Ỷ Thiên Đồ Long Ký Hồi 14

Du Đại Nham nắm vai ông ta nhắc lên, thấy tay nhẹ bỗng, chỉ độ chừng tám mươi cân là cùng, chợt hiểu ra: "Hóa ra cái thanh đơn đao nhỏ bé này, lại nặng tới hơn một trăm cân, quả thực là cổ quái, không như những võ khí thường".

Chàng đặt ông già xuống, nói:

- Thanh đao này quả thực là nặng.

Ông già lại ôm chặt thanh đao vào người, nói:

- Không phải chỉ nặng mà thôi đâu. Này lão đệ, ngươi họ Du hay họ Trương?

Du Đại Nham đáp:

- Tôi họ Du, thảo tự là Đại Nham, sao lão trượng lại biết?

Ông già đáp:

- Trương chân nhân của phái Võ Đang thu bảy người đệ tử, trong Võ Đang thất hiệp thì Tống đại hiệp phải khoảng bốn mươi, Ân, Mạc hai vị chưa đến hai mươi, còn lưỡng hiệp thứ hai, thứ ba họ Du, lưỡng hiệp thứ tư, thứ năm họ Trương, trong võ lâm ai ai cũng biết cả. Hóa ra là Du tam hiệp, thảo nào công phu cao siêu đến thế. Võ Đang thất hiệp uy chấn thiên hạ, hôm nay được gặp, quả thực danh bất hư truyền.

Du Đại Nham tuy tuổi tác chưa lớn, nhưng lịch duyệt giang hồ đã nhiều, thấy y giở trò nịnh nọt, biết rằng chỉ vì muốn cầu mình giúp đỡ, trong lòng càng thêm chán ghét, hỏi lại:

- Lão trượng tôn tính đại danh là gì?

Ông già đáp:

- Tiểu lão nhi họ Đức, tên một chữ Thành. Bạn bè ở Liêu Đông tặng cho ta một cái ngoại hiệu, gọi là Hải Đông Thanh.

Hải đông thanh là tên của một giống chim ưng lớn ngoài Liêu Đông, hung ác lắm, chuyên bắt các con thú nhỏ để ăn, là một mãnh cầm trứ danh ở quan ngoại. Du Đại Nham chắp tay:

- Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu.

Nói rồi ngẩng đầu nhìn trời xem xét. Đức Thành biết chàng muốn đi, không đem đại lợi ra nhử sẽ không nhờ cứu mệnh mình được, nên nói:

- Ngươi không biết nghĩa sâu xa của câu "hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng". Tám chữ đó không phải chỉ là ai cầm thanh Đồ Long đao này mở miệng ra lệnh thì mọi người phải nghe theo. Không phải vậy, không phải vậy, nghĩ thế là hoàn toàn sai.

Y vừa nói tới đây, Du Đại Nham mặt hơi biến sắc, tay phải vẫy một cái, nghe một tiếng phụp nhỏ, ngọn nến trên bàn thần tượng tắt ngay, hạ giọng nói nhỏ:

- Có người đến đấy.

Đức Thành nội công so với chàng kém nhiều, nên không nghe thấy tiếng động nào, còn đang trù trừ, bỗng thấy từ xa có mấy tiếng còi, lại có người nói lao xao, chạy về phía miếu. Đức Thành hoảng sợ nói:

- Địch nhân đuổi tới rồi, mình mau mau theo lối sau chạy đi.

Du Đại Nham nói:

- Đằng sau cũng có người rồi.

Đức Thành nói:

- Chẳng biết…

Du Đại Nham nghe tiếng bước chân, biết đo là đám buôn muối vội vã đi lấy muối, liền nói:

- Đức lão trượng, bọn người đến đây là phái Hải Sa, ông nên hỏi họ thuốc giải độc. Tại hạ không muốn dây dưa vào chuyện này làm gì.

Đức Thành vươn tay trái ra chụp lấy cổ tay chàng, run run nói:

- Du tam hiệp, ông đừng bỏ tôi, đừng…

Du Đại Nham thấy năm ngón tay y lạnh như băng, bấu chặt vào da thịt mình, nên xoay cổ tay một cái, dùng nửa chiêu Cửu Chuyển Đơn Thành, vòng nửa vòng, đã thoát ra khỏi tay y.

Bấy giờ nghe tiếng chân người rầm rập, chạy đã đến bên ngoài miếu. Nghe bình một tiếng, có người đã đá toang cửa miếu, kế đó nghe tiếng loạt soạt, trong đêm tối có vật gì nho nhỏ ném vào. Du Đại Nham rụt người, nhảy vào sau tượng hải thần bồ tát. Chỉ nghe Đức Thành "A" lên một tiếng nho nhỏ, lại nghe loạt soạt, ám khí đã trúng người y, rồi rơi xuống đất.

Ám khí đó hết lượt này đến lượt khác, liên tiếp ném vào không ngớt. Du Đại Nham nghĩ thầm:

- Đây là muối độc của phái Hải Sa.

Lại nghe thấy tiếng lách cách trên nóc nhà, đã có người nhảy lên gỡ ngói ra, lại ném độc diêm từ trên xuống.

Du Đại Nham đã thấy người áo trắng cùng Trường Bạch Tam Cầm bị trúng muối độc, người áo trắng tuy võ công cao cường như thế, nhưng vừa trúng độc đã phải kêu la thảm thiết bỏ chạy ngay, đủ biết loại này lợi hại như thế nào. Trong cái miếu nhỏ, độc diêm bay tứ tán, biết rằng chỉ trong giây lát, không thể nào không trúng mình, trong tình hình nguy cấp, chàng liền đấm mấy cái vỡ lưng pho tượng, co mình chui vào nằm bên trong bụng, lập tức thành một cái áo dày bằng đất, muối độc tuy nhiều, nhưng không sao trúng chàng được.

Chỉ nghe bên ngoài người của phái Hải Sa bắt đầu bàn bạc với nhau:

- Tên đó không nghe tiếng gì, chắc mê man rồi.

- Tên trẻ tuổi kia tay chân đáng ngại lắm, chi bằng chờ thêm một chốc, việc gì phải gấp gáp?

- Sợ rằng gã đã đi mất đâu rồi không còn trong hải thần miếu nữa.

Chỉ nghe một người kêu lên:

- Này, tên chó chết kia, mau mau ra đầu hàng đi.

Trong khi đang hỗn loạn, bỗng nghe từ xa có tiếng vó ngựa, chừng mươi con khoái mã ở đâu chạy tới. Trong tiếng chân ngựa, bỗng nghe có người lớn tiếng nói:

- Nhật nguyệt quang chiếu, đằng phi thiên ưng.

Người phái Hải Sa ở bên ngoài miếu lập tức im lặng không một tiếng động, một lát sau, có tiếng run run:

- Đây là Thiên… Thiên Ưng giáo, bọn mình chạy mau…

Nói chưa dứt lời, vó ngựa đã ngừng ngay trước miếu. Phái Hải Sa có người rụt rè:

- Chạy không kịp đâu.

Tiếp theo có người nói lớn:

- Giơ hai tay lên! Ai không sợ chết thì vung muối độc ra! Vài người các ngươi mau đem toàn bộ muối độc trong miếu ném ra!

Thanh âm giống như là một người đi đường hét lên. Nghe thấy tiếng chân rầm rập, mấy người đã chạy vào trong miếu. Du Đại Nham ẩn bên trong bụng pho tượng, thấy hình như có ánh sáng, đoán chừng người đi vào mang theo đèn lồng. Một lát sau, có người hỏi:

- Tất cả giơ hay tay lên đỉnh đầu, người nào tát muối độc thì ăn một mũi tên của ta. Các ngươi có biết bọn ta là ai không?

Trong phái Hải Sa có mấy người cùng đáp:

- Biết, biết, các vị là bằng hữu trong Thiên Ưng giáo.

Người kia lại nói:

- Vị này là Thiên Thị Đường Lý đường chủ trong Thiên Ưng giáo. Lão nhân gia lâu nay không ra ngoài, hôm nay các ngươi vận số may mắn lắm, mới gặp được. Lý đường chủ hỏi các ngươi, Đồ Long đao ở đâu, mau mau đưa ra, Lý đường chủ mở lòng từ bi, bọn ngươi sẽ không mất mạng.

Nghe thấy một người trong phái Hải Sa đáp:

- Chính y… y ăn trộm đem ra đây, chúng tôi đuổi vừa tới, Lý… đường chủ…

Người của Thiên Ưng giáo lại nói:

- Hừm, thanh đao Đồ Long đâu?

Câu hỏi đó hiển nhiên là hỏi Đức Thành. Đức Thành không trả lời, bỗng nghe một tiếng huỵch, có người ngã xuống đất. Mấy người khác kêu lên:

- Ối chà!

Người Thiên Ưng giáo nói:

- Y chết rồi, mau tra xét trong người y xem.

Lại nghe có tiếng áo quần loạt soạt, tiếng thân người lật qua lại. Người của Thiên Ưng giáo nói:

- Bẩm báo đường chủ, trong thân gã này không có gì lạ.

Tên đầu lĩnh của phái Hải Sa run run nói:

- Lý đường… đường chủ, rõ ràng là gã này ăn trộm bảo đao… chính y…, chúng tôi quyết không dám dấu diếm…

Nghe giọng của y, hiển nhiên y bị nhãn quang của Lý đường chủ uy hiếp, sợ quá nên không còn hồn vía nào. Du Đại Nham nghĩ thầm: "Thanh đao đó rõ ràng Đức Thành ôm ở trong tay, sao lại không thấy nhỉ?". Chỉ thấy gã trong Thiên Ưng giáo nói tiếp:

- Các ngươi nói là y ăn trộm thanh đao đem ra đây, sao không thấy đâu cả? Chắc là chúng bay đã lén dấu đi rồi. Nếu đã thế thì ai nói thật ra, Lý đường chủ sẽ tha cho người đó. Trong cả bọn các ngươi, chỉ một người được sống thôi, ai nói trước, người đó khỏi chết.

Trong miếu lặng yên, một hồi sau, tên đầu lĩnh phái Hải Sa mới nói:

- Lý đường chủ, quả thật chúng tôi không biết, nếu như Thiên Ưng giáo đã đòi, chúng tôi đâu dám giữ…

Lý đường chủ chỉ hừ một tiếng, không trả lời. Gã hạ thuộc lại nói:

- Ai trả lời trước, người đó được sống.

Lại thêm một lát nữa, trong phái Hải Sa không ai nói gì. Bỗng nhiên một người kêu lên:

- Chúng tôi tới trước để đoạt đao, nhưng còn đứng bên ngoài chưa vào, các ông đã đến rồi. Chính các ông Thiên Ưng giáo vào trong miếu trước, làm sao chúng tôi có đao được? Nếu các ông không tin, đằng nào cũng chết, hôm nay quyết thí mạng. Vật đó có phải của Thiên Ưng giáo đâu, sao lại ép uổng bá đạo, xem ra…

Nói chưa dứt lời, nghe một tiếng bịch, hình như y đã chết rồi. Lại nghe một người run rẩy đáp:

- Có một tên chừng ba mươi tuổi, cứu lão già này ra, người đó khinh công rất cao, bây giờ không biết đi đâu, bảo đao có lẽ y cướp đi rồi.

Lý đường chủ nói:

- Xét trên người bọn chúng xem sao.

Mấy người cùng lên tiếng đáp, chỉ nghe thấy trong điện có tiếng sột soạt, có lẽ là tiếng động do bọn Thiên Ưng giáo đang xét người phái Hải Sa. Lý đường chủ nói:

- Có lẽ gã đó lấy mất thật rồi. Thôi mình đi.

Lại nghe thấy tiếng bước chân bọn người Thiên Ưng giáo ra khỏi miếu, rồi nghe tiếng vó ngựa đi về phía đông bắc mỗi lúc một xa hơn. Du Đại Nham không muốn ẩn thân trong bụng thần tượng chật hẹp này lâu hơn nữa, chỉ chờ phái Hải Sa đi khỏi là chui ra. Thế nhưng một lúc lâu sau vẫn không nghe động tĩnh gì, tưởng chừng cả bọn phái Hải Sa bỗng dưng biến mất. Chàng từ sau thần tượng thò đầu ra thăm dò, thấy hơn hai chục tên diêm kiêu đứng sừng sững không động đậy, có lẽ đã bị người ta điểm trúng huyệt đạo.

Chàng từ trong bụng tượng đất nhảy ra, lúc ấy những ngọn đuốc dưới đất cũng còn cháy lập lòe nên bên trong miếu vẫn còn sáng, nhưng Du Đại Nham thấy những người của phái Hải Sa mặt mày thật dễ sợ, nghĩ thầm:

- Nghe nói Thiên Ưng giáo là giáo phái mới nổi ở Giang Nam. Bọn phái Hải Sa vốn dĩ cũng đâu phải hiền lành gì, sao vừa gặp người của Thiên Ưng giáo đã bị trói chân trói tay, quả thực đúng là vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn.

Chàng thò tay vỗ vào huyệt Hoa Cái của người đứng kế bên để giải huyệt cho y.

Nào ngờ chàng dùng lực khá mạnh nhưng người đó vẫn đứng trơ trơ, vội đưa tay thăm mũi y thì không còn thở nữa, hóa ra đã bị điểm vào tử huyệt. Chàng đi soát quanh một vòng, hơn hai chục người của phái Hải Sa đều chết đứng. Du Đại Nham vừa kinh hoàng, vừa nghi ngại: "Khi Thiên Ưng giáo hạ độc, không thấy tiếng động gì cả, thủ pháp đó quả thực quái dị âm độc".

Du Đại Nham thấy mặt đất đầy những muối độc trắng xóa như tuyết, nghĩ thầm: "Sớm muộn gì cũng có dân chúng vào đây, vô tình không biết thể nào cũng bị tai ương. Dọn dẹp muối độc và chôn cất những xác chết này quả thực khó khăn, chi bằng đốt luôn cái miếu hải thần này cho khỏi hậu họa". Chỉ thấy hơn hai mươi người chết đứng đầy trong điện, hình dáng thật là kỳ bí, lại thấy bên cạnh bàn thờ có một người phủ phục, trên lưng có vết máu chảy. Du Đại Nham hơi kỳ quái, nắm cổ áo người đó định kéo ra xem, thấy khác thường đến nỗi đẩy chàng ngã về phía trước. Chàng tự hỏi sao thân hình y cũng chỉ bình bình, không to béo gì, sao lại nặng nề như thế?

Nhìn kỹ hơn, thấy trên lưng y có một vết thương dài, Du Đại Nham đưa tay vào vết thương xem thử, thấy lạnh như băng, lôi ra một thanh đao, nặng ít nhất cũng phải hơn một trăm cân. Đó chính là đao Đồ Long mà bao nhiêu người tranh đoạt đến mất mạng. Chàng chỉ suy nghĩ một tí biết ngay nguyên do: Đức Thành khi sắp chết đã cả đao lẫn người ngã xuống, chém ngay vào lưng một tên diêm kiêu phái Hải Sa. Thanh đao đó vừa nặng vừa sắc bén, chỉ rơi xuống đã đâm lút vào trong cơ thể. Thiên Ưng giáo khi tra xét người bọn phái Hải Sa đã không tìm thấy.

Du Đại Nham kéo tấm khăn trải bàn lau vết máu trên đao, chống đao đứng nhìn bốn bề, cảm thấy bâng khuâng, nghĩ thầm: "Con đao này có thực sự là võ lâm chí bảo hay không, khó mà biết được, nhưng xem ra là một vật chẳng lành, Hải Đông Thanh Đức Thành cùng bao nhiêu người của phái Hải Sa cũng vì nó mà táng mạng. Trước mắt chỉ còn cách đem về trình cho sư phụ để xem lão nhân gia định đoạt thế nào".

Nghĩ thế chàng nhặt một mồi lửa dưới đất châm lên mái nhà, đợi đến lúc lửa đã bén lên mới ra khỏi miếu. Chàng lau sạch thanh Đồ Long đao, bên ánh lửa xem lại cho kỹ. Thanh đao đó đen sì, chẳng phải sắt cũng không phải vàng, không biết bằng kim loại gì, trước đã bị Trường Bạch Tam Cầm nung như thế nhưng không hề suy suyển, quả là dị vật. Du Đại Nham lại nghĩ: "Thanh đao này nặng nề như thế khi đối địch làm sao có thể thi triển chiêu thức? Quan vương gia thần lực hơn người, nhưng Thanh Long Yển Nguyệt đao cũng chỉ nặng tám mươi mốt cân, hơn nữa lại sử bằng hai tay". Nguồn tại http://truyenyy[.c]om

Chàng gói đao vào bọc, hướng về phía thi thể Đức Thành khấn thầm:

- Đức lão trượng, tôi không phải là tham thanh đao này, nhưng đao này là một dị vật trong thiên hạ, nếu rơi vào tay kẻ ác, có khác gì hùm thêm cánh, ắt là di họa cho người đời. Sư phụ tôi vốn là người chí công, lão nhân gia ắt sẽ có cách xử trí cho tốt đẹp.

Chàng buộc bao lên lưng, rảo bước về hướng bắc, chỉ trong nửa tiếng đã đến bờ sông. Dưới ánh trăng mờ, mặt nước long lanh, lấp loáng tưởng như sao rụng đầy sông. Chàng nhìn quanh một vòng không thấy một bóng thuyền nào. Nước sông xuôi về hướng nam, chàng đi theo dòng độ chừng một bữa cơm, thấy trước mặt có ánh đèn lấp lánh, một chiếc thuyền chài đậu cách bờ chừng vài trượng đang giăng câu. Du Đại Nham kêu lớn:

- Bác đánh cá ơi, làm ơn giúp tôi qua sông, tôi xin hậu tạ.

Thế nhưng chiếc thuyền đó cách bờ quá xa, người trên thuyền dường như không nghe thấy, nên không động tĩnh gì. Du Đại Nham hít một hơi, vận sức kêu lên, tiếng chàng vang ra thật xa.

Một lúc sau, bỗng thấy từ trên thượng lưu một chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng, ghé vào bờ. Người lái đò kêu lên:

- Khách quan muốn qua sông phải không?

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/y-thien-do-long-ky/chuong-14/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận