Ỷ Thiên Đồ Long Ký Hồi 195

Trương Vô Kỵ nghe kỹ tiếng bước chân lên cầu thang, quả nhiên hai người đó võ công thật cao cường. Hai người đó vừa lên đến bậc cuối, nghe lạch cạch rào rào một loạt, tất cả các bang chúng Cái Bang đều đứng lên. Tạ Tốn giơ tay ra hiệu, ba người cũng đứng lên nghênh đón. Ba người ngồi trong một góc nhỏ, khi tất cả mọi người đều ngồi thì cũng không có gì lạ nhưng khi tất cả đứng lên ba người vẫn ngồi yên bất động thì e rằng sẽ loạn lên ngay.

Trương Vô Kỵ thấy một người thân hình tầm thước, tướng mạo thanh tú, ba chòm râu dài, ngoài việc ăn mặc theo lối ăn mày ra, thần tình dáng điệu chẳng khác gì một nhà nho chưa đỗ đạt. Người đi sau mặt bành bành, râu xồm vểnh ra, tướng mạo cực kỳ hung mãnh, nếu như đen thêm một chút thì thật chẳng khác gì Chu Thương, người cầm đại đao đứng bên cạnh Quan Công.

Hai người đó tuổi đều khoảng trên năm mươi, râu cũng đã lốm đốm bạc, trên lưng mang đến chín cái túi vải. Chín cái bị đó chẳng qua chỉ để chứng tỏ thân phận của họ mà thôi vì rất nhỏ, khó có thể đựng gì được.

Trương Vô Kỵ trong bụng nghĩ thầm: "Cái Bang vẫn được coi là bang lớn nhất trên giang hồ, ta từng nghe thái sư phụ nói rằng, ngày xưa bang chủ Cái Bang là Hồng Thất Công nhân hiệp trượng nghĩa, võ công cao siêu, dù trong bạch đạo hay hắc đạo cũng đều kính phục. Về sau Hoàng bang chủ, Gia Luật bang chủ cũng đều là những nhân vật tài ba hơn người, nhưng mấy chục năm nay không có ai chủ trì thành thử thanh vọng kém trước kia xa. Bang chủ hiện nay Sử Hỏa Long rất ít xuất hiện trên giang hồ, không biết người đó ra sao. Hai người này trên lưng đeo đến chín cái bị, trong Cái Bang trừ bang chủ ra, họ là người cao cấp nhất. Hôm trước trên đảo Linh Xà, những người trong Cái Bang toan cướp bảo đao Đồ Long của nghĩa phụ không biết có liên quan gì đến hai người này không?".

Kỳ này đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên bị Triệu Mẫn ăn trộm rồi nhưng sáu tấm thánh hỏa lệnh vẫn còn ở trong bọc của Vô Kỵ, không bị mất, có lẽ vì Triệu Mẫn e ngại võ công chàng quá cao siêu, sợ sau khi trúng phải Thập Hương Nhuyễn Cân Tán bản lãnh vẫn còn nên không dám mò vào trong túi chàng. Trương Vô Kỵ lúc này thấy người của Cái Bang đông đảo không dám xem thường, đưa tay vào bọc sờ sáu tấm lệnh bài.

Hai người cửu đại trưởng lão kia liền đi tới một chiếc bàn lớn ngay chính giữa ngồi xuống đó. Bọn người Cái Bang lục tục ngồi xuống, bắt đầu ăn uống, thò tay bốc đồ ăn, bưng tô lên húp canh, thật là hỗn tạp. Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn chăm chú nghe xem hai người trưởng lão chín túi kia nói gì. Ngờ đâu họ chỉ ăn cơm uống rượu, trừ những câu thù tạc kiểu như "mời bác một chén" hay "thịt bò này thật ngon" ra không hề nói gì đến việc chính cả.

Đến khi hai gã đầu lĩnh kia ăn uống xong xuôi xuống lầu rồi, bọn người Cái Bang cũng đều cơm no rượu say, lần lượt đi cả. Tạ Tốn đợi bọn ăn mày đi hết mới nói nhỏ:

- Vô Kỵ, con thấy sao?

Trương Vô Kỵ nói:

- Người của Cái Bang tụ hội nơi đây rất đông, nhất định không phải chỉ gặp nhau ăn nhậu một phen rồi thôi. Con đoán rằng buổi tối họ thể nào cũng tụ tập tại một nơi vắng vẻ bàn chuyện chính.

Tạ Tốn gật đầu:

- Ắt là như thế. Cái Bang xưa nay vẫn đối địch với bản giáo, lên đốt Quang Minh Đỉnh có bọn này dự phần vào, lại còn sai người đến toan cướp đao Đồ Long của ta. Mình phải làm sao thám thính cho rõ ràng, xem họ có toan tính gian kế gì với bản giáo chăng.

Ba người xuống lầu đến trả tiền cho chưởng quỹ. Chưởng quỹ hết sức ngạc nhiên, nói sao cũng không dám nhận. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Cái Bang làm loạn khiến hàng quán tửu lâu phải sợ đến thế, ăn uống không phải trả tiền. Chỉ một điểm đó thôi cũng đủ biết ngày thường bọn chúng hoành hành không còn coi vương pháp là gì".

Ba người kiếm một tiểu khách điếm để nghỉ ngơi. Tuy trong thị trấn ăn mày rất nhiều nhưng xưa nay ăn mày có ở khách điếm bao giờ đâu nên họ không gặp một nhân vật Cái Bang nào. Tạ Tốn nói:

- Vô Kỵ, ta mắt không nhìn được, đi thám thính tin tức thật là bất tiện, còn Chỉ Nhược võ công không cao, có đi theo con cũng chẳng giúp được gì, thôi con chịu khó đi một mình là hơn cả.

Trương Vô Kỵ đáp:

- Chính là như thế.

Chàng ở trong khách điếm nghỉ ngơi rồi đi ra. Thế nhưng trong thị trấn chàng đi suốt cả các con đường từ nam chí bắc không gặp một đệ tử Cái Bang nào cả. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Sao chỉ chưa đầy nửa giờ mà các đệ tử Cái Bang không còn một ai, chắc họ đi chưa xa đâu". Chàng bèn đi vào một tiệm bán đồ tạp hóa, trợn mắt lên, đấm mạnh xuống mặt quầy một cái, quát lớn:

- Này chưởng quỹ, các anh em ta đi về hướng nào thế?

Các người trong tiệm thấy bộ dạng chàng thật là hung thần ác sát, tưởng là một tên ăn mày dữ tợn trong Cái Bang, ai nấy đều khiếp sợ mất vía, trong đó có một tên liều lĩnh nhất chỉ về hướng bắc, cười cầu tài nói:

- Các bằng hữu trong quý bang đều đi về hướng này. Đại gia uống chén trà nhé?

Trương Vô Kỵ quát:

- Không uống. Ai thèm uống thứ trà thổ tả của chúng bay?

Chàng quay mình hung hăng đi về hướng bắc, trong bụng cười thầm. Chàng đi ra khỏi thị trấn không xa, thấy bên trái con đường có bóng người thấp thoáng trong đám cỏ, một tên đệ tử Cái Bang thò đầu lên, xem bộ dạng dường như toan quát hỏi chuyện gì. Trương Vô Kỵ gia tăng cước bộ, chạy vụt qua. Tên đệ tử Cái Bang giơ tay dụi mắt, tưởng mình mắt hoa, sao vừa thấy có bóng người, trong chớp mắt đã không còn thấy đâu nữa.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm đường đi Cái Bang ắt bố trí người canh gác, giới bị sâm nghiêm nên liền thi triển khinh công, nhắm hướng bắc mà chạy. Những đệ tử Cái Bang bố trí canh phòng tại các gốc cây, bụi cỏ, khe núi, hốc đá không người nào thoát khỏi cặp mắt chàng, lại hóa thành các dấu chỉ đường đến mục tiêu. Chạy đến bốn năm dặm đường thì thấy cứ năm ba bước lại có một người đứng gác, mỗi lúc một dầy. Những người này tuy võ công không cao nhưng ở vào lúc thanh thiên bạch nhật mà tránh được hết không để họ nhìn thấy thực không phải dễ. Sau cùng chàng đành bỏ đường cái chạy loanh quanh lòng vòng đi tới.

Trước mắt thấy một con đường mòn đi về hướng một toàn miếu lớn nằm ở lưng chừng núi, liệu chừng bọn ăn mày chắc tụ tập nơi đây, chàng liền đề khí chạy tới góc đông bắc, rồi lại vòng qua hướng tây, qua khỏi tên ăn mày đứng gác lẻn đến bên hông miếu. Chỉ thấy ở đằng trước có một tấm biển trên đề bốn chữ lớn Di Lặc Phật Miếu, miếu mạo trang nghiêm thật là hùng vĩ. Minh giáo khởi nghĩa ở các nơi, nhiều nơi lấy khẩu hiệu "Phật Di Lặc xuất thế", cũng có khi coi Phật Di Lặc làm minh vương, bởi vậy khi Trương Vô Kỵ nhìn thấy Di Lặc Phật Miếu liền có cảm giác thân thiết.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Kỳ này những nhân vật trọng yếu trong Cái Bang đến không phải là ít, nếu như ta trà trộn vào trong bọn chúng thể nào cũng bị phát giác". Chàng nhìn quanh bốn bề, thấy đằng trước đại điện phía bên trái có một cây cổ tùng, bên phía phải có một cây lão bách, hai cây đó cao sừng sững vọt lên hơn mái nhiều, cành lá xum xuê, có thể ẩn thân được. Chàng vòng qua sau điện, phi thân lên trên mái nhà, bò lần đến bên hiên nhẹ nhàng nhảy lên, như một làn khói vào trên đỉnh cây tùng, từ một cành lớn nhìn xuống, kêu thầm: "May quá", thấy dưới điện trống trải có thể nhìn khắp lượt.

Dưới đại điện ngồi la liệt bang chúng Cái Bang, ít ra cũng phải hơn ba trăm người. Tất cả bọn họ đều ngồi quay vào trong, thành ra khi chàng nhảy lên cây không ai hay biết. Bên trong điện trải năm chiếc bồ đoàn còn để trống chưa có ai, hiển nhiên đang chờ ai đó. Trong điện tuy ngồi đến ba bốn trăm người nhưng không một tiếng động, khác hẳn khi ồn ào tranh ăn tại tửu lâu. Chàng nghĩ thầm: "Cái Bang danh tiếng mấy trăm năm qua, gần đây tuy có suy đồi nhưng những quy củ đời trước vẫn còn được ít nhiều. Việc hỗn loạn khi ngồi ăn uống nơi quán rượu chẳng qua chỉ là thói quen thường ngày. Xem ra các trưởng lão trong bang ước thúc bang chúng, chấp pháp thật là nghiêm cẩn".

Ngay chính giữa đại điện là một pho tượng Phật Di Lặc, phanh ngực để lộ cái bụng phệ, miệng cười toe toét trông thật hiền hòa dễ thân cận. Trương Vô Kỵ còn đang tính toán đánh giá bỗng nghe trong điện một người hô lên:

- Chưởng Bát long đầu đến.

Tất cả bọn ăn mày liền đứng lên. Gã trưởng lão chín túi trông như một nhà nho kia tay cầm một chiếc bát mẻ, từ sau điện từ từ đi ra, đứng ở phía bên phải. Người kia lại hô tiếp:

- Chưởng Bổng long đầu đến.

Gã trưởng lão chín túi hình dáng như Chu Thương kia hai tay bưng một chiếc gậy sắt, hùng dũng đi ra, đứng vào phía bên trái. Người đó lại hô tiếp:

- Chấp Pháp trưởng lão đến.

Một người ăn mày già thân hình bé nhỏ đi ra, tay cầm một mảnh trúc vỡ, bước chân nhẹ nhàng, khi đi không có chút bụi nào bay lên. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Người này khinh công cao cường thật, chỉ kém Vi Bức Vương một chút thôi". Lại có người hô to:

- Truyền Công trưởng lão đến.

Lần này một người ăn mày già râu tóc bạc phơ đi ra, hai tay không, xem thân hình bộ pháp có vẻ võ công rất cao. Bốn lão ăn mày già kéo bốn chiếc bồ đoàn lùi lại phía sau, chỉ còn lại một chiếc duy nhất nơi chính giữa, cùng khom lưng cất tiếng:

- Xin mời đại giá bang chủ.

Trương Vô Kỵ trong bụng hơi chấn động: "Nghe nói bang chủ Cái Bang là Kim Ngân Chưởng Sử Hỏa Long, không biết là loại người ra sao?".

Trong đại điện tất cả các ăn mày đều cúi mình, một lúc sau từ sau bức bình phong có tiếng chân người, một đại hán hùng dũng đi ra. Y thân thể phải cao đến hơn sáu thước, cực kỳ to lớn, mặt mày hồng hào, trông ra dáng một đại quan thân hào, đến giữa đại điện, đứng chắp tay sau lưng. Quần cái cùng hô lên:

- Tọa hạ đệ tử, tham kiến bang chủ đại giá.

Gã bang chủ Cái Bang Sử Hỏa Long kia liền xua tay nói:

- Miễn lễ. Các huynh đệ khỏe cả chứ?

Cả bọn ăn mày cùng đáp:

- Bang chủ an hảo.

Đợi cho Sử Hỏa Long chễm chệ trên cái bồ đoàn chính giữa rồi, cả bọn mới trước sau ngồi xuống. Sử Hỏa Long quay sang nói với Chưởng Bát long đầu:

- Ông huynh đệ, ngươi đem chuyện Kim Mao Sư Vương và đao Đồ Long nói cho tất cả cùng nghe.

Trương Vô Kỵ nghe nói đến "Kim Mao Sư Vương và đao Đồ Long", trong lòng xúc động, vội để hết tâm nghe ngóng. Chưởng Bát long đầu đứng lên, quay sang cúi chào bang chủ rồi đứng thẳng trở lại nói:

- Này các anh em, ma giáo và bản bang hai bên tranh đấu đã sáu chục năm qua, tích oán thật là nhiều. Gần đây ma giáo lập một tân giáo chủ tên là Trương Vô Kỵ. Trong chúng ta có người tham dự chiến dịch vây đánh Quang Minh Đỉnh từng thấy đó chỉ là một thanh niên ngốc nghếch chẳng hiểu biết gì. Cái thứ trẻ con miệng còn hôi sữa, chim chửa ra ràng như thế làm được việc gì? Sao có thể kháng cự với một người hùng tài vĩ lược như Sử bang chủ của bản bang?

Bọn ăn mày cùng vỗ tay reo hò vang dậy, còn Sử Hỏa Long mặt mày nhơn nhơn ra chiều đắc ý. Chưởng Bát long đầu nói tiếp:

- Có điều lập tân giáo chủ rồi, cục diện vốn dĩ tứ phân ngũ liệt, tàn sát lẫn nhau của ma giáo liền đổi thay, trở thành một mối lo tâm phúc đại họa của bản bang. Gần một năm nay, các ma đầu của ma giáo nổi lên khắp nơi, một giải Hoài Tứ có Hàn Sơn Đồng, Chu Nguyên Chương, một giải Lưỡng Hồ có bọn Từ Thọ Huy, liên tiếp đánh bại Nguyên binh, chiếm được rất nhiều đất đai, phải nói là cũng đã lớn lao lắm. Hơn nữa Chu Nguyên Chương binh lực cường thịnh, rất được lòng dân, thanh thế hiện tại thật không nhỏ. Nếu như bọn chúng thành được đại sự, đuổi được quân Thát tử, chiếm lấy thiên hạ, thì lúc đó mấy chục vạn anh em bản bang, thật quả chết không có đất mà chôn.

Cả bọn ăn mày giận dữ gào lên:

- Quyết không để cho chúng thành công.

- Cái Bang thề sống chết tới cùng với bọn ma giáo.

- Ma giáo nếu chiếm được thiên hạ thì anh em mình sống sao cho nổi?

- Đánh Thát tử thì ai cũng muốn nhưng quyết không để cho giáo chủ ma giáo lên ngôi hoàng đế.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Không ngờ mình ở hải ngoại mới có vài tháng, anh em đã làm được nhiều chuyện đến thế. Cái Bang lo lắng không phải là không có lý do. Cái Bang nhân chúng đông đảo, trong bang hào kiệt cũng không phải là ít, nếu được liên thủ cùng với họ kháng Nguyên, đại sự sẽ dễ dàng hơn nhiều. Việc như thế này làm cách nào cùng họ bỏ hết hiềm xưa, biến địch thành bạn?".

Chưởng Bát long đầu đợi cho tiếng la ó của các bang chúng dịu xuống mới nói tiếp:

- Sử bang chủ trước nay vốn ở Liên Hoa sơn trang tĩnh dưỡng, đã lâu không bước chân vào giang hồ nhưng nay gặp chuyện đại sự không thể không đứng ra chủ trì. Cũng thật đúng là trời phù hộ cho chúng ta, trưởng lão tám túi Trần Hữu Lượng làm quen được với một đệ tử phái Võ Đang, biết được một tin hết sức quan trọng.

Y cao giọng gọi lớn:

- Trần trưởng lão.

Phía sau tường có người đáp lời:

- Có đây.

Hai người dắt tay nhau đi ra. Một người chừng độ ba mươi tuổi, thần tình láu lỉnh, chính là người Tạ Tốn đã tha mạng trên đảo Linh Xà. Còn người kia chừng hăm bảy, hăm tám, tướng mạo tuấn tú, chính là Tống Thanh Thư, con trai của Tống Viễn Kiều.

Khi Trương Vô Kỵ nghe nói "Trần Hữu Lượng làm quen được với một đệ tử phái Võ Đang", tin chắc chỉ là một đệ tử tầm thường nào đó của sư bá sư thúc, không ngờ lại là người số một trong đệ tử đời thứ ba, nghĩ thầm: "Tống sư ca vì cớ gì lại dây dưa với đám ăn mày này?". Nhưng chàng lại nghĩ ngay: "Phái Võ Đang và Cái Bang vốn cùng phe hiệp nghĩa, hai bên giao hảo cũng không có gì là lạ".

Trần Hữu Lượng và Tống Thanh Thư trước hết hành lễ với Sử Hỏa Long, sau đó quay sang vái chào Truyền Công, Chấp Pháp hai trưởng lão, Chưởng Bát, Chưởng Bổng hai long đầu, cuối cùng vòng tay ôm quyền chào tất cả bọn ăn mày ngồi ở dưới. Chưởng Bát long đầu nói:

- Trần trưởng lão, ngươi đem mọi việc từ đầu chí cuối kể cho tất cả các anh em nghe.

Trần Hữu Lượng nắm tay Tống Thanh Thư nói:

- Tất cả các anh em, vị Tống Thanh Thư Tống thiếu hiệp đây, là công tử của Tống Viễn Kiều Tống đại hiệp, người kế thừa chức chưởng môn của phái Võ Đang trong tương lai còn vào ai khác được nữa. Gã ma giáo giáo chủ Trương Vô Kỵ có thể nói là sư đệ của Tống thiếu hiệp. Mấy tháng trước đây, Tống thiếu hiệp có nói cho tôi hay, đại ma đầu của ma giáo là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đã về đảo Linh Xà ngoài biển Đông…

Chấp Pháp trưởng lão liền xen vào:

- Người trong võ lâm hết sức ra công truy tìm Kim Mao Sư Vương, hai mươi năm nay không ai biết được y ở đâu, sao Tống thiếu hiệp đột nhiên biết được? Lão phu mong được thỉnh giáo. Nguồn tại http://truyenyy[.c]om

Trương Vô Kỵ trong lòng vẫn mang một nỗi nghi vấn: "Tử Sam Long Vương từ nơi cha con Võ Liệt mà biết được nơi ở của nghĩa phụ ta nên lên đón ông ta xuôi Nam về đảo Linh Xà, việc này cực kỳ kín đáo, làm sao người trong Cái Bang lại biết được, nên đã sai người lên trên đảo đoạt đao?". Việc đó chàng đã cùng Tạ Tốn bàn thảo mấy lần nhưng vẫn không sao tìm ra lý lẽ, bây giờ nghe Chấp Pháp trưởng lão hỏi đến nên càng chú tâm nghe.

Trần Hữu Lượng nói:

- May nhờ hồng phúc bang chủ, cái duyên đó thật cực kỳ khéo léo. Ở biển Đông có một người tên là Kim Hoa bà bà không hiểu vì sao biết được tung tích của Tạ Tốn. Lão bà bà này sinh trưởng trên biển cả, thuần thục việc tàu bè, nên đã tìm ra được hòn đảo hoang nơi Tạ Tốn ở miền cực bắc đón y về đảo Linh Xà. Trên đảo Linh Xà đó có cầm tù hai cha con tên là Võ Liệt, Võ Thanh Anh là truyền nhân của một phái võ học Đoàn Nam Đế nước Đại Lý. Hai cha con thừa cơ Kim Hoa bà bà trở về Trung Nguyên, giết kẻ cai ngục chạy trốn, đến Sơn Đông bị nguy nan may được Tống thiếu hiệp cứu thoát, nên nói cho nghe mọi chuyện, thành ra Tống thiếu hiệp mới biết được tung tích của Tạ Tốn.

Chấp Pháp trưởng lão gật đầu:

- Ồ, thì ra là thế.

Trong lòng Trương Vô Kỵ cũng tự nhủ thầm: "Cha con Võ Liệt không phải là người đàng hoàng tử tế, năm xưa Chu Trường Linh và y hai người khổ tâm bày mưu kế để dụ cho ta nói ra chỗ ở của nghĩa phụ. Nhưng cũng may là Tử Sam Long Vương biết được chỗ ở của nghĩa phụ ta, đời nay nói đến bơi lội và thông thạo hàng hải, có lẽ ít ai hơn được Tử Sam Long Vương, nếu không phải do bà ta ra công, trên biển cả mênh mông, ai đủ bản lãnh để kiếm cho được Băng Hỏa đảo? Nếu như cha mẹ ta sống lại, cũng chưa chắc làm được, đủ biết trong chốn mờ mịt kia cũng có ý trời sắp đặt".

Trần Hữu Lượng nói tiếp:

- Huynh đệ và Tống thiếu hiệp giao tình sống chết có nhau, được tin đó, lập tức cùng Quý, Trịnh hai trưởng lão tám túi, cùng bốn đệ tử bảy túi, lập tức tìm đến đảo Linh Xà ý định bắt sống Tạ Tốn, đoạt lấy thanh đao Đồ Long hiến cấp bang chủ. Nào ngờ ma giáo đại đội nhân mã đã đến đảo Linh Xà rồi. Tuy bọn chúng tôi hết sức tử chiến nhưng ít không chống nổi số đông, Quý trưởng lão và bốn đệ tử bảy túi vì bang tuẫn nạn. Tình hình chiến đấu trên đảo Linh Xà thế nào, xin Trịnh trưởng lão bẩm lại với bang chủ.

Gã Trịnh trưởng lão thân thể tàn phế kia liền ở trong đám người đứng dậy, kể lại Minh giáo và Cái Bang giao chiến thế nào trên đảo Linh Xà. Y không nói người của Cái Bang vây đánh Tạ Tốn, mà lại bảo là người của Minh giáo thật đông, bọn họ chỉ có mấy người nhưng anh dũng chống trả, sau cùng Trần Hữu Lượng xả thân vì đại nghĩa cứu tính mạng y. Giọng y thật là khẳng khái hiên ngang, nước bọt văng tung tóe, nói Tạ Tốn bị chính khí của Trần Hữu Lượng làm cho khuất phục, thành ra không dám động thủ.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/y-thien-do-long-ky/chuong-195/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận