“Có nhà không?”
“Có.” Di trả lời Phương rồi từ ban công bước vào nhà. Ngồi lọt thỏm trong cái nệm lười phồng căng, cô đặt điện thoại xuống đất, uống một ngụm sữa và chờ những bước chân lộp cộp của Phương trên cầu thang gỗ. Phương đẩy cửa, bước vào, mặt nó hồng lên vì lạnh, riêng đôi môi thì trắng bệch khô rang. Di lấy chân đẩy một cái nệm khác cho nó, hất đầu về phía tủ ly ở đầu giường: “Nước chanh đấy, uống đi.”
Phương lắc đầu vẻ mệt mỏi, kéo cái quần jean tụt, định ngồi xuống. Di lừ mắt, hất đầu lần nữa. Nó lếch thếch đứng dậy, hậm hực nói: “Không hiểu sao tao lại rước mày về đây?”
Di cười khì khì, nhấp một ngụm trà sữa ấm, giả giọng ông già của Nam: “Đời còn nhiều điều không hiểu được lắm em ạ!”
Có cái gì đó lóe lên trong mắt nó rồi tắt ngúm vào tròng đen tối thẫm. Di hơi bối rối vì lỡ lời. Nó lại ngồi xuống, giằng lấy ly sữa trong tay Di rồi lại thả ra, vẻ thất vọng: “Tao muốn uống cà phê.”
Mỗi lần thằng Phương tìm cách lảng đi như thế, Di đều thấy buồn. Nó biết là chẳng có giọt cà phê nào trong nhà Di cả. Cái triết lý đắng trước ngọt sau của cà phê Di không hâm mộ. Chẳng phải đã có quá nhiều thứ đắng mà mình buộc phải nếm rồi sao? Di không muốn tình nguyện nếm thêm một thứ khác. Không giống như rượu, đắng để say, cà phê đắng để tỉnh. Với nhiều người, tỉnh táo cũng không phải là một việc hay.
Phương uống một hơi cạn cốc nước, đặt mạnh cái cốc xuống sàn nhà rồi đứng dậy. Mỗi lần nó say, hôm sau đều đến, uống một cốc nước chanh giã rượu “Báo cáo” với Di như thế rồi đứng dậy, ra về, biến mất trong hai tiếng đồng hồ và trở lại vào buổi tối, khi quán bắt đầu mở cửa. Di không bao giờ hỏi nó đi đâu cũng như nó không bao giờ hỏi Di sẽ làm gì trong hai tiếng tới.
“Thế nào mấy tuần tới ông Nam và Thy cũng qua nhiều đấy.” Phương nhìn sâu vào mắt Di, cô gật đầu. Nó ra khỏi cửa, đút tay vào túi áo, tiếng bước chân nhỏ dần. Di xoay người, bước ra ban công. Bầu trời loang lổ. Mặt trời như một vệt màu cam nhòe đi với những tia sáng cuối cùng. Dòng sông trước mặt bỗng xa vô tận. Người ta gọi nó là sông Hồng nhưng lúc này, khi bóng chiều sắp tắt, nó mang màu lục cũ kĩ như đã bị bỏ quên từ lâu lắm rồi. Phía xa xa là một cây cầu, mảnh và khô như được ghép lại bằng những mẩu than chì.
Đường phố dưới chân Di chật hẹp, nhà cửa như nêm, người qua lại ồn ào nhưng ở trên này khoảng không lại rộng mênh mông, mê mải. Ở đây không có những building chọc trời, cách một đoạn không xa chỉ có xóm bờ sông với những ngôi nhà mái bằng xam xám. Những ngõ phố nhỏ, quanh co, những ngôi nhà cũng nho nhỏ. Có nhà chồng lên vài tầng làm khách sạn rẻ tiền cho Tây bao lô thuê nhưng luôn vắng khách. Ba mẹ Phương để nó lại với căn nhà này, ra nước ngoài đã mười mấy năm. Lúc đầu nó nấn ná ở lại học cho xong trung học rồi nấn ná ở lại để yêu. Bây giờ Di không hiểu nó còn nấn ná để làm gì nữa.
