Với những chiêu nào khó khăn, nó lại vận dụng bộ óc thông minh để tìm cách thấu hiểu mà tự luyện tập. Đông Bích bất kể chiêu thức của tà phái hay chánh phái, chỉ luyện tập hết chiêu này đến chiêu khác, ngày này qua ngày nọ.
Cho đến mỗi hôm, nó đang bưng khay trà đưa vào phòng khách thì bỗng nhiên nó thấy đầu nặng mắt hoa lên, mặt đất nghiên ngửa, lắc lư và nó ngã nhoài với khay trà đổ vỡ và nó không còn biết gì nữa.
Cho đến lúc nó tỉnh dậy bỗng thấy đang nằm trên chiếc giường trong phòng đó. Tuy nhiên trong phòng không có một ai. Nó đang thắc mắc bỗng nghe :
- Phu nhân à, cái thằng bé nó ngã thế nào mà bất tỉnh như vậy?
- Ồ! Có lẽ nó vấp ngã hay bị trúng gió độc vậy mà... à, lúc nãy em đã cho nó uống thuốc trừ độc rồi.
- Mà thuốc trừ độc có ảnh hưởng gì đến thuốc hôm nọ cho nó uống không?
- Phu quân cứ yên tâm, nó uống hơn ba lần thuốc là trí óc nó phải làm theo lệnh của chúng ta cũng như những tay cao thủ rơi xuống địa huyệt này, họ đành phải tiêu tan công lực và tự khai các tuyệt chiêu của mình để cho phu quân tìm hiểu cái võ học bao la của các môn phái chứ.
Và tiếng cười quen thuộc của hai vợ chồng chủ nhân làm Đông Bích ngồi nhỏm dậy. Nó nhìn dáo giác chung quanh vẫn không thấy bóng ai cả. Nó hoang mang nhẹ bước đi lần qua phòng bên thì thấy vợ chồng chủ nhân cung điện đang ngồi chuyện trò.
Vừa thấy nó vào, Lạc Hồn phu nhân lên tiếng hỏi :
- Ủa, cháu tỉnh rồi à. Lúc nãy tại sao ngã xuống vậy?
Đông Bích vừa nghe câu chuyện giữa hai người nên theo đó mà trả lời :
- Dạ, thưa phu nhân, cháu đang bưng khay trà vào không hiểu tại sao, chỉ thấy choáng váng rồi cháu ngã xuất hiện không biết gì. Có lẽ bị gió độc cũng nên.
- Ừ, chắc vậy rồi. Song ta đã đổ thuốc cho cháu rồi, cháu khỏe hẳn rồi đấy.
- Xin cảm ơn phu nhân, cháu làm đổ bể khay trà, cháu xin phu nhân...
Lạc Hồn phu nhân cười chận lời :
- Không có chi ngại, bể rồi thôi, cháu đừng để tâm làm gì, giờ cháu về phòng nghỉ đi. Hôm nay cho cháu nghỉ suốt ngày, ngày mai sẽ làm công việc.
Đông Bích cúi đầu tại hạ từ :
- Xin cảm ơn phu nhân.
Đông Bích lui ra đi trở về phòng nó. Song phòng nó cách phòng khách một bức vách dầy, tuy nhiên khi nó về phòng vẫn nghe Thiên Thủ Bách Độc và Lạc Hồn phu nhân chuyện trò.
Nó quá sức kinh ngạc và suy nghĩ về khả năng vượt bực về thính giác của nó nhưng chợt nhớ ra, mặt nó vui mừng ngay vì nó chợt hiểu :
- Có lẽ máu nhện lửa sau một trăm ngày đã làm cho đôi tai nghe rõ ràng dẫu cho tiếng lá rơi cách một bức tường cũng như mắt có thể thấy rõ đêm tối trong vòng ba trượng.
Hơn nữa, những thứ thuốc độc của Lạc Hồn phu nhân cho nó uống vẫn không ảnh hưởng gì, vì chất độc nào vào trong người Đông Bích cũng đương nhiên bị hóa giải bởi chất máu nhện lửa mà nó đã uống cách đây một trăm ngày.
Rồi ngày ngày, nó mừng thầm trong bụng và lại tiếp tục âm thầm tập luyện những kỳ chiêu, song nó nhận thấy tuy nó thực hành được nhưng sức lực rất tầm thường, nên không sao đạt được kỳ chiêu như mắt nó đã thấy các tay cao thủ đó biểu diễn.
Cho đến một hôm, nó lại được nghe câu chuyện giữa Thiên Thủ Bách Độc và Lạc Hồn phu nhân.
- Chúng ta đã vắng bóng trên giang hồ hơn năm mươi năm rồi và chúng ta ở nơi cung điện cũng hơn hai mươi năm rồi. Hai mươi năm lưu lại đây thật là hữu ích. Giờ đây chúng ta trở lại giang hồ thì chúng ta sẽ không sợ các bí truyền của những môn phái. Chúng ta cũng phải cảm ơn những tay cao thủ rơi xuống đáy huyệt này và giờ đây họ đã yên nghỉ vĩnh viễn rồi.
Đông Bích nghe đến đây thì nó giận dữ, bàng hoàng nhưng tính nhẫn nhục đã quen, nên nó không có phản ứng gì thì đã nghe giọng của Lạc Hồn phu nhân tiếp lời Thiên Thủ Bách Độc :
- Phu quân thật xứng danh là Thiên Thủ Bách Độc. Ngày trở lại giang hồ, chúng ta sẽ làm bá chủ võ lâm.
Tiếng cười thỏa mãn của đôi vợ chồng này vang lên triền miên.
Giọng nói tà mị dứt tiếng cười :
- Chỉ tội cho thằng bé đã hầu hạ chúng ta hơn một năm qua, rồi sẽ phải vĩnh viễn nằm im trong lòng đất với cung điện này.
Một giọng nói đàn ông tiếp :
- Ồ! Nếu cứ bịn rịn vậy thì làm gì nên sự nghiệp, thôi chúng ta hãy đi đi.
Đông Bích vừa nghe như vậy cũng cuống quít. Nó chạy theo tiếng động của đôi vợ chồng Thiên Thủ Bách Độc và Lạc Hồn phu nhân.
Vì nhờ đôi tai thính nên Đông Bích cứ đi theo hướng của đôi vợ chồng này. Qua hết những gian nhà lộng lẫy mà ánh sáng có được là nhờ những hạt minh châu tỏa sáng. Nhưng rồi đến một con đường hầm hoàn toàn đen kịt.
Thiên Thủ Bách Độc nói với Lạc Hồn phu nhân :
- Phu nhân này, nơi đây là ngã ba của đường hầm. Hai đường này đều ra khỏi nơi này được, song hết chỗ này mỗi đoạn nữa là đường hầm bên tả sẽ có ánh sáng để đi khỏi sợ nguy hiểm, song nó xa gấp đôi nơi đường hầm bên hữu, hoàn toàn đen kịt. Vậy phu nhân muốn đi đường nào?
- Vậy mà phu quân hỏi à, ta cứ bên trái thong dong đi và kịp thời đặt chất nổ để phá hủy nơi này cũng được dễ dàng chứ tội gì mà đi phía hữu như đi vào trong đêm tối cho hiểm nghèo.
- À! Phu nhân nói hợp ý ta lắm. Vậy ta cứ đi mé tả nhé. Tuy bước vào đường hầm này là tối đen song đi một đoạn là có ánh sáng ngay. Ta đi nhé phu nhân.
Thế là Thiên Thủ Bách Độc và Lạc Hồn phu nhân đi vào đường hầm bên tả.
Đông Bích cũng lò mò đến sau hai người đó, song nó đã nghe những điều hai người đó nói.
Nó nói thầm :
- “Con đường đến đây thật là bí mật, may nhờ các người dẫn đường và giờ đây lại đi về phía con đường dài, ta đi vào con đường ngắn vậy. Bóng tối đối với ta cũng không có gì trở ngại. Ta sẽ ra trước để họ bị chôn vùi nơi đây với những chất nổ của các người”.
Thế là Đông Bích cứ mải miết nhắm hướng đường hầm bên phải chạy nhanh trong bóng tối mịt mù nhưng đôi mắt của nó vẫn thấy được rõ ràng.
Con đường hầm ngoằn ngoèo quanh co, trơn ướt nhưng với ý chí cương quyết, Đông Bích thoát ra không mấy khó.
Khi nó vừa chui ra khỏi đường hầm thì đã có ánh sáng mặt trời nhưng trước cửa hầm là một màn nước chắn ngang.
Đông Bích nhìn kỹ thì đó là một màn nước từ thác nước phía trên đổ xuống ngay trước miệng hầm.
Nó thầm nghĩ :
- “Thác nước này là tấm màn chắn ngụy trang thật tốt. Ta cứ nép sát vào mé triền núi là xong”.
Nhưng nó đi chưa hơn mười bước bỗng phiến đá dưới chân trượt trơn như mỡ làm nó chao người dẫm lên phiến đá khác song tất cả những phiến đá này đều trơn như mỡ không sao đặt chân lên được. Trong phút giây nguy nan đó, nó tự nhiên dùng “Thần Ảnh Phi Thiên”, mà trước đây Vương bất lão đã dạy cho nó để búng người lên cao và dùng “Cửu thức bộ hình” thoăn thoắt thoát ra vùng đá mỡ, nhưng lại gặp một cái hồ nước đen sì mà mặt nước cuồn cuộn rút xuống phía đáy nên nó không kịp suy nghĩ dùng “Thần Ảnh Phi Thiên” tung người lên cao rồi dùng luôn thế Độc Long Xuất Hải của phái Thiếu Lâm để đưa người ngang vào bờ. Nhưng bờ hồ còn xa nên nó hoảng quá liền xoay ra thế Bạch Hạc Lượng Kiền mà sử dụng ở trên không cố sức tung tả hữu chưởng xuống mặt nước để đưa toàn thân hướng về phía trước. Nhưng sức chưởng của nó còn quá yếu ớt nên không đẩy được toàn thân vượt lên bờ mà chỉ đến mé bờ trong khi đầu nó lại chúi xuống thật là nguy hiểm. Trong cơn nguy biến nó liền sử dụng luôn thế Triều Ngô Bảo Giáp của một tay ma đầu mà nó đã học được nơi cung điện liền cuốn người lại, hai tay chộp cành cây sát mặt nước nhấn mạnh mượn đà đưa hai chân vút lên bờ và bật người đứng dậy cách bờ hồ hơn hai thước.
Nó thở phào cười thầm :
- “Mấy món tạp nhạp mà cũng có lợi song sức lực của ta yếu quá, muốn tranh thắng với giang hồ võ lâm phải tập luyện biết đến bao giờ”.
Rồi nó sực nghĩ đến hiện tại :
- “Thôi nguy mất, phải chạy cho xa chứ cái cung điện kia mà nổ tung thì hết sống, chớ nên lảng vảng gần đây”.
Nghĩ thế nên nó cắm cổ chạy như bay, vượt khỏi triền núi thì bỗng nghe tiếng nổ long trời lở đất.
Một vùng núi phía xa như sụp hẳn xuống.
Nó đứng lại lắc đầu :
- Một công trình nghệ thuật kiến trúc vĩnh viễn chôn vùi trong những tay gian hùng, thật là đáng tiếc.
Từ hôm ra khỏi cung điện nơi địa huyệt sau gần hai năm làm tên tiểu đồng phục dịch cho hai vợ chồng lão gian hùng, Đông Bích cảm thấy thư thới với hoàn cảnh hiện tại. Điều mà nó nghĩ trước nhất là người anh kết nghĩa vui tính là Vương bất lão. Nó mải miết đi mà nghĩ đến những lần nghe lý luận cũng như mưu lược của những ma đầu nơi địa huyệt. Lúc đầu nó ngao ngán cho lòng dạ con người nhưng rồi nó lại nghĩ rằng con người muốn thành công phải biết tùy nghi dụng trí, dụng lực, chứ cứ cương cường không phải chỗ ắt khó đạt thành ý nguyện.
Những ngày dài nơi cung điện tuyệt mỹ trong lòng đất nung đúc cho Đông Bích biết bao triết lý sống, biết bao kinh nghiệm của những tay lão luyện kể lại, thật sự đã giúp ích cho nó về phương tiện võ học cũng như phương diện trí dụng phong phú biết bao.
Hai năm nơi lòng đất của cung điện nó đã lớn về tinh thần lẫn thể xác, giờ đây nó cứ rảo bước tìm tung tích đại ca Vương bất lão của nó.
Một hôm Đông Bích đang đi về hướng thị trấn để tìm mua lương khô dùng cho hành trình tìm Vương bất lão.
Nó đang lầm lũi bước đi bỗng nghe phía trước xa ở bên kia đồi có tiếng la hét của một trận chiến.
Nó chạy nhanh về phía đó thì phát hiện nơi thung lũng có hơn hai mươi người đang vây một lão già tóc dài phủ trắng, chỉ thấy loang loáng ánh mắt sáng ngời, cạnh đó còn hai xác thiếu niên đã chết.
Một người trong bọn áo vàng vây cụ già hỏi lớn :
- Tại sao nhà ngươi lại giết hai thiếu niên của chúng ta.
Cụ già bật cười khô khan :
- Người của tụi bây à, láo khoét, hai thiếu niên này chúng đã được chọn trong giới võ lâm, để bắt về làm đệ tử cho tên Độc Vật Bách Trùng Cát Ô Man, nhưng ta thấy nó còn khuyết điểm nhiều lắm nên để cho chúng chết thì ta thích lắm rồi.
- Ngươi là ai mà lại dám khoác lác như vậy, chúng ta sẽ cho ngươi một bài học.
- Cứ làm, cứ làm, khỏi nói nhiều nhưng chúng bay chết đừng oán ta đấy nhé! Nếu đứa nào còn sống nơi chiến địa ta sẽ cho làm đệ tử...
- A, lão già này phách lối lắm. Anh em tử chiến.
Thế là trận đấu lại sắp diễn ra khốc liệt, kiếm, chưởng tung trời nhưng chỉ trong chốc lát, hai mươi tên áo vàng đành bỏ xác tại vòng thung lũng quạnh hiu, bởi những chiêu thức kỳ ảo của lão già.
Đông Bích từ nãy giờ chú mục theo dõi trận chiến đến lúc này nó mới bước ra khỏi lùm cây lên tiếng :
- Cụ tóc đã bạc rồi sao lại hành động quá tàn ác vậy. Họ là những kẻ tài không bằng cụ mà cụ lại nỡ dùng những kỳ chiêu ma đạo mà sát hại họ, hơn thế nữa cụ lại giết hai thiếu niên vô tội kia làm gì mà đáng lý ra cụ nên giải thoát dùm họ mới phải.
Cụ già nhìn Đông Bích từ đầu đến chân rồi cười ha hả và đột nhiên thân người cao vút về phía nó với đôi tay như dài ra, chộp lấy Đông Bích. Nó hoảng vía nhún mình vọt lên không theo thuật “Thần Ảnh Phi Thiên” tránh khỏi bàn tay của lão già.
Lão ta cất tiếng cười càng vang to hơn rồi thình lình lão vung một nắm que tre chung quanh thân hình Đông Bích lúc nó vừa từ trên cao hạ người xuống.
Giọng nói của lão ngắt đứt tiếng cười :
- Bây giờ cậu bé hết lên trời hay xuống đất được nữa rồi, vì đã sa vào trận đồ của ta là hết đường tẩu thoát.
Đông Bích khi vừa từ trên hạ người xuống định bước thêm một bước nhưng vừa xoay người là thật như bị giam vào trong rừng tre mịt mù không làm sao tìm được lối ra mặc dù đã chạy tới chạy lui mà vẫn thế. Nó bực tức thét lên :
- Lão già kia, muốn làm gì ta cứ nói, có gì phải giỡ trò ma quỷ hạ tiện thế này.
Lão già vẫn cười chế nhạo :
- Cậu bé đừng hỗn xược, ta muốn cậu bé từ đây sẽ ở bên ta mãi mãi và ta sẽ truyền hết tất cả sở học của ta cho cậu để sau này làm rạng danh cho ta.
Đông Bích hằn học :
- Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ đâu, lão đừng hòng ép ta làm đệ tử cho lão.
Lão già tức bực hét :
- Thằng bé này lớn gan thật, mày chưa biết đại danh của ta mà dám hỗn láo.
Đông Bích nói lớn chận lời :
- Không cần biết, ta chỉ thấy lão quá tàn ác và không quang minh chính đại là ta bất phục, và như vậy thì chẳng bao giờ ta chịu nhận lão là sư phụ được.
Nghe Đông Bích nói thế, lão hơi do dự hỏi :
- Này bé, nếu ta hành động quang minh chính đại thì ngươi nhận ta là sư phụ chứ?
Đông Bích thấy tình thế như vậy liền hòa hoãn :
- Cũng có thể như vậy.
- Tại sao cũng có thể?
- Tại vì, nếu lão bắt ta làm đệ tử, tuy ngoài miệng gọi thế song trong lòng ta bất phục thì thử hỏi như vậy có vinh dự gì cho lão không nào?
- À, nếu thế lão sẽ làm cho ngươi khâm phục rồi ngươi sẽ bái ta làm sư phụ nhé!
Đông Bích vì bị vây trong trận trúc nên chỉ nói chuyện mà không thấy được lão già nên nó dụng mưu :
- Lão vây ta trong trận này rồi bắt ép ta làm đệ tử thì xem có được không? Có xứng là sư phụ ta không?
- Ừ, vậy ta sẽ thâu trận đồ lại, ngươi đừng có trốn đấy nhé.
- Được rồi, ta giữ lời.
Thế là chỉ trong thoáng chốc, Đông Bích thấy thoang thoáng bóng lão già vì trận đồ đã được thu lại.
Đông Bích đang đứng trước mặt lão, nó lên tiếng :
- Lão quả thật chắc hẳn thông suốt những trận đồ trên giang hồ này phải không? Và lão cũng muốn ta học những điều ấy để làm vang danh lão chứ gì?
- Đúng lắm, lão là người chưa tìm được kẻ phá những trận đồ do chính lão dựng nên.
Suy nghĩ giây lát Đông Bích hỏi tiếp :
- Vậy sở học của lão thành danh hôm nay do bao nhiêu năm học mới thành?
- Cái sở học của lão về trận pháp, độ ba mươi năm và võ công hai mươi năm.
- Lão học theo kinh thư hay khẩu truyền?
- Ta học theo kinh phổ đàng hoàng, song những cái mà thế gian này thua ta là những trận pháp, trận đồ do ta chế đặt ra, không nằm trong kinh phổ.
Đông Bích mỉm cười hỏi tiếp :
- Lão có dám chịu một điều kiện với ta là lão đưa tất cả kinh phổ của lão đã học từ trước đến nay cho ta nghiên cứu và sẽ phá mọi trận đồ của lão cho xem.
Lão già cười ha hả vang cả thung lũng :
- Thằng bé này chí khí lắm, song không thành được đâu. Ta là kẻ tự cho mình thông minh xuất chúng nhưng cũng phải mất ba mươi năm học hỏi mới thành tài. Tuy ngươi đây, theo ta thấy cũng là bậc đại tài đấy, căn cơ thật là hiếm có, song nếu thời gian học tập ít hơn ta là ngươi không thể phá trận đồ của ta được.
- Vậy ta hứa một lời là chỉ cần thời gian ba năm thôi ta sẽ phá trận cho ngươi xem.
Lão già cười ngặt ngoẽo như điên rồi nói :
- Được, ta sẽ y lời, nếu trong ba năm mà ngươi không thoát ra trận được là ngươi phải quỳ lạy ta làm sư phụ đấy.
- Ta sẽ lạy ngươi nếu sau ba năm bất tài.
Lão già nhìn trước sau rồi nói :
- Bây giờ ngươi hãy theo ta lên núi xa tít kia mà tu luyện. Ta sẽ bỏ ngươi vào một cái hang động thơ mộng lắm, đó là nhà của ngươi, trước cửa động ta lập trận và cứ vào đêm trăng tròn là ta tiếp tiếng lương thực cho ngươi đủ dùng một trăng và liên tiếp trong ba năm, để xem tài ngươi. Ta sẽ đưa ba quyển Kinh phổ trận đồ toàn tuyệt cho ngươi nghiên cứu.
Đông Bích chợt hỏi :
- Nếu ta thoát khỏi trận của lão được thì ta không gọi lão là sư phụ đâu đấy nhé!
- Được, nếu ngươi làm được như lời của ngươi, ta không oán trách ngươi đâu. Và lúc đó ngươi sẽ biết danh tánh của ta.
- Đồng ý, bây giờ đi ngay là vừa.
Thế là Đông Bích ngoan ngoãn đi theo lão già tóc bạc phơ mà nó chưa hề biết qua danh tánh để thực hiện ý chí cương quyết của nó vậy.
Lên đến đỉnh núi cao, trước dãy núi dựng đứng như dãy trường thành sừng sững, là một bãi cỏ xanh rộng mênh mông, thỉnh thoảng có vài ba tảng đá nhẵn thín, như những chiếc ghế thiên nhiên.
Lão già chỉ vào cái động nói :
- Đó là nơi tu luyện của ngươi, hãy vào đi.
Đông Bích lẳng lặng bước vào không lời phản đối.
Trong khi đó, lão già chạy đi về nơi cuối bãi cỏ trong một động nhỏ lấy lương khô và vài bộ áo quần mang đến, đưa vào cho Đông Bích.
Lão cũng đưa luôn ba quyển Kinh phổ trận đồ toàn tuyệt cho Đông Bích rồi lui ra nói :
- Ta chờ xem trí thông minh của ngươi có hơn ta không hay ta sẽ có một đồ đệ mà ta ưng ý. Ta đi đây.
Đông Bích cũng không buồn bước ra cửa động vì nó cũng biết rằng cửa động là cả một trận đồ án ngữ nó nơi này.
Đông Bích thở dài nhìn quanh động, bốn bề bằng đá thiên nhiên vây kín chạy dài và nhỏ dần ở phía trong.
Nó nghĩ thầm :
- “Không biết ban đêm làm sao nhìn thấy chữ đây”.
Nó đi tìm trong động từ ngoài vào trong, chợt nó thấy có mấy chỗ sáng mờ liền đào lấy mấy tảng đá lên thì thấy sáng hơn và nó hiểu rằng những hạt minh châu lóe sáng như nó đã từng thấy ở nơi cung điện trong lòng đất khi trước.
Nó mừng rỡ vì đã tìm ra được ánh sáng. Nó thấy phía hữu gần hạt minh châu tỏa sáng có một phiến đá dài đầy đất cát. Nó cào hết bụi đất đi, thì mới hay phiến đá màu trắng trong lạnh mát, phẳng lì nên nó lấy nơi này làm chỗ nằm. Nó khuân lương thực vào, trong khi ở phía gần ngoài động có một cái hồ đá đầy nước trong nên yên tâm không sợ chết khát được trong một tháng rồi.
Xong đâu đó thì trời cũng vừa tối, nó không lo nghĩ gì nữa liền đặt lưng xuống tìm giấc ngủ say sưa, không buồn toan tính, nghiên cứu trận đồ, cứ mặc cho giấc ngủ kéo dài cho đến gần trưa ngày hôm sau mới thức giấc trở dậy.
Thế rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, hơn hai mùa xuân thoáng qua trước động, Đông Bích không sao bước ra ngoài động được. Bộ Kinh phổ trận đồ toàn tuyệt gồm có ba tập là thượng, trung và hạ, đều được Đông Bích thuộc lòng và cũng đã thử phá trận nơi trước cử động nhưng đều vô dụng. Tuy đã thông suốt các trận đồ lượt giải trong kinh phổ song nó chưa biết cách phối hợp vì quá phức tạp bởi những biến ứng của mỗi thứ. Quyển thượng gồm những lược dẫn nguồn gốc và căn bản sử dụng trận đồ. Quyển trung là những chất liệu để lập thành trận đồ. Quyển hạ là sự phối hợp và các chuyển biến cũng như mưu dụng cho mỗi trận pháp.
Hơn hai năm qua mà Đông Bích chưa phá được trận đồ, lòng nó đã thấy nôn nao. Nó dốc tâm để ý nghiên cứu thật kỹ từ quyển thượng đến quyển hạ và phân tích kỹ càng từng biến chuyển của mỗi trận thế.
Thời gian cứ im lặng trôi qua, Đông Bích vẫn còn ngồi trong động, nó nhớ đến mười hai lần trăng tròn đều có lão già đến đây tiếp tiếng lương thực cho nó với những săn sóc thật chu đáo đã lần lần xóa mờ mối ác cảm buổi gặp gỡ ban đầu.
Nó thầm nghĩ :
- “Tuy còn hai mươi bốn lần trăng tròn nữa là ta mới thua cuộc. Nhưng ta phải cố gắng, phải đem toàn lực để tranh đấu trong những thời gian còn lại”.
Nó tự nhủ thế và đêm ngày nó suy nghĩ mãi.
Rồi một hôm, Đông Bích đang ngồi suy tư trong hang động thì bỗng nhiên trời vần vũ, mây mù kéo đến ùn ùn. Và cơn mưa như thác lũ trút nước làm cho động đá của Đông Bích đang ở cũng phải có nhiều chỗ rỉ nước rồi chảy thành từng dòng nhỏ từ trên cao xuống.
Đột nhiên một phiến đá từ trong góc xa của gian động ở phía trên rơi ầm xuống.
Đông Bích mon men lại thì thấy tảng đá rơi xuống hình vuông vức. Nó đưa tay chùi tàng đá thì thấy giống hệt như khối đá nó đang nằm.
Động tính tò mò, Đông Bích tìm cách trèo lên lỗ trống do tảng đá rơi xuống.
Đông Bích cố chui vào thì thấy có một đường hầm nhỏ chỉ có thể bò theo đó mà đi hơn mười thước.
Đường hầm này tối đen và trơn ướt. Nhưng Đông Bích không bỏ qua, nó cứ đi vào mãi, cho đến lúc phía trước tự nhiên mở rộng như một gian phòng và tiếng động bên ngoài hoàn toàn không còn nữa.
Gian động này cũng tối om nhưng Đông Bích vẫn thấy được rõ ràng. Nó tìm kiếm mọi nơi, bỗng tay nó chạm vào một hốc đá thì nghe một tiếng kẻo kẹt và phía trong một cánh cửa được từ từ mở ra theo chuyển động của một khối đá.
Đông Bích không ngần ngại bước ngay vào thì cánh cửa đóng sầm trở lại thật nhanh, không chậm chạp giống như lúc cửa mở ra.
Nó hoảng hốt, quay người bước lại đẩy cánh cửa ra nhưng không sao lung lay được. Cánh cửa là một tảng đá quá lớn lại đóng khít chặt với vách đá chung quanh. Cũng trong lúc cánh cửa đóng sập lại thì ánh sáng đột nhiên tỏa sáng dìu dịu.
Ánh sáng phát ra từ hai hàng dạ minh châu dư gắn vào trong nhiều vòng đá hình bán cầu mà lúc cửa chưa đóng, che kín tất cả nên không thấy ánh sáng. Và lúc cửa đóng lại thì vòng đá bán cầu mới quay ngược ra để hai hàng dạ minh châu tỏa sáng khắp cả gian phòng.
Đưa mắt nhìn khắp nơi trong căn phòng rộng mênh mông bỗng nhiên Đông Bích bắt gặp mỗi lão đạo sĩ đang ngồi ở giữa gian phòng trên một phiến đá tròn trắng trong, lạnh ngắt.
Đông Bích liền bước đến trước vị đạo sĩ quỳ xuống làm lễ :
- Đệ tử Đông Bích kính lễ lão tiền bối.
Nó thi lễ xong rồi đứng dậy song vẫn không nghe đạo sĩ mở lời. Lúc đó nó mới ngẩng đầu lên quan sát thật kỹ lưỡng, miệng thì thầm :
- “Hóa ra lão tiền bối đã chết từ lâu rồi, song thi thể vẫn còn nguyên vẹn”.
Đông Bích đi vòng quanh chỗ ngồi của đạo sĩ, quan sát thật kỹ càng, nhưng nó chú ý về cái thế ngồi của đạo sĩ với tay trái co lại đặt vào ngực và tay phải đưa ra như chỉ về hướng cánh tay.
Trí óc hay suy luận và nhơn hậu của nó không thể không để tâm suy nghĩ về điệu bộ của thi thể lão đạo sĩ.
Nó theo hướng tay chỉ thì thấy nơi phía góc phòng là một cái bục bằng hồng thạch, trên đấy đặt một cái hòm của người chết được làm bằng bạch hàn thạch và cái nắp hòm để nghiêng nghiêng như sắp mở ra.
Đông Bích quan sát qua cái hòm bằng đá lạnh và trắng này không thấy có gì lạ. Rồi những câu hỏi được đặt ra trong trí óc của nó. Cuối cùng nó cho rằng lão đạo sĩ ngụ ý muốn được vào nằm trong chiếc hòm kia. Nó nghĩ ra điều ấy và rất đắc ý khi nghĩ rằng nên để lão đạo sĩ vào chiếc hòm để được an nghỉ thanh thản hơn.
Đã quyết định nên Đông Bích thực hành ngay. Nó vái lão đạo sĩ :
- Đệ tử xin đặt lão tiền bối vào nơi an nghỉ tôn nghiêm cho giấc ngủ ngàn đời được thanh thản.
Vái xong, Đông Bích cẩn thận bế xốc thi thể lão đạo sĩ bước đi.
Cũng trong lúc đó, khi Đông Bích vừa bước xuống khỏi bục đá thì bỗng nhiên phiến đá tròn nơi lão đạo sĩ ngồi bỗng xê dịch và mở ra để chừa một lỗ hổng thật lớn với hương thơm ngào ngạt tỏa lên từ nơi ấy.
Đông Bích tay bế lão đạo sĩ đi được vài bước bỗng thấy vậy song nó nghĩ là phải đưa lão đạo sĩ đặt vào chiếc hòm cho đàng hoàng, không được kinh sợ và hấp tấp làm lão đạo sĩ ngã xuống thì thật là thất kính.
Với ý định ấy, nó mặc mọi việc chung quanh, cứ nhẹ nhàng, từ tốn bế lão đạo sĩ đi về phía quan tài.
Cũng trong lúc này, đột nhiên từ dưới chỗ lỗ hổng nơi phiến đá tròn của lão đạo sĩ mở ra lúc nãy, hàng loạt mũi kim trâm màu đen tuyền tua tủa bắn lên như mưa. Những mũi kim trâm này bắn vút lên và dính chặt trên đỉnh phòng.
Đông Bích trông cảnh tượng chợt bàng hoàng. Nếu vội vàng hay bất kính đối với thi thể lão đạo sĩ hoặc đặt thi thể sang bên hay vứt ngã nơi đấy để cúi nhìn cái lỗ hổng thì chắc chắn đã lãnh trọn hiểm nguy của đám mưa hắc kim trâm rồi.
Nó thở phào rồi trân trọng đặt thi thể của đạo sĩ vào chỗ hòm đá trắng, một loại đá thật lạnh.
Khi nó đặt thi thể vào xong thì sự kinh ngạc tột độ lại đến với nó, và lão đạo sĩ từ từ rời rã, tan dần thành đất. Nhưng từ trong nắm tay của lão đạo sĩ hiện ra một khối đá đỏ như máu. Đông Bích đưa mắt nhìn vào thấy có khắc chữ li ti nên cầm lên xem.
Thỏi đá này xem kỹ thì không phải là đá mà là một thứ ngọc, được mài nhẵn thành hình chữ nhật, không dài lắm. Trên có khắc hình một chiếc quạt và một chiếc sáo. Phía góc trái là cái quạt hơi mở ra với dây quạt tua xuống và phía dưới là chiếc sáo với tua sáo giống như tơ trông rất sắc sảo.
Đông Bích dỡ qua mặt bên thì có đề mấy chữ sau :
Huyết Ngọc Lân di lệnh.
Và phía dưới đề :
Bá Nhược Du Kiến Anh.
Xem xong, Đông Bích do dự rồi cầm lấy Huyết Ngọc Lân di lệnh bỏ vào túi áo xong mới đậy nắp hòm lại. Nó im lặng, trầm ngâm bên hòm đá hơn một khắc thời gian rồi mới đến bên cái chỗ phiến đá tròn mở ra lúc nãy để quan sát. Song nó vẫn sợ những ám khí dưới lỗ bắn lên nên nó không dám lại gần. Nhưng mùi hương thơm ngát từ dưới hầm xông lên thật quyến rũ. Đông Bích nằm sát ngươi bò lần tới. Bởi vì phiến đá tròn mà lão đạo sĩ tức Bá Nhược Du Kiến Anh ngồi lúc trước, chỉ nhích qua một khoảng nhỏ và còn trên mặt đất khá cao nên khi Đông Bích bò sát người phía dưới quan sát thì thấy mặt dưới phiến đá có chú :
“Hết loạn huyền châm tuyến là hết cạm bẫy. Hãy lấy Huyết Ngọc Lân di lệnh cho vào trung tâm phiến đá này lả sẽ gặp kỳ duyên.”
Đông Bích y như lời ghi, lấy Huyết Ngọc Lân di lệnh ra và thấy tại chính giữa phiến đá tròn có một cái khe nhỏ. Nó đưa Huyết Ngọc Lân di lệnh vào khe và ấn mạnh thì đột nhiên cả bục đá đều di chuyển hẳn qua một bên để chừa một cái bực đá đi xuống phía dưới.
Nó rút Huyết Ngọc Lân di lệnh bỏ vào túi áo rồi theo bực đá đi xuống dưới. Đi được chín bực thì mùi hương thơm thật kỳ dị xông lên nhiều hơn và trước mặt Đông Bích là một chỗ đá khuyết vào sâu ba thước và rộng cũng chừng ba thước. Nghĩa là nó đang bước vào một gian thạch thất mỗi bề dài chừng ba thước. Trong gian thạch thất này có một cái bàn dài bằng đá, trên có một quyển sách, một chiếc sáo ngọc vân xanh và đỏ quyện vào nhau, một cái quạt và đặc biệt nhất là một cái chậu nhỏ như cái bát bằng một loại ngọc trắng trong. Trong chậu có một ít nước đỏ như máu và trong ấy có một cây rong thật xanh, lá như những mũi kim kết chùm với nhau và độc nhất một cái hoa có bảy cánh với bảy màu khác nhau trông thật kỳ dị. Mùi hương của hoa tỏa ngát mà Đông Bích đã ngửi từ lúc nãy và càng ngửi càng thấy người khoan khoái, nhẹ nhàng.
Quan sát qua những vật để tại đây xong, Đông Bích cầm quyển sách lên xem và rất ngạc nhiên vì tuyệt nhiên trên quyển sách không có một hạt bụi nào bám vào. Nó lật trang trong thì thấy có một phong thư kèm vào.
Đông Bích để quyển sách xuống, bóc phong thư ra xem khi đã đọc bốn chữ ở ngoài là gửi người hữu duyên. Lá thư được viết bởi những nét chữ thật mạnh mẽ và uyển chuyển, thật sắc sảo nhưng cũng dịu dàng, Đông Bích lẩm nhẩm đọc :
“Gửi người hữu duyên.
Ta nghĩ rằng người nào đang đọc bức thư của ta ắt hẳn phải là người đầy đủ đức tính nhân độ, trung kính, can đảm và tâm thành. Có như vậy mới khỏi gặp hiểm nguy do những cạm bẫy ta đã đặt.
Hiệu danh của ta, đã ghi vào Huyết Ngọc Lân di lệnh, nhưng hai chữ Bá Nhược là do giang hồ võ lâm đã gán cho ta vì họ cho rằng ta là kẻ đã tìm được mọi sơ sót về võ công của các môn phái để tấn công, thủ thắng dễ dàng.
Nhân đây, ta có để tặng cho người hữu duyên đã có lòng đưa ta vào nơi an nghỉ ngàn đời và đã nhận được tặng vật thứ nhất của ta là Huyết Ngọc Lân di lệnh. Miếng ngọc này lấy được là do ta có một lần khi phải đấu nhau với con kỳ lân sống trăm năm nơi rừng quế miền quan ngoại. Sau suốt bảy ngày đêm mới hạ được và lấy từ trong đầu nó viên ngọc này để mài dũa mà tạo thành di lệnh. Ngọc này có thể trừ được bách độc nếu ngậm vào miệng khoảng một khắc thời gian.
Tặng vật thứ hai của ta là quyển Âm phổ, trong đó gồm ba bản khúc là Cường âm chân mạch phối dụng, là một bản khúc sáo lục hợp thành mà ta đã soạn thật kỹ lưỡng. Bản khúc thứ hai là Tương âm diệt ma, có thể khống chế kẻ địch bằng cách nương vào âm giai kẻ địch để diệt địch. Bản khúc thứ ba là Diễn tâm âm, bản khúc này sẽ nói lên được tâm tư mình cho vơi nỗi khúc uẩn trong lòng. Nó sẽ vui hay buồn tùy nỗi lòng người sử dụng.
Tặng vật thứ ba của ta là chiếc sáo ngọc để diễn đạt các bản khúc trong Âm phổ. Sáo ngọc này làm bằng ngọc Thiên Vân thật quí hiếm đã ngâm trong lòng tuyết lạnh suốt mười năm trời.
Tặng vật thứ tư là chiếc quạt thật đặc biệt. Phiến quạt làm bằng nhuyễn tơ mà các loại vũ khí thường hay ám khí không thể xuyên thủng được. Nan quạt gồm ba mươi hai lưỡi liễu diệp phi đao, đó cũng là ám khí để sử dụng rất kiến hiệu. Riêng hai nan quạt ngoài cùng là hai đoản kiếm, một âm một dương. Khi sử dụng chỉ cần bấm ở gốc quạt là lưỡi kiếm vọt ra, tùy ý mà sử dụng âm kiếm hay dương kiếm. Âm kiếm tỏa ra một chất hàn lạnh có thể dung hòa hay xuyên phá sức hàn lạnh từ vũ khí hoặc chưởng pháp của đối phương. Ngược lại, dương kiếm tỏa ra sức nóng để dung hòa, điều tiết những vũ khí và chưởng lực chí dương.
Nếu sử dụng âm và dương kiếm một lượt sẽ tăng hiệu lực cho kiếm thuật do sự kết hợp được của âm và dương kiếm với nhau. Lúc này thì có thể trở thành Âm dương hợp kiếm mà chính ta đã biến chế thành hai thanh bảo kiếm quí báu, được liệt vào ngũ bảo di vật của võ lâm và nằm trong hai nan quạt cho được tiện dụng.
Tặng vật thứ năm là cái chậu trồng cây rêu.
Đây mới là một báu vật hi hữu trên thế gian.
Nước trong chiếc chậu ngọc này là Huyết long thủy mà trăm năm mới có một giờ chảy ra mà tìm được cũng chỉ là sự may mắn mà thôi. Nhưng ta đã tìm và hứng được một chậu ngọc này, đồng thời ta cũng tìm cho được cây Lục thiên thảo ty mọc trên đỉnh tuyết vời vợi mà đem về nuôi bằng Huyết long thủy đã lấy được từ địa long linh huyệt. Đúng một trăm năm thì cây lục thiên thảo ty sẽ nở một bông hoa bảy cánh với bảy màu khác nhau. Nếu ai hữu duyên sẽ ăn được đóa hoa đó thì công lực tăng vượt mà người ta luyện trăm năm cũng không bằng. Nhưng điều quan trọng là phải sử dụng, nghĩa là phải hiểu cách thức tiêu dụng đóa hoa đặc biệt này. Trước hết là hoa sẽ nở trong ba ngày và khi hết ngày thứ ba, mùi thơm ngào ngạt sẽ dứt đi và đóa hoa này sẽ đổi màu hoàn toàn trắng bạch và chỉ trong một khắc thời gian, đóa hoa sẽ biến thành đen như than và trở nên vô dụng. Như vậy phải chờ đến lúc hoa ngã màu trắng thì hãy hái lấy đóa hoa mà nhai nuốt hết, chứ nếu hoa chưa ngã ra màu trắng mà hái thì lập tức bảy cánh hoa rời rã, tan thành nước và không có một hiệu lực nào cho sự lợi ích của nó. Và thế thật là hạnh ngộ, dun rũi, may mắn lắm mới gặp được đúng thời kỳ của nó.
Sau khi đóa hoa bị hái thì ba ngày sau, tất cả những lá xanh sẽ hút cho bằng hết những huyết long thủy để biến thành màu hồng. Những chiếc lá này có công dụng dẫn lực cho chất hoa đi đến các lãnh mạch của người thụ hưởng. Bởi vì sau khi ăn đóa hoa, người ăn nó sẽ phải mê đi trong nửa ngày và khi tỉnh lại phải ăn cho hết những chiếc lá lí tí này mới được kết quả như ý. Song nếu người được thụ hưởng mà huyền quan yếu huyệt chưa được đã thông thì không phát huy được toàn bộ kình lực của nó.
Ta cũng có ghi trong phần thứ hai của quyển Âm phổ là những nhược điểm trong võ công của chín đại môn phái và hơn hai mươi loại tà công cũng như các loại trận đồ của những cao thủ mà ta đã suốt đời từng gặp.
Giang hồ gán cho ta là Bá Nhược cũng vì thế và chính thật ra ta chưa có một phương pháp hay cách thức nào để khống chế các loại võ công trên thì ta đã thấy ngày từ giã cõi đời rồi. Ta hy vọng người tiếp nhận Huyết Ngọc Lân di lệnh của ta sẽ thực hiện ý chí của ta và phát huy nền võ học đến chỗ hoàn mỹ hơn.
Bá Nhược Du Kiến Anh.”
Đọc xong lá thư, Đông Bích có cảm giác bàng hoàng, rồi đột nhiên nó không còn nghe mùi hương thơm của đóa hoa nữa nên nó lưu ý đến đóa hoa và cùng lúc ấy, đóa hoa đã ngã sang màu trắng trong. Đông Bích chưa kịp suy nghĩ vì chợt thấy vậy, nó lưỡng lự rồi như cái máy, nó run run đưa tay hái cánh hoa, mà giờ đây đã trắng như tuyết, bỏ vào miệng. Một hương vị ngọt ngào và bảy cánh hoa tan dần vào miệng nó. Đông Bích liền nuốt vội và nhai luôn cái nhụy. Vừa nuốt xong Đông Bích bỗng thấy trời đất quay cuồn, đảo lộn và có những luồng khí thật nóng và thật lạnh chạy khắp thân người rồi ngã xuống sàn gian thạch thất mê man ngay.
Qua nửa ngày, Đông Bích tỉnh lại, nó lom khom đứng dậy thì cảm thấy thân người như còn đang trong cơn say. Nó vội làm theo lời trong thư nên nhìn đến những lá cây rong xanh giờ đây đã ngã sang màu hồng. Đông Bích liền với tay sang nhổ cả cây rong cho vào miệng nhai ngồm ngoàm rồi nuốt ực thì cảm thấy toàn thân nóng lên. Đông Bích liền ngồi xuống và nó nhớ đến phương pháp hô hấp của Huyền Không đại sư đã truyền dạy để làm giảm bớt sức nóng. Đông Bích vừa vận dụng lối hô hấp này thì cảm thấy tâm thần trở lại bình thường và minh mẫn hơn hết. Nó cảm thấy sức lực như tăng dần trong kinh mạch nên Đông Bích dụng công hô hấp hơn mấy khắc đồng hồ thì toàn thân đã trở lại bình thường.
Nó mừng thầm trong bụng liền đứng dậy, cầm cây sáo ngọc ngắm nghía thật lâu rồi lại quan sát qua cây quạt thật kỹ.
Sau đó Đông Bích lại lật qua những bản khúc dành cho sáo và phần thứ hai là nhược điểm của các loại võ công mà đoạn đầu Du Kiến Anh đã viết :
Theo quan niệm của ta, đã nói đến võ công tất nhiên phải nói đến công lao tu luyện nhưng hơn nhau ở chỗ giác ngộ về những chiêu thức. Có được như vậy thì khi sử dụng không còn gò ép theo hình thức của chiêu thức mà sử dụng theo tâm thức thì sẽ biến hóa khôn lường như vậy sẽ không còn những chỗ nhược, chỗ sơ hở để đối phương áp chế.
Chẳng những thế mà trong những trận đồ, các tay tiếng tăm lừng lẫy cũng nhờ ở chỗ ý thức về sự giác ngộ trên mà lập trận biến ảo khôn lường đã là trở ngại lớn lao cho các tay cao thủ. Nhưng nếu hiểu tường tận yếu điểm quan trọng của những cửa sanh tử mà cứ từ đó sẽ tìm đường lối ra một cách dễ dàng. Song vì trận đồ là lãnh vực phức tạp nên sẵn ta ghi lại những trận đồ khó khăn nhất trong đời mà ta đã tìm tòi sao lục được những chỗ nhược của các trận đồ để kẻ kế tiếp ta dựa vào đây trên đường đi hành hiệp khi gặp phải những trận đồ khó khăn.
Một điểm cuối cùng ta muốn viết lại cho người hữu duyên khi sử dụng đến hai món vũ khí của ta.
Vì ta quan niệm rằng ngươi quân tử không sợ mà chỉ sợ kẻ tiểu nhân vì vũ khí chỉ dùng để ứng phó với bọn tà ma, gian quyệt, và nhớ rằng kẻ sử dụng phải dùng trong việc bảo vệ chính đạo thì thật hữu ích lắm vậy. Thế nên, nếu cùng quan niệm với ta, để đánh tan những kẻ tự xưng là chánh phái rồi cũng khuất phục bởi tiểu xảo của tà phái, và như vậy, chưa phải là một kẻ tài và trí hoàn toàn, thì hãy sử dụng hai món vũ khí này, còn nếu không cứ tự động bỏ nó lại nơi này. Ta rất đội ơn.
Đông Bích cứ say sưa đọc hết quyển sách rồi lại bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ cùng học và thực hành những bản khúc đến những chiêu thức đặc biệt của các loại võ công, nhưng đều thấy không loại nào giống loại nào, làm nó suy nghĩ thật mông lung rồi những đến trận đồ thì làm nó càng ngạc nhiên hơn vì đã có chỗ chỉ dẫn những nhược điểm của các trận đồ.
Đông Bích vụt chạy ra nhưng nó vừa nhõm chân thì thấy công lực quá nhanh nên cả người nó lao vào vách và dội ngược trở lại làm nó bàng hoàng quên cả đau đớn. Nó sửng sốt rồi thầm nghĩ :
- “Ta còn gần hai mươi bốn lần trăng nữa vậy ta hãy xem luyện nốt những gì mà Du lão tiền bối để lại”.
Thế rồi Đông Bích nhảy vút lên thạch động phía trên, đến trước chiếc hòm của Du Kiến Anh vừa lạy vừa khấn :
- Đệ tử Đông Bích từ đây đã có được một sư phụ và đệ tử nguyện sẽ đem hết tất cả tài lực để nối tiếp ý chí của sư phụ.
Lễ xong, Đông Bích nhún người nhảy xuống thạch động phía dưới và miệt mài với võ công, quên đi thời gian lặng lẽ trôi qua.