Ỷ Thiên Đồ Long Ký Hồi 110

Chưởng lực của Diệt Tuyệt sư thái khi nhả ra, khi thu vào như thế, nhập nhằng bất định, dẫn dụ địch nhân, sau cùng mới phát xuất nội lực, quả thực là một công phu cực kỳ tinh áo của nội gia. Những người đứng chung quanh một số ít võ công cao thâm thấy được cái xảo diệu của chưởng vừa rồi, không khỏi tấm tắc khen ngợi.

Thù Nhi hốt hoảng chạy đến bên cạnh Trương Vô Kỵ, giơ tay đỡ chàng dậy, không ngờ đầu gối nhũn ra, cũng ngã luôn xuống. Thì ra tuy nàng đã được Trương Vô Kỵ giải huyệt, nhưng huyết mạch chưa lưu thông đều, thấy chàng bị thương, trong cơn gấp gáp liền chạy ra cứu giúp nhưng chỉ được giây lát, chân đứng không vững, kêu lên:

- A Ngưu ca, huynh… huynh…

Trương Vô Kỵ chỉ thấy trên ngực máu nóng trộn trạo, xua xua tay, nói:

- Không chết đâu.

Chàng từ từ đứng đậy. Lại nghe Diệt Tuyệt sư thái nói với ba tên đệ tử:

- Chặt hết cánh tay phải tất cả yêu nhân cho ta.

Ba đệ tử đó đáp lời:

- Vâng lệnh.

Cầm kiếm đi tới bọn người của Nhuệ Kim Kỳ. Trương Vô Kỵ kêu lên:

- Bà… bà nói tôi chịu cho bà đánh ba chưởng, sẽ tha cho bọn họ đi. Tôi chịu một chưởng rồi, chỉ còn… còn hai chưởng nữa.

Diệt Tuyệt sư thái đánh Vô Kỵ một chưởng, thấy nội công của chàng chính đại hồn hậu, hoàn toàn không phải thuộc bọn yêu tà, thậm chí còn có điểm tương tự như sở học của mình, tuy chàng đứng ra bảo vệ cho giáo chúng ma giáo, nhưng không phải là người của bọn họ, nên nói:

- Người tuổi trẻ kia đừng xen vào chuyện ngoài đường, chính tà phải phân biệt, đâu đấy cho rõ ràng. Chưởng lực vừa rồi ta chỉ dùng có ba thành lực đạo, ngươi có biết không?

Trương Vô Kỵ biết bà ta thân phận chưởng môn một phái, ắt không thể nào nói sai, nếu nói chỉ dùng ba thành lực đạo, thì đúng là chỉ dùng ba phần. Thế nhưng hai chưởng nữa dù khó khăn bực nào, có chết chàng cũng cam chứ không thể giương mắt nhìn người của Nhuệ Kim Kỳ bị tàn sát, liền nói:

- Vãn bối không lượng sức mình, xin chịu… chịu thêm hai chưởng nữa của sư thái.

Ngô Kình Thảo lớn tiếng nói:

- Tăng tướng công, chúng tôi thâm cảm đại đức của ngài. Ngài anh hùng hiệp nghĩa, ai nấy đều cảm phục, hai chưởng còn lại không thể nào chịu tiếp được đâu.

Diệt Tuyệt sư thái thấy Thù Nhi ở bên cạnh Trương Vô Kỵ, sợ nàng ta làm vướng víu chân tay, cánh tay áo bên trái phất một cái, đã cuốn cô ta lên quăng về phía sau. Chu Chỉ Nhược tiến lên đỡ lấy, nhẹ nhàng để nàng ta xuống đất. Thù Nhi vội nói:

- Chu tỉ tỉ, tỉ mau khuyên huynh ấy đừng chịu thêm hai chưởng nữa, tỉ nói chắc anh ta nghe đấy.

Chu Chỉ Nhược lạ lùng hỏi:

- Sao cô biết huynh ấy sẽ nghe lời tôi?

Thù Nhi đáp:

- Huynh ấy thích tỉ lắm, chẳng lẽ tỉ không biết hay sao?

Chu Chỉ Nhược mặt đỏ bừng, ấp úng:

- Chẳng lẽ thế sao?

Diệt Tuyệt sư thái lớn tiếng nói:

- Nếu ngươi muốn tỏ ra anh hùng hảo hán, ấy là tự mình đi tìm cái chết, đừng có trách ta nhé.

Tay phải giơ lên, kình phong ào ào đánh thẳng vào ngực Trương Vô Kỵ.

Lần này Trương Vô Kỵ không dám giơ tay ra đỡ, thân hình nghiêng qua, định tránh chưởng lực của bà ta. Cánh tay phải của Diệt Tuyệt sư thái bỗng dưng xoay lại, bàn tay không hiểu sao vòng trở về, nghe bịch một tiếng đã đánh trúng ngay lưng chàng. Thân hình Vô Kỵ chẳng khác gì một người bù nhìn làm bằng rơm, bay vụt lên không, rơi phịch xuống đất, nằm phục trên mặt cát không động đậy gì cả, hẳn đã chết rồi. Text được lấy tại truyenyy[.c]om

Chiêu đó của Diệt Tuyệt sư thái tinh diệu không đâu sánh kịp, đúng ra người bên ngoài phải hò reo khen ngợi, nhưng ai nấy không khỏi ngầm kính phục bụng dạ hiệp nghĩa của Trương Vô Kỵ, thấy chàng gặp chuyện chẳng lành, ngay cả đệ tử phái Nga Mi cũng có người hoảng hốt thở dài, không một ai lên tiếng hoan hô.

Thù Nhi nói:

- Chu tỉ tỉ, xin tỉ chạy tới xem huynh ấy bị thương nặng nhẹ thế nào.

Trái tim Chu Chỉ Nhược đập thình thình, nghe Thù Nhi khẩn thiết cầu xin như thế, đã định đi ra xem, nhưng hiện nay bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào, một cô gái mười tám mười chín như nàng làm sao dám đi ra xem xét vết thương của một thanh niên? Huống chi người đả thương chàng ta lại chính là sư phụ nàng, làm như thế, tuy chưa công nhiên phản kháng sư môn nhưng đối với sư phụ thật là đại bất kính, thành thử nàng vừa dợm bước, liền lùi ngay lại.

Lúc này trời đã sáng rõ, ánh nắng chiếu tỏa khắp nơi. Một hồi sau, bỗng thấy lưng Trương Vô Kỵ hơi động đậy, cố gắng chầm chậm đứng lên, nhưng cánh tay chỉ mới chống lên được chừng một thước, đột nhiên chịu không nổi, mồm phun ra một ngụm máu tươi, rồi lại nằm gục xuống. Chàng nửa mê nửa tỉnh, xem ra không còn động đậy được chút nào, nhưng vẫn nhớ mình còn phải chịu một chưởng nữa mới cứu được tính mệnh của những người trong Nhuệ Kim Kỳ.

Chàng hít một hơi dài, sau cùng cũng chập choạng đứng lên được. Thế nhưng thân hình run lẩy bẩy, tưởng như lúc nào cũng có thể gục xuống, mọi người ai nấy nín thở đứng trông. Tuy chung quanh có đến mấy trăm người, nhưng tất cả đều im phăng phắc, tưởng như một cái kim rơi xuống đất cũng nghe thấy được.

Ngay trong sát na hoàn toàn yên tĩnh đó, Trương Vô Kỵ bỗng nhớ đến một câu trong Cửu Dương Chân Kinh:

Tha cường do tha cường,

Thanh phong phất sơn cương.

Tha hoành nhiệm tha hoành,

Minh nguyệt chiếu đại giang

(Dẫu cho người có hung hăng,

Chẳng qua gió mát thổi ngang núi này.

Dẫu cho người có ngang tàng,

Khác gì trăng sáng giãi tràn sông sâu).

Khi chàng ở nơi u cốc tụng đọc những câu kinh văn đó, vẫn không hiểu ý nghĩa của nó ra sao, lúc này chợt nghĩ ngay ra dù cho Diệt Tuyệt sư thái hung hăng tàn ác đến đâu, mình cũng không mang một ý niệm chống cự lại. Nếu theo đúng yếu nghĩa của Cửu Dương Chân Kinh thì dường như dù kẻ địch có mạnh mẽ đến bực nào, hung ác đến bực nào, cũng chỉ coi như gió mát thổi qua núi, trăng sáng chiếu trên sông, dẫu có chạm vào thân thể ta, nhưng không thể nào tổn thương ta được.

Thế nhưng làm sao để không tổn thương thân thể mình? Kinh văn bên dưới có viết tiếp:

Tha tự ngận lai tha tự ác,

Ngã tự nhất khẩu chân khí túc.

(Người dù hung ác tới đâu,

Cốt sao chân khí ta sâu đủ rồi).

Chàng nghĩ đến chỗ đó, trong lòng bỗng hiểu ra ngay, liền ngồi xuống xếp bằng, theo đúng pháp môn trong kinh văn điều hòa hơi thở. Từ đan điền khí nóng ngùn ngụt bốc lên, dồn dập tuôn tràn chỉ trong khoảnh khắc đã chảy đến khắp toàn thân, tới từng đốt xương, từng thớ thịt. Đại uy lực của Cửu Dương thần công bấy giờ mới hiện rõ, ngoại thương của chàng tuy nặng, máu hộc ra hàng đấu nhưng nội lực chân khí không tiêu hao nhiều lắm.

Diệt Tuyệt sư thái nhìn chàng vận khí trị thương, trong bụng không khỏi kinh ngạc, thấy chàng thanh niên này quả thực khả năng phi thường.

Chưởng thứ nhất bà ta đánh chàng là dùng một chiêu trong Phiêu Tuyết Xuyên Vân Chưởng, chưởng thứ hai là thức thứ ba của Tiệt Thủ Cửu Thức, đều là tinh hoa của chưởng pháp phái Nga Mi. Chưởng đầu tiên bà ta chỉ dùng ba thành kình lực, còn chưởng thứ hai tăng lực đạo lên đến bảy thành, nghĩ rằng nếu một chưởng không đánh chết chàng ngay tại chỗ, thì ít ra cũng bị gãy xương đứt gân, hoàn toàn tàn phế, có muốn cử động cũng không được. Nào ngờ chàng chỉ nằm phủ phục một lát lại ngồi lên được, quả thực ngoài dự liệu của bà ta.

Cứ theo quy củ tỉ thí trong võ lâm, Diệt Tuyệt sư thái không cần phải đợi cho chàng vận khí liệu thương, nhưng bà ta tự trọng thân phận, không muốn thừa nhân chi nguy, ra tay đánh một kẻ thuộc hàng hậu bối.

Đinh Mẫn Quân lớn tiếng nói:

- Này họ Tăng kia, nếu ngươi không dám tiếp thêm chưởng thứ ba của sư phụ ta, sao không sớm cút ngay đi cho xa. Ngươi ở đó dưỡng thương, không lẽ bọn ta cũng phải đứng đây mà chờ ngươi hay sao chứ?

Chu Chỉ Nhược nhỏ nhẹ nói:

- Đinh sư tỉ, để cho y nghỉ thêm một lát, cũng chẳng đáng gì.

Đinh Mẫn Quân giận dữ nói:

- Ngươi… ngươi lại định bênh người ngoài, có phải thấy gã tiểu tử này…

Bản tâm y thị định nói "có phải thấy gã tiểu tử này anh tuấn, nên phải lòng y chăng?" nhưng chợt nghĩ ra ở đây có biết bao nhiêu người thuộc hàng tên tuổi của các môn phái khác, ngôn ngữ thô tục như thế chẳng nên ra khỏi cửa miệng, nên nói lấp lửng không hết câu, vội vàng nín bặt. Thế nhưng ý của mụ ta, mọi người ai mà chẳng hiểu? Nửa sau câu đó có nói ra hay không cũng thế thôi.

Chu Chỉ Nhược vừa thẹn vừa bực, giận đến mặt trắng bệch, nhưng không cãi lại, chỉ thủng thẳng nói:

- Tiểu muội chỉ nghĩ đến bản môn và uy danh của sư tôn, không muốn để cho ai phải nói ra nói vào.

Đinh Mẫn Quân ngạc nhiên hỏi lại:

- Nói ra nói vào cái gì?

Chu Chỉ Nhược nói:

- Võ công bản môn thiên hạ ai ai cũng biết, sư phụ lại là cao nhân số một số hai đời nay, đâu có coi một kẻ hậu sinh tiểu tử ra cái gì. Có điều vì thấy y lớn mật cuồng vọng, mới ra tay dạy dỗ y một phen, chứ có phải nhất định giết y mới xong đâu? Cái tiếng hiệp nghĩa của bản môn đã một trăm năm nay rồi, sư tôn nhân hiệp khoan hậu, ai mà chẳng ngưỡng phục? Cái ánh sáng của con đom đóm làm sao tranh huy với hai vầng nhật nguyệt được? Dù có cho y luyện thêm một trăm năm, cũng không có thể cùng sư tôn chúng ta động thủ, có dưỡng thương thêm một chút, thì cũng có đáng gì?

Câu nói đó khiến cho mọi người ai ai cũng ngầm gật đầu khen phải, trong bụng Diệt Tuyệt sư thái lại càng hoan hỉ, thấy cô học trò nhỏ này biết được đại thể, trước mặt các môn các phái làm rạng rỡ thêm cho bản môn.

Chân khí trong người Trương Vô Kỵ đã lưu chuyển rồi, tinh thần trở lại minh mẫn. Chàng nghe mấy câu của Chu Chỉ Nhược nói biết ngay có ý muốn giúp đỡ nên lấy lời chặn trước khiến Diệt Tuyệt sư thái không tiện ra tay hạ sát mình, trong lòng thêm cảm kích, liền đứng dậy nói:

- Sư thái, vãn bối xả mệnh bồi quân tử, lại xin chịu một chưởng nữa.

Diệt Tuyệt sư thái thấy chàng chỉ ngồi xếp bằng một lát, lập tức tinh thần rạng rỡ, nghĩ thầm: "Gã tiểu tử này nội lực hồn hậu như thế, quả thật tà môn" liền nói:

- Ngươi sao không ra tay đánh lại ta, ai bảo ngươi chỉ chịu đòn mà không hoàn thủ?

Trương Vô Kỵ nói:

- Một chút công phu thô lậu của vãn bối, có đến chéo áo của sư thái cũng không động tới được, nói gì trả đòn?

Diệt Tuyệt sư thái nói:

- Ngươi biết thân biết phận thế sao không sớm tránh ra. Ngươi còn trẻ có cốt khí như vậy, quả thực khó kiếm. Diệt Tuyệt sư thái này chưởng hạ chưa từng tha ai bao giờ, hôm nay phá lệ với ngươi một lần đó.

Trương Vô Kỵ khom lưng đáp:

- Đa tạ tiền bối. Thế những đại ca của Nhuệ Kim Kỳ kia cũng tha luôn chứ?

Đôi lông mày dài của Diệt Tuyệt sư thái xụ xuống, lạnh lùng hỏi:

- Pháp danh của ta là gì thế?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Tôn danh của tiền bối thượng Diệt hạ Tuyệt.

Diệt Tuyệt sư thái nói:

- Ngươi biết thế là giỏi lắm. Yêu ma tà đồ, ta muốn diệt cho tuyệt không còn một mống, quyết không lưu tình. Không lẽ hai chữ Diệt Tuyệt chỉ để gọi xuông hay sao?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Nếu như thế xin tiền bối đánh chưởng thứ ba đi.

Diệt Tuyệt sư thái liếc mắt nhìn, một thanh niên cứng đầu cứng cổ như thế này, trong đời bà ta chưa hề gặp bao giờ, tuy bụng dạ lạnh lùng nhưng đột nhiên nổi lòng lân tài, nghĩ thầm: "Chưởng thứ ba của ta đánh ra, thể nào y cũng chết. Gã này không phải thuộc bọn yêu tà, tuổi còn trẻ như thế mà đã toi mạng, không khỏi đáng tiếc thay". Bà hơi trầm ngâm, trong bụng đã quyết, chưởng thứ ba sẽ đánh vào trên huyệt đan điền, vận nội lực xoáy vào huyệt để cho y lập tức bế khí bất tỉnh, đợi khi tru diệt hết bọn ma giáo Nhuệ Kim Kỳ rồi sẽ cứu y tỉnh lại.

Tay áo bên trái liền phất một cái, chưởng thứ toan đánh ra, bỗng nghe một người nói lớn:

- Diệt Tuyệt sư thái, chưởng hạ lưu nhân.

Tám chữ đó nghe như kim chọc vào tai mọi người, ai nấy nghe đều cảm thấy khó chịu. Từ phía tây bắc một người đàn ông mặc áo bào trắng, tay cầm quạt xếp, từ đoàn người đi ra, đi đến đâu bụi không bay lên chút nào, chẳng khác gì đang lướt trên mặt nước. Trên vạt áo bên trái của người áo trắng có thêu một con hắc ưng nho nhỏ, hai cánh giang rộng. Mọi người vừa nhìn biết ngay y là một nhân vật cao thủ trong Thiên Ưng giáo.

Thì ra Thiên Ưng giáo và Minh giáo quần áo phép tắc đều giống nhau, cũng đều là áo bào trắng cả, chỉ khác là trên giáo bào của Minh giáo thêu một ngọn lửa đỏ, còn Thiên Ưng giáo giáo thì thêu một con chim ưng đen.

Người kia đi đến cách Diệt Tuyệt sư thái chừng ba trượng, chắp tay cười nói:

- Xin phép sư thái, chưởng thứ ba này để cho tại hạ chịu thay, được chăng?

Diệt Tuyệt sư thái hỏi:

- Ngươi là ai?

Người kia đáp:

- Tại hạ họ Ân, thảo tự Dã Vương.

Ba chữ Ân Dã Vương vừa ra khỏi miệng, mọi người ai nấy lập tức bàn tán xôn xao. Tên tuổi của Ân Dã Vương trong hai mươi năm qua trên giang hồ thật là vang dội, trong võ lâm nhiều người nói võ công rất cao cường, so với phụ thân là Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính không kém bao nhiêu. Ông ta là Thiên Vi Đường đường chủ của Thiên Ưng giáo, quyền vị chỉ dưới giáo chủ mà thôi. Hơn mười năm qua, ông ta suất lĩnh cao thủ Thiên Ưng giáo, chống đỡ với các phái Thiếu Lâm, Côn Lôn, Không Động, không rơi vào thế hạ phong, quần hào đều kinh sợ ông ta.

Diệt Tuyệt sư thái thấy người này chỉ chừng độ bốn mươi tuổi, nhưng cặp mắt sáng như điện chớp, chiếu sáng bốn phía, khí thế nhiếp nhân, biết là không thể coi thường. Huống chi bình thời bà ta cũng từng nghe đến tên tuổi, nên lạnh lùng đáp:

- Tên tiểu tử này là gì mà ngươi phải thay y tiếp một chưởng của ta?

Trương Vô Kỵ trong lòng kêu lên: "Ông là cậu ta, cậu ta đây rồi. Không lẽ ông ta nhận ra ta sao?".

Ân Dã Vương cười ha hả, nói:

- Ta vốn chẳng biết y là là ai, chỉ vì thấy y tuổi còn nhỏ, nhưng lại thật cứng đầu, không giống bọn giả nhân giả nghĩa, ham danh chuộng tiếng trong võ lâm, thấy thích, cho nên đứng ra lãnh giáo công lực của sư thái, được chăng?

Câu cuối cùng nói ra chẳng còn vẻ khách khí, tưởng như không coi Diệt Tuyệt sư thái vào đâu. Diệt Tuyệt sư thái không nổi giận, nói với Trương Vô Kỵ:

- Tiểu tử, nếu ngươi còn muốn sống thêm vài năm, lúc này chạy đi cũng còn kịp.

Trương Vô Kỵ đáp:

- Vãn bối không dám tham sống mà quên nghĩa khí.

Diệt Tuyệt sư thái gật đầu, quay về phía Ân Dã Vương nói:

- Tiểu tử này còn nợ ta một chưởng. Để ta thanh toán xong xuôi, sau đó sẽ không để cho các hạ phải thất vọng.

Ân Dã Vương cười hắc hắc, nói:

- Diệt Tuyệt sư thái, bà có giỏi thì cứ giết thanh niên này đi. Nếu y không sống thì bọn ta sẽ cho các ngươi chết không có đất mà chôn.

Y nói xong, lập tức phơi phới trở về, quay trở vào đám người, quát lớn:

- Hiện thân.

Đột nhiên trong bãi cát thò lên vô số đầu người, mỗi người có một cái khiên để ở trước mặt, ai nấy đều cầm cung cứng, giương tên bén nhọn chĩa thẳng vào đoàn người. Thì ra giáo chúng Thiên Ưng giáo đã đào những địa đạo, vây tất cả những người các môn phái lại từ bao giờ.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/y-thien-do-long-ky/chuong-110/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận