Cô cần phải tới trường mầm non đón bé Nguyên Thảo về nhà. Cô còn phải vào bếp, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa hay giặt đồ… và cả điều bí mật đang ẩn giấu ở trong chiếc túi xách màu trắng sữa được để trong cốp xe nữa. Cô đang gắng tỏ ra bình tĩnh như không hề có chuyện gì.
Tâm Lan đặt chân vào một khu chợ tự phát có diện tích khá nhỏ ở gần công ty. Cuộc cãi nhau của những người phụ nữ trung niên làm đầu óc cô thêm choáng váng. Họ khua môi múa mép với nhau. Họ mang tất cả họ hàng tổ tiên từ nhiều đời trước ra để chửi. Những động tác quơ chân quơ tay cũng vô cùng khó hiểu và thô kệch. Họ không phải là người gốc Sài Gòn. Đó là hai người phụ nữ mang dáng dấp của tầng lớp lao động chân tay. Tấm áo nâu đã sờn vai và hai chiếc ống quần cũng nhăn nhúm lại phần gấu dưới. Những gã làm mướn bốc vác thùng hàng trong khu chợ này vẫn mải miết với công việc của mình. Những cô bác gái bán hàng cá tôm vừa rướn người lên xem hai người phụ nữ đang cãi nhau nhưng miệng không quên tiếng rao hàng gọi khách vang lanh lảnh.
Đây không phải lần đầu tiên Tâm Lan bắt gặp một câu chuyện tương tự như thế ở các khu chợ lớn nhỏ hay con đường hẻm dẫn về lối chung cư… Nếu như chuyện này xảy ra vào những tháng ngày trước, dường như Tâm Lan sẽ chẳng cảm thấy lạ lẫm gì, bởi chúng xảy ra như một thói quen được lập trình sẵn và bắt buộc phiên chợ nào cũng phải có một vài cuộc ẩu đả hay lời qua tiếng lại. Thế nhưng hôm nay, Tâm Lan lại cảm thấy khó chịu và buồn bực trong người. Cô đưa tay sờ bụng và nhìn khuôn mặt cùng những nếp nhăn cau có của hai người phụ nữ. Thoáng qua ý nghĩ, cô không biết sau này mình có giống những người đàn bà đó không: to tiếng, chửi bậy, vung tay hay đá chân…
Tâm Lan vốn dĩ rất dịu dàng, nhẹ nhàng, cách cư xử luôn có thái độ chừng mực và được nhiều người yêu quý. Nhưng rồi thời gian, hoàn cảnh sống, tác động của môi trường công việc hay những mối quan hệ trong xã hội liệu có làm cô thay đổi?
Cô nghĩ về Hoàng Minh, về bé Nguyên Thảo hay đứa bé đang mang trong bụng. Cô nghĩ tới vị sếp đã già, cô bạn Hoàng Ngân hay các cô gái trẻ với những âm mưu toan tính trong đầu. Dòng suy nghĩ miên man về số phận của những người phụ nữ, những người có tác động tới cuộc sống của bản thân đã kéo cô cùng túi đựng thức ăn rời khỏi khu chợ chật hẹp từ rất lâu.
Tâm Lan nhận ra Hoàng Minh và Kiều Thanh ngay lập tức, khi cô vừa mới lách qua được đám người chen chúc để quẹo vào một con hẻm nhỏ, đó là lối đi tắt về nhà nhanh chóng nhất khi phố xá đang vào giờ cao điểm để kiệm bớt thời gian và lo cho bữa cơm chiều được thêm ngon, thêm ngọt. Cô gọi tên anh rất lớn nhưng anh không trả lời. Cô cố gắng dốc nốt phần hơi còn lại sau ngày làm việc căng thẳng để gọi lớn tên anh thêm một lần nữa. Lần này, không những anh không trả lời mà còn cười nói rất tươi, vòng cánh tay chắc khỏe ôm lấy vòng eo của người đàn bà bên cạnh. Họ cùng bước đi rất nhanh trên vỉa hè bên con đường đối diện. Kiều Thanh giơ tay khẽ đón lấy bông điệp màu vàng sẫm vừa mới rụng đang bay lảo đảo trong cơn gió chiều với vẻ nâng niu, chăm chút. Anh cười mỉm, với tay lên cành điệp gần nhất, bứt một nhánh điệp còn tươi nguyên, cài nhẹ lên mái tóc Kiều Thanh. Hai người cụng đầu vào nhau, cười ẩn ý, rồi lại vội vã bước đi.
Mắt cô trân trân nhìn theo bóng dáng của hai kẻ ngoại tình mới bước ra từ một khách sạn hạng sang ngay trung tâm quận nhất. Cô cảm nhận được nụ cười hạnh phúc của cặp tình nhân lén lút này.
Cũng giống như thời thơ ấu, cô không thích ăn bắp của mẹ của cô, tự tay trồng ở ngoài vườn. Thỉnh thoảng vào buổi tối, cô lại cùng một vài đứa trẻ ở làng lén lút lên bãi, bẻ trộm những bắp non về nướng. Mùi thơm của bắp non luôn quyến rũ cô và đám trẻ nghịch ngợm. Một đứa bạn cười ngặt: “Đồ đi trộm về ngon hơn đồ nhà, các bạn nhỉ?”.
Đôi mắt trong veo, sáng như hai viên bi ve ngày nào của cô bỗng như bị phủ bởi một lớp sương mù, mờ đục. Đúng lúc đó, còi xe máy kêu inh ỏi từ phía sau đổ dồn lên phía cô như thác lũ, những câu mệnh lệnh hằn học của giọng Bắc, giọng Trung hay Nam lẫn lộn đầy giận dữ. Họ như những con thú hoang đang gầm gừ, dọa nạt một con mồi bé nhỏ. Đôi vai cô run rẩy và đôi mắt có phần hoảng loạn đang hướng về phía bên kia đường cũng gần như bật khóc.
- Cô kia. Có đi mau không hả?…
- Trời đất ơi, cô này rõ là vô duyên ghê gớm. Nhìn ai thì tránh lên vỉa hè mà nhìn chứ, không thấy mình giống như tảng đá chặn giữa lòng đường thế này à?…
Trong thoáng một vài giây, cô như pho tượng đứng chết lặng giữa lòng đường chật hẹp, giữa biển người vội vã, giữa cả tá đại dương tiếng ồn hay những sa mạc rộng lớn đầy bụi bặm và dơ bẩn. Chiếc mũi nhỏ nhắn sụt sịt, cô ho hắng một tiếng rất nhỏ, đồng thời cúi đầu vẻ xin lỗi. Nhưng quái thay, đoàn người đang đi cùng cô trên con đường này lại cố tỏ vẻ không hiểu sự hối lỗi đó. Một người phụ nữ với chiếc khẩu trang che kín gần hết khuôn mặt, vẫn cố thét lên, giọng nói ẩn chứa sự sốt ruột và bực mình:
- Còn đứng ì ra ở đấy nữa. Cái cô này thật kỳ lạ hay là bị khùng rồi. Cô có biết mình đang góp phần vào việc ùn tắc giao thông không vậy?
Vừa dứt lời, người phụ nữ bịt chặt khẩu trang lại cố lên ga. Tâm Lan chỉ lặng lẽ cúi thấp đầu xuống một chút rồi vòng xe quay sang bên đường. Ngay lập tức, người phụ nữ bịt khẩu trang ban nãy, tiến tới ngang hàng với cô, đầu chiếc xe Click của cô ta va chạm ngay với chiếc Vespa trắng, để lại những vết xước đen dài, đầy bùn đất. Những miếng đậu trắng và những trái cà chua đỏ rực vỡ nát nằm be bét giữa lòng đường. Tâm Lan ngây người ra nhìn chỗ thức ăn bị hư hỏng một cách bất động. Cô cũng không nghe thấy lời xin lỗi lí nhí từ cổ họng với vẻ đầy miễn cưỡng của người phụ nữ kia. Cô càng không hay biết, dòng người ban nãy dưới sự điều khiển của cảnh sát giao thông đã bỏ xa chỗ cô đang đứng hàng kilomet đường dài. Tinh thần hoảng loạn, hành động càng thêm phần lúng túng, run rẩy, cô buộc mình phải xuống xe và từng bước chậm rãi táp vào lề đường.
Đứng dưới tán lá xanh và màu điệp vàng rải khắp dưới chân, lòng cô lại dấy lên một sự ghen tị ghê gớm. Bây giờ, cô mới nhớ đến chiếc điện thoại nằm trong túi xách, đôi tay búp măng nổi lên những đường gân xanh run rẩy bấm số. Giọng nói thân thương của cô trực tổng đài quen thuộc nói liên tục, phản bác lại cô. Cô thở dài, cánh tay từ từ buông thõng khỏi tai nghe, đôi mắt nhìn xa xăm về hướng đi của đôi tình nhân vụng trộm, vai kề vai, má kề má đã lướt qua đây từ lâu lắm rồi.
Kiều Thanh suốt chục năm qua chẳng hề thay đổi. Khuôn mặt cô ta có vẻ chững hơn đôi phần nhưng vẫn vô cùng quyến rũ và lấy được thiện cảm từ đấng mày râu. Vòng eo thon gọn ở tuổi ngoài ba mươi cùng vòng một nảy nở mà nhiều người hay ví von là ngọt ngào như chocolate. Tâm Lan sụt sùi. Không phải vì cô không đẹp bằng cô ta. Mà giờ đây, cô có thể khẳng định gần như chắc chắn một điều, vị trí làm chủ trong trái tim của Hoàng Minh là Kiều Thanh, chứ không phải ai khác.
Tâm Lan đưa tay sờ trên bụng mình. Chẳng ai biết cô đang nghĩ gì. Chỉ có vài chú xe ôm và một đám học sinh đang đứng chờ xe buýt nhìn cô với ánh mắt thăm dò đầy khó hiểu.
Mặt trời bắt đầu dịu nắng, cả một vùng trời phía tây của thành phố mang màu đỏ ung tạo cảm giác cho con người ta thêm phần sợ hãi, cô đơn và luôn tìm cách chạy trốn. Nước mắt, nước mũi lấm lem trên khuôn mặt tái nhợt và trắng xanh, Tâm Lan mới từ từ đứng dậy và lên xe ra về.
Đường thành phố đã lên đèn, một màu vàng lợt hắt xuống khoảng không tạo cảm giác như chốn không gian này đã bị bỏ hoang từ rất lâu, từng con hẻm mọc rêu xanh và vẩn mùi ẩm mốc. Thoáng sau một luồng suy nghĩ miên man về cảnh tượng đã tận mắt chứng kiến ban chiều, cô chợt rùng mình thêm một lần nữa, bàn tay như siết chặt hơn, chiếc xe trong giây lát đã chuyển vận tốc nhanh đến chóng mặt… Thân hình cô như nép lại trong chiếc áo sơ mi màu vàng chanh rộng, bay lùng bùng trong cơn gió thổi ngược chiều. Bóng cô hòa vào dòng người hối hả, ngược xuôi…
Bé Nguyên Thảo đang ngồi ở chiếc ghế đá được kê ngay trước cổng. Con bé có phần đã đói bụng và sốt ruột khi chẳng thấy ba Hoàng Minh hay mẹ Tâm Lan tới trường đón mình. Vừa nhìn thấy bóng dáng chiếc xe trắng và dáng người Tâm Lan từ đầu con hẻm đang tiến vào, bé Nguyên Thảo đã nhảy cẫng lên, miệng í ới chào cô.
- Nguyên Thảo!… – Tâm Lan dựng xe rồi ôm con gái vồn vã. – Mẹ xin lỗi. Mẹ tới trễ, thế ai đã đưa con về nhà?
- Sao mẹ Lan khóc? Ai bắt nạt mẹ Lan của con? – Con bé đưa đôi bàn tay lóng ngóng, có phần ấm áp vuốt ve khuôn mặt của cô. – Bác Hoa đón bạn Sóc, bác ấy thấy trễ nên đưa con về nhà luôn. Mà nhà bác Hoa đang có khách nên con không ở lại đó chơi nữa.
- Bé Thảo của mẹ ngoan lắm. Mà làm gì có ai dám bắt nạt mẹ Lan của con cơ chứ! Phải không nào? – Cô nở nụ cười đầy gượng gạo, vừa đưa tay vuốt lại những lọn tóc xoăn mềm của đứa con gái đang ướt nhẹp và dùng khăn lau mồ hôi trên vầng trán lấm tấm nước của con gái. Cô nói tiếp. -Ngoan nào, bé Thảo mở cổng đi, mẹ con mình cùng vô bếp nhé! Ba Mình sắp đi làm về rồi đó.
- Dạ.