Phương mở quán dưới tầng một, gọi là quán rượu cũng được, quán cà phê cũng được. Nhạc mở từ tám giờ tối và tắt lúc mười hai giờ khuya Di hùn vốn với nó và khiêm luôn nhiệm vụ quản lý. Nó đi tối ngày, thi thoảng lại tạt qua như khách nhưng cũng có lúc chui ngay vào quầy bar pha rượu. Quán mở được hai tuần thì bỗng một ngày nó sang nhà, mở tủ, tống quần áo của Di vào túi rồi quay sang bảo cô rằng: “Mày về kia mà ở, tầng hai bỏ trống chẳng để làm gì. Tiết kiệm đi. Trông quán để tao còn rảnh nợ đi chơi.” Lúc ấy Di đang ngồi mút kẹo và thất nghiệp.
Phòng của Di rộng chừng hai mươi lăm mét vuông, khi cô đến, nó hoàn toàn trống không. Giấy dán tường cũng bong nham nhở. Sàn nhà lát gỗ tối màu. Di kê vừa một tủ ly, một kệ sách, một cái đệm, mấy cái nệm lười cho khách, một cái bàn phấn sát tường. Bếp đặt ở một góc nhỏ ngay sát cửa ra vào, sau đó đến phòng tắm, kế đó là chỗ ngủ của Di. Quần áo thì để luôn trong va li. Có những lần Thy đến ngủ qua đêm, tìm mãi không thấy chỗ treo quần áo, nó càm ràm chán chê. Di ngồi ì, ôm máy tính chịu trận. Được một lúc, nó chán, đẩy Di ra để chiếm cái máy, ngồi xem các mẫu tủ quần áo mới, lẩm nhẩm kích cỡ nào vừa với phòng cô. Nhưng dự định của nó luôn thất bại, lần nào cửa hàng gọi điện thoại tới, Di cũng không có nhà. Cô biết Thy giận lắm nhưng cũng chỉ được vài hôm, nó lại đến quán, nghe vài bài nhạc rồi lên nhà ôm Di ngủ, quần áo thì treo trong nhà tắm.
Di thích đứng ở ban công cho đến khi cái chuông treo ở cửa ra vào leng keng và đèn hiệu bật ở tầng một bật sáng. Trở vào trong nhà, tắm táp và thay đồ chừng nửa tiếng, cô xỏ giày, đi xuống dưới. Cầu thang lên tầng hai sát ngay bên quán. Thu đang lạch cạch quét thềm trước cửa. Di hay bảo Thu không cần làm như vậy, giống người ta mở quán ăn quá, nhưng lần nào nó cũng nhăn nhó: “Quán ăn cũng chẳng bẩn thế này.” Thấy Di đã xuống tới nơi, nó gom bụi và lá khô vào một góc, lau tay vào tạp dề. “Tối nay mày muốn ăn gì?”
Di nghiêng đầu nhìn vào trong quán, hỏi: “Thằng Vinh đến chưa?”
“Đang lau cốc trong kia rồi. Vinh ơi!” Thu gọi to rồi nhìn cô. “Đợi tao vào cất chổi rồi gọi nó luôn.”
Ba đứa đi bộ ra đầu đường, ngày nào cũng vậy, ăn cơm tối cùng nhau. Hiếm khi Di nấu ăn ở nhà. Ăn cơm một mình là cực hình với cô. Khi nào buồn bực, cô mới chịu vào bếp, nấu chật cứng một bàn thức ăn rồi gọi điện mời mọc từng đứa, nhẹ nhàng có, dọa dẫm có. Băm, thái, khuấy, đảo là một cách hữu hiệu để giảm stress, bởi thế Di cũng được cho là lành nghề. Những khi thằng Phương đập tay xuống nệm, kêu nhớ cơm, Di cũng hạ cố vào bếp làm cho nó nồi cá kho hay bát canh chua thịt. Nhưng phần lớn bữa cơm chiều của cô là phở rán, lòng xào Nguyễn Siêu, cơm rang dưa bò Mã Mây ... hay miến ngan, cháo trứng ở gần nhà.
Thu kêu nhạt miệng, nó muốn ăn cháo trứng muối. Di và Vinh đồng ý liền. Vinh kém Di và Thu hai tuổi, vẫn là sinh viên, cao và trắng trẻo. Bị bạn gái chê công tử bột, nó quyết đi làm thêm để chứng tỏ vài điều. Từ cái lần nó vừa rụt rè gõ cửa quán xin việc vừa nơm nớp lo bị lừa vì quán gì mà vừa xa xôi vừa bé tí, đến giờ cũng đã gần hai năm. Không biết vì sao nó cần phải chứng tỏ lâu đến vậy nhưng nó không bỏ quán, vì thế Di chưa bao giờ cần tuyển thêm nhân viên mới.
Vinh kéo ghế cho Di ngồi, Thu đã yên vị, đút tay vào túi áo, co ro vì lạnh. Mái tóc dài ép thẳng của nó ốp sát hai bên mặt. Thu xinh xắn, gương mặt của nó phảng phất nét thôn nữ dù sinh ra và lớn lên ở phố phường. Có lẽ vì thế con trai nhìn nó thấy ưa nhìn, dễ chịu, yên tâm và hài lòng. Thu thích những thứ sáng và màu sắc. Quần áo của nó đặc trưng là tím, đỏ, lóng lánh kim sa và bó chặt. Nó cao ráo, hơi gầy, vai và hông đều rộng, bởi thế khi mặc đồ bó trông càng gầy guộc. Di đấu tranh cho sự thay đổi về gu thời trang của nó một thời gian dài nhưng thất bại thảm hại. Thu thừa sắc sảo để làm một ngươi báo thù.
Bát cháo được bưng ra khi cả bọn đã thấm lạnh. Thu bóc trứng rải lên trên thịt gà, trộn đều. Vinh thổi phù phù, còn Di ăn chậm chạp. Cô vẫn có cảm giác bên trong mình trống rỗng.
“Hôm nay lạnh thế này, chắc chẳng đông khách đâu chị nhỉ? Người ta ngại ra đường.” Vinh vừa đưa thìa cháo lên miệng vừa hỏi Di.
“Càng lạnh càng đông khách.” Thu ngẩng lên trả lời thay Di rồi nháy mắt với cô vẻ tinh nghịch.
“Càng lạnh càng dễ thấy cô đơn mà.” Di và Thu nhìn nhau, phá lên cười.
Vinh nhấp một ngụm trà nóng.
“Cô đơn vui lắm hay sao mà hai bà lại cười?”
“Bỏ bạn gái là biết ngay ấy mà.” Thu sặc trà, ho sặc sụa.
Di vỗ nhẹ lưng nó: “Nó bỏ bạn gái thì chỉ là cô đơn tạm thời thôi, về bản chất thì không giống mình được đâu bà ạ!”
Di và Thu nhấm nháy trêu Vinh, thằng bé lắc đầu, nụ cười nhẹ như khói rồi cắm mặt vào bát cháo. Đột nhiên điện thoại của Di rung lên bần bật, phát ra những tiếng rù rù.
Di thò tay vào túi áo, rút điện thoại ra. Màn hình hiện số ẩn, cô ngước lên nhìn Thu lần nữa. Thu đặt ly trà xuống bàn. “Nghe đi”, nó nói.
Di không trả lời.
“Nghe đi!” Thu nhẫn nại lặp lại.
Di bấm nút nghe rồi trân trân nhìn màn hình.
Không có một tiếng động nào phát ra mặc dù đồng hồ điện thoại vẫn bấm giây.
Cô thấy hơi thơ của mình trắng như khói, phả vào màn hình.
Thu vỗ vai Di rồi cúi mặt khẽ thở dài. Di nhìn bát cháo còn hơn nửa, những sợi khói mong manh cuối cùng đang bay lên rồi gác thìa sang bên cạnh bát.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !