“Bác biết không,” Anne nói giọng tin cậy, “con quyết định phải tận hưởng chuyến đi này. Con đã có kinh nghiệm rằng gần như lúc nào ta cũng có thể tận hưởng mọi thứ khi ta quyết định chắc chắn như thế. Tất nhiên, phải quyết định chắc chắn. Con sẽ không nghĩ tới việc quay lại trại trẻ mồ côi trong lúc chúng ta đang trên đường đi. Con sẽ chỉ nghĩ về chuyến đi. Ồ, nhìn kìa, một bông hồng dại bé bỏng nở sớm! Thật đáng yêu? Bác có nghĩ được làm một bông hồng sẽ rất vui không? Không phải nếu hoa hồng mà biết nói thì rất hay sao? Con chắc chúng có thể kể cho chúng ta nghe những điều thật dễ thương. Và có phải màu hồng là màu quyến rũ nhất thế giới không? Con yêu màu hồng, nhưng con không mặc được quần áo màu đó. Những người tóc đỏ không thể mặc đồ màu hồng, ngay cả trong tưởng tượng cũng không. Bác có biết người nào hồi nhỏ tóc đỏ, nhưng lớn lên lại có tóc màu khác không?”
“Không, ta chắc mình chưa bao giờ thấy,” bà Marilla nói không chút cảm thông, “và ta cũng không nghĩ điều đó sẽ xảy ra với cháu.”
Anne thở dài.
“Ồ, vậy là một hy vọng khác lại tan biến. ‘Cuộc đời ta là một nấm mồ tuyệt hảo cho những hy vọng bị chôn vùi.’ Đó là câu con đọc được trong sách, và con dùng nó để tự an ủi mình mỗi khi thất vọng về bất cứ điều gì.”
“Ta chẳng thấy câu đó có gì là an ủi cả,” bà Marilla nói.
“Sao ạ, nó nghe rất dễ thương và lãng mạn mà, cứ như con là nhân vật chính trong một quyển sách. Con rất thích những điều lãng mạn, và một nấm mồ cho tất cả những hy vọng bị chôn vùi là thứ lãng mạn nhất con người có thể tưởng tượng ra, chẳng phải vậy sao? Con cũng vui là mình có một cái. Liệu hôm nay chúng ta có đi qua Hồ Nước Lấp Lánh không?”
“Chúng ta sẽ không đi qua hồ Barry, nếu đó là cái cháu gọi là Hồ Nước Lấp Lánh. Chúng ta sẽ đi đường bờ biển.”
“Đường bờ biển nghe hay đó,” Anne mơ màng nói. “Chẳng phải nghe rất tuyệt sao? Bác vừa mới nói ‘đường bờ biển’ con đã hình dung hình ảnh nó trong đầu mình, thật nhanh! White Sands cũng là một cái tên đẹp, nhưng con không thích bằng Avonlea. Avonlea là một cái tên đáng yêu. Nghe không khác gì tiếng nhạc. Còn bao xa mới tới White Sands ạ?”
“Năm dặm nữa; và vì cháu rõ là muốn nói chuyện, vậy thì để nói gì đó có ích, hãy kể cho ta nghe những gì cháu biết về bản thân đi.”
“Ồ, những gì con biết về bản thân thật sự chẳng đáng để kể,” Anne hăm hở nói. “Hay bác để con kể những gì con tưởng tượng về mình, vậy bác sẽ thấy hấp dẫn hơn nhiều.”
“Không, ta không muốn biết tí gì về những tưởng tượng của cháu. Hãy kể sự thật trần trụi thôi. Bắt đầu từ đầu nào. Cháu sinh ra ở đâu, bao nhiêu tuổi rồi?”
“Đến tháng Ba vừa rồi là con được mười một tuổi,” Anne nói, phó thác bản thân cho sự thật trần trụi kèm theo một tiếng thở dài. “Con sinh ra ở Bolingbroke, Nova Scotia. Cha con là Walter Shirley, giáo viên trường cấp ba Bolingbroke. Mẹ con tên là Bertha Shirley. Walter và Bertha đúng là những cái tên đáng yêu phải không ạ? Con mừng là cha mẹ mình có những cái tên thú vị. Chẳng phải sẽ rất xấu hổ nếu cha mình có một cái tên... xem nào, Jedediah chẳng hạn, đúng không?”
“Ta nghĩ chẳng có vấn đề gì với cái tên miễn là người đó cư xử đúng đắn,” bà Marilla đáp, cảm thấy mình đang yêu cầu ghi nhớ một bài học hay và hữu ích.
“Ồ, con chẳng biết nữa,” Anne có vẻ trầm ngâm. “Con đọc được trong một cuốn sách rằng dù hoa hồng có được đặt bất cứ tên nào khác thì vẫn tỏa hương ngào ngạt như thế, nhưng con không sao tin nổi chuyện đó. Con không tin hoa hồng sẽ tuyệt như thế nếu người ta gọi nó là cây kế hay cải bắp chồn hôi. Con nghĩ cha con hẳn phải là một người tốt, cho dù ông có tên Jedediah chăng nữa, nhưng chắc chắn đó là ngoại lệ. Mẹ con cũng là giáo viên cấp ba, nhưng khi cưới cha con thì bà đã nghỉ dạy, dĩ nhiên. Một người chồng thôi cũng đủ trách nhiệm rồi. Bà Thomas nói họ là một cặp trẻ con và nghèo rớt mùng tơi. Họ tới sống tại một căn nhà màu vàng nhỏ tí xíu ở Bolingbroke. Con chưa bao giờ thấy ngôi nhà nhưng đã tưởng tượng ra nó cả ngàn lần rồi. Con nghĩ nó hẳn phải có hoa kim ngân trên cửa sổ phòng khách, tử đinh hương trong sân trước và hoa linh lan ngay cổng vào. Đúng vậy, và rèm cửa bằng vải muslin treo ở tất cả cửa sổ nữa. Rèm vải muslin làm không khí căn nhà khác hẳn. Con được sinh ra trong ngôi nhà đó. Bà Thomas nói con là đứa trẻ thô kệch nhất bà từng thấy, rằng con gầy đét như thanh củi và nhỏ tí, chẳng có gì ngoài đôi mắt, nhưng người mẹ ấy vẫn nghĩ rằng con vô cùng xinh đẹp. Con nên nghĩ rằng mẹ sẽ là người nhận xét đúng hơn so với một người đàn bà nghèo phải đến quét dọn, đúng không? Con mừng là dù sao bà cũng hài lòng với con, con sẽ buồn lắm nếu nghĩ rằng mình đã làm bà thất vọng - vì bác biết đấy, sau khi sinh, mẹ con không sống được bao lâu nữa. Bà chết vì bệnh sốt khi con mới ba tháng tuổi. Con cứ ước gì bà sống đủ lâu để con nhớ được mình từng có lần gọi mẹ. Con nghĩ sẽ thật ngọt ngào khi có thể gọi ‘mẹ’, phải không bác? Cha con mất bốn ngày sau, cũng vì bệnh sốt. Vậy là con thành trẻ mồ côi, và bà Thomas nói rằng mọi người không ai biết phải làm gì với con. Bác thấy đó, từ lúc ấy đã không ai cần con rồi. Có vẻ như đó là số phận của con. Cha mẹ con đều đến từ những nơi rất xa, ai cũng biết họ chẳng có họ hàng nào còn sống. Cuối cùng bà Thomas nói bà sẽ nhận con, mặc dù bà nghèo và có một ông chồng say xỉn. Bà tự tay nuôi con lớn. Bác có biết liệu trong việc tự tay nuôi lớn này có bất kỳ điều gì làm cho những người được nuôi dưỡng theo cách đó trở nên tốt hơn người khác không? Vì cứ lúc nào con hư, bà Thomas lại hỏi sao con có thể hư hỏng như thế trong khi bà đã tự tay nuôi lớn con - bà hay trách móc vậy đấy.”
“Ông bà Thomas rời Bolingbroke tới Marysville và con sống với họ đến năm tám tuổi. Con giúp trông lũ trẻ nhà Thomas - có bốn đứa nhỏ tuổi hơn con - và con có thể nói rằng chúng cần được chăm sóc nhiều lắm. Rồi ông Thomas bị xe lửa cán chết, mẹ ông ấy đề nghị đón bà Thomas và bốn đứa trẻ về, nhưng bà ấy không muốn con. Bà Thomas, như lời bà ấy nói, cũng chẳng biết phải làm gì với con. Rồi bà Hammond từ thượng nguồn sông xuống, thấy con giỏi chăm trẻ nên đã nhận nuôi con, và con lên sống với bà ấy trong một khoảnh rừng thưa nhỏ. Đó là một nơi cô lập. Con chắc mình chẳng thể nào sống nổi ở đó nếu thiếu trí tưởng tượng. Ông Hammond có một xưởng cưa nhỏ trên đó, và bà Hammond có tám đứa con. Bà ấy sinh đôi ba lần. Trong chừng mực nào đó, con thích con nít, nhưng sinh đôi ba lần liên tiếp thì nhiều quá. Con kiên quyết nói với bà Hammond như thế khi cặp cuối cùng chào đời. Con bã hết cả người khi cứ phải trông chừng chúng.”
“Con sống trên thượng nguồn sông với bà Hammond hơn hai năm, rồi ông Hammond mất và bà Hammond không đảm đương công việc nội trợ nữa. Bà ấy chia con cái ra gửi cho họ hàng rồi đến Mỹ. Con phải vào trại trẻ ở Hopetown vì không ai nhận nuôi con. Ở trại, họ cũng không muốn con, họ nói đông quá mức rồi. Nhưng họ vẫn phải nhận và con ở đó bốn tháng đến khi bà Spencer tới.”
Anne kết thúc với một tiếng thở dài khác, lần này là nhẹ nhõm. Rõ ràng con bé không muốn nhắc đến những kỷ niệm về một thế giới không ai muốn mình.
“Cháu đã bao giờ đi học chưa?” bà Marilla hỏi, ghìm cương cho con ngựa hung hướng về phía đường bờ biển.
“Không nhiều lắm ạ. Con có đi học một thời gian ngắn trong năm cuối cùng sống với bà Thomas. Khi con lên thượng nguồn sông, trường xa quá nên con không thể đi bộ trong mùa đông, mùa hè lại được nghỉ nên con chỉ có thể đi học vào mùa xuân và thu. Nhưng dĩ nhiên con được học hành ở trại mồ côi. Con có thể đọc khá tốt và thuộc rất nhiều bài thơ - “Cuộc chiến Hohenlinden” này, “Edinburgh sau Flodden” này, “Bingen trên sông Rhine” này, rất nhiều đoạn trong “Phu nhân của Hồ,” và hầu hết “Các mùa” của James Thompson. Ta không yêu những vần thơ làm chúng ta rùng mình ở sống lưng sao? Có một bài trong sách tập đọc lớp Năm - “Ba Lan tàn lụi” - quả thật không biết bao lần khiến ta phải rùng mình. Dĩ nhiên, con chưa học tới sách lớp Năm - con chỉ mới lớp Bốn thôi - nhưng các chị lớp trên cho con mượn sách để đọc.”
“Mấy người phụ nữ đó - bà Thomas và bà Hammond - có tốt với cháu không?” bà Marilla hỏi, liếc nhìn con bé.
“Ồ...ồ...ô,” Anne ngần ngừ. Khuôn mặt bé nhỏ nhạy cảm của con bé thình lình đỏ bừng còn vầng trán nhăn lại bối rối. “Ồ, họ có y tốt - con biết họ muốn đối xử tốt và tử tế hết mức. Chỉ cần mọi người có ý tốt với mình, mình sẽ không bận tâm nếu họ không thật sự như vậy - bao giờ cũng thế. Họ có nhiều thứ để lo lắng lắm, bác cũng biết đó. Có người chồng say xỉn ắt phải cố gắng rất nhiều; và sinh đôi đến ba lần liên tiếp cũng phải cố như thế, bác không nghĩ vậy sao? Nhưng con cảm nhận được chắc chắn họ muốn tốt với con.”
Bà Marilla không hỏi câu nào nữa. Anne thả mình vào niềm say mê thầm lặng đối với con đường bờ biển còn bà Marilla lơ đãng điều khiển ngựa trong khi suy nghĩ mông lung. Trái tim bà bỗng ngập tràn cảm giác thương cảm cho đứa trẻ. Cuộc đời nó mới thiếu thốn, ít được yêu thương làm sao - một cuộc sống lao lực, nghèo khổ và bị bỏ bê; vì bà Marilla đủ thông minh để hiểu những hàm ý trong câu chuyện của Anne và đoán ra sự thật. Chẳng trách con bé vui mừng đến thế trước viễn cảnh có một mái ấm thật sự. Thật đáng thương khi nó bị trả lại. Nếu bà, Marilla, đầu hàng cái ý thích bất chợt không tài nào lý giải được của Matthew và để con bé ở lại thì thế nào? Ông ấy kiên quyết thế; con bé cũng có vẻ là một đứa nhỏ dễ thương, dễ dạy.
“Nó nói nhiều quá,” bà Marilla nghĩ, “nhưng có thể luyện cho nó bỏ cái tính đó đi. Con bé cũng không xài tiếng lóng hay nói năng thô tục. Có dáng con nhà gia giáo lắm. Hình như người quen của nó đều là người tử tế.”
Đường bờ biển “gần rừng, hoang dã và cô độc”. Bên tay phải, những bụi linh sam, dù bao năm dài vẫn giữ vững tinh thần trong cuộc chiến đấu với gió vịnh, mọc sin sít. Bên trái trải dài những vách sa thạch đỏ dốc đứng, nhiều đoạn lấn sát ra đường đi đến nỗi, nếu là một con ngựa cái kém bình tĩnh hơn con ngựa hung thì chắc hẳn người ngồi sau đã phải hú vía. Dưới chân vách đá là những đống đá bị sóng bào mòn hoặc những vũng cát nhỏ dát sỏi lấp lánh tựa trang sức của đại dương; ngoài xa hơn là biển, lung linh và xanh biếc, còn bên trên chim hải âu chao liệng, đôi cánh óng ánh như bạc dưới ánh mặt trời.
“Biển mới tuyệt làm sao?” Anne nói, bừng tỉnh sau một lúc lâu mắt tròn xoe im lặng. “Có lần, hồi con sống ở Marysville, ông Thomas đã thuê một chiếc xe thồ chở cả nhà đi nghỉ cả ngày ở bờ biển cách đó mười dặm. Con đã tận hưởng từng phút giây của ngày hôm đó, cho dù lúc nào cũng phải bận bịu trông lũ trẻ. Hàng bao nhiêu năm con đã sống lại trải nghiệm đó trong những giấc mơ đẹp. Nhưng bờ biển này đẹp hơn ở Marysville. Những con chim hải âu đó lộng lẫy quá phải không? Bác có thích làm một cánh chim ấy không. Con nghĩ mình muốn - nghĩa là, nếu con không thể là một bé gái. Bác có nghĩ thật tuyệt biết bao khi thức dậy lúc bình minh, cả ngày lướt qua mặt nước và bay lên bầu trời xanh đáng yêu ấy; rồi buổi tối lại bay về tổ của mình? Ô, con có thể tưởng tượng ra chính mình như thế. Ngôi nhà lớn ngay trước mặt là gì vậy ạ?”
“Đó là khách sạn White Sands. Ông Kirke điều hành nó, nhưng giờ vẫn chưa vào vụ. Mùa hè có rất nhiều người Mỹ đến đây. Họ nghĩ bờ biển ở đây mới đúng là bờ biển.”
“Con e rằng đây là chỗ của bà Spencer,” Anne nói u ám. “Con không muốn tới đây. Theo kiểu nào đó, nó cứ như là kết thúc của mọi chuyện.”
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!