Tài liệu này chứng tỏ rằng Ban lãnh đạo Cộng sản đã có năng lực chuyên môn để vạch ra những kế hoạch chi tiết…
Điều này sẽ đẩy lùi quan điểm của một số người có xu hướng coi Cộng sản chỉ là những nông dân trồng lúa lạc hậu và mù chữ…
Đoạn ghi chép về Việt Cộng theo Báo cáo Hành động về trận Ấp Bắc ngày 2/11/963
Trở lại Sài Gòn vào một ngày cuối tháng 9/1959 sau hai năm ở Mỹ, điều mà Phạm Xuân Ẩn sợ nhất là vừa ra khỏi máy bay đã bị bắt giải đi mất tiêu. Phạm Xuân Ẩn đã bố trí cho cả gia đình ra đón ở sân bay để nếu chẳng may ông bị bắt, thì còn có người chứng kiến. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Có gia đình ở sân bay, nếu mình có bị bắt thì ít nhất má cũng biết con mình đã bị bắt như thế nào". Thời kỳ đó, rất nhiều đồng đội của Phạm Xuân Ẩn đã bị bắt tống vào nhà lao. Biết đâu có ai trong số họ đã khai ra việc ông là một đảng viên Cộng sản.
Một trong những người trung kiên nhất là ông Mười Hương, chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn, cũng đã bị bắt năm 1958 và đang bị giam giữ ở nhà lao Chín Hầm. Ông Mười Hương là một trong những người tổ chức mạng lưới tình báo chiến lược ở miền Nam Việt Nam. Chính ông Mười Hương đã tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn vào mạng lưới tình báo này rồi cử sang Mỹ làm nhiệm vụ.
Tại sân bay, khi các thành viên trong gia đình đang đi tới đi lui, Phạm Xuân Ẩn nhìn quanh một lượt để xem có cảnh sát không. Chẳng có ai tiến lại để bắt ông. Do đi vắng lâu không nắm được tình hình ở nhà, nên suốt một tháng đầu kể từ khi về nước, Phạm Xuân Ẩn cứ ở lì trong nhà. Phạm Xuân Ẩn đề phòng trường hợp nếu mạo hiểm đi ra ngoài đường một mình, ông có thể bị bắt. Hầu như ngày nào Phạm Xuân Ẩn cũng đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài để cố tìm xem có dấu hiệu nào chứng tỏ ông đang bị giám sát hay không. Ông đã thận trọng vạch ra một kế hoạch đơn giản để thử bằng cách viết gửi một lá thư cho bác sĩ Trần Kim Tuyến, người mà hai năm về trước đã giúp ông tháo gỡ khó khăn trong vấn đề hộ chiếu, visa. Trần Kim Tuyến vẫn còn quan hệ rất chặt với Ngô Đình Nhu, em trai của Ngô Đình Diệm.
Trong thư gửi bác sĩ Trần Kim Tuyến, Phạm Xuân Ẩn viết: "Tôi mới học xong lớp báo chí ở Mỹ và đã về nước, hiện đang cần một việc làm. Ông có thể bố trí cho tôi vào đâu được không?". Theo tính toán của Phạm Xuân Ẩn, nếu quả thực ông sắp bị bắt thì bác sĩ Trần Kim Tuyến không bao giờ bố trí việc làm cho ông. Vì Trần Kim Tuyến là người nắm giữ danh sách Việt Cộng.
Vóc dáng bé nhỏ, cân nặng chưa đầy 45 kg, Trần Kim Tuyến được William Colby mô tả là người "luôn tỏ ra điềm tĩnh, e dè như một nhà Nho". Thế nhưng, giấu kín bên dưới vẻ bề ngoài đó là một nhân vật chống Cộng sản rất quyết liệt, một tên trùm mưu mô, một kẻ âm mưu đảo chính khét tiếng. Trần Kim Tuyến học y khoa, nhưng chưa bao giờ hành nghề y. Thế nhưng quyền lực của ông ta lớn đến nỗi ai cũng gọi ông ta là bác sĩ. Trần Kim Tuyến chỉ tin cậy vài người bạn trong tổ chức của ông ta, những người tỏ ra trung thành với ông trong việc chống Cộng sản.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến nhận thấy ngay giá trị của việc có một người tốt nghiệp ở Mỹ như Phạm Xuân Ẩn làm việc cho Chính quyền Diệm. Ông ta liền bố trí cho Phạm Xuân Ẩn vào làm nhân viên trong Văn phòng Phủ Tổng thống. Với vị trí này, Phạm Xuân Ẩn tiếp cận được các hồ sơ về quân đội, quốc hội, và nói chung là các loại hồ sơ về tất cả các tổ chức ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó Trần Kim Tuyến lại nhận thấy một điều quan trọng hơn trong việc sử dụng kỹ năng báo chí của ông Phạm Xuân Ẩn, một đệ tử mới của ông ta vừa có lời xin bố trí việc làm. Bác sĩ Trần Kim Tuyến liền bảo Phạm Xuân Ẩn đến gặp Nguyễn Thái, Tổng Giám đốc Việt Tấn Xã (Vietnam Press). Việt Tấn Xã là một cơ quan báo chí chính thức của chế độ Ngô Đình Diệm. Từ hàng ngàn tin tức do các hãng thông tấn lớn quốc tế cung cấp mỗi ngày, Việt Tấn Xã có nhiệm vụ lựa chọn ra những tin nào phù hợp về mặt chính trị để cho dịch sang tiếng Việt rồi xuất bản, coi đó như là quan điểm chính thức của Chính quyền Ngô Đình Diệm. Nguyễn Thái giải thích: "Do vậy, Việt Tấn Xã hoạt động như một cơ quan kiểm duyệt các tin tức quốc tế được lựa chọn để sử dụng trong nước. Các bản tin của Việt Tấn Xã được sử dụng trên tất cả các chương trình phát thanh của mạng lưới đài phát thanh quốc gia của chính phủ".
Giống như Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thái cũng đã từng được đào tạo ở Mỹ. Chính tại Hoa Kỳ Nguyễn Thái đã gặp Ngô Đình Diệm lần đầu tiên vào tháng 6/1952 tại một hội nghị của các sinh viên Thiên Chúa giáo. Hồi đó Nguyễn Thái là chủ tịch của Hội sinh viên Thiên Chúa giáo ở Hoa Kỳ. Sau lần gặp ấy, Ngô Đình Diệm thường xuyên gửi thư cho ông để trao đổi những phân tích về tình hình chính trị ở Việt Nam, cũng như những đánh giá riêng của Diệm về cơ hội trở về nắm quyền. Sau này, Nguyễn Thái có lần đến thăm Ngô Đình Diệm ở Maryknoll Monastery thuộc Lakewood, bang New Jersey. Nguyễn Thái còn dàn xếp để cho Ngô Đình Diệm một lần đến giảng bài tại khoa Đông Nam Á của Đại học Cornell. Tháng 6/1954, sau khi đã trở về Sài Gòn, Ngô Đình Diệm điện cho Nguyễn Thái đang học tại Trường Đại học bang Michigan, đại ý nói rằng Thái nên về nước để giúp mình xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập. Chẳng bao lâu sau, Nguyễn Thái về nước trở thành một chủ bút đồng thời là Tổng Biên tập Tạp chí Thời báo Việt Nam. Tháng 5/1957, Nguyễn Thái được Ngô Đình Diệm cất nhắc lên chức Tổng Giám đốc Việt Tấn Xã.
Với vị trí của mình, Nguyễn Thái nắm được nhiều bí mật của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nguyễn Thái nhớ lại: "Gần như ngày nào cũng vậy, tôi thường được đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm yêu cầu phải theo dõi mẩu tin đặc biệt này nọ để "nhào nặn" theo cách này cách khác vì những lý do đặc biệt về chính sách. Thông tin là quyền lực. Thông tin phải được sử dụng để phục vụ cho những người độc quyền thông tin đó". Một trong những người tìm cách kiểm soát thông tin là bác sĩ Trần Kim Tuyến. Nguyễn Thái nói: "Tôi chẳng lạ gì khi nghe Trần Kim Tuyến nói rằng vụ án quan trọng về mặt chính trị này nọ sẽ được toà án Sài Gòn xét xử để cho ra kết quả thế này thế khác. Hoặc là vào ngày này, ngày nọ sẽ có sự kiện (biểu tình đường phố, lục soát một tờ báo của phe đối lập, hoặc một cuộc bầu cử). Và rằng sẽ là "thích hợp" cho Việt Tấn Xã đưa tin liên quan theo cách này, cách khác nhằm phục vụ cho lợi ích của chế độ Ngô Đình Diệm".
Trần Kim Tuyến muốn Phạm Xuân Ẩn nằm trong Việt Tấn Xã để Tuyến có thể kiềm chế Nguyễn Thái.
Nhưng chính Nguyễn Thái cũng muốn Phạm Xuân Ẩn làm việc cho mình. Nguyễn Thái nhớ lại: "Phạm Xuân Ẩn là nhân viên đầu tiên của Việt Tấn Xã được đào tạo báo chí ở Mỹ và là người nói trôi chảy tiếng Anh. Hơn nữa, tôi đang cần một phóng viên giỏi như vậy để đưa tin từ văn phòng Tổng thống, vì đây là một nhiệm vụ rất nhạy cảm. Tôi nhận thấy Phạm Xuân Ẩn rất thạo tin và quan hệ rộng. Dường như ông ấy quen biết tất cả những nhân vật quan trọng ở Nam Việt Nam, nhưng không bao giờ thấy ông khoe khoang điều đó. Đầu óc dí dỏm và khiếu hài hước khiến cho ông trở thành một người mà ai cũng thích".
Phạm Xuân Ẩn được các nhà báo quốc tế ở Sài Gòn yêu quí đến mức phóng viên quốc tế nào cũng đánh giá rất cao về ông, thậm chí họ sẵn sàng dẫn chứng ông là người vĩ đại của miền Nam Việt Nam. Ông Phạm Xuân Ẩn làm việc cho Việt Tấn Xã không lâu, bởi vì ông được các tờ báo lớn và các hãng thông tấn nước ngoài mời chào vào làm việc ở vị trí cao. Tất cả các cơ quan báo chí nước ngoài ở Sài Gòn đều đánh giá cao Phạm Xuân Ẩn bởi sự hiểu biết sâu sắc về chính trị Việt Nam của ông và việc ông có quan hệ rộng với các quan chức địa phương.
Ngày còn làm việc ở Việt Tấn Xã, Phạm Xuân Ẩn thể hiện là người có tính chuyên nghiệp cao, mà ông coi đó là đặc điểm xuyên suốt toàn bộ cuộc đời nghề nghiệp của mình. Bác sĩ Trần Kim Tuyến có kế hoạch sử dụng Việt Tấn Xã như một cơ quan bình phong cho các điệp viên của chính quyền Ngô Đình Diệm ra hoạt động ở nước ngoài. Trần Kim Tuyến chỉ thị cho Nguyễn Thái phải mở lớp đào tạo ngắn hạn về báo chí cho các điệp viên của ông ta trước khi được tung sang New Delhi, Jakarta, Cairo để hoạt động tình báo.
Nguyễn Thái hoàn toàn bác bỏ chỉ thị này của Trần Kim Tuyến. Cuối cùng, Trần Kim Tuyến bảo đó là mệnh lệnh của Ngô Đình Nhu thì Nguyễn Thái mới chịu chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác.
Nguyễn Thái liền giao nhiệm vụ cho Phạm Xuân Ẩn đào tạo nghề báo cho các điệp viên của Trần Kim Tuyến. Lý do không chỉ vì ông Phạm Xuân Ẩn vừa tốt nghiệp báo chí ở Mỹ trở về, mà còn vì ông có quan hệ tốt với Trần Kim Tuyến.
Khi Phạm Xuân Ẩn nhận thấy các điệp viên của Trần Kim Tuyến không dự lớp của ông một cách nghiêm túc, thì ông đã đi thẳng đến gặp Trần Kim Tuyên để phản ánh. "Ông xem đấy. Tôi không thể dạy cho người của ông được nữa, chừng nào ông ra lệnh cho họ phải hiểu được tầm quan trọng của việc có một vỏ bọc như thế nào. Bởi vì họ sẽ bị bắt ngay nếu không học được nghề bình phong này. Họ cần nắm được chi tiết cách viết và gửi tin bài, cách phỏng vấn, và cách xây dựng nguồn tin. Nếu họ không học được những điều đó, thì chắc chắn sẽ bị bắt và khi đó, ông cũng sẽ gặp rắc rối". Sau buổi đó, các điệp viên của Trần Kim Tuyến trở lại học nghề báo chí làm vỏ bọc nghiêm chỉnh hơn. Bản thân Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên Cộng sản hoạt động dưới vỏ bọc, giờ đây lại đang đào tạo nghề vỏ bọc cho các điệp viên chống Cộng sản của bác sĩ Trần Kim Tuyến. Có lẽ đây là điều mà ở Việt Nam chưa bao giờ có.
Đúng như Nguyễn Thái từng dự đoán, Phạm Xuân Ẩn không ở làm việc cho Việt Tấn Xã được lâu, mà chuyển sang làm cộng tác viên cho Hãng thông tấn xã Anh Reuters. Phạm Xuân Ẩn cộng tác với phóng viên Reuters Peter Smark, người Australia. Văn phòng của Reuters đặt ngay trong khuôn viên của Việt Tấn Xã.
Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Peter Smark thực sự là người rất hiểu biết về Việt Nam. Giáo sư cần đọc thêm những bài báo của ông ấy". Giọng điệu và cách nói của Phạm Xuân Ẩn khiến tôi hiểu rằng nếu tôi đọc những bài báo đó của Peter Smark tôi và ông sẽ có thêm nhiều đề tài nữa để trao đổi.
Tối hôm đó, tôi đã lên mạng Internet tìm kiếm các bài viết của Smark, trong đó có bài viết dưới tựa đề "Chết chóc và nôn mửa: Nghĩa đích thực của cuộc chiến tranh". Peter Smark viết bài báo này năm 1990, nhưng kể lại những sự kiện mà chính ông chứng kiến ở Việt Nam hồi năm 1961. Khi đó, tôi mới hiểu vì sao Phạm Xuân Ẩn lại muốn tôi đọc bài báo nói trên để hiểu thêm về Peter Smark như lời ông đã viết: "Chúng tôi đến một làng nhỏ gần Mỹ Tho đi xuyên qua những cánh đồng lúa xanh mướt. Trên bờ ruộng lúa, những cây dừa vút lên, lá đong đưa theo gió. Dưới nắng trưa hè gay gắt, ba bé gái ríu rít như chim non, tay che mặt cười rúc rích khi thấy những người nước ngoài to lớn nặng nề và vụng về đang mò mẫm tìm kiếm điều gì. Bị vứt chỏng chơ như những đống rác nằm trên đất là những xác chết. Tôi nhớ rất rõ và không bao giờ quên được có tất cả 82 xác chết. Nơi đây đã diễn ra một trận chiến ác liệt vào ngày hôm trước. Ruồi nhặng đã bu đầy lên những xác chết. Là phóng viên chiến trường, tôi đã chuẩn bị cho mình có thể phải chứng kiến cảnh đổ máu, lòi ruột, và mùi hôi thối. Nhưng chưa bao giờ tôi chuẩn bị cho mình phải chứng kiến cảnh ruồi nhặng bu đầy lên những xác chết. Tôi cũng chẳng biết vì sao trước đó tôi chưa từng nghĩ tới ruồi nhặng, chuột bọ. Nhưng nhờ vậy mà ở tuổi 24, tôi mới hiểu được ý nghĩa thật sự của chiến tranh… Ngày hôm đó vào năm 1961, tôi đã phải vã mồ hôi và nôn mửa khi nhìn những cảnh tượng khủng khiếp ấy. Những ý nghĩa dồn dập, rời rạc, chẳng liên quan gì đến nhau cứ cuồn cuộn trong đầu óc tôi…".
Hôm sau, tôi đến gặp Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng của ông. Tôi chìa cho ông xem bài báo của Peter Smark. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi đã gặp và nói chuyện với Peter Smark sau khi ông ấy từ Mỹ Tho trở về. Peter Smark đã hiểu được chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam như thế nào và có gì thú vị trong cái chương trình mới nhằm chống lại những người nổi dậy. Peter Smark là một trong số những người đầu tiên nhận thấy tình hình sắp phát triển thành một cuộc chiến tranh lớn. Peter Smark và tôi trở nên rất thân thiết. Ông ấy đến dự đám cưới của tôi. Còn tôi thỉnh thoảng cũng cung cấp cho ông ấy một số thông tin có giá trị".
Như vậy, trong năm đầu tiên sau khi từ Mỹ trở về, ông Phạm Xuân Ẩn đã tiếp cận được với bác sĩ Trần Kim Tuyến, làm việc với tư cách một nhân viên trong Phủ Tổng thống, kết bạn được với Nguyễn Thái ở Việt Tấn Xã, và chuyển sang làm việc cho Hãng tin Anh Reuters. Từ tháng 5/1962, một phóng viên người New Zealand tên là Nick Turner đã thay thế Peter Smark làm Trưởng phân xã Reuters tại Sài Gòn. Sau này, có lần Nick Turner viết: "Một điều thuận lợi khác mà tôi có đó là ông trợ lý người Việt Nam của tôi, Phạm Xuân Ẩn. Chúng tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào các trợ lý người Việt Nam, chẳng hạn như những người phiên dịch, những người hiểu và giúp phân tích cho chúng tôi nghe tình hình chính trị ở Việt Nam, cũng như cuộc chiến tranh quân sự đang ngày một tăng cường. Phạm Xuân Ẩn của tôi được coi là người giỏi nhất Sài Gòn, rất thạo tin và sắc sảo. Khi đó, Phạm Xuân Ẩn là một nhân viên tình báo của riêng tôi. Sau này, tôi mới biết Phạm Xuân Ẩn còn là một sĩ quan tình báo của Việt Cộng, mang quân hàm đại tá. Làm việc cho Reuters đã tạo cho Phạm Xuân Ẩn một vỏ bọc hoàn hảo để đi lại và thu thập tin tức".
Trên thực tế, khi đó công việc của Phạm Xuân Ẩn với tư cách một nhà tình báo chiến lược mới chuẩn bị bắt đầu. Ông có thể sử dụng tất cả những mối quan hệ của mình với các nhân vật chống Cộng sản khét tiếng. Đồng thời, Phạm Xuân Ẩn có thể phát huy tất cả những kỹ năng xã hội mà ông học được ở OCC để tiếp cận các tài liệu, các buổi thông báo tin tức giúp ông hiểu được những mấu chốt để chống lại những chiến thuật mới của Mỹ ở Việt Nam.
Miền Nam Việt Nam không có học viện đào tạo nghề tình báo. Điều trớ trêu ở đây là để chuẩn bị hành trang cho nghề điệp viên, Phạm Xuân Ẩn đã học được rất nhiều từ cuốn sách xuất bản năm 1963 mang tựa đề "Mổ xẻ nghề tình báo: Điệp viên và các kỹ thuật của điệp viên từ Rome cổ đại đến U-2".
Phạm Xuân Ẩn cho biết, nhà báo trẻ tuổi ở Sài Gòn hồi đó là David Halberstam đã tặng cho ông cuốn sách này. Nhờ đó mà ông đã nâng cao được rất nhiều kỹ năng viết tin tức, báo cáo của mình. Phạm Xuân Ẩn lấy cuốn sách từ trên giá sách của ông, rồi chỉ cho tôi thấy những đoạn quan trọng chủ yếu. Bắt đầu từ đoạn nói về siêu điệp viên Liên Xô Richard Sorge, một phóng viên được cấp thẻ làm việc cho bốn tờ báo khi ông hoạt động dưới vỏ bọc ký giả ở Nhật Bản từ năm 1933-1942. Vỏ bọc của Sorge đã cho phép ông tiếp cận được vào trong Đại sứ quán Đức. Nhờ đó, phóng viên Richard Sorge thiết lập được các mối quan hệ giá trị với liên tục nhiều đời đại sứ Đức. Những đại sứ này là nguồn cung cấp tin chủ yếu cho các báo cáo tình báo của Sorge. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Điều đó rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là Sorge đã mắc sai lầm, ông đã bị bắt, và đã bị Nhật Bản treo cổ. Đó là số phận của những nhà tình báo mà lúc nào bản thân tôi cũng luôn lo sợ". Ngày 5/11/1964, Richard Sorge được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Sau này có lần Phạm Xuân Ẩn nói với một người Việt Nam viết hồi ký cho ông: "Nghề của tôi có hai điều cấm kỵ và bắt buộc. Thứ nhất, nếu chẳng may bị bắt mà không thể trốn thoát, anh phải tự coi mình là người đã chết. Cái cần phải bảo vệ ở đây không phải là thân thể của mình. Anh phải tự coi mình đã chết rồi, nhưng các nguồn tin của mình thì không bao giờ được tiết lộ. Anh không được thú nhận. Đó là điều bắt buộc. Tất nhiên anh có thể khai nhận những điều mà kẻ thù đã biết. Tuy nhiên, điều sống còn đối với nghề là phải bằng mọi giá bảo vệ những người đã cung cấp tin cho mình. Thứ hai, tất cả những gì mà anh thu thập được phải là đầy đủ và hoàn toàn bí mật".
Trong cuốn sách về "mổ xẻ nghề tình báo" của Phạm Xuân Ẩn, thấy đầy những đoạn đánh dấu đậm tại những đoạn nói về gặp gỡ với liên lạc viên tình báo. "Vì những lý do an ninh, thông thường vẫn được coi là an toàn hơn nếu việc tiếp xúc với liên lạc được thực hiện tại nơi công cộng có nhiều người. Hai người mà gặp nhau tại một nơi ít người qua lại thì dễ tìm được nhau, nhưng nếu một trong hai người đó bị lộ, thì tự động người kia cũng bị lộ theo. Tại nơi đông người, chẳng hạn như quán bar, nhà hát, nơi xem thi đấu thể thao, nhà ga xe lửa thì các cuộc tiếp xúc có thể được tiến hành dễ dàng mà không gây ra chú ý cho bất kỳ ai. Tài liệu liên lạc có thể được chuyển giao cho nhau bằng rất nhiều cách mà không nhất thiết hai người phải đứng nói chuyện với nhau". Một đoạn khác của cuốn sách cũng được đánh dấu dậm nói về mực bí mật và các kỹ thuật nguỵ trang khác.
Phạm Xuân Ẩn chọn cách nguỵ trang các cuộn phim của mình bằng cách giấu bên trong những bánh trứng cuộn hoặc những miếng nem chua gói lá chuối. Những tình báo viên khác lại chọn những phương pháp khác. Con trai của ông Ba Quốc - một sĩ quan tình báo, cũng được phong danh hiệu Anh hùng nhớ lại: "Chúng tôi mua một đôi dép, bóc một phần đế dép ra rồi dùng dao khoét một cái lỗ tại phần đệm êm của đế dép. Tài liệu dưới dạng phim âm bản có thể được giấu bằng cách này, sau đó dùng keo dán đế dép lại như cũ… một đôi dép có thể cất giấu được nửa cuộn phim. Nửa kia của cuộn phim âm bản phải được cắt rời ra, sau đó cuộn lại cho rất nhỏ rồi giấu trong một món đồ chơi của trẻ em". Tất cả những thứ đó được xếp vào trong một túi xách làm bằng giấy dầu màu vàng. Chính trên chiếc túi xách bằng giấy này cũng đã viết bằng mực bí mật các báo cáo tình báo, các bản tóm lược tài liệu khác mà không thể chụp ảnh được.
Con trai điệp viên Ba Quốc nói: "Chúng tôi dùng những giấy sau khi đã viết lên đó bằng mực bí mật như vậy để gói đồ hoặc dán chúng vào nhau làm thành những cái túi xách bằng giấy để đựng đồ… Như vậy, cả đồ đựng lẫn vật trong đồ đựng ấy đều mang các thông tin tình báo. Ba tôi thường đặt chiếc túi xách đó vào trong cốp xe hai bánh gắn máy Vespa, rồi chuyển giao cho một người là giao liên nội thành Sài Gòn".
Mối nguy hiểm thường trực đối với bất kỳ điệp viên nào là ở chỗ người liên lạc có thể bị bắt cùng với những tài liệu. Những tài liệu bị bắt này sẽ được chuyển cho Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp (CDEC), nơi các chuyên gia có thể phát hiện và truy ra nguồn.
Ông Phạm Xuân Ẩn cho rằng: "Các tài liệu không chỉ là những báo cáo bí mật, mà còn là chính bản thân người điệp viên. Nếu anh để mất tài liệu anh cũng sẽ mất luôn người tình báo viên đó". Trước tháng 10/1965 bộ phận phân tích tài liệu, thường được gọi là bộ phận khai thác, chủ yếu do bên quân đội Việt Nam Cộng hoà phụ trách. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại có lần, một đầu mối quan hệ của ông làm việc trong bộ phận khai thác cho ông xem tập tài liệu bắt được của đối phương. Tài liệu này lại chính là bản tóm tắt nội dung báo cáo tình báo của chính Phạm Xuân Ẩn với cấp trên của ông về kế hoạch chống nổi dậy và chiến lược của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi điên tiết quá liền đi thẳng vào rừng nói với cấp trên rằng phải rất cẩn thận khi tóm lược và xử lý nội dung các báo cáo của tôi. Vì bản báo cáo nói trên tôi viết từ năm 1961, nên tôi biết đó chính là của tôi. Các thông tin trong đó tuy đã cũ, nhưng đối phương vẫn có thể từ đó mà lần mò ra được nguồn".
Phạm Xuân Ẩn luôn tự ví mình như một con sói cô đơn, bởi vì chẳng ai giám sát hoạt động hàng ngày của ông. Trong con mắt của cộng đồng tình báo Mỹ, Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên đơn lẻ hoạt động trong môi trường bị cô lập. Tình hình nguy hiểm đến mức mọi tiếp xúc tình báo trực tiếp đều không cho phép. Tất cả mọi việc liên quan đến hoạt động tình báo đều tuỳ thuộc ở sự sáng tạo của Phạm Xuân Ẩn.
Thế mà ông đã từng có nhiều người chỉ huy trực tiếp, bắt đầu từ thời ông Mười Hương. Mỗi khi Trung ương Cục miền Nam có yêu cầu đặc biệt, Phạm Xuân Ẩn sẽ nhận được chỉ thị thông qua những thông tin được mã hoá do bà Ba chuyển tới, hoặc người nữ liên lạc này tìm cách gây chú ý với Phạm Xuân Ẩn khi ông đến đón các con giờ tan trường.
Phạm Xuân Ẩn luôn khẳng định: "Tôi là một nhà tình báo chiến lược, chứ không phải là nhà tình báo chính trị. các nhà tình báo chính trị thì làm những việc như là tổ chức ra các nhóm lật đổ và làm những việc như những điệp viên chính trị. Tôi là một học trò của Sherman Kent. Công việc của tôi là phân tích thông tin".
Sherman Kent là tác giả nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn giải quyết một cách hệ thống vấn đề phân tích tình báo. Cuốn sách này mang tựa đề "Tình báo chiến lược đối với chính sách thế giới của Mỹ". Phạm Xuân Ẩn biết đến Sherman Kent từ Lansdale và từ những đồng nghiệp của ông làm việc trong Tổ chức tình báo Trung ương Việt Nam (CIO) mỗi khi họ đi dự một khoá huấn luyện do CIA tổ chức. Tài liệu chính để các học viên khoá huấn luyện này đọc là sách về tình báo của Sherman Kent.
Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc hồi tháng 2/1972, một sự thay đổi quan trọng đã diễn ra trong cách thức hoạt động của Phạm Xuân Ẩn. Ông nhớ lại: "Sau chuyến thăm của Nixon, tôi đã phải thay đổi tất cả mọi thứ, bởi vì có quá nhiều gián điệp Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam. Bất cứ hoạt động gì cũng trở nên quá nguy hiểm, trừ các báo cáo. Do vậy, tôi đã phải dành nhiều thời gian để đọc và phân tích các tài liệu và sau đó đánh máy thành những báo cáo dài.
Chỉ có một lần vào năm 1974, tôi đã làm một việc ngoại lệ, nhưng khi đó Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tôi đã nói với cấp trên của mình rằng tôi chỉ là một nhà phân tích, nếu cấp trên cần các tài liệu thì hãy bảo những điệp viên khác làm điều đó. Những điệp viên ấy họ được học nhiều cách để lấy tài liệu chứ từ nay đừng bảo tôi nữa. Đã từng có một lần tôi suýt bị lộ tẩy chỉ vì tài liệu tôi gửi về nhà sau đó lại bị lọt vào tay đối phương".
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng chính cuốn sách "Mổ xẻ nghề tình báo" của Sherman Kent đã giúp cho ông chuẩn bị tinh thần để sống một cuộc đời cô đơn, tự kiểm soát mình và giữ nguyên tắc: "Tình báo viên rất cô đơn. Chính bản chất các hoạt động của người tình báo không cho phép anh ta bộc lộ mình, vì nếu làm như vậy vô hình chung anh ta đã gián tiếp bộc lộ ý đồ của mình… Người tình báo phải hoàn toàn kiểm soát được mình và phải là người có khả năng hướng các linh cảm và sự phản ứng của mình vào nguyên tắc do anh ta tự đặt ra một cách nghiêm ngặt".
Cuốn sách nói trên cũng khiến cho các tình báo viên sau khi đọc, luôn cảm thấy nỗi lo sợ và sự ám ảnh rằng bất cứ lúc nào sứ mạng của họ cũng có thể kết thúc và cuộc đời cũng tiêu luôn. "Trong thời chiến cũng như thời bình, nhưng đặc biệt là trong thời bình, người tình báo phải luôn cảnh giác với kẻ thù của mình. Bất cứ ai cũng có thể trở thành người chống lại người tình báo. Chỉ cần tự bộc lộ trong một giây thoáng qua thôi, cũng đủ để đối phương mở một đợt tấn công người tình báo. Những người tình báo đều biết rõ điều này. Ngay từ đầu, anh ta đã phải nhận thức được sự trả thù mà đối phương dành cho mình sẽ như thế nào nếu chẳng may anh bị bắt. Đó là sự nguy hiểm về tính mạng. Hoặc giả nếu anh ta không bị giết, thì rất có thể đối phương sẽ tra tấn để moi ra bằng hết những thông tin mà anh ta nắm được. Sự tra tấn có thể là cắt chân, cắt tay mà người tình báo luôn phải nghĩ trước được".
Đối với Phạm Xuân Ẩn, "Điệp viên may mắn là điệp viên chưa bị bắt". Ông luôn tự cho mình là một điệp viên may mắn. Phạm Xuân Ẩn có một số lần suýt bị lộ nhưng đặc biệt có hai lần ông không bao giờ quên. Lần thứ nhất xảy ra khi Phạm Xuân Ẩn mới từ Mỹ trở về nước và đang làm việc chỗ bác sĩ Trần Kim Tuyến. Thời gian đó, ông Minh "Lớn" là Trung tá thuộc Sư đoàn 3. Phạm Xuân Ẩn đã tiến cử một phụ nữ thuộc Đội quân phụ nữ (WAC) vào làm việc tại văn phòng của Trần Kim Tuyến. Phạm Xuân Ẩn hoàn toàn không hề biết rằng người phụ nữ này mặc dù làm việc trong văn phòng của Minh "Lớn", nhưng vẫn đang bí mật làm việc cho Mặt trận (Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Nhờ sự tiến cử của Phạm Xuân Ẩn, người phụ nữ này được chuyển sang làm việc tại văn phòng của Trần Kim Tuyến. Cơ quan An ninh quân đội (MSS) liền đến hỏi Trần Kim Tuyến rằng ai đã tiến cử cô gái đó vào vị trí này. Tất nhiên sau đó, Phạm Xuân Ẩn bị triệu lên để làm rõ. Phạm Xuân Ẩn lập tức cự cãi: "Làm sao tôi có thể biết được cô gái đó là Việt Cộng? Tôi là người chưa kết hôn, cô ấy xinh đẹp lại có khả năng đánh máy chữ, thì tôi giới thiệu việc làm cho cô ấy thôi. Ngoài ra, tôi chẳng biết gì khác". Kể đến đây, Phạm Xuân Ẩn dừng lại rồi giở sang trang số 30 của cuốn sách Mổ xẻ nghề tình báo, "Hành động mau lẹ hoặc sẵn sàng đối phó là hai điều gần như luôn có sẵn trong khi thi hành nhiệm vụ Đôi khi điều đó giúp giải thoát cho nhà tình báo khỏi mối nguy hiểm". Với vẻ mặt thoả mãn, Phạm Xuân Ẩn vừa rót thêm trà cho hai chúng tôi, vừa nói:
- Giáo sư thấy không? Chẳng có cái gì là nhỏ quá không thể phân tích được hoặc ứng dụng được trong nghề của tôi. Hy vọng giáo sư viết cả điều này nữa vào trong sách của giáo sư nhé".
Lần thứ hai ông Phạm Xuân Ẩn cũng suýt chết. Sự nhanh ý đôi khi cũng chứa đựng cả tình huống thảm hoạ tiềm tàng. Một hôm, sau khi các con đã ngủ say, ông được con chó Đức và người vợ đứng cảnh giới, Phạm Xuân Ẩn ngồi viết báo cáo và làm phim chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với người liên lạc là bà Ba. Sáng hôm sau, Phạm Xuân Ẩn nghe thấy đứa con gái nhỏ của mình nói với anh nó rằng tối qua nó tỉnh giấc lúc nửa đêm, thấy ba đang ngồi viết bằng một thứ mực đặc biệt, viết xong các chữ đều biến mất. Phạm Xuân Ẩn sợ hết hồn. Hôm đó, ông đã không hề nhận thấy con gái mình lén ra đứng xem ông viết. Vợ thì do mệt quá đã ngủ mất, còn con chó thì do nó không coi con gái ông là người lạ, nên không sủa.
Phạm Xuân Ẩn rất sợ con gái nhỏ của ông có thể mang chuyện đó đến lớp kể cho các bạn nghe về một loại mực đặc biệt ấy. Phạm Xuân Ẩn liền nghĩ ra một trò để xoá câu chuyện lạ nói trên trong đầu con gái mình. Đêm đó, Phạm Xuân Ẩn đánh thức cô con gái nhỏ dậy. Ông đặt sẵn một bóng đèn sáng ngay trước mặt cô bé. Sau đó, ông bảo con gái nhìn xuống một trang giấy đã viết bằng mực thông thường xem có thấy gì không. Tất nhiên, trong vài phút đầu, khi mắt còn đang phải điều tiết, bé không thể nhìn thấy gì trên giấy. Khi ấy, Phạm Xuân Ẩn mới giải thích cho con rằng tối qua con ngủ dậy lúc nửa đêm, thấy ba đang viết. Con đi từ trong phòng tối ra nơi ba đang làm việc có đèn sáng, nên con không nhìn thấy chữ ba viết đấy thôi. Như vậy, mắt của con bị quáng nên con không nhìn thấy mực ba viết trên giấy và hơn nữa, vì con mệt nên quên đấy thôi. Sau đó, cô con gái nhỏ của Phạm Xuân Ẩn không hề nhắc đến câu chuyện mực đặc biệt nữa. Con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn là cháu Phạm Ân thì nói với tôi rằng do cháu rất tỉnh ngủ nên thường thấy ba làm việc muộn, nhưng cháu không hề để ý gì về điều đó.
Phạm Xuân Ẩn luôn nhấn mạnh yếu tố may mắn trong nghề tình báo. Ông thường xuyên đi xem bói và nếu như thầy bói cảnh báo điềm xấu, thì hôm đó ông không đi ra ngoài. Ông coi dãy số trên biển đăng ký xe tô của mình "NBC 258" là con số không may mắn vì tổng của nó chẵn 10. Người Việt Nam nói chung coi con số 10 là không may mắn. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi còn nhớ khi bà Nhu đặt việc đánh bạc ra ngoài vòng pháp luật, chúng tôi ngồi một góc đánh cược với nhau về các biển số xe hơi. Khi đó, chẳng ai đến ngồi bên chiếc xe hơi của tôi, chỉ vì xe tôi có biển đăng ký là con số không may mắn".
Chiếc xe của Phạm Xuân Ẩn hiện đang trưng bày cùng với những khẩu súng ngắn của ông Tư Cang tại Bảo tàng Quân đội ở Hà Nội (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)
Vai trò của sự may mắn trong nghề tình báo có lẽ được thể hiện rõ nhất trong trường hợp của điệp viên Ba Quốc. Ông Ba Quốc trong hồ sơ đảng tịch có tên là thiếu tướng Đặng Trần Đức. Hoạt động trong cơ sở tình báo số H.67 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam, điệp viên Ba Quốc đã hoạt động hơn hai mươi năm ở miền Nam Việt Nam. Nhưng không giống như Phạm Xuân Ẩn, vỏ bọc của điệp viên Ba Quốc cuối cùng bị lộ tẩy. Phạm Xuân Ẩn nói: "Trường hợp của ông Ba Quốc cho thấy tôi đã may mắn như thế nào và trong suốt thời gian đó, tính mạng của tất cả chúng tôi nguy hiểm như thế nào?".
Điệp viên Ba Quốc bị lộ trong một trường hợp hoàn toàn bất ngờ. Hôm đó, sau khi Ba Quốc đã gặp xong người liên lạc lâu năm của mình là Bảy Ánh tại một chợ đông người. Bảy Ánh là liên lạc viên tình báo chỉ làm việc riêng cho ông Ba Quốc suốt từ năm 1966 đến năm 1974. Tại cuộc tiếp xúc nói trên, Ba Quốc đã trao cho Bảy Ánh hàng chục cuộn phim. Riêng ngày hôm đó Bảy Ánh phải chuyển tiếp tài liệu và phim cho một nữ liên lạc trẻ tuổi để mang tới căn cứ ở Củ Chi.
Thật không may cho người nữ liên lạc trẻ tuổi này, hôm đó cảnh sát bất ngờ chặn chiếc xe buýt đi Củ Chi để tìm kiếm một người nào đó. Toàn bộ hành khách trên xe buýt bị tạm giữ để khám xét nhằm khẳng định rằng không có Việt Cộng nào trên xe. Tình cờ, khi khám đồ của hành khách, cảnh sát đã tìm thấy những tài liệu tình báo trong túi xách của người nữ liên lạc. Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng vài ngày, cơ quan phản gián đã lần ra được điệp viên Ba Quốc. Nhưng ông Ba Quốc đã rất may mắn, kịp trốn thoát vào rừng trước khi cảnh sát ập đến nhà để bắt ông.
Phạm Xuân Ẩn nói: "Chỉ trong gang tấc thôi. Đó là điều mà lúc nào tôi cũng sợ. Có thể một người liên lạc bị bắt dẫn đến việc một ngày nào đó tôi bị lộ, cảnh sát liền ập đến Văn phòng Tạp chí Time để bắt tôi và thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nữa là tôi bị bắt trong trường hợp không có người chứng kiến. Sau đó, tôi sẽ bị tra tấn trước khi bị giết".
Thời kỳ làm việc cho Tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn chỉ sử dụng những tư liệu mà các phóng viên khác đã tiếp cận trước. Đó là những tài liệu của phía bên kia mà cảnh sát Sài Gòn thu được, những tin bài do các hãng thông tấn lớn phát phổ biến, những bài viết trên các báo chí, và cộng thêm thông tin từ các nguồn cao cấp của ông. Điều này chứng tỏ rằng Phạm Xuân Ẩn đã giữ lại một số thông tin, không viết hết cho Tạp chí Time những điều ông biết. Mặt khác, trong công việc của một nhà tình báo chiến lược, Phạm Xuân Ẩn phụ thuộc nhiều vào những tài liệu thu được từ nhiều mối quan hệ của ông trong tổ chức Tình báo Trung ương Việt Nam (CIO), quân đội Việt Nam Cộng hoà, Quốc hội, và các mối quan hệ tiếp xúc của ông trong các cộng đồng tình báo Mỹ, Pháp, Trung Quốc.
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Tôi đã sử dụng những tài liệu từ các quan hệ của tôi làm việc trong CIO cung cấp để viết thành báo cáo tình báo gửi vào trong rừng. Nguy cơ mắc sai lầm dẫn đến bị bắt là rất lớn. Do vậy tôi cần cảnh giác để đảm bảo rằng tôi đã không sử dụng sự hiểu biết thật của tôi để viết báo".
Làm nghề phóng viên đã hỗ trợ rất nhiều cho nhiệm vụ của nhà tình báo chiến lược, bởi vì công việc của nhà báo cũng là đi nghe ngóng tìm kiếm sự thực từ những tin đồn. Phạm Xuân Ẩn nhận thấy nghề làm báo và nghề tình báo có rất nhiều điểm tương đồng. Ông cho rằng "điểm khác nhau duy nhất giữa hai nghề này là ở chỗ cuối cùng thì ai là người đọc bài viết của anh?". Trong cuốn sách Mổ xẻ nghề tình báo, Phạm Xuân Ẩn đã gạch chân đoạn "Một điệp vụ chỉ thành công khi biết chắp nối những mẩu tin đơn lẻ. Mới nhìn, chỉ thấy những mẩu tin đó chẳng có gì quan trọng. Nhưng nếu chắp nối lại và đặt chúng với hàng chục mẩu tin khác, sẽ cho ta thấy rõ một bức tranh về kế hoạch của các nhà chỉ huy". Cuốn sách nói trên của Phạm Xuân Ẩn cũng được gạch chân đậm tại phần lựa chọn nghề bình phong hay còn gọi là vỏ bọc: "Trên thực tế, nghề vỏ bọc mà người điệp viên lựa chọn có vai trò rất quan trọng trong việc che đậy những câu chuyện của điệp viên. Lý tưởng nhất là nghề vỏ bọc cho phép điệp viên đến gặp trực tiếp với các nguồn có thể cung cấp được những thông tin mà điệp viên đang đi tìm. Nếu không có nghề vỏ bọc phù hợp, thì nhà tình báo phải mất thêm thời gian để tìm kiếm cơ hội gặp gỡ không trực tiếp với nguồn tin".
Điều này giải thích vì sao Phạm Xuân Ẩn lại tin rằng vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các điệp viên của bác sĩ Trần Kim Tuyến là phải coi trọng nghề vỏ bọc. Phạm Xuân Ẩn nói: "Nếu các bạn coi nghề vỏ bọc chỉ như một nghề giả tạo, một nghề mà người điệp viên không làm một cách thực sự có hiệu quả hoặc không thực tâm làm nghề đó, thì có thể nói điệp viên đó đã chết, chẳng khác nào anh ta không có vỏ bọc".
Phạm Xuân Ẩn không chỉ tài giỏi trong việc phân tích các số liệu, ông còn giỏi trong việc tổng hợp các cuốn sách giống như cuốn sách "Cuộc chiến tranh hiện đại: Một cách nhìn của Pháp về chống nổi dậy" của tác giả Roger Trinquier xuất bản năm 1961, cuốn cẩm nang đề cập đến các chiến thuật của cuộc chiến tranh cách mạng nhằm lật đổ một chính quyền.
Phạm Xuân Ẩn cũng thường xuyên tham khảo trong cuốn sách xuất bản năm 1940 "Cội rễ của chiến lược: 5 bài học quân sự kinh điển vĩ đại nhất mọi thời" do chuẩn tướng T. R. Phillips biên soạn. Cuốn sách này sưu tập những bài học kinh điển về quân sự có ảnh hưởng nhất thời kỳ trước thế kỷ XIX. Trong đó bao gồm các bài viết Nghệ thuật chiến tranh của tác giả Sun Tzu; Các cơ sở quân sự của người Roman, tác giả Vegetius; Sự mơ mộng của tôi về nghệ thuật chiến tranh, tác giả Marshal Maunce de Saxe; Chỉ thị của Frederick Đại đế cho các tướng lĩnh của ông; và Các câu châm ngôn quân sự của Napoleon.
Với tay lấy những cuốn sách đã nhàu nát từ trên giá sách gia đình, Phạm Xuân Ẩn khiến tôi chú ý tới những cuốn sách của các tác giả Sun Tzu và Maunce de Saxe. Mở ra một trang trong cuốn sách của Sun Tzu, Phạm Xuân Ẩn bảo tôi đọc một đoạn: "Trong việc bố trí chiến thuật, cách tốt nhất để đạt hiệu quả tối đa là che giấu. Việc che giấu lực lượng chiến thuật của mình sẽ giúp cho bạn tránh được những cái nhìn tọc mạch xảo quyệt của bọn gián điệp; tránh được những mưu toan của những bộ óc khôn ngoan nhất. Làm sao để có thể giành được thắng lợi và vượt qua được những chiến thuật của kẻ thù. Đó là điều mà rất nhiều người không thể lĩnh hội được.
Ai cũng có thể nhận thấy những chiến thuật được tôi chế ngự, nhưng không phải ai cũng thấy được yếu tố chiến lược làm nên thắng lợi. Người chỉ huy tài phải là người biết sửa chiến thuật của mình trong quan hệ với đối phương để giành thắng lợi về sau".
Phạm Xuân Ẩn để ria mép. Bức ảnh này do nhà báo Frank McCulloch chụp đã được đăng trên bản tin phía bên trái, trông ông Ẩn hơi giống thượng toạ Thích Trí Quang (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn, cùng sự cho phép của Lê Minh và Ted Thái)
Trước khi Mỹ tăng cường lực lượng ở khu vực xung quanh Củ Chi, Phạm Xuân Ẩn đôi khi cũng đến căn cứ Việt Cộng để trình bày các báo cáo của mình, cũng như để được giao thêm nhiệm vụ mới. Phạm Xuân Ẩn áp dụng một cách thức rất lạ để thực hiện những chuyến đi về Củ Chi. Ông để ria mép và nuôi tóc dài hơn một chút nhằm che giấu khuôn mặt thật của mình. Mỗi khi thực hiện chuyến đi như vậy, Phạm Xuân Ẩn đều tạo ra một lý do cho sự vắng mặt của mình. Ông thường nói với các đồng nghiệp làm việc ở Tạp chí Time rằng "Giáo sư tình dục học đi nghỉ ba ngày ở Huế để tìm kiếm các em xinh tươi nhìn có vẻ nghệ sĩ và hippy".
Phạm Xuân Ẩn giải thích cho tôi: "Để ria mép là điều mà tôi đã học được từ CIO, không phải họ khuyên phải để ria, mà là họ coi ria là một trong những yếu tố kỹ thuật của CIO giúp nhận dạng người trong quá trình truy lùng Cộng sản. Các nhân viên CIO thường đi đến Củ Chi để dò hỏi người dân ở đó rằng có thấy ai lạ mặt đến vùng này không? Nếu chẳng may tôi bị xác định là một người lạ mặt, thì những mô tả của người dân về hình dạng bề ngoài của người lạ đó không giống với khuôn mặt thật của tôi. Chẳng có ai ở đó biết tên tôi, nên người dân chỉ có thể mô tả hình dạng bề ngoài. Các nhân viên CIO trong trường hợp đó sẽ ghi vào sổ của họ rằng có một kẻ lạ mặt để ria mép và cứ thế đi tìm kiếm những người có ria mép".
Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn, vậy nếu có ai ở Sài Gòn nhớ ra rằng ông đã để ria mép thì sao? Phạm Xuân Ẩn phá lên cười rồi nói rằng khi CIO dưa được thông tin như vậy về Sài Gòn rồi đi tìm kiếm người có ria mép, thì ông đã từ Huế trở về lâu rồi và chẳng ai còn nhớ chuyện ấy nữa. Tuy nhiên, nếu chẳng may có ai đó đến hỏi tôi về việc để ria, tôi sẽ hỏi lại: "Các ông đang nói gì vậy? Tôi đâu có ria mép. Nhìn tôi đi, có thấy sợi ria nào không? Tôi ra Huế để tìm gái đẹp chứ có đi Củ Chi để tìm Cộng sản đâu. Lúc đó, tôi sẽ bảo họ đi mà hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ ấy. Ông Kỳ để ria mép, nên có thể ông ta đã có mặt ở Củ Chi". Tất nhiên, chưa bao giờ ông Phạm Xuân Ẩn gặp phải trường hợp như vậy.
Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn điều gì sẽ xảy ra nếu một nhân viên CIO phát hiện được ông có mặt ở Củ Chi?
Phạm Xuân Ẩn trả lời: "Thế thì tôi phải chết thôi".
Sau này, khi đọc đoạn William Prochnau viết về Phạm Xuân Ẩn tôi mới nhận ra rằng vỏ bọc mà ông tạo ra lý do vắng mặt này đã mang lại hiệu quả như thế nào. William Prochnau viết: "Phạm Xuân Ẩn biết cách cắt được bệnh quan liêu giấy tờ, xử lý được thông tin, biết nói chuyện thơ ca, triết học, cũng như viết tin, bài cập nhật đến tận thời hạn cuối cùng để nộp bài. Có một người trợ lý Việt Nam tốt là điều cực kỳ quan trọng và Phạm Xuân Ẩn là người trợ lý tốt nhất. Thậm chí cả khi Phạm Xuân Ẩn biến mất trong vài ngày thì cũng chẳng qua chỉ là do ông có một mối tình bí mật ở đâu đó.
Một điều vẫn còn là bí ẩn mà tôi chưa thể tìm được câu trả lời, đó là vì sao có rất nhiều người biết ông Phạm Xuân Ẩn theo chu kỳ thỉnh thoảng lại biến mất vài ngày, thế mà ông vẫn không hề bị các lực lượng cảnh sát hoặc an ninh bắt. Ở miền Nam Việt Nam ngày ấy, các lực lượng này luôn tìm kiếm, truy bắt những người như ông Phạm Xuân Ẩn. Có thể ông là người cực kỳ may mắn. Hay những câu chuyện nguỵ trang của ông cho những chuyến đi với tư cách người huấn luyện chó, người sưu tầm những loài chim quí, người đang yêu bí mật cũng đủ để làm cho xung quanh không ai nghi ngờ gì về ông. Hoặc là ông Phạm Xuân Ẩn có những người bạn luôn che chắn, bảo vệ cho ông.
Rất có thể còn những điệp viên khác của Cộng sản đã thâm nhập được vào lực lượng cảnh sát Sài Gòn chẳng hạn. Cũng có thể còn có những người bạn bên phía đối phương đánh giá ông quá cao, nên không tin bất cứ ai nói điều không hay về ông. Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật về điều đó, vì càng nêu ra nhiều câu hỏi về khía cạnh này, chúng ta càng ngập chìm sâu hơn vào trong điều bí ẩn.
Phong trào nổi dậy ở miền Nam Việt Nam đang càng ngày càng phát triển rầm rộ. Số lượng những cuộc tấn công của những nhóm du kích nhỏ vào các cơ sở của chính phủ, đài quan sát cứ trung bình mỗi tháng thời kỳ nửa cuối của năm 1959 ghi nhận được hơn một trăm vụ. Số các vụ ám sát những quan chức chính phủ, chỉ huy cảnh sát, và những nhân vật có máu mặt ở các thôn xóm đã tăng lên gấp hai lần. Số vụ bắt cóc ghi được con số cao nhất so với bất kỳ thời gian nào trước đó. Tại đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đã từng xảy ra rất nhiều cuộc nổi dậy tự phát tại các bản làng. Các cuộc bạo loạn và biểu tình của quần chúng do Việt Cộng tổ chức đã lan rộng, gây ra mất trật tự trị an và thường dẫn đến các cuộc đàn áp đẫm máu của của chính quyền Diệm.
Quân đội Việt Nam Cộng hoà chuẩn bị rất kém để đối phó với sự gia tăng hoạt động của du kích. Từ năm 1954 đến năm 1960, hai trưởng đoàn MAAG là tướng John W. "Iron Mike" O'Daniel và trung tướng Samuel T. "Hanging Sam" Williams chỉ chủ yếu tập trung vào việc chấm dứt những cuộc vượt biên thông thường qua vĩ tuyến 17. Hai ông tướng này không hề coi những cuộc nổi dậy bên trong là mối đe doạ đối với sự ổn định của miền Nam Việt Nam. Các nhóm bộ binh cơ động trang bị nhẹ trước đó được tổ chức lại thành những sư đoàn bộ binh cho phù hợp với nhiệm vụ và thiết kế các kế hoạch phòng vệ của Mỹ. Quân đội Việt Nam Cộng hoà được trang bị những thiết bị tiêu chuẩn. Các cố vấn Mỹ đã bắt đầu trực tiếp huấn luyện quân đội Việt Nam Cộng hoà cho một cuộc chiến tranh thông thường. Người ta lo sợ xảy ra kịch bản, trong đó rất có thể Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ mở những đợt tấn công giống như họ đã từng tấn công đánh bại người Pháp hồi năm 1954. Hay giống Bắc Triều Tiên đã từng tấn công Nam Triều Tiên hồi năm 1950.
Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh xây dựng một kế hoạch toàn diện chống nổi dậy. Tháng 8/1960 trung tướng Lionel C. McGarr đã thay thế tướng Williams làm Chỉ huy trưởng MAAG. Tướng McGarr từng là Chỉ huy trưởng chỉ huy và tham mưu kiêm chỉ huy trưởng bang Kansas. McGarr là một trong số những sĩ quan được nhận nhiều huân huy chương nhất vào thời đó. Tướng McGarr đã bảy lần được nhận Huân chương chiến thương. Ông này coi việc chống nổi dậy như là "những hình thái khác thường của chiến tranh đòi hỏi phải có những kỹ thuật và học thuyết đặc biệt". Chẳng bao lâu sau, các chuyên viên dưới quyền Tướng McGarr đã cho ra đời sản phẩm "Những chiến thuật và kỹ thuật hoạt động chống nổi dậy (CIP)". Sản phẩm CIP được mang đến Sài Gòn đầu năm 1961. Ngay lập tức, một bản copy của tài liệu này được chuyển cho bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ông Trần Kim Tuyến liền đưa cho Phạm Xuân Ẩn yêu cầu phân tích tài liệu đó để giúp ông ta có thể nắm được hết các ý tứ trong chiến lược mới. Tham mưu trưởng lục quân, tướng Trần Văn Đôn cũng trao cho Phạm Xuân Ẩn một bản tài liệu đúng như vậy cùng với những tài liệu hỗ trợ như Cẩm nang chiến trường 100 - 5, Các cuộc hồng quân, trong đó chứa đựng mọi tư tưởng và hành động của các cố vấn Mỹ cũng như cách mà MAAG hình dung Quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ chiến đấu ra sao trong cuộc chiến mới. Cuốn cẩm nang được sửa vào tháng 2/1962 có tính đến những công nghệ chiến tranh mới như các chiến dịch không quân cơ động và chiến tranh không chính quy. Ông Ẩn còn nhận được cuốn Cẩm nang chiến trường 31 - 15, những chiến dịch chống các lực lượng không chính quy. Đây là những tài liệu được xuất bản tháng 5/1961 gồm 47 trang, trong đó có cả những sơ đồ xác định mục tiêu nhằm tiêu diệt các lực lượng của Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn còn thường xuyên giữ liên lạc với các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hoà sau khi họ kết thúc khoá huấn luyện đặc biệt về chiến lược chống nổi dậy được tổ chức tại Trung tâm chiến tranh Đặc biệt quân đội Mỹ ở Fort Bragg, Hoa Kỳ trở về.
Phạm Xuân Ẩn mở những chiếc tủ tài liệu của mình rỗi lấy ra một tập những tài liệu đã rách nát, vừa nói vừa cười: "Ngày nay, những tài liệu này đều có sẵn ở Trung tâm Việt Nam, Trường Đại học Texas Tech. Khi nào tôi qua đời, vợ tôi sẽ đem vứt hết đi. Chỉ có chúng ta mới quan tâm đến những tài liệu này thôi".
Giám đốc của Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas là Jim Reckner, bạn của cả ông Phạm Xuân Ẩn và tôi. Trước đây vài năm, chính Jim đã giới thiệu chúng tôi với nhau. Jim và Lê Khanh, một người bạn khác của chúng tôi, làm việc ở Trung tâm Việt Nam. Hai người này đều đã đến thăm Phạm Xuân Ẩn, đã đề nghị ông xem xét và cho phép đưa những tài liệu này sang bảo quản tại kho lưu trữ về Việt Nam của Trường Đại học Texas Tech nhằm phục vụ cho nghiên cứu trong tương lai.
Chẳng có tài liệu nào trong những tập văn bản mà ông Phạm Xuân Ẩn cho tôi xem được coi là chiếc vương miện kim cương tình báo hoặc là những bí mật quân sự thiết yếu. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó những người Cộng sản Việt Nam hiểu biết rất ít về những chiến thuật đang được Mỹ vạch ra cho một cuộc "chiến tranh đặc biệt" kiểu mới. Việc đưa máy bay trực thăng của Mỹ vào hỗ trợ cho các cuộc hành quân càn quét đã gây ra thương vong rất nặng nề cho phía Việt Cộng. Nhiệm vụ của Phạm Xuân Ẩn là phân tích các chiến thuật mới để những nhà vạch kế hoạch quân sự Cộng sản đưa ra được những chiến thuật đối phó. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi được phía Việt Nam Cộng hoà tin cậy nên trao cho nhiều tài liệu, thậm chí cả ông Trần Kim Tuyến cũng vậy. Tôi đã đọc tất cả những tài liệu ấy, trao đổi với các cố vấn quân sự Mỹ và những người bạn Việt Nam của tôi vừa từ khoá huấn luyện ở Mỹ trở về. Sau đó, tôi viết báo cáo tình báo gửi đi, chỉ có thế thôi. Một khi tôi đã có tài liệu trong tay thì viết báo cáo rất dễ… Tôi chỉ phải làm mỗi việc là đọc tài liệu, dự các buổi thông báo tin tức, nghe mọi người xung quanh nói chuyện với nhau, cộng thêm sự phân tích của tôi nữa, thế là đã có thể gửi được báo cáo vào rừng. Sau đó, tôi chẳng biết điều gì đã xảy ra tiếp theo đó mãi cho đến nhiều năm sau".
Từ năm 1961 đến năm 1965, Phạm Xuân Ẩn đã gửi gần như tất cả mọi tài liệu quan trọng liên quan đến các kế hoạch hoạt động quân sự và dân sự ở miền Nam Việt Nam. Ông Mai Chí Thọ, người đã gom góp tiền cho Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nói với tôi: "Trận Ấp Bắc là do có thông tin về chiến thuật. Ông Phạm Xuân Ẩn đã cho chúng tôi biết về việc Mỹ vừa đưa ra những chiến thuật mới, nhờ đó mà chúng tôi có thể vạch ra chiến thuật đối phó. Một số người khác của chúng tôi thì vạch ra những kế hoạch mới để thực hiện những chiến thuật đó. Một số người khác nữa khi thực hiện đã chiến đấu rất dũng cảm tại trận Ấp Bắc. Nhưng những tin tức tình báo và những tài liệu mà ông Phạm Xuân Ẩn gửi về đã giúp cho chúng tôi làm được những điều đó". Ông Phạm Xuân Ẩn cũng đã nói với tôi những điều tương tự như lời của ông Mai Chí Thọ khi ông cho tôi xem một cuốn sách của Saxe "Phân tích chiến lược cũng cần phải có năng lực chiến thuật. Nhiệm vụ của tôi trong giai đoạn đó là phải giúp hiểu được phương thức mới chiến tranh đặc biệt của Mỹ để họ có thể vạch ra được những chiến thuật đối phó mới. Tôi đã gửi cho họ những phân tích của mình, người khác quyết định về phương thức và địa điểm để tổ chức trận đánh".
Tổng thống đắc cử John Fitzgerald Kennedy tin rằng Edward Lansdale là một trong số ít người Mỹ có đủ năng lực để cố vấn cho Tổng thống về chiến tranh không thông thường và vai trò của Mỹ ở Đông Dương.
Lansdale rời Sài Gòn năm 1957 cùng thời gian với việc ông Phạm Xuân Ẩn rời Sài Gòn sang California học báo chí. Lansdale được mời về Mỹ để làm việc trong Văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ với chức vụ Phó Trợ lý Ngoại trưởng về các cuộc hành quân đặc biệt. Trong thời kỳ chuyển giao giữa hai tổng thống, Tổng thống đắc cử Kennedy đã phái Lansdale trở lại Nam Việt Nam để đánh giá toàn diện về phong trào nổi dậy. Chương trình chuyến thăm lần này của Lansdale dầy đặc những cuộc trao đổi cấp cao và đi thăm thực địa chiến trường. Trong chuyến thăm đó, Phạm Xuân Ẩn và Lansdale đã gặp nhau hai lần. Cuộc gặp đầu tiên thoả mái hơn. Hai người trò chuyện với nhau về thời kỳ hai năm Phạm Xuân Ẩn sống ở Hoa Kỳ. Sau khi hai người đã nói với nhau vế những phong cảnh đẹp của bờ biển California, Lansdale bảo Phạm Xuân Ẩn rằng sắp tới ông ta đi California, vậy có thể mua gì làm quà cho ông Ẩn được? ông Phạm Xuân Ẩn trả lời rằng nếu Lansdale có thể dừng bất kỳ chỗ nào trên đoạn đường 17-mile Drive qua Pacific Grove và Pebble Beach rồi mua mang về làm quà mấy viên tinh hoàn hải cẩu để ngâm rượu Black&White Scotch thì tuyệt. Phạm Xuân Ẩn giải thích với Lansdale rằng rượu tinh hoàn hải cẩu là một thứ thuốc kích dục mạnh nhất trong tất cả các thuốc kích dục? Sau đó, Lansdale về tay trắng, giải thích với Phạm Xuân Ẩn rằng ông ta không biết bằng cách nào giữ cho con hải cẩu đứng im để thực hiện cái nhiệm vụ mà ông Ẩn đã giao.
Cuộc nói chuyện thứ hai của Phạm Xuân Ẩn và Lansdale nghiêm túc hơn nhiều. Sau khi biết Phạm Xuân Ẩn làm việc cho bác sĩ Trần Kim Tuyến, Lansdale tỏ ra rất quan tâm những đánh giá của Phạm Xuân Ẩn về tình hình nổi dậy. Phạm Xuân Ẩn đã nói hết với Lansdale đúng như những gì ông đã nói với Trần Kim Tuyến. "Chẳng có lý do gì mà tôi phải nói dối ông Lansdale về điều này, đặc biệt là từ khi tôi biết chắc Lansdale thế nào cũng sẽ nói với Trần Kim Tuyến, nên tôi cần phải liên tục và khách quan trong các phân tích của mình. Tôi đã quen biết Lansdale từ lâu. Ông ấy là bạn của tôi. Và việc chúng tôi nói chuyện với nhau về những vấn đề như vậy là chuyện tất nhiên. Tôi nói với Lansdale những điều tôi nghĩ, còn ông ấy chia sẻ với tôi những đánh giá của ông. Lansdale đã cung cấp cho tôi những thông tin quí báu. Ông ấy luôn dạy cho tôi và tôi luôn chú ý lắng nghe. Ông ấy khuyên tôi nên đọc cuốn Chiến tranh tâm lý của Paul Linebarger. Tôi học được rất nhiều từ Lansdale về Sherman Keng, về chống nổi dậy, về những cách khác nhau để chống lại những người Cộng sản".
Có một điều mà Lansdale không biết, đó là tất cả những gì Phạm Xuân Ẩn học được thì đều được gửi ra Hà Nội. Ông Mười Nho, một chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn thời gian đó, nhớ lại: "Năm 1962, ông Hai Trung đã gửi cho chúng tôi hai mươi bốn cuộn phim về toàn bộ các kế hoạch liên quan đến chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Những tài liệu này bao gồm cả kế hoạch tổng thể về cuộc chiến tranh, những thông tin về sự gia tăng các lực lượng vũ trang, sự hỗ trợ của lính Mỹ, kế hoạch về xây dựng ấp chiến lược kế hoạch hành quân chiếm lại những vùng đã được giải phóng, và kế hoạch củng cố quân đội nguỵ cùng với những thiết bị quân sự Mỹ".< 8000 /p>
Chính ông Mười Nho là người trực tiếp rửa những cuộn phim đó. Tay ông run lên khi ông nhìn thấy toàn bộ nội dung văn bản các báo cáo của Stanley và Taylor. Ông Mười Nho nói: "Có đến cả một tỷ USD chúng tôi cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Sự hiểu biết về kẻ thù mà những tài liệu này cung cấp đã giúp cho chúng tôi chuẩn bị các kế hoạch đối phó với chiến lược của kẻ thù… Sự thất bại hoàn toàn của địch trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải từ bỏ Chiến tranh đặc biệt để đi tìm kiếm một chiến lược mới.
Khi tôi hỏi ông Mai Chí Thọ rằng sự đóng góp nào của Phạm Xuân Ẩn được coi là giá trị nhất? Ông Mai Chí Thọ đã khiến tôi rất ngạc nhiên khi ông trả lời: "Ông Phạm Xuân Ẩn đã gửi cho chúng tôi chương trình bình định, ấp chiến lược để chúng tôi có thể vạch ra kế hoạch chống lại nhằm đánh bại đối phương". Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ, thế sao ông Phạm Xuân Ẩn không nhận được huân chương về công trạng này? Ông Mai Chí Thọ mỉm cười và nói: "Ông Phạm Xuân Ẩn còn lập nhiều thành tích khác nữa và ông đã được thưởng huân chương, nhưng tôi coi đây là quan trọng nhất vì nó có tầm chiến lược".
Hơn hai mươi năm sau, Lansdale vẫn khó tin rằng Phạm Xuân Ẩn đã từng làm việc cho phía bên kia. Năm 1982, Bob Shaplen viết thư cho Lansdale về bài báo của Stanley Karnow xác định rõ ràng cuộc đời hai mặt của Phạm Xuân Ẩn. Lansdale viết thư trả lời nói: "Tôi không biết cuộc nói chuyện của Karnow về Phạm Xuân Ẩn và Thảo. Nhưng tôi sẽ nhận tất cả những gì về Việt Nam với một chút chua chát. Tôi tin rằng các ông đã biết hơn tôi".
Cuối tháng 1/1961, Lansdale trở lại Washington để gặp Tổng thống Kennedy và các cố vấn cao cấp nhất của Tổng thống. Sau khi báo cáo với Tổng thống John F. Kennedy rằng những người Cộng sản coi năm 1961 là năm thắng lợi của họ, Lansdale thúc giục Chính quyền Kennedy ủng hộ Ngô Đình Diệm, như lời ông ta mô tả thì đó là một "cuộc thuyết phục hữu nghị".
Tổng thống Kennedy chấp nhận hầu hết những khuyến nghị của Lansdale, cụ thể là ông duyệt ngay ngân sách 28,4 triệu USD để mở rộng lực lượng quân đội Diệm thêm lên khoảng hai vạn quân và một khoản ngân sách khác 12,5 triệu USD để cải thiện lực lượng phòng vệ dân sự. Bản kế hoạch Chống nổi dậy cho Việt Nam mà Tổng thống Kennedy phê chuẩn giống hệt như bản kế hoạch mà Phạm Xuân Ẩn đã có trong tay. Tháng 5, Phó tổng thống Lyndon Johnson sang thăm miền Nam Việt Nam trong 3 ngày. Ông Lyndon Johnson mô tả Ngô Đình Diệm như là Winston Churchill của Việt Nam, thậm chí có thể so sánh được với cả George Washington, Woodrow Wilson, Andrew Jackson, và Franklin D. Roosevelt. Sau này, nhà báo Stanley Karnow hỏi Lyndon Johnson rằng có đúng ngày đó ông đã nói như vậy không? Lyndon Johnson trả lời: "Khỉ thật, Diệm là người duy nhất chúng ta có ở đó".
Thuật ngữ "Chiến tranh đặc biệt" có nghĩa là một cuộc chiến tranh kết hợp giữa các biện pháp và hoạt động quân sự trên bộ có sự hỗ trợ của lính dù và chỉ được áp dụng trong cuộc chiến tranh không thông thường, chống nổi dậy, và chiến tranh tâm lý. Như lời Tổng thống Kennedy thì "Để thắng được trong cuộc chiến tranh này, các sĩ quan và binh lính của chúng ta phải hiểu và biết kết hợp các biện pháp chính trị, kinh tế, và dân sự với nhau trong khi thực hiện các nỗ lực quân sự nhằm hoàn thành nhiệm vụ này". Thực thi chiến lược chống nổi dậy, Mỹ phải cung cấp cho quân đội Diệm nhiều cố vấn hơn, nhiều máy bay trực thăng và xe bọc thép hơn để tăng khả năng cơ động trên chiến trường mỗi khi phải đối phó với chiến tranh du kích. Chống nổi dậy bao gồm cả việc coi trọng vai trò huấn luyện các lực lượng của chính quyền Sài Gòn về các chiến thuật mới. Các phần khác của chiến lược chống nổi dậy bao gồm Chương trình ấp chiến lược; Việc sử dụng hoá chất và chất làm rụng lá rải xuống các vùng du kích; Việc thành lập các trại lính đặc nhiệm với vai trò chính là huấn luyện cho lực lượng dặc nhiệm quân đội Sài Gòn.
Tin tưởng rằng những ý tưởng đó là rất cần thiết cho miền Nam Việt Nam, Tổng thống Kennedy đã cử sang Sài Gòn một phái đoàn khảo sát kinh tế do Tiến sĩ Eugene Stanley thuộc Viện nghiên cứu Stanford dẫn đầu. Báo cáo của phái đoàn nhấn mạnh sự tác động không thể tách rời của việc trợ giúp về kinh tế và trợ giúp quân sự đối với an ninh nội địa Nam Việt Nam. Báo cáo xác định Việt Cộng là một kẻ thù "thâm độc, thoắt ẩn thoắt hiện, và có lực lượng dồi dào". Do vậy, cần phải có một "sự huy động toàn diện các nguồn kinh tế, quân sự, tâm lý, và xã hội của miền Nam Việt Nam và sự giúp đỡ mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ".
Phái đoàn của Stanley vừa từ Sài Gòn trở về, Tổng thống Kennedy liền cử tướng Maxwell D. Taylor sang miền Nam Việt Nam với tư cách Đặc phái viên quân sự của Tổng thống. Cùng đi với Taylor có Walt W. Rostow, Chủ tịch Hội đồng Chính sách, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đoàn của Taylor đến Sài Gòn ngày 18/10 làm việc trong một tuần, tập trung vào những vấn đề triển khai quân đội Mỹ sang Việt Nam. "Vừa đến nơi, Taylor và Rostow đã nhận thấy tình hình tồi tệ đúng như họ đã chờ đợi". Taylor tin rằng đó là "thời kỳ đen tối nhất kể từ đầu năm 1954… Không cần phải phóng đại thì cũng có thể nói được rằng toàn bộ miền Nam Việt Nam đang xấu đi vì tinh thần dân tộc bị suy sụp". Trước tình hình Việt Cộng thời gian qua liên tục giành thắng lợi trong các đợt tấn công, cũng như trong việc thâm nhập, Taylor và phái đoàn của ông nhận thấy cách duy nhất để cứu vãn Ngô Đình Diệm là đưa quân đội Mỹ vào Nam Việt Nam.
Báo cáo cuối cùng của Taylor-Rostow về một kế hoạch toàn diện Việt Nam hoá chiến tranh được trình lên Tổng thống Kennedy ngày 3/11. Mô tả một cuộc khủng hoảng kép về niềm tin trong cả các giải quyết của Mỹ và của Diệm, Taylor thúc đẩy để có một sự cam kết sâu hơn của Mỹ. Taylor kêu gọi triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long tám nghìn quân trên bộ, chủ yếu là các kỹ sư và nhân viên hậu cần, cùng một số đơn vị lính chiến để lập căn cứ an ninh. Lực lượng tám nghìn quân này sẽ hoạt động dưới vai trò nguỵ trang là lực lượng cứu trợ bão lụt lớn ở vùng đồng bằng Bông Cửu Long. Tuy nhiên trên thực tế, nó hoạt động như một "biểu tượng có thể nhìn thấy được về sự nghiêm túc của Hoa Kỳ".
Taylor tin rằng những lực lượng quân đội này có thể "được gọi ra tham chiến để tự vệ hoặc để bảo vệ cho những đối tác làm việc của họ, và bảo vệ địa phương nơi họ đóng quân". Taylor dường như không cảm thấy day dứt gì về việc ông ta đang "liều lĩnh ủng hộ một cuộc chiến tranh lớn ở châu Á". Đó là "một món quà", nhưng "không ấn tượng".
Theo cách nhìn của phía Hà Nội, các chuyến thăm cấp cao này đã gây ra sự lo ngại lớn. Tại một ấn phẩm của Cộng sản xuất bản năm 1965 viết: "Miền nam Việt Nam đã trở thành một bãi thử các chiến thuật chống du kích của quân đội Mỹ, một cuộc chiến tranh thí nghiệm chưa từng có của Hoa Kỳ".
Phạm Xuân Ẩn tiết lộ với tôi rằng tướng Võ Nguyên Giáp lo ngại đến mức, ông phải cử hai phái đoàn ra nước ngoài. Một đoàn sang Mátxcơva để trao đổi với các nhà vạch kế hoạch quân sự Liên Xô về cách chống lại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ.
Nhưng người Nga chỉ biết mỗi chiến tranh thông thường. Tướng Võ Nguyên Giáp sau đó cử một phái đoàn thứ hai sang gặp các tướng lĩnh Trung Quốc từng có kinh nghiệm chống lại các lực lượng của Liên quân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nhưng người Trung Quốc cũng chẳng giúp được gì nhiều. Phạm Xuân Ẩn nói: "Chính tôi là người đã giúp mọi người hiểu về cuộc chiến tranh kiểu mới của Mỹ. Vì thế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng phấn khởi. Hai phái đoàn cử ra nước ngoài để thảo luận với các chuyên gia đều thất bại, đến lúc đó tôi mới lập ra chương trình giúp đối phó lại".
Ngày 28/12/1962, Sư đoàn 7 quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng quân tại đồng bằng sông Cửu Long nhận được chỉ thị phải bắt giữ được một điện đài của các lực lượng vũ trang quân Giải phóng đang hoạt động gần làng Ấp Bắc. Đài này đang được một đơn vị du kích Việt Cộng khoảng 120 người canh gác bảo vệ đêm ngày. Cố vấn Mỹ cao cấp đang giúp đỡ Sư đoàn 7 quân đội Việt Nam Cộng hoà là John Paul Vann đã sang miền Nam Việt Nam được tám tháng, nhưng chưa chạm trán với đối phương lần nào. John Paul Vann là trung tá lục quân, sau này được coi là một trong những nhân vật huyền thoại trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 9/6/1972, John Paul Vann bị thiệt mạng trong một vụ máy bay trực thăng rơi.
John Paul Vann ngứa ngáy muốn tham chiến để ông ta có cơ hội đánh giá xem các chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà học thuộc đến mức nào các bài giảng của ông. Ở phía bên kia, các nhà lãnh đạo Việt Cộng cũng đã chuẩn bị để đương đầu chống lại máy bay trực thăng Mỹ. Việc đưa đại đội trực thăng vận đầu tiên vào tham chiến từ tháng 12/1961 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các du kích. Bên cạnh đó, việc các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hoà tiến hành các cuộc hành quân càn quét ác liệt giữa ban ngày lục soát từng làng ấp để tìm kiếm Quân Giải phóng cũng gây nhiều khó khăn không kém cho đối phương. Ông Mai Chí Thọ nói với tôi: "Lúc đó, chúng tôi không biết phải làm thế nào để có thể chống lại được các xe bọc thép và máy bay trực thăng của Mỹ. Chính ông Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin mà từ đó, cho phép chúng tôi vạch ra các cách đánh ở qui mô chiến thuật chống lại chiến tranh mới của đối phương".
Giờ đây, được trang bị kế hoạch chiến lược mới, các lực lượng Quân Giải phóng đã sẵn sàng nghênh chiến với các máy bay trực thăng. Trước khi ra tham chiến vài tuần, nhằm tính toán tầm bắn hiệu quả nhất, các lực lượng Quân Giải phóng đã tổ chức tập trận gần Đồng Tháp Mười. Những hình nộm của các loại máy bay trực thăng Shawnee và Huey được làm bằng bìa cứng gắn lên ngọn những cột tre để họ tập bắn và ở nhiều tư thế bay với những đặc điểm khác nhau. Nhà báo Neil Sheehan viết: "Một trong những sự kiện hiếm hoi của cuộc xung đột không ngừng những sự can dự, mà trong đó chẳng ai tỏ ra là có một chút ý nghĩa nào đã sắp xảy ra - một trận đánh mang tính chất quyết định cục diện của cuộc chiến tranh. Ngày nay, Việt Cộng đã sẵn sàng đứng lên và chiến đấu".
Tin tình báo của John Paul Vann đã sai. Không phải ông ta đối mặt với một đại đội gồm 120 người, mà là lực lượng nòng cốt Tiểu đoàn 261 của Việt Cộng gồm 320 người có sự hỗ trợ của 30 du kích xã. Tuy nhiên, phía quân đội Việt Nam Cộng hoà vẫn vượt trội đáng kể cả về số quân lẫn thiết bị quân sự. Một tiểu đoàn của Sư đoàn 7 bộ binh được biên chế 380 quân. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của hai tiểu đoàn lính phòng vệ dân sự và một đại đội xe bọc thép M-113, cộng thêm một đại đội bộ binh có sự hỗ trợ của các xe bọc thép M-113 nặng mười tấn từng được Việt Cộng đặt cho biệt danh "rồng xanh". Như vậy, tổng cộng toàn bộ lực lượng này, John Paul Vann có trong tay tất cả hơn 1.000 quân.
Ngay sau khi trận đánh mở màn, phía quân đội Việt Nam Cộng hoà nhanh chóng bị thương vong, buộc các chỉ huy phải gọi thêm quân tiếp viện từ căn cứ Tân Hiệp gần đó. Mười chiếc máy bay trực thăng Shawnee và năm chiếc máy bay trực thăng kiểu mới Huey, biệt danh là súng ngắn bay, được huy động nhằm thẳng hướng Ấp Bắc bay tới. Khi những chiếc trực thăng này tiến vào Ấp Bắc, bẫy đã được giăng chờ sẵn. Bất ngờ, hàng loạt đạn từ dưới những rặng cây ven đê đồng loạt bắn lên ào ạt. Chi trong mấy phút đầu, mười bốn trong số mười lăm chiếc trực thăng bị trúng đạn, nhưng chỉ có bốn chiếc rơi trong đó có một chiếc Huey và ba lính Mỹ bị thiệt mạng. Phía quân đội Việt Nam Cộng hoà vẫn còn cơ hội để thay đổi thế trận vì quân Việt Cộng đã bị bao vây. Phía Việt Cộng chỉ còn mỗi một đường thoát ra hướng đông, đó là cánh đồng lúa. John Paul Vann bèn gọi thêm xe bọc thép đến tiếp viện, nhưng Ngô Đình Diệm đã ra lệnh tại chỗ rằng không ai được vào trận đánh đó, nếu không có sự chấp thuận trực tiếp của Sài Gòn. Ngô Đình Diệm còn chỉ thị cho các tướng lĩnh chỉ huy các Quân đoàn, Sư đoàn phải giữ được thương vong luôn ở mức thấp. Tất cả những ai không tuân theo chỉ thị này sẽ không được đề bạt. Chiếc máy bay trực thăng thứ năm bị bắn rơi ở Ấp Bắc là chiếc bị trúng đạn khi đang cố gắng cứu hộ. Chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà tại trận Ấp Bắc đã không tuân theo chỉ thị của cố vấn Mỹ John Paul Vann trong việc chặn đường rút của các lực lượng Cộng sản. Cuối cùng, khi màn đêm buông xuống, toàn bộ Việt Cộng đã rút hết ra ngoài.
Khi nhìn nhận lại trận Ấp Bắc, John Paul Vann coi đây như là một dẫn chứng về một quân đội mà ông ta được giao nhiệm vụ huấn luyện đã chứng tỏ là một quân đội không tương xứng một cách tồi tệ. "Đó là một cuộc trình diễn khốn nạn. Những người này không chịu nghe lời. Họ mắc phải những cái lỗi chết tiệt cứ lặp đi lặp lại lần nào cũng giống nhau". Trận Ấp Bắc chứng tỏ những người lính Việt Nam Cộng hoà đang bị thí mạng một cách vô ích dưới sự chỉ huy của những viên tướng kém cỏi, chỉ giỏi xu nịnh. Thế mà các viên tướng này vẫn được Diệm đặt vào những vị trí chỉ huy then chốt. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Trận Ấp Bắc đã phơi bày tất cả. Đó là những điểm yếu của ban lãnh đạo quân đội Việt Nam Cộng hoà và những chính sách cất nhắc chỉ dựa vào sự trung thành đối với Ngô Đình Diệm, mà không dựa vào khả năng, năng lực chuyên môn". Tướng Huỳnh Văn Cao được Diệm tin cậy như là một kẻ trung thành nhất đối với gia đình họ Ngô của ông ta, nên được đề bạt cất nhắc lên nhanh chóng. Thế nhưng, Huỳnh Văn Cao đã thể hiện là một viên tướng yếu kém và hèn nhát. "Diệm đã có những viên tướng chưa bao giờ cầm quân, thế mà lại được đề bạt chỉ vì họ biết hôn tay của Nhu và Diệm. Ấp Bắc là nơi những con gà trống đầu tiên trở về nhà", Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa cười, mắt nhìn xuống cuốn sưu tập chim của ông.
Bản báo cáo sau trận Ấp Bắc của John Paul Vann là một bản kết tội đối với tất cả các cấp chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà, vì đã không hành động một cách quyết đoán, không khích lệ các binh sĩ của mình. Cố vấn cao cấp Mỹ, Đại tá Daniel B. Porter, đã đánh giá bản báo cáo sau trận Ấp Bắc của John Paul Vann "có lẽ là bản báo cáo có nhiều tư liệu nhất, đầy đủ nhất, giá trị nhất, và nói thẳng thắn nhất so với tất cả các báo cáo" đã từng được trình một năm trước đó.
Không thể đánh giá thấp ý nghĩa của trận Ấp Bắc đối với các lực lượng Quân Giải phóng ở miền Nam và đối với danh tiếng của Phạm Xuân Ẩn ở Hà Nội. Ấp Bắc đã trở thành tiếng thét của đông đảo quần chúng, và Trung ương Cục miền Nam đã phát động một phong trào thi đua với Ấp Bắc trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Tài liệu Dự báo tình báo đặc biệt của CIA ngày 17/4/1963 đã đưa ra kết luận rằng: "Việt Cộng đã chứng tỏ họ là một kẻ thù hùng mạnh và có một lực lượng du kích hiệu quả… Họ cũng đã thể hiện một cách linh hoạt trong việc điều chỉnh các chiến thuật của mình để đối phó lại với những khái niệm hành quân mới của miền Nam Việt Nam… Một nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Việt Cộng là hệ thống tình báo có hiệu quả của họ. Những người cung cấp thông tin, những người có cảm tình với Cộng sản có ở khắp các vùng nông thôn. chứng tỏ rằng Việt Cộng đã có khả năng duy trì được sự bao quát tình báo đối với mọi cấp cả quân sự lẫn dân sự của chế độ miền Nam Việt Nam".
Có lẽ sự đánh giá rõ ràng nhất về trận Ấp Bắc là bản Báo cáo sau trận đánh của các lực lượng Quân Giải phóng. Bản Báo cáo này được biết đến như là "tài liệu của Việt Cộng về trận Ấp Bắc ngày 2/1/1968".
Đây là tài liệu thu được của đối phương và đã được dịch sang tiếng Anh rồi lưu hành trong cơ quan tổng hành dinh của Bộ chỉ huy quân sự ở Việt Nam (MACV) thời gian khoảng cuối tháng 4/1963. Việt Cộng đã coi việc họ chống lại cuộc hành quân càn quét ngày 2/1/1963 là một "thắng lợi to lớn của các lực lực lượng vũ trang và toàn thể đồng bào ta. Chiến thắng Ấp Bắc chống lại cuộc hành quân càn quét chứng tỏ rằng các lực lượng vũ trang của chúng ta đã lớn mạnh trong lĩnh vực chiến thuật và kỹ thuật. Thắng lợi này cũng đã cho chúng ta một khái niệm rõ ràng về những lợi thế chiến thuật của kẻ thù".
Do những cống hiến vào chiến thắng Ấp Bắc, Phạm Xuân Ẩn đã được nhận tấm Huân chương Quân công đầu tiên trong số các Huân chương mà ông được trao tặng. Trong trận Ấp Bắc - một trong những trận đánh trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh - chỉ có hai Huân chương Quân công được trao. Một Huân chương được trao cho chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Giải phóng Nguyễn Bảy. Tấm Huân chương kia được trao cho cộng tác viên của Hãng tin Reuters Phạm Xuân Ẩn vì đã gửi kịp thời những báo cáo giúp làm thay đổi bản chất của cuộc chiến tranh.
Có một thực tế vững chắc rằng khi ông Phạm Xuân Ẩn được thưởng Huân chương Quân công đầu tiên sau trận Ấp Bắc và tấm Huân chương thứ ba vì những đóng góp trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, thì đó đều là những thời điểm bước ngoặt trong việc báo chí đưa tin về cuộc chiến tranh. Trận Ấp Bắc là một điểm sôi làm trào lên sự thù địch bị dồn nén bấy lâu giữa các phóng viên và Phái bộ Mỹ ở Sài Gòn, khi các nhân viên Phái bộ Mỹ khẳng định là họ đã thắng lợi trong trận Ấp Bắc. Tướng Paul Harkins, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy MACV nói: "Tôi không hiểu tại sao mọi người lại có thể gọi trận Ấp Bắc là một thất bại. Quân đội chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã đặt ra mục tiêu của cuộc tấn công vào Ấp Bắc là chiếm đài vô tuyến điện của đối phương và thực tế, họ đã đạt được mục tiêu đó. Việt Cộng đã rút đi và thương vong của phía Việt Cộng còn lớn hơn của phía quân chính phủ. Các quí vị còn muốn gì hơn nữa? Khi Peter Arnett, phóng viên Hãng tin Mỹ AP, nêu một câu hỏi khó tại cuộc họp báo sau trận Ấp Bắc, Đô đốc Harry D. Felt bỗng độp lại: "Anh đứng về phía nào?".
Nhà báo Sheehan viết: "Trước khi diễn ra trận Ấp Bắc, Chính quyền Kennedy đã thành công trong việc ngăn cản không để cho công chúng Mỹ biết việc nước Mỹ đã dính líu vào chiến tranh tại một nơi được gọi là Việt Nam… nhưng trận Ấp Bắc đã đặt Việt Nam lên trang nhất các tờ báo Mỹ và xuất hiện trên truyền hình chương trình tin buổi tối nhiều đến mức, không sự kiện nào sánh bằng. Các phóng viên Neil Sheehan và David Halberstam đã từng đến Ấp Bắc nên biết rõ điều gì đã xảy ra. Phạm Xuân Ẩn nói: "Ấp Bắc đã bắt đầu làm phân hoá chế độ Diệm. Chúng tôi biết điều đó và chẳng bao lâu lâu, mọi người ai cũng đều biết điều đó. Sếp của Phạm Xuân Ẩn ở Reuters là Nick Turner đã đi cùng với Sheehan đến bãi chiến trường Ấp Bắc để trực tiếp thấy những mảnh vỡ của những chiếc máy bay trực thăng Mỹ bị bắn rơi, cũng như những thi thể lính quân đội Việt Nam Cộng hoà. Halberstam được đến bãi chiến trường bằng máy bay hạng nhẹ.
Nick Turner nhớ lại: "Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ mặt của Phạm Xuân Ẩn khi ông bước vào văn phòng với tin về trận Ấp Bắc. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trận này ngay từ khi các bài báo đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện".
Phạm Xuân Ẩn cũng sớm tới Ấp Bắc vào ngày 8/1, ngồi trên chiếc máy bay trực thăng dành cho các phóng viên. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Tôi đến Ấp Bắc với tư cách phóng viên để tận mắt chứng kiến và để giúp đỡ các đồng nghiệp của tôi hiểu được điều gì đã xảy ra". Nghề vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn cho phép ông được coi là một thành phần của phe bên này. David Halberstam viết trong cuốn sách mang tựa đề Tạo ra sự sa lầy: "Những người bạn thân nhất của chúng tôi cũng là những người làm báo như chúng tôi. Phạm Xuân Ẩn của Reuters, Nguyễn Ngọc Giao của UPI, Võ Huỳnh của NBC và Hà Thúc Cần của CBS. Họ là những người đáng nể. Họ có sự nhậy cảm của những nhà báo… Họ là những người đáng tự hào; chỉ có họ mới là những người tự do của một xã hội đóng cửa. Có lẽ họ còn có tinh thần chiến đấu hơn cả chúng tôi, mỗi khi có ai đó cố tình nhồi nhét cho họ những thông tin và câu chuyện giả mạo".
Trận Ấp Bắc đã làm cho cách tiếp cận của chính phủ và của giới báo chí về cuộc chiến tranh trở nên khác nhau. Có vẻ như MACV luôn tìm cách chứng minh rằng cuộc chiến tranh đang diễn ra tốt đẹp, rằng sức mạnh của đối phương đang hao mòn dần, rằng ngày càng nhiều thôn ấp có an ninh được giữ vững. Nhưng cánh nhà báo có mặt tại chỗ nhìn tình hình lại khác hẳn. Phóng viên AP Malcolm Browne nhanh chóng nhận thấy muốn biết câu chuyện thật ở Sài Gòn, đòi hỏi phải có "những biện pháp không hay ho gì gần giống như những biện pháp mà các nhà tình báo sử dụng". Cuộc chiến tranh để lấy thông tin đã đẩy đoàn quân báo chí đến chỗ chống lại sứ quán Mỹ, MACV, và quan điểm áp đặt của tổng thống cho rằng cuộc chiến đang diễn biến tốt đẹp. Đó là một thời làm báo rất khó khăn trong những năm Kennedy cầm quyền. Nhưng tình hình trở nên đặc biệt tồi tệ khi cuộc chiến tranh này trở thành một cuộc chiến tranh của Mỹ. Trước khi một đoàn phóng viên mới lên đường sang Việt Nam, Lyndon Johnson căn dặn họ: "Đừng làm việc giống như mấy cậu Halberstam và Sheehan ấy. Đó là những kẻ phản bội lại nước Mỹ của họ".
Các nhà báo trở thành mục tiêu đặc biệt của bà Ngô Đình Nhu, thường gọi là Madame Nhu, em dâu của Ngô Đình Diệm. Sự hiếu chiến của Madame Nhu đã trở thành biểu tượng của chế độ Diệm. Người ta gọi bà Nhu là "con rồng cái của miền Nam Việt Nam" vì bà này có quan điểm chống phật giáo, nhưng lại thân Thiên Chúa giáo. Bà đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Phật giáo là đã để cho Việt Cộng thâm nhập. Khi một vị sư ở Huế tự thiêu sống để phản đối(1) bà đưa nhận xét rằng đó chẳng qua chỉ là các nhà lãnh đạo Phật giáo đem "nướng" ông sư ấy mà thôi. Mà ngay cả khi làm việc đó họ cũng phải lệ thuộc vào trợ giúp của nước ngoài, tức là dùng xăng là thứ phải nhập khẩu. Khi nhiều người khác phản đối tiếp theo, Madame Nhu nói: "Hãy để cho họ tự thiêu, chúng tôi vỗ tay hoan hô".
Cuộc chiến chống lại các nhà báo ở Sài Gòn đạt đến cao độ vào mùa hè năm 1963, khi Charles Mohr, Trưởng phân xã Time viết một bài chỉ trích Madame Nhu. Khi được gửi về toà soạn ở New York, bài báo đã bị coi là trái với tầm nhìn về thế giới của Trưởng ban biên tập Henry Luce. Bài của Charles Mohr bị viết lại khiến tác giả rất cáu, vì toàn bộ phần kết luận của ông đã bị sửa lại theo hướng tác giả đồng tình với quan điểm của Chính quyền Mỹ rằng hiện không có nhân vật nào có thể thay thế được Diệm.
Vài tuần sau, Tạp chí Time ra đòn với các phóng viên Mỹ ở Sài Gòn bằng cách đăng một bài buộc tội đội quân báo chí tại hiện trường là đã góp phần gây ra tình trạng rất bối rối, đưa ra những hình ảnh không tốt cho các bạn đọc ở Mỹ. Tạp chí Time đưa câu kết luận xanh rờn rằng: "Các phóng viên ở Sài Gòn chi suốt ngày ngồi trong quán bar trên tầng tám của khách sạn Caravelle, để rồi đưa ra những lời kết tội, những thông tin không xác thực, gây nhiễu, và cả những lời ca thán". Kết quả là "các phóng viên này có xu hướng đạt tới một sự nhất trí với nhau hoàn toàn đối với gần như tất cả mọi điều mà họ vừa nhìn thấy. Nhưng sự nhất trí đó là đáng ngờ, bởi vì rất rõ ràng là nó được sản xuất lắp ghép lai tạp với nhau. Bản thân các phóng viên cũng trở thành một phần hỗn độn của miền Nam Việt Nam. Họ đã đưa tin là tình hình rất phức tạp, nhưng họ chỉ nhìn nhận từ một góc. Họ làm ra vẻ như những kết luận của họ đã làm sáng tỏ được mọi vấn đề".
Trước khi xảy ra trận Ấp Bắc, hầu hết cánh nhà báo ở Sài Gòn đều ủng hộ quan điểm về mục tiêu ở Việt Nam của Chính quyền Mỹ. Sau này, David Halberstam đã thay đổi cách nghĩ của mình về cuộc chiến tranh, thể hiện trong bài viết của ông: "Sự thực, điều luôn ám ảnh tôi trong suốt những năm tháng đó vẫn là một sự thực đau lòng. Cánh phóng viên chúng tôi có sai lầm là đã không bi quan quá, mà cũng chưa bi quan đủ… chúng tôi chưa bao giờ tìm cách đưa vào trong các bài viết của mình câu hỏi về cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp đã làm được gì ở Việt Nam. Nó đã tạo ra những gì ở miền Bắc Việt Nam, một xã hội năng động và hiện đại. Và nó đã trao lại cho chúng ta, với tư cách những đồng minh, một trật tự xã hội hậu phong kiến đang giãy chết như thế nào… Không phải là chúng ta đã không yêu nước hoặc chúng ta đã phá hoại những mục đích dân tộc cao cả khác của mình - mà đúng hơn là chúng ta, ngay từ dầu, đã không làm rõ được những điều không thể về cuộc chiến tranh".
Chính phủ gần như chẳng cung cấp được thông tin gì cho các nhà báo về sự thực của cuộc chiến tranh. Sự thiếu hụt những thông tin đáng tin cậy đã tạo điều kiện cho Phạm Xuân Ẩn với tư cách nhà báo trở nên được quan tâm, vì ông có khả năng cung cấp được những thông tin mà cánh phóng viên ở Sài Gòn cần. Trong quá trình đó, Phạm Xuân Ẩn cũng thu thập được những thông tin quan trọng giúp ông có thể viết được báo cáo tình báo để gửi vào trong rừng.
Vào thời gian này, chế độ Ngô Đình Diệm đang tiến gần đến bờ phá sản nên khước từ mọi quyền tự do cơ bản đối với những người Phật giáo; cắt giảm tất cả mọi thứ, trừ sự trung thành tuyệt đối với gia đình họ Ngô. Năm 1962, bác sĩ Trần Kim Tuyến, cũng như Nguyễn Thái và nhiều nhân vật tai to mặt lớn khác không còn nghe lời Madame Nhu trong các vấn đề chính trị nữa. Trong một lá thư dài gửi cho Ngô Đình Diệm, bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc giục Diệm phải gạt bỏ bà Nhu ra khỏi trung tâm sân khấu chính trị.
Khi Ngô Đình Nhu - n 5be5 gười vừa là em trai ruột của Tổng thống Diệm, vừa là chồng của bà Nhu - biết chuyện lá thư của Trần Kim Tuyến, liền cho khai tử số phận chính trị của Trần Kim Tuyến. Ngay lập tức, bác sĩ Trần Kim Tuyến bị "cử đi làm việc" tại Tổng lãnh sự quán ở Cairo. Trong khi đó, gia đình của Trần Kim Tuyến tại Sài Gòn bị Ngô Đình Nhu ra lệnh quản thúc. Trước khi rời Sài Gòn đi Ai Cập nhận nhiệm vụ mới, Trần Kim Tuyến vạch ra một kế hoạch đảo chính, rồi mang ra thảo luận các chi tiết của kế hoạch đó với Phạm Xuân Ẩn và một số người khác. Sau đó, Trần Kim Tuyến rời Sài Gòn, nhưng không đi Cairo, mà đến Hong Kong thì dừng lại ở đó để chờ kết quả của cuộc đảo chính với hy vọng sẽ trở về Sài Gòn sau khi Diệm bị lật đổ.
Một trong những trợ lý trung thành khác của Trần Kim Tuyến là Ba Quốc (bí danh của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức). Sau khi vượt qua được các cuộc sát hạch bằng máy kiểm tra nói dối, Ba Quốc được chuyển sang làm việc tại một đơn vị mới được lập ra là bộ phận tình báo trong nước của CIO, Ba Quốc làm trợ lý cho lãnh đạo bộ phận tình báo trong nước này. Do phong cách và dáng vẻ bề ngoài nhẹ nhàng, hiền lành như ông bụt, nên Ba Quốc được mọi người ở bộ phận báo trong nước đặt cho biệt danh "Bụt Ta". Ở vị trí này, Ba Quốc được tiếp cận với hầu hết các tài liệu quan trọng thuộc mạng lưới tình báo miền Nam Việt Nam. Đây lại thêm một bằng chứng nữa về việc tình báo Cộng sản Bắc Việt Nam đã thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội miền Nam Việt Nam, kể cả thâm nhập vào chính các cơ quan tình báo của miền Nam là những đơn vị có nhiệm vụ phải loại trừ Việt Cộng.
Trong khi đó, dường như Chính quyền Sài Gòn không tổ chức được một điệp viên nào cỡ như Phạm Xuân Ẩn và Ba Quốc ra hoạt động ở miền Bắc. Đây cũng là lý do tại sao tình báo Mỹ đã ít nhất hai lần tìm cách tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm việc cho CIA mà không thành.
Ông Ba Quốc không hề biết Phạm Xuân Ẩn đang hoạt động dưới vỏ bọc. Ba Quốc nói: "Tôi có quen biết Hai Trung, nhưng chỉ biết ông ấy là một nhà báo làm việc cho Mỹ và có rất nhiều ảnh hưởng, quan hệ rất rộng rãi… Vì biết ông là người có ảnh hưởng lớn, nên tôi muốn thiết lập quan hệ với ông để lấy thông tin. Tôi đã báo cáo ý định này của mình với cấp trên, nhưng nhận được chỉ thị cấm tiếp xúc với ông". Tương tự như vậy, Phạm Xuân Ẩn cũng không hề biết gì về vai trò của Ba Quốc.
Có lẽ gây tò mò nhiều nhất là trường hợp của nhà tình báo đại tá Phạm Ngọc Thảo. Nhiệm vụ của nhà tình báo này là làm mất ổn định chính phủ chống Cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo cũng trở thành một chuyên gia lật đổ nổi tiếng, thường cấu kết với bác sĩ Trần Kim Tuyến và các tướng lĩnh của quân đội Việt Nam Cộng hoà để làm tất cả mọi điều miễn là có thể làm mất uy tín của chính phủ miền Nam Việt Nam. Nhà báo Shaplen mô tả Phạm Ngọc Thảo là một nhân vật cách mạng đầy mưu mô, chẳng khác nào nhân vật từ trong tiểu thuyết Malraux bước ra ngoài đời. Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn là chỗ bạn bè. Mặc dù Phạm Xuân Ẩn biết rõ nhiệm vụ bí mật của Phạm Ngọc Thảo, nhưng ông không hề nói nửa lời về điều đó. Phạm Ngọc Thảo cũng chơi thân với Shaplen và bác sĩ Trần Kim Tuyến. Phạm Ngọc Thảo đã hoạt động như là một trong những trợ lý được tin cậy nhất của Ngô Đình Diệm. Ông cũng thường được ca ngợi là một trong những người chống Cộng sản thành công nhất. Sau khi chứng kiến những hoạt động của Phạm Ngọc Thảo ở tỉnh Bến Tre, nhà báo Shaplen đã viết một bài ca ngợi tài năng chống nổi dậy của ông.
Xuất thân từ một gia đình Thiên chúa giáo, chống Cộng và có học, Phạm Ngọc Thảo được ba, mẹ dắt đến giới thiệu với Ngô Đình Thục, người anh cả của Ngô Đình Diệm đang làm Giám mục ở tỉnh Vĩnh Long. Phạm Ngọc Thảo đã làm cho Ngô Đình Thục tin rằng ông thực sự tin tưởng vào sự nghiệp chống Cộng sản, đồng thời muốn giúp đỡ Ngô Đình Diệm làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình. Nhiệm vụ bí mật của Phạm Ngọc Thảo được cấp cao nhất là Bộ Chính trị Trung ương Đảng chấp thuận. Sau đó, Phạm Ngọc Thảo được cử sang học ở Trường chỉ huy và tham mưu của Mỹ tại Kansas. Ông từng được đề bạt lên quân hàm đại tá, làm Chỉ huy trưởng các lực lượng vùng tỉnh Vĩnh Long, sau chuyển sang làm Chỉ huy trưởng các lực lượng vùng tỉnh Bình Dương, rồi Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre.
Phạm Ngọc Thảo trở thành một trong những nhân vật thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho dự án đô thị nông nghiệp, thôn ấp hiện đại tự quản. Dự án này nhằm chia rẽ những người nổi dậy với dân chúng ở vùng nông thôn thông qua việc dồn dân vào những ấp lớn có hệ thống hàng rào vững chắc để cho Chính phủ Diệm bảo vệ các nông dân. Phạm Ngọc Thảo biết rõ chương trình này sẽ vấp phải sự phản đối của nông dân. Đó chính là lý do tại sao Phạm Ngọc Thảo đưa ra đề nghị về dự án này mạnh mẽ nhất. Các nông dân ghét dự án đô thị nông nghiệp vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là nông dân bị huy động đi xây dựng những cái đô thị như vậy rồi sau đó lại phải dọn nhà đến ở.
Chương trình này đã gây ra sự phản đối và cô lập chính quyền Ngô Đình Diệm. Khi dự án này bị huỷ bỏ, Phạm Ngọc Thảo tập trung vào vấn đề xây dựng ấp chiến lược. Ông thuyết phục Diệm cho xây dựng ấp chiến lược thật nhanh chóng. Nếu để lâu, e rằng nó lại gây ra sự phản đối và thù địch của nông dân.
Phạm Xuân Ẩn cho biết, thay vì phải thử đi thử lại, người ta cho tiếp tục làm tới theo kiểu đặc trưng của Mỹ với sự giúp đỡ của Phạm Ngọc Thảo. Phạm Xuân Ẩn cho biết: "Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi. Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều".
Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng vì sao rất nhiều người khâm phục Phạm Ngọc Thảo? Ông Ẩn, một người bạn chơi với Phạm Ngọc Thảo từ bé, nói: "Bob Shaplen quí Phạm Ngọc Thảo vì ông ấy tin rằng đầu óc trí tuệ của Phạm Ngọc Thảo là tách rời và khác biệt với Hà Nội. Ông ấy cũng là một người mơ mộng giống như chúng tôi. Phạm Ngọc Thảo là người mà suốt cuộc đời đã một mình đơn độc chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam. Ông ấy là người theo chủ nghĩa dân tộc, chứ không phải là một nhà tư tưởng. Phạm Ngọc Thảo là người có thái độ và mục tiêu được hình thành khi Việt Nam bị thực dân Pháp đàn áp về chính trị và bị khai thác về kinh tế… Nhìn lại cuộc đời Phạm Ngọc Thảo, không cần phải tô hồng phóng đại, cũng có thể nói rằng cá nhân ông Phạm Ngọc Thảo đã làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị giữa Chính quyền Sài Gòn với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo đã giúp làm suy yếu Diệm và Nhu bằng cách giúp cho chương trình bình định nông thôn nhanh chóng thất bại. Phạm Ngọc Thảo là một nhân vật lớn trong cơn xoáy lốc của các âm mưu phá hoại ngầm, rồi cuối cùng là huỷ hoại các chương trình đó. Phạm Ngọc Thảo bị giết chết ngày 17/7/1965.
Người ta tin rằng chính Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh hành hạ ông Phạm Ngọc Thảo thật đau đớn bằng cách dùng một chiếc thòng lọng bằng da thít quanh cổ và một chiếc khác thít chặt nơi tinh hoàn. Sau khi ông Phạm Ngọc Thảo đã chết, Nguyễn Văn Thiệu và vợ liền mở rượu sâm banh ăn mừng.
Tại một trong những cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi với Phạm Xuân Ẩn, tôi đã nói đùa rằng bác sĩ Trần Kim Tuyến hoá ra là người thế nào mà cả Ba Quốc, Phạm Xuân Ẩn, và Phạm Ngọc Thảo đều bắt đầu sự nghiệp từ tổ chức của ông Tuyến. Đây là một trong rất ít các cuộc trò chuyện của chúng tôi, Phạm Xuân Ẩn hạ giọng xuống rồi nói: "Đó là điều tôi không thể nói được với giáo sư. Nhưng tôi không phải là người duy nhất cứu mạng sống của ông Trần Kim Tuyến. Ông Phạm Ngọc Thảo cũng tham gia cứu Trần Kim Tuyến vì ông Tuyến đã giúp thả rất nhiều người của chúng tôi bị cầm tù sau khi ông ấy không còn được anh em Diệm, Nhu tin cậy".
Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 dẫn đến việc phế truất Ngô Đình Diệm khỏi dinh Tổng thống, bác sĩ Trần Kim Tuyến từ Hong Kong trở về Sài Gòn, nhưng lập tức bị bắt giam vì bị tình nghi là kẻ âm mưu đảo chính. Trần Kim Tuyến bị giam hai tháng trong nhà tù biệt lập, bị tra tấn, bỏ đói, và bị lột hết quần áo để ở trần truồng sống giữa bầy chuột.
Phạm Xuân Ẩn cho biết, chính Phạm Ngọc Thảo - một đại tá được kính trọng của quân đội Sài Gòn - đã sử dụng ảnh hưởng của mình để Trần Kim Tuyến được phóng thích khỏi nhà tù. Phạm Xuân Ẩn nói: "Bác sĩ Trần Kim Tuyến là bạn của tôi, cũng là bạn của ông Phạm Ngọc Thảo nữa. Chúng tôi đã cứu mạng sống cho ông Tuyến vì ông ấy đã giúp đỡ người của chúng tôi trong tù. Việc này chứng tỏ cho giáo sư biết đôi điều về tình bạn giữa chúng tôi". Khi ấy, tôi đã nhớ lại suy nghĩ của mình rằng có rất nhiều những hộp nhỏ phía trong những hộp lớn cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn.
Phạm Xuân Ẩn được thưởng tấm Huân chương thứ hai vì công trạng kịp thời gửi báo cáo đánh giá chiến lược của ông về việc liệu Mỹ có đưa quân bộ vào Việt Nam giai đoạn 1964-1965 hay không. Sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963, một số người ở Hà Nội đã nghĩ rằng Mỹ có thể sẽ tìm kiếm một vài điều chỉnh hoặc những giải pháp thông qua thương lượng.
Thẻ này cho phép Phạm Xuân Ẩn được đưa tin về các hoạt động huấn luyện, cố vấn, và hỗ trợ của các lực lượng Mỹ ở Việt Nam (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)
Ngày 1/11/1963, Ngô Đình Diệm và em trai của ông bị giết ở phía sau chiếc xe bọc thép do Mỹ sản xuất. Mặc dù cuộc đảo chính là do nhóm quân sự của Nam Việt Nam vạch kế hoạch và thực hiện, nhưng CIA đã dính líu rất sâu thông qua người bạn của Phạm Xuân Ẩn là Lou Conein.
Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi rất ngạc nhiên về vụ đảo chính đó. Người Mỹ đã đầu tư quá nhiều cho Ngô Đình Diệm, thế mà chỉ có mỗi ông Lansdale mới là người có thể kiềm chế được ông Diệm. Nhiều người là cấp trên của tôi đã nhận định sai rằng sau khi loại bỏ Diệm, Mỹ sẽ tìm cách rút khỏi Việt Nam. Tôi đã phá lên cười và nói rằng không có chuyện ấy đâu. Người Mỹ sắp kéo vào đấy. Tốt nhất là các đồng chí hãy chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với một cuộc chiến tranh lớn. Tôi đã nói với các cấp trên của tôi rằng một trong những lý do khiến CIA loại bỏ Diệm là vì ông ta chống lại việc đưa quân Mỹ vào Việt Nam. Diệm đã phải trả giá bởi vì ông ta không còn là nhân vật thân cận của Mỹ nữa".
Ngày 28/7/1965, Mỹ mới đưa ra cam kết qui mô lớn cho miền Nam Việt Nam. Thế mà từ năm 1964, Phạm Xuân Ẩn đã bắt đầu gửi đi những báo cáo về điều này trong thời kỳ Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng hoà. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi một điều giống hệt như ông từng nói riêng với Bob Shaplen trước đó 30 năm rằng CIA đã biết về những đề nghị bí mật của Nguyễn Khánh muốn bắt tay với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nguyễn Khánh sau đó bị phế truất vì Chính quyền Johnson vào thời kỳ đó đang tiến dần đến việc Mỹ hoá cuộc xung đột ở miền Nam Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đó là lý do vì sao tôi biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ miền Nam Việt Nam. Sau này tôi mới biết rằng nhiều người ở Hà Nội đã nghĩ khác, nhưng lúc ấy tôi không biết họ đã nghĩ như thế nào. Tôi chỉ gửi cho họ sự phân tích trung thực của tôi và sau này mới biết là tôi được thưởng Huân chương.
Phạm Xuân Ẩn cho biết, nguồn tin đầu tiên cung cấp thông tin về số phận của Nguyễn Khánh cho ông chính là Lou Conein của CIA. Tuy nhiên, tôi vẫn nghi ngờ rằng ông Phạm Xuân Ẩn còn lấy thông tin từ các nguồn tin khác nữa. Phạm Xuân Ẩn kể: "Một hôm, Lou Conein vừa cùng với Nguyễn Khánh đáp máy bay trực thăng từ đâu về không rõ, nhưng vừa nhìn thấy tôi Lou Conein quát lên: Ẩn, về bảo vợ con anh đóng gói hành lý rồi ra khỏi đây ngay. Tất cả mất hết rồi. Miền Nam Việt Nam sắp rơi vào tay cộng sản rồi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tình hình lại xấu đến như vậy, Nguyễn Khánh đã ăn nằm cùng giường với Mặt trận Dân tộc Giải phóng". Phạm Xuân Ẩn giải thích rằng trong khi cùng ngồi trên máy bay trực thăng với Nguyễn Khánh, Lou Conein đã quyết định thử thách Khánh bằng cách nói những chuyện dẫn đến kết luận: "Đã đến lúc cần thăm dò một khả năng thành lập một chính phủ liên hợp, rồi thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam". Nguyễn Khánh cắn câu, liền thổ lộ hết những suy nghĩ của mình với Lou Conein - người ít khi kiềm chế được tình cảm. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy Lou Conein lại giận dữ đến thế. Nhưng Lou Conein thực sự lo ngại cho tôi và gia đình tôi. Ông ấy quát lên: Tất cả mất hết rồi, mất hết rồi". Chờ đến khi Lou Conein bớt giận, tôi nói với ông rằng tôi không nghĩ là Nguyễn Khánh sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người về việc thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Bởi vì người Việt Nam sẽ không được phép ký kết hiệp định chỉ giữa các bên Việt Nam với nhau. Như thế người Mỹ sẽ không có lợi ích.
Ngày 5/2/1965, bom đạn dội xuống các trại lính Mỹ ở Pleiku làm chết tám người Mỹ và bị thương hơn một trăm người. Sự kiện này châm ngòi cho hàng loạt sự kiện khác dẫn đến việc Mỹ đưa các lực lượng tham chiến đổ bộ vào Việt Nam. Một ngày sau vụ các trại lính Mỹ ở Pleiku bị tấn công, Lyndon Johnson ra tuyên bố công khai mang đầy tính cảnh báo: "Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là giờ đây chúng ta phải quét sạch bọn chúng và làm rõ sự cam kết của chúng ta tiếp tục ủng hộ miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ".
Trợ lý đặc biệt của Tổng thống là McGeorge Bundy có mặt tại Pleiku đúng vào ngày các trại lính Mỹ ở đó bị tấn công. McGeorge Bundy liền điện thoại cho Lyndon Johnson nói rằng "Tình hình ở Việt Nam đang diễn biến xấu dần. Nếu không có hành động mới của Mỹ, sự thất bại có lẽ sẽ không thể tránh khỏi".
Ngày 13/2, Lyndon Johnson đề xuất mở một cuộc hành quân Sấm Rền, tức là thực hiện một chiến dịch ném bom trên diện rộng và có hệ thống xuống các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam.
Trong khi các bước đi đến một cuộc chiến tranh bằng không quân ngày càng được đẩy nhanh, quyết định đưa lực lượng tham chiến Mỹ vào Việt Nam cũng đồng thời được hình thành. Đầu tiên là 3.500 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngày 7/6, tướng William Westmoreland đề nghị bổ sung thêm 44 tiểu đoàn nữa để ngăn chặn sự thất bại của Chính quyền miền Nam Việt Nam. Trong suốt sáu tuần tiếp theo, vấn đề Việt Nam hoá chiến tranh luôn là trung tâm của mọi cuộc thảo luận ở Washington. Đây đồng thời cũng là vấn đề được Hà Nội theo dõi chặt chẽ với những dự đoán điều gì sắp xảy ra. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi luôn được các nguồn tin thông báo cho biết về cuộc thảo luận đó. Tôi không bao giờ nghĩ rằng người Mỹ lại bỏ đi. Mỹ đã đầu tư quá nhiều tiền và uy tín của mình vào miền Nam Việt Nam. Cho nên, vấn đề còn lại chỉ là người Mỹ sẵn sàng đầu tư thêm bao nhiêu nữa? Có lẽ đầu tư của Mỹ sẽ là rất nhiều và đủ để cứu Chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ trong một thời gian dài. Nhưng người Mỹ lại không bao giờ tính đến chuyện đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới ở miền Nam. Đây là một sai lầm lớn của Mỹ".
Vào thời điểm đó, trong Chính quyền Johnson chỉ có một tiếng nói không ủng hộ quyết định của Tổng thống, đó là tiếng nói của Thứ trưởng Ngoại giao George Ball. Ông George Ball đã cố cảnh báo Lyndon Johnson rằng Tổng thống đang bắt đầu một cuộc chiến tranh mới đẩy Hoa Kỳ chống lại Việt Cộng.
Trong sổ tay của mình, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball viết: "Có thể việc triển khai trên qui mô lớn các lực lượng Mỹ cùng với nhiều hoả. lực sẽ buộc Hà Nội và Việt cộng phải đi đến một quyết định mà chúng ta đang tìm kiếm. Mặt khác, chắc chúng ta không thể đánh thắng trong một cuộc chiến tranh, thậm chí kể cả khi chúng ta có 500.000 quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta cần phải có nhiều bằng chứng hơn là số bằng chứng hiện có về việc quân đội của chúng ta sẽ không bị sa lầy trong các cánh rừng già và trên những đồng lúa trong lúc chúng ta từng bước nghiền nát miền Nam Việt Nam. Về mặt chính trị mà nói, miền Nam Việt Nam chả có gì… trong khi Hà Nội người ta có cả một chính phủ, mục đích và kỷ luật rõ ràng. Chính quyền Sài Gòn chỉ là một thứ trò đùa. Trên thực tế, miền Nam Việt Nam là một vùng lãnh thổ có quân đội mà không có chính phủ. Theo quan điểm của tôi, việc cam kết sâu của các lực lượng Mỹ vào mảnh đất chiến tranh Nam Việt Nam sẽ là một lỗi lầm có thể gây ra thảm hoạ. Nếu có cơ hội nào để rút lui chiến thuật, thì lúc này đây chính là cơ hội để cho chúng ta làm việc đó".
Những lời nói hay của Thứ trưởng Ngoại giao George Ball đã không lọt được vào những cái tai điếc. Ngày cuối cùng của ông ở Bộ Ngoại giao là cuối tháng 7, chỉ vài ngày trước khi Lyndon Johnson tuyên bố Westmoreland đang thu được những cái mà ông cần.
Tổng thống Johnson đã nói với George Ball rằng Mỹ sẽ bị mất uy tín nếu rút khỏi Việt Nam. Ngay lập tức, George Ball đáp lại: "Không phải như vậy đâu, thưa ngài. Điều tồi tệ hơn sẽ là việc một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới không thể đánh bại được một nhúm du kích". Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói: "Hoa Kỳ là một đất nước tươi đẹp với những người dân rất tốt, chỉ có mỗi tội là họ đã không nhớ lịch sử lắm".
Trong vòng 5 năm kể từ khi từ Mỹ trở về nước, Phạm Xuân Ẩn được nhận hai Huân chương khác vì đã gửi được kịp thời các báo cáo chiến lược, cũng như những đóng góp của ông vào cả trận Ấp Bắc và việc Mỹ hoá cuộc chiến tranh(2). Ông đã giành được uy tín và sự nổi tiếng nhất, có lẽ Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo Việt Nam giỏi nhất làm việc cho báo chí phương Tây. Trong suốt một thập kỷ sau, từ 1965 đến 1975, ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong nghề tình báo, cũng như trong nghề nhà báo làm việc cho Tạp chí Time.
Chú thích:
(1) Phản đối chính sách đàn áp phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. (NXB).
(2) Phạm Xuân Ẩn đã được tặng thưởng 11 Huân chương các loại. (BT).