Đại Nam Dị Truyện Hệ Liệt Chương 1

Chương 1
NGHIỆP HẦU MA

Nhà Lê Trung Hưng, những năm Cảnh Hưng, tại Trấn Sơn Tây, phủ Tam Đái, tại thôn Thượng có nhà họ Phạm có cái nghiệp khâm liệm. Kể ra thì, từ xưa đến nay, chẳng mấy ai coi khâm liệm là một nghề. Suy đi tính lại, thì khâm liệm chỉ là cái việc lau rửa và đưa người đã khuất vào quan tài. Cũng có những người chuyên làm công việc này khi làng, xã có người qua đời, thù lao cũng có nhưng chỉ là công việc làm thêm, những người như thế vẫn trồng lúa, đánh cá kéo chài như nông dân thường, chỉ là có can đảm dám tiếp cận với tử thi, về cơ bản vẫn không thể dùng công việc đó mà nuôi sống gia đình và bản thân. Vậy nên chỉ nên gọi khâm liệm là việc, không nên gọi là nghề, càng nên tránh từ nghiệp. Thế nên việc nói rằng chuyên nghề khâm liệm cũng hơi quá chăng? Có điều, họ Phạm có đôi chút khác biệt với những điều nêu trên. Họ Phạm có thể nuôi sống bằng nghề hầu ma này, không những thế, lại có thể sống tương đối dư giả. Như vậy đủ gọi đó là nghề. Còn nghiệp thì là do cái nghề này vận vào thân, có muốn tránh cũng không thể tránh được.

Vậy mà dòng họ Phạm đã làm nghề này được nhiều đời. Dân làng vẫn đồn đại nhau rằng, họ Phạm không phải tự nhiên mà làm nghề này cha truyền con nối như thế. Họ truyền tai nhau rằng cách đây tám đời, họ Phạm có một người tên là Phạm Đình Phong, là một người nhỏ bé, gầy gò, lại vốn có bệnh hen từ nhỏ, đã có vài lần tưởng không qua khỏi, chỉ chờ quấn chiếu đem đi. Nhưng Phong vẫn sống, dù lay lắt, ho hen ốm yếu suốt. Thuốc thang chạy chữa cũng nhiều mà sức khỏe chỉ cầm cự được chứ không khá lên. Điều đó người làng Kim Nga coi như một kỳ tích rồi. Nhưng ốm yếu như thế, làm nông không nổi, mà buôn bán thì nhà cũng không có nghiệp. Cha mẹ Phong rất buồn phiền vì biết rằng khi mình trăm tuổi không biết Phong sẽ sống như thế nào, tất nhiên việc lấy vợ sinh con càng khó khăn. Hai vợ chồng nghĩ mà ứa nước mắt, lại đầu tắt mặt tối lo làm việc để dành dụm cho con sau này lưng vốn sống qua ngày. Từ lúc nghĩ thế, hai vợ chồng không quản ngày đêm làm việc cực nhọc, ngoài những việc nông nghiệp còn đi làm thuê cho thiên hạ, ai thuê gì làm nấy, không quản khó khăn vất vả. Dân làng ai cũng thương hai vợ chồng khó khăn, có việc gì cần họ lại nhờ làm. Âu cũng là nước mắt chảy xuôi, đạo lý từ xưa đến nay, không có gì khác biệt.

Nhưng có một chuyện lạ, đó là khi năm Phong lên năm tuổi, là cứ mỗi lần mẹ Phong đi gánh phân tưới mảnh vườn sau nhà thì Phong lại đòi đi theo. Ban đầu mẹ thấy vui vì có con đi cùng. Nhưng có hôm trời nắng quá, thương con, mẹ bắt con ở nhà. Phong khóc toáng lên như đứa trẻ bị cướp mất kẹo, miệng kêu:

C..t, thơm!

Mẹ lấy làm lạ, bèn hỏi cho ra nhẽ, thì Phong nói là phân có mùi thơm, muốn đi theo để ngửi cho thỏa. Mẹ kinh hãi nghĩ là con nói đùa. Khi chồng về bà liền nói với chồng chuyện này. Bố Phong tức giận vô cùng, nhưng chỉ xem con mình thích đi chơi mà không được đi nên mới ăn nói lung tung, bèn nọc ra đánh một trận.

Một lần trong nhà có con chuột chết, tìm mãi không thấy là ở đâu, mà mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Qua vài ngày sau, mới biết, nguyên là Phong giấu một con chuột chết gói vào trong lá chuối, giấu dưới gối. Lúc này đã qua mấy ngày, đã trương phồng lên. Hai vợ chồng mới cả kinh, tin rằng chuyện con mình có dị tính là thật. Chuyện này hai vợ chồng đành giấu kín vì sợ dân làng biết được sẽ coi là Phong bị ma ám, đuổi ra khỏi làng. Từ đó hai vợ chồng nơm nớp lo sợ, tuyệt đối không để Phong tiếp xúc với những thứ ô uế. Đến nhà tiêu cũng phải làm thật xa nhà mà mỗi khi Phong đi tiểu tiêu đều phải đi theo. Có điều, càng ngày cậu bé càng như không cưỡng lại được mùi hôi thối, chúng giống như là một chất nghiện, khiến cho Phong không thể cưỡng lại được, cứ thấy mùi hôi là nán lại nơi đó mãi không thôi.

Chuyện này tiếp diễn đến năm Phong mười ba tuổi. Năm đó, làng có lụt lớn, chết rất nhiều người. Nhà Phong may mắn thoát chết. Khi lụt rút đi, để lại rất nhiều xác động vật và người, qua mấy ngày ngâm trong nước, mùi thật khó tả. Xem ra tình cảnh này chỉ có Phong là thích thú hơn cả.

Không chỉ riêng làng Thượng mà rất nhiều làng, xã khác nơi con sông Thao chảy qua đều bị lụt to. Quan trấn ty[1] lo sợ dịch bệnh bùng phát, hạn trong ba ngày phải đem chôn hết các xác chết, nếu không làm kịp thì phải chịu tội. Lệnh hỏa tốc được truyền xuống tận các xã. Thế nhưng, xã trưởng tại huyện Tam Dương khi ấy là ông Tốn có người cha đi ăn cỗ bị nước cuốn trôi không biết đi đâu. Mà ông Tốn vốn là người con có hiêu, rất tận tâm chăm sóc cha già, thêm nữa lại là người rất tín, nếu cha ông nhỡ chẳng may mà có ra đi rồi thì làm sao có thể để mất xác được? Ông ra lệnh người nhà lùng tìm khắp ba ngày mà không sao tìm ra được. Ông Tốn buồn rầu lo âu mất ăn mất ngủ mấy ngày đêm.

Ông Tốn vẫn chủ ý tìm hỏi, kiếm xa hơn. Đến khoảng nửa tháng sau. Có tin về rằng cụ nhà bị nước cuốn trôi xuống mãi tận thôn Thượng. Ông đến tận nơi xem thực hư, hỏi những người chôn cất thì mới biết đó đích thị là cụ nhà. Ông thương lắm, khóc chừng một lúc lâu, rồi định quay về, ba năm nữa quay lại cải táng cụ. Khi ấy có người trong nhà là thầy phong thủy, ông nhìn quanh khu đất được chôn,chỉ vào  nói với ông Tốn rằng:

- Cụ nhà được chôn nơi đồng không mông quạnh thì làm sao mà tàng phong, mà mạch nước thì cuồn cuồn mà thẳng thế này, thì làm sao mà tụ khí được? Huyệt táng vào nơi này, Chỉ e rằng sau ba năm, ông không có cơ hội quay lại thay áo[2] cho cụ.

Ông Tốn giật mình hỏi phải làm sao. Thầy đáp:

- Muộn cũng phải làm, lập tức đưa về chôn cất tại nơi khác.

Ông Tốn lại hỏi:

- Chôn xuống rồi, lẽ nào lại đưa lên? Đó chẳng phải đại kỵ sao?

Thầy đáp:

- Phép đó thì tôi làm được, chỉ xin ông tin tôi, tôi ắt có cách.

Ông Tốn nghe theo. Bèn bàn định tìm đất chôn mới. Xong đâu đấy bèn sai người chuẩn bị quan tài, tính quật một lên. Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Việc quật mộ vốn đã là đại kỵ, mặc dù chủ nhà đồng ý, nhưng chẳng ai dám làm. Ông Tốn dù là làm xã trưởng nhưng nơi đây chỉ có vài người bà con, mà cũng không ai chịu đứng ra làm. Ông treo thưởng rất cao, tìm mấy người ăn mày ở chợ mãi mới có ba người chịu.

Đêm đó, ông Tốn thắp hương, làm lễ, khấn vái đâu đấy, đợi đến giờ hợp, ra lệnh đào mộ. Người làng ai cũng biết, kéo đến xem rất đông. Vì là mộ chôn vội đất còn nhão nhiều nước nên chỉ đào một lúc là đã thấy manh áo đen lộ ra. Cụ Tốn mừng thầm chuyện sắp thành.

Nhưng ngay lúc đó, một mùi thối khủng khiếp bốc lên khiến người xem đứng xung quanh trong vòng ba trượng không ai là không nôn ọe. Nguyên là xác cụ nhà ông Tốn vốn đã chết được đến nửa tháng không thể tránh khỏi chuyện rữa nát, trương phình, cụ thể hình to lớn, béo dị thường (hay nay gọi là chứng béo phì), vừa rồi người ăn mày vừa làm vừa run cuốc sâu quá, trúng ngay bụng tử thi đang trương phình, thành ra ổ bụng vỡ tung, nội tạng tung tóe khiến ai cũng lợm tởm. Xú khí vốn đã nhiều, nay lại vỡ ổ bụng, thành ra như quả bóng bị vỡ, khí thối tỏa ra khắp không gian. Ba người ăn mày kinh hãi quá, vứt cuốc bỏ chạy một mạch. Người làng chỉ có ai gan lỳ mới đứng lại xem chuyện lạ này, nhưng cũng chẳng ai dám đụng đến cái xác đấy nữa. Thành ra chỉ có ông Tốn với ông thầy đứng trơ lại bên mộ, dù là người thân nhưng ông Tốn cũng phải đứng cách xa đến mười trượng mới tránh khỏi nôn ọe, nói đến chuyện tự mình khâm liệm cho bố, e rằng cũng không thể có đủ dũng khí. Thường thì người thân ruột thịt mình chết đi, ít người sợ hãi khi ở cạnh thi thể vì tin rằng hồn người thân không bao giờ làm hại mình, có điều tình trạng tử thi của cụ nhà ông Tốn như thế này, không phải ông sợ hãi mà đơn giản là không thể làm nổi công việc khủng khiếp này. Mấy lần ông Tốn nhắm muốn tiến lên nhưng đều không bước nổi bước nào. Ông thực sự lo lắng vì tình huống này không thể chần chờ được lâu, để đến gà gáy e rằng đại tử thi lộ dương thì tai hại thật không kể xiết.

Đang lúc đấy thì Phong đến. Nguyên là chuyện quật mộ này cả làng biết nhưng bố mẹ giấu biệt không cho Phong hay, sợ Phong ngửi thấy mùi hôi lại kích động, lộ ra dị tính thì không tránh khỏi phải tha phương cầu thực. Nhưng mới đầu còn giữ được, sau mùi bốc lên tanh hôi cả một vùng rộng lớn, làm sao giấu được “con nghiện” Phong. Mùi càng nặng cậu càng bị kích động, không chịu được phải đến gần nơi có mùi xem thế nào. Cậu chờ bố mẹ ngủ say rồi lẻn ra ngoài, vì thế lúc này mới thấy cậu bé ở đó.

Lúc này cậu bé tiến đến cách mộ có một trượng, mà chẳng hề có dấu hiệu gì kinh dị. Ông Tốn thấy thế, gọi cậu đến trước mặt rồi quỳ sụp dưới chân cậu bé, than lớn:

- Cậu bé ơi, cậu bé giúp tôi chôn bố, công ơn này, không biết lấy gì đền.

Phong không hiểu sao người này lại làm vậy, liền hỏi lại:

- Ông bảo gì cháu?

Ông Tốn lúc này đã bớt kích động, bèn dỗ ngọt Phong:

- Cháu giúp ta đưa cụ nhà vào quan, ta cho cháu rất nhiều tiền, tha hồ mua kẹo.

Phong đáp:

- Cháu không cần tiền, nhưng ông quan cần gì, cháu sẽ giúp ông.

Ông Tốn mừng hơn bắt được vàng. Bèn quay sang nói với thầy đang đứng cạnh, bảo ông hướng dẫn cậu cách khâm liệm. Thầy thấy thằng bé liệu chừng không làm nổi việc nặng, đột nhiên nghĩ ra một cách. Ông nhờ người mang lại một tấm vải lớn và một tấm ván lớn, dặn cậu bé đặt một tấm bùa vào trán người chết rồi quấn xác lại thật chặt như con nhộng.Sau đó kiếm một tấm ván lớn một cạnh đặt dưới mộ, cạnh kia kê lên miệng quan tài, rồi sau đó bảo cậu bé luồn năm cái dây qua xác chết, đóng mấy cái cọc cố định đầu dây lại… tất cả kể một lượt cặn kẽ, rành rọt. Sau đó bắt cậu bé nhắc lại. Cậu bé nghe vài lần mới nhớ hết, bèn cứ thế mà làm.

Thằng bé sức yếu, hì hục làm mấy canh giờ mới xong chuyện thầy giao. Lúc này, mùi thối giảm bớt rất nhiều, ông thầy nhờ năm người thanh niên kéo đầu dây kia. Giống như một cái ròng rọc, cái thây lăn hai vòng trên tấm ván rồi lăn tọt vào quan tài. Ở đây ông thầy cũng tính kỹ việc cái xác lăn thế nào để khi rơi vào quan tài thì vừa vặn nằm ngửa mặt lên, âu cũng là sự tính toán rất tài tình. Sau đó, ông cho đậy nắp quan lại, đóng chặt đinh, yểm đủ sáu tấm bùa lên sáu mặt quan tài rồi cho chất lên xe. Công việc vừa xong thì gà vừa gáy. Ông Tốn và ông thầy nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Riêng ông Tốn có chút xấu hổ vì không dám động vào thân thể bố. Nhưng nghĩ lại, thấy trời còn thương. Những người xem thấy mọi việc xong xuôi thì cũng vui chung với gia chủ.

Ông tốn cầm lấy tay Phong, lúc này nó mệt quá đã ngồi bệt xuống đất, ông xúc động:

- Cám ơn cậu bé, cám ơn cậu bé.

Đoàn người của ông Tốn lập tức trở về nhà, chuẩn bị việc mai táng. Đi không ngừng nghỉ, đến tối về đến nhà thì thấy trong nhà báo tin vui rằng ông Tốn được thăng quan, đến chức…, trát vừa xuống từ sáng sớm. Ông Tốn cả mừng, không ngờ trong một ngày lại làm được hai chuyện lớn, mà đều suôn sẻ thành công cả.

Chỉ trong vòng mấy ngày sau, câu chuyện đã đồn ra khắp cả trấn, ai cũng lấy làm kỳ lạ và kinh dị, nhất là những người kể lại thêm mắm thêm muối vào câu chuyện ví dụ như cậu bé chính là cụ cố nhập vào để tự liệm mình, có người lại nói thằng bé có bản năng thiên phú trong việc khâm liệm, có người lại nói ai mà được cậu bé khâm liệm cho thì giòng họ sẽ phát đạt, giàu có, thăng quan phát tài… Mà các tin đồn thì lớn rất nhanh, nhất là khi có chứng cứ rõ ràng, bao nhiêu người nhìn thấy, chuyện thăng quan là thật, Phong là thật, cái xác là thật, nên ai cũng tin.

Mẹ Phong ban đầu biết chuyện, kinh hãi ngất xỉu, người làng tưởng nghe chuyện kinh dị quá nên ngất đi, thực ra là bà sợ mọi người biết chuyện con mình ưa mùi thối, thành ra không tự chủ được. Hai vợ chồng nghĩ con làm việc tốt, cũng không nỡ mắng mỏ, nhưng lo lắm, cũng phải đề phòng miệng lưỡi thế gian, cho con mình bị ma ám, quỷ nhập mà làm hại. Thành ra cả nhà sẵn sang chuyển đi nếu có diễn biến xấu.

Nào ngờ chẳng ai nghĩ đến chuyện cậu bé tại sao chịu được mùi hôi, mà chỉ nghĩ cậu có dũng khí để giúp đời, ai cũng khen ngợi. Ngay sau khi an táng cha xong xuôi. Ông bèn đích thân mang hậu lễ gồm có vàng, bạc, trâu, bò, vải vóc sang, lại mua gỗ, thuê người làm một căn nhà lớn cho Phong, lại mua ruộng đất tạ ơn ân nhân. Từ đó nhà Phong trở thành giàu có trong làng.

Từ đó về sau, quanh làng nhà ai có việc hiếu cũng đến nhờ cậu bé mát tay khâm liệm giúp. Phong bản tính ngây thơ, chất phác, cơ bản là người tốt, cũng không nề hà gì chuyện giúp đỡ mọi người. Rồi thì không chỉ trong làng, trong xã, mà dần dần đến huyện, đến trấn, ai cũng biết tiếng Phong, cũng nhờ Phong. Của ăn thì chẳng mấy chốc mà hết, nhưng qua biến cố này, Phong có cái nghề trong tay, truyền lại cho con cháu, cũng gọi là có sự nghiệp nổi trội trong nghề hầu ma.

***

Lại nói đến chuyện Phạm Đình Phong khai được nghề gia truyền là khâm liệm, qua đến tám đời, đến đời Phạm Đình Sơn, khắp đàng Ngoài không ai không biết đến tiếng tăm của dòng họ Phạm Đình. Qua tám đời, với không biết bao nhiêu lần khâm liệm, nhà họ Phạm Đình tạo được một tiếng tăm lừng lẫy và là dòng họ duy nhất chuyên làm nghề này. Ba lần khâm liệm vua, bốn lần khâm liệm chúa, dòng họ này ngày càng giàu có bởi cái nghề nhọc nhằn này.

Về cơ bản, cái nghề khâm liệm này chỉ có công việc là đưa người chết vào trong quan tài. Nói ra thì đơn giản, nhưng quan niệm dân gian cực kỳ coi trọng chuyện sống chết, cho nên trong việc tang ma, có rất nhiều những quy củ cần phải nghiêm ngặt tuân theo, chỉ cẩn sơ sẩy một chút thì linh hồn người chết không thể siêu thoát mà đầu thai được. Thông thường, khi có người chết đi, cần phải tắm rửa sạch sẽ cho người đã khuất, rồi cắt móng tay móng chân cẩn thận, chỗ móng tay này cũng không được vứt đi mà phải gói lại đem chôn cùng. Nếu là người già mất đi thì vuốt mắt rồi thay quần áo, gọi là cỗ áo quan. Sau đó còn phải buộc hai ngón chân vào với nhau, hai tay để lên bụng, bó vai bằng sợi dây vải và bỏ vào miệng người chết một ít gạo sống cùng với tiền lẻ dùng làm thức ăn và lộ phí cho hương hồn ngừoi đã khuất. Sau đó, người ta dùng đũa ăn cơm để tráng miệng rồi phủ một tờ giấy hoặc mảnh vải trắng lên mặt. Tiếp đến phải là buông màn thắp đèn đặt cạnh giường. Tiến tới, lập ra một bàn thờ vong trước cửa, đó là một cỗ linh sa có bài vị người đã chết.

Bấy giờ, người ta mới bắt đầu khâm liệm. Thi thể người chết được đặt trên chiếc chiếu, khăn khâm liệm và đũa ngáng mồm mới được bỏ ra, rồi người ta dùng vải trắng gói người chết lại và đặt vào quan tài, gáy được gối lên hai chiếc bát ăn cơm. Người ta còn bỏ thêm một bộ tổ tôm mà bỏ con bài “bát sách” vào trong quan tài. Lúc này quan tài được đặt ở nơi trang trọng nhất của nhà, được kê bằng hai đoạn cây chuối. Lúc khâm liệm như thế phải có thầy cúng làm lễ, trên quan tài được thắp nến, nếu là nam thì bảy ngọn, nữ thì chín ngọn, giữa mặt ván có một bát cơm bong, trên có quả trứng gà kẹp bằng đôi đũa bông.

Về lý thì việc làm của người khâm liệm chỉ là công việc tay chân, tuy cần đôi chút cẩn thận để tắm rửa cho tử thi được sạch sẽ. Nhưng người nhà họ Phạm khâm liệm theo một cách riêng, họ không những là người khâm liệm mà còn là người tổ chức đám tang một cách cực kỳ quy củ. Chẳng những không bao giờ người nhà họ Phạm phạm phải những điều cấm kỵ trong nghề, mà còn có thể giúp cho người nhà trong những lễ như phục hồn, phát tang, phúng viếng, tế vong, quay cữu, tế cơm, cất đám, hạ huyệt, rước vong…

Những điều cấm kỵ trong tang ma, tính ra cũng nhiều không kể đâu cho hết. Ví như nếu trẻ con dưới mười sáu tuổi chết đi, thì mẹ không được đưa tang, mà đám tang phải diễn ra vào chiều tối. Hoặc giả như những người chết ở ngoài nhà như chết đuối, tai nạn thì không được kiêng không được mang xác vào nhà mà làm đám ở nhà kho hay sân đình, rồi thì trùng tang, cưới chạy… Vì nhà họ Phạm làm nghề lâu đời nên những chuyện như vậy rất là thông thạo, có thể giúp gia chủ tránh được những điều cấm kỵ.

Nhưng xét cho cùng thì có một điều đặc biệt làm cho nhà họ Phạm nổi danh như thế, ấy là phàm là những ai được họ khâm liệm thì con cháu nếu là thương nhân thì làm ăn phát đạt, nếu là quan lại thì thăng quan phát tài, cùng đinh như anh nông dân thì mùa màng bội thu, tiền bạc dư giả trong mấy năm liền. Thế nên ai ai cũng muốn có được may mắn được người họ Phạm “giúp”.

Chỉ có một điều lạ là qua tám đời, đời nào dòng Phạm Đình cũng chỉ sinh con độc đinh. Một con trai, không hơn. Dù đủ tiền cưới vài vợ lẽ, nhưng kết cục của tám đời vẫn là một cha một con, không hề có bà con thân thích nào khác. Thực là chuyện lạ.

Lời đồn đại về gia đình kỳ lạ này có rất nhiều, nhưng tựu chung lại một điểm. Nguyên là Phạm Đình Phong vốn là ông tổ khai sáng nghề, nhưng cơ thể gầy gò, ốm yếu như thế, nên ngay cả khi lấy vợ cũng không thể sinh hạ được con cái. Thành ra mặc dù gia đình ngày càng khà giả, nhưng ngẫm cho cùng thì tiền bạc có tích lũy được cũng chẳng có người chôn cất ma chay, thờ cúng.

Ai cũng đinh ninh rằng, đến hết đời Phong gia sản sẽ phá tán mất mà thôi. Nào ngờ, đến năm Phong năm mươi tuổi, người ta thấy trong nhà Phong có tiếng trẻ con khóc oa oa. Mà trước đó vợ Phong bấy giờ đã năm hai, không thế sinh nở được nữa. Vậy đứa trẻ này ở đâu ra? Phong mở một bữa tiệc lớn, mời bà con họ hàng trong làng lại, tuyên bố nhận một đứa bé trai làm con nuôi của một người ăn mày, để sau này có người thờ phụng, hương khói.

Bà con đều chúc mừng cho Phong, bởi con nào mà chẳng là con, miễn là có người hương khói sau này, thì chẳng phải cũng đã là thỏa mãn đường con cái rồi ư? Nhưng thực bụng chẳng ai nghĩ như thế, bởi nếu nhận con nuôi thì nhận cho sớm, chứ ai lại nạp con ở cái tuổi này nữa, vừa vất vả mà đứa trẻ trở nên côi cút khi nào không hay.

Nhưng còn một lý do nữa khiến người ta không tin đó là con nuôi của Phong, bởi trong đứa bé giống nhau như đúc, từ ánh mắt, cái mũi đến bờ môi, thực là như một hình ảnh thu nhỏ của Phong. Thế nên không ai là không hoài nghi.

Vậy phải chăng Phong có con bên ngoài với người đàn bà khác, có khi người vợ cũng chấp nhận cho chồng ra ngoài kiếm một thằng cu nối dõi hay chăng? Chuyện này có thể khiến người ta tin rồi, nhưng vì có một người trong làng thấy một chuyện bèn đem nói với mọi người, thành ra ai cũng kinh hãi.

Đó là trước khi Phong nhận đứa trẻ này, Phong có khâm liệm cho một cô gái chết đuối, mà tuổi thì mới mười sáu mà thôi. Đến khi khâm liệm xong xuôi, buổi tối ngày hôm ấy, người hàng xóm bên cạnh nhà Phong thấy có tiếng cho sủa rất dữ, nghĩ là có trộm, bèn mở cửa ra xem thế nào. Người hàng xóm nhìn quanh không thấy ai, chỉ thấy chó nhà mình lại hướng về phía cổng nhà Phong mà sủa. Chẳng những riêng nhà người này, các nhà xung quanh, chó cũng sủa râm ran. Người hàng xóm thấy lạ liền hướng mắt sang sân nhà Phong mà nhìn. Khi ấy, hàng rào giữa hai nhà thực ra chỉ là  hàng cây râm bụt??? cao chưa quá đầu người, thành thử nhìn sang có thể thấy rõ cổng nhà bên. Ngày hôm ấy lại đúng mùng một, trời đất tối đen, người hàng xóm nghĩ thầm có nhìn cũng không thấy rõ được gì, đang định đóng cửa vào ngủ tiếp thì chợt thấy thấp thoáng trước cửa nhà Phong có một bóng người. Người này rõ ràng là một cô gái mặc áo trắng toát từ đầu đến chân. Kỳ lạ ở chỗ, người con gái này tự phát sáng trong đêm, thứ ánh sáng lờ nhờ như của đom đóm. Người hàng xóm vừa kinh hãi vừa tò mò, bèn dụi mắt nhìn lại cho rõ, thì thấy đúng là một cô gái, mà chính là cô gái sáng nay Phong vừa khâm liệm cho, bấy giờ  đang đứng trước cổng nhà Phong. Mặc dù từ xa, nhưng người hàng xóm thấy rất rõ ràng, đó chính là cô gái ấy, không lẫn đi đâu được, đến mái tóc ướt của người chết đuối, vẫn có thể nhận ra qua thứ ánh sáng nhờ nhờ ấy.

Người hàng xóm sợ quá, định đóng cửa lại thì chợt thấy một bóng đen đi từ trong nhà ra, đứng một lúc với cái bóng sáng kia, rồi hai người cùng nhau đi khỏi.

Tính từ khi người hàng xóm thấy cái bóng ấy, đến khi nhà Phong có đứa trẻ kia, đúng vừa chín tháng có lẻ. Bởi vậy nên trong làng đồn rằng Phong đã ăn nằm với hồn ma kia, rồi đến ngày đến tháng đứa trẻ ra đời thì hồn ma kia lại đem trả lại Phong.

Thế là tin đồn Phong lấy vợ ma lan ra khắp nơi, khiến cho mọi người dần dần lảng tránh nhà họ Phạm, khi đứa trẻ lớn lên cũng không bao giờ có bạn, vì ai cũng sợ hãi mà đe nẹt con cái không được chơi với con Phong. Thế nhưng số người nhờ Phong cho khâm liệm giúp không hề giảm xuống, mà dường như cái tin đồn này làm cho Phong càng trở nên nổi tiếng hơn, càng đông khách hơn.

