Ỷ Thiên Đồ Long Ký Hồi 69: Châm kì cao hề dược kì hoang

Hồ Thanh Ngưu vừa cầm cổ tay Trương Vô Kỵ, thấy mạch của thằng nhỏ đập rất lạ lùng, không khỏi kinh hãi, vội ngưng thần xem xét, nghĩ thầm: "Hàn độc thằng bé này bị trúng thật là cổ quái, không lẽ Huyền Minh thần chưởng chăng? Chưởng pháp này thất truyền đã lâu, trên đời này đâu còn ai biết sử dụng". Lại nghĩ tiếp: "Nếu không phải là Huyền Minh thần chưởng, thì là cái gì? Âm hàn độc địa thế này, không có môn chưởng lực nào khác cả. Y trúng phải chưởng lực cũng đã lâu, sao vẫn chưa chết, cũng thật lạ kỳ. Đúng rồi, lão đạo Trương Tam Phong dùng nội lực thâm hậu của mình giúp nó sống lây lất, đến bây giờ âm độc đã lan vào khắp lục phủ ngũ tạng, bám sâu ở trong đó, chỉ có thần tiên mới cứu nó sống được thôi".

Nghĩ vậy y bỏ Trương Vô Kỵ trở lại trên ghế. Qua một lúc sau, Trương Vô Kỵ từ từ tỉnh lại, thấy Hồ Thanh Ngưu ngồi trước mặt, đăm đăm nhìn ngọn lửa trong lò nấu thuốc, xuất thần suy nghĩ, còn Thường Ngộ Xuân vẫn còn nằm ở bãi cỏ trước nhà. Ba người ba tâm sự khác nhau, chẳng ai nói một câu nào.

Hồ Thanh Ngưu cả đời mê say nghề thuốc, những chứng bệnh khó khăn tưởng như bó tay đến y đều chữa khỏi, nên mới được cái danh hiệu Y Tiên. Chữa bệnh mà được chữ tiên có nghĩa là kỹ thuật thần kỳ lắm, không phải người thường. Thế nhưng hàn độc của Huyền Minh thần chưởng, y trong đời chưa từng gặp qua, mà trúng rồi lại dây dưa mấy năm không chết đến khi hàn độc lan vào lục phủ ngũ tạng thì lại càng không thể có được. Y đã định không chữa cho Trương Vô Kỵ, nhưng khi gặp được cái chứng quái lạ, cả đời chưa chắc gặp này, có khác gì tửu đồ gặp rượu ngon, kẻ háu ăn ngửi mùi thịt, làm sao bỏ cho nổi?

Nghĩ ngợi một hồi lâu, sau cùng y nghĩ ra một cách: "Ta cứ chữa cho nó khỏi đã, sau đó sẽ giết nó đi". Thế nhưng muốn đuổi được hết âm độc trong ngũ tạng lục phủ ra, đâu phải dễ dàng. Hồ Thanh Ngưu suy nghĩ mấy tiếng đồng hồ, lấy ra mười hai miếng đồng nhỏ, vận nội lực cắm vào các huyệt Trung Cực ở dưới đan điền, Thiên Đột ở dưới cổ, Kiên Tỉnh ở trên vai… tổng cộng mười hai chỗ. Huyệt Trung Cực là điểm tụ hội của Túc Tam Âm và Nhâm Mạch. Thiên Đột thì là chổ gặp nhau của Âm Duy và Nhâm Mạch, còn Kiên Tỉnh thì là điểm hội tụ của Thủ Túc Thiếu Dương, Túc Dương Minh, Dương Duy. Mười hai miếng đồng đó cắm xuống rồi, mười hai kinh thường mạch và kỳ kinh bát mạch liền bị phân cách ra.

Trong cơ thể con người tâm, phế, tì, can, thận là ngũ tạng, thêm tâm bao sáu bộ phận đó thuộc âm; vị, đại trường, tiểu trường, đảm, bàng quang, tam tiêu là lục phủ, sáu bộ phận đó thuộc dương. Ngũ tạng lục phủ cộng thêm tâm bao gọi là thập nhị kinh thường mạch. Nhâm, Đốc, Xung, Đới, Âm Duy, Dương Duy, Âm Kiều, Dương Kiều tám mạch không thuộc các mạch chính kinh âm dương, không phối hợp biểu lý, đi theo những đường riêng, gọi là kỳ kinh bát mạch.

Sau khi các thường mạch và kỳ kinh trên thân thể Vô Kỵ cách biệt ra rồi, âm độc trong ngũ tạng lục phủ không còn thông được với nhau, Hồ Thanh Ngưu mới dùng ngải hơ hai huyệt Vân Môn, Trung Phủ trên đầu vai, sau đó lại hơ các huyệt Thiên Phủ, Hiệp Bạch, Xích Trạch, Khổng Tối, Liệt Khuyết, Kinh Cừ, Đại Uyên, Ngư Tế, Thiếu Thương từ cánh tay xuống đến ngón tay cái, mười một huyệt đó thuộc Thủ Thái Âm Phế Kinh cốt để tiêu giảm âm độc trong phổi của Vô Kỵ. Cách đó lấy nhiệt công hàn, khổ sở mà Trương Vô Kỵ phải chịu cũng chẳng kém gì lúc âm độc phát tác. Cứu xong Thủ Thái Âm Phế Kinh, tiếp đến Túc Dương Minh Vị Kinh, Thủ Quyết Âm Tâm Bao Kinh…

Khi ra tay, Hồ Thanh Ngưu chẳng cần để ý đến Trương Vô Kỵ có đau hay không, ông ta dùng ngải hơ đến nỗi toàn thân thằng bé chỗ nào cũng đen xì. Trương Vô Kỵ không tỏ ra yếu hèn, nghĩ thầm: "Chắc ngươi tưởng ta sẽ rên rỉ kêu la, ta nhất định không thèm xuýt xoa lấy một tiếng". Y tiếp tục nói chuyện với Hồ Thanh Ngưu về phương vị các huyệt đạo. Tuy y không thông y lý, nhưng nghĩa phụ Tạ Tốn đã từng truyền dạy phép điểm huyệt, giải huyệt, và thuật chuyển dịch huyệt đạo. Thành thử, các vị trí huyệt đạo y cũng rất tỏ tường. So với vị đương thế thần y này, kiến thức của Vô Kỵ về kinh mạch thật là thô thiển, nhưng có liên quan tới y lý chính là ngành mà Hồ Thanh Ngưu rất tâm đắc. Hồ Thanh Ngưu một mặt cứu ngải để rút chất độc trong cơ thể y ra, một mặt giảng giải thao thao bất tuyệt.

Trương Vô Kỵ nghe vào tai, mười phần thì chín phần chẳng hiểu chi cả, nhưng không dám để lộ là "Phái Võ Đang chúng tôi chẳng biết gì cả", thỉnh thoảng lại chêm một câu bình phẩm, cùng ông ta biện luận một hồi. Hồ Thanh Ngưu lại càng xiển thuật, đến khi biết ra "thằng nhãi này thực ra có biết gì đâu, chỉ nói năng lăng nhăng" thì cũng đã mất bao nhiêu là nước bọt. Thế nhưng ở chỗ thâm sơn cùng cốc như thế này, trừ vài đứa tiểu đồng nấu cơm, đun thuốc có ai bạn bè đâu, hôm nay có thằng bé này, cùng y nói nọ nói kia về huyệt đạo, kể cũng thích thú.

Đến khi hơ hết mấy trăm huyệt trên mười hai thường mạch thì trời đã xế chiều. Tiểu đồng dọn cơm lên để trên bàn, lại đem một mâm cơm và rau đưa ra bên ngoài cho Thường Ngộ Xuân ăn. Đêm đó Thường Ngộ Xuân phải ngủ ở bên ngoài. Trương Vô Kỵ cũng không ngỏ lời cầu khẩn Hồ Thanh Ngưu, đến khi đi ngủ y đi ra nằm cạnh Thường Ngộ Xuân, hai người cùng ngủ trên bãi cỏ, để tỏ cái lòng có nạn cùng chịu. Hồ Thanh Ngưu giả như nhìn mà không thấy, chẳng thèm nói đến nhưng trong bụng cũng lấy làm lạ: "Thằng bé này quả thực không giống những trẻ con khác".

Sáng sớm hôm sau, Hồ Thanh Ngưu lại dùng hết nửa ngày để hơ các huyệt đạo trên kỳ kinh bát mạch của Vô Kỵ. Mười hai kinh thường mạch cũng tựa như sông cái sông con, luôn luôn chảy không ngừng, kỳ kinh bát mạch cũng tựa như hồ biển, súc tích tàng trữ, thành ra muốn trừ khử âm độc trong kỳ kinh bát mạch, xem ra lại còn khó hơn. Hồ Thanh Ngưu suy nghĩ viết một toa thuốc, khước tà phù chính, bổ hư tả thực, dùng phương pháp gậy ông đập lưng ông "dĩ hàn trị hàn". Trương Vô Kỵ uống thang thuốc đó rồi, bị lạnh run hết nửa ngày nhưng sau đó tinh thần thêm thư thái hơn trước.

Sau buổi trưa, Hồ Thanh Ngưu lại châm cứu cho Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ cố nói khích ông ta để ông ta chữa cho Thường Ngộ Xuân nhưng Hồ Thanh Ngưu không thèm lý đến, chỉ lạnh lùng đáp: truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y

- Cái ngoại hiệu Điệp Cốc Y Tiên của ta có điểm danh quá kỳ thực. Chữ tiên đâu có thể vọng xưng được đâu? Thế nhưng người ta gọi là Kiến Tử Bất Cứu ta lại thích hơn.

Khi đó ông ta đang châm tại huyệt Ngũ Khu giữa hông và đùi của Trương Vô Kỵ, huyệt đó là nơi hội tụ của Túc Thiếu Dương và Đới Mạch, bên cạnh thủy đạo một tấc năm phân. Trương Vô Kỵ nói:

- Trên cơ thể con người thì đới mạch kỳ lạ nhất. Hồ tiên sinh, ông có biết không, có người không có đới mạch đó.

Hồ Thanh Ngưu ngạc nhiên, nói:

- Chỉ nói bậy. Làm sao lại không có đới mạch được?

Trương Vô Kỵ vốn chỉ thuận miệng nói lăng nhăng, liền tiếp:

- Thiên hạ rộng lớn như thế, chuyện lạ đến đâu cũng có, huống chi đới mạch theo cháu chẳng có lợi ích gì cả.

Hồ Thanh Ngưu nói:

- Đới mạch kỳ lạ thì đúng, nhưng bảo là vô dụng thì sai. Những y sư tầm thường không biết cái tinh áo bên trong, châm kim cắt thuốc không khỏi sai lầm. Ta có viết một cuốn Đới Mạch Luận, ngươi đọc thì biết.

Ông ta liền đi vào phòng, lấy ra một bộ sách mỏng, giấy đã vàng đem ra đưa cho Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ giở trang đầu, thấy viết:

Mười hai kinh và kỳ kinh thất mạch, đều lưu chuyển đi lên đi xuống. Riêng đới mạch bắt đầu từ bụng, bên dưới mạng sườn, đi quanh thân mình một vòng ở eo, như cái đai thắt ngang. Xung, nhâm, đốc ba mạch cùng bắt đầu nhưng đi ba hướng khác nhau, một gốc mà ba ngọn, cùng quấn chung quanh đới mạch.

Sau đó ông bình luận những sai lầm trong y thư xưa nay, Thập Tứ Kinh Phát Huy nói đới mạch có bốn huyệt, Châm Cứu Đại Thành nói đới mạch có sáu huyệt, thực ra có đến mười huyệt, trong đó hai huyệt ẩn hiện vô chừng, khi có khi không, rất khó biện. Trương Vô Kỵ đọc tiếp xuống dưới, tuy không rõ những áo diệu bên trong, nhưng cũng biết cuốn sách này kiến thức không phải tầm thường nên đem những chỗ ông phê bình cổ nhân ra thỉnh giáo.

Hồ Thanh Ngưu rất vui vẻ, một mặt tiếp tục châm, một mặt giải thích, đến khi mười huyệt của đới mạch đã châm xong, ông ta mới ngồi nghỉ một chút, nói tiếp:

- Ta còn một bộ Tí Ngọ Châm Cứu Kinh ghi tất cả những điều tâm huyết trong đó.

Ông ta vào trong phòng đem ra một bộ tất cả mười hai quyển y kinh chép tay. Hồ Thanh Ngưu biết thằng bé này không biết gì về y lý, nhưng y ẩn cư nơi hoang cốc đã lâu, cũng cảm thấy tịch mịch. Những người trước đây đến xin chữa bệnh tuy rất đông, nhưng ai ai cũng chỉ khen ông ta y thuật như thần, những lời đó hai mươi năm nay nghe đã chán. Thực ra chuyện ông ta hãnh diện nhất trong đời không phải "y thuật" tinh tường, mà ở tại "y học", trong đó nhiều điều phát minh sáng kiến mà những người đi trước chưa ai tìm ra. Ông ta biết những thành tựu đó vô cùng to lớn, nhưng chỉ có thể cô phương tự thưởng, khiến không khỏi bẽ bàng. Bây giờ thấy thiếu niên này ham thích đọc sách trước tác của mình, ngầm cảm thấy có cái tình tri kỷ, nên đem bộ sách đắc ý cho xem.

Trương Vô Kỵ giở ra xem, thấy mỗi trang viết kín mít những chữ nhỏ bằng con ruồi theo lối chữ tiểu khải, huyệt đạo bộ vị, thuốc men phân lượng, thời khắc và cách châm nông sâu, không gì không chú thích minh bạch. Y bỗng tâm niệm một điều: "Mình duyệt xem có đoạn nào nói về cách chữa thương cho Thường đại ca hay không?" Giở đến quyển số chín Võ Học Thiên trong đó có phần Chưởng Thương Trị Pháp thấy có Hồng Sa Chưởng, Thiết Sa Chưởng, Độc Sa Chưởng, Miên Chưởng, Khai Sơn Chưởng, Phá Bi Chưởng… các loại chưởng lực, các chứng thương, cách cấp cứu, cách trị liệu, đều có ghi đầy đủ. Đọc hết hơn một trăm tám mươi loại, quả nhiên có Tiệt Tâm Chưởng.

Trương Vô Kỵ mừng lắm, lập tức chăm chú đọc kỹ một lần, trong đó mô tả kỹ càng, nhưng trị pháp lại thật giản lược, chỉ nói "chữa bằng cách châm bốn huyệt Tử Cung, Trung Đình, Quan Nguyên, Thiên Trì, theo biến chuyển của âm dương, ngũ hành, xét hàn, thử, táo, thấp, phong năm loại thời tiết, tùy tình trạng hỉ, nộ, ưu, tư, khủng ngũ tình của bệnh nhân mà bốc thuốc".

Y đạo Trung quốc biến hóa đa đoan, cùng một chứng bệnh, người thầy thuốc phải quan sát trời nóng hay lạnh, đêm hay ngày, bên ngoài hay bên trong, đầy hay vơi, đầu hay cuối, động hay tĩnh, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay trẻ em… tùy từng trường hợp mà đưa ra phương thức chữa, mọi thay đổi đều do y sinh chứ không có quy tắc nhất định. Chính vì thế mà thầy thuốc giỏi với thầy thuốc xoàng cách nhau một trời một vực. Cái áo diệu đó Trương Vô Kỵ không biết, nên đọc phương pháp vài lần cốt chăm chăm nhớ trong đầu. Cuối cùng trong Chưởng Thương Trị Pháp chính là Huyền Minh thần chưởng, có viết các triệu chứng khi bị thương, nhưng tại trị pháp chỉ có ghi một chữ "Không".

Trương Vô Kỵ gập bộ sách lại, cung kính đặt trên bàn, nói:

- Bộ Tí Ngọ Châm Cứu Kinh này của Hồ tiên sinh bác đại tinh thâm, vãn bối đọc mười phần thì chín phần không hiểu gì cả, xin mong được chỉ điểm. "Ngự âm dương ngũ hành chi biến" là thế nào?

Hồ Thanh Ngưu giải thích mấy câu, chợt tỉnh ngộ, nói:

- Ngươi định hỏi làm thế nào để trị thương cho Thường Ngộ Xuân, phải không? Ha ha, chuyện khác thì ta nói, chuyện đó ta không nói.

Vô Kỵ không còn cách nào khác hơn, đành phải tra khảo trong các y thư, Hồ Thanh Ngưu để y muốn đọc gì thì đọc, không cấm đoán. Trương Vô Kỵ chăm chú nghiên cứu suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ, không chỉ đọc hết hơn một chục bộ sách Hồ Thanh Ngưu soạn ra, mà cả Hoàng Đế Nội Kinh, Hoa Đà Nội Chiêu Đồ, Mạch Kinh của Vương Thúc Hòa, Thiên Kim Phương, Thiên Kim Dực của Tôn Tư Mạc, Ngoại Đài Bí Yếu của Vương Đảo… các loại kinh điển trong nghề thuốc, cũng đều đọc cả cốt tìm hiểu ý nghĩa các câu đề cập đến trong phương pháp trị Tiệt Tâm Chưởng, chỗ nào có liên quan là đọc kỹ suy nghĩ. Mỗi ngày Hồ Thanh Ngưu châm cứu cho y hai lần, một lần giờ thìn, một lần giờ thân để trừ âm độc.

Cứ như thế mấy ngày liền, Trương Vô Kỵ cắm cúi đọc đủ các loại sách, tuy nhớ được một mớ y lý, thang thuốc, nhưng cái tinh diệu trong y học, y tuổi nhỏ học vấn nông cạn, làm sao trong vài ngày mà hiểu được? Bấm ngón tay tính toán, y đến Hồ Điệp Cốc đã sáu ngày. Hồ Thanh Ngưu đã nói thương thế của Thường Ngộ Xuân nếu do ông ta chữa trong vòng bảy ngày có thể khỏi hẳn, ngoài bảy ngày thì dù có trị được võ công cũng mất hết. Thường Ngộ Xuân đã nằm ngoài cỏ sáu ngày sáu đêm, đến hôm nay trời lại đổ mưa. Hồ Thanh Ngưu thấy chỗ y nằm trũng đầy bùn nước, nhưng tuyệt nhiên không lý tới. Trương Vô Kỵ hết sức giận dữ, nghĩ thầm: "Ta đọc trong các sách thuốc, trừ sách do ngươi soạn ra, sách nào cũng viết là phàm người trong y đạo phải có lòng tế thế huệ dân, còn ngươi thân đầy một bụng y thuật, nhưng lại thấy chết không cứu, vậy thì còn gọi là lương y sao được?".

Đến chiều, trời mưa lại càng thêm nặng hạt, sấm chớp ầm ầm, hết tiếng rền nọ lại đến tiếng sét kia. Trương Vô Kỵ nghiến răng, nghĩ thầm: "Ngoài việc ta đánh liều chữa cho Thường đại ca, không còn cách nào khác". Nghĩ vậy y lấy trong tủ thuốc của Hồ Thanh Ngưu ra tám mũi kim vàng, chạy ra ngồi cạnh Thường Ngộ Xuân, nói:

- Thường đại ca, mấy ngày qua tiểu đệ tận tâm kiệt lực, nghiên cứu đọc Hồ tiên sinh y thư, tuy chưa thông hiểu nhưng thời giờ khẩn cấp, không còn diên trì được nữa rồi. Tiểu đệ chỉ còn cách mạo hiểm hạ châm cho Thường đại ca, nếu chẳng may có chuyện gì, tiểu đệ sẽ không sống một mình đâu.

Thường Ngộ Xuân cười ha hả, nói:

- Tiểu huynh đệ sao lại nói như thế? Ngươi mau mau châm kim chữa bệnh cho ta, nếu may mà trời cho khỏi được, ta sẽ trêu ghẹo Hồ sư bá một phen. Còn nếu mới châm một hai mũi mà ta chết rồi, cũng còn hơn sống mà phải nằm trong vũng bùn này chịu khổ.

Trương Vô Kỵ hay tay run rẩy, nhìn kỹ mò đúng huyệt đạo của Thường Ngộ Xuân, lập cập cầm một mũi kim châm vào huyệt Quan Nguyên. Y chưa được tập luyện thuật châm cứu, cách đâm kim vào hết sức vụng về, chỉ bắt chước cách Hồ Thanh Ngưu châm cho mình mỗi ngày, theo đó mà làm. Những mũi kim của Hồ Thanh Ngưu lại do vàng ròng đúc thành nên rất mềm, không phải là người có nội lực thâm hậu không thể sử dụng được. Trương Vô Kỵ dùng sức hơi quá nên cái kim bị cong vẹo đi, không tiến sâu hơn được nữa, đành phải rút ra châm lại. Nếu đúng theo châm cứu thuật, rút ra không chảy máu, nhưng vì y lúng túng châm không đúng chỗ, máu từ huyệt Quan Nguyên của Thường Ngộ Xuân chảy vọt ra. Huyệt Quan Nguyên nằm ở bụng dưới là chỗ yếu hại của con người nên chảy máy không cầm được, Trương Vô Kỵ trong bụng càng nôn nóng, nhất thời chân tay luống cuống.

Bỗng nghe đằng sau có tiếng người cười ha hả, Vô Kỵ quay lại, thấy Hồ Thanh Ngưu tay chắp sau lưng, dáng vẻ tự đắc, cười khà khà nhìn y hay tay đầy máu. Trương Vô Kỵ vội hỏi:

- Hồ tiên sinh, huyệt Quan Nguyên của Thường đại ca chảy máu không ngừng, phải làm cách nào đây?

Hồ Thanh Ngưu nói:

- Dĩ nhiên ta biết cách nào cầm máu, nhưng việc gì phải nói cho ngươi nghe?

Trương Vô Kỵ ngang nhiên nói:

- Thôi bây giờ một mạng đổi một mạng, xin ông mau cứu Thường đại ca, tôi lập tức chết ngay trước mặt ông là xong.

Hồ Thanh Ngưu lạnh lùng đáp:

- Ta đã nói không chữa là không chữa. Hồ Thanh Ngưu này chỉ thấy chết không cứu chứ đâu phải quỷ vô thường đi đòi mạng, ngươi chết có ích lợi gì cho ta đâu? Dù có chết mười Trương Vô Kỵ cũng không cứu được một Thường Ngộ Xuân.

Trương Vô Kỵ biết có nói thêm cũng chỉ mất thì giờ, đi vào bên trong tìm chút mật đường, xoa lên huyệt Quan Nguyên đang chảy máu của Thường Ngộ Xuân, máu liền ngừng chảy. Nghĩ thầm kim này mềm quá, không thể dùng được, lúc này không còn cách nào đi kiếm các loại kim khác, đồng châm thiết châm không thấy đâu, suy nghĩ một chút, bèn đi tìm một khúc tre, dùng dao chẻ thành mấy cái tăm, đâm vào bốn huyệt Tử Cung, Trung Đình, Quan Nguyên Thiên Trì trên người Thường Ngộ Xuân.

Mấy cái tăm tre quả nhiên đâm vào không thấy máu chảy. Một lúc sau, Thường Ngộ Xuân nôn ra mấy ngụm máu bầm. Trương Vô Kỵ không biết mình châm lung tung như thế khiến cho Thường Ngộ Xuân bệnh nặng thêm hay có công hiệu trục được ứ huyết trong cơ thể ra, quay đầu lại nhìn Hồ Thanh Ngưu thấy ông ta tuy trên mặt nụ cười có vẻ chế riễu, nhưng có ẩn vài phần khen ngợi. Trương Vô Kỵ biết mấy mũi trúc châm của mình đâm xuống không hẳn sai lạc, nên chạy vào trong lục lọi y thư, suy nghĩ thật kỹ, viết một cái toa thuốc. Tuy y đọc trong sách biết vị nào chữa bệnh nào nhưng sinh địa, sài hồ hình dạng ra sao, ngưu tất, mật gấu như thế nào, y chưa biết đến, đành phải trơ trẽn đem toa thuốc giao cho thằng nhỏ nấu thuốc, nói:

- Nhờ huynh theo toa này nấu dùm một thang.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/y-thien-do-long-ky/chuong-69/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận