòng:
- Tình cảm của nhạc phụ đại nhân thật bao la a. Nhưng mà…

- Nhưng mà cái gì?

- Thiếu mất hai chữ, nhạc phụ đại nhân à
Tiêu Phàm biến sắc nói.

- Thiếu.. thiếu hai chữ?
Trần Tứ Lục ngạc nhiên
- Nghĩa là sao?

Tiêu Phàm nhìn Trần Tứ Lục, ánh mắt có chút phức tạp:
- Người trước chẳng thấy ai
Người sau thì chưa thấy
Gẫm trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau mà lệ chảy
Tổng cộng bao nhiêu chữ?

- Hai mươi hai chữ!
Trần Tứ Lục trả lời ngay tức khắc, về mặt tính toán hắn rất có thiên phú.

- Ngài thử đếm bức tranh chữ này có bao nhiêu chữ?

Trần Tứ Lục cả kinh, lần ngón tay chuối mắn, đếm tới đếm lui vài lần.

- Hai mươi chữ!
Khuôn mặt béo phì của Trần Tứ Lục vặn vẹo, hắn cảm thấy có gì đó không ổn.

Tiêu Phàm gật đầu khen:
- Nhạc phụ đại nhân thật thông minh,.. Như vậy nó thiếu hai chữ.

- Hay là tổ tiên cố ý viết thiếu hai chữ?
Trần Tứ Lục nhăn nhó, cố bấu víu lấy chút hy vọng nhỏ nhoi.

Tiêu Phàm chậm rãi lắc đầu, nhìn Trần Tứ Lục một cách đáng thương. Hắn là người nghiêm túc, yêu nhạc phụ nhưng càng yêu chân lý hơn.

- E hèm, trên thực tế…
Tiêu Phàm liếc nhìn Trần Tứ Lục, nghiêm trang nói:
- Ở đây quả có viết một bài thơ. Nhưng mà nó không hề liên quan đến tổ tiên của ngài. Tên của bài thơ này là Tĩnh Dạ Tứ, tác giả không phải họ Trần mà là họ Lý (6)

- Tĩnh .. tĩnh dạ tứ? Thế nào gọi là tĩnh dạ tứ?
Trần Tứ Lục ngơ ngác, khuôn mặt béo mập già nua ẩn hiện mồ hôi.

- Là bài thơ Đầu giường ánh trăng rọi, Ngỡ mặt đất phủ sương đó nhạc phụ đại nhân. Bài thơ này con nít năm tuổi cũng còn biết mà.

Trần Tứ Lục giống như bị phang nguyên một cây vào đầu, há hốc miệng nửa ngày không thốt thành lời.

- Ngươi biết chữ?
Trần Tứ Lục kinh ngạc.

- Biết chút chút.
Tiêu Phàm rụt rè đáp.

Thật lâu sau..

- Lão Chu chó chết, lừa lão tử một trăm lượng bạc!
Khuôn mặt phì nộn của Trần Tứ Lục căng hết cỡ, sắc mặt đỏ bừng, gào thét ầm ầm.

Tiêu Phàm nhìn Trần Tứ Lục đang muốn phát khùng, ánh mắt tràn đầy vẻ thông cảm. Không có văn hóa thật đáng sợ.

Chửi bới cả nữa ngày, Trần Tứ Lục xé toạc cái gọi là Chân tích của tổ tiên thành năm bảy mảnh, rồi xoa xoa ngực, mặt đầy đau khổ ngồi lặng nửa ngày. Thật lâu sau mới thở dài nói:
- Hiền tế à…

- Có tiểu tế.

- Chúng ta bàn việc chính đi.

- Được.

(1): Trần Tử Ngang( 661 - 702) là nhà thơ có địa vị trọng yếu trên thi đàn thời Sơ Đường. Ảnh hưởng của ông rất lớn đối với thi ca thời Thịnh Ðường cũng như phong trào vận động cổ văn thời Trung Ðường. Ông có tên tự là Bá Ngọc, người đất Xạ Hồng, phủ Từ Châu (hiện là tỉnh Tứ Xuyên ). Ông đậu tiến sĩ lúc 24 tuổi năm 684 (đời Đường Trung Tông) làm đại quan trong triều Võ Tắc Thiên với chức Lan đài chính tự sau đó đổi làm chức Tả thập di.

Phong cách thơ của ông xuất chúng, ngụ ý sâu xa. Trần Tử Ngang thời niên thiếu gia đình tương đối giàu có, coi nhẹ tiền bạc, khẳng khái. Sau khi trưởng thành, ông quyết tâm học, giỏi viết văn; đồng thời quan tâm quốc sự , quyết lập công tích về chính trị. Ông thường dâng sớ điều trần về đại kế quốc gia nhưng không được Vũ hậu nghe theo. Vũ hậu là người mưu lược, cương nghị, quyền biến, tâm cơ. Bà không từ một thủ đoạn nào để mua chuộc, lôi kéo hoặc thẳng tay triệt hạ những người tài giỏi thuộc vây cánh của đối phương nhằm thâu tóm quyền lực, Dưới thời của bà những người tài không thuộc bè phái thường bị nguy hiểm.

Trần Tử Ngang khẳng khái, không sợ bức hại, nhiều lần trình tấu, khuyên can. Võ Tắc Thiên lập kế hoạch mở con đường Thục Sơn Kinh Nha Châu công kích dân tộc Sinh Khương, ông đã trình tấu phản đối, chủ trương an cư lạc nghiệp. Nhân việc Vũ Du Nghi phụng mệnh đi đánh Khiết Ðan, ông xin ra làm tham mưu. Vũ Du Nghi không nghe kế ông nên bị bại trận. Ông từ quan trở về quê cũ nhưng vẫn bị bọn tiểu nhân vu tội bắt giam và chết trong ngục.

(2) Chu Hi (朱熹, bính âm: Zhū Xī; Wade-Giles: Chu Hsi), tự là Nguyên Hối, hiệu là Hối Am, sinh ngày 18 tháng 10, 1130 tại Vưu Khê, Phúc Kiến, Trung Quốc – mất ngày 23 tháng 4, 1200. Ông là người đã phát triển học thuyết lí - khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa lí học lên thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu lí học.
Chu Hi là người gốc Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây. Ông là học trò bốn đời của Trình Di, và học trò của Chu Đôn Di. Từ thủa nhỏ, ông đã chịu nền giáo dục của nhà nho. Năm 1151, Chu Hi được triều đình sai đến huyện Đổng An làm chức chủ bạ, thu thuế và coi cả việc giáo dục trong huyện. Ông đậu Tiến sĩ trong niên hiệu Thiệu Hưng, làm quan tới chức Bảo Văn Các đãi chế kiêm Thị giảng cho vua Ninh Tông. Trong suốt 15 năm làm quan, ông dành phần lớn thời gian cho việc học tập và trí thuật.

(3) Tiêu Hà (蕭何) (?-193 TCN) vốn là người huyện Bái (ở vùng Giang Tô ngày nay), là Thừa tướng nhà Hán. Tiêu Hà cùng với Trương Lương, Hàn Tín là "tam kiệt nhà Hán" (Phi Tam kiệt tất vô Hán thất nghĩa là không có tam kiệt trợ giúp thì không có triều Hán). Ông có đóng góp nhiều cho thành công của Lưu Bang trong thời Hán Sở tranh hùng. Ông cũng là người có công giúp Hàn Tín đến với Lưu Bang nhưng đồng thời cũng có phần nào trách nhiệm trong cái chết của Hàn Tín, việc này đã trở thành một ngạn ngữ của Trung Quốc (成也蕭何,敗也蕭何, "thành dã Tiêu Hà, bại dã Tiêu Hà").

(4) Tiêu Phong (Chữ Hán: 萧峯) hay Kiều Phong (喬峰), là nhân vật chính nhất trong ba nhân vật chính trong truyện kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ do Kim Dung sáng tác.
(5) Đăng U Châu Đài Ca

Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ.

Trần Tử Ngang
* U châu : nay là Bắc Kinh

Dịch nghĩa :

Bài ca lên đài U Châu
Trông lại trước không thấy người xưa ; nhìn về sau, không thấy kẽ mới đến. Nghĩ nổi trời đất lâu dài man mác, một mình bùi ngùi rơi lệ.

Bài ca lên đài U Châu

Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

Trần Trọng San dịch

Trước chẳng thấy người xưa,
Sau chẳng thấy ai cả.
Ngẫm trời đất thăm thẳm sao!
Riêng xót xa lệ lã chã.

Trần Trọng Kim dịch

Trước không gặp được người xưa
Sau không gặp được kẻ chưa ra đời
Mênh mang ngẫm lẽ đất trời
Một mình để giọt lệ rơi bùi ngùi

Cao Nguyên dịch

(6): Tĩnh Dạ Tứ là một bài thơ của nhà thơ Lý Bạch

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Bản dịch: Tương Như)

Ý nghĩ trong đêm vắng

Trước giường ngắm ánh trăng sa
Trắng phơi mặt đất, ngỡ là ánh sương
Ngẩng đầu trông ngắm vầng trăng
Cúi đầu lại nhớ xóm làng ngày xưa
Trần Trọng San dịch

Hồn đêm vắng

Bên giường tràn ánh nguyệt
Tưởng đất bạc màu sương
Ngửng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương
Chân Hư dịch

Ý Nghĩ Ðêm Trăng

Trước giường thấy bóng trăng soi
Tưởng chừng mặt đất sáng ngời ánh sương
Ngóng trông trăng tỏ như gương
Cúi đầu trạnh nhớ cố hương xa vời
Vũ Ký dịch


Nguồn: tunghoanh.com/dai-minh-vuong-hau/chuong-18-c7oaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận