Thuận Tử rốt cuộc cũng không khóc. Hắn chỉ bị kích động trong chốc lát, sau đó cũng bình tĩnh trở lại, cung kính sửa sang lại tóc tai cho cha. Thi thể đã mất nước nghiêm trọng, tóc vừa chạm vào đã rụng xuống lả tả. Chật vật sửa sang mất một lúc, cha hắn trông đã gần giống Cát Ưu (*). Tôi biết trong lòng hắn chắc chắn rất khổ sở, mười năm qua có lẽ hắn vẫn nuôi một tia hi vọng cha mình còn sống, nhưng bây giờ hi vọng đã tan biến, có thể nói hắn vừa nhẹ nhõm lại vừa tuyệt vọng.
(*) Cát Ưu: Diễn viên của Trung Quốc, có quả đầu trọc nổi tiếng. Ý Tà là cha Thuận Tử tuy rụng hết tóc nhưng cũng đẹp trai gần bằng diễn viên rồi.
Bàn Tử và Phan Tử không hiểu chuyện gì xảy ra, ngớ ra mà nhìn, mồ hôi lạnh tuôn trào. Tôi kể lại sơ sơ chuyện mình phỏng đoán với hai người bọn họ, hẳn là cũng không đoán sai.
Bàn Tử nghe vậy cũng rớt nước mắt, nói: “Ông già nhà tôi cũng đi sớm, cả đời làm cách mạng vì quốc gia, cuối cùng lại bị chụp cho cái mũ phần tử phản động. Tâm tình của Thuận Tử tôi có thể hiểu được, nhưng thôi cứ nghĩ theo hướng tích cực đi. Sau mười năm cha con còn có thể gặp lại nhau, vậy là ông trời coi như cũng chiếu cố anh rồi, hãy nghĩ thoáng ra một chút.”
Bàn Tử vừa khóc, Phan Tử khóe mắt cũng rưng rưng, nói vậy là tốt lắm rồi. Các người đều có cha, chứ tôi đây còn chưa được nhìn mặt ổng lần nào. Tôi luôn coi ông Ba như cha mình, vậy mà giờ có biết ông ấy sống hay chết ra sao đâu.
Tôi thấy thế vội hỏi: “Hai người mắc chứng gì thế? Thuận Tử còn chưa khóc mà hai người đã bù lu bù loa lên rồi, mau nhìn xem tại sao bọn họ lại chết ở chỗ này đi.”
Đã vào được đến đây thì không lý nào không ra được, bọn họ chết ở chỗ này chắc chắn là vì đã xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Giờ chúng tôi cũng đang đứng trong mộ thất, tôi không muốn cả đám nối gót bọn họ chút nào. Đồng thời tôi cũng cảm thấy mấy khối thi thể xuất hiện trong này có hơi kì quặc: không tính cha của Thuận Tử vì ông ấy chỉ là người dẫn đường, thì những người khác, theo như lời Thuận Tử, đều khăng khăng lên núi vào cái mùa không thích hợp để lên núi, chắc chắn không phải du khách bình thường. Phải chăng họ cũng có mục đích không thể cho ai biết? Vào đến đây không lẽ chỉ là trùng hợp? Tôi nhất định phải tìm hiểu rõ.
Chúng tôi lục lọi ba lô của những người này, trong đó vẫn còn đầy đủ vật phẩm. Từ cuốn tiểu thuyết đã mục nát đến long cả gáy, bút ký, bút chì, dây thừng gân bò, lều vải hành quân, đèn pin kiểu cũ, dao đa năng cũng cũ nốt (cái này vẫn còn dùng được), từ điển Hàn-Trung năm 1986, kẹo cao su, bật lửa kiểu cũ, bầu rượu, son môi, băng vệ sinh. Hòm thuốc vẫn còn băng gạc, cồn, bông và vài loại rượu thuốc, la bàn quân dụng, vân vân.
Tên cuốn tiểu thuyết là “Thép đã tôi thế đấy”, sách đã cũ nên tôi cũng không dám lật bừa, lật một tờ đảm bảo long ra cả quyển. Bút ký cũng là những bản bút ký công tác cũ kĩ, hồi tiểu học tôi từng thấy cha dùng. Tổng cộng có ba quyển, mở ra thì thấy chúng đều ghi số điện thoại và vài khoản thu chi, thì ra thời đó người ta dùng bút ký vào những việc này. Ngoài ra không còn thứ gì cho biết thân phận của họ, và nhất là không ai mang theo chứng minh thư.
Chúng tôi bày la liệt mấy thứ này thành hàng, gần như các thiết bị đều đủ hết, tuy không tiên tiến được như chúng tôi nhưng để thoát ra ngoài thì không thành vấn đề, dù gặp phải hoàn cảnh hiểm ác hơn nữa thì những trang bị này cũng thừa sức ứng phó.
Vậy thì quái thật. Lòng tôi âm thầm suy xét, bất kể thế nào, dựa vào điều kiện tiên quyết là họ có đủ khả năng rời đi, những người này nếu chết cũng nên chết trên đường ra mới đúng, chứ không phải ngồi chết ở đây, trông như chủ động chờ chết vậy. Chẳng lẽ họ không nỡ xa rời những bảo bối ở đây? Cái này càng vô lý.
Nếu vậy, chẳng lẽ họ chết ở đây là do nguyên nhân kì quặc nào khác? Trong lòng tôi đột nhiên trào dâng cảm giác hoang mang, cứ như trong mộ thất này có thứ gì đó đang theo dõi chúng tôi, không khỏi rùng mình một cái.
Bàn Tử xem xét những thứ đồ đạc chúng tôi bày ra, đột nhiên ‘A!” lên một tiếng, nói: “Này các đồng chí, có phát hiện trong đống vật phẩm này thiếu đi thứ gì không?”
Chúng tôi đang đuổi theo những suy nghĩ riêng, nghe Bàn Tử hỏi vậy cũng cẩn thận nhìn lại mấy thứ kia một lượt, nhưng tôi cảm thấy mọi đồ vật quan trọng đều đủ cả, thực sự không nghĩ ra là thiếu thứ gì, đành phải hỏi hắn: “Thiếu cái gì?”
Bàn Tử đáp: “Lương thực! Không có lương thực! Trong túi tất cả mọi người đều không có!”
Hắn vừa nói ra, chúng tôi đều giật mình, lại liếc qua đống đồ đạc một lượt. Quả nhiên tất cả đều là trang bị, không một vật gì có thể bỏ bụng.
Tôi nghi hoặc nói: “Đúng là không có lương thực, chứng tỏ cái chết của những người này không phải là điều ngoài ý muốn, bởi vì nếu gặp chuyện bất trắc thì không thể trùng hợp đến nỗi tất cả mọi người đều cạn lương thực được. Không đúng, vậy chẳng lẽ bọn họ đã…. ăn hết lương thực, sau đó chết đói trong đây?”
Nói thế cũng không đúng, từ khi hết lương cho đến lúc chết đói, chỉ cần uống đủ nước, một người bình thường cũng có thể cầm cự được một tháng (không nói những người cao hơn hai mét mà nặng có 45kg đâu nhá). Chỉ cần bọn họ có ý muốn thoát ra ngoài thì cũng không đến nỗi chết chùm. Những người này chết đói ở đây thì chỉ còn một cách giải thích, đó là họ không thể thoát ra được.
Nghĩ đến đây tôi chợt nhớ đến cánh cửa mộ đạo biến mất trong mộ huyệt dưới đáy biển, vội nhảy dựng lên, chạy qua đống châu báu rồi chiếu đèn pin về phía cửa mộ. Thấy cửa mộ kia vẫn còn nguyên đấy, không hề biến mất, tôi mới thờ phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn sợ nó đột ngột biến mất nên không biết tiếp theo phải làm gì.
Bàn Tử cũng biết rõ điều tôi lo lắng, bèn an ủi tôi nếu thực sự gặp phải chuyện đó thì trên người chúng ta vẫn còn thuốc nổ, đừng lo. Tôi nghe hắn nói vậy mới cảm thấy an tâm ít nhiều.
“Hay là thế này nhỉ,” Nghĩ tới nghĩ lui vẫn không hiểu thì Phan Tử đột nhiên hỏi Thuận Tử: “Anh có biết đội thám hiểm mà cha anh dẫn đường gồm bao nhiêu người không?”
“Theo lời mẹ tôi thì hình như chỉ có bảy người. Nhưng đây chỉ là con số bà ấy thấy tận mắt, còn thực tế có bao nhiêu người thì chịu. Dù sao lúc xuất phát cha tôi cũng đi với bảy người.”
“Ở đây có ……….. 1 2 3 4 5 6, sáu khối thi thể, vậy có ít nhất hai người đã biến mất.” Phan Tử nói: “Những người này chết ở đây, phải chăng là do hai người kia bị lòng tham che mờ mắt, giết sạch đồng đội còn mình thì chạy thoát.”
Tôi lắc đầu tỏ ý phủ định, những người này không hề có dấu vết đánh nhau, xem tư thế lúc chết là cuộn mình nằm cùng một chỗ thì cũng không giống bị trúng độc, càng không giống chết do ngoại lực tác động. Điều khiến tôi có cảm giác bất thường và quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân chết của bọn họ nhất chính là nét mặt của các thi thể như đúc từ một khuôn, đó là một vẻ tuyệt vọng sâu sắc, tựa như lâm vào hoàn cảnh không còn lấy một tia hi vọng.
Đây là lần đầu tôi trông thấy những thi thể như thế, trong lòng cứ vướng bận mãi không tan. Tôi có một dự cảm rằng chuyện xảy ra ở đây vào năm đó nhất định không đơn giản, mà càng đi sâu vào phỏng đoán, tôi càng cảm thấy xung quanh bắt đầu bao phủ một màn sương lạnh buốt và bất an không sao diễn tả bằng lời. Cứ như trong đống châu báu này có thứ gì đó đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi vậy, cái cảm giác sởn tóc gáy này càng ngày càng rõ rệt.
Ngẫm nghĩ nửa ngày cũng không thông, Bàn Tử và Phan Tử bắt đầu mất kiểm soát, muốn đi mó máy đống châu báu kia. Lúc này tôi bỗng dưng trở nên tỉnh táo lạ lùng, ngăn bọn họ lại, nói tôi thực sự không thể lờ đi mấy người chết giữa đống châu báu kia. Chúng ta trước hết đừng manh động, chớ quên mục đích mình vào đây là gì.
Nghe tôi nói thế bọn họ mới tỉnh ngộ, thoáng cái Bàn Tử đã nghĩ ra điều gì, bèn nói: “Tôi đúng là mê muội, đã quên mục đích mình xuống đây làm gì. Kí hiệu kia dẫn chúng ta tới đây, cửa cũng đã bị nổ tung, nhưng bên trong chỉ là một kho báu? Quan quách thì chẳng thấy đâu. Tôi nghĩ mình hiểu ý nghĩa của kí hiệu kia, chính là ở đây có minh khí, nó chắc chắn do đám người A Ninh lưu lại để nhóm thứ hai của họ tiến vào vận chuyển bảo bối.”
Tôi nói: “Cửa rất có thể do mấy thi thể này phá, nhưng đây chỉ là một mộ thất chứa đồ bồi táng, quan tài chắc chắn không ở chỗ này, chúng ta phải đi về hướng ngược lại.”
Tuy không hợp lí cho lắm nhưng tôi vẫn nghĩ đây là mộ đạo chính, một hướng dẫn ra cửa mộ, hướng còn lại tất nhiên dẫn vào trung tâm địa cung, nhưng giờ xem ra không đúng. Chẳng lẽ mộ đạo kia không phải là mộ đạo chính? Địa cung này rốt cuộc còn rộng đến chừng nào? Hay là giống như một mê cung? Nhớ lại mấy kí hiệu kia, chẳng lẽ đúng là do địa cung quá phức tạp nên bọn họ mới phải lưu kí hiệu?
“Mấy thứ kia xử lý sao đây?” Bàn Tử vẫn còn luyến tiếc.
Tôi nói: “Anh cứ nhặt bừa vài món đem về cũng đủ sống sung túc hết nửa phần đời còn lại. Đừng tham quá làm gì, đằng nào sau này vẫn có thể quay lại đây mà.”
Bàn Tử nhìn mấy khối thi thể kia, hiển nhiên trong lòng cũng thầm nói ‘đã mạo phạm’, nhưng không thể tay trắng trở ra, vì thế hắn chọn mấy món kim khí nho nhỏ nhét vào túi. Thuận Tử khăng khăng muốn đưa thi thể cha ra ngoài, dùng ba lô gói thi thể lại rồi đeo lên lưng. Thi thể đã khô nên không còn nặng lắm, vác theo không quá khó khăn.
Cuối cùng, chúng tôi nhìn lướt qua từng đống từng đống kim khí mã não lóng lánh ánh vàng một lượt, hạ quyết tâm dứt khoát quay đầu, nối đuôi nhau chui qua cái lỗ dưới cửa mộ.
Vừa mới ra khỏi cửa, tôi đã nghe Bàn Tử “Hả?” một tiếng. Trong lòng sớm có dự cảm, tôi vội vàng bật đèn pin chiếu khắp xung quanh, toàn thân không ngừng toát mồ hôi lạnh.
Bích họa trên tường mộ đạo lúc này trông khác hẳn lúc mới đi vào. Không biết t ừ bao giờ, bích họa đỏ rực đã biến thành vô số bóng người màu đen có cái đầu bự chảng.