Nhà tôi rối như mớ bòng bong.
Lại còn đi báo cảnh sát rằng tôi mất tích.
Bố mẹ tôi đã gọi điện đến nhà Khả Liên và Khả Liên nói tôi không đến đó.
Hồi trước cũng có lần tôi ngủ ở nhà Khả Liên, nhưng bố mẹ tôi không hề gọi điện tìm tôi. Lần này gọi là vì dì Hai từ Cáp Nhĩ Tân đến thăm, muốn gặp tôi nên mẹ tôi mới gọi cho Khả Liên, bảo tôi nghe máy, nhưng Khả Liên không biết gì nên không bao che cho tôi được, nó chỉ nói tôi không ở đó.
Thế là xong.
Nhà tôi loạn cả lên.
Di động của tôi không biết đã tắt từ bao giờ, một mình tôi đơn thương độc mã ra ngoài, mang theo tất cả tiền bạc. Mẹ tôi tìm ống tiết kiệm của tôi, phát hiện chẳng còn xu nào, khẳng định rằng tôi bỏ trốn.
Trên ti vi, cột điện bắt đầu xuất hiện thông báo tìm người. Đăng việc tôi mất tích, không biết đi đâu.
Vì thế, khi tôi xuất hiện trước cửa nhà, bố tôi, người cha xưa nay chưa từng đánh tôi, đã cho ngay tôi một cái tát.
Chỉ sau một đêm mà tóc bố và mẹ tôi đã bạc đi rất nhiều.
Họ tưởng tôi bị tai nạn.
Khả Liên cũng đang ở nhà tôi, còn có cả thầy cô và bạn cùng lớp. Còn tôi trở về với cảm xúc lâng lâng của nụ hôn với mối tình đầu. Tôi biết mình sai rồi, tôi đã làm họ lo lắng.
Thầy cô và bạn học an ủi bố mẹ tôi rồi ra về, chỉ có Khả Liên là ở lại.
“Đi đâu về?”. Mẹ hỏi.
“Con đi Bắc Kinh”.
“Đi làm gì?”.
“Con tìm bạn”.
“Tìm ai?”.
Tôi cúi đầu.
Tôi có lý do để im lặng và có quyền im lặng. Tôi đã mười tám tuổi, đã lớn rồi, chẳng lẽ việc gì cũng phải báo cáo hay sao? Tôi nhất quyết không nói.
“Mày...”. Mẹ tôi chỉ tay vào trán tôi: “Từ bé đã bướng lắm rồi, lại lắm trò quái gở! Sớm muộn gì cũng bị lừa thôi! Sớm muộn gì tao cũng bị mày làm cho tức chết! Khả Liên, cháu thử hỏi xem nó đi đâu về. Hôm nay cháu đừng về nhà nữa, cháu gọi điện về nhà báo là ở lại nhà cô nhé. Cháu phải dạy bảo con bé này hộ cô, nó làm cô tức chết rồi! Hồi bé cũng y như thế, mười một, mười hai tuổi đã biết bỏ nhà đi, đúng là hết cách!”
“Mẹ ơi, con sai rồi. Sau này con không dám nữa”.
“Đừng có gọi mẹ nữa”. Mẹ tôi nói: “Tao bực lắm rồi”.
Tôi biết dù mẹ tôi nói thế nhưng mẹ vẫn thương tôi và chiều tôi thôi. Rồi sẽ có một ngày mẹ hiểu cho hành động của tôi.
Khả Liên ở lại, nó lặng lẽ nhìn tôi.
Sự yên lặng đó làm tôi sợ. Mắt nó lạnh như băng, cứ như một con rắn. Nó nhìn tôi và hỏi bằng giọng không giấu sự nghi hoặc: “Mày đi tìm Sở Giang Nam phải không?”.
“Ừ”.
“Cám ơn mày, nói nói, tao biết mày sẽ giúp tao mà!”.
Trời ạ! Con bé hiểu nhầm rồi, nó tưởng tôi đi tìm Giang Nam hộ nó!
Nó còn nói: “Tao biết mày thương tao mà, không nỡ nhìn tao yêu đơn phương thế này nên tìm Giang Nam cho tao. Mày tìm thấy rồi phải không? Rồi mày bắt bạn ấy yêu tao phải không? Mày đã nói với bạn ấy tao si tình thế nào chưa? Tao biết, mày là bạn thân của tao, mày sẽ giúp tao phải không?”. Nó nói đi nói lại câu đó.
Ánh mắt của nó khiến tôi cúi gằm.
“Mày không tìm thấy bạn ấy à? Không sao, lần sau chúng mình sẽ cùng đi, chắc sẽ tìm được. Tao biết là mày sẽ không bỏ rơi tao”.
“Không, không phải”.
“Cái gì không phải? Chẳng phải mày nói là mày đi tìm Sở Giang Nam à?”.
“Đúng là đi tìm bạn ấy, nhưng không phải tìm cho mày”.
Tôi đã nói ra, tôi phải nói, tôi không thể để cái bí mật này đè chết tôi. Tôi phải nói vì bản thân tôi, phải được sống cho mình một lần chứ. Tại sao tôi không thể có lý do thích Giang Nam? Dẫu sao Giang Nam cũng không thích Khả Liên, thế thì sao tôi lại không được thích Giang Nam?
“Thế thì tìm cho ai?”.
“Tao tìm cho tao, tìm cho tao”. Tôi bình tĩnh nói.
Khả Liên đứng bật dậy:
“Cho mày sao?!”.
“Ừ, cho tao”.
“Mày?”.
“Tao cũng thích Sở Giang Nam, rất thích là khác. Nhưng vì mày thích rồi nên tao không dám nói, tao phải trốn tránh bạn ấy. Nhưng mày không biết rằng Giang Nam thích tao. Bạn ấy muốn tao đến Bắc Kinh gặp bạn ấy”.
“Bạn ấy muốn mày đi Bắc Kinh?”.
“Ừ”.
“Hai người...”. Khả Liên trợn trừng mắt: “Mày, sao mày lại lừa tao? Tại sao lại lừa tao? Vu Bắc Bắc? Tao tin mày, mày sẽ không lừa tao đâu, không thể nào!”.
“Tao không lừa mày, chỉ là tao không còn cách nào khác”.
“Thế nào là không có cách nào khác?! Mày đã lừa tao! Mày biết thừa là tao thích cậu ấy, mày biết thừa là tao phát điên vì cậu ấy, thế mà mày lại nhúng chân vào, sao mày làm thế? Đồ phản bội!”.
Khả Liên hét to lên, tôi nhìn thấy khuôn mặt bị sự tức giận làm cho méo mó đi của nó. Tôi cúi đầu. Đúng, tôi biết giải thích sao đây, tôi chỉ có thể nói: “Xin lỗi mày. Xin lỗi mày. Xin lỗi mày”.
“Xin lỗi à? Dễ quá nhỉ!”. Khả Liên phủi tay bỏ đi: “Vu Bắc Bắc, mày sẽ phải trả giá cho những gì mày đã làm. Mày hiểu tao mà, tao sẽ nhớ mối thù này!”.
Nói xong, Khả Liên bỏ đi.
Tôi cũng muốn đuổi theo giữ nó lại, nhưng lại không biết nói gì cả. Tôi biết, tốt nhất là nên im lặng.
Trời tối dần, mẹ tôi gọi chúng tôi ra ăn cơm thì nhận ra Khả Liên đã bỏ về liền hỏi tôi:
“Sao nó lại về?”.
“Nó bận ạ, tôi nói, nó bận nên về rồi ạ”.
Mẹ ngồi xuống cạnh tôi, tôi dựa vào vai mẹ và khóc.
“Mẹ ơi. Con buồn lắm!”.
Mẹ tôi ôm lấy tôi: “Con bé ngốc này, mẹ biết vì sao con đi Bắc Kinh rồi, chắc là đi tìm một cậu bạn phải không? Con bé này, giống hệt mẹ hồi trẻ”.
Đêm nay quá đen mà cũng quá dài. Trong giấc mơ của tôi có hai người là Sở Giang Nam và Khả Liên. Sở Giang Nam đuổi theo tàu mãi từ phía sau, tôi dần không nhìn thấy anh nữa. Còn Khả Liên thì đang treo người trên vách núi, tôi dang tay ra cứu nó nhưng cuối cùng chính tôi lại rơi vào lòng biển!
Tôi ra mồ hôi lạnh đầy người, liệu Khả Liên có hận mình thật không? Nó nói sẽ ghi nhớ mối thù này, chúng tôi từng là bạn thân như một, nó sẽ hận tôi thật sao?
Sáng sớm, tôi đi đến lớp, đầu quay quay. Vừa bước qua cửa, cả lớp đã quay ra nhìn tôi.
“Sao thế? Mặt tớ dính gì à?”.
Thái độ của Khả Liên rất lạnh nhạt. Tôi cười với nó, nhưng nó không thèm để ý tôi.
Tôi đi rất nhanh về chỗ mình, để cặp xuống. Cảm thấy không khí vẫn không bình thường, khi ngẩng đầu lên nhìn, tôi lập tức đứng sững như trời trồng.
Trên bảng, đập vào mắt tôi là sáu chữ: “Vu Bắc Bắc vô liêm sỉ”.
Trong đầu tôi “ầm” một tiếng, hình như có gì nổ bên trong, tôi như mê đi. Sáu chữ to đùng sờ sờ trên bảng, nhìn nhức cả mắt, làm tôi xấu hổ không biết chui vào đâu.
Tôi lao lên bục giảng, lấy giẻ lau mạnh. Bụi phấn rơi trên quần áo, nước mắt tôi cũng rơi trên quần áo. Lau xong, tôi lao ra khỏi lớp đúng lúc gặp cô tiếng Anh. Cô gọi tên tôi nhưng tôi không nghe thấy gì nữa, không nhìn thấy gì nữa, chỉ biết chạy, chạy đến bên hồ trong trường học và khóc ầm ĩ.
Khả Liên, mày thật quá đáng!
Tôi biết, là nó. Chắc chắn là nó!
Nó đã từng nói, từ bé nó muốn gì đều được nấy, nếu không ăn được sẽ đạp đổ.
Bây giờ, nó muốn đạp đổ sao?
Suốt buổi sáng, tôi ngồi bên hồ, gió lành lạnh thổi tới làm mặt tôi tái buốt. Đây có lẽ là mùa đông lạnh nhất. Tôi giống như một cái cây đã trơ trụi lá, cô độc và lạnh giá mà bên cạnh chẳng có ai an ủi.
Tình bạn giữa tôi và Khả Liên chấm dứt thật sao?
Mặc dù nó đã sỉ nhục tôi, nhưng tôi vẫn muốn cố gắng. Tôi biết nó không phải người xấu, chỉ vì nó quá giận tôi mà thôi. Từ bé bố mẹ đã nuông chiều nó, vung tiền cho nó không tiếc tay nên nó muốn gì đều được nấy. Nó không cho phép Giang Nam thích tôi, càng không cho phép tôi thích Giang Nam. Nhưng ai có thể ngăn cản tình yêu chứ! Ai?
Tôi nghĩ tôi phải nói chuyện rõ ràng với nó một lần.
Buổi trưa, trước khi vào học tôi tìm gặp Khả Liên. Tôi gọi nó, nó quay mặt lại nhưng không thèm nhìn tôi.
“Khả Liên à, mình nói chuyện nhé”.
Nó cười lạnh lẽo: “Giữa tao với mày còn gì để nói chứ!”.
“Mày không thể đối xử với tao như thế!”.
“Thế mày đối xử với tao thế nào?”.
“Chẳng lẽ những gì giữa tao và mày, mày đều quên rồi à? Khi tao ốm, mày đã mua hoa quả và truyện tranh cho tao. Khi mày buồn, tao đưa mày đi bar hát, chúng ta đã cùng trốn học đi xem phim, cùng đến Thượng Hải xem lưu diễn, mày quên hết rồi sao?”.
“Mày còn nhớ những gì đã qua à? Vẫn còn nhớ đã từng thân nhau à? Cám ơn mày, nhưng tao thì không biết bạn thân của tao đã cướp bạn trai tao!”.
“Cậu ấy không phải bạn trai mày!”.
“Sao mày biết? Nếu không phải mày xen vào thì cậu ấy sẽ thích tao. Bọn tao đều thích âm nhạc, đều là người độc lập mạnh mẽ, bọn tao có vô số điểm chung. Còn mày là ai? Một con bé Lọ Lem, đồ nhà quê!”.
Mắt tôi trong thoáng chốc đã ầng ậng nước. Nó đang sỉ nhục tôi, chê bai tôi. Tôi không bằng nó, cái gì cũng không bằng nó, không có sắc đẹp giống như nó, cũng không có tài như nó, thậm chí cũng không học giỏi bằng nó, hơn nữa, nó là một thiên kim tiểu thư, nếu thích có thể đi ra nước ngoài nghỉ mát, còn tôi thậm chí chưa từng đi máy bay bao giờ. Nếu mà không phải để đi tìm Giang Nam, thì đến cả tàu hỏa tôi cũng chưa được đi.
Tôi cắn chặt môi, nhìn nó một cái, rồi lại nói bằng một giọng khẩn cầu:
“Chúng ta đừng nói chuyện kiểu này được không? Tao muốn nói chuyện một cách bình tĩnh”.
“Xin lỗi, tôi không có thời gian hầu cô. Tài xế của bố tôi đến đón, chào!”.
Nói xong, nó quay người đi, chỉ còn lại mình tôi đứng đó.
Tôi biết, giữa chúng tôi đã từng thân nhau là thế, bây giờ thì đau lòng làm sao. Hóa ra, đến với Giang Nam tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn thế này! Nếu chúng tôi chỉ là bạn bình thường, tôi cũng sẽ không bị tổn thương nhiều lắm. Nếu chúng tôi không cùng yêu một người, thì nó sẽ không nói những câu làm tôi đau đớn như thế! Nhưng tại sao tôi vẫn quý nó, vẫn không giận nó được? Lẽ nào tôi đã nợ nó từ kiếp trước?
Khi bước vào lớp học, tôi còn buồn hơn nữa. Khi tôi đi qua Khả Liên, nó ngay lập tức quay mặt đi rồi chạy như bay ra ngoài nôn.
Nó nôn oẹ ầm ĩ, như thể tôi và nó có mối thù vô hạn.
Giữa chúng tôi thực sự đã có khoảng cách không thể lấp đầy.
Ngày trước, lúc nào tôi cũng thích giờ thể dục. Tiết này, chúng tôi sẽ không chạy vòng quanh sân mà đứng nói chuyện riêng cạnh thư viện, rồi trêu nhau, nói về những bài hát mà gần đây mới nghe được, hoặc so sánh xem thằng con trai này hay ho hơn thằng con trai khác, hoặc là tìm đặt biệt danh cho các thầy cô. Nhưng bây giờ, tôi nhìn nó chơi với những đứa con gái khác, mua kem cho chúng nó còn tôi thì đứng một mình mà buồn thê thảm.
Nó đang lôi kéo bọn con gái xa lánh tôi.
Nó có tiền, mà mấy đứa con gái kia thì rõ là gió chiều nào che chiều ấy, suốt ngày bị những món quà của nó dụ dỗ, khi thì là quyển sổ tay dễ thương, khi thì là cái kẹp tóc hoặc cà vạt độc đáo. Nó mua cho hết thảy bọn con gái, trừ tôi.
Khi mà chúng nó liên kết lại với nhau, nhìn cứ như là một ban nhạc nữ, còn tôi thì thật lạc loài.
Nó đang dùng tiền để kết bè kết phái, còn tôi mỗi lần bước chân vào lớp đều có cảm giác lạc lõng, đành ngậm miệng không nói năng câu gì. Từ ngày tôi và Khả Liên bất hòa, tôi trầm hẳn, tôi nghĩ tôi có đủ lý do để ghét nó, không nhìn mặt nó cả đời, nhưng cứ nhìn thấy nó đứng cô độc bên Tây Hồ, tôi lại thấy xót xa.
Cho dù nó đã làm tổn thương tôi như thế đó.
Tôi gọi cho Sở Giang Nam, nói:
“Nếu tiện, anh viết cho Khả Liên bức thư được không? Dù cho không nói gì cũng được”.
Tôi làm thế hoàn toàn vì Khả Liên, vì muốn nó đỡ buồn một chút. Giang Nam nói:
“Cũng được, anh sẽ làm, nhưng chỉ vì em thôi đấy! Chứ nếu Khả Liên càng thích điên lên thì đừng có trách anh!”.
Một tuần sau, Khả Liên nhận được thư của Giang Nam thật.
Tôi nhìn thấy Khả Liên cầm bức thư một cách tự hào, rồi còn cố ý giơ cao lên để cho Hồ Hiểu - đứa con gái ngồi sau nhìn thấy.
“Thư của Giang Nam à?”. Hồ Hiểu hỏi.
“Ừ!”. Nó nói: “Bọn tao là bạn tốt mà”.
Nó càng tỏ ra tự đắc thì tôi càng đau lòng, càng thương nó hơn. Trong lòng nó chắc chua xót lắm, vì tôi đã biết Giang Nam viết gì trong đó. Anh đã nói hết cho tôi, anh viết rằng, mùa xuân tới, ở Bắc Kinh có một cuộc thi chọn ngôi sao mới, nếu Khả Liên muốn thì cùng tham gia. Anh chỉ nói với nó tin này thôi, nhưng Khả Liên cứ mang bức thư đi khoe khắp nơi. Cái phong bì màu xanh như đâm vào tim tôi, vì anh đã từng nói anh thích màu xanh da trời, mà màu xanh ấy lại luôn đi kèm với tôi.
Mùa xuân đến thật nhanh, khắp vùng sông nước Giang Nam ngập tràn màu sắc của hoa lá cỏ cây. Người đến Tây Hồ du lịch ngày càng đông, ở đây chỉ có buổi tối là còn yên tĩnh. Tôi lặng lẽ nhìn bưu phẩm Giang Nam gửi cho tôi.
“Vu Bắc Bắc, nhớ quá. Không biết khi anh nhớ em, em có nhớ anh không? Anh đã tưởng có thể bớt nhớ em, nhưng cứ nhắm mắt lại là thấy em. Hôm nay có một cô gái nhìn giống em lắm, cũng cao và gầy, mái tóc đen dài, anh cứ ngỡ là em, đi theo người ta rõ lâu. Khi cô ta quay mặt lại thì anh mới biết không phải em, lòng anh đau đớn quá! Bao giờ anh mới lại được nhìn thấy em đây?”.
Thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau trên Msn. Avatar của anh là một cậu bé hoạt hình nhìn giống anh lắm, còn avatar của tôi là một cô gái buồn. Tôi nói với anh rằng, mùa xuân đã đến với Tây Hồ rồi, tôi đã mua trà Minh Tiền[1] để gửi cho anh, là trà Bích Loa Xuân, có thể làm ngọt giọng, sẽ tốt cho họng của anh.
[1] Lá trà được hái từ trước Tiết Thanh minh.
Anh khen tôi là biết thương đàn ông.
Tôi xấu hổ đỏ mặt: Anh đừng có “đàn ông, đàn ông” thế!
“Anh là đàn ông, người đàn ông của em”.
“Thôi đi ạ”.
“Lại nhớ em rồi”. Anh nói: “Muốn gặp em”.
“Không được, đợt này đang bận lắm, đợi thi đại học xong đi”.
“Không, trong mùa xuân mình gặp nhau nhé? Anh tới chỗ em được không? Anh đã được vào vòng trong rồi, anh đã hát một bài tự sáng tác với nhan đề Em âu sầu như thế, em biết không, bài này anh viết tặng em đó.”
“Thế anh hát cho em nghe đi”.
“Ừ, tuần này anh đi luôn nhé. Anh muốn nhìn thấy Tây Hồ vào mùa xuân”.
“Vâng, thế anh đến đi”. Khi gõ những dòng chữ này, tôi thấy tay mình đổ mồ hôi, đúng, tôi muốn gặp Giang Nam, từ lâu lắm rồi. Câu chuyện ở Trường Thành đẹp như giấc mơ, tôi không thể chờ đợi thêm được nữa. Khả Liên gây cho tôi bao nhiêu ấm ức khiến tôi chỉ muốn được bao bọc trong một làn hơi ấm.
Hơi ấm đó, làm cho người ta khao khát quá!
Mùa xuân của tuổi mười tám, có lẽ đã được trời ban tặng một lớp phấn hồng rực rỡ, nhưng cũng đầy màu tím của nỗi âu sầu.
Cuối tuần này anh đến Hàng Châu rồi, anh sẽ gặp tôi. Nhưng anh lấy lý do là về thăm bà ngoại. Bà ngoại anh ở Hàng Châu, bà hợp với khí hậu vùng Giang Nam chứ không quen với xứ Bắc. Vì thế, sau nhiều lần khuyên nhủ mà không được, bà ngoại anh vẫn cứ sống ở Hàng Châu một mình.
Tôi sẽ đón Giang Nam như thế nào nhỉ?
Đương nhiên là phải đi mua một bộ quần áo mới.
Giang Nam đã từng nói tôi mặc váy rất xinh, thế thì tôi sẽ mua váy.
Không có tiền nên tôi đành nói dối. Nào là ở trường phải đóng một số món tiền linh tinh, nào là phải mua sách mới. Sau khi lừa được bố mẹ hai trăm tệ, tôi đi ra cửa hàng ngay lập tức. Tôi không chờ đợi được nữa, mùa xuân này chan chứa sắc hồng, ngay cả tâm trạng tôi cũng ngập một màu hồng, từng vụn phấn hồng rơi vào trái tim tôi, tôi ôm sự háo hức chạy tới bên Sở Giang Nam như một chú chim non.
Phải, háo hức.
Yêu một người, bỗng hóa thành chú bồ câu, cho dù trời mưa hay trời nắng, cho dù có gió thổi hay không cũng phải bay về phía trước, cứ bay thẳng, bay vào lòng anh.
Trên sân ga, Giang Nam nhìn thấy cô bé mặc chiếc váy mới mua màu trắng tinh khôi, mái tóc đen thẳng đang nhìn anh cười một cách ngốc nghếch.
Luôn luôn cười một cách ngốc nghếch như thế.
Anh kéo tôi chạy trên sân ga. Anh mặc quần dài màu sữa và áo sơ mi trắng, trên áo có những chiếc cúc màu đen, nhìn vừa hấp dẫn và lạ mắt. Chúng tôi cứ thế chạy trong gió, tôi không buồn hỏi anh muốn đem tôi đi đâu, chỉ cần chạy cùng anh là vui lắm rồi. Anh kéo tôi tới một góc rẽ trên sân ga. Ở đây không có người mà chỉ có gió và những cánh hoa mới nở, bốn mắt chúng tôi nhìn nhau.
Bỗng nhiên, anh ôm chặt lấy tôi:
“Nhớ em chết mất!”.
“Em cũng thế, em cũng thế!”. Tôi nói khẽ.
“Em nhớ anh ở đâu?”. Anh hỏi.
“Nhớ trong tim”. Tôi trả lời.
“Anh thì không”.
“Thế thì nhớ ở đâu?”.
“Mỗi tế bào của anh đều nhớ em, mỗi sợi tóc của anh đều nhớ em, mỗi khúc xương của anh đều nhớ em! Nào, để anh xem em có khác đi không? Hình như em gầy đi à? Á, Bắc Bắc, em gầy đi thật rồi!”.
Phát hiện của anh làm tôi nhớ đến nỗi ấm ức mà Khả Liên gây ra. Nước mắt tôi trong khoảnh khắc bỗng đầm đìa cả mặt, tôi nghẹn ngào nói:
“Do em nhớ anh đấy, không có chuyện gì đâu”.
Chúng tôi ôm chặt lấy nhau, dường như xương tôi chạm vào xương anh. Chúng tôi hôn lên má nhau. Tôi nói với anh:
“Anh phải nhớ em nhiều vào, hôn em nhiều vào!”.
“Ừ!”. Anh nói: “Anh sẽ nhớ em thật nhiều!”.
Có lẽ đôi nam nữ nào yêu nhau cũng thế, trở nên vừa ngốc nghếch vừa trẻ con. Chúng tôi cứ nói đi nói lại những câu vừa nói, nhớ thật nhiều, có thể nhớ nhiều bao nhiêu chứ. Những câu nói này ngốc nghếch vô cùng, nhưng mà có lúc, nó lại đáng yêu vô cùng.
“Đoán xem anh mang gì đến cho em?”.
“Em chịu thôi!”.
“Đoán đi!”.
Tim tôi đã vui lắm rồi, anh quá hiểu tôi và trân trọng tôi. Tôi nghĩ rồi nói: “Chắc không phải là nhẫn đâu nhỉ?”.
“Thông minh thế, là nhẫn đấy, của Bác Thợ Bạc[2] nhé! Anh đặt làm đấy, ở trên còn có tên của em”.
[2] Một hãng trang sức bạc nổi tiếng của Trung Quốc.
Rồi anh lấy ra một chiếc nhẫn, hình một đóa hoa hồng nhỏ, bên trên có tên tôi.
Anh cầm tay tôi lên, cẩn thận đeo vào tay tôi: “Anh sẽ trói em cả đời, lần này em chạy không thoát khỏi anh đâu!”.
Nước mắt lại rơi như mưa trên chiếc nhẫn. Tôi nghĩ, một người con trai tỷ mẩn như thế, còn đến tận Bác Thợ Bạc đặt nhẫn cho tôi, còn khắc tên tôi lên trên, cứ tưởng tượng cảm giác khi anh nói tên tôi với người khác, nước mắt tôi tự nhiên lại tuôn rơi.
“Đừng chê nó rẻ nhé. Khi nào có tiền anh sẽ mua cho em nhẫn kim cương, loại to nhất. Mua hai chiếc, đeo một chiếc, vứt một chiếc, được không?”.
Tôi yêu cái sự ba hoa của anh, anh biết cách làm tôi cười.
Chúng tôi người trước người sau, đi ngược lại. Anh muốn dắt tay tôi nhưng tôi xấu hổ không cho:
“Không được, người ta nhìn thấy đấy!”.
Lên xe bus, tôi lại bị anh ôm chặt.
“Người đông quá!”. Anh nói: “Em nép vào lòng anh sẽ an toàn hơn”.
“Càng nguy hiểm hơn thì có!”. Tôi nói: “Yêu anh là một việc vô cùng nguy hiểm, em đã ở tình trạng báo động đỏ rồi!”.
“Báo động đỏ cũng được, có nguy hiểm mới thú vị!”. Anh lại đưa tay ra như định véo mũi tôi, tôi cũng nghếch mũi lên một cách nghịch ngợm, hai chúng tôi cười phá lên.
“Em đi thăm bà cùng anh nhé!”.
“Không được!”.
“Xấu quá nên không dám đi gặp người nhà anh chứ gì?”.
“Anh mới xấu!”.
“Thế thì cùng đi, sợ gì chứ! Bà anh tốt lắm! Anh lớn lên từ bé với bà, nên mới chuyển đến Hàng Châu học hai năm. Nếu không phải để dự thi thì anh cũng sẽ không về Bắc Kinh đâu”.
“Thế thì em cũng không đi!”.
“Đi!”.
“Không đi!”
“Nghe lời anh!”.
“Không nghe!”
Anh nói nhẹ nhàng bên tai tôi:
“Sớm muộn gì thì đứa con dâu xấu xí này cũng phải đi gặp bố mẹ chồng thôi, thế thì đi gặp bà ngoại trước được không? Anh chỉ muốn khoe em với người nhà anh thôi, bà anh lại thân thiết với anh vô cùng, nhất định bà sẽ thích em, đi nhé, năn nỉ đấy!”.
“Thôi cũng được!”. Tôi nói: “Nhưng em sẽ căng thẳng lắm!”.
“Không sao, còn có anh mà!”.
Bà ngoại Giang Nam sống trong một căn nhà cổ của Hàng Châu, nhìn từ xa đã thấy những bông hoa đang nở rộ. Có dây trường xuân, lại có những cánh cổng nhỏ uốn hoa sắt màu đỏ. Chúng tôi mở cổng, nhìn thấy bà ngoại đang mặc quần áo kịch hát côn khúc[3] trong vườn hoa.
[3] Côn khúc là một trong những loại hình cổ nhất của nghệ thuật ca kịch Trung Quốc. Đây là loại hình nghệ thuật đầu tiên của Trung Quốc được UNESCO đưa vào danh sách kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
“Bà thích hát bài Dạo chơi trong vườn giật mình tỉnh mộng”. Giang Nam nói.
Hóa ra vào lúc này đây, bao nhiêu tài năng của bà ngoại đang được bộc lộ hết ra.
Tôi nghe đến ngây cả người, trời ơi, đây đâu phải một bà lão gần bảy mươi tuổi? Bà nhìn thật kiêu sa, mỗi bước đưa tay, mỗi chuyển động dáng vẻ đều kiều diễm quá! Thậm chí, tôi cảm thấy tự ti. Một cụ già gần bảy mươi tuổi mà vẫn kiêu sa và kiều diễm, thật là hiếm có!
Bà đã hát xong, rồi nhìn tôi:
“Vu Bắc Bắc!”. Bà gọi tôi.
Tôi cảm động nhìn Giang Nam. Sở Giang Nam nói:
“Anh đã nói với bà ngoại từ lâu rồi! Có một người con gái tên là Vu Bắc Bắc rất tài hoa”.
“Làm gì có tài hoa!”. Tôi ngại ngùng gọi “Bà ngoại!”.
Bà đi thay quần áo. Giang Nam nói:
“Ngày nào bà cũng hát! Em biết không, ngày xưa bà thuộc đoàn văn nghệ Tiểu Bách Hoa, hát cả đời rồi, nhưng thích nhất côn khúc. Ngày xưa anh đâu ngờ côn khúc hấp dẫn đến thế! Giờ mới biết, côn khúc có một cái hay riêng rất khó tả, chắc sắp tới anh cũng tập một đoạn côn khúc, khi nào đi thì sẽ biểu diễn cho họ xem, có khi còn lôi kéo được thêm bao nhiêu phiếu bầu ấy chứ!”.
Ngày xưa tôi thấy côn khúc biểu diễn nhìn cứ chầm chậm, giờ mới thấy côn khúc thật hấp dẫn. Tôi lại nhìn bà ngoại. Bà mặc một bộ đũi xám, sau đó lấy ra một bộ đồ dùng trà. Ấm trà Tử Sa của Nghi Hưng, trà Bích Loa Xuân vừa hãm.
“Là trà Minh Tiền mà bà để dành cho mình Giang Nam”. Vừa nói, bà vừa biểu diễn trà đạo. Ngón tay bà rất thon, mặc dù đã có nếp nhăn và chút đồi mồi, nhưng nhìn vẫn thật mềm mại.
Bà giảng về trà đạo. Ngày xưa, có một người con gái tên là Bích Loa, lớn lên bên Tây Hồ. Nàng xinh đẹp và hiền lành lắm, nhưng con Ác Long (rồng dữ) sống trong hồ lại say mê nàng, muốn chiếm đoạt nàng. Một chàng trai yêu Bích Loa say đắm đã chiến đấu với Ác Long bảy ngày bảy đêm, cuối cùng chàng đánh bại nó nhưng cũng bị trọng thương. Bích Loa đến nơi mà họ giao chiến, nhìn thấy một mầm chè non, nàng đem mầm cây về nhà.
Mầm cây non lớn lên rất nhanh, chẳng mấy chốc đã ra lá. Nhưng mầm cây sợ lạnh, nên để cho mầm cây sống được, mỗi sáng sớm, Bích Loa đều phải ngậm từng chiếc lá của nó. Một ngày, Bích Loa hái mấy chiếc lá đó xuống, pha một tách trà cho chàng trai, nhưng không ngờ mùi hương bay đi khắp nơi, chàng trai uống xong thì khỏe dần lên, còn Bích Loa thì ngày càng tiều tụy, vì nguyên khí của nàng đều truyền hết cho từng lá trà bé nhỏ. Lá trà hái đi rồi, nguyên khí của Bích Loa cũng không trở về nữa. Sau đó, Bích Loa chết. Để nhớ về cô gái xinh đẹp mà hiền lành đó, người ta gọi loại trà này là Bích Loa Xuân.
Nghe xong, nước mắt tôi đã dâng trào. Hóa ra, loại trà này có một chuyện tình cảm động như vậy ư! Thảo nào mà chúng tôi đều thích uống. Tôi quan sát Bích Loa Xuân kỹ càng: Lá trà mảnh, cuộn tròn lại như vỏ ốc, trên màu xanh lá cây có một lớp tơ bạc mỏng.
Nghe truyện mà tôi cũng vã cả mồ hôi. Đem so sánh ra thì tôi thiếu hiểu biết quá. Trà đắng và thơm, hôm nay tôi mới biết.
Tôi và Giang Nam nhìn nhau một cái rất lâu, và đều hiểu rằng, loại trà này như chở nặng tình yêu.
Tôi và Giang Nam đều thích mùi thanh hương của Bích Loa Xuân. Tôi nói:
“Rồi em sẽ gửi trà cho anh, dù anh ở đâu”.
Giang Nam nhìn tôi:
“Ừ, anh cũng thế, cũng gửi cho em, dù em ở đâu. Để mỗi lần em uống Bích Loa Xuân đều nhớ tới anh, nhớ tới bà, nhớ tới chuyện tình này”.
“Say đắm quá”. Tôi nói.
Người giúp việc đã tới. Bà hỏi:
“Cháu muốn ăn gì? Hôm nay bà sẽ vào bếp nấu”.
“Cháu ăn gì cũng được ạ”.
Giang Nam nói:
“Tài nấu bếp của bà anh là đệ nhất thiên hạ. Anh không thích ăn cơm mẹ nấu bằng cơm của bà đâu”.
Trưa hôm đó, bà ngoại đã nấu cho chúng tôi món đậu phụ đầu cá, gà bát bảo, cá nấu măng, gà xào hạt dẻ, thịt Đông Pha, thịt cuộn lá sen. Tôi và Giang Nam ăn no nê, căng hết cả bụng.
“Trời ơi! Trên đời này có những món ngon như thế sao!”.
Giang Nam lại gần nói nhỏ:
“Sau này em phải học vài món, kế nghiệp bà ngoại nhé!”.
“Anh kế thừa đi”.
“Em chứ”.
Chúng tôi đùa nhau ríu rít, bà ngoại nhìn chúng tôi cười hiền hậu. Trước mắt chúng tôi là một khuôn mặt như hoa phù dung, trong bát là trà Bích Loa, chiếc bát gốm của trấn Cảnh Đức có vẽ những bông hoa nhỏ. Buổi chiều đẹp vừa huyền diệu lại hơi u sầu. Trong những giây phút đó, chúng tôi đã yêu căn vườn nhỏ, yêu bà ngoại, và cũng yêu hơi thở của ngôi nhà cổ kính. Tất cả đều hòa hợp với tôi, nhẹ nhàng, ấm áp, vừa mang mùi thơm của hoa cỏ tháng tư, mà lại có mùi vị thật khó tả, thật làm cho người ta lưu luyến không nỡ rời xa.
Giang Nam chỉ ở lại Hàng Châu hai ngày, anh nói là về thăm bà, thực ra là vì tôi.
Tôi nhắc tới Khả Liên, anh nói không gặp vì thấy không cần thiết. Anh nói, sợ gặp nó rồi nó lại gây chuyện thị phi, vì Khả Liên là một người cá tính hoang dại hơi thô bạo.
“Thô bạo?”.
“Ừ, em không thấy à, mắt Khả Liên lạnh như băng ấy!”.
Tôi làm gì nhận ra điều đó. Tôi chỉ thấy nó cô đơn độc hành, muốn gì có đấy. Vì Giang Nam mà tôi và nó trở nên xa cách nhau. Giang Nam nói:
“Xa cách là chuyện bình thường. Vì Khả Liên không thể chấp nhận chuyện mình yêu nhau”.
“Vì sao?”.
“Vì Khả Liên cho rằng anh là của cô ta, cô ta đã viết một bức thư dài cho anh. Có thể thấy cô ta yêu thực lòng và cũng yêu thật mãnh liệt. Nhưng mà Bắc Bắc à, cái gì trên đời này cũng có thể miễn cưỡng được, trừ tình yêu. Anh tin vào cảm giác của tiếng sét ái tình. Khi anh nhìn thấy em lần đầu tiên anh đã biết em chính là người mà anh tìm kiếm”.
Đó là những lời Giang Nam đã nói với tôi. Tôi trầm tư rất lâu, chân đá những hòn sỏi nhỏ trong sân vườn rồi nhìn mặt trời dần dần lặn xuống. Chúng tôi đã im lặng cả ngày, cả ngày trời, nhưng dường như vẫn không đủ.
“Em phải về đây, muộn quá rồi”.
“Anh đưa em về”.
Chúng tôi sánh vai nhau đi vào con ngõ mưa, trận mưa bụi đến thật đúng lúc, có hai người trẻ tuổi đang sánh bước với nhau trong con ngõ mưa của vùng Giang Nam, anh khe khẽ hát một bài: “Giây phút này anh yêu em quá, yêu đến mức...”.
Tôi nhẹ nhàng cầm tay anh, mơ màng ước giá như con ngõ này dài mãi, đi mãi cũng không đến cuối đường, mãi mãi.
Tôi bỗng trượt chân, suýt ngã.
Chân tôi hơi đau. Giang Nam lập tức ngồi xuống, chẳng quan tâm tới bùn bắn lên chân tôi mà nhẹ nhàng xoa cho tôi:
“Có đau không? Còn đau không em?”.
Tôi nhìn anh và nghĩ, anh rất thương tôi, tôi nghĩ, mình phải tốt với anh, cả đời này phải tốt với anh. Nếu như có một ngày anh không còn yêu tôi nữa, tôi vẫn phải tốt với anh, vì những gì hôm nay anh đã đối xử tốt với tôi đủ khiến tôi ấm áp cả đời.
Anh dùng tay xoa, rồi lại thổi phù phù, tôi nói:
“Được rồi! Hết đau rồi hết đau rồi!”.
Ra khỏi con ngõ mưa bay, có một ông già bán kẹo đường nhân. Anh mua một cây kẹo hết hai tệ. Cây kẹo này thổi theo hình anh.
“Cho em ăn! Em sẽ ăn anh vào bụng, thế là anh sẽ không chạy được nữa!”.
“Ừ, anh mua để cho em ăn mà”.
“Hay lại mua thêm cái nữa, thổi một cái hình em, rồi anh cũng ăn đi!”
“Ừ. Anh cũng sẽ ăn em!”.
Chúng tôi cầm hai cây kẹo, một cái thì giống tôi một cái thì giống anh, rồi ăn từng miếng một.
“Bây giờ... em sẽ ăn Sở Giang Nam vào bụng!”.
Anh cũng không chịu thua:
“Bây giờ, anh sẽ ăn Vu Bắc Bắc vào bụng! Thôi xong, Bắc Bắc biến thành con giun đũa trong bụng mình rồi!”
“Đáng ghét, em không phải giun!”.
“Thế em là gì?”.
“Em là người ở trọ nhà anh!”.
“Ừ, thế anh là người có chiếc chìa khóa duy nhất được không?”.
“Được, nếu anh đánh mất chìa khóa để tìm em, thì đừng hòng vào nữa nhé!”.
“Anh sẽ không làm mất đâu, mình ngoắc tay nhé!”.
“Ừ, không đánh mất, ai làm mất thì là cún con”.
“Là heo con!”.
“Không bằng con cún, con heo”.
“Ừ, không bằng con cún, con heo”.
Chúng tôi lại cười phá lên. Trời tối dần, chúng tôi đi tới bên Tây Hồ, có những người đang đi dạo đêm bên hồ. Chúng tôi cũng đi dạo bên hồ, ngắm những đốm lửa của thuyền đánh cá lập lòe ở tít xa xa. Ban đêm Tây Hồ đẹp quá, hơn nữa lại đang là tháng tư, tôi lại đang được đứng cạnh Giang Nam. Anh không nhìn tôi, tôi cũng không nhìn anh, nhưng ngay cả hơi thở của chúng tôi cũng đan vào nhau, ngọt ngào khủng khiếp, dường như có một thứ gì đó kết dính giữa hai chúng tôi. Là gì nhỉ? Tôi nghĩ, là tình yêu. Chỉ có thể là tình yêu nên mới dính chắc như thế, mới không tách ra được, mới ngọt ngào như mật, vừa đau, vừa ngọt, mà lại có những nỗi u sầu của tuổi mới lớn.
Tuổi mười tám, tuổi mười tám xanh tươi như lá non.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !