Kuala Lumpur, cuôí tháng 3 năm 2012
Chiếc ô tô trắng với những dải nơ kết bằng vải voan màu nâu đỏ và vàng đô chéo trên vỉa hè Jalan. Tun H s Lee làm bước chân hai người không hẹn mà cùng chậm lại. Trong màn mưa lất phất, ánh đèn vàng sáng choang cùng tiếng kèn trông réo rắt hắt ra từ vòm cửa cao của ngôi đền Ấn Độ như quết thêm một lớp sơn hư ảo cho cảnh hoàng hôn nơi một góc đường cổ kính. Cô gái dừng hẳn, hơi ngửa ô ra đằng sau, những đường nét hài hòa trên gương mặt trầm tĩnh thoáng dao động bởi một chút cảm xúc trộn lẫn giữa tò mò và e ngại Cô muốn quay sang nhìn người cùng đi, muốn nói gì đó với anh, muốn đề nghị anh vào bên trong xem thử, nhưng rồi chỉ đứng im lặng, để mặc những hình ảnh và âm thanh lạ lẫm loang loáng vây quanh mình. Mấy ngày ngay, à không, phải nói là nhiều năm nay mới đúng cô đã làm phiền anh đủ rồi.
* * *
Hà Nội, cuối tháng 6 năm 2002
Cô bé ngập ngừng một hồi lâu trước ngôi nhà có vòm hoa giấy bung xòe những chum hoa hồng tím. Thỉnh thoảng, cô dừng lại, đưa tay về phía nút chuông định bấm, rồi vội vàng lùi ra như thể nó bị hở điện. Gần bảy giờ trời mới nhá nhem, anh đèn tuýp trắng nhờ nhờ và tiếng lao xao của trận bóng đá World Cup đang được truyền hình trực tiếp vọng ra từ sau cánh cổng sắt uốn sơn xanh báo cho cô biết người cô muốn tìm đang ở nhà. Nhưng cô không đủ can đảm bấm chuông hay lên tiếng gọi, cứ đứng lần chần như thế cho tới khi bóng tối buông hẳn xuống.
- Thủy hả cháu?
Câu hỏi bất ngờ vang lên làm cô bé giật mình quay lại. Người phụ nữ dậm đậm xách túi thức ăn đang rảo bước về phía cô, nụ cười tươi rói nở trên khuôn mặt tròn phúc hậu.
- Cháu chào bác. - Cô bé cúi đầu lễ phép.
- Sao không vào nhà mà đứng đây? Tép nó ở trong nhà đấy.
- Dạ, cháu...
Người phụ nữ không đợi cô bé nói hết câu, vừa thò tay mở chốt cổng vừa gọi to:
- Tép ơi!
Người được gọi là Tép từ trong nhà đi ra, vẻ mặt phụng phịu:
- Con nói bao nhiêu lần, mẹ đừng gọi con là Tép nữa, con lớn rồi.
- Quên mất, rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm. - Mẹ của Tép cười cười, nói quấy quá, chỉ ra sau lưng. - Thủy nó sang tìm kìa.
Tép - người mà từ vài năm nay đã đấu tranh để được gọi bằng cái tên khai sinh là Dũng - đợi mẹ đi hẳn vào nhà rồi mới trừng mắt nhìn về phía cô bé lúc này vẫn đứng nép một bên cổng, nói trống không:
- Có việc gì đấy?
Thủy ngập ngừng đi gần lại phía Dũng, nói lí nhí:
- Em có cái này…
- Nói gì thì nói nhanh lên, không ai chờ được đâu! - Dũng đập đập cánh tay một cách không kiên nhẫn. Hừ, chẳng lẽ con bé này không biết đứng ngoài trời lúc sẩm tôi là làm mồi cho muỗi à?
Thủy có vẻ cuống vì giọng nói đầy bực dọc của Dũng, chìa ra một chiếc hộp gói giấy hoa, lắp bắp:
- Em có... có chút quà... mừng anh vào đại học ạ.
Thời buổi nào rồi mà còn ăn nói như trong sách giáo dục công dân thế không biết! Dũng nghĩ trong lúc nhìn lướt mắt qua thân hình mũm mĩm - đấy là nói thiện chí theo giọng mẹ cậu, chứ còn nói theo đúng những gì cậu nghĩ thì phải là tròn quay lơ - của con bé hàng xóm. Nhà con bé ở cách nhà cậu mấy căn. Bố nó với bố cậu ở cùng đon vị hồi chiến tranh biên giới, cùng nhau vào sinh ra tử mấy lần nên dù bây giờ hoàn cảnh chênh lệch nhưng tình cảm hai bên vẫn rất thân thiết. Khi nhà cậu mới chuyển về đây, mẹ cậu còn suốt ngày gọi nó là con dâu.
Ngay từ đầu, Dũng đã không ưa gì nó. Con gái con đứa gì mà chẳng biết xấu hổ, suốt ngày bám lấy người ta. Giá mà nó dễ thương hơn một chút thì có bám sát thế chứ bám nữa, cậu cũng chẳng có ý kiến đâu. Đằng này, người nó rõ là béo, da rõ là đen, ăn mặc thì quê một cục, nói năng thì lí nha lí nhí, học hành cũng chả có gì nổi trội, lại còn động tí là khóc. Ngay cả cái tên nó nghe cũng rõ cải lương: Lệ Thủy. Vì tình cảm hai nhà, cậu phải "tiện đường" đèo nó đi học, phải cho nó sang nhà ăn cơm mỗi khi bố nó đi vắng, còn thỉnh thoảng phải kèm Toán cho nó. Mỗi lần để lũ bạn bắt gặp mình đi cùng nó, cậu chỉ muốn chui xuống đất. Cậu thường lựa những lúc không có mặt người lớn để tỏ thái độ khó chịu với con bé. Dần dần rồi nó hiểu và càng ngày càng ít xuất hiện trước mặt cậu... Mãi cho đến hôm nay - ngày cậu nhận thông báo tuyển thẳng vào đại học.
Tiếng bình luận viên vọng ra từ chiếc TV trong nhà báo hiệu hiệp 2 trận đấu tranh 3-4 của World Cup đã bắt đầu. Dũng bừng tỉnh. Cậu vươn tay giật lấy món quà trên tay con bé, cúi xuống nhìn và nhăn mặt. Chiếc hộp bọc giấy hoa và thắt nơ. Thắt nơ! Chả hiểu nó nghĩ gì nữa! Cậu không cần nghĩ ngợi thêm giây nào, mím môi ấn trả chiếc hộp vào tay con bé. Bàn tay múp míp run lên. Thân hình múp míp cũng run theo. Cậu cố tránh đôi mắt đã bắt đầu hoe hoe đỏ của nó. Không hiểu sao mỗi lần nhìn nó khóc, cậu cứ thấy bứt rứt không yên.
- Cầm về đi, phiền quá! - Dũng bỏ lại câu nói gắt gỏng ấy rồi đi vào nhà. Cậu muốn ngồi quạt mát xem Hàn Quốc rửa mặt cho bóng đá châu Á hơn là đứng đây chịu hơi nóng, muỗi và nước mắt tấn công.
Thủy nhìn theo bóng dáng đã cao nhưng chưa lớn của anh hàng xóm, rồi lại nhìn món quà mà cô đã phải để dành rất lâu mới mua được. Trong ánh sáng nhợt hắt ra từ cửa nhà, lớp giấy hoa và chiếc nơ vẫn ánh lên những sắc màu tươi vui. Thủy nhẹ nhàng ôm chiếc hộp vào lòng, nhẹ nhàng đóng cánh cổng sắt uốn sơn xanh, nhẹ nhàng kéo chốt, nhẹ nhàng bước về nhà, không quay đầu nhìn lại.
Năm đó, cô 13 tuổi. Truyen8.mobi
* * *
Kuala Lumpur, giữa tháng 3 năm 2012
Sau buổi tối Chủ nhật mệt gấp đôi ngày đi làm, Dũng trở lại chỗ ở thuê trên tầng 8 một chung cư xập xệ gần Jalan Chow Kit. Căn phòng chật và bừa đến mức người ta có cảm giác chỉ cần đặt thêm vài món đồ nữa là người đứng bên trong sẽ chết vì thiếu không khí, nhưng Dũng đã sống như thế này được vài năm, và vẫn sống. Dù mỗi tháng phải tiêu non nửa tiền lương chỉ để khỏi bị đá ra cái hộp bí bức này, anh vẫn thấy mình may mắn. Không phải ai cũng có được một chỗ chui ra chui vào yên ổn cách nơi làm việc có hai trăm monorail như anh.
Không thèm cởi giày, Dũng buông người xuống giường, nhắm mắt đợi cơn đau đầu dịu đi. Những câu tiếng Anh pha tiếng Trung gắt gỏng dồn dập của Sarah vẫn ong ong trong đầu làm thái dương anh giật giật. Anh vừa trải qua một tối cuối tuần điển hình với bar, bia, nhạc sống và những cuộc trò chuyện vô bổ với những người chỉ có thể coi là bè chứ không phải bạn. Anh cũng vừa chấm dứt thêm một mối quan hệ thân mật nông cạn nữa, vì lý do không có lý do nào cả. Đúng lúc Dũng bắt đầu thiu thiu ngủ, điện thoại lại reo, tiếng chuông váng lên với âm lượng vẫn phù hợp với môi trường đinh tai nhức óc ở quán bar. Anh vẫn nhăm mắt, bật loa ngoài, "Uây" một tiếng cộc lôc, chuẩn bị đón một tràng công kích màng nhĩ nữa từ Sarah. Nhưng hóa ra không phải. Người gọi là mẹ anh - người vĩnh viễn không biết đến cái gọi là chênh lệch múi giờ. Sau một hồi hỏi han, trách móc và dặn dò, bà đi vào chủ đề chính:
- Này, con còn nhớ con bé Thủy nhà bác Kiên không?
Dũng bóp thái dương, một đôi mắt đẫm lệ xẹt qua óc anh, tiếp theo sau là một thân hình không lấy gì làm thon thả và làn da còn phải làm khách hàng của Pond's rất lâu. Anh ậm ừ.
- Nó tốt nghiệp đại học rồi đấy, nhanh không?
Anh lại ậm ừ.
- Tuần sau nó sang đấy.
- Ừm... - Anh định ậm ừ tiếp nhưng rồi sực tỉnh. - Sang đâu cơ ạ?
- Sang chỗ con ý. Cây-eo (KL) ý. Mẹ hỏi rồi, xuống máy bay là hai rưỡi chiều thứ Bảy. Con đi đón nó nhé. Con bé này nó liều ghê lắm, định im ỉm cứ thế đi đấy...
Mẹ anh bắt đầu kể "con bé" thế này, "Thủy nó" thế khác. Dũng lẳng lặng nằm, lơ đãng nghe. So với lời cật vấn của Sarah, những câu nói liền từ bất tận của mẹ anh dù sao cũng dễ chịu hơn một chút. Truyen8.mobi
* * *
Tiếng kèn réo rắt vừa ngừng, từng hồi trống đã vang lên giục giã. Cô gái cuộn ô, bỏ đôi dép xỏ ngón sang một góc bên ngoài bậu cửa đá chạm hoa, đi về phía có tiếng trống và ánh đèn vàng lung linh. Cô đi qua khoảng sân ngắn lấm tấm mưa để đến gần thềm điện lát đá hoa cương bóng như gương, có rất nhiều người ở đó. Những người phụ nữ mặc saree có họa tiết vàng óng ánh xúm lại với nhau đầy bận rộn. Những người đàn ông da sẫm mặc sơ mi trắng dài đứng dàn hàng với vẻ bồn chồn. Một nhóm thợ chụp ảnh và quay video mặc đồng phục chạy lăng xăng. Không ai giải thích hay hướng dẫn nhưng cô vẫn hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cô nép vào sau một chiếc cột được tô vẽ nhiều màu, trên môi thấp thoáng một nụ cười mơ hồ. Đây có lẽ là lần cuối cùng cô còn được chiêm ngưỡng một đám cưới bằng con mắt đầy mộng tưởng..
Dũng khoanh tay quan sát tất cả, cả đám cưới và cô gái đang xem đám cưới theo cách của một đứa trẻ nhà quê lần đầu thấy ô tô, trong lòng bỗng ran lên một cảm xúc khó gọi tên. Anh đã từng dự đám cưới của một đồng nghiệp gốc Ấn theo đạo Hindu. Trình tự phải nói là khá rề rà, dài dòng. Lẽ ra, ngay từ đầu, anh nên ngăn cản khi cô bước vào, nên giải thích qua loa rồi kéo cô đi. Nhưng anh chẳng làm gì cả, chỉ đi lững thững sau cô, mặc kệ sự không kiên nhẫn của bản thân và mặc kệ thời gian trôi. Dù sao thì giây phút gặp cô ở sân bay, anh đã biết là mình sẽ có những ngày rất khác.
* * *
Sân bay quốc tế Kuala Lumpur luôn nằm trong top 10 sân bay tốt nhất thế giới, nhưng điều đó không làm cho việc tìm đón một người vừa xuống máy bay trở nên dễ dàng hơn. Dũng không muốn bắt chước nhân viên các khách sạn hay hãng lữ hành, cầm tấm biển ghi tên người cần đón. Anh đứng tì tay vào hàng rào ngăn cách, đưa ánh mắt len lỏi vào đám đông những người vừa ra khỏi khu vực nhập cảnh, cố gắng tìm một hình dáng mà chính anh cũng không chắc là trông như thế nào.
Thật lâu sau, khi những người khách trên chuyến bay từ Việt Nam đã vãn hết, anh vẫn chưa thấy ai giống như trong trí nhớ. Đúng lúc anh bực bội đập tay vào lan can inox và quyết định bỏ về, một cô gái mặc váy digan kéo vali đến trước mặt anh, lên tiếng chào. Dũng sửng sốt. Con bé hàng xóm mà hồi xưa anh vẫn lén gọi là "trâu lăn" đây ư? Thân hình không cao nhưng cân đối, thậm chí còn hơi gầy theo tiêu chuẩn đẹp của người bên này. Làn da vẫn sẫm màu nhưng là một sắc nâu mịn màng rất hợp thẩm mỹ Tây hóa bây giờ. Trên gương mặt đã mất hết nét phúng phình trẻ con của cô, anh chỉ thấy đôi mắt là còn có vẻ quen thuộc, dù chúng không còn ngước lên nhìn anh đầy ngưỡng mộ nữa mà đang chăm chú ngó vào cuốn sổ nhỏ cô cầm trong tay.
- Em có tra trên mạng, người ta bảo phải mua sim điện thoại luôn ở sân bay...
Câu nói làm Dũng sực tỉnh, anh chỉ tay về một góc sảnh:
- Quầy bán sim ở đằng kia. Mua sim thì phải trình hộ chiếu. Ở đây người ta chỉ tiêu Ringgit, nên phải đổi tiền trước, quầy đổi tiền ở ngay gần quầy bán sim...
Chưa nói dứt câu, anh cúi xuống định kéo chiếc va li giúp cô, nhưng cô đã nhanh hơn một nhịp:
- Anh cứ để em tự làm.
Nghe vậy, anh cũng không tranh, chỉ nhún vai rồi nhanh chóng vượt lên trước dẫn đường. Cô lặng lẽ đi đằng sau, cảm thấy dễ thở hơn một chút. Cô đã quá quen với việc nhìn theo anh rồi. Còn việc đối diện và trò chuyện ư? Không ai biết, vừa rồi, để nhìn anh và nói được mấy câu một cách bình thản như vậy, cô đã run đến mức nào.
"Cố lên, chỉ cần về đến khách sạn nữa là xong." - Cô cố gắng tự nhủ như vậy.
Nhưng dường như số phận nghe được cả những câu tự nhủ mà không cần cố gắng của cô. Khi anh đưa cô tới khách sạn mà cô đã đặt, nhân viên khách sạn nhã nhặn thông báo rằng họ đã đầy khách, không hề nhận được thông tin của cô và không biết trang web đặt phòng A. là trang nào. Sau một hồi thương lượng không hiệu quả, lớp vỏ bình thản của cô dần rơi rụng. Cô lại nhìn anh bằng đôi mắt sũng nước như năm nào. Và thay vì cáu kỉnh rồi mặc kệ cô kéo va li đi tìm một khách sạn khác, anh đã đưa cô về nhà.
Suốt mấy ngày sau đó, cô làm khách trọ bất đắc dĩ trong chiếc hộp trên tầng 8 ở Jalan Chow Kit của anh. Mới đầu, cô chỉ định ở lại một đêm để tranh thủ lên mạng tìm khách sạn khác. Nhưng sau khi biết cô đã thanh toán hết tiền phòng cho web A. và số tiền cô mang theo thì chỉ đủ để thuê chỗ ngủ trong những dom cả chục khách nam nữ lẫn lộn của nhà trọ bình dân, anh đã quyết định để cô tiếp tục ở lại. Dù không được chuẩn bị để đón khách nên phải mất cả tiếng dọn dẹp mới tạm thu xếp xong một chỗ ngủ, căn hộ này vẫn tiện nghi và an toàn hơn hẳn. Truyen8.mobi
* * *
Tiếng nhạc bớt dồn dập hơn. Hai người đàn ông trong đó có chú rể dắt tay nhau đi vào giữa điện, nơi thầy tu đang ngồi. Chú rể có vẻ còn khá trẻ, mặc áo sơ mi dài kiểu Ấn, vạt và tay áo thêu những hoa văn cầu kỳ bằng chỉ vàng óng ánh. Thầy tu ở trần, vắt một chiếc khăn trắng dài qua bên vai, không ngừng rung chiếc chuông trong tay. Khi chú rể đã ngồi xuống bên thầy tu, những du khách nước ngoài tò mò vây quanh chụp ảnh bắt đầu giãn ra những tiếng trò chuyện râm ran tạm lắng, khắp chính điện chỉ còn tiếng đọc ê a của thầy tu, có lẽ là một bài kinh hay lời khấn.
Cô tranh thủ cúi xuống xem lại mấy bức vừa chụp trên máy ảnh, tự nhiên bấm quá tay khiến máy tua về tới bức ảnh chụp trước đó. Trong ảnh, người đi cùng cô đang đứng ở một góc tường ven đường nói chuyện điện thoại. Ảnh chụp từ quá xa nên không thấy rõ, nhưng cô vẫn nhớ nét mặt của anh lúc đấy, một vẻ không kiên nhẫn mà trước kia cô từng thấy rất nhiều lần. Giờ đây, nó dành cho người khác. Cô biết người ấy là ai.
* * *
Đêm đầu tiên ở Malaysia, phần vì lạ nhà, phần vì đã ngủ đủ trong các chặng di chuyển, Thủy gần như thức trắng. Cô không dám trằn trọc trở mình nhiều, sợ làm phiền Dũng, chỉ nằm yên trong bóng tối, để đầu óc chạy lan man về mười năm trước, vài ngày trước, vài giờ trước rồi lại chạy lan man sang ngày mai, ngày kia, ngày kìa... Chợt cô nghe thấy tiếng nói chuyện từ giường vọng ra. Ban đầu chỉ là những tiếng ậm ừ thì thào như nói mê, nhung chỉ sau vài phút, cô biết đó là một cuộc cãi vã qua điện thoại. Tuy trình độ tiếng Anh không đủ để theo sát từng chữ, cô vẫn biết người ở đầu bên kia là nữ, đang tức giận và có vẻ khá... vô lý. Một lúc lâu sau, cuộc cãi vã chấm dứt, căn phòng chợt tĩnh lặng đến mức nghe rõ tiếng ro ro của tủ lạnh.
- Ngủ chưa Thủy? - Dũng hỏi đột ngột.
- Chưa ạ. - Cô trả lời sau vài giây nghĩ ngợi.
Trái với suy đoán của cô, anh không giải thích gì về cuộc cãi vã, chỉ hỏi một câu vô thưởng vô phạt:
- Ngày mai có định đi đâu không?
- Chắc em đi tháp đôi.
- Nếu không cần lên cầu nổi hai tháp, thì bảy giờ bảy rưỡi tối hãy đi, lúc đó hoàng hôn, chụp ảnh đẹp hơn.
- Vâng.
- Ban ngày nên đi công viên hoặc cung điện.
- Vâng... Để mai em xem lại.
Anh ngập ngừng muốn nói thêm gì đó, cô cũng ngập ngừng muốn hỏi thêm gì đó, nhưng cuối cùng không ai mở lời. Căn phòng chỉ còn tiếng ro ro của tủ lạnh.
* * *
Khi lời cầu khấn dành cho chú rể chấm dứt, một người đàn bà đứng tuổi bưng chiếc đĩa có lửa và hoa huơ huơ trước mặt chú rể. Sau vài nghi thức trang trọng nữa, một đoàn phụ nữ đưa cô dâu tiến vào. Cô dâu mặc bộ saree màu tía, trang điểm cầu kỳ và đeo những chiếc vòng vàng chạm trổ lộng lẫy trên trán, trên cổ tay. Đôi uyên ương ngồi bên nhau, đưa tay hơ lên ngọn đèn trên đĩa kết hoa và nhận những hành động ban phước của thầy tu cũng như của người thân.
Nhìn nụ cười ngượng ngập ngọt ngào của họ, bất giác Thủy nghĩ về Dũng và cô bạn gái cũ thích gây sự của anh. Hẳn hai người cũng từng có thời gian hạnh phúc, nhưng tất cả những gì cô chứng kiến chỉ là những di chứng xấu xí.
* * *
Tối khuya, chiếc xe khách từ Genting thả Thủy xuống một bến ở lân cận phố Tàu, vừa kịp đi chuyến monorail cuối về Chow Kit. Lúc sáng, cô có để lại giấy nhắn báo cho Dũng biết là mình đi Genting. Giờ làm việc của Malaysia muộn hơn Việt Nam, anh thường ngủ dậy muộn và ở lại công ty đến tối mịt, sau đó lại hay có hẹn tới nửa đêm, cô thì vẫn giữ thói quen ngủ sớm dậy sớm ở bên nhà. Hai người chỉ có thể "nói chuyện" qua mẩu giấy nhắn đặt trên bàn cạnh sofa.
Cô không thấy bất tiện với cách trao đổi tin tức gián tiếp này, thậm chí còn thấy may mắn vì có nó. Nó không chỉ giúp cô diễn đạt được điều cần diễn đạt mà không phải bận tâm xem mình có run rẩy bối rối không, nó còn đem đến cho cô những hồi âm mà cô khó có thể nghe thấy bằng lời. Như hôm qua chẳng hạn, cô đã đánh bạo mua một ít rau củ về làm nộm rồi để lại giấy "mời" anh ăn. Sáng nay, cô dậy sớm chuẩn bị đi Genting, thấy chiếc hộp đựng nộm đã được rửa sạch úp trong tủ, và trên bàn là mẩu giấy nhắn có dòng chữ cảm ơn của anh. Mấy lời ngắn ngủi đó khiến cô lâng lâng vui vui trong suốt chuyến đi dài.
Vẫn mang tâm trạng dễ chịu ấy, cô quay trở lại chiếc hộp trên tầng 8 của anh. Thật không may, thứ đầu tiên chào đón cô trở về lại chính là cái va li của cô, nó bay thẳng về phía chân cô như một tảng đá. Cô không kịp tránh, ngã khuỵu luôn xuống. Một cô gái trạc tuổi cô nhưng cao lớn hơn xông tới túm lấy cô, rít lên bằng tiếng Anh:
- Cô là con &#% nào? Tại sao cô lại ở đây? Tránh xa anh ta ra, chuyện của tôi và anh ta còn chưa kết thúc đâu!
Người còn lại trong phòng vội vàng kéo cô ta ra.
- Sarah, cô ấy chỉ là một người bạn của gia đình.
- Bạn? Anh nói cô ta là bạn? Có phải kiểu bạn như là Annie, hay Lucy? Anh là đồ con hoang...
- Sarah, thôi đi! - Dũng kéo cô ta ra cửa. - Chúng ta cần nói chuyện, nhưng không phải ở đây.
- Tại sao không phải ở đây? Anh có ý gì. Có phải anh muốn... - Sarah lại rít lên, lần này với tốc độ nhanh hơn.
- Tôi không muốn... Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi... - Dũng cũng đáp trả nhanh và gay gắt không kém.
Thủy không cố gắng nghe hiểu lời đốp chát của hai người nữa. Cô ngồi bệt dưới đất, ôm cái chân đau, chẳng biết làm gì hơn là chờ cuộc cãi vã chấm dứt. Cô không phải chờ lâu lắm, vì một người hàng xóm chạy sang hét lên rằng anh ta sẽ gọi cảnh sát. Sarah đùng đùng rời khỏi căn hộ, để lại tiếng đóng cửa khiến sàn nhà cũng rung lên một chút.
Dũng đỡ cô lên sofa, lấy một chiêc khăn mặt gói mấy cục đá trong tủ lạnh chườm chân cho cô. Vẻ mặt áy náy cùng cử chỉ dịu dàng của anh gợi lên những kỷ niệm cũ trong cô. Hơn mười năm trước, trong một lần đèo cô đi học, anh không kịp tránh cái ổ gà trên đường làm cô ngã đập đầu xuống đất, ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, cô cũng bắt gặp anh có vẻ mặt và cử chỉ như vừa rồi. Có lẽ cô thích anh từ khi đó...
Anh xách cái va li đặt trở lại chỗ của nó bên sofa rồi ngồi xuống đối diện với cô, nói nhỏ:
- Lúc về, đừng kể với bố mẹ anh.
Cô gật đầu, ngập ngừng một lúc rồi nói:
- Em xin lỗi.
- Sao phải xin lỗi? - Anh hơi cao giọng. Thời buổi nào rồi mà vẫn có người bị tấn công đã không lu loa bắt đền, lại còn đi xin lỗi.
- Em ở đây làm bạn anh hiểu lầm.
- Không sao. - Anh phẩy tay, định không giải thích thêm nhưng cuối cùng vẫn nói tiếp. - Anh và Sarah đã chia tay, là cô ấy chủ động, sau lại đòi quay lại, rồi cứ giằng co như vậy mấy tuần nay.
- Vâng. - Cô định hỏi là anh có thích Sarah không, nhưng rồi chỉ đáp lại bằng một từ cụt ngủn.
- Em đi Genting vui không? - Anh lại hỏi.
- Cũng vui ạ, cáp treo và công viên trò chơi trông đẹp, em chụp được nhiều ảnh. - Cô trả lời có vẻ có sức sống hơn.
- Tối đã ăn gì chưa?
Lần này, cô ngẩn ra. Vì muốn đuổi kịp chuyến monorail cuối, cô thậm chí còn chẳng có thời gian ghé qua Seven Eleven mua bánh.
- Chưa ăn phải không? Anh cũng chưa. Để anh nấu mì ăn tạm nhé.
Cô gật đầu. Chỗ chườm ở chân bị đá làm cho đau buốt lên còn tâm trí cô thì đang hơi hơi ấm áp. Lần cuối cùng anh nấu cho cô ăn đã cách đây rất rất lâu. Truyen8.mobi
* * *
Cô dâu chú rể bắt đầu đọc những câu trịnh trọng, dường như là lời thề hôn nhân. Giọng đọc nhỏ nhẹ của họ vang lên trong không gian trang nghiêm vàng rực màu son thếp và kim tuyến, sực mùi hoa và hương trầm của điện thờ tạo ra một hiệu ứng đặc biệt làm những người xung quanh chợt lặng đi. Lời thề hôn nhân thường gặp trong các tiểu thuyết phương Tây, "ở bên em cả khi giầu có cũng như khi bần hàn, khi mạnh khỏe cũng như khi đau ốm", chợt vang vọng trong đầu Thủy. Và nước mắt cứ thế tràn ra khắp gò má cô.
Những giọt nước mắt của cô làm cảm xúc khó gọi tên lại ran lên trong lòng Dũng. Anh lắc đầu để xua đuổi nó nhưng không thành công. Anh hít sâu một hơi, quyết định đã đến lúc rời đi. Anh lặng lẽ lại gần, vỗ nhẹ vào vai cô:
- Thế là sắp xong rồi, mình đi ăn kẻo muộn.
Cô gật gật đầu, quệt nước mắt trên mặt, cất máy ảnh vào túi, đi dần về phía cổng đền nhưng vẫn lưu luyến ngoái nhìn vào chính điện. Cô dâu đang đặt chân lên một phiến đá do một người đàn bà đứng tuổi đem tới... Mải xem, cô quên để ý nền sân lát đá ướt bóng nước mưa dưới chân nên bước luôn vào một chỗ trơn.
- Cẩn thận đấy! - Anh kêu lên vội vàng đưa tay đỡ cô nhưng không kịp. Cô ngã ngồi xuống. Tim anh đập hẫng đi một chút làm cảm xúc ran ran trong ngực lại dội lên. Không nghĩ ngợi, anh cúi người, nắm lấy tay cô, kéo cô đứng dậy.
Trong một thoáng, cô quên hết mọi chuyện, chỉ tập trung cảm nhận hơi ấm từ bàn tay khô ráo của anh bao bọc lấy bàn tay dính cả nước mắt và nước mưa của mình. Ở bên trong đền, lễ cưới đã tiến hành tới những nghi thức cuối. Người ta vừa buộc một đầu khăn của chú rể vào vạt saree của cô dâu. Đôi uyên ương đi quanh khu vực hành lễ vài bước tượng trưng cho những điều tốt đẹp. Họ cũng đang nắm tay nhau.
* * *
Đêm hôm ấy, Thủy không ngủ ở sofa. Sáng hôm sau, Dũng đưa cô ra sân bay. Suốt khoảng thời gian chục tiếng đồng hồ và suốt cả chặng đường mấy chục cây số, cả hai đều ngập ng a6d ùng muốn nói, muốn hỏi, nhưng cuối cùng không ai mở lời.
* * *
Hà Nội, cuối tháng 9 năm 2012
Chiếc xe đón dâu kết hoa sơ sài đi chầm chậm qua ngôi nhà có cánh cổng sắt uốn sơn xanh và vòm hoa giấy bung nở những chùm hoa hồng tím. Bà chủ nhà đứng ở vỉa hè nhìn theo, chép miệng nói với mấy người hàng xóm bên cạnh:
- Khổ thân con bé, bị mẹ kế ép lấy thằng chồng Đài Loan, cưới xin gì cứ như buôn người!
* * *
Hà Nội, cuối tháng 12 năm 2012
Dũng về chơi nhân dịp Giáng sinh và năm mới, thấy trên bàn có một phong bì lớn bằng giấy xi măng. Anh hỏi mẹ và được trả lời:
- Là của con Thủy. Trước khi lấy chồng, nó sang, đưa cái này. Mẹ hỏi có cần gửi cho con luôn không, nó bảo không cần, khi nào con về thì xem cũng được.
Bên trong phong bì có một chiếc hộp và một bức thư.
Chiếc hộp đựng một cây bút máy đắt tiền và tấm thiệp đã ngả màu với dòng chữ viết bằng mực tím: "Mừng anh vào đại học. Chúc anh thành công".
Bức thư viết khá dài, kể về một cô gái mồ côi mẹ đã tìm thấy tình thương trong gia đình hàng xóm. Cô thích người con trai của gia đình đó trong nhiều năm. Người con trai sống và làm việc ở nước ngoài. Cô đã làm thêm vất vả vả chi tiêu dè sẻn rất lâu để có thể sang nước đó. Cô không hy vọng sẽ được gặp anh, chỉ mong được đi qua những con đường mà anh có lẽ cũng đi qua, được nhìn ngó những khung cảnh mà anh cũng nhìn ngó, được hít thở bầu không khí mà anh cũng hít thở... Rồi không biết là may hay rủi, cô có cơ hội được ở chung với anh dưới một mái nhà trong vài ngày. Bức thư kết thúc bằng câu thơ , của Nguyễn Thế Hoàng Linh:
"Một vạn lần ân và ái,
Không bằng một cái nắm tay."