Chap 12 Giá trị của những bữa cơm xum vầy. Sáng hôm sau, trong tiết học hình họa, thầy Hà thông báo với lớp tôi một tin sét đánh: ”Đầu tháng một này những ai chưa đi nghĩa vụ quân vụ đều phải đăng ký đi một tháng ở trên khu quân sự quốc phòng Mai Lĩnh nhé. Sẽ rất là vui đấy! Các em cứ chuẩn bị tiền dần đi.”
“Vui ý ạ!!!”
“Thầy ơi không đi có được không ạ!”
“ Em không muốn đi!!!”
Mặc kệ cho chúng tôi luôn miệng kêu gào nài nỉ, thầy vẫn bỏ mặc ngoài tai rồi lững thững đi ra ngoài, để lại mấy chục khuôn mặt cứ ngẩn ra… không hiểu là kiểu gì.
Thầy vừa đi ra khỏi lớp, cả nhóm chúng tôi đã túm năm tụm ba, nhăn nhó méo xẹo cả mặt ra với nhau. Cái Nhi có vẻ bất mãn nhất, nó thuộc dạng công chúa lá ngọc cành vàng nên rất ghét việc phải sống chung với người khác trong một căn phòng bé tí, rồi lại còn biết bao nhiêu hạn chế chưa lường trước được nữa chứ. Còn Mai bé thì khác, em ấy có vẻ rất hào hứng. Mai bé cũng là con nhà tiểu thư nhưng em ấy rất hòa đồng, năng động, thích tham gia thể thao và ca hát. Nó còn tự hứa thế nào lên Mai Lĩnh cũng tham gia vài bài văn nghệ nữa chứ. Quyên ở trạng thái trung lập, đối với cô ấy thì thế nào cũng được! Chỉ có riêng tôi và cái Hiền thì thật sự thất vọng. Thứ chúng tôi thất vọng không phải là sợ sống khổ hay những thiếu thốn hạn chế, mà là tổn thất kinh phí.
Đối với Hiền thì còn đỡ, vì em vẫn được gia đình bao bọc, mặc dù không nhiều. Chứ còn đối với tôi, đây thật sự là một thảm họa. Một tháng ở trên Mai Lĩnh… có nghĩa là tôi sẽ không “được” đi làm, không thể kiếm ra tiền, rồi còn bao nhiêu khoản phải chi tiêu khi rời khỏi Hà Nội nữa chứ! Tất nhiên, sau khi đi quân sự về chính là Tết. Tết tốn tiền, ra Tết phải đóng học phí kì hai, càng tốn tiền…
Ôi tiền tiền tiền!
Càng lớn tôi lại càng sợ Tết, sợ những ngày lễ, sợ phải chi tiêu cho những thứ thật sự chẳng có ích gì trong cuộc sống vật chất. Đồng tiền kiếm ra đã khó, biết chi tiêu như thế nào để cho phù hợp lại càng khó hơn.
Tôi thở dài, lê những bước mệt mỏi nặng nề trên nền đất gồ gề nơi sân trường, cố gắng nở nụ cười gượng gạo với lũ bạn, mặc dù lòng đang nặng trĩu những âu lo.
…….
Chiều hôm ấy, sau khi đi làm về, tôi lập tức liên lạc với chị Trâm để đặt vấn đề nhờ chị tìm việc giúp. Chị Trâm là người có kinh nghiệm làm việc đã lâu nên tôi hoàn toàn tin tưởng.
Quả nhiên không làm tôi thất vọng, chỉ một lát sau chị đã tìm được công việc mới cho tôi, đó là làm PG cho một thương hiệu bia thuyền thống của Hà Nội- hãng bia Trúc Bạch. Chương trình tiếp thị kéo dài 3 tuần trước khi tôi đi Mai Lĩnh, lương bốn triệu. Vậy là quá ổn. Tôi lập tức gật đầu!
