Ai Là Định Mệnh Của Ai Chương 4.9


Chương 4.9
Đúng là khi kết hôn có rất nhiều việc phải làm, tôi bận rộn suốt cả tháng Tám, vừa đi mua những đồ cần thiết vừa phải đến hiệu ảnh để chụp ảnh cưới.

Thực ra tôi và Chu Nhất Minh đều không thích chụp ảnh, nhất là chụp ảnh cưới cứ rập khuôn theo mô típ quen thuộc. Nhưng nhà mới không treo vài kiểu ảnh thì trông không có không khí, vì thế bộ ảnh cưới này lại càng phải chụp.

Thời buổi bây giờ chụp ảnh cưới không rẻ chút nào, một bộ ít nhất cũng phải hàng nghìn tệ. Chủ tịch Chu nhà tôi ban hành chỉ thị tối cao: “Chọn gói chụp rẻ nhất là được rồi, bọn mình đều không mạnh về mảng này, chẳng tội gì phải nướng tiền cho hiệu ảnh”.

Chỉ thị tối cao này, tôi cương quyết thực hiện đến cùng. Đi khảo giá ba nơi, so sánh và mặc cả, cuối cùng chọn được một tiệm ảnh khuyến mãi nhân dịp mới khai trương, giá một nghìn tám trăm tám mươi tám tệ một bộ, ngoài ra còn được tặng thêm nào là móc treo chìa khóa khung ảnh, một bộ váy cưới và một lần trang điểm cô dâu.

Thời buổi bây giờ, các tiệm ảnh cưới làm ăn phát đạt không thể tưởng tượng nổi, muốn chụp ảnh đều phải hẹn trước. Chu Nhất Minh ban ngày phải đi làm, không có thời gian, thế nên chúng tôi hẹn chụp vào buổi tối. Như vậy lại hóa hay, bởi vì buổi tối người đến chụp hình không nhiều, trang điểm xong có thể vào chụp ngay, không cần phải đợi.

Trong phòng trang điểm, họ trang điểm cho tôi rất đậm, da tôi vốn đã rất đẹp rồi mà họ còn trát thêm một lớp phấn dày cộp nữa. Gắn thêm hai tầng mi giả, lông mày gần như cạo sạch và vẽ lại hai đường mới. Trang điểm đến mức tôi hoàn toàn không còn là tôi nữa. Chu Nhất Minh nhìn thấy vậy cứ cười suốt. “Em là ai thế? Hình như anh không quen biết em thì phải?”.

Thực ra anh ấy cũng có trang điểm, nhưng con trai trang điểm không nhiều nên vẫn giữ được dung mạo thường ngày. Anh ấy mặc một bộ vest đen được là phẳng phiu, ve cài áo màu vàng lấp lánh, ăn mặc như vậy trông rất phong độ. Tôi cũng không nhịn được cười. “Chủ tịch Chu, hôm nay trông anh rất ra dáng chủ tịch!”.

Bộ ảnh cưới đó chúng tôi chụp đến gần mười hai giờ đêm mới xong, tổng cộng thay ba bộ y phục: một váy cưới, một bộ lễ phục và một bộ áo dài truyền thống Trung Quốc. Bộ áo dài mặc là buồn cười nhất, bộ của tôi đỏ chót đầy hình rồng phượng, còn Chu Nhất Minh mặc một chiếc áo choàng dài, trên đầu còn đội một chiếc mũ quả dưa, đuôi mũ còn có bím tóc tết dài, nhìn hệt như các lão thần thời nhà Thanh.

Nhìn anh ấy mặc bộ quần áo đó đứng trước ống kính, tôi cười gần chết. “Chủ tịch Chu… không đúng, phải gọi anh là Chu lão gia mới đúng, không biết dòng tộc họ Chu có mấy trăm mẫu đất?”.

Mặc quần áo kiểu cổ trang, chụp ảnh cũng mang đậm phong cách cổ trang. Ví dụ như cánh tay hai người vào bái đường, tân lang cõng tân nương vào động phòng hoa chúc, tân lang vén khăn trùm đầu của tân nương lên, v.v… Ấy vậy mà bộ ảnh lại rất đẹp, khi chọn ảnh hầu như cái nào tôi cũng lấy, tất cả đặt ở nhà mới thì mới có hương vị của tân hôn.

Mà tôi cũng rất thích bộ lễ phục cưới truyền thống màu đỏ chót đó nên ngay sau hôm đi chụp ảnh cưới về, tôi liền ra một cửa hàng áo cưới đặt may một bộ áo cô dâu màu đỏ chót. Lười đi tham khảo nhiều nơi, tôi đặt ngay một bộ ở trên phố. Tôi còn trêu Chu Nhất Minh: “Có cần may cho anh một bộ áo choàng dài không?”.

Anh ấy cười ha ha. “Em tha cho anh đi!”.

Ba bộ lễ phục cho ngày cưới đều đã chuẩn bị ổn thỏa, cũng coi như một việc lớn đã xong. Nội thất trong nhà cũng đã đặt rồi, người ta sẽ giao đến tận nơi. Còn chuyện đặt tiệc nhà hàng thì đã có các bậc tiền bối của hai bên gia đình lo liệu, chúng tôi không quan tâm, cũng coi như đỡ được một gánh nặng.

Vừa vặn kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, trường mầm non cũng sắp khai giảng, khi tôi trở lại trường làm việc, mặt mũi tươi cười rạng rỡ, miệng ngân nga một điệu hát dân gian.

Khi con người ta gặp chuyện vui thì tinh thần cũng trở nên sảng khoái, yêu đời. Tôi hoan hỷ đến mức vừa bước vào văn phòng là mọi người đã nhận ra ngay. Có người tò mò hỏi tôi có chuyện gì mà vui thế, hay là nhặt được năm triệu?

Tôi mỉm cười trả lời: “Còn vui hơn cả nhặt được năm triệu tệ, tôi tìm được một phiếu ăn dài hạn. Hai tháng nữa sẽ là ngày đại hỷ của tôi, đến lúc đó mời mọi người tới uống rượu hỷ!”.

Công bố của tôi khiến các đồng nghiệp rất bất ngờ, trước khi nghỉ hè tôi vẫn còn đơn thân lẻ bóng, sao chỉ qua một kỳ nghỉ đã công bố sắp kết hôn? Mới nghe nói trên trời rơi xuống một em Lâm, chứ chưa từng nghe nói trên trời rơi xuống một anh Bảo[1].

[1] Một câu thành ngữ, ý nói gặp được chuyện tốt lành. Ở đây tác giả muốn chơi chữ, Lâm và Bảo là hai nhân vật trong “Hồng lâu mộng”.

Đức lang quân tương lai đó của tôi từ đâu chui ra, mọi người đương nhiên vừa nghi hoặc vừa tò mò muốn biết.

Tôi tất nhiên phải phụ trách giải đáp thắc mắc này: “Thực ra trước đây tôi và anh ấy yêu nhau rồi, chỉ là chưa công bố mà thôi. Có lần đã bị giáo viên ở trường ta bắt gặp, La Lợi từng nhìn thấy tôi và anh ấy cùng đi ăn với nhau”.

La Lợi ngớ người, buột miệng nói: “Là cái anh chàng lùn đó hả?”.

Tôi không hề oán giận, vẫn mỉm cười nói: “Ừ, chính là anh ấy. Ngày trước tôi cũng chê anh ấy lùn nhưng bây giờ tôi cảm thấy cao thấp không phải là vấn đề. Napoléon có lùn không? Nhưng ông ấy có thể làm hoàng đế châu Âu đấy. Picasso có lùn không? Nhưng điều đó cũng không ngăn cản ông ấy trở thành một họa sĩ thiên tài”.

Tôi bê nguyên lời của Chu Nhất Minh ra nói với vẻ rất hùng hồn. La Lợi thấy đúng nên cũng không phản đối gì thêm, chỉ nói: “Chúc mừng, chúc mừng!”.

Những đồng nghiệp khác cũng nói lời chúc mừng.

Cô giáo Tôn cao tuổi nhất còn nói thêm: “Tiểu Yên, trước tìm đối tượng cháu luôn nhấn mạnh phải tìm người cao, không cao không lấy, cô cảm thấy như vậy không thỏa đáng. Chọn đàn ông sao có thể chỉ nhìn vào mặt đó được, một người đàn ông quan trọng nhất là ở tính cách tốt, chứ không phải ở hình dáng”.

Tôi mỉm cười, ra sức gật đầu. “Cô giáo Tôn, cô đúng là thánh minh! Đáng lẽ cháu phải nghe lời cô sớm hơn mới phải, cũng may là bây giờ vẫn chưa quá muộn”.

Học kỳ mới đã bắt đầu, tôi lại “vinh dự” được nhận nhiệm vụ khó khăn. Lãnh đạo vẫn sắp xếp cho tôi phụ trách trận tuyến đầu – lớp mẫu giáo bé.

Đám trẻ ở lớp mẫu giáo bé vẫn như vậy, đứa nào cũng khóc lóc, kêu gào khi bố mẹ chúng đưa đến trường, đến mức phải luân phiên nhau dỗ dành. Một bé gái khi bị mẹ đưa đến lớp còn kêu gào thảm thiết: “Con không muốn đi học!”.

Khi tôi bước tới đón con bé, người mẹ trẻ ấy đã chú ý đến tấm thẻ trước ngực tôi rồi vô thức đọc thành tiếng: “Yên Phiên Phi! Cô giáo Yên, tên của cô đẹp quá, rất giàu chất thơ!”.

Đa số các bậc phụ huynh đều cố tình trò chuyện làm quen với giáo viên để sau này con em mình vào học sẽ được giáo viên quan tâm hơn một chút. Tôi cho rằng cô ấy cũng như vậy, bèn mỉm cười đáp lễ: “Cảm ơn cô, giờ tôi đưa cháu vào lớp ăn sáng, chúng tôi sẽ chăm sóc cháu thật tốt, cô cứ yên tâm!”.

“Đợi một chút, cô giáo Yên, có phải cô có đánh rơi một cuốn sách không, cuốn Ba trăm bài thơ Đường ấy?”.

Tôi ngây người. “Sao cô biết? Đúng là tôi có đánh rơi cuốn Ba trăm bài thơ Đường, cuốn sách đó còn là kỷ vật mẹ tôi tặng nữa”.

Người mẹ trẻ đó vỗ tay một cái. “Cô giáo Yên, tôi nhặt được đấy. Năm kia khi ngồi xe buýt, tôi đã nhặt được cuốn Ba trăm bài thơ Đường, nhìn thấy trang tiêu đề có dòng chữ “Quà tặng con gái yêu Phiên Phi”. Bởi vì cái tên Phiên Phi này rất đặc biệt và đầy chất thơ nên tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Hôm nay, vừa nhìn thấy tấm thẻ của cô liền nhớ ra ngay. Chiều nay đến đón Tinh Tinh, tôi sẽ mang nó đến trả cho chủ cũ”.

Đây đúng là một tin vui bất ngờ! Cuốn Ba trăm bài thơ Đường mẹ tôi tặng đó đã bị Chu Nhất Minh làm mất hơn hai năm nay rồi, thật không ngờ cũng có ngày nó được trả về cho chủ cũ. Buổi chiều, khi mẹ Tinh Tinh đưa sách lại cho tôi, tôi thật sự ngàn vạn lần đa tạ: “Thực sự rất cảm ơn cô!”.

Khi Chu Nhất Minh hay tin cuốn Ba trăm bài thơ Đường vô tình bị đánh mất ấy giờ đã về lại với tôi thì cũng rất đỗi vui mừng. “Nói thật, ngày trước làm mất cuốn sách của em, anh cũng áy náy lắm, nó là kỷ vật mẹ em để lại. Nhưng anh đã nghĩ trăm phương nghìn kế rồi mà vẫn không sao tìm được. Phải chăng nhờ có mẹ em hiển linh phù hộ?”.

Tôi nghe mà thấy trong lòng trào dâng niềm xúc động. Chuyện linh thiêng hay không đương nhiên là hơi hoang đường, có điều cuốn sách này đã trở lại bên tôi trước khi tôi và Chu Nhất Minh cưới nhau, phải chăng đó là món quà mẹ tôi dành tặng, chúc phúc cho chúng tôi? Tôi rất muốn tin là vậy.

Ngày đại hỷ của tôi đã đến gần. Dì Thạch bảo tôi rỗi rãi thì cùng dì ấy đi mua kẹo hỷ. Dì ấy không dám tự ý mua vì sợ mua về tôi lại không thích. Dì ấy nhắc tôi mới nhớ, kẹo hỷ, thiếp mời, mấy thứ lặt vặt này tôi vẫn chưa để ý tới.

Chạy ra chợ mua kẹo nhưng từ đầu đến cuối chẳng vừa mắt loại nào, mấy loại kẹo đó bao bì đều rập khuôn như nhau, trông rất bình thường. Tôi quyết định dùng chiêu cũ là lên mạng tìm, vừa rẻ vừa có nhiều mẫu mã để lựa chọn. Mẫu mã thiệp cưới, kẹo hỷ trên mạng rất phong phú, đa dạng, tôi và Chu Nhất Minh nhìn hoa cả mắt, cuối cùng cũng chọn được loại ưng ý. Đặt mua xong là sản phẩm đến tay ngay.

Bên chuyển phát nhanh đưa đến một chiếc thùng lớn, có tám loại kẹo hỷ khác nhau, mỗi loại hơn chục gói, giờ còn phải cho vào từng hộp giấy nhỏ có hình cô dâu, chú rể nữa, rất mất thời gian. Chiếu theo danh sách khách mời mà bố mẹ hai bên đã soạn thì ít nhất phải đóng ba trăm hộp kẹo hỷ.

Công trình này cũng không phải là nhỏ, cho nên suốt mấy tối liền tôi đều trưng dụng Điền Tịnh sang đóng hộp giúp. Cô ấy là một người bạn tốt, hễ gọi là có mặt ngay nhưng miệng thì luôn biểu thị sự bất mãn: “Có nhầm lẫn gì không thế, cậu kết hôn hay mình kết hôn? Kẹo hỷ mà cũng phải gọi mình sang đóng gói hả?”.

Tôi mặt mày rạng rỡ. “Tặng không cho cậu cơ hội rèn luyện, cậu còn không cảm kích. Đi cùng mình nhiều ngày như vậy, sau này kết hôn tha hồ có kinh nghiệm”.

Chúng tôi ba người đóng gói theo dây chuyền sản xuất, trước tiên tôi gấp hộp, sau đó đưa Chu Nhất Minh bỏ tám chiếc kẹo vào, rồi đưa cho Điền Tịnh lấy ruy băng thắt nơ bướm cho đẹp.

Chu Nhất Minh vừa đóng gói vừa lắc đầu thở dài. “Haizz, bà xã đại nhân này thật phiền phức, ngoài chợ đóng gói đầy đủ rồi thì không mua, lại lên mạng đặt mua rồi tự đóng gói, còn nói là để cho đặc biệt, không giống ai, làm anh trai mệt chết đi được!”.

Điền Tịnh cười tinh nghịch. “Bà xã phiền phức như vậy thì bỏ đi là xong, bây giờ thay đổi vẫn còn kịp đấy!”.

“Như vậy sao được, nhất định phải HOLD[2] lấy chứ. Bà xã phiền phức còn hơn không lấy được ai, như vậy mới là người thức thời, anh trai không thể vì một chút phiền phức bé bằng hạt vừng mà bỏ cả quả dưa hấu”.

[2] Có nghĩa là ữ chặt.

Tôi cười khì khì. “Vậy là anh tinh đấy! Mau tiếp tục đóng gói kẹo hỷ cho em đi!”.

Anh ấy khoanh tay trước mặt tôi. “Vâng, thưa bà xã đại nhân, xin phục vụ tận tình!”.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/92787


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận