Có tiếng gõ cửa, giọng nói cung kính từ bên ngoài vọng vào:
- Thưa thầy, đã đến giờ tụng kinh buổi chiều.
Tiếng trả lời cất lên trầm ấm:
- Tăng Triệu, hãy thay ta chủ trì buổi lễ… Còn nữa, ta sẽ không rời căn phòng này trong ba ngày tới, đến giờ ăn, con hãy chuẩn bị hai phần cơm mang tới đây. Hãy trấn an mọi người, không có gì nghiêm trọng cả. Ba ngày sau, ta sẽ tiếp tục công việc như thường lệ.
Người ngoài kia vâng dạ lĩnh ý, tiếng bước chân xa dần rồi tắt hẳn. Lúc quay lại, thấy tôi lắc đầu, chàng đặt tay lên môi tôi, mỉm cười dịu dàng:
- Đừng khuyên ta, sau mười sáu năm chờ đợi, ta chỉ xin được tự do làm điều ta muốn trong vòng ba ngày thôi.
Chàng rút từ dưới gối ra cuốn sổ ghi nhật ký đã ố vàng của tôi. Bên trong là tấm hình tôi chụp cùng bố mẹ, mép ảnh đã cũ mèm, sờn bạc, tiếng thở dài khe khẽ, thênh thang bên tai tôi, thấm vào tim:
- Mười sáu năm qua, đêm nào ta cũng gối đầu lên nó, chìm vào giấc ngủ. Mỗi lúc nhớ nàng quặn thắt cả tim gan, ta lại cầu xin Phật tổ: nếu trước khi chết được gặp lại vợ con, xin Phật tổ ban cho con ba ngày được ở bên vợ, không làm việc gì khác.
Nước mắt tôi lã chã rơi, lăn dài trên gò má, rớt xuống mái tóc dài buông lửng. Chàng chống người lên, cặp mắt màu xám nhạt như hai hồ nước thăm thẳm nhìn ngắm tôi khắc khoải, những ngón tay dài, gầy guộc vuốt ve khuôn mặt tôi:
- Ngải Tình, hãy để ta nhìn nàng thật kỹ…
Bàn tay xương xương lần xuống cổ tôi, đến xương quai xanh và tiếp tục không ngơi nghỉ, sóng mắt chàng lắng đọng tại mỗi bến đỗ. Cơ thể tôi nóng ran khi chạm phải làn sóng điện từ ánh mắt mê đắm ấy. Hơi thở của chàng đột nhiên trở nên gấp gáp, ánh mắt mơ hồ, chàng cúi xuống hôn tôi.
Tôi giữ tay chàng lại, nhìn sâu vào đôi mắt với những nếp nhăn xếp bên khóe mắt của chàng, dịu dàng cất tiếng:
- Hôm nay hãy nghỉ ngơi đi, chàng sẽ mệt đó…
- Không mệt.
Bàn tay chàng vẫn trượt miết trên thân thể tôi và dừng lại nơi bụng nhỏ của tôi, giọng chàng lo lắng:
- Cứ mãi yêu nàng mà không để ý, vết sẹo này là sao?
Tôi cắn chặt môi, để nỗi đau thể xác minh chứng rằng, chàng thực sự đang ở cạnh tôi, sống mũi cay cay, tôi hít một hơi, lấy giọng, đáp:
- Đó là vết sẹo sau khi phẫu thuật sinh nhóc Rajiva. Ở thời đại của em, người ta có thể làm phẫu thuật mổ bụng để đưa em bé ra khỏi cơ thể người mẹ, làm vậy vừa an toàn, người mẹ cũng không phải chịu sự đau đớn khi sinh nở. Nên rất nhiều phụ nữ đã lựa chọn phương pháp đẻ mổ này.
Chàng giật mình ngẩng lên, đăm đắm nhìn tôi, khẽ gọi:
- Nhóc Rajiva ư…
Tôi đặt tay mình lên tay chàng, mỉm cười:
- Đó là tên con trai của chàng, bé vừa tròn sáu tuổi. Bé thông minh, lanh lợi, đẹp trai giống hệt chàng, lại rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện nữa…
- Sáu tuổi ư…
Chàng cúi xuống, chiếc cổ thiên nga tuyệt đẹp năm xưa nay đã thêm nhiều vòng nếp nhăn, lúc chàng ngẩng lên, đôi mắt đẫm sương:
- Mười sáu năm qua, ta vẫn luôn tự hỏi, không biết con mình trông thế nào, là con trai hay con gái. Ta cứ đinh ninh con đã mười sáu tuổi rồi, chẳng ngờ bé mớ i sáu tuổi…
- Em mang theo rất nhiều ảnh của con. Bé còn viết thư cho chàng nữa.
Tôi thốt lên một tiếng, rồi tự vỗ vào đầu mình:
- Ba lô của em vẫn nằm ngoài đại điện, không biết có ai đem đi không. Em mang cho chàng rất nhiều thứ.
Tôi không khỏi lo lắng, vì từ lúc chúng tôi gặp lại nhau đến bây giờ, đã gần hai tiếng rồi, tôi như người mất trí, cứ mải mê quấn quít lấy chàng mà quên đi mọi thứ. Tôi có cảm giác mình như đang trên mây, được quấn bọc giữa những khối mây bồng bềnh, trắng tinh, dập dờn trôi, nhẹ bẫng, bay lượn, như mộng mị, như ảo ảnh. Chạm tay vào cơ thể chàng, hơi thở gấp gáp của chàng phả lên mặt, chiếc nhẫn kết hôn chàng đeo trước ngực đung đưa trước mắt, chuỗi hạt mã não chứa đựng lời thề nguyền thủy chung năm xưa vẫn ở đó, trên cổ tay chàng. Mọi thứ đẹp một cách không thực.
Chảng hỏi tôi rất chi tiết về chiếc ba lô, sau đó khoác áo, ra ngoài. Một lát sau, chàng quay lại và nói rằng đã cử người đi lấy.
Tôi muốn ngồi dậy, nhưng chàng đã giữ tôi lại. Chàng nhìn tôi chăm chú, rồi lắc đầu, thở dài khe khẽ:
- Ngải Tình, nàng chẳng thay đổi gì cả, còn đẹp hơn lúc trước. Ta lấy làm băn khoăn, nàng năm nay bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi ba.
Tôi vừa cười vừa sụt sịt:
- Rajiva, em quen chàng mười năm rồi…
Chàng bật cười rạng rỡ, năm tháng vô tình hằn in lên đuôi mắt và vầng trán cao rộng của chàng những nếp nhăn nghiệt ngã. Chàng khẽ thì thào:
- Ta năm mươi ba tuổi, đã quen nàng bốn mươi năm rồi…
Tôi ngước nhìn khuôn mặt hiền từ, thông tuệ của chàng, Rajiva của năm năm mươi ba tuổi không tràn đầy sức sống như thời trai trẻ nữa, nhưng giữa hai hàng mi dài, thấm đẫm gió sương, trầm luân của đời người, gượng mặt chàng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ bởi nét điềm tĩnh, vững vàng của sự từng trải. Vẻ đẹp ấy, không thể chỉ dùng một từ “điển trai” mà diễn đạt được. Khi ngắm nhìn gương mặt ấy, ta có cảm giác đang soi mình trong một chiếc gương sáng, khi ngắm nhìn con người ấy, ta có cảm giác chàng thấu suốt mọi sự.
- Em xin lỗi vì đã để chàng phải chờ lâu đến vậy…
Chàng vén gọn những sợi tóc rối lơ thơ trước trán tôi, thả lên môi tôi nụ hôn êm ái:
- Nàng trở về là tốt rồi…
Cách biệt sáu năm, chúng tôi có quá nhiều điều muốn nói với nhau. Bởi vậy, cho tới lúc lên đèn, chúng tôi vẫn tiếp tục hàn huyên, tâm tình dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu đung đưa trong buổi hoàng hôn. Không có chủ đề chính, chúng tôi nghĩ tới đâu thì nói tới đó, cả hai đều ước có thể kể cho người kia nghe tất cả, không sót một điều gì.
- Rajiva, kể cho em nghe, mười sáu năm qua chàng đã sống ra sao?
Chàng không dùng bữa sau buổi trưa, nhưng không quên dặn dò đệ tử đưa cơm tối đến cho tôi, bữa cơm gạo trắng với vài món ăn nhẹ rất ngon. Chàng biết tôi thích ăn cơm gạo trắng hơn ăn mì. Ở Lương Châu chúng tôi không có điều kiện, nhưng về đến Trường An, muốn ăn cơm không phải việc gì khó khăn.
- Ta nghe lời nàng, sống khép mình, chuyên tâm nghiên cứu tiếng Hán, ta đã đọc gần hết số sách tiếng Hán ta có.
Chàng không cho tôi ra khỏi giường, tôi đành dùng bữa tại chỗ.
- Nghiên cứu quy tắc về âm luật và văn luật của tiếng Hán để tìm ra phương pháp chuyển dịch những câu kinh văn tiếng Phạn sang tiếng Hán một cách vần vè, nhịp nhàng, dễ đọc dễ thuộc. Dẫn dắt đệ tử tu tâm dưỡng tính, cứ thế mười sáu năm trôi đi rất nhanh.
Chàng âu yếm quan sát tôi ăn cơm, và không ngừng gắp thức ăn cho tôi.
- Ta cũng nghe lời nàng, thi thoảng bày ra một vài quẻ bói và tiên đoán một vài điều. Câu chuyện sợi chỉ ngũ sắc đốt cháy thành tro mà có thể tụ lại thành hình, thực chất chỉ là trò phù phép, đánh lừa thị giác của người khác mà thôi.
Tôi há hốc miệng, tròn xoe mắt:
- Chàng… chàng vốn không đồng tình với họ Lữ và phản đối trò bói toán kia mà?
- Ta không làm việc đó vì họ Lữ kia.
Chảng mỉm cười đầy ẩn ý:
- Ta làm vậy nhằm thu hút sự chú ý của vua Diêu Hưng nước Tần, khiến ngài nghĩ rằng ta có pháp lực thần thông và muốn mời ta về Trường An.
Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng. Trước đây tôi đã từng khuyên nhủ nhiều lần, gợi ý nhiều lần, nhưng chàng đều kiên quyết từ chối, vậy mà bây giờ…
Nhận thấy vẻ băn khoăn của tôi, chàng mỉm cười hồn hậu, sau đó lấy lại vẻ nghiêm trang, nói:
- Ngải Tình, nàng từng nói: không dựa vào nhà cầm quyền, pháp sự khó thành. Những kẻ gian hùng và đầy dã tâm ấy, làm gì có người nào thật lòng tín Phật? Họ chỉ mượn danh thờ Phật để xoa dịu lòng dân mà thôi. Vì vậy, ta đã sử dụng chiêu bài hợp tác. Nếu Diêu Hưng là người có thể trợ giúp ta hoàn thành sứ mệnh và tâm nguyện cả đời, thì ta làm những việc đó đâu có gì sai trái.
Vậy là, sau rốt, chàng cũng đã hành động như vậy. Trước kia, chàng vốn cao ngạo, chính trực, không đồng tình với những trò mê tín, bùa phép, nhưng thời buổi loạn lạc đã khiến chàng thay đổi. Thành công của cuộc đời chàng là nhờ vào những thay đổi bất đắc dĩ ấy…
- Ngải Tình, hẳn nàng cũng biết, năm cuối cùng ta ở Guzang, Lương Châu đã trải qua nạn đói khủng khiếp hơn rất nhiều nạn đói sáu năm về trước.
Tôi gật đầu. Chính tôi cũng đã nói cho chàng nghe chuyện này. Chàng đứng lên, chắp tay sau lưng, đi lại trong phòng. Tấm lưng cao gầy của chàng hình như đã còng xuống đôi chút, bóng dáng ấy vẫn cô liêu, đơn độc như ngày nào.
- Thư Cừ Mông Tốn giết Đoàn Nghiệp rồi xưng vương, thừa dịp Guzang đói kém, tiến đánh Lữ Long. Thời gian đ u cuộc chiến, Mông Tốn không gặp thuận lợi, nên hắn đã vận chuyển một trăm ngàn đấu lương thực đến ngoại thành Guzang hòng mượn danh cứu trợ để lôi kéo quân lính của Lữ Long.
Chàng ngừng lại, hít một hơi thật sâu, giọng chàng run rẩy:
- Lữ Long kiên quyết không mở cổng thành, lương thực cạn kiệt, củi đốt cho mùa đông cũng hết sạch, cây cối trong thành Guzang bị chặt phá không còn gốc nào, thảm cảnh người ăn thịt người diễn ra mỗi ngày. Không còn đường sống nữa, người dân cầu xin được ra ngoài thành làm nô lệ cho đội quân của Mông Tốn. Lữ Long lo sợ Mông Tốn dùng lương thực làm mồi nhử, kích động quần chúng nổi loạn, làm phản, đã thẳng tay đàn áp và giết hại hàng nghìn người dân vô tội! Mùi xú khí của xác chết nồng nặc khắp nội thành Guzang. Khi Lữ Long đầu hàng Diêu Hưng, số lượng người chết đói ở thành Guzang lên đến hơn một trăm ngàn người, cả thành phố dường như không còn ai sống sót!
Chẳng còn bụng dạ nào để ăn tiếp nữa, tôi khoác áo, bước đến bên chàng, nắm lấy bàn tay đang run lên của chàng. Chàng quay đầu lại, khẽ kéo tôi vào lòng, nuốt vào trong nỗi xót xa đang dâng lên nghẹn ngào, khép mắt lại, nỗi bi ai phủ lên gương mặt thông tuệ, bác ái của chàng:
- Ngải Tình, dù nàng đã cho ta biết trước mọi chuyện, và ta cũng hiểu rằng, ta chẳng thể làm gì để cứu vãn kiếp nạn này, ta vẫn chạy đôn chạy đáo khắp nơi, có thể cứu được bao nhiêu người thì cứu bấy nhiêu. Việc làm đó của ta khiến Lữ Long nổi giận. Trong lúc ta và các đệ tử bị hắn giam cầm, hắn đã hạ lệnh chôn sống những người dân vô tội ấy. Nếu Lữ Long không vì muốn lấy lòng Diêu Hưng mà để ta sống sót, thì ngay cả ta cũng không thể thoát khỏi kiếp nạn đó. Trong nạn đói ấy, ta thậm chí đã không bảo vệ nổi, dù chỉ mấy trăm con người…
Tôi đưa tay lên vuốt ve bờ vai gầy guộc của chàng, lòng quặn thắt:
- Xin lỗi vì em đã không ở bên lúc chàng gian nan nhất. Em đã để chàng một mình chịu khổ…
Chàng lắc đầu, gác cằm lên đỉnh đầu tôi:
- Lúc bị giam cầm, ta lấy làm mừng rằng nàng đã trở về thời hiện đại, nếu không, cả nàng và con sẽ phải chịu khổ cùng ta.
Chàng khẽ rời tôi ra, gật đầu, mỉm cười:
- Thuở thiếu thời, ta luôn mong muốn tạo dựng tông phái riêng và khát khao trở thành một bậc danh sư lỗi lạc. Nhưng sau mười bảy năm lưu lạc ở Lương Châu, ta nhận ra rằng, việc xây dựng tông phái của riêng mình không quá quan trọng. Nếu ta chấp bút viết kinh luận Đại Thừa, thì ngoài Katyayana[1], những người khác chẳng thể sánh bằng. Nhưng dù ta có viết kinh sách, thảo luận thuyết, lập tông phái, thì ở Trung Nguyên, nơi mà Phật pháp không hưng thịnh, nơi những người am hiểu giáo lý Đại Thừa quá ư ít ỏi, liệu có ai muốn đọc và có thể đọc hiểu kinh luận Đại Thừa của ta đây?
[1] Hay còn gọi là Tôn giả Ca-chiên-diên, ngài là một trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca, nổi tiếng là một vị luận sư lỗi lạc.
Chàng rời khỏi tôi để bước đi trong căn phòng nhỏ:
- Điều mà trăm họ mong cầu nhất trong thời binh đao loạn lạc, không phải một bậc danh sư lỗi lạc, mà là những kinh văn Phật pháp giúp họ nguôi ngoai nỗi đau và được nhẹ lòng, những kinh văn giúp phổ độ chúng sinh.
Chàng dừng lại bên cửa sổ, quay lại nhìn tôi, nụ cười của chàng như thấu suốt cõi đời, làm bừng sáng khí chất phi phàm.
- Bởi vậy, ta không tiếp tục theo đuổi lí tưởng trở thành một bậc danh sư nữa, mà dành trọn phần đời còn lại để làm những công việc giúp truyền bá rộng rãi, thuận tiện, dễ dàng các giáo lý Phật pháp ở Trung Nguyên. Nếu có thể giúp cho ngày càng nhiều người lĩnh hội được giá trị cơ bản của những cuốn kinh văn Phật pháp hay phổ độ những người cùng khổ thành Phật, ta đã cảm thấy mãn nguyện rồi. Còn việc xây dựng tông phái, chờ khi Phật pháp Trung Nguyên phát triển hưng thịnh, ắt sẽ có người tài trí thay ta làm việc đó.
Tôi ngước nhìn chàng, tàn tích của những tháng năm hiển hiện trên gương mặt hao gầy, để lại những đường nét hằn trên vầng trán chàng, đỗ lại dưới đuôi mắt chàng, day dứt trên bờ môi chàng. Đôi mắt không long lanh như thuở trước mà nhuốm màu bãi bể nương dâu, thông tuệ và thấu suốt cõi đời.
Xây dựng tông phái, trở thành bậc danh sư lỗi lạc vốn là lí tưởng của mọi cao tăng, cũng là khát vọng của chàng kể từ năm mười ba tuổi, nhưng chàng đã từ bỏ khi bước sang tuổi năm mươi ba. Quãng đời còn lại của mình, chàng dành trọn cho việc dịch thuật kinh văn, không viết sách, không xây dựng luận thuyết. Đối với các tín đồ Phật giáo ở Trung Nguyên, cống hiến của Rajiva là vô cùng to lớn bởi vì chàng đã dịch thành công những cuốn kinh văn vô cùng quan trọng. Nhưng đối với chàng, chuyên tâm dịch thuật kinh Phật đồng nghĩa với việc hi sinh lí tưởng suốt bốn mươi năm, để truyền bá Phật pháp rộng rãi bằng cách thức mà người Trung Quốc có thể dễ dàng lí giải và lĩnh hội. Chàng đã phải trăn trở, dằn vặt và đấu tranh dữ dội nhường nào mới có thể dứt bỏ, mới có thể dấn thân như vậy?
Và chàng, phải chăng đúng như một số nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo đã đánh giá, chỉ là một nhà truyền giáo thành công, chỉ là một pháp sư “tuổi trẻ tài cao” không hơn không kém?
Một trong bốn đại đệ tử của chàng – đại sư Trúc Đạo Sinh là người đề xướng thuyết “giác ngộ”, mọi chúng sinh đều có Phật tính, là giáo lý cơ bản của phái Thiền Tông sau này.
Cao tăng Cát Tạng, đời Đường, là người sáng lập Tam luận tông dựa trên giáo lý của ba bộ kinh văn kinh điển: Trung quán luận, Bách luận, Thập nhị môn luận, được Rajiva dịch và đã tôn chàng làm thủy tổ của tông phái này.
Cao tăng Trí Di, đã chọn cuốn “Pháp hoa kinh” do chàng dịch làm cơ sở giáo lý của giáo phái Thiên thai tông, vì vậy Thiên thai tông còn được gọi là giáo phái Pháp hoa tông. Sức ảnh hưởng của giáo phái này càng lớn, tiếng tăm của Rajiva càng được lưu truyền rộng rãi.
Bộ “Kinh A-di-đà” do Rajiva biên dịch, rất ngắn gọn, súc tích, dễ đọc dễ thuộc, đã trở thành “giáo trình” mà các đệ tử của phái Tịnh thổ tông phải đọc mỗi ngày. Bộ kinh văn này ngày càng được lưu truyền rộng rãi, nhờ vậy mà sức ảnh hưởng của giáo phái này cũng ngày càng được mở rộng.
Đến thế kỷ thứ XIII, nhà sư người Nhật là Nhật Liên đã sáng lập ra giáo phái Nhật Liên tông dựa trên bộ kinh văn “Pháp hoa kinh” do Rajiva biên dịch và tôn chàng làm thủy tổ.
Những điều này, lẽ nào không đủ để chứng minh cho sự vĩ đại của chàng, chứng minh chàng đích thực là một bậc danh sư lỗi lạc? Ngoài Rajiva, Huyền Trang cũng là một bậc danh sư chỉ dịch thuật mà không viết sách. Họ không để lại những tác phẩm của riêng mình, nhưng điều đó không hề làm hư hao địa vị danh sư lỗi lạc của họ.
Sống mũi cay xè, tôi ngắm nhìn đôi mắt nhân từ, thông tuệ của chàng và tôi hiểu ra rằng, chàng không màng đến việc trở thành bậc danh sư lỗi lạc nữa, vả chăng chàng cũng không còn thời gian để bận tâm đến việc đó nữa. Còn nhiều việc quan trọng hơn đang chờ đợi chàng. Tôi ngã đầu vào ngực chàng, ôm lấy eo chàng, lắng nghe tiếng trái tim chàng gõ nhịp, nước mắt lã chã rơi xuống áo cà sa màu nâu sòng. Chàng chỉ lặng lẽ lau khô nước mắt của tôi bằng những nụ hôn, bao bọc tôi bằng nụ cười rạng ngời, truyền cho tôi hơi ấm…
Tôi đã nhận lại chiếc ba lô của mình vào sáng sớm hôm sau. Không thể chờ thêm nữa, tôi lôi ra chồng ảnh dày cộp, sắp xếp theo thứ tự thời gian và bắt đầu giới thiệu tỉ mỉ với chàng từng bức một, từ lúc nhóc Rajiva vừa chào đời, cho đến ngày sinh nhật lần thứ ba mươi ba của tôi. Hàng nghìn tấm ảnh lấy từ máy tính xách tay và điện thoại di động của tôi đã được đem đi rửa chỉ trong một ngày, tiêu tốn gần hết cuộn phim của Chinh Viễn.
(Các bạn đang đọc truyện tại: tuthienbao.com
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ)
Chàng ngắm nghía từng bức ảnh một rất lâu, như thể muốn sống lại những năm tháng và những khoảnh khắc đáng nhớ của nhóc Rajiva. Mỗi lúc xúc động, người cha đáng kính ấy lại nhòe lệ. Một buổi sáng dành cho những bức ảnh.
Hơi thở chừng như nặng nhọc, bàn tay Rajiva run run khi cầm đến tấm ảnh cuối cùng. Đó là tấm ảnh chụp vào ngày trước khi tôi lên đường. Hai mẹ con cùng nhau đắp hai người tuyết lớn, một người tuyết nhỏ. Nhóc Rajiva quấn khăn lụa Atala của tôi vào một người tuyết lớn, xếp chuỗi hạt mã não bé thường đeo ở cổ thành hình trái tim rồi đặt vào ngực của người tuyết lớn thứ hai, sau cùng, bé đội lên đầu người tuyết nhỏ chiếc mũ của bé và bảo rằng, đây là gia đình chúng ta.
Bé đứng bên cạnh người tuyết nhỏ vẫy tay, nụ cười rạng rỡ như nắng mai, gương mặt giống hệt bố. Trên mình người tuyết nhỏ, bé xếp các cành cây thành hình mấy chữ tiếng Anh xiêu vẹo.
Tôi nói với Rajiva, mấy chữ đó là I LOVE YOU, con yêu bố mẹ!
Bàn tay chàng vẫn chưa thôi run rẩy vì xúc động, nước mắt nhỏ xuống bức ảnh, chàng vội lấy tay áo lau đi. Tôi mỉm cười, chấm nước mắt, nhớ lại ngày hôm đó.
Nhóc Rajiva tháo khăn lụa trên cổ tôi và đề nghị tôi quay mặt đi, chờ bé sắp xếp xong xuôi mới được quay lại. Khi nhìn thấy những vật kỉ niệm trên mình ba người tuyết và hàng chữ kia, tôi cùng giống Rajiva lúc này, đã bật khóc. Ý tưởng đó hoàn toàn do nhóc Rajiva nghĩ ra. Vào khoảnh khắc ấy, tôi đã vô cùng khát khao gia đình chúng tôi cũng giống như những người tuyết này, được quây quần bên nhau…
Tôi bước đến cạnh Rajiva, chàng ôm lấy eo tôi, vùi đầu vào bụng tôi, nghẹn ngào:
- Ngải Tình, một mình nuôi con vất vả lắm phải không. Ta thật hổ thẹn vì làm cha mà chẳng giúp được gì…
- Rajiva, đừng tự trách mình, chàng cũng vì bất đắc dĩ.
Tôi hít một hơi, lấy lại bình tĩnh, cười thật tươi:
- Rajiva, con trai viết thư cho chàng đấy.
Tôi tìm thư trong ba lô và đưa cho Rajiva. Chàng bóc thư, bàn tay vẫn không thôi rung động. Tôi hỏi:
- Nhóc Rajiva viết thư bằng tiếng phổ thông hiện đại, lối viết rất khác với cổ văn, phải đọc từ trái sang phải theo chiều ngang, chàng có cần trợ giúp không?
- Không sao.
Chàng nhìn lá thư, giọng nghẹn ngào:
- Ta đã đọc đi đọc lại hàng trăm lần cuốn sổ ghi chép của nàng, nên quen với lối hành văn hiện đại rồi.
Tôi chưa xem thư của nhóc Rajiva, lá thư đó bé viết riêng cho bố, tuy bé không phản đối nếu tôi muốn đọc, nhưng tôi muốn tôn trọng con trai. Tôi lặng ngắm Rajiva, hàng mi dài nhíu lại, khóe môi rung động, yết hầu lên xuống dồn dập trên chiếc cổ cao vằn vện những nếp nhăn. Ngay khi đọc xong lá thư, người cha ấy vùi mặt vào tay áo, bờ vai khẽ rung động.
- Rajiva…
Chàng không ngẩng lên, tiếng khóc khe khẽ, tay phải run run đẩy lá thư về phía tôi. Tôi đón lấy, những con chữ non nớt hiện ra sinh động trước mắt:
- “Bố kính yêu!
Con là nhóc Rajiva, con trai của bố, năm nay con sáu tuổi.
Mẹ bảo rằng bố đang ở một nơi rất xa, xa đến mức đi tàu hỏa cũng không đến được, nên bố không thể về thăm con. Nhưng mẹ bảo bố rất yêu mẹ và con, ngày nào bố cũng nhớ hai mẹ con, bố là người bố tuyệt vời nhất trên đời.
Mẹ bảo con rất giống bố. Nhiều lúc mẹ cứ nhìn con rồi khóc, con biết mẹ đang nhớ bố. Mỗi năm đến ngày sinh nhật mẹ bảo con cầu nguyện, nhưng con chưa bao giờ nói con cầu mong điều gì với mẹ cả. Ước nguyện của con là: bố mẹ được ở bên nhau, để mẹ không buồn mà khóc nữa, con không muốn thấy mẹ khóc.
Tuy có ông bà ngoại giúp đỡ, nhưng mẹ nuôi con rất vất vả. Mẹ là người con hiếu thảo, mẹ bảo ông bà tuổi đã cao, không nên để ông bà phải lo lắng. Mỗi l n con ốm, mẹ thức trắng nhiều đêm liền không nghỉ. Mẹ rất chiều con, tối nào cũng đọc sách cho con nghe. Cũng có lúc mẹ nổi giận, vì con nghịch lắm. Nhưng xin bố yên tâm, sau này con hứa sẽ ngoan hơn, không khiến mẹ bực mình nữa.
Mẹ bảo mẹ phải đi thăm bố, con biết mẹ chờ ngày này rất lâu rồi. Mẹ được đi thăm bố, con cũng vui lắm, con cũng muốn đi, nhưng mẹ bảo con còn nhỏ, không đi được. Mẹ hứa, nếu con học hành chăm chỉ, lớn lên trở thành nhà khoa học như chú Chinh Viễn, hiểu biết nhiều thứ, thì con sẽ được đến thăm bố.
Tuy mất nửa năm không được gặp mẹ, mẹ cũng không thể gọi điện về cho con, nhưng con biết mẹ gặp bố chắc chắn rất vui. Bố hãy thay con chăm sóc cho mẹ. Sức khỏe của mẹ không được tốt, mẹ hay chóng mặt, mệt mỏi, ngày nào cũng phải uống thuốc. Nhưng công việc bận rộn nên mẹ thường bỏ bữa, quên uống thuốc, lại hay thức khuya đọc sách, viết bài. Khi ấy con đều nhắc nhở mẹ phải uống thuốc, và không cho mẹ thức khuya. Mẹ đến chỗ bố, bố nhớ nhắc mẹ ăn cơm, uống thuốc đúng giờ và phải đi ngủ sớm.
Mẹ bảo nửa năm nữa mẹ sẽ về. Con muốn bố về cùng mẹ, nhưng mẹ bảo bố không thể về được. Mẹ về với con, xin bố hãy yên tâm, con là con trai, con sẽ lớn thật nhanh để chăm sóc mẹ.
Bố ơi, bố chờ con lớn lên, con nhất định sẽ tới thăm bố.
Con trai của bố:
Nhóc Rajiva”.
Tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Thằng bé này, mới sáu tuổi mà đã hiểu chuyện như vậy! Ngày sinh nhật, bé nhắm mắt cầu nguyện, cầu mong bố mẹ được ở bên nhau. Không thể cho con một gia đình hoàn chỉnh, dù nói thế nào, cũng là lỗi của người làm cha làm mẹ…
Rajiva ôm tôi vào lòng, xiết chặt, những giọt nước mắt ấm nóng nhỏ xuống cổ tôi:
- Cảm ơn nàng đã dạy dỗ con trai chúng ta ngoan như vậy. Ta có lỗi với nàng, với con…
Chúng tôi ôm nhau khóc rất lâu. Khoảnh khắc đó, gương mặt đáng yêu của nhóc Rajiva hiện lên sống động trước mắt. Tôi nhớ con, nhớ tới bầm gan tím ruột…
Rất lâu sau đó chúng tôi mới bình tĩnh trở lại. Chàng mở thư của con trai ra đọc một lần nữa, lúc ngẩng lên, vẻ mặt đầy căng thẳng:
- Ngải Tình, lần này, nàng chỉ ở lại được nửa năm thôi ư?
Tôi gật đầu nặng nhọc, tôi định mấy hôm nữa mới nói cho chàng, nào ngờ nhóc Rajiva đã làm lộ chuyện. Mắt chàng sẫm tối, chàng đứng lên, bước đến bên cửa sổ, ánh mắt viễn du trên hàng thông bên ngoài, trầm ngâm rất lâu.
Lòng tôi buồn rười rượi, tôi đâu muốn chỉ ở bên chàng nửa năm ngắn ngủi? Nhưng, ngay cả khoảng thời gian ngắn ngủi này, tôi cũng đã phải cố công lấy trộm của ông trời. Tôi lại gần chàng, gọi khẽ:
- Rajiva…
Chàng quay đầu lại, nét âu sầu trong đáy mắt đã tan biến, chàng nở nụ cười hồn hậu, ôm vai tôi, chúng tôi mỉm cười, cùng nhau ngắm nhìn những cây thông kiên cường trong gió tuyết:
- Phật tổ đoái thương đã cho vợ chồng mình gặp lại nhau, ta vô cùng biết ơn người, không còn mong cầu gì hơn nữa. Nửa năm cũng đủ rồi…
Tôi cũng cười. Đúng vậy, những nửa năm kia mà! Chỉ cần chúng tôi trân trọng từng khoảnh khắc trong suốt nửa năm ấy, chúng tôi có thể sống vui vẻ và hạnh phúc bằng mấy mươi năm thời gian, không phải sao? Tôi ngả đầu vào vai chàng, cảm nhận niềm hạnh phúc và mãn nguyện trào dâng trong lòng. Trái tim, trở nên êm như lụa.
Chúng tôi tựa vai nhau được một lúc, bỗng chàng quay lại hỏi tôi:
- Ngải Tình, bênh huyết hư của nàng vẫn cần uống thuốc mỗi ngày ư?
Thằng nhóc Rajiva, sao lại kể mọi chuyện trong thư cơ chứ! Sớm biết như vậy, tôi đã đọc trước để thẩm tra rồi.
Không muốn chàng lo lắng, tôi chỉ trả lời qua loa:
- Em không sao! Em có mang theo một đơn thuốc điều trị bệnh huyết hư, chỉ cần thuốc thang đều đặn là ổn.
Tôi lấy đơn thuốc mà Chinh Viễn đã in ra giấy, đưa cho Rajiva, chàng đọc tỉ mỉ, gật gù khen bài thuốc hay. Chàng ngồi xuống chép lại, đưa bản giấy in cho tôi cất đi, sau đó mang theo đơn thuốc ra ngoài.
Lúc chàng về phòng, tôi tiếp tục kể chuyện nhóc Rajiva cho chàng nghe, từng chi tiết một, không để sót bất cứ điều gì, ngoại trừ căn bệnh máu trắng bẩm sinh và cuộc phẫu thuật cấy ghép tủy của bé. Chàng lắng nghe như uống từng lời. Nghe đến đoạn con trai bộc lộ tài năng và sự chín chắn thiên bẩm, chàng vui mừng, gật đầu khen ngợi. Nghe đến đoạn con trai nghịch ngợm, tinh ranh, chàng chau mày, lắc đầu phì cười.
Mãi đến lúc bóng người trong căn phòng trở nên mờ ảo, chúng tôi mới nhận ra trời đã tối. Đệ tử của chàng mang thuốc đã sắc và bữa tối đến. Chàng nghiêm nghị ép tôi uống thuốc và ăn hết thức ăn. Tôi muốn kể tiếp cho chàng nghe, nhưng chàng mỉm cười lắc đầu.
- Ngải Tình, muộn rồi, đi ngủ thôi. Con trai dặn dò ta phải để tâm việc ăn cơm, uống thuốc đúng giờ giấc của nàng hàng ngày và không được để nàng thức khuya.
Chàng mỉm cười dịu dàng:
- Ta phải thay con trai, chăm sóc nàng thật chu đáo.