1.
Phương án tiếp cận Trần Văn Soái thông qua Tống trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm Vũ coi như đã thực hiện được hai phần ba kế hoạch khi Nhiễm báo tin Soái mời anh đến gặp riêng tại tư dinh đường Miched.
- Ông Tổng đang vui mừng về chuyến đi kinh lý miền Tây của chúng ta, tự nhiên lo buồn cáu gắt. Hôm nay, sau khi ổng vào gặp ông Diệm bàn việc gì đó, trưa về nhà đóng cửa không chịu tiếp ai. Chiều đến cho gọi tôi qua, bảo tôi mời riêng ông tới. Ông cần thảo luận với ông việc gì coi mòi quan trọng lắm.
Thấy vẻ lo âu lẫn hốt hoảng của Nhiệm, Vũ không mấy khó khăn đoán ra lý do khiến Soái đang vui đó rồi buồn. đó. Có thể trong cuộc tiếp xúc với Diệm sáng nay, cũng có thể do Phòng nhì Pháp báo động hắn đã phát hiện ra là không lâu nữa Diệm quyết định số phận hắn! Và nếu đúng như vậy thì đây là thời cơ thuận lợi không chỉ để Vũ kề cận Soái, mà còn buộc hắn phải trọng dụng cầu mưu.
Vũ theo Nhiệm rời khỏi Bộ Nội vụ đến tư dinh của Soái bằng xe riêng của Tổng trưởng.
Ngồi trên xe, Nhiệm không bớt vẻ băn khoăn:
- Tôi ít khi thấy ông Tổng ìâm lì như lần này. Khi có việc gì làm ông cáu giận, thông thường ông chửi toán loạn một lúc rồi thôi. Lần này chắc có điều gì đó làm ổng quá lo lắng!
Vũ đang giữ im lặng, tập trung suy nghĩ vào cuộc tiếp xúc sắp tới với Soái, sự kiện khá quan trọng đối với nhiệm vụ của anh. Anh phải vận dụng trí tuệ đề nắm cho được Soái, tác động vào hắn, để thúc đẩy tập đoàn tay sai của thực dân Pháp đương đầu với tập đoàn tay sai của Mỹ. Đó là mấu chốt của phương án hành động của anh. Nghe Nhiệm thì thầm bên tai, anh không quay lại, cũng không trả lời vào ý của hắn mà nói:
- Hôm theo đoàn kinh lý Long Xuyên, tôi nghe nói thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ đã ra đầu hàng ông Diệm. Tôi cho là dư luận đồn đại xuyên tạc. Hôm qua, tôi lại được nghe thiếu tướng Lâm Thành Nguyên đã qua lại với ông Thơ nhiều lần, bàn chuyện về hợp tác. Cả hai nguồn tin này không rõ ông Tổng trưởng có chú ý không? Nếu đúng vậy, có thể nguy hiểm đấy?
- Chúng tôi có nghe. Ông Tổng đã cho người trực tiếp điều tra, không thấy có hiện tượng gì đáng nghi cả. Chính ông Tổng cũng đã hỏi thẳng hai ông đó, cả hai cười khinh bỉ Nguyễn Ngọc Thơ ra mặt, và nhắc ông Tổng đừng tin, địch dùng kế ly gián nội bộ, họ thề không phản đạo.
Nhưng Vũ thì tin các điều trên là đúng. Khi mà mầm mống chia rẽ giữa bọn chúng với nhau đã bắt đầu từ quyền lợi, địa vị, những lời hứa hẹn tình nghĩa, đồng đạo, chỉ còn là đầu môi chót lưỡi mà thôi.
- Vậy thì ông Tổng không phải lo buồn vì vấn đề này. Có thể là ông Diệm đã nói gì đó khiến ông Tổng bực tức?
- Tôi cũng nghĩ thế. Còn ông Hai Ngoan, ông Ngộ, có thể không bằng lòng ông Tổng, nhưng không thể phản ông Tổng được.
Vũ không ngạc nhiên trước sự khờ khạo của Nhiệm, nhưng không muốn để chạm tự ái hắn, anh chỉ im lặng cho tới khi xe đã vào thẳng tư dinh của Soái.
Đúng như Trọng đã nói, Soái rõ ràng là một "phú ông" trong câu chuyện thằng Bờm với vẻ người béo tốt, ì ạch, với bộ râu mép vểnh lên đốm bạc. Hắn tỏ ra xã giao với Vũ, đứng dậy, bắt tay anh và mời ngồi. Với Nhiệm, hắn quay lại ra lệnh:
- Tôi cần bàn chuyện với ông Vũ, có thể lâu đó. Ông Bộ cứ về trước tôi sẽ cho xe đưa ông Vũ về.
- Dạ? Xin phép ông Tổng. Ông Vũ ở lại sau nhé.
Trong phòng khách riêng, chỉ còn lại hai người, Soái tự tay rói rượu mời Vũ, và vào đề ngay, không chút khách sáo:
- Ông đã giúp tôi thấy được trước ý đồ của Diệm. Lúc đâu tôi có hoài nghi, nhưng càng về sau, tôi càng tin là ông nói đúng. Nhờ vậy tôi đã kịp thời nghe ông, cấp tốc làm được một số việc quan trọng. Tôi thành thật biết ơn ông, ông Vũ à!
Soái tỏ ra xúc động, nâng ly chạm, mời Vũ và cùng uống cạn. Lấy lại bình tĩnh, hắn tiếp: - Ông đã giúp tôi củng cố được tình cảm với Đức ông, với Ban tổng trị sự, trở lại với khối tín đồ. Tôi đã nghe ông thành lập một tiểu đoàn mạnh tại Thánh địa, chuyển nơi này thành căn cứ tự bảo vệ, tự nuôi ăn, khi Cái Vồn đã trở thành mục tiêu tấn công của ông Diệm. Tôi cũng đã ra lệnh bãi bỏ việc thu thuế ruộng đất của dân chúng và tín đồ. Ban vận động nuôi quân mới hình thành đã được đông đảo tín đồ hưởng ứng. Nhưng điều đáng nói là ông đã tạo cho nội bộ chúng tôi, và cả bản thân tôi, tinh thần tự chủ trước những hành động tỏ ra quyết liệt của ông Diệm. Thú thật với ông, tôi đã quá chủ quan, tin vào sự hợp tác Mỹ - Pháp, tin vào thiện ý của ông Diệm. Để nằm ì ở Sài Gòn ôm cái hư vị Quốc vụ khanh gần nửa năm, lơ là những vấn đề gốc rễ. Để rồi, khi nghe ông Nhiệm kể lại những lời cảnh tỉnh cửa ông, tôi mới giật mình, hốt hoảng, soát lại sự việc quanh mình tuy còn bán tín bán nghi, nhưng cũng đá nghĩ tới đề phòng. Cho đến sáng nay tôi được ông Diệm mời tới bàn công việc trở về, tôi tự giam mình trong phòng suy ngắm những sự kiện diễn tiến, những lời ông Diệm nói với chúng tôi, tôi càng thấy những điều ông đã nói cho ông Nhiệm nghe là xác đáng. Ông Diệm đã bắt đầu ra mặt đối phó với chúng tôi bằng mọi thủ đoạn và có thể bằng sức mạnh.
Soái ngừng lại để thở, sau khi nói khá dài. Vũ nghĩ, tuy có biết anh qua Nhiệm, nhưng mới gặp nhau lần đầu mà Soái tỏ ra tin cậy, nói những lời tâm tình thiết tha, bộc lộ ý nghĩ riêng không e dè, mặc cảm. Soái có cái gì bộc trực, tình cảm. Phải chăng trong con người của tên tướng tay sai đắc lực của thực dân Pháp, gian ác, dã man đó, vẫn còn được một chút gì đã từng giúp hắn thu phục những kẻ thuộc quyền? Vũ mừng thầm, khi Soái đã tự mở đường cho anh tiến tới thực hiện dự tính của mình. Hắn đã phải bộc bạch tình hình trầm trọng, không còn thời gian cảnh giác đối với anh. Anh im lặng chờ. Hắn nói tiếp:
- Trên danh nghĩa Thủ tướng, ông Diệm mời trung tướng Nguyễn Thành Phương và tôi, tới giao việc, chớ, không phải hỏi ý kiến như ông ta viện cớ. Theo ông ta cần xây dựng Sài Gòn thành Thủ đô một nước có đầy đủ chủ quyền, đặt quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong thế giới tự do. Vì vậy Sài Gòn cần phải có an ninh tối đa, có bộ mặt sạch. Ông ta nói là thể theo nguyện vọng của dân chúng, ông ta giao cho hai chúng tôi qua khuyên ông Viễn dẹp các sòng bạc, các khu gái điếm. Quan trọng hơn nữa là trao trả ngành cảnh sát, công an lại cho ông ta để thay thế vào đó bằng một lực lượng cảnh sát do Mỹ đào tạo từ ngoài về, có nghiệp vụ, có đủ khả năng bảo vệ chính quyền và an ninh thành phố. Ông Diệm cũng biết trước là ông Viễn sẽ không chịu khi mất trọn quyền hành và nguồn lợi đã từng nuôi sống mười ngàn lính Bình Xuyên của ông ta. Ông Diệm sẽ phải dùng sức mạnh của trăm ngàn lính quốc gia vừa nắm được để dẹp ông Viễn. Riêng tôi hiểu là ông ta mời hai chúng tôi tới với chủ ý buộc chúng tôi phải án binh bất động khi ông ta tấn công ông Viễn.
Giọng nói của Soái như run lên. Hắn sợ hay giận? Có thể là cả hai. Hắn cầm chai rượu châm đầy hai ly nhỏ, ngừng lại uống cạn để trấn tĩnh tinh thần. Vũ chợt hỏi:
- Thưa ông Tổng, trung tướng Phương có lẽ cũng hiểu được ý đồ của ông Diệm chứ?
Soái lắc đầu:
- Có thể là ông Phương không thấy rõ điều tôi đã thấy, hoặc là có ý khác chăng? Ông ta tán thành ý kiến của ông Diệm. Lúc đó tôi ngạc nhiên về thái độ vô tư của ông ta trước sự lâm nguy của một người bạn nhưng sau ông ta ra mặt đứng hẳn về phía ông Diệm, thúc tôi đi gặp ông Viễn, thì tôi cho là ông Phương đã quay lưng lại phía ông Viễn rồi?
Là Tư lệnh của hai mươi lăm ngàn "quân bổ sung" Cao Đài Tây Ninh, Phương đầu hàng Diệm, hay Mỹ, không chỉ là mối lo của riêng Soái mà cả của Vũ. Anh nghĩ tới việc Mỹ - Diệm sẽ ổn định được miền Đông Nam Bộ, dùng lực lượng này tiếp tục tấn công vào phong trào đấu tranh của đồng bào ta. Vũ lại càng tin vào dự đoán của anh về hai tướng thuộc quyền của Soái đã đầu hàng Diệm. Trong tình trạng này Viễn không còn là đối thủ của Diệm, và Soái sẽ hoàn toàn bị cô lập. Anh nói:
- Theo thiển ý của tôi, ông Diệm không phải chỉ đóng cửa các sòng bạc, các khu gái điếm, thay đổi lực lượng công an. Mà chính là để diệt ông Viễn, nắm trọn quyền trong tay ông ta. Ông Diệm đã tuyên bố cần phải ổn định tình trạng cát cứ, thống nhất quân đội nên diệt ông Viễn là điều tất nhiên. Nhưng chắc chắn ông ta sẽ không dừng lại ở đó. Nói việc đối phó với ông Viễn trước mặt trung tướng, tỏ rõ ông Diệm đã tự thấy mình có đủ sức mạnh để tính tới chuyện độc quyền. Ông ta đã khôn ngoan đẩy ông Phương và ông Tổng vào công việc diệt ông Viễn, là một đòn ly gián khá nguy hiểm. Ông Viễn có thể hiểu lầm ông Tổng đã thỏa thuận với ông Diệm, đứng hẳn về phía đối lập với ông ta.
Chuông điện thoại reo từng hồi ngắn, Soái với tay sang bên cầm ống nghe:
- Tôi nghe đây... Dạ, chào trung tướng... Tôi còn bận rộn giải quyết một số việc nội bộ...
Đành là gấp, nhưng đâu có thể giải quyết một vài giờ mà xong được... Dạ, tôi sẽ báo trung tướng biết khi có thể đi được... Dạ, chào trung tướng.
Soái đăm chiêu đặt ống nghe và quay lại nhìn Vũ:
- Ông Phương mời tôi cùng ông ta đi qua gặp ông Viễn tối nay. Ông tin cho tôi biết, ông Diệm vừa thúc ông ta tiến hành gấp việc thuyết phục ông Viễn, trước khi bên quân đội của họ đòi để cho họ toàn quyền quyết định, vì hồi trưa, quân của Viễn vừa hạ một lúc sáu bảy lính bảo an của Diệm.
- Cứ bằng vào thái độ của ông Phương, tôi thấy ông ta sốt sắng với nhiệm vụ do Thủ tướng Diệm giao cho. Đáng lý trước việc trọng đại này, ông Phương phải trình với Đức hộ pháp Phạm Công Tắc rồi mới quyết định. Ở đây, ông Phương nhận lời làm theo ông Diệm tôi nghĩ là có thể Đức hộ pháp đã đồng ý rồi, cũng có thể chính ông Phương đã tách ra khỏi ảnh hưởng của Đức hộ pháp. Ông Tổng có nghĩ như vậy không?
Soái gật gù:
- Tôi tin là ông Phạm Công Tắc chưa biết rõ nội vụ, vì vấn đề ông Diệm đưa ra quả là đột ngột.
- Thưa ông Tổng, nếu chỉ là cá nhân ông Phương thôi, thì tình trạng chưa đến chỗ nguy hiểm lắm.
- Tôi. chưa rõ ý ông. Theo tôi, dù chỉ một mình ông Phương thay đổi, việc ông Diệm lấy cớ quân đội đòi tấn công ông Viễn, Đức hộ pháp và ngay cả tôi không lẽ đem quân lên cứu nguy cho ông Viễn được sao? Điều tôi lo nghĩ là ông Viễn đang đứng trước nguy cơ không phương cứu gỡ. Và tất nhiên, sau ông Viễn sẽ đến lượt chúng tôi phải đương đầu. Tôi mời ông lại với ý đó. Trước khi tôi mời ông qua, thiếu tá Salvani trưởng Phòng nhì Pháp đã đến báo cho tôi biết, Bộ tư lệnh Pháp không có cách gì cứu ông Viễn, chỉ còn trông vào chính ông ta tự cứu mình mà thôi. Câu trả lời đó, cũng là dành cả cho tôi, nếu ông Diệm quay mũi dùi về phía tôi.
Như vậy là Soái đá bắt đầu nhận thấy mối nguy cơ đến với hắn. Hắn không còn nuôi hy vọng trông cậy vào Bộ tư lệnh Pháp, bắt đầu có ý thức quay về con đường tự cứu như Salvani khuyến cáo. Một sự kiện khá thuận lợi, giúp Vũ đốt giai đoạn trong kế hoạch đưa Soái vào quĩ đạo của mình.
- Thưa trung tướng, tôi cũng trộm nghĩ là Bộ tư lệnh Pháp tại đây không còn chỗ dựa của các lực lượng giáo phái chúng ta. Ông Diệm ngang nhiên tuyên bố tấn công ông Viễn, cũng là căn cứ vào điều đó. Nhưng trên thực tế, ông Diệm cũng chỉ thừa hành ý đồ của người Mỹ mà thôi. Ông ta là người được Mỹ tin cậy. Ông ta có con chủ bài, không cần úp mở nữa, ngang nhiên lật mặt con bài tẩy của mình rồi. Đã đến lúc ông Tổng suy tính đối phó cách nào trước âm mưu tấn công từng bước của ông Diệm. Ông ta cương quyết dẹp bỏ tình trạng sứ quân cát cứ nhưng vốn là người thâm nho, ông ta dùng lối "tiên lễ, hậu binh", mời hai ông tới bàn việc khuyên ông Viễn đầu hàng. Khôn khéo thật! Nếu hai ông làm theo ý ông ta là mắc vài kế ly gián của ông ta. Ông ta cũng đã tính trước là ông Viễn sẽ không chịu. Ông ta sẽ lấy cớ quân đội quốc gia đòi giải quyết, để diệt ông Viễn. Hành động của ông ta tỏ ra hợp tình hợp lý, nhằm đẩy ông Tổng và cả ông Phương vào thế thụ động. Ông Diệm đang thực hiện kế sách "bẻ từng chiếc đũa".
Vẻ lo lắng hiện trên vầng trán đã có những vết hằn sẵn của Soái. Hắn trầm ngâm giây lát rồi thốt lên:
- Đúng thế, ông Diệm có thể đã mua được ông Phương để mạnh tay tính tới diệt ông Viễn. Ông ta đang bẻ từng chiếc đũa?
Soái ngước mắt nhìn Vũ, cặp râu mép vểnh lên rung động:
- Chúng ta phải làm gì, ông Vũ?
Soái dùng hai tiếng "chúng ta" rất tự nhiên. Hắn không còn giữ phần cự ly nào đối với Vũ. Anh cao giọng:
- Chúng ta phải gom đũa lại thành bó. Ông Diệm tuy đã mạnh, nhưng chỉ có khả năng bẻ gã từng chiếc đũa mà thôi. Đã đến lúc trung tướng cần phải đứng ra chủ trương, vận động Đức hộ pháp Phạm Công Tắc, ông Viễn và các đảng phái thân Pháp thành lập ngay một mặt trận liên minh, tập trung thực lực vũ trang và chính trị công khai chống lại ông Diệm. Cần đánh hai đòn bất ngờ phủ đầu ông Diệm. Thứ nhất, yêu cầu Quốc trưởng Bảo Đại ký quyết định gởi về bãi chức Thủ tướng, làm cho ông Diệm mất thế hợp pháp. Thứ hai, phá tan nội các bằng việc từ chức hàng loạt, các đại diện thuộc ba lực lượng tham chính rút khỏi chính quyền. Về pháp lý, chính phủ ông Diệm sẽ coi như giải tán, miền Nam này trở thành vô chính phủ, tạo thời cơ để mặt trận liên minh đứng ra lập chính phủ mới. Hai việc lớn đó, lúc này chỉ có ông Tổng mới làm nổi!
Vũ vừa dứt lời, Soái đập mạnh hai bàn tay xuống gối mình. Hắn như reo lên:
- Hay quá? Ông Vũ đúng là nhà mưu lược? Trong thế bị động tôi chỉ biết tính kế chống đỡ nhưng ông đã khuyển tôi sang thế chủ động. Thật không ngờ, chỉ một nước cờ, tự nó đã mở ra niềm hy vọng, dù cho ván cờ còn chưa ngã ngũ.
Cuối cùng, Soái quyết định đi ngay Tây Ninh để gặp Phạm Công Tắc. Trước lời thiết tha của Soái, Vũ đành phải nhận lời cùng đi với hắn với tư cách là một phụ tá ở phía sau.
2.
Sáng nay, khác với mọi ngày, Diệm nôn nóng ra tận lan can bên cầu thang chờ đón đại tá Edward Lansdale để mời hắn vào phòng riêng. Khi cả hai đi qua phòng tên bí thư của Diệm, Diệm căn dặn không tiếp khách cả buổi, và cho gọi Ngô Đình Nhu tới gấp.
Khác hẳn với khổ người lùn thấp, chậm chạp của Diệm, Nhu lại cao lớn, lanh lẹn, nói năng hoạt bát. Chỉ cặp mắt hai anh em là khá giống nhau, lòng trắng quá rộng, tạo cho ánh mắt thêm lạnh lùng, tàn nhẫn.
Cả ba ngồi đối diện nhau, Diệm có thói quen pha trà ướp sen đãi khách, ưa mặc áo dài the, đội khăn xếp, coi đó như là biểu tượng cho tinh thần dân tộc. Không ngước mắt nhìn khách, Diệm cất tiếng nhỏ nhẹ:
- Tôi mời đại tá qua đây để thuật lại nội dung cuộc tiếp xúc giữa tôi và tướng Viễn ngày hôm qua. Tôi đã giải thích cho ông ta về lợi ích của việc sửa lại bộ mặt Sài Gòn cho đúng với danh nghĩa thủ đô của quốc gia có chủ quyền, khả dĩ mở quan hệ ngoại giao với các nước trong thế giới tự do... Cuối cùng, tôi yêu cầu ông ta tự ý giải tán các cơ sở "tứ đố tường", đưa năm ngàn công an vào hàng ngũ bảo an. Thay vào đó bằng lớp cảnh sát đã tốt nghiệp tại các trường ngoại quốc. Viễn đã dùng lời lẽ anh chị bến xe trả lời từ chối. Ông ta nhấn mạnh rằng: "Thủ tướng cũng như tôi, chúng ta đều do quyết định của Đức Quốc trưởng cử ra nắm các trách nhiệm, tuy địa vị có khác nhau nhưng giữa hai chúng ta không ai có quyền ra lệnh cho nhau." Nói xong ông ta đứng dậy ra về không thèm bắt tay từ biệt.
Lansdale cười, vẫn lối cười châm biếm cố hữu. Hắn an ủi Diệm:
- Thưa Thủ tướng, có thể là tướng Gam-bi-ê chưa nói thật với Viễn, vì mặc cảm hay có ý đồ gì khác chăng? Trong cuộc họp khẩn cấp vừa rồi, đại tướng O’Daniel đã buộc phía Pháp phải dành trọn quyền để Thủ tướng thay thế tổ chức công an cảnh sát, đóng cửa các sòng bạc và gái điếm. Nếu tướng Gam-bi-ê báo cho Viễn biết rõ việc này thì chắc chắn hắn không dám lớn lối như thế. Viễn vẫn còn tin tưởng ở Pháp, dựa thế Bảo Đại. Chúng ta cần cho hắn biết: Pháp đã rút cầu, Bảo Đại đã mất quyền, con đường duy nhất để mưu sinh là hàng phục. Tôi đã nhất trí với Thủ tướng, dùng mồi ngon lừa mấy con thú đầu đàn vào cũi, nếu dùng lại chúng là coi như thả cọp về rừng, nguy hiểm đấy! Nhưng lúc này chúng ta cần tránh để xảy ra một cuộc nội chiến. Vì nội chiến chỉ có lợi cho Việt Minh cộng sản mà thôi?
Diệm vẫn còn băn khoăn:
- Nhưng chúng ta phải làm thế nào cho Viễn thấy được tình hình không còn gì trông cậy được ở Pháp và cả ở Bảo Đại.
- Viễn sẽ thấy!
Lansdale trả lời Diệm rồi quay sang Nhu:
- Tôi đã chuyển cho ông bản kế hoạch của ông Kiều Công Cung soạn thảo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thưa đại tá, tôi tán thành và duyệt lại danh sách thành phần "ủy ban cách mạng", sắp xếp có đủ người Nam, Trung, Bắc, tôn giáo, và đảng phái. Còn về dân chúng thì ông Cung đã phối hợp với bên Tổng ủy di cư, lấy lực lượng công dân vụ và nhóm giáo dân Bùi Chu, Phát Diệm làm nòng cốt, lôi kéo số người di cư còn khoảng một trăm ngàn đang ở tạm tại các nhà bạt chờ đưa đi khai hoang. Tôi thấy hợp lý việc cấp cho mỗi người đi biểu tình số tiền vừa đủ ăn trưa.
Thấy Diệm ngớ ra chưa hiểu, Lansdale giải thích:
- Chúng ta sẽ thành lập một "ủy ban cách mạng", gồm các linh mục, sư sãi, nhân sĩ, tướng tá đủ quân, dân, tôn giáo, đảng phái. Ủy ban này sẽ ra mắt một ngày gần đây trong một cuộc họp báo, sau đó biểu tình tuần hành đòi truất phế Bảo Đại, giao quyền lại cho Thủ tướng, người có tài đức, đứng ra cứu nguy dân tộc, yêu cầu quân đội Pháp rút về nước, không thỏa hiệp với Việt Minh cộng sản, không thi hành hiệp định đình chiến do Việt Minh và Pháp chủ mưu, chống bầu cử thống nhất đất nước... Phải làm cho những tên còn mơ tưởng về Pháp trông vào Bảo Đại thấy rõ hai chiếc phao đó đã trở nên vô dụng. Chúng sẽ không chần chờ chạy lại ôm chân Thủ tướng.
Diệm cười thật tươi:
- Như vậy là tôi đã làm cách mạng và sự nghiệp cách mạng của tôi đã thành công! Chính tôi đã lật đổ chế độ thực dân Pháp trong vòng hai năm, không tốn một viên đạn... - Diệm cười thành tiếng - Hi, hi? Đại tá đã giúp tôi trả được mối thù ôm ấp trong lòng đã mười năm, ban cho tôi một niềm hy vọng quá lớn.
Diệm vung bàn tay có những ngón ngắn và mập mạp, đưa đến trước mặt tên sĩ quan CIA, buộc Lansdale phải bắt tay. Hai bàn tay siết chặt nhau khá lâu, hai giọng cười trầm bổng hòa nhau kéo dài.
Nhu đứng lên, đi lại bàn giấy cạnh đó, cầm tấm bản đồ Sài Gòn và phụ cận, loại có tỷ lệ 1/25.000 mang lại trải rộng ra trước mặt Lansdale:
- Đây là cầu chữ Y, khu tổng hành dinh của Viễn - Nhu dùng cán viết chỉ vào vị trí trong bản đồ - Bót Catinat, bót Đa-kao, khu Pétrus Ký, Đại thế giới, cảnh sát đô thành. Phía này là cầu Tân Thuận, cầu Nhị Thiên Đường... số căn cứ tập trung quân của Viễn. Đại tá Dương Văn Minh đã bố trí lực lượng gấp hai lần, có chỗ tới ba lần hơn, công khai bao vây các căn cứ kể trên. Cho một trung đoàn đóng chặt các ngả sông ra rừng Sác, một trung đoàn chặn đường đi Cần Giuộc. Ngoài ra, với ba tiểu đoàn pháo 175 ly bao quanh yểm trợ, hai đại đội cối 81 trưng bày tại Thảo cầm viên. Hiện nay người dân thường cũng thấy rõ thế bị bao vây của Viễn, huống chi bọn trinh sát Bình Xuyên, chúng điều tra cũng khá lắm.
Diệm ngạc nhiên:
- Các ông chuẩn bị đánh Viễn?
Nhu cười:
- Không anh ạ! Đại tá cho bố trí như vậy để uy hiếp tinh thần Viễn thôi.
Lansdale giải thích thêm:
- Chúng ta vừa làm cho Viễn thấy rõ đã mất chỗ trông cậy ở Bảo Đại, ở Pháp, vừa ý thức được cái thế bị diệt vong nếu tỏ ra ngoan cố. Nhưng ta chỉ "rung cây nhát khỉ", buộc Viễn phải cúi đầu thuần phục mà thôi. Tôi tin là Viễn cũng không quá ngu để không chọn lấy con đường sống.
- Tôi tin! Tôi tin! - Diệm gật gù tán thưởng - không còn cách nào khác, Viễn phải đầu hàng tôi. Không cần tốn một viên đạn, không thể có nội chiến. Đúng là ơn trên đã phù hộ cho chúng ta?
3.
Phạm Công Tắc tiếp Soái, có Vũ đi theo, trong nhà khách riêng tại "Trí Huệ cung". Thân hình cao ráo, nho nhã, khuôn mặt đạo mạo, trí thức, ông ta mặc bộ đồ lụa trắng dài, biểu lộ vẻ đạo sĩ, tu hành. Vũ đưa mắt ngắm căn phòng. Bộ bàn ghế gỗ giáng hương chạm trổ tinh vi, mặt bàn gắn đá cẩm thạch bóng như gương. Câu đối, hoành phi, hòa với chiếc tủ khảm xà cừ, trên bày lư hương đang nhả khói trầm, quyện với hương trà Thiết Quan Âm ướp sói. Căn phòng quả là cổ kính, trong một không gian êm ả như giúp cho con người trút đi những buồn lo phiền muộn, thoát ra khỏi cuộc sống trần tục, tâm thần bớt những xáo động...
Vẫn nụ cười luôn đọng trên môi từ khi gặp khách, Tắc mời Soái và Vũ dùng trà:
- Tôi hân hạnh được ngài Tổng tư lệnh và ông bí thư bất ngờ tới thăm, chắc là phải có điều chi quan trọng. Xin cho tôi được hầu nghe.
Soái lần lượt kể thật tỉ mỉ những hành động của Diệm, từ việc tổ chức cơ cấu chính quyền với chủ ý hạn chế quyền hạn của các Bộ thuộc các phe phái; tuyên bố chống phong kiến, thực dân với báo chí; kéo dài việc trả lương cho các lực lượng vũ trang ba phái; úp mở phê phán tình trạng cát cứ từng vùng; cho tới việc Diệm mời Phương và Soái vào dinh bàn việc diệt Bảy Viễn. Soái kết luận:.
- Hiện nay ông Viễn đang nằm trong vòng vây trên bốn mươi ngàn quân của ông Diệm, hàng trăm khẩu pháo hướng về hành dinh Bình Xuyên, hàng trăm khẩu pháo hướng về hành dinh Bình Xuyên. Nếu bị tấn công chắc chắn ông Viễn khó cầm cự được. Trước nguy cơ của ông Viễn, và cũng sẽ là nguy cơ chung của chúng ta, tôi phải đích thân lên thỉnh ý Đức hộ pháp.
Nghe xong, Tắc cúi đầu trầm tư, vừng trán với ba vệt nhăn co lại, nụ cười xã giao lúc đầu tắt hẳn. Tắc đã ý thức được mối nguy cơ, vẻ lo lắng hiện rõ trên mặt.
Soái chợt hỏi:
- Trung tướng Phương đã báo cáo với đức hộ pháp về cuộc tiếp xúc với ông Diệm vừa rồi chưa?
Tắc mở lớn cặp mắt nhìn Soái, ánh mắt đột nhiên sắc lại nói:
- Từ ngày tôi cử tướng Phương tham gia chính phủ liên hiệp, tôi giao quyền cho ông ta đại diện cho tôi trong mọi việc ngoại giao tại Sài Gòn.
- Nhưng, thưa Đức hộ pháp, đây là việc sống còn của lực lượng ông Viễn, và cả hai lực lượng phía chúng ta. Theo tôi nghĩ, ông Phương phải xin ý kiến ngài mới hợp lẽ.
Tắc lắc đầu nhè nhẹ, nói chậm rãi như tự nói với chính mình:
- Đã có vài tai tiếng về ông Phương, tôi cho là vấn đề ganh tị quyền hành. Nhưng với vụ này, đúng là đã có sự gì không ổn.
Soái khẳng định:
- Đáng lý, tôi không dám nói thẳng, thưa Đức hộ pháp, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc không thể giữ kẽ với nhau được nữa. Theo tôi, ông Phương đã thay đổi rồi. Căn cứ vào cuộc gặp gỡ với ông Diệm vừa qua, cho phép tôi nói lên điều đó
- Tôi cám ơn ông Tổng tư lệnh, đúng vậy! Chúng ta phải tính đến việc sống còn. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải trung thực với nhau, không nên câu nệ với nhau về tiểu tiết. Tôi thành thật xin ý kiến ngài. Tôi nghĩ, ngài đã hiểu tình hình hơn tôi và khi đến đây chắc đã có sẵn dự tính rồi. Việc quá đột ngột, quả tình tôi rất bối rối.
Nghe Soái kể khá đầy đủ về tình hình diễn biến, Tắc không cho phép mình giữ thể diện hão. Có thể vừa chủ quan, vừa bị Phương cố ý che giấu, Tắc đã sống thu mình trong khu vực Tòa thánh, trong "Trí Huệ cung" xung quanh toàn nghe những lời tâng bốc. Hơn ai hết, Soái thông cảm với Tắc, vì chính hắn cũng vừa mới thoát ra khỏi tâm trạng đó, nhờ được thức tỉnh sớm hơn. Soái nhìn qua Vũ như muốn nói lên mối thân tình, rồi hướng về phía Tắc:
- Thưa Đức hộ pháp, nhưng việc tôi vừa trình bày với ngài, tưởng đã đầy đủ để chứng minh ông Diệm đang chủ trương thu hết quyền hành mọi mặt vào tay mình. Muốn vậy, ông ta phải đặt các vùng dưới sự kiểm soát của ba lực lượng chúng ta vào vòng cương tỏa. Có thể ông ta đã mua chuộc được những cá nhân, những bộ phận dưới tay chúng ta để phân hóa thực lực chúng ta. Nay đến lúc ông ta bước vào giai đoạn hành động. Trước hết, ông ta đánh vào khâu yếu nhất là Bình Xuyên. Tôi xin phép nhắc lại việc ông Phương có thể đã nằm trong số người bị ông ta bí mật mua chuộc. Và nếu quả như ông Phương đã đứng về phía ông Diệm, thì không chỉ đe dọa sự an nguy của riêng ngài, mà cả của ông Viễn và tôi. Xin Đức hộ pháp nhìn lại những sự việc đã xảy ra. Một số vị thân Pháp đã bị ám sát, một số lực lượng do Pháp vũ trang đã bị tiêu diệt ở miền Trung. Phải chăng đã đến lúc người Mỹ hay ông Diệm không còn dành cho họ chỗ đứng nào ở miền Nam này chăng? Bộ tư lệnh Pháp đã mất quyền lực rồi chăng? Trước mắt chúng ta, và cả Pháp nữa, ông Diệm đang ngang nhiên tập trung quân, trọng pháo, chuẩn bị tấn công ông Viễn. Thiếu tá Salvani đã báo trước và khuyến cáo ông Viễn tự cứu, không lẽ cả ngài, cả tôi khoanh tay ngồi đó để chờ đến lượt mình?
Soái nói một hơi dài, dừng lại để thở, trong khi Tắc như co rúm lại trong chiếc ghế quá rộng đối với thân hình thon nhỏ của ông ta. Soái tiếp:
- Chúng ta không thể không tiếp tay ông Viễn, để tự cứu chính chúng ta, nhưng bằng cách nào đây? Đưa quân lên, tôi không có khả năng và tôi nghĩ phía ngài cũng khó làm điều đó. Nhưng chúng ta có khả năng chi viện cho ông Viễn ý chí đoàn kết - Soái nhấn mạnh mấy tiếng này - chúng ta cần thành lập ngay một mặt trận liên minh, tạo sức mạnh tinh thần, có thể làm ngưng cuộc tấn công của Diệm. Chúng ta không để cho Diệm bẻ gấy từng chiếc đũa, trong khi ông ta chưa có khả năng bẻ cả một nắm.
Soái hoa tay bóp mạnh vào không khí, như gom bó đũa tưởng tượng lại và dùng tiếng "Diệm" bỏ hẳn tiếng "ông" mà từ lúc đâu Soái vẫn bình tĩnh xưng hô theo đúng phép xã giao. Hắn lại tiếp:
- Sau đó chúng ta yêu cầu Quốc trưởng ký quyết định bãi chức Thủ tướng của Diệm, song song với việc giải tán nội các chính phủ liên hiệp bằng cách tất cả đại diện ba lực lượng từ chức. Sài Gòn sẽ trở thành vô chính phủ, trên mặt pháp lý. Mặt trận liên minh tức khắc thành lập Hội đồng quốc gia lâm thời, đòi đức Quốc trưởng lập chính phủ mới.
Khuôn mặt của Tắc rạng rỡ dần. Ông ta lắng nghe như nuốt từng lời của Soái, cuối cùng tán thưởng:
- Tuyệt hảo! Trước sự tấn công của ông Diệm tôi chỉ nghĩ đến tự vệ, và chưa còn biết làm sao tự vệ được. Không ngờ ngài Tổng tư lệnh đã chuyển thế thủ thành thế công, tôi nhiệt liệt tán thành.
Soái vẫn có thói quen vê cong đuôi râu mép, và liếc nhìn Vũ như tự khoe mình đã làm theo đúng ý của anh rồi mỉm cười thúc giục Tắc:
- Đức hộ pháp đã chấp thuận đê nghị của tôi thiết nghĩ chúng ta phải tiến hành sớm giờ nào hay giờ đó. ông Viễn đang cần có chúng ta bên cạnh.
- Đúng vậy, thưa ông Tổng tư lệnh. Chúng ta cùng đi đến hành dinh của ông Bảy để bàn ngay việc thành lập mặt trận liên minh. Mặt trận thành hình, tôi tin ông Diệm chưa dám tấn công ngay. Tôi xin phép đi sửa soạn.
Tắc vừa đứng dậy, Soái đá vội vàng đưa ra ý kiến:
- Tôi xin lưu ý Đức hộ pháp việc ổn định nội bộ trước khi rời Tây Ninh. Lực lượng quân đội của ngài không thể để dưới quyền một người không còn đủ tin cậy, dù chỉ trong giây lát ngài vắng mặt.
Tắc chợt cau mày ngồi mạnh xuống ghế. Soái tưởng Tắc hiểu lầm ý của mình, giải thích:
- Thưa Đức hộ pháp, tôi với ý xây dựng...
Tắc vội xua tay, cắt lời:
- Tôi rất hiểu thiện ý của ông Tổng tư lệnh, lo chung mối lo của tôi. Tôi sẽ giải quyết.
dứt khoát vụ này khi tôi có thể ở lại Sài Gòn lâu Tôi phải giao lại chức Tư lệnh trưởng liêu quân cho tướng Nguyễn Thành.
Soái góp ý thêm:
- Theo tôi, Đức hộ pháp chỉ nên để tướng Thành tạm thay thế trong thời gian ông Phương bận tham chính ở Sài Gòn. Như vậy không làm cho ông Phương thắc mắc, mà ổn định được dư luận nội bộ tướng lãnh.
- Thật là cao kiến. Nếu vậy xin ông Tổng tư lệnh và ông bí thư về trước. Chiều nay tôi xin có mặt tại Văn phòng đại diện của ngài, để cùng qua ông Viễn. Tôi đã suy nghĩ lại, chúng tôi cần phải họp bàn sau việc cử tướng Thành tạm thay thế tướng Phương, để ở nhà lo đề phòng những bất trắc trong khi tôi vắng mặt.
- Đúng vậy đó, thưa Đức hộ pháp - Soái đứng lên - chúng tôi xin cáo từ về trước chờ ngài.
Tắc bịn rịn tiễn chân hai người ra tận cổng "Trí Huệ cung". Cùng ngồi băng sau chiếc xe riêng của Soái, Vũ mừng thầm đã kết hợp được ba lực lượng vũ trang tay sai của Pháp. Tắc - Soái đã một lòng đối với Viễn, lúc này là kẻ sắp chết chìm được người tung phao cho, phải nắm lấy. Cả ba gom lại cũng chưa phải là đối thủ ngang sức của Diệm, nhưng ít ra cũng không để cho bọn Mỹ dễ dàng ổn định mau chóng tình hình, tập trung lực lượng hướng về phía đồng bào miền Nam sớm hơn, theo ý của chúng. Bỗng Soái ghé lại bên tai Vũ thấp giọng:
- Tuần trước thiếu tá Salvani đến báo với tôi ông Ngộ và ông Hai Ngoan đã nhận lời hợp tác với ông Diệm. Tôi chưa tin, tôi nghĩ rằng hai ông ấy có thể không bằng lòng tôi, nhưng không thể phản thầy, phản đạo. Lúc này, qua vụ tướng Phương, tôi e rằng tin của Salvani là đúng. Ông Vũ có cách gì giúp tôi cứu vãn được tình thế này, đang lo kẻ thù trước mặt chưa xong, lại sợ cả bạn bè bên trong thay lòng đổi dạ? - Soái thở dài, đăm chiêu nhìn con đường rải nhựa như bốc khói dưới ánh nắng ban trưa, giọng than vãn - Tôi đang trong cảnh họa vô đơn chí?
Đàn sói đang rã vì những miếng mồi của CIA tung ra. Nào Phương, Hai Ngoan, Giác Ngộ và có thể những tên khác nữa, Vũ không lấy làm lạ điều này, vì cũng đã dự đoán trước rồi. Trước câu hỏi của Soái, Vũ thấy rất khó trả lời. Anh suy nghĩ và gợi ý chỉ cốt làm yên lòng Soái:
- Việc hai ông ấy nhận lời về hợp tác với ông Diệm đang còn trong vòng bí mật. Cả hai còn giấu Đức ông. Tôi đề nghị, sau cuộc họp với ông Viễn, Trung tướng cần phải về gấp Cái Vồn, củng cố lại lòng tin của các cấp sĩ quan bằng thái độ dứt khoát của Trung tướng. Không thể để ai có thể nghi ngờ gì về quyết tâm của Trung tướng. Đồng thời Trung tướng về gặp gấp Đức ông, báo cáo việc hai ông kia có ý đầu hàng, phản đạo, yêu cầu Đức ông viết mật thư khuyên cả hai nên nghĩ lại. Tôi thiết nghĩ với lời lẽ của Đức ông khuyên bảo nếu không ngăn nổi hai ông ấy ra đầu thì cũng khiến hai ông không nỡ quay súng bắn vào sau lưng Trung tướng.
Soái gật gù:
- Tôi sẽ làm theo lời ông. Tôi sẽ rời Sài Gòn vài ngày. Trên này có trung tá Thành Nam, bí thư của tôi. Tiện đây mời ông cùng về phòng đại diện tôi để tôi giới thiệu ông với hắn. Tôi sẽ dặn hắn xin ý kiến ông khi cần giải quyết các công việc, mong ông giúp hắn.
- Tôi xin sẵn sàng vì Trung tướng.
4.
Salvani dừng xe, bước xuống đường. Hắn đi lại dựa vào thành cầu chữ Y, đưa mắt nhìn dáy cao ốc bên kia sông, ngắm đo đường đạn tưởng tượng của những khẩu 12,7 ly do quân đội của Diệm bố trí trên các nóc bằng, công khai khiêu khích. Hắn nhún vai và thong thả từng bước đi về phía chiếc xe vẫn để máy nổ nhè nhẹ. Hắn rút điếu thuốc Con Mèo, khoan thai đốt hút, rồi lên xe, rồ máy phóng thẳng xuống dốc cầu.
Salvani đến gặp Viễn mang theo tâm trạng lo âu chung của Bộ tư lệnh Pháp, Cao ủy Pháp, và của riêng tướng Gam-bi-ê vốn có cảm tình sâu đậm với Viễ n... Thấy Salvani tới Viễn hất hàm hỏi trước:
- Anh thấy rõ chưa? Mấy ông để thằng Diệm nghiền nát bọn tôi à? Hàng chục khẩu đại bác, nửa trăm bích kích pháo các cỡ, đã chuẩn bị và sẵn sàng khạc lửa lên đầu chúng tôi
Viễn cười chua chát:
- Chỉ còn nước khoanh tay chờ chết, hay rút chạy để chết chậm hơn?
Tên Trưởng Phòng nhì Pháp nghiêm nghị trấn an Viễn:
- Tôi có nhiệm vụ chuyển lời của tướng Gam-bi-ê đến anh đây. Nếu Diệm nổ súng trước, Bộ tư lệnh sẽ có cớ tung quân ra can thiệp tức khắc. Sài Gòn sẽ nằm dưới sự kiểm soát của ba trăm ngàn quân Pháp còn đang hiện diện. Anh yên tâm đi!
Viễn chồm dậy:
- Ông nói thật sao?
- Tất nhiên. Vì sinh mạng của quân đội Pháp tập trung tại đây, Bộ tư lệnh Pháp không cho phép Diệm nổ súng trên đầu họ.
Salvani ngồi xuống ghế, dạng hai chân, ườn người vòng hai cánh tay sau gáy:
- Nhưng Bộ tư lệnh Pháp vẫn không thể xía vào việc nội bộ của chính quyền Diệm, khi hắn quyết tước quyền chỉ huy công an của anh, chuyển năm ngàn công an Bình Xuyên qua bảo an, đóng cửa các sòng bạc, các khu Bình Khang, tiệm hút. Tất cả là việc của riêng anh, phải tự lo liệu lấy.
- Tôi chống đến cùng! Để mất hết, cũng sẽ đi đến chỗ chết. Anh hiểu chứ?
- Nhưng cũng không thể chống bằng vũ lực. Anh chỉ nổ một phát súng vào Diệm, hắn ta sẽ lấy cớ làm tới, khi đó chúng tôi đành bó tay.
Viễn thở ra, gằn giọng:
- Diệm đang đẩy tôi vào ngõ cụt?
Vừa lúc đó Ba Búa bước vào:
- Thưa ông Bảy, có Đức hộ pháp và ông trung tướng Trần Văn Soái vừa tới. Hai ông cần gặp ông Bảy bàn việc khẩn cấp.
Cả Viễn lẫn Salvani đều ngạc nhiên cùng đứng lên, vội vã bước ra ngoài đón tiếp. Viễn cung kính mời Tắc, Soái có Vũ đi theo vào phòng khách. Đã từ lâu lắm, trừ những buổi tiếp tân do Bộ tư lệnh Pháp tổ chức, ít khi ba thủ lãnh cầm đầu các "lực lượng bổ sung" lại gặp riêng đột ngột như lúc này. Viễn tỏ ra xúc động, vì hắn đang mang tâm trạng của con bệnh hiểm nghèo được bạn thân tới thăm viếng.
Phạm Công Tắc với vẻ trang trọng, nói với Salvani:
- Thật là may mắn chúng tôi được gặp cả Thiếu tá ở đây. Đúng vậy, chúng ta không thể để một mình Thiếu tướng đối đâu với kẻ thù chung trong lúc hiểm nghèo này..
Salvani cũng không kém trang trọng:
- Thưa ngài Hộ pháp và trung ttlởng Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh Pháp trước sau như một, chưa bao giờ sao lãng lo toan cho mối an nguy của quí ngài. Riêng tôi luôn sẵn sàng có mặt vào những lúc khó khăn nhất.
Trần Văn Soái, sau khi giới thiệu Vũ là bí thư của mình trong Bộ Quốc vụ khanh, nói vào đề ngay:
- Đến bây giờ thì chúng ta đã thấy rõ bộ mặt trái của Ngô Đình Diệm và ý đồ của Mỹ ở đây. Vừa rồi, Diệm đã nhân danh Thủ tướng chính phủ mời tôi và trung tướng Phương, hai Quốc vụ khanh, vào giao nhiệm vụ bàn phải trái với thiếu tướng Viễn, yêu cầu Thiếu tướng tự giác giáo lại quyền chỉ huy ngành công an, giải tán lực lượng công an Bình Xuyên, đóng cửa các sòng bạc, dẹp các khu Bình Khang, để ông ta xây dựng lại Sài Gòn thành một thủ đô ổn định và an ninh. Sau khi biết tôi không thi hành, ông ta đã mời Thiếu tướng vào thảo luận, tôi biết chắc Thiếu tướng không thể chấp nhận được các đề nghị ngang ngược đó. Hiện nay ông Diệm đã cho tập trung trên bốn mươi ngàn quân bao vây và khiêu khích, chờ tấn công lực lượng của Thiếu tướng. Chúng tôi cho rằng Diệm đang chủ trương tách từng chiếc đũa để bẻ. Đức hộ pháp đã nhất trí với tôi, đến bàn với Thiếu tướng, phải kịp thời gom đũa lại thành bó, cương quyết chống Diệm.
Như kẻ hấp hối được thuốc hồi sinh, Viễn hân hoan ra mặt:
- Quan điểm của hai ngài thật là tuyệt vời! Tất nhiên khi Diệm đã diệt được tôi, hắn ta sẽ không dừng lại. Tư tưởng độc tài, gia đình trị, đã thể hiện rõ nhất ở Huế và các tỉnh miền Trung - Viễn cố ý nhấn mạnh - Giám mục Thục đang chủ trương đưa Thiên Chúa giáo lên hàng độc tôn, quốc giáo. Các đảng phái chính trị, rồi các giáo phái đang hoặc sẽ lần lượt gục ngã nếu thiếu cảnh giác trước âm mưu của anh em họ Ngô. Tình trạng thảm bại của Đại Việt và Quốc dân đảng ở miền Trung là hồi chuông báo nguy đối với chúng ta.
Phạm Công Tắc lần lượt nhắc lại ý kiến chung của ông ta và Trần Văn Soái, cần thành lập một Mặt trận liên minh bao gồm tất cả các lực lượng vũ trang, tôn giáo, chính trị, bãi chức Diệm, phá tan nội các, tiến tới thành lập chính phủ mới v.v... và kết luận:
- Chúng ta không thể thụ động trước âm mưu thâm độc của Diệm. Chúng ta phải nắm thế chủ động, đi trước một bước, Thiếu tướng và Thiếu trưởng Phòng nhì hãy nghiên cứu lại ý kiến của chúng tôi coi ra sao?
Viễn chắp hai tay đưa lên ngang trán, cử chỉ của giới anh chị khi muốn biểu lộ lòng kính nể của mình:
- Hai ngài quả là những nhà mưu lược. Viễn tôi xin cúi đầu khâm phục.
Salvani cúng thốt lên bằng tiếng Pháp:
- Par excellence!
Không khí phấn chấn xua tan những lo lắng căng thẳng ban đầu. Viễn đích thân mở rượu châm đầy từng ly mời khánh. Tắc uống cạn ly rượu, rồi chậm rãi:
- Trên đường đi xuống đây, tôi đã suy nghĩ kỹ về Mặt trận liên minh này. Chúng ta sẽ không hạn chế trong ba lực lượng của chúng ta, mà cần thiết phải vận động để quy tụ tất cả các lực lượng vũ trang khác, các đảng phái chính trị. Gần đây tôi đã được hân hạnh tiếp xúc vài ba lãnh tụ chính trị, như Vũ Hồng Khanh, Lê Phụng Thời... ở Bắc di cư vào, và số nhân sĩ miền Nam như quí ông Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán... Tất cả đều tỏ ra đối lập với phe nhóm ông Diệm. Rồi lực lượng thanh niên bảo vệ thiên chúa giáo của đại tá Le Roy ở Bến Tre, lực lượng Đại Việt, Quốc dân đảng ở miền Trung thoát vòng vây chạy được vài đơn vị vào đây. Nếu chúng ta tập hợp được tất cả lo gì không đủ sức hạ Diệm. Vì vậy tôi đã nghĩ đặt một danh xưng có tính tổng hợp, chẳng hạn. "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia", tự nó đã biểu dương sức mạnh của tổ chức. Các ngài nghĩ xem có chỉnh không?
- Quả. là hoàn hảo. - Viễn reo lên - Một danh xưng cũng là một khẩu hiệu tượng trưng cho đoàn kết.
Soái gật gù tỏ vẻ tán thành. Salvani càng sốt sắng:
- Tôi xin nhận nhiệm vụ đi kêu gọi đại diện các chính đảng, các lực lượng vũ trang, tập hợp dưới trướng của quý ngài. Đại tá Le Roy và đơn vị sót lại của Đại Việt đang núp trong vùng kiểm soát của quân đội Pháp sẽ tới sớm hơn để nhận nhiệm vụ.
Tắc vui vẻ:
- Đúng vậy. Chúng ta phải tranh thủ từng phút. Tình hình rất khẩn trương, buộc chúng ta phải cho Mặt trận ra mắt được sớm hơn một giờ là cứu nguy trước một giờ. Chậm hơn đối phương là chúng ta sẽ thất bại. Chúng tôi đề nghị Thiếu tá trưởng Phòng báo cáo gấp nội dung cuộc họp hôm nay lên đại tướng Ely và thiếu tướng Gam-bi-ê và xin yểm trợ cho chúng tôi cả vật chất lẫn tinh thần.
- Xin Đức hộ pháp và các vị yên tâm. Nếu chỉ cần chi viện kín đáo, Bộ tư lệnh Pháp sẽ không từ chối quý vị một điều gì, vì đó là quyền lợi chung. Tôi tin rằng, Bộ tư lệnh chúng tôi rất vui mừng khi được tin các vị thật lòng hợp tác với nhau, lại có quyết tâm cao, có kế hoạch hành động đúng. Thật ra đã từ lâu, Bộ tư lệnh chúng tôi mong mỏi mà chưa thực hiện được. Tôi tin là chúng ta sẽ đảo ngược tình thế, phần thắng sẽ về phía chúng ta.
Salvani đứng lên bắt tay từng người. Khi hắn bắt tay Vũ, Soái nắm cánh tay hắn trang trọng giới thiệu:
- Đây là ông Vũ, người đã giúp tôi chuẩn bị đối phó với Diệm cả mấy tháng trước đây, như tôi đã báo cáo với Tướng Gam-bi-ê và cũng chính ông ta đã có công lớn kết hợp ba lực lượng chúng tôi thành sức mạnh lúc này.
Salvani, rồi Viễn ngó sững Vũ. Salvani siết mạnh tay Vũ, thấp giọng:
- Tôi đã nghe tiếng ông Vũ, chúng tôi mừng cho trung tướng. Soái có một người cộng tác tài trí như ông?
Vũ mỉm cười nghĩ thầm: "Thì ra nhất cử nhất động của mình bên Soái và Nhiệm đều không qua được mắt tình báo Pháp!" Anh không khỏi tự hào trước mặt tên cáo già Phòng nhì thực dân, và thấy tự bằng lòng với mình về dự tính thận trọng từng bước tiến vào mục tiêu chiến đấu, nơi mà anh biết có đầy đủ tai mắt của bọn tình báo Pháp.
Salvani hấp tấp ra khỏi phòng. Viễn nắm cả hai tay Vũ với vẻ trang nghiêm:
- Thì ra chính ông đã giúp tôi có đầy đủ sức mạnh đương đầu với Diệm. Kể từ nay, ông Vũ là ân nhân của Viễn tôi đó!
5.
Chỉ ba ngày sau, Sài Gòn chuyển mình trong một cơn sốt chính trị. "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" ra mắt trong cuộc họp báo tại nhà khách tư dinh Bảy Viễn. Hàng trăm ký giả các hãng thông tấn, báo chí ngoại quốc và trong nước có mặt.
Buổi chiều, những bài tường thuật được thêu dệt đăng tải trên tất cả các báo xuất bản hằng ngày. Mặt trận có đài phát thanh nặng do Bộ tư lệnh Pháp trao tặng, đã lên tiếng kết tội Diệm nặng nề, và kêu gọi dân chúng hãy ủng hộ Mặt trận. Đặc biệt hai tờ báo "Thời đại của Cao Đài và "Tổ Quốc" của Hòa Hảo, vạch trần với đầy đủ bằng cớ và hình ảnh, các hành động ăn chặn tiền của số dân di cư miền Bắc vào, và cướp đoạt thuốc trụ sinh của Hội hồng thập tự quốc tế phát cho các trại di cư tập trung, do Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, và Trần văn Lắm, đại biểu hành chánh Nam phần , chủ trương. Những bài báo này đã tạo được sự phẫn nộ trong số dân di cư còn vất vưởng nằm chờ ơự ngoại ô thành phố.
Tiếp theo là buổi họp báo của chín Tổng trưởng thuộc ba tổ chức Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên tuyên bố từ chức, tẩy chay nội các Diệm, đòi thành lập chính phủ mới, và ủng hộ lập trường của "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia". Đồng lúc, một sự kiện bất ngờ đã làm cho bọn CIA lẫn Diệm hoang mang, là Tổng trưởng Quốc phòng Hồ Thông Minh cũng tự ý đưa đơn từ chức, cấp tốc lên máy bay qua Pháp. Thêm vụ từ chức này, nội các của Diệm lung lay tận gốc. Dư luận cho đó là ngón đòn của Phòng nhì Pháp trợ lực cho Mặt trận của ba giáo phái.
Chưa hết, tối đến đài phát thanh của phe chống Diệm truyền đi nguyên văn bản điện của Bảo Đại từ Pháp gửi về, nội dung quyết định bãi chức Thủ tướng của Diệm, giải tán nội các, giao quyền cho Nguyễn Văn Vỹ, trung tướng do Pháp đào tạo, hiện đang chỉ huy lực lượng Bảo hoàng vừa là Tổng tham mưu trưởng quân đội của Diệm, đứng ra lập chính phủ mới.
Lực lượng thiết giáp của Pháp đột ngột xuất hiện ở các ngã tư đường khắp trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Tướng Gam-bi-ê đã gọi điện thoại báo cho phái đoàn Mỹ thuộc phái bộ TRIM biết vì "quân đội quốc gia" bao vây thành phố, quân đội Bình Xuyên ra mặt chống đối, buộc quân đội Pháp phải đề phòng, bảo vệ an ninh của toàn quân Pháp còn hiện diện. Nguyễn Văn Hinh, nguyên trung tướng Tư lệnh "quân đội quốc gia" âm mưu đảo chính Diệm hồi tháng 9 năm ngoái, Pháp đã rút đi, nay lại bí mật được đưa về Sài Gòn. Hinh đến thẳng Tổng hành dinh của Viễn bên cầu chữ Y đem thêm sinh khí đến cho các viên tướng của các lực lượng chống đối đang ngày đêm có mặt đông đủ: Bảy Viễn, Năm Lửa, Ba Cụt, Nguyễn Thành, Đại tá Le Roy, Salvani. Nhà khách của Viễn rộn rã tiếng cười lẫn tiếng mở nút những chai rượu loại đắt tiền nhất!
Chỉ trong một đêm, Ba Búa, đại úy cận vệ của Viễn, đem theo một số ít đàn em, đi cướp của quân lính Diệm hai khẩu trọng liên 20 ly. Viễn cho đặt ngay tại hai trụ cầu chữ Y, khiêu khích. Viễn tin là giai đoạn thụ động bị đe dọa đã qua rồi, hắn đã có đủ khả năng trả đũa.
Đó là những đòn dồn dập của các lực lượng chống đối tiến công vào tập đoàn Ngô Đình Diệm, nhưng chưa phải là những đòn mạnh đủ cân lượng đối với CIA, quan thầy của Diệm. Liền trong hai ngày, Diệm ủ rũ ngồi lý trong phòng riêng, trước mặt là một chồng báo và tạp chí xuất bản tại Sài Gòn, Pháp và Hoa Kỳ. Ngồi đối diện với Diệm là Ngô Đình Nhu, lúc này đã gần như công khai với chức vụ cố vấn chính trị cho anh hắn, đang chăm chú đọc lại bức điện của Bảo Đại vừa gửi về bãi chức Thủ tướng của Diệm. Diệm mệt mỏi giọng nói khàn khàn, có lẽ vì mất ngủ và hút thuốc quá nhiều:
- Hồ Thông Minh từ chức. Tại sao hắn lại từ chức đúng vào lúc bọn phe phái phản pháo mình nhỉ? Thủ đoạn của Pháp chăng?
Vẻ Nhu không khỏe gì hơn anh. Áo sơ-mi không cà-vạt là việc khác thường đối với hắn vốn luôn luôn chững chạc. Vừng trán tối đi vì những lọn tóc rũ xuống không được chăm sóc như bình thường. Hắn ngửa mặt nhìn Diệm, chậm rãi:
- Có thể Hinh được Pháp đưa về làm cho Hồ Thông Minh sợ.
- Sợ chi hỉ?
- Hắn biết Hinh và Vỹ là người tin cậy của Pháp. Vỹ đang là Tổng tham mưu trưởng, lại được Bảo Đại giao quyền thành lập chính phủ mới rồi chính Pháp lại đưa Hinh về, hắn hết tin vào chúng ta, rút sớm.
Diệm gật gù đông ý với Nhu:
- Có thể là như rứa, vì hắn không biết rõ Vỹ ngồi đó với cái hư vị, mô có thực quyền.
Tôi tính phải trị thằng Vỹ ngay, dù hắn đã hứa với tôi là không nhận lệnh của Bảo Đại đứng ra thành lập nội các mới. Để Vỹ, Bảo Đại còn phá rầy. Mà tại sao Đại tá Lansdale có thể tin Vỹ được hỉ?
Cả hai ngồi im lặng, vẻ suy tư, Bỗng Diệm tỏ ra cương quyết:
- Dù sao cũng phải cất chức Tổng tham mưu trưởng của Vỹ, thay người của ta vào. Mặt khác ta phải mạnh tay với bọn giáo phái, dẹp cho sạch, Hiện chúng mình đã đủ lực, để lâu sợ còn những đứa hoang mang bỏ cuộc như thằng Minh, thêm rắc rối!
Nhu cài bản mật điện vẫn còn cầm trong tay vào kẹp hồ sơ, hắn tỏ ra lưỡng lự:
- Hiện giờ hơn phần nửa binh sĩ của cả ba lực lượng giáo phái đã nằm trong tay chúng ta. Chúng đã được phát lương cao và truy hình từ nửa năm trước. Chúng sẵn sàng chờ lịnh quay súng bắn thẳng vào đồng bọn. Dẹp số ương ngạnh còn lại không còn là điều khó khăn gì nhưng các cố vấn Mỹ ở đây còn e ngại sự phản ứng của Bộ tư lệnh Pháp, và nhất là phía Việt Minh cộng sản với một phái đoàn đang hiện diện ngay tại Sài Gòn này. Họ sẵn sàng xía vào, can thiệp. Không phải chỉ chúng ta nôn nóng, mà cả Đại tá Lansdale cũng nôn nóng không kém. Ông ta lo tình hình mất ổn định kéo dài, lo nội chiến có thể xảy ra, dầu với dạng nào cũng không để cho chúng ta rảnh tay kịp đối phó với những hoạt động của phía cộng sản. Phần Bộ tư lệnh Pháp đang ấm ức, cố ý cản trở, chờ cơ hội có thể đảo ngược được tình thế. Điều rõ ràng là họ đang bí mật tạo điều kiện cho các lực lượng tay sai đảo chính. Qua kinh nghiệm ở miền Trung, bọn Pháp đã sớm trợ giúp cho các "lực lượng bổ sung" của chúng trong này, để cấu kết với nhau, mạnh tay chống đối ta. Không riêng gì chúng ta, bản thân phái bộ cố vấn Mỹ cũng đang lúng túng. Kỳ hạn tổng tuyển cử thống nhất hai miền chỉ còn một năm, miền Nam còn phải đương đầu với nhiều khó khăn đấy?
Diệm chăm chú lắng nghe Nhu giải thích. Hắn vốn nể Nhu thường tỏ ra hiểu biết, khôn ngoan, nhưng với cương vị là người chủ trì, hắn không thể lộ ra yếu kém hơn, dù Nhu là em ruột:
- Trước mắt, chúng ta phải tính thế đứng cho vững đã. Nào Bảo Đại cách chức Thủ tướng, nội các gần tan rã. Các lực lượng vũ trang tập hợp ra mặt chống đối, đòi thành lập chính phủ khác. Pháp tích cực hỗ trợ phe đối lập. Nhóm giáo dân Phát Diệm, Bùi Chu dựa vào những bài báo tố giác thím Nhu ăn chặn tiền cứu trợ - Diệm nhấn mạnh và lắc đầu ngó Nhu như oán trách - Rồi thằng Lắm mới ra nhận chức đã lo vội ăn cắp thuốc tây của Hội hồng thập tự. Số cha cố Bùi Phát rục rịch tính gì đó, dân chúng xôn xao trước những điều chửi rủa ngày đêm trên đài phát thanh của Viễn... Chú có thấy tôi phát điên đầu chưa?
Diệm ngừng lại nhìn Nhu, lát sau hắn đổi giọng nhỏ nhẹ hỏi:
- Đại tá Lansdale hẹn sáng nay qua cùng chúng ta bàn kế hoạch đối phó, chú đã dò được
ý họ chưa?
- Thưa chưa, các ông ấy vẫn bình tĩnh, coi như không có gì quan trọng cả.
Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa bên ngoài, Nhu chưa kịp đứng lên, Lansdale đã tự mở cửa bước vào. Hai anh em họ Ngô như thấy luồng ánh sáng tràn vào căn hầm tối tăm thiếu dưỡng khí và đầy buồn bã. Cả hai gượng cười đứng lên nắm tay tên cố vấn đặc biệt:
- Chúng tôi đang nóng ruột chờ đại tá - Diệm đưa cả bàn tay chỉ chiếc ghế đối diện mời Lansdale ngồi - Thấy tình hình dồn dập những khó khăn và đe dọa, quả tình tôi rất lo ngại.
Vẫn với nụ cười có vẻ khinh thường tất thảy, Lansdale trấn an Nhu Diệm:
- Hai vị cứ yên tâm, tôi đã lo cho các vị hết rồi. Tôi vừa họp với đại tướng O’Daniel và đại sứ Collins, chúng tôi đã đánh điện khẩn cấp về Hoa Thịnh Đốn. Vấn đề chủ yếu là phải giải quyết tận gốc. Nhà Trắng sẽ buộc chính phủ Pháp đích thân can thiệp. Rõ ràng Bộ tư lệnh Pháp ở đây đã công khai thúc đẩy bọn tay chân phá rối chúng ta, khi họ biết không còn cách nào khác là chuẩn bị rút về. Ngay lúc này, phải đánh gục chúng về mặt chính trị, sau đó chờ lệnh của Nhà Trắng. Chúng ta không thể loại trừ hành động quân sự. Tất nhiên không thể gây xáo trộn kéo dài, vì nếu không ổn định sớm được tình hình thì chúng ta không còn thời gian nữa, đành phải mạnh tay giải quyết?
- Như vậy là đại tá cho lệnh phát động chiến dịch hạ bệ Bảo Đại - Nhu hân hoan vội hỏi - để thành lập ngay "Hội đồng cách mạng"?
- Ngay sáng mai thôi. Tôi đã bảo ông Kiều Công Cung và Đỗ Gia Hiến chuẩn bị tập họp dân chúng di cư làm biểu tình, mít tinh. Thủ tướng sẽ ra tuyên bố bổ sung nội các, thay thế những tên đã được chấp thuận cho từ chức vì không đủ năng lực - Lansdale nhấn mạrth. Diệm thích thú mỉm cười - Giao cho Lê Ngọc Chấn Bộ Quốc phòng, Trần Chánh Thành Bộ Thông tin, Bùi Văn Thinh Bộ Nội vụ, Nguyễn Hữu Nghĩa Bộ Lao động, Nguyễn Hữu Châu Bộ Phủ thủ tướng. Còn các bộ khác và các chức vụ dưới thì do hai vị tự sắp xếp lấy.
Tên sĩ quan CIA nhận điếu thuốc xì-gà của Nhu mời, vừa tiếp:
- Chó sủa mặc chó, lạc đà cứ đi! Các vị bình tĩnh tiến hành công việc, tin tưởng rằng có chúng tôi túc trực phía sau rồi. Bọn Viễn-Soái chưa dám làm gì đâu. Tất nhiên đến lúc này chúng có thể đánh hơi được một số trong bọn chúng đã đâu hàng ta. Càng tốt, chúng sẽ hoang mang nghi ngờ nhau, nội tình không vững, chúng không làm liều được!
Nhu báo tin:
- Thưa đại tá, bọn Pháp vừa cấp cho Viễn hai giang hạm, một số bích kích pháo và nhiều đạn dược. Hai giang hạm nói trên hiện đang đậu tại kinh Cây Khô, phía sau hành dinh của Viễn. Có thể là chúng đã lo trước con đường Viễn rút vào rừng Sác khi bị ta tấn công. Tôi vừa được tin Viễn định bất ngờ nổ súng trước, cướp chính quyền.
Lansdale lắc đầu:
- Chắc chắn Bộ tư lệnh Pháp phải hiểu là nếu để bọn Viễn tấn công trước là tạo cho chúng ta có cớ tiêu diệt chúng, mà Pháp không có quyền nói năng gì. Trừ trường hợp chính Bộ tư lệnh Pháp chủ trương và dùng Viễn làm lực lượng xung kích. Nhưng chúng tôi không để cho Pháp còn cơ hội làm liều.
Hắn rít một hơi thuốc dài, rồi tiếp:
- Trong cuộc mít-tinh sáng mai "Hội đồng cách mạng" ra mắt, tuyên bố giao quyền cho Thủ tướng Diệm lãnh đạo Chính phủ, bổ sung người vào Nội các, truất hết quyền hành của Bảo Đại. Thủ tướng hãy đòi Pháp rút quân, cảnh cáo bọn âm mưu làm loạn, kêu gọi dân chúng đứng lên giành độc lập, tự do... Tiếp đó tổ chức ngay lễ tuyên thệ của nhóm liên minh Trình Minh Thế và lực lượng Cao Đài ly khai của trung tướng Nguyễn Thành Phương về hợp tác rồi kéo số quân của hai lực lượng này diễu hành thị uy trong thành phố. Riêng hai nhóm Nguyễn Giác Ngộ và Lâm Thành Nguyên vẫn bí mật nằm im tại chỗ.
Diệm cười thật tươi, niềm hy vọng ánh lên trong đáy mắt:
- Chúng tôi xin làm theo đúng sự chỉ dẫn của đại tá. Còn việc Viễn báo trước xin gặp tôi chiều nay, hắn nhân danh đại diện Mặt trận của chúng trao tối hậu thư, ý kiến của đại tá thế nào? Tôi có nên tiếp hay từ chối?
- Ngài tiếp chứ? Tỉnh táo, lịch thiệp là đòn tâm lý hiệu lực nhất đánh vào kẻ thù. Thái độ vững vàng tự nó toát ra sức mạnh có khả năng cảm hóa kẻ thù, làm cho đối phương dễ sinh ra mặc cảm tự ti. Tôi đã biết trước nội dung bức tối hậu thư của họ, nên tôi đã chuẩn bị sắn đây một bửu bối, giúp ngài đánh bại bọn Viễn dễ dàng trong cuộc tiếp xúc.
Lansdale lấy từ trong túi một chiếc phong bì màu vàng trao cho Diệm. Có vẻ ngạc nhiên, Diệm thong thả kéo từ chiếc phong bì bỏ ngỏ ra ba tấm hình cỡ lớn, nhưng hắn ta lại vội nhét vào, rồi chuyển sang cho Nhu. Diệm hơi đỏ mặt. Lansdale mỉm cười nhìn Nhu đang ngắm tấm hình kỹ hơn.
- Cám ơn đại tá - Diệm trở lại vui vẻ - với cái này tôi sẽ làm cho bọn Viễn không còn dám ngẩng mặt!
6.
Chiều hôm đó, tại hành dinh của Viễn, Vũ đang ngồi nói chuyện với trung tá Thành Nam, bí thư của Soái, và hiện là ủy viên tuyên truyền của Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia. Bỗng cô Tư Bình Xuyên đột ngột bước vào, mời Vũ ra ngoài.
- Ba ngày rồi anh không về, vợ chồng Bạch Hường tìm tôi nhờ hỏi tin anh. Họ cuống lên, sợ muốn chết lận. Không ngờ anh vùi đầu làm gì ở đây!
Linh Phương năn nỉ buộc Vũ về gặp vợ chồng Trần Đình để cho họ yên tâm. Không cách nào từ chối, Vũ đành phải theo thiếu phụ ra xe. Chiếc Renault hai ngựa, mui vải, đậu sẵn xế cổng hành dinh. Vũ vừa nói vào chỗ bên cạnh Linh Phương, cô ta đã trách anh:
- Anh Vũ tệ lắm đó nghen! Em mời anh cộng tác với anh Bảy, anh qua với Năm Lửa, khỏng thèm nói lại cho em hay gì ráo.
Chiếc xe lướt lên cầu chứ Y. Vũ nhìn tốp lính mũ xanh đứng cạnh hai khẩu trọng liên mới cướp được, cười giả lả:
- Vừa rồi cô Tư không thấy tôi đang cộng tác với ngài "tướng cướp" của cô rồi đó sao? - Vũ vờ thở dài - Trước sau cũng không chạy khỏi số kiếp.
Linh Phương cười giòn giã:
- Đúng rồi! Trên Lương Sơn Bạc đã có ghi tên anh vào bia đá từ khuya rồi, chạy trời không khỏi nắng!
Xe bắt đầu ra đường lớn, Linh Phương thôi cười nghiêm mặt hỏi Vũ:
- Thấy tính tình ớn quá, có thể đánh nhau không anh?
- Hai nòng súng ngó nhau thế kia, khó tránh khỏi bắn nhau. Hơn nữa ông Bảy đã thề quyết sống mái với ông Diệm.
- Thì cũng tại lão Diệm kéo quân đến khiêu khích người ta chở bộ.
Cả hai im lặng mãi cho tới lúc xe về tới nhà vợ chồng Trần Đình. Vũ ngạc nhiên thấy cửa đóng, không có ai ở nhà. Anh dùng chìa khóa riêng mở cửa. Trên mặt bàn là tờ giấy với những dòng chữ xin lỗi của Bạch hường phải về gấp dưới quê vì ông cha Trần Đình đau nặng. Vũ đành nhận lời mời của Linh Phương đi nhà hàng ăn tối.
Sài Gòn vẫn đông đặc những người và xe cộ. Sự sục sôi giữa hai tập đoàn tay sai Pháp Mỹ, hàng vạn khẩu súng đang sẵn sàng khạc lửa vào nhau đe dọa gây chết chóc cho dân lành, vậy mà xung quanh Vũ chỉ thấy những nét mặt vô tư cười nói. Ngay cả Linh Phương, Vũ không nhìn thấy chút lo âu nào trên khuôn mặt tươi vui, mặc dầu cái chết có thể tới với chồng, với anh cô ta bất cứ lúc nào.
- Cả tuần nay rồi, anh Bảy chĩ lo chuyện đánh nhau chẳng thèm ngó đến em. Buồn muốn chết? - Linh Phương ngừng xe phía sau Nhà hát lớn, vừa phàn nàn vừa bước xuống khóa xe, rồi dựa tay Vũ đi về phía nhà hàng Lon Choáng bên kia đường. - mà em thì quá chán chuyện bắn nhau. Nếu không nhận lời Bạch Hường tìm anh, em nằm luôn ở nhà, chẳng quan tâm đến chuyện chi nữa là khác?
- Chẳng lẽ cô Tư không quan tâm đến ông Bảy, ông Tư sao?
- Ai cần đến sự quan tâm của mình nhỉ? Em tự hỏi sự quan tâm của mình có ích gì cho họ lúc này? Sống chết số mệnh đã định rồi, tránh cũng chằng được? Đã tới lúc em thấy cần phải sống cho chính mình, sau những năm đã sống cho họ quá nhiều rồi.
Nét buồn thoáng hiện trên khuôn mặt tươi sáng của người thiếu phụ rất hợp với chiếc áo dài đen, màu áo rất được ưa chuộng của phụ nữ Nam Bộ, vừa kín đáo, vừa mang sắc thái dân tộc.
- Chúng ta ăn cơm Tàu nghe anh?
Linh Phương đưa tấm bảng kê các món ăn về phía Vũ:
- Dành cho anh lựa đấy.
Vũ cười:
- Việc nội trợ, từ ngàn xưa đã được coi là độc quyền của đàn bà. Làm món ăn hay chọn cách ăn, phụ nữ bao giờ cũng là chủ. Đấng tạo hóa đã an bài, dù ngon dở nam giới cũng phải tuân theo. - Vũ chuyển chiếc bảng kê món ăn lại phía thiếu phụ, rồi tiếp - Trong sách tướng số cửa Trung Hoa, qua việc người phụ nữ chọn món ăn mà người ta đoán được số mạng. Hoàng hậu Từ Hi thích ăn thịt chuột nuôi bằng nhân sâm. Tây phi Đắc Kỷ ưa ăn gan trẻ sơ sinh, và Nam Phương Hoàng hậu chỉ ham ăn bún bò Huế mà trở thành vợ của Đức Quốc trưởng Bảo Đại.
Linh Phương cười rinh rích, liếc xéo Vũ:
- Không lựa được món ăn ngon thì nói đại đi còn bịa chuyện tướng số.
Trước khi ngủ, hay trong bữa ăn, Vũ có thói quen bắt bộ óc hoạt động mạnh hơn. Anh vừa ăn vừa nhớ lại câu nói của Nguyễn Văn Hinh khi hắn vừa từ Pháp trở về đến Sài Gòn: "Chúng ta đừng trông chờ gì ở chính phủ Pháp, miền Nam không còn là của Pháp, mà là của Mỹ. Chúng ta chỉ có thể trông cậy vào Bộ tư lệnh Pháp còn ở đây. Nếu chúng ta có khả năng hành động, họ sẵn sàng bí mật trợ giúp." Còn với Salvani tên sĩ quan tình báo Pháp, do ý riêng của hắn hay của bọn Pháp ở đây, mà hắn đang cố thúc bọn tay sai làm binh biến, cướp chính quyền? Hắn phải biết là trong cuộc chiến không cân sức này, phần bại nghiêng hằn về phía lực lượng tay sai của Pháp. Vậy phải chăng bọn Pháp đã bị đẩy vào ngõ cụt, chúng mong có nội chiến là để có cớ can thiệp, giành quyền lợi lại cho bọn tay chân? Mỹ và Diệm chắc không muốn để xảy ra nội chiến, nên đã cố nín nhịn trước sự khiêu khích của Viễn. Nhiều hiện tượng chứng minh là bọn CIA dùng đô-la mua chuộc từng nhóm, vô hiệu hóa lực lượng tay sai của Pháp. Chúng hy vọng không cần nổ súng mà vẫn thành công. Thái độ của Nguyễn Thành Phương chứng tỏ điều đó. Còn về Bảy Viễn, khi bọn CIA đã nắm được bọn tư bản Hoa kiều Chợ Lớn thì chúng cũng sẽ không mấy khó khăn lôi kéo được số tay chân của Viễn...
Nghĩ đến đây, Vũ liền thử thăm dò Linh Phương:
- Tình hình thị trường thuốc phiện ở Chợ Lớn hiện nay ra sao rồi cô Tư?
Thấy Vũ chăm chú ngồi ăn, Linh Phương không gợi chuyện, bất ngờ anh lên tiếng, cô ta tỏ ra vui vẻ hẳn:
- Đúng như anh đoán hôm nọ, giá thuốc lên gấp rưỡi rồi đó. Lucien Conein dành cho tổ chức tình báo đặc nhiệm của Đài Loan ở đây phân phối.
- Bọn này mới đến hay đã có mặt từ lâu rồi?
- Chúng đã đến Sài Gòn năm sáu năm, cộng tác với Phòng nhì Pháp chống lại các tổ chức của Mao Trạch Đông. Trung Hoa lục địa cũng có tổ chức hoạt động ở Chợ Lớn. Hai bên thanh toán giết chóc nhau khá ghê gớm. Trước đây thì hai nhóm ngang ngửa chống đối, nay bọn Đài Loan được Mỹ trực tiếp đỡ đầu xem chừng mạnh hơn. Thêm vào đó bọn tư sản Hoa kiều cũng bám theo CIA và tình báo Đài Loan gần hết.
Vũ hướng tới điều anh cần biết:
- Nghe nói số sĩ quan tay em ông Bảy đa số nghiện thuốc phiện và được số tư bản Hoa kiều tặng cho những cô gái Hương Cảng tuyệt đẹp để chúng được che chớ làm ăn. Có đúng vậy không cô Tư?
- Đúng vậy. Anh Bảy em không nghiện ma túy nhưng ghiền gái đã thành cố tật.
Chung đụng với lớp người sống chết chỉ vì quyền lợi cá nhân chẳng còn tình nghĩa gì với nhau, ngay cả trong người thiếu phụ này, Vũ cảm thấy tình cảm anh em, vợ chồng như xa lạ đối với cô ta.
- Theo luật sinh tồn của tạo hóa, mọi sinh vật giống đực đều "ghiền" giống cái. Đối với con người, "ghiền" hàm nghĩa say mê, yêu thương, nhưng phải chung nhất mới là chân chính. Còn ghiền bậy, gặp đâu ghiền đó thì cũng như ghiền ma túy vậy thôi.
Linh Phương cười, liếc xéo Vũ:
- Nghe anh nói tỏ ra từng trải lắm, nhưng Bạch Hường mách với em, anh chẳng biết ghiền một thứ gì. Hay anh là nhà tu trừng giới?
Có thể bọn Hoa kiều đã giúp cho CIA khống chế số tay em của Viễn bằng thuốc phiện và gái. Nếu vậy, cái chết sẽ đến với Viễn bất cứ lúc nào, lặng lẽ dễ dàng, hàng ngàn dân đao búa sẽ trở thành lợi khí của bọn CIA, Sài Gòn sẽ ổn định đúng ý muốn của Mỹ...Vũ chợt nghĩ và vội bịa ra câu chuyện để thay câu trả lời cho Linh Phương:
- Xưa kia có một cậu bé theo vị sư già lên núi cao đi tu, nhiều năm đã trôi qua mà không bề liên lạc với đời. Vị sư vốn bị thất tình, nên tìm quên bằng cầu kinh, chuông mõ. Nhưng đến ngày nhắm mắt vẫn không thể không thú thật với cậu bé, lúc này đã trưởng thành, rằng hình bóng người yêu vẫn không thể xóa nhòa, dù ông đã gần trọn cuộc đời khổ hạnh. Tình yêu càng dàn vặt ông mãnh liệt trước khi nhắm mắt lìa trần. Sự đau khổ của vị sư già đã ám ảnh chàng trai đó, cũng trọn một cuộc đời đến tận lúc phải rời núi trở về chết già, một thân cô độc. Cô Tư thấy không, chàng ta đã không đủ can đảm để chịu đau khổ vì đàn bà!
Linh Phương cười ngả nghiêng:
- Lại bịa ra phải không?
Vũ làm tỉnh gật đầu:
- Thì cứ cho là bịa.
- Vậy cứ sống mà đừng yêu, khỏi phải bịa chuyện.
Vũ hiểu ý câu nói xa xôi của thiếu phụ. Anh hỏi lảng sang chuyện khác:
- Cô Tư này, ông Bảy không quan tâm đến việc nghiện ngập của các sĩ quan dưới quyền sao?
Linh Phương hơi bực bội, có thể vì Vũ đã cắt ngang câu chuyện cô đang thích thú:
- Có gì phải quan tâm? Mỗi người có quyền sống tự do theo họ chớ. Mà tại sao anh để ý đến họ?
Vũ khôn khéo ghé sát lại thiếu phụ, đặt tay lên vai cô ta xoa nhẹ và thấp giọng:
- Linh Phương không thấy tôi đã sang cộng tác với ông Bảy đấy à? Tôi phải quan tâm đến sự an nguy của anh cô đấy. Cô biết chứ, người ghiền ma túy khi thiếu thuốc trở thành điên dại, mất trí. Bọn CIA có thể dùng bọn Hoa kiều mua chuộc em út ông Bảy bằng thuốc phiện, gái và cả đô-la, được không? Chỉ cần một hai tên bị mua chuộc, thì mạng sống của anh cô đã khó bảo toàn?
Linh Phương có vẻ thảng thốt gật đầu:
- Anh nói đúng. Có thể vậy lắm đấy!
- Tôi nhớ tới vụ thuốc phiện hiện do CIA nắm độc quyền trong thị trường Chợ Lớn, trong số khách tiêu-thụ-bắt-buộc có các sĩ quan của ông Bảy. Đó là điều tôi băn khoăn. Kẻ thù trước mặt ông Bảy không đáng sợ bằng số đàn em tin cậy của ông lại quay ra phản bội. Cô Tư nên nhắc ông Bảy vấn đề này nhé.
Thiếu phụ tỏ ra chú ý:
- Dạ! Em sẽ dò xét dùm anh Bảy, và cả cho anh nữa chứ?
Vũ cười:
- Tất nhiên rồi. Tôi đang bí mật tiếp tay cho anh cô Linh Phương thấy chứ.
Sau khi thanh toán tiền hàng, thiếu phụ năn nỉ đòi Vũ cùng đến vũ trường. Một sự bất ngờ, tên thiếu tá CIA Lucien Conein và cô gái đã gặp một lần, cũng có mặt tại đó. Conein tỏ ra vui mừng khi thấy Linh Phương và Vũ. Hắn lịch sự mời cả hai cùng ngồi chung bàn. Vũ ra dấu cho Linh Phương nên nhận lời. Linh Phương hiểu ý, đổi từ lạnh lùng sang vui tươi, cười nói tự nhiên với kẻ đã gian trá lừa gạt cô ta trong vụ thuốc phiện trước đây. Cô ta ngồi xuống ghế, cảm ơn Conein và Ninh Đa, và giới thiệu Vũ:
- Anh Vũ, người anh bà con của tôi.
Conein, Ninh Đa bắt tay Vũ. Cả hai đều nói bằng tiếng Pháp:
- Xin chào và chúc sức khỏe ông Vũ.
Conein không bỏ lỡ cơ hội, phân trần với Linh Phương:
- Sau ngày được trung tá Trinquier giới thiệu, tôi chờ cô tới, vậy mà vắng bóng cô từ đó. Sau tôi hỏi ra mới biết lý do tại sao cô không tới và cũng không nhận hàng. Thật đáng tiếc, mong cô thông cảm cho tôi? Thú thật với cô, tôi không đủ quyền để ngăn chặn công việc của cấp trên tôi. Lấy danh nghĩa là bạn của Trinquier, tôi xin thề trước cô, tôi không chủ trương việc tranh chấp này, nhưng tôi bất lực đối với người đã ra lệnh làm. Tôi rất ân hận!
Thiếu phụ như không quan tâm tới lời thanh minh của tên sĩ quan CIA, cô đưa mắt liếc Vũ rồi mỉm cười thật tươi:
- Việc đã qua rồi, ông cử coi như không có gì xảy ra. Tôi hiểu, ông Conein ạ.
Vũ lặng lẽ ngắm hai người đàn bà ngồi bên nhau, nhận thấy họ hoàn toàn khác biệt. Linh Phương có khuôn mặt rạng rỡ, tinh nhanh, vẻ đài các hiện trên cặp mắt, nụ cười và cử chỉ. Ninh Đa hơn hẳn về nét trẻ trung, chân chất. Anh nghĩ đến việc tìm hiểu bọn CIA qua cô gái này, chắc chẳng mấy khó khăn. Còn Linh Phương thì nụ cười, ánh mắt đang làm cho tên sĩ quan CIA ngất ngất. Hắn lễ độ xin lỗi Vũ để mời thiếu phụ ra sàn nhảy. Anh gật đầu mỉm cười nhìn Linh Phương với ngụ ý nhắc nhở, và không bỏ lỡ cơ hội mời Ninh Đa ra theo.
Không cần ý tứ, Ninh Đa dựa sát vào ngực Vũ. Anh thấp giọng gần như thì thầm bằng tiếng mẹ đẻ:
- Cô Ninh Đa vào Sài Gòn lâu chưa? Mới trông, tôi nhận ra ngay cô là người đồng hương đấy.
- Vâng, em người vùng Móng Cái, theo anh Trinquier vào đây gần bốn năm rồi.
- Thì ra Ninh Đa là bà Trinquier?
Cô gái cười, lắc đầu nhè nhẹ:
- Không đâu, em chỉ là hầu gái của anh ta.
Vũ ngạc nhiên:
- Hầu gái?
- Thưa vâng, hồi đó, cha mẹ em bị phỉ giết chết. Em được Trinquier và Conein cứu thoát khỏi tay bọn buôn người. Không nơi nương tựa, em xin đi theo hai anh ấy, hầu hạ trả ơn.
Ngược lại, cả hai đối với em như bạn gái, vậy thôi.
Vũ hiểu ngay. Anh tò mò hỏi tiếp:
- Trung tá Trinquier đi rồi, cô ở với Conein à?
- Vâng.
- Cả hai đều đối xử tốt với cô chứ?
- Tốt chứ ạ. Ông Vũ quê ở đâu?
- Tôi ở Hải Phòng, di cư vào đây.
- Ủa, sao bà Linh Phương nói ông là anh bà con với bả?
- Đúng đấy, mẹ Linh Phương là cô ruột tôi vào Sài Gòn từ lâu lắm rồi.
- Ông có biết anh Trinquier và bà Linh Phương yêu nhau không? Cả hai say mê nhau khủng khiếp.
Vũ ỡm ờ:
- Cô không ghen chứ?
Ninh Đa cười thật tươi:
- Tại sao ghen? Khi em tình nguyện dâng hiến để trả ơn.
- Tôi nghĩ cô đẹp có thua gì cô em gái tôi đâu. Độc thân, tự do, lại luôn ở bên cạnh ông ta, còn Linh Phương là gái có chồng.
- Em chỉ là đứa hầu gái, anh Trinquier có thể thương hại em chứ làm sao yêu được? - Ninh Đa chớp chớp hai làn mi giả cong vút, khẽ thở dài - Em chỉ là phận tôi đòi, so sánh với bà Linh Phương sao được?
- Cả với thiếu tá Conein cô cũng nghĩ vậy sao?
- Thưa vâng!
- Theo tôi, mỗi người đều có một cuộc sống, và cần bảo vệ giá trị cuộc sống đó của chính mình. Có ai lại tự nguyện đem cuộc sống của mình ra để trả một cái ơn cứu giúp thông thường, hay dù cho là lớn đi nữa. Nhất là người ra ơn, khi có đủ lương tri, không ai dám nhận sự trả ơn như vậy.
Thấy Ninh Đa im lặng khá lâu, Vũ lảng tránh sang chuyện khác:
- Cô Ninh Đa này, tôi thấy Pháp và Mỹ không mấy thuận nhau, tại sao hai ông Trinquier và Conein có vẻ thân nhau tới mức kỳ lạ?
Sau một lát nghĩ ngợi, cô gái trở lại vẻ tự nhiên như trước:
- Thiếu tá Conein đã làm việc chung với anh Trinquier trong Bộ tư lệnh Pháp từ lâu rồi nên cả hai thân nhau lắm. Chính anh Conein đã bí mật giúp, che giấu vụ anh Trinquier giết chết ba sĩ quan CIA Mỹ tại khu Tam giác vàng, nếu không thì đã nguy rồi. Họ thương nhau đến mức đó. Ngoài ra, Conein được các sĩ quan Pháp yêu mến và kết bạn khá đông.
- Cả những sĩ quan Việt Nam nữa chứ?
- Vâng, anh Conein giao dịch khá rộng. Ông biết ông tướng Vỹ không?
- Ông ta là Tham mưu trưởng quân đội, ai không nghe tiếng!
- Đúng ông ta đấy. Mới sáng nay, tướng Vỹ chạy tới cầu cứu anh Conein, vì ông Diệm ra lệnh bắt ông ta. Anh Conein phải đích thân dẫn ông ta qua tòa đại sứ Mỹ lánh nạn, và buổi chiều có máy bay đưa ông ta qua Pháp rồi.
- Có gì xảy ra đấy cô Ninh Đa?
- Nghe các ảnh nói với nhau là tướng Hinh đã về Sài Gòn, ông Diệm sợ hai ông tướng tay trong tay ngoài âm mưu đảo chính, do Pháp xúi sao đó...
Vũ mạnh bạo hơn:
- Còn nhiều người Việt khác thường tới nhờ cậy ông Conein nữa chứ?
Cô gái chẳng chút dè dặt:
- Đông người, em không biết tên hết. Ở bên Bình Xuyên có ông Thái Hoàng Minh cũng thường đến gặp riêng anh Conein.
Vũ cười thành tiếng:
- Ông Conein tin cô nhỉ? Chuyện gì về ông ta cô cũng biết hết.
Ninh Đa hơi ngửa người ngó thẳng vào anh, mỉm cười:
- Anh ấy cho là em loanh quanh với anh ấy trong nhà, có giao dịch, đi lại đâu mà phải giấu giếm! .
Vũ cười giả lả:
- Thế cô chẳng nói lại với tôi đấy à? Coi chừng ổng phạt cho mà xem.
Cô gái cười theo, liến thoắng hơn:
- Anh ấy hỏi em nói gì, em chối đi chớ, dại gì nhỉ?
Vũ yên tâm và ỡm ờ:
- Ninh Đa cũng phải giao dịch để tính chuyện lấy chồng chứ? Dâng trọn đời mình để trả ơn sao?
Nét buồn thoáng hiện, Ninh Đa thở dài nhè nhẹ:
- Ai thèm lấy cái thứ em nhỉ?
Vũ an ủi:
- Đừng mặc cảm để rồi buông xuôi cuộc đời. Cần tỉnh táo suy nghĩ làm lại từ đầu.
Cô gái gục đâu vào vai Vũ, thấp giọng:
- Conein định nhường em lại làm vợ chính thức một sĩ quan Mỹ chưa vợ, nhưng em muốn lấy chồng người mình kia.
- Nên thế Ninh Đa ạ. Người mình với nhau tình nghĩa vững bền hơn. Dẫu trong hoàn cảnh nào người ngoại quốc vẫn có cái gì đó cách biệt, xa lạ.
Bản nhạc dứt, Vũ ngừng câu chuyện đưa cô gái về bài. Conein tỏ ra thân mật với Linh Phương, nét hân hoan lộ rõ trong ánh mắt. Sau khi uống cạn ly rượu, Conein xin lỗi cáo từ vì có hẹn công việc. Hắn cùng Ninh Đa đứng dậy bắt tay hai người, và sốt sắng trao cho Vũ tấm danh thiếp mời lại nhà riêng khi có dịp.
Linh Phương giữ Vũ lại khiêu vũ tới quá nửa đêm mới chịu đưa anh về. Ngồi trên xe, cô nói lại đúng những lời Conein đã nói với cô khuyên Bảy Viễn đừng trông cậy vào Pháp, đừng theo người Pháp xúi dục. Pháp đã thất bại phải ký hiệp định, coi như dâng miền Nam này cho cộng sản. Vì quyền lợi của thế giới tự do, người Mỹ sẽ giúp cho người Việt Nam chống cộng sản, mà ông Ngô Đình Diệm là đại diện để giữ lấy phần nửa nước còn lại. Nếu để cho Việt Minh cộng sản chiếm hết, Bảy Viễn sẽ là kẻ đầu tiên không còn đường sống vì đã phản lại Việt Minh.
Conein nhắn lời khuyên Bảy Viễn về hợp tác với Diệm, đúng là có một số mặt quyền hành, quyền lợi bị hạn chế, nhưng địa vị còn nguyên và tương lai còn nhiều hứa hẹn. Hiện nay Diệm đã có đủ sức mạnh, dùng vũ lực chống lại ông ta là dại dột. Người Mỹ sẵn sàng đứng ra dàn xếp bảo đảm, hoặc nếu Bảy Viễn muốn ra nước ngoài hưởng một cuộc đống sung sướng, Conein sẽ lo cho.
Linh Phương nhìn vào mặt Vũ, mỉm cười, tiếp:
- Còn với em, hắn được lời gởi gắm của Trinquier, hắn sẽ làm bất cứ việc gì em yêu cầu trong phạm vi khả năng hắn có!
Vũ cũng cười mỉm, mỉa mai:
- Giúp, như vụ giành thuốc phiện chứ gì?
Bỗng anh lại cười thành tiếng, tiếp:
- Nhưng cô Tư cứ nghe lời hắn đóng vai nàng Kiều khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến, coi ông Bảy tính sao?
Thiếu phụ cười phụ họa:
- Xúi dại em hả? Anh Bảy đâu có chịu cảnh hàng thần lơ láo để chết đứng trước mặt lão Diệm.
Vũ đổi giọng, không có vẻ đùa nữa:
- Cô Tư này, bên ông Bảy có người tên là Thái Hoàng Minh không? Anh ta hiện đang làm gì?
- Minh là Tham mưu phó đó. Có chi vậy anh?
Vũ ngầm nghĩ giây lát:
- Chắc anh ta có quan hệ với số Hoa kiều buôn thuốc phiện rồi.
- Thì là cháu vợ bang trưởng Triệu Vĩnh Kỳ. Trước đây Kỳ lo vụ thuốc phiện cho em.
Vợ Minh là xẩm chính hiệu.
- Vậy là đúng. Cô nhân tình của Conein nói Minh có đến gặp Conein mấy lần rồi.
- Có gì lạ vì hiện Minh đang lo chạy mối cho Kỳ về vụ thuốc phiện, ngay sau khi em ngưng cung cấp.
- Rất lạ chứ cô Tư. Vừa rồi Conein chẳng đã xúi cô Tư khuyên ông Bảy về đầu hàng Diệm đó sao? Với Minh, hắn có thể mua chuộc lắm chớ? Thuốc phiện này, đô-la này, và địa vị. Trước những cám dỗ đó, Minh có giữ được lòng trung thành với ông Bảy không?
Linh Phương cau mày suy nghĩ:
- Ra vậy? Để em phải báo ngay cho anh Bảy mới được.
- Đó mới là suy luận thôi, phải thận trọng. Nếu chưa có gì cụ thể mà ông Bảy đã nóng nảy có thể gây xáo trộn nội bộ. Theo tôi, chính cô phải dò xét lại, nhưng kỹ lắm mới giữ được bí mật, để lộ ra tức là cô đẩy Minh đến chỗ hành động mau hơn mình, thì sẽ thất bại?
- Dạ, em sẽ giữ kín, khi tìm được hiện tượng gì em sẽ tin cho anh và anh Bảy biết.
Xe đã dừng trước nhà Trần Đình. Vũ bắt tay từ giã. Linh Phương giữ tay anh rất lâu, im lặng nhìn anh. Tiếng động cơ vẫn nổ đều đều thiếu phụ miễn cưỡng thả tay Vũ ra. Anh nhìn thấy ánh mắt trìu mến và nụ cười thật tươi gửi lại theo anh.
Trong phòng riêng, Vũ ngồi im lặng trước ngọn đèn nhỏ. Sài Gòn đã chuyển qua giai đoạn nóng bỏng, mâu thuẫn giữa hai tập đoàn tay sai đế quốc thực dân tới hồi quyết liệt, không thể tránh khỏi cuộc bắn giết lẫn nhau chỉ trong một sớm một chiều. Rõ ràng Bộ tư lệnh Pháp tại đây tự biết không còn hy vọng gì khi đã phải chấp nhận thi hành lệnh của chính phủ họ, trao quyền lại cho Mỹ, chuẩn bị rút quân. Lực lượng tay sai của họ ở đây đã bị CIA phân hóa, lôi kéo ít ra cũng phân nửa số quân rồi. Thực trạng đó, tình báo Pháp phải thấy, sao họ đẩy chúng chống Diệm bằng võ trang để đưa chúng vào chỗ chết? Đưa một tên Hinh về ích gì phải chăng nhằm khích lệ cho Viễn, Soái liều thân? ... Có thể Bộ tư lệnh Pháp đành nhẫn tâm tận dụng hơi sức cuối cùng của bọn tay sai để đổi lấy một cái gì đó xứng đáng! Cái gì đó, cần phải tìm cho ra - Vũ tự quyết định cho mình.
Mời bạn đón đọc chương tiếp!