7 Nàng Bạch Tuyết Và Chú Lùn Truyện ngắn 10


Truyện ngắn 10
Chuyện tình cũ rích

1. Đây có thể coi là những cuộc trò chuyện bây giờ.

 

 - Alô. Alô. Em nghe thấy chưa?

- Anh yêu. Em đang nghe đây. Có chuyện gì thế?

- Chẳng có gì đâu. Anh nhớ em nên gọi. Lúc nãy đi đâu mà không thấy trả lời? Lại đang ngồi với ai chứ gì?

- Ngồi với ai đâu. Thịnh. Đừng có nghi nghi ngờ ngờ, ghen tuông như thế khổ em.

- Thế sao không nghe máy?

- Tự nhiên huyết áp của bố tăng vọt. Mặt mũi đỏ bừng. Tay run bần bật. Thằng Thành đi học. Mẹ sợ quá bắt em chạy ra hiệu thuốc đầu phố. Cửa hàng ấy lại không có loại thuốc ấy. Thành ra phải đến bốn hiệu thuốc nữa mới mua được. Mà lại toàn đi bộ. Anh biết không, máy em để ở nhà. Thành ra...

- Không bịa đấy chứ?

 

- Này. Thịnh đã thấy em nói dối bao giờ chưa? Còn anh í à. Chiều qua lúc năm giờ anh đi đâu mà em gọi không thấy.

- Bố anh sai đến nhà chú Lâm, giảng viên trường Đại học nhân văn. Chú chơi với bố từ khi anh còn bé tí, lại nhận ông nội anh là bố nuôi. Nhà có con chó bông trắng, hôm Tết anh đưa em đến chơi em thích mê lên còn gì.

- Em nhớ rồi. Đến chú làm gì mà không nghe thấy em gọi?

- Khổ quá. Vào đến nhà, ngồi chưa được mấy phút thì chú bị đột quỵ phải đưa vào bệnh viện. Chú bị tiểu đường lâu rồi. Tối hôm trước lại ăn nho của thằng Lai em họ anh gửi từ Mỹ về.

- Chả nhẽ trong bệnh viện không nghe thấy chuông điện thoại.

- Anh để chế độ rung. Lúc đó lại đang trong phòng cấp cứu. Ai cũng lo cuống lên khi thấy huyết áp của chú sụt đến gần không. Cho nên...

- Không bịa đấy chứ?

- Liên. Anh thề. Đừng nghi oan cho anh.

- Người già chán nhỉ. Ai cũng tiểu đường, áp huyết.

- Thôi được rồi. Thế tối nay thế nào?

- Bảy giờ nhé. Chờ em ở đầu phố.

- Sao không để anh vào nhà?

- Mẹ thấy. Mẹ mắng. Mẹ bảo con gái con đứa tối nào cũng nhổng. Không lo gì việc nhà. Bố lại đang ốm như thế. Anh cứ đến nhé. Em sẽ nói em vào bệnh viện trông bố.

- Có phải hôm nào mình cũng đi đâu.

- Chứ còn gì nữa. Trừ có độc hai hôm vừa rồi em bận, Thịnh bận.

- Thôi được rồi. Ra đúng giờ đấy. Đừng để anh đợi.

- Được rồi. Mới chờ một tẹo mà đã... Thế mà bảo cái gì cũng vượt qua. Mà thôi em đùa đấy. Em yêu anh.

- Anh nhớ em lắm rồi đấy. Hiểu chưa. Con sáo của anh.

- Không, con họa mi cơ. Con sáo xấu lắm. Đen sì sì. Mỏ lại viền vàng trông như bị lở mép ấy. Trông


ghê chết.

- Ừ. Con họa mi của anh. Anh yêu em lắm. Biết không?

 

2.

- Con có nghe mẹ nói không đấy?

- Con vẫn đang nghe.

- Sao con lại nhìn ra đường thế kia.

- Mẹ. Nghe bằng tai chứ có phải bằng mắt đâu.

 - Thôi được rồi. Cô khéo chống chế lắm. Thế tối hôm qua cô đi đâu?

- Mẹ chóng quên thế? Mẹ chả bảo con vào bệnh viện trông bố là gì.

- Trông ở mắt. Sáng nay tôi đến thì bố cô bảo cô chỉ đảo qua một chút, khi thấy chú Vận vào là mắt trước mắt sau cô lặn một hơi. Chú bảo gọi điện cho cô thì chỉ thấy tò tí te ngoài vùng phủ sóng. Chú đành ở đấy trông bố cô nên lỡ hết việc.

- Thì ngoài giờ làm việc chú ở đấy cũng được chứ sao. Con là con gái ở trong phòng bệnh nhân nam không tiện. Sao mẹ không bảo thằng Thành vào trông bố.

- Cô lại tị nạnh rồi. Nó còn bé, nên mải chơi. Nhỡ có điều gì thì...

- Bé! Lúc nào mẹ cũng bênh nó. Mười bảy tuổi rồi chứ ít ỏi gì nữa. Bằng tuổi ấy con người ta đã làm bao nhiêu việc. Với lại chú Vận, chú là em ruột bố nên thức đêm trông bố là đúng rồi.

- Cái con này. Nói năng hay nhỉ. Con có biết là vì sự ham chơi của con mà chú ấy lỡ hết việc tối qua không. Đáng cô trông bố cô tối qua thì chú ấy đã đến được nhà ông giám đốc ngân hàng bạn với chú ấy từ hồi trong quân đội để nhờ ông ấy nói với ngân hàng cho bố cô vay thêm tiền.

- Mẹ lúc nào cũng tiền với nong.

- Vâng. Không có tiền thì liệu chị em cô ăn diện, học hành, chơi bời bằng chị bằng em? Rồi cái nhà này, cái công ty của bố cô liệu thế nào? Có tồn tại được một ngày không?

- Việc ấy là của người lớn con biết thế nào được.

- Cô cũng không còn bé bỏng gì nữa đâu. Mười chín, hai mươi rồi. Như con người ta thì cũng biết lo, biết liệu. Có đứa sớm ra đã có chồng có con đàng hoàng, tử tế, đằng này cứ nhong nhóng ra.

- Sao mẹ không ví với cái Trang con bác Lịnh. Nó còn hơn con hai tuổi mà đòi gì, đi đâu hai bác vẫn giải quyết hết.

- Nhưng người ta là cục trưởng, còn bố cô chỉ là giám đốc công ty tư nhân. Năm ngoái, làm ăn thuận buồm xuôi gió tôi với bố cô cũng chẳng có gì phải ca cẩm. Từ đầu năm nay, khó khăn quá. Nói cô cũng bằng thừa nhưng tôi vẫn buộc phải nói. Bố cô ốm đau, sầu não cũng chỉ vì lo nghĩ làm ăn đấy. Ba cái hợp đồng bị người ta chấm dứt rồi. Hơn năm mươi công nhân buộc phải nghỉ việc rồi. Tiền công của họ vẫn khất, lại còn tiền nợ ngân hàng vài ba tỉ chứ ít ỏi đâu.

- Mẹ nói với con điều này để làm gì?

- Cô có biết vì những chuyện như thế mà huyết áp của bố cô tăng vọt sinh ra tai biến nhẹ nên mới phải vào bệnh viện đấy.

- Sao mẹ không ngăn bố làm việc quá sức.

 

- Bố cô đúng là nuông chiều cô nên bây giờ bệnh tình bố như thế mà cô vẫn thờ ơ, dửng dưng.

- Mẹ cứ nói thế. Thấy bố như thế con thương bố lắm. Con hỏi thì lúc nào bố cũng xua tay bảo: Bố vẫn bình thường, không sao đâu. Chẳng qua chỉ tráng gió một chút.

- Thế tối qua đảo nhoáng vào bệnh viện rồi đi đâu?

- Có việc cần không dừng được con mới... Cái Lâm bạn thân với con vừa ở Mỹ về nghỉ, ngày kia nó lại đi.

- Đừng nói dối nữa. Không nghe được đâu. Sáng nay tao đã biết hết chuyện rồi.

- Mẹ cứ làm như con nói dối ấy.

- Không nói dối. Hừ. Thế cái thằng đến đón con ở ngoài cổng bệnh viện, thỉnh thoảng lại lởn vởn ở đầu phố nhà mình, đôi khi gọi điện cho con thì thế nào?

- Đây là chuyện của riêng con. Mẹ để ý làm gì.

- Chuyện riêng của con. Nhưng đấy lại là điều có quan hệ dài lâu. Tương lai, hạnh phúc của con là ở chỗ đó. Mình là con nhà tử tế.

- Anh ấy không phảỉ là người xấu. Bố anh ấy là giáo sư đại học, mẹ anh ấy dạy cấp ba.

- Nhưng mà nhà mình lúc này... Con phải hiểu cho hoàn cảnh của bố mẹ.

- Chuyện ấy thì có liên quan gì đến quan hệ của chúng con?

 - Mẹ biết rồi. Thằng bé ấy tuy đã học xong đại học nhưng vẫn chưa có việc làm.

- Anh ấy đang có ý định học tiếp cao học.

- Tóm lại nó vẫn là đứa đang dựa vào bố mẹ chứ gì?... Lông bông như vậy...

- Nhưng đã có gì đâu mà mẹ lo thế. Chúng con
còn trẻ.

 - Vẫn biết thế nhưng mà... Khổ quá. Thôi để tao vào với bố mày xem thế nào đã. Mẹ thấy nóng ruột quá.

 

3.

- Alô! Alô!

- Số máy quý khách đang gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau.

 "Con họa mi yêu quý của anh. Từ hôm qua đến nay anh gọi em đến trăm lần, mà vẫn ngoài vùng phủ sóng. Có chuyện gì thế? Gọi ngay cho anh nhé. Anh van em đấy. Đừng để anh phải lo nghĩ, băn khoăn và trông đợi khốn khổ thế này. Hiểu cho anh. Yêu em nhiều nhiều".

 

4.

- Mẹ xin con. Con hiểu cho tình cảnh gia đình mình. Bố con về nhà mới được hai ngày vậy mà đọc tờ thông báo của ngân hàng là ông ấy bị sốc ngay. Tại sao con không giữ tờ thông báo ấy lại về đưa cho mẹ hay chú Lý phó tổng giám đốc mà lại đưa cho bố?

 

 - Con biết làm sao được. Lúc ấy con đi vắng, chỉ có thằng Thành ở nhà. Cô Hương tài vụ bảo thư gửi cho cá nhân bố.

- Cô ấy đúng là giết người không gươm không giáo. Khổ tôi thế này! Bố con tai biến đợt này vào bệnh viện thì chín phần là là... Con phải cứu lấy bố con.

- Con làm được gì cơ chứ. Kìa, mẹ làm sao thế? Mẹ đứng lên đi. Không có ai vào nhìn thấy thì...

- Anh Cẩm nói với mẹ là anh ấy tìm mọi cách để trang trải số nợ ngân hàng cho công ty của bố con.

- Anh Cẩm nào ạ? Có phải là chú Cẩm tổng giám đốc hay đến mời bố mẹ đi ăn cơm.

 - Đúng rồi. Công ty của anh ấy đang trước đây vẫn bao thầu sản phẩm của công ty nhà mình. Gần đây anh ấy chuyển sang kinh doanh khoáng sản. Lại được mấy người họ hàng ở nước ngoài hùn vốn nên anh ta bảo sẽ sẵn sàng cho bố con vay số tiền đủ để trả nợ. Khi nào công ty nhà mình ăn nên làm ra thì trả. Lãi gần như bằng không.

- Vậy thì tốt quá. Thế bố biết tin này chưa?

- Chưa.

- Sao mẹ không vào nói để bố mừng.

- Nhưng mẹ phải chờ ý kiến con.

- Mẹ lúc nào chả bảo con còn bé. Biết gì chuyện làm ăn của bố mẹ. Vậy mà hôm nay... Mẹ bắt đầu tôn trọng con từ bao giờ đấy? Con không tài nào hiểu nổi.

 - Đúng là trong chuyện này chỉ có con mới giải quyết được. Con thương bố thương mẹ. Nếu con không gật đầu thì bố con bị sốc mà kì này thì... Thôi con vì bố. Con trả nghĩa cho bố.

- Khổ quá. Mẹ làm con rối hết cả đầu lên đây này. Có chuyện gì mẹ cứ nói thẳng ra. Con hứa kì này sẽ vào trông nom bố cẩn thận hơn.

- Không phải thế.

- Thế thì có việc gì?

- Anh Cẩm. Anh ấy muốn hỏi con làm vợ.

- Anh Cẩm. Chú Cẩm... Con làm vợ chú ấy...

- Cẩm mới ba mươi chín tuổi. Con thì... Mà con gái, đàn bà sinh đẻ nuôi con, thức đêm thức hôm chóng già lắm. Chẳng mấy chốc...

- Nhưng chú ấy đã có vợ con rồi.

- Nó đã ly dị từ năm ngoài. Đứa con gái ở với mẹ nó nên nhà cửa của Cẩm...

- Nhưng mẹ nghĩ thế nào mà lại hạ thấp con
như thế? Con xấu xí bất tài, trì độn, thiểu năng hay sao mà mẹ...

- Không. Không. Con gái mẹ xinh đẹp, thông
minh nên...

 - Con là con gái mới lớn, trong trắng. Chú ấy vợ nọ con kia, lại là bạn bè bằng vai phải lứa với bố mẹ. Thế mà mẹ lại...

 - Kìa! Con! Thương bố mẹ. Con không làm thế thì ngân hàng sẽ siết nợ bố con. Bao nhiêu đơn kiện về việc công ty nhà mình chưa trả tiền lương công nhân. Công ty của bố con sập tiệm thì mẹ con mình nguy. Chẳng may bố con có mệnh hệ gì thì... Huyết áp của bố con căng quá, lại thêm tai biến. Bác sĩ bảo tai biến lần nữa thì nguy hiểm lắm.

 - Tính như thế thì mẹ giết con đi còn hơn.

 - Làm sao mẹ có thể giết con. Con cứ thử nghĩ xem. Dấn vốn nhà mình từ đầu năm nay đã dồn hết cho mấy hợp đồng liên danh. Bố con đang dự định mở rộng công ty, không thể làm ăn cò con mãi được. Mình có khỏe thì các công ty khác nó mới không chèn được. Ai ngờ thời thế thay đổi nhanh quá. Giá cả mọi thứ tăng vọt. Vật tư, điện nước, công thợ.

 - Con không dính gì vào những chuyện ấy?

 - Trong khi đó Cẩm sẵn nong sắn né. Vận của cậu ấy lại đang son. Nó giơ tay ra cưu mang thì bố con mới không bị kiện tụng, tù tội. Công ty bố con mất bao nhiêu thời gian, công sức mới gây dựng được. Thế mà bây giờ đang có nguy cơ phá sản. Nhà mình... Thằng Thành, em con. Bố mẹ đã hứa cho nó đi học bên Canađa. Thủ tục xong hết rồi. Tháng sau em con lên đường. Vậy mà trong két không còn một xu. Tài khoản công ty nhà mình còn âm.

 - Thế hóa ra con là con mồi để nhử, thành món hàng để bố mẹ gả bán, trao đổi.

 - Con đừng nghĩ thế. Đây là bố mẹ tính cả quyền lợi của con. Cẩm con một. Bề nổi gia tài thì khỏi phải nói. Chưa đầy bốn mươi mà nhà cửa trang trại... Lại làm chủ cả một công ty gần nghìn công nhân đang làm ăn phát đạt, mỗi năm thu về hàng nghìn tỉ. Bố nó lại là thứ trưởng đương quyền. Ít ra ông ấy cũng còn hai ba năm nữa. Việc làm ăn của bố con từ trước đến nay đều nằm trong lĩnh vực ông ấy quản lý.

 - Chú ấy có trát vàng vào người con cũng không thể chấp nhận. Kìa chuông điện thoại của mẹ reo đấy.

 - Ừ. Vâng. Vâng. Ông nhà tôi bị sốc ạ. Khổ quá! Nhưng tại sao các vị lại để cho ông ấy biết. Vâng. Vâng. Con ơi. Bố con kì này nguy mất rồi. Điện của một hãng vận tải nào đó đòi thanh toán hợp đồng quá hạn... Khổ quá con ơi!

 

5.

- Thưa cô. Cháu là bạn học của Liên. Cô cho cháu hỏi Liên có nhà không ạ?

 - Anh cứ vào trong này đã. Anh ngồi chơi.

 - Vâng. Cô cứ kệ cháu. Cháu bận... cháu chỉ muốn hỏi là...

 

 - May quá anh đến. Tôi đang muốn nói với anh. Chuyện là thế này. Anh uống nước đi đã.

 - Vâng. Cháu mời cô.

 - Anh đang chuẩn bị học tiếp cao học đúng không?

 - Dạ. Vâng ạ.

 - Vậy là anh vẫn đang là sinh viên. Trong khi đó con Liên thì đã học xong đại học. Vì điều kiện của gia đình. Chẹp. Con gái có thì nên việc học của Liên coi như hoàn thành.

 - Vâng ạ.

 - Anh cứ để tôi nói nốt. Hiện nay em nó chuẩn bị lấy chồng rồi đi làm ở chỗ chồng nó.

 - Liên lấy chồng?

 - Đúng rồi. Mọi sự đã hòm hòm. Hôm nay hai chín ta. Còn chưa đầy một tháng nữa bên nhà trai rậm rạp ăn hỏi rồi xin cưới luôn. May là bệnh tình bố em Liên nhờ trời phù hộ nên có tiến triển tốt. Bệnh viện nói hai ngày nữa sẽ ra viện. Tiện anh đến tôi thông báo để mừng
cho em.

 - Không thể ngờ. Cháu thật không ngờ... Con gái bây giờ... Thảo nào, mấy hôm nay điện thoại của cô ấy...

 - Tôi biết quan hệ của anh với cái Liên nhà tôi. Nhưng mong anh hiểu cho, thông cảm. Mọi sự trên đời đều theo số mệnh.

 

 - Không tin được. Những lời nói, những lời nói...

 - Sao? Anh uống nước đi đã. Cái túi của anh bỏ quên, kìa...

 

6. Còn cuộc chuyện trò này sẽ diễn ra vài chục
năm sau.

 

- Sao ông lại đảo lên hết lên như thế. Cuốn y bạ của tôi vừa xếp...

- Bà... Bà... Liên... Đúng không?

- Ơ! Ông... Anh Thịnh.

- Được rồi. Cuốn sổ của Liên đây đúng không? Thôi cứ để đấy. Bác sĩ sẽ gọi tên. Chưa đến lượt đâu. Ra chỗ ghế trống kia ngồi cho khỏi mỏi đã.

- Anh bị gì thế?

- Tiểu đường. Gần hai năm nay rồi. Không hiểu sao bây giờ nhiều người dính vào cái của nợ này thế.
Kiêng đủ thứ chán ghê người. Thế còn Liên? Mặt đỏ rực lên kìa.

- Huyết áp đấy. Di truyền của bố em.

- Chồng con thế nào? Hạnh phúc chứ hả? Sao lại thở dài?

- Có gì đâu. Bệnh nó thế mà. Cứ ở chỗ đông người, nghe ồn ào đã mệt rồi. Lại thêm thằng bé kia cứ huỳnh huỵch đi lại, trèo lên trèo xuống chóng hết cả mặt. Bọn trẻ nó khỏe thế không biết... Hồi ấy... Thế mới biết đời người...

- Gần sáu mươi rồi còn gì. Nhanh thật. Già đâm đủ thứ bệnh.. Trông em đúng là không được khỏe?. Thế chồng con đâu mà lại thế này? Huyết áp, lại có tuổi đi một mình nhỡ cái...

- Có ai đâu. Thôi. Cũng là số phận chả trách được. Ông chồng em muốn nói gì thì nói phải công nhận là tính tình rất tốt, làm ăn phát đạt. Mọi việc chu đáo... Chỉ phải tội hay ghen quá. Ở với nhau được sáu năm, có hai đứa con gái nhưng cái tính thổ tả ấy không giảm mà ngày càng tăng lên. Đi đâu, làm cái gì về ông ấy cũng tra hỏi, cật vấn. Nguyên trả lời đã đau hết cả đầu, nên cái bệnh gia truyền quý tử của ông già mới phát. Cuối cùng em quyết định. Thôi chia tay chứ cứ ở với ông ấy thì có ngày đột tử mất.

- Ly dị?

- Chả còn cách nào khác. Anh ấy nói mãi nhưng em đã quyết rồi. Được cái, Cẩm cũng đàng hoàng chia gia tài cho mẹ con em. Em góp vào công ty của thằng Thành đấy. Nhưng chả hiểu làm ăn thế nào mấy năm sau công ty của nó phá sản. Tay trắng lại hoàn tay trắng. Số phận như thế. Đành vậy chứ biết thế nào.

- Lên bà chưa?

 

- Con lớn lấy thằng người Nhật làm cùng công ty với nó ở Tokyo. Còn đứa thứ hai trước ở với bố. Được hai, ba năm lại về với em. Năm kia lấy chồng ở Đà Nẵng. Hai đứa nằn nì em vào ở với chúng. Chịu thôi. Biết là buồn nhưng huyết áp thế này cũng chẳng thể làm ôsin không công cho chúng nó... Bận bịu lo nghĩ càng... Thôi khi nào rỗi, khỏe thì vào thăm cháu vài ba ngày lại ra... Khỏe nữa thì đi Nhật. Chúng nó cũng mời mãi nhưng đã đi được đâu. Thấy bảo huyết áp mà đi máy bay là không tốt. Còn anh?

- Chả khác gì em. Hai thằng con trai. Một đang làm cho công ty bên Singapo. Lấy vợ rồi. Giục về nhưng chúng nó không chịu. Được tiêu chuẩn mua nhà của chính phủ trả dần. Thằng thì đang học bên Úc chắc cũng giống thằng anh, tìm cách ở lại. Nhà vắng quá.

- Dù sao anh cũng còn bà xã.

- Bà ấy lành nhưng lại yếu. Về 41 gần hơn chục năm nay. Tê thấp. Lúc nào cũng nghi hoặc anh có bồ nọ bồ kia. Ca cẩm suốt ngày. Nghĩ cũng tội. Phải cố nhịn thôi. Bà ấy bệnh tật như thế anh không nỡ nói nặng.

 - Ai là Liên? Bùi Thị Liên.

 - Người ta gọi em thì phải...

 - Đúng rồi. Em lên đã.. Có lẽ huyết áp lại tăng thì phải. Mặt nóng quá. À hôm nào rỗi đến em. Em đón bà đến ở cho vui.

 

 - Còn cậu em?

 - Chà. Chán lắm. Với anh em chả giấu. Sau khi làm ăn thua lỗ, mất sạch, cậu ấy buồn bập vào nghiện. Thằng con bắt chước. Hai bố con đều dặt dẹo. Vợ chán bỏ đi. Cái nhà ngày xưa anh đến bán gần hết, còn độc cái buồng bé tí chui ra chui vào. Ôi dào đúng là cái số. Nào dẹp ra để tôi lấy cái sổ của tôi nào.

 

11/ 3/2009, mưa lay phay

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84170


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận