Đám bọt nước cứ sủi lên ùng ục, mật độ dày đặc, hơn nữa còn khuếch tán càng ngày càng rộng, tựa như dưới cái ao kia có con vật bự chảng nào đó đang hít thở. Ba người chúng tôi đều đề cao cảnh giác, giương súng lên, lưng áp sát vào tường. Tôi đã căng thẳng đến độ mồ hôi ướt đẫm lòng bàn tay, không biết kết cục đang chờ đợi tôi phía trước là gì, không khỏi cảm thấy lực bất tòng tâm. Đám bọt nước sủi được chừng năm phút, bất chợt dưới đáy ao truyền lên những âm thanh trầm đục không nghe ra là tiếng gì.
Đúng lúc đó, mực nước trong ao cũng bắt đầu rút xuống, trên mặt ao xuất hiện mười mấy xoáy nước. Chỉ thấy bọt bắn lên tung tóe tựa như mười mấy cái bồn cầu tự hoại xả cùng một lúc; cái quan tài hình chậu kia cũng xoay xoay theo dòng nước y như một con quay. Trong nháy mắt nước đã rút đi tầm hai ba mét, tôi ngơ ngác không hiểu có chuyện gì xảy ra, vội chiếu đèn pin xuống ao, bất ngờ phát hiện ra một lối đi hình trôn ốc tạo nên từ những bậc đá gắn vào thành ao, hình như nó dẫn thẳng xuống đáy.
Nước rút đi rất nhanh, tôi còn chưa kịp nhìn cho kỹ thì lượng nước khổng lồ ấy đã mất hút dưới đáy ao đen kịt, chỉ có tiếng òng ọc phát ra từ xoáy nước vẫn vang vang không dứt. Tôi lấy đèn pin quét qua một vòng, phát hiện cái ao này có dạng bát, trên rộng dưới hẹp, sâu hơn mười mét, cho nên ánh sáng đèn pin cũng không chiếu tới nơi. Vả lại bên dưới hơi nước mờ mịt, đáy ao ẩn sau làn sương mù, trong khoảng không tối đen khiến tôi không sao nhìn rõ được.
Tôi chợt nghĩ bọn tôi còn có loại đèn chuyên dùng chiếu sáng trong nước, khả năng xuyên thấu rất mạnh, không biết nó có tác dụng với hơi nước hay không. Vội vàng bảo hai người kia cùng bật đèn lên, điều chỉnh cho tia sáng loe rộng hết mức, đồng loạt chiếu xuống từ ba hướng khác nhau.
Loại đèn này tuy cũng không thể chiếu xuyên qua màn hơi nước, nhưng tạm thời cũng có thể phác họa sơ lược địa hình bên dưới. Đáy ao là một mặt phẳng hình tròn đường kính tầm 10 mét, bên trên khắc phù điêu, cụ thể là hình gì thì không rõ, nhưng có thể khẳng định trên mặt đáy có vài lỗ hổng lớn, xem ra chính là cửa thoát nước.
Khoảng giữa đáy ao phủ kín hơi nước, giữa làn hơi nước có bóng đen lúc ẩn lúc hiện, chẳng biết là vật gì. Bàn Tử nhìn chằm chằm vào nó, cân nhắc hồi lâu rồi nói: “Cậu nhìn xem, giữa đáy ao kia hình như có một tấm bia đá?
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của hắn, chỉ thấy một bóng dáng mơ hồ. Bàn Tử tiếp: “Những bậc thang đá này dẫn xuống dưới, không biết điểm cuối ở đâu. Không chừng bên dưới còn một thông đạo nữa, chúng ta xuống xem thử đi!” Nói rồi nhảy phốc một cái lên đầu thang đá.
Cổ mộ này cực kỳ quái dị, tôi không đồng ý để hắn tùy tiện đi xuống, mới la lên: “Anh việc gì phải vội thế, lúc này xuống dưới đó rất nguy hiểm, muốn xuống thì chí ít cũng phải đợi cho đám hơi nước bên dưới tan hết đã chứ.”
Bàn Tử đã xuống được vài bước, cãi bay: “Không sao đâu, tôi xuống nhìn qua một chút thôi mà, nếu gặp phải trở ngại đương nhiên sẽ quay lên.”
Tôi hiểu tính hắn nên cũng không ngăn cản nữa, chỉ thấy hắn xuống được khoảng hai vòng thì hình như đụng phải thứ gì đó, bèn ngồi xuống nhìn cẩn thận, mới được vài giây đã ngẩng đầu gào lên với chúng tôi: “Chết tiệt, chỗ này lại có chữ Tây!”
Tôi nghe thế thì đờ người luôn, quái, trong cổ mộ thời Minh làm sao có chữ Tây được chứ. Bèn lớn tiếng đáp lời: “Mẹ nó, anh ăn nói linh tinh cái gì thế? Trong cổ mộ thì đào đâu ra chữ Tây, chắc anh nhầm với hoa văn chứ gì?”
Bàn Tử điên tiết quát lên: “Mẹ nó, Bàn gia đây dù không biết tiếng Tây, nhưng cũng đâu có dốt đến độ không biết mấy chữ ABCD cơ bản, cậu xem thường tôi vừa vừa thôi chứ! Nếu không tin thì cậu xuống mà xem!”
Tôi đáp: “Trên đó khắc chữ gì, anh đọc lên xem nào.”
Bàn Tử hình như đã cáu lắm rồi, quát lớn: “Mẹ kiếp, tôi mà đọc hiểu được thì còn gọi cậu xuống làm qué gì!”
Tôi vốn không định xuống, nhưng ở vào tình cảnh này không xuống cũng không xong, đành thở dài một hơi, học theo động tác của Bàn Tử, co chân nhảy lên bậc đá kia. Bậc đá chỉ dài nửa mét, hình như được xẻ ra từ một khối thanh cương nham nguyên vẹn, một đầu gắn vào thành ao, một đầu lơ lửng giữa không trung. Tôi đạp đạp thử mấy cái, xem ra bậc đá này khá rắn chắc, không sợ sụp xuống giữa chừng. Lúc này Muộn Du Bình cũng đã nhảy xuống, hai người chúng tôi một trước một sau tiến lại gần Bàn Tử.
Hắn chỉ vào thành ao nói: “Đây, cậu nhìn xem, mẹ nó nếu đây không phải tiếng Tây thì tôi đem chữ Vương viết ngược lại cho rồi!” (*)
(*) Sở dĩ nói thế vì Bàn Tử họ Vương, câu này ý là “nếu tôi nói sai thì đổi họ cho rồi” í. Cơ mà chữ vương (王) thì viết xuôi viết ngược kiểu gì vẫn là chữ vương, cho nên có thể coi câu thề của anh Vương này như cá trê chui ống :-”
Tôi nhìn qua thì thấy quả thực thành ao bị người ta dùng đục gõ thành mấy chữ cái, dấu vết trông không mới cũng không cũ, lập lức nghĩ tới khả năng những chữ này là do nhóm của chú Ba khắc vào 20 năm trước, không khỏi âm thầm hoảng sợ. Lẽ nào khi chú Ba ngủ, họ đã đến tận đây? Vụ mất tích của bọn họ có liên quan gì đến cái ao quái quỷ này không?
Bàn Tử thấy tôi bắt đầu ngây ra, mới vỗ vai tôi một cái thật mạnh: “Sao, cậu nói đi chứ, tôi nói có sai chỗ nào không?”
Tôi vội gật gù: “Phải rồi phải rồi, để tôi giải thích cho, mẹ nó đây chính xác là tiếng Anh.”
Bàn Tử đắc ý vỗ đùi: “Tôi vẫn thắc mắc tại sao lại có chuyện lạ lùng thế, chúng ta đã đi khắp cái đấu rách nát này mà chẳng tìm được thứ gì ra hồn, thì ra đã có mấy vị anh em tốt người nước ngoài nhanh chân đến trước. Lại nhớ năm nào liên quân tám nước (*) ghé chơi, cũng không nỡ để lại thứ gì cho chúng ta; lần này thì khỏi nói, chắc đã bị vơ vét sạch sẽ rồi.”
(*) Ý Bàn Tử nhắc tới sự kiện liên quân tám nước phương Tây là Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và đế quốc Áo-Hung tiến đánh Bắc Kinh năm 1900 để chống lại sự nổi dậy của phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.
Tôi suy nghĩ một lát rồi đáp: “Không thể phán bừa là người nước ngoài, người Trung Quốc cũng viết được tiếng Tây đó thôi. Lại nói đến khắc chữ, khắc chữ Tây nhanh hơn khắc tiếng Trung nhiều, mấy kí tự này toàn là chữ viết tắt, tôi nghĩ đó có thể là kí hiệu dùng để đánh dấu. Anh xem nét khắc của người này rất ẩu, chỉ sợ khi chạy xuống đây anh ta đã gặp phải chuyện gì cấp bách, cũng có thể đang bị người khác thúc giục; anh ta muốn đánh dấu lại cho người đến sau biết nên mới khắc những chữ cái này.”
Bàn Tử nói: “Cậu nói cũng có lý, nhưng nếu thế thì bọn họ mò xuống đây làm gì? Hay dưới này có bảo bối?”
Tôi biết thừa đầu hắn đang nghĩ lung tung cái gì, quyết định phớt lờ hắn luôn. Bàn Tử đuổi theo tôi, ra sức lải nhải: “Dù sao chúng ta vẫn còn nhiều thời gian, chi bằng xuống đó xem chơi, không chừng còn tìm được đồ đồng đen làm công cụ, chẳng phải là một công đôi việc hay sao?”
Tôi nhìn nhìn xuống dưới, bảo bối v ới tôi chẳng đáng gì, bỏ mạng vì tiền tôi lại càng không ham, có điều nếu dưới đó có manh mối cho biết nhóm Văn Cẩm đã đi đâu thì cũng đáng xuống xem thử một chuyến. Đang chần chừ không biết có nên đi tiếp hay không, đột nhiên nghe Muộn Du Bình nói: “Hình như tôi đã từng đến nơi này!”
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!