Kỳ lạ là trải qua nhiều đời, đời nào cũng vậy, người nhà họ Phạm cứ đến năm mươi tuổi mới sinh được con trai, mà đều đột ngột, không thấy vợ người đó mang thai bao giờ. Thành ra mọi người lại càng tin tin đồn ấy.

Đến đời thứ tám thì đến đời Phạm Đình Sơn thì. Khác ở chỗ cha ông cần mẫn tỉ mỉ, chăm chỉ, nâng niu từng li từng tý trong công việc bao nhiêu thì Sơn ngày càng cẩu thả bấy nhiêu. Sơn sinh ra trong gia đình có tiền có thế mặc dù gọi là con nhà danh gia khâm liệm thì hơi khiên cưỡng và tiếu lâm. Sơn ăn chơi trác táng, phàm là nhà giàu mới chịu đến hầu, nên nhiều người không ưa tính kiêu ngạo. Thân cô thế cô, lại kiêu ngạo, người ghét ngày càng nhiều, lại lười làm việc, khi làm cũng qua loa đại khái, không còn giữ được sự tôn trọng người đã mất. Nên nhớ, nghề nào cũng có cái tinh của nó, khi xưa ông tổ nghề Phạm Đình Phong và các đời sau đều kính cẩn khi làm lễ, nhưng Sơn không thế, Sơn nghĩ mình vốn thân thuộc với cõi âm, không có gì phải e dè cả, vì vậy thường ăn nói ngạo mạn, đôi lúc báng bổ đùa cợt quá đáng. Danh tiếng mất mát, từ đó gia đình dần dần lụi bại.

Có một lần Sơn uống say đi qua nghĩa địa, đột nhiên mắc tiểu, liền vạch quần tiểu tiện lên mộ người ta. Đây là mộ mới đắp của một cô gái vừa tròn 16 mắc bệnh mà chết. Các cụ có câu “chết trẻ khỏe ma” ấy là muốn nói đến hồn người chết trẻ thường linh thiêng do dương khí còn nhiều mà đã phải xuống cõi âm là vì vậy. Có người đi qua, liền nhìn thấy, lại rõ ngọn ngành ngôi mộ của ai, làm sao mà mất, nên sinh lòng tốt, bèn đợi khi Sơn tỉnh dậy, khuyên Sơn làm một cái lễ tạ tội với người đã khuất. Sơn cả đời nhiều lần nói lời khi bạc

Có lẽ do đắc tội với người quá cố cho nên ngày hôm sau, người nhà không thấy Sơn đâu bèn đổ đi tìm thì thấy Hùng co rúm bên gần mộ, sốt cao, mê sảng. Kể từ ấy không còn tỉnh táo nữa. Nhiều người nói do Sơn phạm tới những người âm nên kết cục mới như thế. Chuyện thực hư thế nào, chỉ là do nghe kể lại, không dám chắc mười phần.

Có điều chắc chắn là, kể từ khi đó, với gia đình Sơn, trụ cột gia đình đã bị đốn gãy, gia đình đã mấy đời không quen làm nông, lại thêm nhà cũng chỉ có ba người, Sơn nằm liệt rồi, vợ Sơn lại là người ham của, đĩ thõa, thấy chồng như thế mang theo tiền bạc, bỏ con lại mà theo người ta làm vợ lẽ.

Sau đó mấy tháng nhà Sơn bị cháy, dân làng hô nhau chữa cháy nhưng ngọn lửa hung dữ đã đốt sạch cả ngôi nhà lớn. Khi ấy, Sơn nằm liệt giường không thoát ra được, đành phải bỏ mạng.  Dòng họ Phạm Đình bây giờ chỉ còn lại con Quyết, khi mẹ bỏ đi, bố chết, trong nhà không còn thứ gì, đành phải ra trấn ăn xin. Ai cũng nghĩ họ Phạm đến đây là dứt.

Không biết số phận họ Phạm ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.


[1] Quan đứng đầu trấn

[2] Ý nói cải táng

 

Nguồn: truyen8.mobi/t118435-dai-nam-di-truyen-he-liet-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận