Tổng thống Hoa Kỳ, Francis Xavier Kennedy, là người như vậy.
Trước ba mươi tuổi, trước khi bước vào hoạt động chính trị Kennedy đã thành đạt và giàu có đến mức làm mọi người phải để ý. Lúc đó ông toàn tâm tòan ý suy nghĩ xem việc gì đáng làm trong cuộc sống. Do bản thân ông là người mộ đạo, do ông là một người nghiêm khắc tuân theo những nguyên tắc về mặt đạo lý, do tấn bi kịch bị mất đi mấy người bác lúc đang ở tuổi ấu thơ, ông tin rằng mình phải cải thiện thế giới đang sống là việc đáng làm nhất. Chủ yếu là làm cho bản thân. Định mệnh trở nên tốt hơn.
Khi được bầu vào danh sách ứng cử Tổng thống, ông nói rằng chính phủ của ông sẽ tuyên chiến với mọi sự nghèo khổ của nhân loại. Ông sẽ đại diện cho hàng triệu người không chấp nhận những kẻ vận động ở ngoài hành lang và các nhóm gây sức ép khác.
- Được học hành tử tế - Francis Kennedy nói – bất kỳ tên trộm cắp, kẻ cướp, bất kỳ tên lừa gạt nào cũng đều biết cách ăn cắp, cướp đọat không gây đau cho một ai. Họ đều biết cách ăn cắp như những người ở Wall Street, biết cách trốn thuế như những người đáng kính trong xã hội ta. Chúng ta có thể gây nên nhiều tội phạm theo kiểu công chức, nhưng xét cho cùng, không gây đau khổ cho bất kỳ ai.
Lúc này, bẩy giờ sáng Thứ Hai sau Chủ Nhật Phục Sinh, bộ tham mưu của Tổng thống Francis Kennedy, Nội các của ông và Phó tổng thống Helen Du Pray ngồi họp tại Cabinet Room ở Nhà Trắng. Và vào buổi sáng Thứ Hai đó, họ kinh hoàng về công việc sẽ tiến hành.
Tại Cabinet Room, người đứng đầu CIA là Theodore Tappey đợi Kennedy ra hiệu, liền khai mạc cuộc họp.
- Trước hết cho tôi được phép thông báo rằng cô Theresa vẫn ổn cả, ông ta nói. Không một ai bị xúc phạm. Hiện nay chúng chưa đưa ra yêu cầu gì đặc biệt. Nhưng chiều nay yêu cầu sẽ được thông báo và chúng ta được thông báo trước rằng phải đáp ứng ngay không đàm phán. Tên chỉ huy vụ bắt cóc máy bay, Yabril, là một tên khét tiếng trong giới khủng bố và đúng như chúng ta được biết qua tài liệu lưu trong hồ sơ của ta. Gã là một tên hoạt động độc lập và thường tự đứng ra chỉ huy các vụ do chính gã vạch ra, có sự hỗ trợ của vài nhóm tổ chức khủng bố, như nhóm mang tính thần thoại Một Trăm.
Christian cắt lời:
- Tại sao lại mang tính thần thoại. Theo?
- Không phải đại loại như Ali Baba và bốn mươi tên cướp đâu, Theodore Tappey nói. Đấy chẳng qua là một sự liên kết hoạt động giữa các tên khủng bố ở các nước khác nhau.
- Anh trình bày tiếp đi, Kennedy giục.
Theodore Tappey ngó nhìn sổ ghi chép:
- Chẳng còn nghi ngờ rằng Quốc vương ở Sherhaben đang hợp tác với Yabril. Quân đội của Quốc vương bảo vệ sân bay nhằm chặn mọi ý định giải thoát máy bay. Trong khi đó, Quốc vương làm ra vẻ là chỗ bè bạn của ta và tình nguyện đứng ra đàm phán. Chẳng ai có thể đoán được mục đích của Quốc vương, nhưng ông ta hành động như vậy vì quyền lợi của chúng ta. Quốc vương là người biết lẽ phải và có điểm yếu để ta có thể gây áp lực. Yabril là một tên man dại.
Người đứng đầu CIA do dự một lát, sau đó, thấy Kennedy gật đầu nên bất đắc dĩ nói tiếp:
- Thưa ngài Tổng thống, Yabril định cố tẩy não con gái ngài. Hai người đã có những cuộc trao đổi khá lâu. Gã biết được rằng cô Theresa có tư tưởng tiến bộ và nếu cô đưa ra lời tuyên bố đồng tình với gã thì thật là một điều phi thường lý tưởng. Xem ra cô không sợ gã.
Những người khác đang có mặt trong phòng đều ngồi im lặng. Họ biết rõ Theodore Tappey đã moi bằng cách nào loại thông tin như vậy, nên chẳng cần hỏi vặn làm gì.
Có những tiếng lao xao nổi lên bên ngoài Cabinet Room, họ có thể nghe rõ những tiếng hò reo kích động của đám người ôm camêra vô tuyến đang đợi trên bãi cỏ của Nhà Trắng. Sau đấy, một trợ lý của Eugene Arthur Wix được dẫn vào phòng và trao tận tay Arthur Wix một bức thư viết tay. Người phụ trách bộ tham mưu của Kennedy đưa mắt liếc đọc thư.
- Khẳng định chính xác chưa? – Arthur Wix hỏi người dưới quyền.
- Dạ thưa, rồi ạ, người nọ đáp.
Arthur Wix nhìn thẳng về phía Francis Kennedy rồi nói:
- Thưa ngài Tổng thống, tôi vừa nhận được tin cực kỳ đặc biệt. Tên ám sát Giáo hoàng đã bị bắt tại đây, trên đất Hoa Kỳ. Tên tù nhân khẳng định hắn đã ám sát Giáo hoàng và khai bí danh là Romeo. Hắn một mực không chịu khai tên thật. Chúng tôi đã cho kiểm tra hỏi người bên An ninh Italia và tên bị bắt đã khai những chi tiết khớp với tội ác hắn đã gây ra.
Arthur Wix nổi cáu tựa như người thấy một vị khách không mời nhưng cứ tự ý nhảy vào tham dự một bữa tiệc ấm cúng.
- Hắn làm cái quỷ gì ở đất này? Tôi không tin.
Dazzy kiên nhẫn giải thích những điều đã được kiểm tra. An ninh Italia đã bắt được tên người của Romeo và chúng đã thú nhận, xác nhận Romeo là chỉ huy của chúng. Phụ trách An ninh Italia, Franco Sebbediccio, rất nổi danh trong việc hỏi cung. Nhưng ông ta vẫn chưa moi được lý do Romeo bay sang Hoa Kỳ làm gì và tại sao lại để bị bắt dễ dàng như vậy.
Fracis Kennedy đi đến bên cửa sổ trông ra khu vườn Rose Garden.
Ông quan sát đơn vị tuần tra khu vực Nhà Trắng áp sát với đường phố. Ông lại thấy nỗi kinh hãi quen thuộc trỗi dậy. Đụng đến chuyện gì đều gặp chuyện rủi ro, cuộc đời cứ như là một âm mưu chết người, không chỉ do con người mà cả niềm tin và cái chết đã chăng bẫy.
Francis Kennedy rời khỏi cửa sổ quay về ngồi vào bàn họp. Ông đưa mắt lướt nhìn những người đứng trên những cương vị cao cấp nhất của đất nước, những người tài giỏi, thông minh nhất, những người vạch kế hoạch, lập phương án. Ông nói, giọng gần như giễu cợt:
- Các vị, ai dám đánh cá cược rằng hôm nay bọn bắt cóc máy bay sẽ chuyển cho ta những yêu cầu của chúng? Và một trong những yêu cầu lại là thả tên ám sát Giáo hoàng.
Mọi người sững sờ nhìn Kennedy.
- Thưa Tổng thống, Otto Gray nói, đây là một sự lạm dụng quá đấy, một yêu cầu mang tính xúc phạm, không thể thương lượng được.
- Bên tình báo cho rằng giữa hai vụ ấy không có mối quan hệ, Theodore Tappey thận trọng nói. Thực vậy, tiến hành hai vụ quan trọng như vậy tại cùng một thành phố trong cùng một ngày là điều quá ư phi thường với bất cứ nhóm khủng bố nào, ông ta ngừng lời một lát rồi quay sang Christian Klee: - Christian, anh đã làm thế nào bắt được tên đó? – Sau đó, ông ta ghê tởm tiếp lời: - Tên Romeo.
- Thông qua mật vụ mà chúng tôi đã sử dụng nhiều năm nay, Christian nói. Tôi nghĩ rằng không thể nào tóm cổ được hắn, nhưng người đại diện của tôi, Peter Cloot, đã theo dõi toàn bộ chiến dịch. Phải nói rằng tôi rất ngạc nhiên. Bắt hắn chẳng vất vả gì.
- Ta hoãn cuộc họp này chờ cho tới khi bọn bắt cóc máy bay đưa ra yêu cầu. Francis Kennedy bình tĩnh nói.
Và trong giây phút ông hình dung rõ toàn bộ kế hoạch đầy tự hào và xảo quyệt của Yabril, ông thấy bàng hoàng sợ. Lúc này, lần đầu tiên, Francis Kennedy thực sự lo cho sự an toàn của cô con gái.
Nhờ sự giúp đỡ của Quốc vương ở Sherhaben yêu cầu của Yabril được chuyển tới Trung tâm thông tin của Nhà Trắng vào chiều tối Thứ Hai. Yêu cầu thứ nhất, phải chuyển năm chục triệu đô la tiền chuộc máy bay; Thứ hai, đòi tự do của sáu trăm tù nhân Ả rập bị giam trong các nhà tù của Israel. Yêu sách thứ ba, đòi thả Romeo, kẻ vừa ám sát Giáo hoàng và đưa hắn tới Sherhaben. Nếu trong hai mươi tư giờ tới, các yêu sách không được đáp ứng thì sẽ có một con tin bị xử bắn.
Francis Kennedy và bộ tham mưu của ông họp tại phòng ăn tối lớn ở mạn Tây – Bắc trên lầu hai Nhà Trắng để thảo luận các yêu cầu của Yabril. Helen Du Pray, Otte Gray, Arthur Wix, Eugene Dazzy và Christian Klee ngồi quanh một chiếc bàn cổ. Kennedy ngồi ở một đầu bàn và được bố trí ngồi rộng hơn những người kia.
Francis Kennedy đặt mình vào vị trí của bọn khủng bố; ông luôn có được tài thấu cảm này. Cái đích chủ yếu của chúng là làm bẽ mặt Hoa Kỳ, giật bỏ tấm áo quyền lực của nó trước con mắt của thế giới, thậm chí cả trước con mắt của các quốc gia có quan hệ hữu nghị. Và Kennedy nghĩ rằng đây là cú đòn tâm lý bậc thầy. Ai sẽ còn coi Hoa Kỳ là một đất nước hùng mạnh khi bị một nhúm kẻ có vũ trang và một vương quốc dầu mỏ nhỏ bé bôi tro trát trấu lên mặt? Nếu đưa được con gái an toàn trở về nhà, liệu ông có chịu để xảy ra chuyện đó không? Trong khi đặt mình ở vào địa vị bọn kia để suy nghĩ. Francis Kennedy cho rằng rồi sẽ còn xảy ra nhiều điều bất ngờ nữa. Nhưng ông im lặng không nói gì. Ông để mọi người phát biểu.
Với tư cách người phụ trách bộ tham mưu Eugene Dazzy khai mạc cuộc thảo luận. Ông ta nói, giọng chán nản vì mệt mỏi; suốt ba mươi sáu giờ qua, ông ta không được chợp mắt ngủ.
- Thưa ngài Tổng thống, Arthur Wix nói, chúng ta đáp ứng nhu cầu của bọn khủng bố ở mức hạn chế. Nghĩa là trao trả Romeo, không phải cho Yabril, mà cho chính phủ Italia, như vậy rất đúng và hợp pháp. Chúng ta không đồng ý trả tiền và không thể bắt Israel thả tù binh của họ. Giải quyết như vậy, ta không bị rơi vào thế quá yếu, đồng thời không khiêu khích chúng. Khi cô Theresa đã trở về nhà, ta sẽ xử lý bọn khủng bố.
- Tôi hứa sẽ giải quyết vấn đề này trong vòng một năm. Christian Klee nói.
Francis Kennedy ngồi im một hồi lâu, sau đó lên tiếng.
- Theo tôi cách giải quyết đó không ổn.
- Nhưng đấy là cách trả lời công khai của chúng ta. Đằng sau sự dàn dựng đó, chúng ta hứa với chúng là Romeo sẽ hoàn toàn được tự do, chúng ta sẽ trả tiền chuộc và sẽ đàm phán với Israel. Tôi nghĩ như vậy sẽ ổn. Ít ra giải pháp này cũng để chúng phải cân nhắc và chúng ta sẽ có thể đàm phán tiếp.
- Giải pháp đó không gây tổn hại gì. Arthur Wix nói. Trong những điều kiện như vậy, tối hậu thư chỉ là bước đầu của quá trình đàm phán. Rõ rồi! Hạn cuối cùng hai mươi tư giờ chẳng có nghĩa lý gì nữa.
Kennedy cân nhắc lời khuyên đó, sau đấy lại bảo:
- Theo tôi cách giải quyết này không ổn.
Oddblood Gray bèn lên tiếng:
- Tôi thấy được đấy. Còn anh, Francis, anh nên rất thận trọng. Nghị sĩ Quốc hội Jint và Thượng nghị sĩ Lambertino thông báo cho tôi biết rằng, vì quyền lợi của chính anh, Quốc hội có thể yêu cầu bỏ phiếu tạm cách chức anh cho tới khi giải quyết xong vụ khủng hoảng này. Đây là một tiến triển rất nguy hiểm.
- Không đời nào, Kennedy nói.
- Để tôi đối phó với Quốc hội, Phó Tổng thống Helen Du Pray nói. Tôi sẽ xin được làm cột thu lôi. Tôi sẽ thu hút mọi lá phiếu đề cử anh.
Đến đây, Arthur Wix nói tóm gọn lại:
- Anh Francis, trước tình thế như thế này, anh nên tin vào sự xét đoán tập thể của bộ tham mưu do anh đã lựa chọn. Anh biết rõ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ anh và dốc tâm giải quyết vấn đề có lợi nhất cho anh.
Kennedy trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, rồi bảo:
- Nếu vậy, các anh cứ thế mà giải quyết.
Peter Cloot đã chứng tỏ năng lực tuyệt vời của một người được ủy quyền điều hành công việc của FBI. Cloot rất gày gò, cơ bắp gần như lẩn đâu hết cả. Ông để ria mép lún phún, nhưng cũng chẳng vì vậy mà khuôn mặt ông ta trông đỡ xương xẩu hơn. Tuy ông ta là người tốt, nhưng cũng có những nhược điểm này nọ. Ông ta quá cứng và quá tự hào khi thực thi nhiệm vụ và quá tin vào sự an toàn trong nội bộ của mình. Đêm nay, Cloot nhăn nhó đưa Christian mấy tờ bản sao và lần lượt đưa tiếp ba trang thư.
Đây là một bức thư với nội dung cắt từ các dòng đăng trên báo dán chắp ghép. Christian đọc bức thư. Nội dung thư báo cho biết trước rằng một quả bom nguyên tử sản xuất trong nước sẽ nổ bung tại thành phố New York. Christian bảo:
- Có thế này mà anh cũng phải lôi tôi rời khỏi văn phòng Tổng thống à?
Cloot liền đáp:
- Tôi đã phải chờ cho tới khi kiểm tra kỹ thực hư thế nào. Xem ra đây chẳng phải trò thừa hơi rỗi sức.
- Ôi lạy Chúa tôi, Christian nói. Nhưng chẳng đúng lúc tí nào! Ông ta đọc lại bức thư, lần này chăm chú đọc kỹ hơn. Chữ trên các mẩu cắt chắp ghép to nhỏ khác nhau nên rất khó đọc. Christian bèn ngồi vào bàn làm việc chậm rãi đọc từng từ một bức thư gửi cho tờ New York Times.
“Chúng tôi đã gài một quả bom hạt nhân với sức nổ tối thiểu là một kilôton rưỡi và tối đa là hai kilôton trong khu vực thành phố New York. Thư này gửi tòa soạn nhằm đăng báo trước cho nhân dân trong thành phố biết để kịp thời sơ tán. Bom sẽ nổ sau bảy ngày kể từ ngày ghi trên thư. Do đó, hẳn toà soạn cũng rõ là cần phải công bố ngay nội dung thư. Bom sẽ nổ vào ngày Thứ Năm. Ông đọc tiếp: “Chúng tôi buộc phải hành động như vậy là do muốn để nhân dân Hoa Kỳ hiểu rằng chính phủ của họ cần phải hợp tác với phần còn lại của thế giới, trên cơ sở bình đẳng, trong công việc kiểm tra năng lượng hạn nhân, nếu không, hành tinh của chúng ta sẽ nổ tung.
“Tiền bạc hoặc bất kỳ điều kiện nào khác đều không thể mua chuộc nổi chúng tôi. Công bố bức thư này và đề nghị dân chúng thành phố New York sơ tán, tòa soạn sẽ cứu được hàng ngàn sinh mệnh.
“Muốn biết chắc đây chẳng phải là một bức thư dớ dẩn, tòa soạn gửi ngay phong bì và giấy dán nội dung thư tới các phòng xét nghiệm của nhà nước. Họ sẽ phát hiện ra ngay cặp Oxyt Plutoni.
Hãy đăng ngay nội dung bức thư này”.
Phần cuối của thư là những lời giáo huấn đạo lý và những yêu cầu quá khích đòi Hoa Kỳ phải ngừng vũ khí hạt nhân.
Christian bảo Peter Cloot:
- Anh đã cho xét nghiệm chưa?
- Rồi ạ, Cool đáp. Đúng là có dấu vết của các cặp Oxyt Phitoni. Những dòng chữ trên thư được cắt từ báo chí khác nhau, nhưng ta vẫn có thể lần ra manh mối. Người hoặc những người ghép thư khá tinh khôn nên đã cắt chữ từ các báo đăng trên toàn quốc để ghép thư. Nhưng tác giả bức thư đã sơ xuất để sót mã số các báo đăng ở Boston. Tôi đã phái năm mươi nhân viên An ninh tới Boston mời toàn bộ ban biên tập các báo ở đấy về đây.
Christian gật gù.
- Như vậy là phải thức trắng đêm rồi. Phải giữ thật kín chuyện này, nhất là với các phương tiện thông tin đại chúng. Ta sử dụng văn phòng tôi làm nơi điều hành nhiệm vụ này và gửi tất cả các báo chí tới đây cho tôi. Không có chuyện này Tổng thống đã đủ đau đầu rồi, tôi phải tự thanh toán cái của nợ ấy. Đây chỉ là một mẩu rác rưởi như những bức thư lập dị khác.
- OK, Peter Cloot đáp. Nhưng có ngày một trong những bức thư đó sẽ là thư thực.
Đêm ấy khá dài. Các bản báo cáo tới tấp gửi về. Trưởng Ban năng lượng hạt nhân và Nghiên cứu được thông báo tỉ mỉ nên ông ta bố trí các đội điều tra nghiên cứu trong tình trạng báo động. Đội viên trong các đội này được tuyển lựa rất kỹ và được trang bị những kỹ thuật có khả năng phát hiện ra trái bom đã cất giấu.
Christian và Cloot được phục vụ ăn tối ngay tại bàn làm việc và hai người chúi mũi đọc các bản báo cáo. Tất nhiên là tờ New York Times không công bố bức thư, theo đúng thủ tục, nó được chuyển ngay sang bên FBI. Christian gọi điện cho chủ bút tờ Times và yêu cầu ông ta lờ đi tin này cho tới khi làm sáng tỏ vụ việc. Đây cũng là vấn đề thủ tục. Trong một năm báo chí nhận được hàng ngàn bức thư tương tự. Chính vì vậy mà đến Thứ Hai, chứ không phải Thứ Bảy, họ mới nhận được thư.
Vào quãng nửa đêm, Peter Cloot quay về văn phòng của mình để điều hành ban của ông. Hàng trăm cú điện thoại do nhân viên ở ngoài hiện trường gọi về, phần lớn là từ Boston. Báo cáo vừa gửi về Christian liền chộp đọc luôn. Vẫn chưa có gì cụ thể lắm nên ông không muốn chất lên vai Tổng thống một gánh nặng nữa. Ông chợt nghĩ rằng vụ này rất có thể có liên quan đến vụ bắt cóc máy bay. Nhưng dù cho có liên quan đi nữa thì bọn chúng chẳng dám quá liều lĩnh như vậy. Trước đây bom nguyên tử rất hiếm. Chỉ bọn điên mới tuyên bố rằng chúng chế tạo bom này tại nhà và vòi những khoản tiền từ mười tới một trăm triệu đô la. Có tác giả một bức thư thậm chí còn yêu sách đòi được có tên trong danh sách những người có cổ phiếu ở Wall Street, ở IBM, General Motors, Sears, Texaco hoặc ở một số các công ty kỹ thuật có tên tuổi từ lâu đời. Khi bức thư được đưa sang cục Năng lượng với lời nhận xét tác giả thư là người mắc bệnh thần kinh thì liền nhận được báo cáo cho biết rằng tác giả thư không hề đặt trái bom nào, rằng bọn khủng bố rất hiểu biết về thị trường chứng khoán. Nhờ vậy người ta đã tóm cổ được một tên môi giới nhỏ ở Wall Street đã biển thủ tiền của khách và đang tìm đường thoát thân.
Hẳn đây lại là một vụ vỡ nợ, Christian nghĩ, nhưng dù sao nó cũng gây chuyện rắc rối. Sẽ phải chi hàng trăm triệu đô la. Nhưng rơi vào trường hợp tương tự thì cũng còn là chuyện rất may, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ ỉm bức thư. Ông ta để cả mấy tiếng đồng hồ sau đấy để cầu nguyện sự việc sẽ diễn ra như vậy. Nếu thế, sáng mai ông ta chẳng phải tới gặp Tổng thống để khoét sâu thêm nỗi buồn của Tổng thống.
Mời bạn đón đọc chương tiếp!