03 giờ 30 phút - 20 - 06 - 2008
Bình boong...oong! Boong... oong! Bính...ính! Boong... Từ chiếc đồng hồ cổ buông ra những nốt nhạc trầm bổng, ngân vang lên thánh thót một giai điệu vừa oai nghiêm vừa trầm lắng làm êm dịu lòng người.
Ông Thưởng ngắm chiếc đồng hồ Grayông 36 gông. Chiếc đồng hồ cổ lỗ sĩ thằng Sỏi con ông tha về. Cái đồng hồ cũ rích, chỉ được tiếng nhạc rất du dương êm ả.
Đang trưa hè mà nghe được những âm thanh trầm bổng của nó, không hiểu sao lòng thấy mát rượi lạ thường, thanh thản lạ thường.
Ông thường lắng nghe tiếng nhạc để đoán giờ chứ các nét số của chiếc đồng hồ này đã mờ ráo, ông chẳng nhìn được nữa.
Lần đầu tiên, khi Sỏi mang nó về, ông giương mục kỉnh ghé sát nhìn thì thấy trên mặt hộp chiếc đồng hồ quả lắc có cảnh một cánh đồng quê bát ngát trong chiều vàng. Mặt trời rực rỡ đang xuống sau dãy núi và mấy mẹ đĩ mặc váy gánh những gánh lúa trĩu nặng, đang đi như múa qua một chiếc cầu tre.
Thằng Sỏi bảo rằng cái đồng hồ này cổ, tiếng nhạc hay thì quý đã đành, nhưng nó còn quý ở một điểm khác nữa là ở chính bức hoạ cổ này. Bức hoạ này là bản gốc duy nhất của một cố danh hoạ chuyên vẽ tranh lụa nổi tiếng nhất Việt Nam tên là gì ấy, ông quên rồi. Ông ta vẽ bức tranh này lên mặt chiếc đồng hồ để tặng bạn, có lưu ký hiệu của riêng ông ấy hẳn hoi.
Vì thế chiếc đồng hồ cổ và tiếng nhạc của nó tuy đã rất có giá trị nhưng bức hoạ trên chiếc đồng hồ còn làm cho nó có giá lên gấp trăm lần, nghìn lần. Nó như viên ngọc còn nằm trong ruột trai - vấn đề chỉ còn là ở thời gian, khi nước ta giống nước ngoài, các nhà sưu tầm tranh hoặc đồ cổ sẽ đi săn chiếc đồng hồ có bức tranh gốc của nhà danh hoạ ấy.
Nhưng thằng con phá gia chi tử của ông già bạn nhà danh hoạ kia đã bán chiếc đồng hồ cổ lỗ cho đồng nát mà không hề biết giá trị tàng ẩn của nó. Thằng Sỏi nhà ông vét váy đến đồng cuối cùng trong người chuộc nó từ tay đồng nát.
Nhìn thằng Sỏi lễ mễ ôm chiếc đồng hồ cũ rích bước vào nhà hôm tốt nghiệp Trường Múa, lại còn hớn hở khoe chẳng có đồng nào vẫn đi nhờ được ô tô từ tận trên Bắc Bình về đến nhà, ông thấy ngán ngẩm hết cả người - không biết con ông có bị dở người không.
Ông chửi inh lên:
- Ăn thì chẳng có, đổ hết tiền ra đi rước cái thứ cũ rích ấy về nhà chỉ để nghe cho nó sướng tai.
Ông rỉa rót:
- Nghe nó thì có no được không? Từ nay có đến bữa thì cứ làm cốc nước lã rồi nhìn cái đồng hồ ấy cho no nhé! Đừng có ngồi vào mâm mà ông cho mấy cái đũa cả vào đầu.
Nhưng rồi lần lượt các ông già, bà cả đầu làng cuối ngõ lần lượt đến bên cổng, ngó qua hàng giậu nhà ông mà hỏi thăm:
- Ơ lão Thưởng! Nhà lão có cái tiếng nhạc gì mà hay thế? Nghe cứ lâng lâng là!
- Ông Thưởng ơi! Nghe người ta đồn: nhà ông có cái đồng hồ biết đánh đàn hay lắm! Cho nhau nghe chơi một tí!
- Ông Thưởng ơi! Sao lại nhất bên khinh, nhất bên trọng? Ông nghe tôi nghe có nửa bài đàn, mà ông cho nhà Trảng nghe cả bản nhạc là thế nào? Khoảnh với nhau thế?
Thì ông lại thấy cũng tự hào, rồi ông đích thân ra mời họ vào nhà uống bát nước chè xanh cho họ tha hồ chờ nghe tiếng chuông gióng giả, thánh thót suốt cả tiếng đồng hồ. Trong khi ấy ông giải thích tỉ mỉ cho họ nghe về chiếc đồng hồ cổ mà thằng Sỏi mang về. Chiếc đồng hồ bỗng làm cho nhà ông khác hẳn với các nhà khác trong làng, có vẻ cao sang, quyền quý hơn.
Ông thầm công nhận trong lòng - thằng Sỏi thế mà tinh thật. Công nhận chiếc đồng hồ này, nghe tiếng nhạc của nó sao mà sướng tai.
Chiếc quả lắc đung đưa vẽ mãi một vòng cung mềm mại - giống như nụ cười rộng mở của nó - nụ cười của thằng Sỏi con ông.
Thằng Sỏi đã mang theo nó đến thế giới này một nụ cười đầy mê hoặc và quyến rũ. Nụ cười ấy lẽ ra chỉ nên có ở một ả đàn bà - một nụ cười ánh lên vẻ đào hoa.
Người ta vẫn thường nói rằng con cái sinh ra là được thừa hưởng tất cả từ tinh cha đến huyết mẹ. Nhưng riêng cái nụ cười của thằng Sỏi con ông, ông biết nó không phải được thừa hưởng từ nguồn gốc nhà ông, cũng chẳng phải được thừa hưởng từ xa xôi cội nguồn bên mẹ nó.
Bên dòng họ mẹ nó, mẹ nó thì cười như miễn cưỡng, còn ai cười cũng như đang mếu. Còn bên gia đình ông, ai cười cũng nhe hết toàn bộ lợi hàm trên trông như thể đang muốn cắn mặt người đối diện. Nụ cười của thằng Sỏi hoàn toàn khác - nó rạng rỡ, thoảng chút lung linh như có ánh hào quang - nó đến từ cõi lạ!
Lần đầu tiên ông nhìn thấy nụ cười này trên môi nó là khi nó sinh ra mới được có năm ngày tuổi - còn đang ở tuần được mụ dạy.
Hôm ấy, có một thứ ánh sáng, rõ ràng ông không nhìn thấy được một cách cụ thể như ánh nắng, nhưng lại có thể cảm thấy được một cách rất rõ ràng là có một thứ ánh sáng kì lạ nào đó đang toả ngời ra từ trên khoé môi và cung mày của thằng bé.
Thằng nhỏ đang nằm trên tay vợ ông vừa ăn no nhả đầu vú mẹ, vừa trìu mến nhìn mẹ nó rồi thực thi cái nụ cười như thể ban ơn cho người đã cho nó ăn - cái nụ cười mà sau này ông cứ ngờ mãi rằng không phải là của bà mụ dạy.
Ông nhìn thấy vợ ông đờ đẫn, rồi ngây ngất chìm vào nụ cười đó của nó như thể đang chìm vào một cơn hoan lạc một cách sung sướng và buông thả đến tận cùng đê mê.
Ông Thưởng sửng sốt rồi kinh ngạc. Từ sâu thẳm trong bản năng, trái tim ông Thưởng nhói lên một nỗi đau đớn dường như là ghen tuông. Bà ấy đang ngây ngất trong một cõi đê mê hạnh phúc mà ông biết rất rõ ràng ngay rằng: cả trong cơn ân ái nồng nhiệt của bà, cũng chưa khi nào bà đưa ông đến với cái cõi ấy của bà.
Ông hiểu rằng từ nay vợ ông đã vĩnh viễn bị thằng nhỏ này mê hoặc và điều khiển. Từ nay mỗi khi nó xuất hiện trong tầm mắt bà thì ngay cả ông - một người chồng xưa nay vốn vẫn được bà coi là thánh là tướng, là thống lĩnh của đời bà - thì từ nay ông nhẹ hều như đám váng mặt ao, chẳng còn đáng một li, một lai, một đồng cân nào nữa.
Vợ ông như thể đang thoát xác. Linh hồn bà ấy như thể đang cheo leo men theo những tia hào quang lạ lùng đang toả ra một cách tự nhiên như thể ánh nắng mặt trời toả ra từ nụ cười của thằng nhỏ kia để đi vào một cõi lú lẫn, mất hết cả lý trí thông thường...
Ông Thưởng vội vã chạy đến miếu thầy Cả trên đỉnh núi Nguyệt Luận ở cuối làng Mỹ Hương.
Thầy Cả có mái tóc trắng như mây xoã xuống ngang lưng và một bộ mặt thanh tú, thoát tục như Khổng Minh tái sinh.
Thầy đang nửa nằm nửa ngồi tựa lưng vào chiếc tràng kỷ bằng song mây, phe phẩy một cái quạt bằng lông chim - nghe nói là lông chim hạc.
Thầy Cả đang gượng nhẹ giở đi, giở lại những trang giấy trong một cuốn sách cổ chữ Hán, bằng giấy dó, không biết đã được mang đến từ kiếp nào, để chắp nối lại những ý tưởng thoắt ẩn, thoắt hiện của cổ nhân. Vì từng trang giấy dó trong cuốn sách đó đã mủn nát - chữ còn, chữ mất - khiến cho trang giấy lỗ chỗ như mắt sàng, và cũng vì thế mà khiến cho lời dạy của các Thánh xưa càng trở nên cao siêu và bí ẩn, và đa nghĩa.
- Thưa thầy!... - Ông Thưởng định trình bày ý nguyện.
Thầy Cả chưa cần nghe đã khoát tay ra hiệu khỏi phải giãi bày.
Thầy phán rằng:
- Sáng nay ta đã bấm độn và biết đương số tuổi Nhâm Thân giờ Tỵ sẽ đến vì ấu nhi Đinh Tỵ đã xuất sinh nơi cõi trần được mấy ngày. Ta đã thắp hương, gieo quẻ, lập tử vi ngay cho ấu nhi này rồi.
- Dạ thưa thằng út ít này là đứa con rơi vãi ngoài ý muốn của con ạ! Dạ thưa thầy con đã bốn mươi tám tuổi, mẹ nó cũng đã gần 50 tuổi. Con cứ tưởng... là là, thôi rồi... Thầy biết đấy con đã nhiều tuổi rồi, con không muốn phải nuôi con thơ nữa. Vậy mà con bắt mẹ nó bỏ cái thai này ra mẹ nó cứ dứt khoát không chịu bỏ.
- Bỏ làm sao được!... Nó chính là khắc tinh của đương số đấy. Số phận đã định như thế rồi ngay khi đương số gần vợ vào ngày ấy, tháng ấy. Luật trời đã định ngay rằng đứa nhỏ sinh ra tuổi Đinh Tỵ sẽ là khắc tinh tuổi Thân của đương số.
- Trời ơi, con ân hận quá!
Thầy Cả vuốt bộ râu trắng như cước dài đến tận gấu áo và phán rằng:
- Ân hận cũng chẳng giải quyết được việc gì nữa! Tỵ là loài rắn, vốn đã khôn ngoan hơn hẳn các loài khác. Đằng này nó lại là Đinh Tỵ là rắn rừng. Nó lại còn sinh vào giờ Dần là giờ của chúa sơn lâm nữa - cho nên đã là chúa các loài rắn thì phải biết rằng âú nhi này về sau không quấy đảo thiên hạ thì cũng phải làm cho đa phần mọi người phải kiêng sợ, kính nể. Cái thân con Khỉ của con, láu ta láu táu, chỉ được cái ranh vặt cản làm sao được chứ!
- Thưa thầy! Thế còn cái kiểu cười cái ánh nhìn như phát sáng lạ lùng của nó làm mẹ nó cứ như chìm vào nó cứ như bị mê mị cả người là thế nào ạ?
Thầy Cả còn nhắm mắt lại suy tư thêm một lát rồi cho rằng:
- Không cứ gì mẹ nó bị mê mị đâu. Trong cách tính tử vi thì đương số ấy có các sao Đào hoa, Hồng Loan an cung miếu vượng địa, như hoa nở buổi sớm quyến rũ vô cùng. Hễ ai nhìn sâu vào mắt nó khi nó cười là đều sẽ bị mê đắm vì cái ánh đào hoa ấy hết.
- Thế nghĩa là những tia sáng không phải là nắng ấy chính là ánh sáng của những ngôi sao ấy.
Thầy Cả lim dim mắt, gật gù:
- Phải! Nhưng theo riêng ta: có cái ánh hào quang mà con thỉnh thoảng sẽ nhìn thấy phát ra từ trong mắt đương số tuổi Tỵ ấy, là vì ở kiếp trước dù là thuộc loài nào đi nữa, nó cũng là vương của loài ấy nên nó đã mang được sang đến kiếp này cái ánh hào hoa vốn là thứ ánh sáng thôi miên, vốn là thứ ánh sáng uy quyền huy hoàng bản chất là thuộc về các đấng vua chúa.
Ông Thưởng ngây người:
- Như thế có nghĩa là thằng con của con sẽ là vua chúa ư? Nhưng thời đại này làm gì còn vua chúa nữa mà làm ạ?
Thầy Cả lắc đầu:
- Không nên hiểu ý Thánh một cách cứng nhắc như vậy. Ông chủ tịch nước thì cũng có khác là vua đâu. Nói như cổ học tinh hoa thì ông chủ một đàn ong cũng là bậc bá vương. Vậy nên chủ nhà cũng là chúa nhà.
Ông Thưởng băn khoăn:
- Con trai của con sẽ là chúa trong nhà thì con sẽ là gì ạ, thưa thầy?
Thầy Cả vuốt râu cười khà khẳng định:
- Thì ví như trước đây con quen xưng hùng xưng bá trong lòng vợ con - con vốn là chủ chính trong nhà thì từ nay, khi đứa nhỏ này ra đời, con đã mất cái địa vị ấy đấy. Đất từ giờ có chủ, nước từ giờ có vua rồi! Từ ngày có thằng nhỏ tuổi Đinh Tỵ ra đời thì người tuổi Thân sẽ không bao giờ còn đất phát lên được nữa. Từ nay đời người tuổi Thân chỉ có thể dốc xuống mà thôi. Vì hai tuổi này khắc nhau ở thế Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung.
Ông Thưởng hốt hoảng:
- Thế nghĩa là chỉ vì có nó mà đời con từ nay không ngóc đầu ngóc cổ lên được nữa sao?
Thầy Cả gật đầu phán:
- Đúng vậy! Để rồi thời gian sẽ cho con biết, con cứ nghiệm kỹ lời ta xem: dù con có cố gắng đến mấy cũng chẳng bao giờ được phong làm anh hùng lần nữa. Dù vẫn chỉ là anh hùng cùng tập thể... Chẳng những thế, con biết đấy - cổ nhân đã phán được cái câu Tứ hành xung ấy tức là đã phải đúc kết, rút ra kinh nghiệm được tái diễn biết bao kiếp người.- cho nên thằng nhỏ này còn mang lại cho con khá nhiều hiểm hoạ tai bay vạ gió, dù là nó vô tình không cố ý! Hãy về và đề phòng trước đi. Quân tử phải phòng thân, tiểu nhân mới phòng bị gậy!
Ông Thưởng còn định hỏi thêm cho rõ ràng hơn nữa, nhưng thầy Cả phất quạt lông ra hiệu cho ông về:
- Thiên cơ không thể hé lộ nhiều hơn thế nữa.
Quả thật, thằng Sỏi đã làm ông tán gia bại sản, mất hết danh dự từ bấy đến giờ không sao ngóc đầu lên được, mặc dù ông vẫn ra sức đề phòng bằng cách răn đe, giáo dưỡng nó.
Dạy dỗ thằng con út bằng lời lẽ lộn xộn ý tưởng của mình, ông Thưởng thấy không ổn, ông giáo dục nó bằng vũ lực. Yêu cho roi cho vọt đấy là cách nói nhẹ nhàng cách rách của cổ nhân. Ông thường đá đạp cho tiện. Nhưng rõ ra là ông không thể biết tai ương sẽ diễn ra theo kiểu gì và cuộc đời sẽ bất ổn ở chỗ nào để phòng trừ trước.
Thằng Sỏi tổ chức bọn trẻ chăn trâu thi phi trâu - trò này ngày xưa ông cũng giống nó, vẫn cũng thường đầu têu cầm đầu lũ trẻ sàn sàn tuổi trong làng.
Nhưng trong cuộc đua trâu do thằng Sỏi cầm đầu, mọi đứa trẻ a rua, a tòng khác không bị làm sao, riêng thằng Thuỷ cháu ông chủ tịch xã lại bị ngã xuống ao rồi bị một cái que dưới ao đâm thủng mắt. Báo hại ông phải đưa tiền cho nhà thằng ấy lên tận Hà Nội chạy chữa tốn kém đến mức ông phải bán bớt một cái máy xay xát mới đủ tiền đền.
Đã thế 50 con lợn trong trang trại của ông không biết có bị nhà thằng Thuỷ đầu độc để trả thù hay không mà bị đi lỏng cả lũ, chết không kịp chữa...
Rồi thằng Nguyện con trai ông bị chết vì lật xe ở tận trong Tây Ninh. Ôi những tháng năm ma tàn quỉ hại!
Thằng Nguyện vốn là niềm hy vọng của ông. Nó là sĩ quan lục quân học trường Đại học Quân sự ra. Sau khi ra trường được điều đi Tây Nguyên. Nhưng trong một trận quyết chiến chống Phun rô, Nguyện đã bị thương phải chuyển ngành, xuất ngũ.
Nguyện về quê lấy vợ, đẻ liên tiếp ba đứa con gái. Quá nheo nhóc, ông là bố phải san bớt cho nhà nó một cái máy xay xát cho vợ nó làm ăn, còn nó đứng ra cùng gần chục chiến hữu cũ góp tiền mua một cái xe khách tàng tàng, thuê lái xe chạy đường dài theo tuyến từ huyện nhà vào Tây Ninh. Chính thằng Nguyện nhà ông nhận làm chân phụ xe.
Được hai năm, chắt bóp Nguyện cũng có được kha khá tiền, đã lấy lại được một phần ba cái xe khách đó. Ông đã mừng cho gia thế nhà mình đã có cơ phát triển.
Một lần, Nguyện được người ta thuê chở hợp đồng các cựu quân nhân đi du lịch dọc Trường Sơn. Thấy chuyến đi trúng lớn, Nguyện quyết tâm làm ăn lớn tậu hẳn cho mình một cái xe chở khách để tự mình làm chủ.
Nguyện liều lĩnh đem thế chấp ngôi nhà nó đang ở, mặc dù ông đã can ngăn nó rất nhiều. Nguyện vay thêm tiền của ông cùng một số người khác trong làng mua hẳn một cái xe IFA bị thanh lý.
Sửa chữa, nâng cấp xong, xe của Nguyện trở nên đẹp đẽ, sang trọng nhất cái bến quê nghèo khổ, rách nát đó. Xe khách của Nguyện chạy ngon lành nhất tuyến Kỳ Nguyên - Tây Ninh. Hành khách tranh nhau đi xe của Nguyện. Tiền vào ào ào.
Nào ngờ mới được ba chuyến, chuyến thứ tư trên đường ra chiếc xe khách của Nguyện bị trượt bánh lăn xuống vực. Thằng Nguyện yêu quý của ông cùng lái xe chết ngay. Cái chết của Nguyện chẳng những để lại cho ông những đau thương về tinh thần mà còn để lại cho ông một gánh nợ quá lớn về tiền bạc, vì xe của Nguyện chưa mua bảo hiểm.
Gia đình ông chẳng những phải trả tiền còn đang vay nợ mua xe, còn phải nai lưng ra trả tiền đền bù cho những hành khách bị thiệt mạng.
Đêm nghe tin ấy ông đã phát điên lên vì đau khổ. Vậy mà mới được hơn một tuần, nỗi đau chưa kịp khép miệng thằng Sỏi lại bị thằng Hường con trai cả của lão Hanh bảo vệ của Hợp tác xã trói tay giong về làng bảo rằng gã bắt được quả tang nó đang dòm ngó phá bờ đặt lờ ăn trộm cá ở Hồ cá của Hợp tác xã.
Thằng Sỏi chối bai bải rằng không phải thế, nó không hề phá bờ, cũng không hề có ý định đặt lờ ăn trộm cá của Hợp tác xã, nó chỉ tò mò đến gần đó xem chơi một chút thôi.
- Xem chơi là xem chơi thế nào? Xem cái gì ở đó? Nhất là chính nơi đó lại là nơi người ta tìm thấy lão Hanh bị chết đuối?
Khi người đại diện về an ninh trật tự của Ban lãnh đạo Hợp tác xã hỏi vặn thì Sỏi ấp úng không sao trả lời được.
Thằng Hường bèn nêu luôn lên mối ngờ về cái chết của bố nó: có thể thằng Sỏi chính là kẻ gây nên tội ác! Tối hôm ấy, trước khi mưa gió, thằng Hường cũng nhìn thấy thằng Sỏi xách giỏ đi cá đêm. Có thể thằng Sỏi cũng đi ăn trộm cá của Hợp tác xã như hôm nay, nhưng bị bố nó bắt được nên thằng Sỏi đã đánh trả lại bố nó. Vì pháp y cũng nói rằng: có thể bố nó đã bất ngờ bị đánh vào đầu bất tỉnh rồi bố nó mới bị vứt xuống hồ.
Sỏi hẳn phải có tâm lý của kẻ phạm tội thì mới mò mẫm ra hiện trường vụ án để xoá dấu vết, chứ không thì ai dám lọ mọ ra chỗ lão Hanh bị chết? Người thường ban ngày còn sợ nữa là ban đêm. Mọi người hỏi thì cứ ấp úng loanh quanh.
Nhưng nếu lão Hanh mà bắt được thằng Sỏi trước thì làm sao Sỏi còn bất ngờ đánh được vào sau đầu lão Hanh. Còn khi lão Hanh chưa bắt được Sỏi ăn trộm cá thì Sỏi bất ngờ đánh trộm vào đầu lão Hanh để làm gì. Hai gia đình trước đây vốn cũng chẳng có thù oán.
Song đó là những kết luận về sau này của công an xã đối với Sỏi rằng Sỏi vô tội vì chẳng có chứng, lý thích đáng để kết tội, chứ lúc đó Sỏi cũng vẫn bị tạm giam mất hai ngày một đêm để điều tra cho ra môn ra khoai.
Sau khi Sỏi được thả về, để rửa mặt với làng xã, nêu cao gia pháp gia đình, ông Thưởng đấm đá cho Sỏi một trận thả sức, mặc thằng con trai kêu oan oai oái. Lúc ấy ông đã đánh vào người Sỏi mà như thể ông đang đánh trả thù số phận cay nghiệt của đời mình.
Sỏi đã oan ức bị gánh một trận đòn thập tử nhất sinh. Hai hôm sau, vừa gượng dậy được, Sỏi đã bỏ trốn khỏi nhà lần thứ hai.
Giờ đây thì ông đã hiểu rằng vì không kìm được cơn cuồng nộ với nỗi đau khổ và thất vọng về tương lai của gia đình, nên lúc đó ông mới ra đòn với Sỏi một cách quá tay, khá bất công mà bất cần suy xét như thế.
Nhưng cái đó còn phải trách trời nữa. Trước đó gần bốn tháng trời đã giáng xuống đầu ông, xuống gia đình ông một tai hoạ đau đớn rồi.
Một đêm mưa bão, cái San, đứa con gái yêu của ông sau những ngày tuyệt thực không ăn uống gì đã tắc thở. Chính trong cái đêm đau khổ đến điên cuồng, rồ dại ấy của gia đình ông, thằng Sỏi cũng đi đâu đến tận gần sáng mới về. Ông tra hỏi, thì nó láo, cứ làm thinh, ương bướng giả điếc không thèm giả lời.
Bực quá, ông liền vớ ngay lấy cái đòn càn gần đó phang cho nó một trận đòn nhừ tử. Hôm sau nó uất ức bỏ trốn ra thị xã, nhưng chưa kịp đi xa đã bị anh Nguyện nó bắt về.
Nhưng lần trốn đi thứ hai này của thằng Sỏi thì anh Nguyện nó chẳng còn sống để mà đi bắt nó về cho ông được nữa. Anh Nguyện nó đã chết vì bị lật xe khách trong Tây Ninh rồi.