Tôi hôn mê suốt ba ngày ròng rã, đến khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Khi vừa mở mắt ra tôi chẳng nhớ được gì, chỉ cảm thấy đất trời cứ xoay mòng mòng, không ngừng nôn mửa, đầu óc choáng váng.
Hai ngày sau, bệnh tình của tôi mới dần dần khá lên một chút, thế nhưng khả năng phát âm đã hoàn toàn biến mất. Dù tôi cố gắng nói cái gì đi chăng nữa, âm thanh phát ra cũng chỉ là những tiếng kêu quái gở. Tôi còn tưởng đầu óc mình bị va đập quá mạnh gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngôn ngữ nên cực kỳ lo lắng, nhưng bác sĩ lại nói đây chỉ là di chứng do não bị chấn động mạnh mà thôi. Mãi cho đến ngày thứ tư, tôi mới có thể miễn cưỡng mở miệng hỏi bác sĩ xem tôi đang ở nơi nào. Bác sĩ nói đây là bệnh viện hội Chữ Thập Đỏ ở Bi Lâm, Tây An. Tôi được mấy người cảnh sát khiêng về, cụ thể tình trạng lúc họ phát hiện ra tôi thế nào thì bác sĩ cũng không rõ, chỉ nói đại khái là tôi bị gãy những mười hai cái xương, hẳn là do ngã từ trên cao xuống.
Ngực và tay trái của tôi bọc đầy thạch cao cho nên tôi cũng chẳng biết mình bị thương nặng đến mức nào. Nghe bác sĩ kể, tôi mới hay mạng mình vẫn còn lớn lắm. Tôi hỏi, lúc nào mới có thể xuất viện, bác sĩ chỉ nhìn tôi cười cười, nói trong vòng mười ngày nửa tháng tôi đừng hòng xuống giường.
Đến tối, người cảnh sát đã mang tôi về đây đến thăm tôi, mang theo cả một giỏ hoa quả. Tôi lại hỏi câu cũ. Giống như bác sĩ, anh ta cũng không biết trả lời ra sao, chỉ nói có mấy người thôn dân ở Lam Điền tìm thấy tôi bên bờ một con suối. Khi ấy tôi được đặt nằm trên một cái bè trúc, những vết thương trên người đã được sơ cứu. Bác sĩ còn bảo, nếu lúc ấy không được sơ cứu, tôi đã chết từ đời thuở nào rồi.
Tôi lấy làm lạ. Những ký ức cuối cùng của tôi là khi chìm vào đáy nước, theo logic thì cùng lắm cũng chỉ nằm vật ra bên bờ sông thôi, sao lại nằm trên bè trúc được cơ chứ? Thứ hai, Lam Điền là vùng cách Giáp Tử Câu phải đến bảy mươi tám mươi dặm đường, chẳng nhẽ, bọn tôi đi men theo con đường dưới lòng sông, bất giác đã đi cả một quãng dài như vậy rồi sao?
Tôi ậm ừ chém bừa cái lý do một mình lên núi chơi sảy chân rơi xuống vực, nói ngàn vạn lần tạ ơn người cảnh sát đã cứu tôi về, sau đó lôi điện thoại ra gọi Vương Minh ngay lập tức. Nhắn cậu ta đến Tây An một chuyến, mang theo ít tiền với quần áo cho tôi. Ngày hôm sau Vương Minh đến nơi, tôi lấy tiền thanh toán viện phí với thuốc men, sau đó mua một chiếc di động và một cái laptop.
Tôi hỏi Vương Minh mấy chuyện làm ăn gần đây thế nào. Cậu ta nói, không có gì quan trọng, chỉ có cha tôi đang ráo riết tìm tôi. Tôi nghĩ chắc là lâu lắm rồi không liên lạc gì nên ông cụ lo lắng. Vì thế tôi báo về nhà một cái tin bình an, nhưng lúc đó cha tôi lại không có nhà. Tôi nói chuyện với mẹ vài câu, tiện hỏi về chú Ba, nhưng lại chẳng có tin tức gì.
Xem ra mọi thứ vẫn y nguyên như trước khi tôi tới đây. Tôi cảm thán một tiếng.
Vài ngày tiếp theo, trong khi đang buồn chán muốn chết, tôi chợt nhớ đến lão Dương. Trong lòng lại chua xót, tôi bèn ngồi trên giường bệnh, lấy bộ trang phục leo núi đã nát tươm mà tôi mặc lúc rơi xuống núi ra, tìm cuốn sổ nhật ký của lão Dương. Cuốn nhật ký vẫn còn đó nhưng đã bị thấm nước nên chẳng còn nhìn rõ chữ gì. Tôi ráng căng mắt ra đọc một hồi. Vẫn chẳng đọc được gì, tôi đành lấy điện thoại, lên mạng giết thời gian.
Tôi tìm kiếm rất nhiều tư liệu, nhưng thông tin về đồ cổ ở trên mạng không nhiều. Tôi miêu tả sơ lược lại hình dáng cây thanh đồng trong đầu, gửi cho vài người bạn xem, một lát sau nhận được hồi âm, đa số đều không biết đó là thứ gì. Hơn nữa, bọn họ nghe miêu tả của tôi cũng không tin, chỉ có vài email là thu hút tôi nhất.
Trong số đó có một email từ Mỹ gửi tới, là một người bạn của cha tôi. Trò chuyện với tôi một hồi, ông ta viết trong mail rằng có một loại cây thanh đồng gọi là “Sáo trụ” bởi hình dạng nó trông như một cây sáo – loại sáo thời cổ. Năm 1984, người ta đã phát hiện ra một cây như thế ở một khu mỏ tại Phàn Chi Hoa, nhưng không lớn như tôi miêu tả, chỉ dài có một đoạn, phần cắm sâu dưới lòng đất cũng đã hoàn toàn rỉ sét.
Cho đến giờ v n chưa có một tài liệu lịch sử nào cho biết thứ này dùng để làm gì, tuy nhiên căn cứ vào Sơn Hải kinh và những tài liệu chép lại từ truyện thơ của một số dân tộc thiểu số, thứ này với “Địa long (rắn)” thời cổ có liên quan đến nhau.
“Nến Cửu Âm” hẳn là một loại rắn sinh sống dưới lòng đất sâu, do quá nhiều năm chui rúc trong khe đá chật hẹp sâu hoắm, không có cơ hội nhìn thẳng cho nên con mắt bị biến đổi giống như cá thờn bơn vậy. Người xưa lấy máu tươi để dụ nó chui lên từ dưới lòng đất, sau đó bắn chết, làm thành đèn nến. Nghe thì thật đáng trách, nhưng vào thời đó nguồn sáng lâu dài là một thứ cực kỳ quý giá, đặc biệt với những người sinh sống về đêm hoặc phải sống trong những hang động quanh năm tối đen như hũ nút.
Tôi thấy ông ta phân tích cũng có vẻ hợp lý, có điều tôi không hiểu nổi vì sao hễ động đến cái “trụ” kia là lập tức xuất hiện loại năng lực vừa kỳ diệu lại vừa khủng khiếp ấy. Tôi gửi hồi âm, hỏi xem trong lịch sử đã từng xảy ra những chuyện kỳ lạ tương tự hay chưa?
Ông ta gửi hồi âm nói vẫn còn một quyển sách đã hư hại nhiều, đó là quyển bút ký dạng tiểu thuyết, bên trong ghi chép lại một sự việc đã xảy ra vào năm Càn Long thời nhà Thanh. Năm đó ở một khu mỏ vùng Tây An đã đào được một cái hộp có hoa văn hình rồng bằng đá xanh trắng. Hoàng đế Càn Long mở ra xem, ngay tối hôm đó đã bí mật triệu mấy vị đại thần vào cung, luận bàn đến khuya. Sau đó, cung Càn Thanh cháy. Mấy vị đại thần kia, ngoại trừ một người rất nổi danh ra, còn đâu toàn bộ đều không được chết già mà đều bị giết một cách thần bí.
Tôi xem khoảng thời gian, đại khái cũng trùng với thời gian sự việc được ghi lại trong “Hà mộc tập” của Lý Tỳ Bà, hẳn là hai chuyện này có liên quan với nhau. Xem chừng người cuối cùng đào ra hộp hoa văn hình rồng đá trắng xanh và những người biết chuyện này đều đã bị diệt khẩu, hoàng đế hạ quyết tâm lớn đến thế chỉ để bảo vệ một bí mật, cái hộp hoa văn hình rồng đá trắng kia rốt cuộc là thứ gì? Liệu có liên quan đến lai lịch của cây cổ thụ thanh đồng không?
Tôi lại gửi mail hỏi ý kiến ông ta lần nữa, ông ta chỉ hồi âm đúng một câu: muốn biết phải đào sâu thêm nữa mới được.
Tôi cười khổ một tiếng, biết đây là việc khó khả thi. Ai mà biết cái cây kia còn mọc sâu đến đâu chứ, biết đâu năm đó người đúc ra thứ này phải mất đến mấy thế kỷ, cho dù muốn đào cũng chẳng biết đào đến bao giờ mới xong.
Còn một email khác là của chú Hai gửi tôi. Chú bảo, khi dân tộc thiểu số kia bị ảnh hưởng bởi văn hóa và phong cách trang trí thời Tây Chu thì giao lưu giữa các dân tộc rất hạn hẹp. Hơn nữa, cách thức liên lạc và chuyển phát thông tin thời đó rất kém phát triển, nên hẳn là có một thời kì bị trì trệ. Nói cách khác, thời gian tôi phỏng đoán dễ chừng là quá sớm, dựa theo quy luật chung, khi dân tộc thiểu số kia phát triển thì ở Trung nguyên hẳn đã sang cuối thời Tần rồi.
Vào thời gian đó, hầu như mọi hoạt động của dân tộc thiểu số này đều na ná việc thi công lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Bọn họ đi săn Nến Cửu Âm có thể là để tinh luyện “Mỡ rồng”, mục đích hẳn cũng tương tự với việc luyện đan tiến cống hoàng đế. Hơn nữa, khi thăm dò cả khu, giống như lăng Tần Thủy Hoàng, tầng dưới cùng có vị thế đứng đầu và cũng có vật thể kim loại khổng lồ. Theo lý mà nói, kỹ thuật luyện kim thời đó chưa đủ để hoàn thành một công trình vĩ đại như thế. Người thi công hẳn phải là người ngoại lai, đến từ một dân tộc có trình độ kỹ thuật luyện kim đặc biệt phát triển.
Chú Hai là fan trung thành của Tần Thủy Hoàng, cái gì chú cũng chém thành chuyện được, tôi không cho suy đoán của chú là đúng.
Một tháng sau, tôi xuất viện. Về đến nhà, dọn dẹp một chút, tôi mới bắt đầu điều chỉnh lại tâm tình của mình. Trở về sinh hoạt bình thường một lần nữa. Tôi dọn lại cái hòm thư đầy ứ đến mức suýt bung ra, xếp riêng một số tạp chí và báo giấy, thế rồi tôi tìm được một phong thư chuyển phát nhanh không kí tên.
“Lão Ngô,
Có đoán ra tôi là ai không?
Phải, tôi chưa chết. Hay cũng có thể nói, tôi vẫn còn sống.
Rất xin lỗi vì đã lôi cậu vào mớ rắc rối này, nhưng dù sao cậu cũng là người tôi tin tưởng nhất, tôi không còn lựa chọn nào khác.
Bây giờ mọi chuyện đều đã xong xuôi cả rồi. Quan hệ của chúng ta, chắc cũng phải kết thúc ở đó thôi. Tôi rất vui vì được làm bạn với cậu, nhưng bây giờ đã chẳng còn gì là quan trọng nữa.
Cậu rất muốn biết ba năm trước đã xảy ra chuyện gì phải không?
Ba năm trước, tôi với mấy thằng bạn đến Tần Lĩnh làm ăn. Chúng tôi đã căn cứ vào truyền thuyết của dân bản xứ, tìm ra hang động dưới gốc cây đa trên đỉnh núi. Bọn tôi bàn tính với nhau, chuẩn bị mạo hiểm chui xuống thăm dò bên dưới. Toàn bộ quá trình cậu đã biết rồi, cho đến khi tôi bị nhốt trong hốc đá.
Lúc ấy, tôi đã vô cùng tuyệt vọng. Tuy tôi không chết ngay lập tức, nhưng sự sống đối với tôi là một điều hết sức đáng sợ. Vĩnh viễn sống trong một xó chật hẹp, trong một hốc đá tối đen nằm sâu trong núi lớn, vĩnh viễn không có ngày thoát ra. Nỗi đau đớn khổ sở này, chắc cậu cũng đã nếm thử rồi.
Tôi nằm trong bóng tối suốt bốn tháng, bốn tháng ấy trôi qua không khác gì địa ngục. Nhưng trong khoảng thời gian này, tôi đã suy nghĩ không ngừng và rồi nhận ra loại năng lực này có liên hệ với tiềm thức. Ví dụ như, tôi muốn mở một cánh cửa trên tảng đá, tôi phải thuyết phục được bản thân mình tin rằng trên tảng đá có một cánh cửa, bằng không dù có nghĩ đến nát óc thì cửa cũng không xuất hiện.
Con người sao có thể lừa dối được tiềm thức của mình. Cho nên, muốn sử dụng năng lực này thì nhất định phải có sự dẫn dắt, cái này rất khó. Tôi đã nói với cậu rồi, nếu quá trình dẫn dắt thất bại hoặc xuất hiện sai sót thì sẽ chẳng thể tưởng tượng nổi thứ c u đã hiện thực hóa ra là gì, cực kỳ đáng sợ.
Tôi không ngừng cố gắng, dần dần cũng nắm được một vài bí quyết. Thế nhưng trong lúc đó, tôi lại phát hiện loại năng lực này sẽ dần dần suy giảm theo thời gian, cuối cùng hoàn toàn biến mất. Cảm giác này rất rõ ràng, giống như thân thể dần dần cảm thấy rã rời vậy. Tôi hiểu rằng nếu không mau mau tìm được cách thoát ra ngoài, rất có thể mình sẽ bỏ mạng nơi đây.
Tôi rơi vào đường cùng, quyết định thử dùng năng lực này phục chế một bản sao của chính mình. Không ngờ thử nghiệm lại thành công, chính tôi cũng thấy hoảng sợ, thoáng cái tôi bỗng phát hiện ra mình đã ở bên ngoài sơn động.
Khi ấy, tôi không hề ý thức được tôi chỉ là bản phục chế, bởi lẽ tôi và bản thể đều sở hữu những ký ức giống hệt nhau. Cho nên khi hắn ta gọi tôi, tôi hoàn toàn không thừa nhận tôi chỉ là bản phục chế. Hắn bắt đầu chửi tôi, nói tôi muốn thay thế hắn tồn tại trên thế giới này, nói muốn tôi biến mất. Tôi rất sợ hãi, tôi đã nghĩ người trong động kia hẳn là quái vật, nên mặc cho bản thể của mình kêu khóc trong ấy, tôi đã tìm thuốc nổ, khiến hang động này hoàn toàn sụp xuống.
Trên thực tế, tôi đích xác biết mình chỉ là bản phục chế, nhưng sâu trong tiềm thức tôi lại không muốn tin vào chuyện này. Cho nên tôi đã rơi vào tình trạng tổn hại nặng nề, tôi tự tay giết chính bản thể của mình, sau đó lại tự ám thị mình rằng tôi chỉ giết đi một kẻ thay thế.
Năng lực mà cây thanh đồng tạo ra có thời gian rất ngắn. Bởi vậy tôi đã bẻ một cành cây thanh đồng, dùng năng lực để thoát ra từ dưới chân cây thanh đồng. Tôi đã mang theo một bộ phận của cây thanh đồng để có thể sử dụng năng lực đó lâu hơn một chút, như vậy tôi mới có thể trốn ra đến thế giới bên ngoài. Về sau thực tế đã chứng minh suy nghĩ của tôi là chính xác, tôi ra đến bên ngoài, nơi chúng tôi đã đào đường vào trước đây. Tôi lại sợ mấy cành cây Thanh đồng chỉa ra dễ bắt mắt nên đem chôn nó vào lòng đất, sau đó trở lại Tây An tìm nơi bán cành thanh đồng đã bẻ.
Đáng tiếc khi đang trao đổi, tôi lại bị cảnh sát chìm bắt tại một hàng đồ cổ. Chuyện sau đó cậu đã biết rồi, khi về đến nhà thì mẹ tôi đã mất. Việc này, tôi không lừa cậu.
Còn một việc nữa tôi phải nói cho cậu biết, sử dụng loại năng lực này không phải không có cái giá của nó. Trí nhớ của tôi sau đó rất kém, có nhiều việc phải ghi lại thì mới nhớ nổi, đó chính là di chứng của việc sử dụng năng lực này. Trên đường đi tôi vốn dàn xếp cho cậu rất tốt, khiến cậu vô tình giúp tôi hoàn thành chuyến thám hiểm này, nhưng tiếc là chuyện ba năm gần đây tôi đã quên rất nhiều, thậm chí ngày đó thoát ra bằng cách nào tôi cũng không còn nhớ rõ ràng, cho nên sơ hở chồng chất. Tôi đoán nếu sử dụng nó thêm hai ba năm nữa, tôi sẽ mất đi toàn bộ ký ức.
Trên người cậu cũng có loại năng lực kỳ lạ này. Tôi không rõ cậu có bị ảnh hưởng hay không, nhưng cậu phải chú ý cẩn thận. Theo tính toán của tôi, loại năng lực này có lẽ sẽ lưu lại trên người cậu rất nhiều năm, nhưng cực kì yếu, hầu như không gây cảm giác gì.
Lão Dương.”
Tôi xem hết phong thư rồi thở phào một cái, không biết nói gì cho phải. Trong thư còn có một tấm ảnh chụp, đó là hình của hắn và mẹ đang ngồi bên bàn, phía sau là biển rộng, có lẽ là đi ra nước ngoài. Mẹ hắn vẫn còn rất đẹp, tuổi còn trẻ, đứng chung với hắn trái lại trông giống một đôi tình lữ hơn. Tôi nhìn đi nhìn lại vẫn thấy trên gương mặt người mẹ có một luồng yêu khí, một vẻ dữ tợn không sao tả rõ được, chắc là do ảnh hưởng tâm lý.
Thời gian cứ thế trôi qua, không biết mùa đông đã đến tự bao giờ. Tôi rúc trong phòng điều hòa, lười biếng ngủ gà gật suốt cả buổi chiều. Nằm trên ghế dựa trong nội đường “Tây linh ấn xã”, hai chân lạnh như băng, tôi chẳng biết làm gì, đang nửa tỉnh nửa mơ bỗng Vương Minh bước vào báo: “Lão đại, có người tìm.”
Bấy giờ tôi mới miễn cưỡng phản ứng, ngáp một cái, bụng bảo dạ đã vào tiết Tam cửu thiên[1] rồi mà cũng có kẻ đến tiệm đồ cổ, sao mà nhiệt tình dữ. Mà thôi, dù gì cũng là chuyện làm ăn, tôi đứng lên, xoa nắn mặt mày, chấn chỉnh tinh thần rồi đi ra ngoài.
([1] tiết Tam Cửu Thiên: thời điểm lạnh nhất trong mùa đông.)
Điều hòa của phòng ngoài công suất khá nhỏ, một cơn gió lạnh thổi qua khiến tôi bất giác rùng mình. Người tới thì ra là cô bé thủ hạ của chú Hải ở Tế Nam, đang run bần bật giữa tiết trời đông lạnh. Tôi thầm nghĩ chắc con bé mang chi phiếu đến cho mình đây, trong lòng ấm lên một tí, liền gọi Vương Minh pha ấm trà. Tôi hỏi han: “Sao rồi nhóc, chú Hải kêu nhóc tới hả?”
Cô nhóc tên Tần Hải Đình, là thân thích của chú Hải, mới mười bảy tuổi đã là một tay sành sỏi trong giới đồ cổ. Nó gật gật đầu, đáp: “Ôi mẹ ơi, sao Hàng Châu còn lạnh hơn cả phương bắc bọn em nữa hả giời.”
Vương Minh cười bảo: “Phía nam tiết trời khô ráo nên đã rét là rét buốt, hơn nữa Tế Nam cũng không được tính là phương Bắc nha.”
Tôi nhìn Tần Hải Đình răng đánh lộp cộp, liền kéo cô bé vào nhà trong. Bên trong có điều hòa ấm áp, lại đưa thêm cho nó một túi giữ nhiệt, rồi hỏi: “Nhóc mày cũng sợ lạnh ghê, sao rồi, ấm lên tí nào chưa?”
Cô bé uống liền mấy hớp trà nóng, rồi ngồi trong phòng duỗi tay duỗi chân, “Khá hơn chút rồi. Người ta bảo Hàng Châu đẹp thế này đẹp thế kia, chú em chẳng cho tới mà em còn cố giành đi, nào ngờ lại lạnh cắt da thế này. Ai da, từ giờ về sau đừng hòng bảo em tới đây lần nữa.”
Tôi hỏi: “Thế chú nhà mày sai mày đến đây làm gì? Sao không gọi điện báo trước một tiếng.”
Tần Hải Đình cởi khăn quàng cổ xuống, móc một cái phong bì từ trong cái ví da, nói: “Đương nhiên là có chính sự, nè, tiền mặt, chi phiếu đủ cả. Tiền bán miếng Ngư nhãn thạch đó.”
Quả nhiên đúng như tôi dự đoán. Lúc nhận tiền tôi đếm lại một lần, không thừa không thiếu đồng nào mới bỏ vào túi áo, nói: “Thay anh cám ơn chú nha.”
Cô bé lại lấy ra một tấm thiếp mời, đưa cho tôi: “Mai mốt chú Hải nhà em sẽ đến Hàng Châu tham gia một hội giám định đồ cổ. Chú bảo anh cũng đi theo luôn, có chuyện quan trọng cần bàn với anh.”
Tôi hỏi: “Mai mốt? Anh không chắc là lúc ấy sẽ rảnh đâu. Sao không nói chuyện trên điện thoại luôn mà phải thần bí thế?” Thực ra là vì tôi không muốn đi. Giám định đồ cổ là công việc rất ngán ngẩm, đối với người trong nghề chẳng qua chỉ là mấy lão già tán chuyện phiếm với nhau thôi, chứ thực chất làm quái gì có lắm điển cố điển tích đến thế. Đồ thật hay giả chỉ cần liếc mắt một cái là biết ngay rồi.
Tần Hải Đình xáp lại gần, hạ giọng thì thầm vào tai tôi: “Chú em bảo, chuyện này có liên quan đến con xà mi đồng ngư kia, không đi là hối hận đó.”