Bản thân tôi tự thấy mình cũng là một người năng động và có trách nhiệm cao trong công việc. Kể từ năm 18 tuổi đến nay tôi đã trải qua hơn chục ngành nghề khác nhau, mỗi nghề thuộc một lĩnh vực và ở một môi trường mới. Có những nơi rất phức tạp, có những chỗ bị chà đạp, bắt bẻ, thậm chí là sỉ nhục. Tất nhiên, không phải công việc nào cũng vậy, bạn được làm trong một môi trường lịch sự hay không, quan trọng nhất đó là do chủ và người quản lý của bạn là người như thế nào. Nếu họ là những kẻ chợ búa vô học thì thôi rồi, xin chia buồn với bạn. Nhưng mà cũng không sao, công việc càng có tính cọ xát, va chạm cao, bạn càng sớm trưởng thành. Hãy nghĩ tích cực hóa mọi việc!
Tôi là một người như vậy, thế nên tôi luôn tự tin với bản thân rằng mình chắc chắn có để đảm đương được những công việc mới một cách hiệu quả mà không cần qua nhiều ngày học việc. Cái gì cũng thế, phải có lần thứ nhất thì mới có lần thứ hai. Nếu bạn không dám đặt chân bước thử vào một đôi giày, bạn sẽ mãi mãi không biết nó có thật sự vừa với bạn hay không. Tôi thích được đặt chân vào những đôi giày cỡ nhỏ, bởi cảm giác chật chội ban đầu chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy rất kích và khó chịu, thậm chí gây ra đau nhức trầy xước ở phần gót chân, nhưng nếu vượt qua được sự mỏi mệt ấy, rồi sớm muộn gì nó cũng sẽ giãn dần ra, trở thành một đôi giày vừa vặn do chính bạn tạo thành.
…………..
Ngày đầu tiên đi làm thử việc, tôi được phân công đến một nhà hàng khá sang trọng. Điều đầu tiên tôi nhận thấy ở nơi đây là thái độ từ chủ cho đến nhân viên đều hết sức lịch sự. Ngày đầu tiên làm việc suôn sẻ, tôi nhanh chóng thích ứng với công việc mới và cũng bởi ở đây có một chị PG cũ dày dạn kinh nghiệm được cử đến để hướng dẫn cho tôi mấy ngày đầu.
Công việc của tôi chính xác là đứng chào khách, xếp bàn cho họ và khéo léo giao tiếp để mời họ sử dụng sản phẩm bia của mình. Xong xuôi thì sẽ phải đứng rót và phục vụ- gần như bồi bàn vậy!
Song, vì mới làm nên tôi còn khá gượng, ngoài việc nhanh nhẹn chạy loăng quăng giúp mọi người ra thì tôi mời vẫn chưa được lưu loát cho lắm. Lúc bị mấy ông khách chạc tuổi bố mình trêu bằng những lời khiếm nhã, cổ họng tôi vẫn trực trào lên chút cảm giác ấm ức. Nhưng tất nhiên, tôi vẫn cố nhịn và mỉm cười thật tế nhị đối với những lời mời đi uống nước hoặc xin số điện thoại.
Ngày đầu tiên đi làm tuy thuận lợi nhưng chưa gì tôi cũng đã thấy được thật nhiều phức tạp. Nói như chị PG cũ thì một phần lỗi cũng là tại tôi còn quá trẻ, trông non nớt và dễ thương cho nên họ mới cố tình trêu chọc để được nói chuyện thêm vài câu, chứ già nua nhăn nheo đã có hai con như chị thì có mấy thèm trêu đâu cơ chứ!
Lúc đó, tôi chỉ biết tặc lưỡi cười nhạt. Thì ra, đôi khi xinh xắn cũng là một cái “tội” à…
….
Tám giờ tối là lúc tôi được nghỉ ngơi, kết thúc một ngày làm tiếp thị mệt nhoài, cổ họng khản đặc đi vì phải nói liên miệng và di chuyển luôn chân luôn tay. Mặc dù cả người vẫn còn dính đầy mùi bia, nhưng tôi vẫn quyết định sẽ đi qua cửa hàng anh để ngó nghiêng một lát.
Anh chàng “thợ mộc” của tôi chắc đang đóng gỗ còng cọc. Sau khi biết được tất cả nội thất trong cửa hàng đều do một tay anh ấy tự tay thiết kế, tôi lại càng cảm thấy ngưỡng mộ hơn.
Có lẽ là tôi sẽ phóng xe chầm chậm qua đó, xem anh ấy làm việc một chút rồi mới về nhà.
À! Mà bây giờ mới có tám rưỡi, không biết là Long đã ăn tối chưa nhỉ? Theo trí nhớ của tôi thì anh ấy hay đi ăn đêm khi công việc kết thúc vào lúc tối muộn. Thường thì là tầm 11~12 giờ đêm gì ấy. Khổ thân…
Một phút cho ý tưởng lên Vincom mua hai cốc café Highland và mấy cái bánh ngọt tươi rồi bất ngờ đem đến làm thức ăn tối cho chàng hiện lên trong đầu. Nghĩ là làm, tôi liền quành xe một cái rồi phóng vụt đi trên con đường ngược chiều gió.
Ngày hôm nay, rút kinh nghiệm từ lần tập kích hụt hôm trước, tôi quyết định đi đường vòng qua khu chợ, vì như thế sẽ không phải lướt qua trước cửa hàng nữ mà anh đang tu sửa. Dừng lại ở cửa hàng nam, cách nơi anh đang làm việc tầm chục mét, tôi gọi thằng Minh- vừa là em trai xã hội của tôi, vừa là nhân viên đắc lực của anh ra rồi nhét thức ăn vào tay nó. Hớn hở nhắc nhở, bắt nó phải chờ tôi đi khuất rồi mới được mang đồ sang cho anh. Nghĩ tới cảnh anh bất ngờ nhận được bánh và café mà tôi mang tới, không biết anh sẽ cảm thấy như thế nào nhỉ? Thật sự tôi chưa bao giờ có ý tưởng hay hành động bất ngờ quan tâm đến một chàng trai khác mà không phải em trai mình như thế…
Chỉ nghĩ thôi cũng thấy thật vui rồi! Vui khi được dành sự quan tâm chân thành gửi gắm tới người mà mình yêu thương.
Lúc phóng xe chầm chậm lướt qua cửa hàng nữ, nơi anh đang thi triển tay nghề “thợ mộc” của mình, tôi vừa đi, vừa đánh mắt chằm chằm nhìn vào bên trong ô cửa kính, nơi có mấy em ma-nơ-canh đang đứng chống nạnh ngoài vỉa hè, một tay đặt hững hờ trên môi, miệng thì đang há nửa kiểu cười ngớ ngẩn… Rồi bất thình lình… Tim tôi dừng khựng lại… Anh hiện ra trước mắt… lẫn với đám ma-nơ-canh… Và cũng tròn mắt ra nhìn tôi…
Một phút cho màn tưởng niệm bắt đầu…
Tôi rồ ga phóng xe lao như điên về phía trước, mặc kệ tiếng anh gọi “Mai ơi! Dừng lại!” í ơi vang lên từ đằng sau. Trời ơi! Sao có thể xấu hổ như thế này được! Lại một lần nữa kế hoạch của tôi bung bét hết… Thật muốn đấm vỡ ngực mình cho tim bớt nhảy nhót quá đi mất thôi!
- Mai!!! Quay lại đây!!!
Anh gọi đến tầm sáu lần thì tôi bắt đầu bình tĩnh lại, bánh xe đột ngột dừng cái phịch, nhưng tôi quyết định không quay lại mà chờ anh chạy tới. Khổ thân chàng trai của tôi, anh ấy đang bê một cái biển các-tông to đùng, hì hục chạy đến với đôi chân dài mét tám, như con hưu cao cổ vậy! Trông ngớ ngẩn thật!
Tôi vừa nhìn vừa phì cười, cho đến khi anh chạy tới nơi, thở không ra hơi nhìn tôi nói.
- Em đi đâu đấy?
Nhìn những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán anh, mặt tôi bất giác đỏ bừng. Nhưng vẫn lúng túng kịp nói dối.
- Em qua chơi với thằng Minh.
- Chứ không phải qua tìm anh à! Buồn thế! Mà em đã ăn cơm chưa?
Anh vừa nói, vừa lấy hai ngón tay búng nhẹ vào chiếc mũi đang chun lên của tôi một cách rồi dõng dạc chê: “Em ăn mặc cái kiểu gì thế này? Như đắp chăn ra đường!”.
À vâng… Tôi đang mặc trên mình một chiếc áo tự may tự thiết kế, nó rất to, kiểu áo cánh dơi rộng thùng thình, dài đến tận nửa đùi, dáng mullet trước ngắn sau dài, họa tiết hình bông tuyết cách điệu trông rất cá tính mà!!!
Đang cong môi lên đính chính với anh về tác dụng đa năng của chiếc áo thì thằng Minh từ xa bước tới, chắc nó không nghĩ là tôi còn ở lại lâu đến vậy. Nghĩ đến việc đứng đây tám thêm chút nữa thì sẽ hỏng hết bánh kẹo nên tôi liền giục anh trở về cửa hàng còn mình thì vội vàng phóng vụt đi. Anh chỉ kịp kêu “Ớ” lên một tiếng thì tôi đã lặn mất tăm rồi!
Phóng xe trên con đường bạt gió, tôi thầm mỉm cười khúc khích.
Bạn sẽ nghĩ sao nếu thấy một đứa con gái cứ tự cười một mình khi dừng lại ở đèn đỏ mà không biết nó cười vì lý do gì?
Chắc bạn sẽ nghĩ nó bị điên!
Vâng! Tôi điên tình rồi!
Không biết anh sẽ thấy thế nào khi biết được tôi đến đây chỉ để đưa đồ ăn cho anh và lại nói dối rằng là đến chơi với thằng Minh nhỉ? Chắc sẽ bất ngờ lắm!
Tôi thích tạo ra những điều bất ngờ nho nhỏ trong cuộc sống giản dị cho những người mà tôi yêu quý.
Những người mà tôi yêu quý… trong đó có anh ấy!
……
8 giờ 45 phút tôi trở về nhà, vội vàng thay quần áo rồi lôi điện thoại ra kiểm tra ngay lập tức. Ba cuộc gọi nhỡ kèm vài tin nhắn tới muộn. Quả không ngoài dự đoán, tôi hí hửng mở ra xem ngay.
“Sao anh gọi mãi mà không được? Cảm ơn em nhé! Bánh rất ngon, nhưng café thì đắng quá! Hu hu!”
Café đắng á? Tôi nhớ là mình đã nhắc cô nhân viên không dưới hai lần phải cho thêm nhiều đường rồi cơ mà? Hay là mình nhầm lẫn ở đâu…
Vội vàng lôi túi xách ra lục lại, tôi ngớ người khi phát hiện ra hai gói đường màu đỏ vẫn còn được nhét một cách cẩn thận trong ngăn giữa. Thì ra đúng là do mình bất cẩn thật! Sao mà tôi đãng trí thế không biết!
Vừa nói, tôi vừa gõ vào đầu mình vài cái cho chừa đi rồi xin lỗi anh rối rít, hứa sẽ đền bù vào lần sau, nhưng anh lại nói “Anh thích ăn đồ nấu hơn cơ!”.
Đồ tự nấu á?...
Nấu ăn…
Huhmmm…
Nấu ăn…
Thật ra thì tôi cũng biết nấu ăn, nấu cũng không phải là tệ. Nhưng chưa thể đánh giá là ngon…
Vốn tôi cũng đã định dành thêm thời gian vào việc học một khóa nữ công gia chánh, nhưng từ khi bố về, ông kiên quyết tranh hết việc nhà của tôi. Ông chẳng cho tôi đụng vào bất cứ một thứ nào hết. Ông nói “Con vừa đi học, vừa đi làm là quá đủ rồi! Để dành thời gian rảnh mà nghỉ ngơi đi. Bố chưa đi làm gì cả, mấy việc vặt vãnh này để bố lo!”. Lúc đó tôi biết, điều mẹ từng nói… rằng tuy bố đã hết tình cảm với mẹ nhưng vẫn còn rất thương chúng tôi… Điều đó là sự thật!
Nhưng cũng chính vì điều đó đã ngăn cản con đường trở thành cô nữ công gia chánh của tôi. Người ta nói đường vào trái tim của một người đàn ông nhanh nhất là qua dạ dày. Nhưng xem ra thế này thì con đường chinh phục trái tim người đàn ông của tôi chắc sẽ còn rất rất dài mất thôi…
…..
9 giờ tối ngày hôm ấy, sau khi tắm rửa sạch sẽ xog xuôi tôi mới lọ mọ xuống nhà để ăn cơm. Nhìn mâm cơm được đậy vung cẩn thận, thức ăn mỗi thứ mẹ đều phần lại cho tôi một ít. Tôi cảm động lắm!
Ngồi ăn cơm một mình… dễ chịu… nhưng nói thật là cũng rất tủi thân. Cũng đã khá lâu rồi, tôi không phải ngồi ăn một mình như thế này. Thật ra việc bố về sau 18 năm xa nhà, đâu đó trong tôi cũng coi đấy là một điều may mắn. Tính ông hiền hòa, vui vẻ chứ không đáng ghét như tôi đã từng tưởng tượng. Trong bốn tháng, ông quyết tâm thay đổi mọi quy tắc, phá vỡ gần như tất cả những thói quen cũ trong gia đình. Ba mẹ con tôi vốn sống rất phản khoa học, thật ra là chúng tôi học từ mẹ. Mẹ tôi không thích dậy sớm, thế nên bà sẽ cho phép chúng tôi ngủ trương nứt lên đến trưa nếu như ngày hôm ấy không phải đi học. Giờ ăn cơm, vì mẹ có thói quen dồn hết những giận dữ trong một ngày vào bữa ăn, vào dạ dày đang sôi lên ùng ục của chúng tôi… vậy nên hai chị em quyết định hùa nhau không chịu ngồi ăn cùng mẹ nữa. Và mẹ cũng hài lòng với điều ấy, bà nói rằng cảm thấy rất thoải mái khi được ăn xong trước một giờ, sau đó mới gọi chúng tôi xuống đánh chén nốt phần còn lại. Tất nhiên, mẹ toàn cố tình để lại cho chúng tôi những miếng thịt ngon nhất, những lát rau xanh tươi nhất, còn phần đầu thừa đuôi thẹo… mẹ lặng lẽ “chiến” hết.
Có lần, tôi đã rất bực mình sau khi phát hiện ra chuyện ấy và trách mẹ: “Còn đầy thịt nạc đây sao mẹ không ăn mà cứ ăn mỡ thế! Nhỡ mang bệnh vào người thì sao?”.
Mặc kệ tôi nhăn mặt trách, mẹ vẫn giằng ăn những thứ thừa thãi như thế, rồi khăng khăng nói rằng đó là thói quen của mẹ, mẹ thích như thế, tôi đừng xen vào…
Đấy… Mẹ cứ cứng đầu thế…
Tôi không sao khuyên được, cho đến ngày cơn sét giáng trời đánh xuống. Mẹ lên cơn đau bụng quằn quại, mặt tôi như tái dại đi khi bác sĩ báo tin mẹ bị viêm ruột thừa cấp tính. Lúc chờ mẹ trong phòng mổ, tôi đã cố gắng giữ mình thật mạnh mẽ… Bởi vì lúc đó tôi là trụ cột, không có bố, cũng chẳng có ai… Một mình gánh cái trách nhiệm làm chủ gia đình, lo cho mẹ nằm viện, lo cho em ôn thi đại học. Tôi không khóc. Tuyệt đối không để người ngoài thấy vẻ ngoài yếu đuối của cái Mai…
Vậy mà… lúc đi lấy thuốc cho mẹ, tôi vẫn phải trốn vội đi vào một góc khuất nơi gầm cầu thang, khóc ngặt nghẽo, mọi thứ trước mắt cứ dần nhòa đi không sao kiểm soát được.
Càng nghĩ càng thương mẹ, lại phải tự đấm ngực nhắc mình phải kiên cường. Lúc đứng dậy bước ra khỏi gầm cầu thang cũng là lúc tôi kìm cho nước mắt phải lắng xuống, hong khô nó bằng gió trên mỗi bước chân tôi đi. Kể từ ngày đó, tôi gần như trở thành trụ cột thứ hai của gia đình.
Những ngày ở trong bệnh viện, nhìn hơi thở mẹ yếu ớt xanh xao, khuôn mặt buồn phiền nhưng ánh lên nét dịu hiền hiếm có ở người phụ nữ cực kỳ nóng tính là mẹ tôi, lòng tôi đau thắt. Mẹ thấy không? Con đã nhắc mẹ không được ăn mỡ và những thứ ôi thiu rồi mà… Tại sao mẹ cứ gàn con chứ? Để rồi lâm đến nước này đây!
Tôi trách mẹ mà không kìm được nước mắt của mình, lúc ấy chỉ mong mẹ có thể khỏe mạnh, ít nhất thì cũng đủ sức mà mắng vào mặt tôi, cho tôi vài cái bạt tai để tôi biết mẹ còn sức mà cử động. Kể từ ngày đó, mẹ cũng chịu khó nghe những lời mà tôi khuyên hơn. Mẹ chịu để yên cho tôi giành ăn mỡ hay gặm xương, bởi vì tôi khỏe. Bản thân tôi cũng thấy may mắn vì mình có một cơ thể rất khỏe mạnh. Tôi ít khi ốm lắm! Và có thể vừa làm việc vừa đi học quần quật như một con trâu vật vậy…
Còn nhớ hồi tôi học hết lớp 12, lúc ấy tôi thi trượt đại học. Thật ra có lẽ sẽ không trượt nếu như tôi chịu khó thi khối C theo như mẹ đã đăng ký ngay từ lúc đầu, nhưng tôi bướng lắm. Tôi đam mê mỹ thuật, tôi yêu thời trang! Và tôi quyết tâm tự ý thay đổi tất cả hồ sơ vào phút chót. Tôi bước đến cổng trường thi, dán giấy, pha màu khi mà trong đầu chưa hề có chút kiến thức cơ bản nào… Thế là tôi trượt, như một điều hiển nhiên!
Hì! Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên về điều ấy… Không học làm sao tự nhiên mà giỏi được? Nhất là khi tôi lại chẳng có tiền để mà đi học thêm. Nhưng mẹ tôi thì thất vọng vô cùng! Tôi không biết lúc đó mẹ có thật sự ghét tôi không mà bà đã đay nghiến tôi như thế này: “Không nghe lời tao đời mày chỉ có nước xuống địa ngục! Từ nay đời mày, mày quản. Tao không lo cho nữa!”.
Bà nói là làm, kể từ ngày đó, bà không lo cho tôi thật. Không cho tôi một đồng một cắc nào hết. Tôi đi làm, kiếm được tiền thì tôi hưởng. Tôi ốm cũng chẳng ai lo, ho càng chẳng có người chăm sóc. Nhiều lúc quá bận rộn, mọi thứ quay cuồng khiến tôi kiệt quệ, chỉ muốn ngất lịm đi trong một thời gian ngắn để không phải suy nghĩ gì về cái cuộc sống bộn bề này nữa… Nhìn tôi tiều tụy là vậy, nhưng mẹ chỉ lườm và nói: “Mày đang làm trò à? Cái loại trâu bò như mày thì làm gì biết mệt!”.
Bạn biết không…
Tủi thân lắm…
Cảm giác những giọt nước mắt lạnh ngắt cứ lăn dài trên thái dương rồi thấm nhuần xuống nền gối… âm ẩm suốt cả đêm khi tôi nằm thở thoi thóp như thế…
Những lúc đó, tôi đã nghĩ là mẹ không thương tôi. Cũng nhiều lần tự hỏi: “Mẹ ơi! Liệu con có phải là con ruột của mẹ. Bạn bè con chúng nó được mẹ yêu thương lắm! Nhưng… tại sao mẹ lại đối xử với con tàn nhẫn như thế này?!”…
Ghen tị- chính là cảm giác lúc tôi sang nhà bạn bè chơi.
Ghen tị- khi mẹ đối xử với em trai tôi hoàn toàn khác biệt.
Nhưng tôi không biết, mẹ vẫn lặng lẽ đi mua thuốc cho tôi uống. Mặc dù bà vứt thẳng vào mặt tôi như thể bố thí vậy! Thật ra càng lớn, tôi càng nhận ra một điều rõ ràng là… không phải bà không thương chúng tôi. Mẹ nào mà chẳng thương con? Tôi thấm câu ấy lắm! Quan trọng là cách thể hiện của mỗi người khác nhau thôi.
Có thể mẹ tôi nóng tính, cục cằn, thậm chí còn hay nói tục nữa. Nhưng mẹ vẫn là mẹ của chị em tôi. Con cái thì không có quyền chọn lựa cha mẹ. Vậy nên tôi lại càng không thể đòi hỏi mẹ phải dịu hiền hay nhẹ nhàng như những người mẹ khác. Mẹ vẫn yêu thương chúng tôi- theo một cách riêng biệt. Và càng lớn, tôi càng dễ dàng chấp nhận cách thể hiện ấy… cho dù đôi lúc nó vẫn làm tôi cảm thấy hơi nhói lòng và tủi thân.
Càng lớn, tôi càng gần gũi với mẹ hơn. Vì đi làm, cũng bắt đầu phải tự lo những gánh nặng cơm áo gạo tiền. Đi làm không còn chỉ là để lo tiền ăn tiêu, tiền đóng học cho riêng mình nữa. Còn là góp chung với mẹ, đỡ thêm cho mẹ vào những ngày lễ tết. Thật sự cảm giác được làm một phần trụ cột thứ hai của gia đình, tôi vui lắm!
Gia đình tôi vốn không có đàn ông, chỉ có duy nhất một cậu em trai. Nhưng nó rất trẻ con. Dù ăn nói khá già dặn, sắc sảo, nhưng thật ra nó vẫn rất, rất trẻ con. Nó thấy tôi đi làm cực khổ mà không muốn bươn trải. Nói rằng trước sau chẳng phải đi làm? Vậy chờ khi nào tốt nghiệp đại học sẽ làm đúng cái nghề mình theo đuổi là được rồi. Cần gì phải hôm làm lễ tân, hôm làm PG, hôm làm bồi bàn, học hỏi nhiều ngành nhiều nghề cho mất thời gian như tôi làm cái gì?
Cậu em của tôi vẫn con non nớt lắm…
Nhưng tôi thương nó, vì bố tôi xa nhà từ lúc nó mới sinh ra.
Ít ra thì tôi cũng được sống cùng với bố trong hai năm đầu tiên của cuộc đời, chứ không như nó.
Có thể, cũng chính vì điều đó mà nó không hận ông nhiều như tôi, không thù ông dai như tôi.
Ngày ông trở về là bốn tháng trước, khi đó ông đột ngột xuất hiện sau khi tôi tan ca làm vào lúc 12 giờ đêm- tại một nhà hàng karaoke ngay ngoài đường Kim Liên Mới. Các bác giúp tôi lén lút gặp bố. Chẳng hiểu sao lúc các bác cứ úp mở, tôi đã ngầm đoán ra sự thật…
Rồi sự thật ấy như vỡ vụn khi tôi nhìn thấy người bố đã bỏ xa gia đình từ mười tám năm trước. Cảm xúc lúc ấy chẳng biết phải nói thế nào… Một chút hận, một chút đắng, một chút vui…Hòa trộn, khó tả, đau đớn… và lặng lẽ. Tôi không khóc mà cũng chẳng cười. Chẳng gì hết! Hình như chính bởi vì tôi đã tự tập cho mình khoác lên cái vỏ bọc mạnh mẽ… Nên cho dù có đứng trước sóng gió ra sao, tôi vẫn cười được. Nụ cười giả tạo của tôi trông “đáng tin” lắm!
Ông nhìn tôi cười mà lòng cũng khẽ thắt lại. Tất nhiên, tôi không nhận bố, em trai tôi lại càng không. Em trai tôi- một thằng bé sống cực kỳ nội tâm đã phải mở miệng nói rằng: “Có quen biết gì với nhau đâu mà phải giận? Biến đi!”.
Thế nhưng, sau bốn tháng, giờ đây nó còn chấp nhận ông ấy dễ dàng hơn tôi. Bản thân tôi thì vẫn chưa, tất cả những gì tôi thể hiện… như là gọi bố, như là cười nói thân thiện… chỉ là giả dối. Giả dối- như đó vốn là thói quen mà cuộc sống đã dạy cho tôi phải vậy. Không tin được ai thì buộc phải giả dối thôi…
Tin người là thiệt mình! Tôi học được điều đó sau khi đã nếm trải quá nhiều quả đắng sau suốt bốn năm đi làm. Gặp đủ loại người, bị lừa phỉnh bằng mọi công thức cuộc sống. Con người vốn vẫn thế, xử bạc với nhau như thế! Vậy nên nếu không tin ai, cũng không nhất thiết phải thể hiện thái độ thẳng tuột ra ngoài mặt, cứ lặng lẽ mà đề phòng thôi. Biết đâu trong cuộc sống có ngày lại phải tựa vào nhau? Mọi mối quan hệ nếu đã quen biết cũng đều là dựa trên cơ duyên trời định cả. Chỉ có điều là nghịch duyên hay hợp duyên mà thôi. Tôi vẫn cứ tin như thế…