Ngày bế giảng năm học đến rồi lại đi. Một buổi “kiểm tra giữa năm học” để tổng kết thành quả được tổ chức và các học trò của Anne đã đạt kết quả đáng kinh ngạc. Vào cuối buổi, đám học trò tặng cô một bài diễn văn cùng một cái bàn viết. Các bà các cô có mặt đều òa lên khóc, vài đứa trong đám con trai về sau cũng bị trêu là có ứa nước mắt, dẫu đứa nào cũng kiên quyết phủ nhận.
Bà Harmon Andrews, bà Peter Sloane và bà William Bell cùng nhau đi bộ về nhà và trò chuyện về buổi bế giảng.
“Thật tiếc vì Anne sẽ đi, nhất là khi đám trẻ con có vẻ gắn bó với cô gái như vậy,” bà Peter Sloane thở dài, bà này có thói quen thở dài vào cuối câu nói, kể cả câu nói đùa. “Đương nhiên,” bà ta vội nói thêm, “chúng ta đều biết năm sau chúng ta sẽ có một cô giáo mới cũng rất tốt.”
“Jane sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình, tôi không nghi ngờ gì về điều đó,” bà Andrews nói có vẻ bực bội. “Tôi cho rằng con bé sẽ không kể nhiều truyện cổ tích cho đám học trò nghe hay dành nhiều thời gian lang thang trong rừng với chúng như thế. Nhưng dù gì con bé cũng có tên trên bảng danh dự của Thanh tra trường học và cư dân Newbridge đang rối tinh rối mù lên khi con bé nghỉ việc.”
“Tôi thực sự vui khi Anne đi học đại học,” bà Bell nói. “Con bé luôn ao ước được thế và đó sẽ là một điều tuyệt vời cho nó.”
“Ồ, tôi không chắc đâu.” Bà Andrews quyết tâm không hoàn toàn đồng ý với bất cứ ai trong ngày hôm đó. “Tôi không thấy Anne cần học thêm làm gì. Có lẽ con bé sẽ cưới Gilbert Blythe, nếu tình cảm của thằng bé dành cho Anne còn giữ được đến sau khi tốt nghiệp, rồi thì tiếng Latinh với lại tiếng Hy Lạp được dùng vào việc gì đây? Nếu ở đại học có dạy cách quản lý đàn ông thì đi còn có lý.”
Theo những nguồn tin ngồi lê đôi mách ở Avonlea, bà Harmon Andrews vẫn chưa học được cách quản lý “người đàn ông” của mình, kết quả là gia đình Andrews không hẳn là một mô hình hạnh phúc mẫu mực.
“Nghe nói hạn chót để ông Allan lên nhận việc ở Charlottetown là trước ngày họp Giáo hội trưởng lão,” bà Bell nói. “Có nghĩa là ông ấy sẽ sớm rời chúng ta mà đi, tôi nghĩ thế.”
“Họ không đi trước tháng Chín đâu,” bà Sloane nói. “Đó là một tổn thất lớn cho cộng đồng... dẫu tôi luôn nghĩ rằng cô Allan ăn mặc quá lòe loẹt với tư cách là vợ một mục sư. Nhưng chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo cả. Các chị có thấy hôm nay ông Harrison gọn gàng và hớn hở thế nào không? Tôi chưa thấy người đàn ông nào thay đổi nhiều đến vậy. Ông ta đi nhà thờ mỗi Chủ nhật và còn góp tiền trả lương mục sư nữa chứ.”
“Paul Irving đã lớn tướng rồi đấy nhỉ?” bà Andrews lên tiếng. “Khi mới tới đây thằng bé còn nhỏ tí ti so với tuổi. Phải nói là hôm nay tôi gần như chẳng nhận ra nó. Thằng bé lớn lên sẽ giống ba nó lắm đây.”
“Đó là một cậu bé thông minh,” bà Bell nói.
“Nó thông minh đấy, nhưng”... bà Andrews hạ giọng... “nghe bảo nó nói chuyện kỳ lạ lắm. Một hôm tuần trước, Gracie từ trường về nhà cứ huyên thuyên không dứt về một câu chuyện thằng bé kể, về những người sống bên bờ biển ấy... những câu chuyện chẳng có chữ nào là thật cả, các chị biết đó. Tôi bảo Gracie đừng có tin, con bé đáp là Paul cũng chẳng có ý muốn nó tin. Nhưng nếu vậy thì còn kể làm quái gì?”
“Anne nói Paul là một thiên tài,” bà Sloane nói.
“Có lẽ. Ta không bao giờ biết được đám người Mỹ có thể làm những gì,” bà Andrews nói. Bà Andrews chỉ biết đến từ “thiên tài” trong cụm từ “thiên tài quái dị” hay được dùng để chỉ những người điên khùng. Có lẽ bà cũng nghĩ y hệt như Mary Joe, rằng đó là loại người có vấn đề về mặt tâm thần.
Trong phòng học, Anne ngồi một mình trước bàn giáo viên, y hệt như cô đã từng ngồi vào ngày khai giảng hai năm về trước, tay chống cằm, đôi mắt đẫm lệ đăm chiêu nhìn ra hồ Lấp Lánh bên ngoài cửa sổ. Trái tim cô quá nhức nhối sau khi chia tay với đám học trò đến mức, trong một thoáng, đại học chẳng còn chút gì hấp dẫn nữa. Cô vẫn còn cảm thấy vòng ôm bíu chặt của Annetta Bell quanh cổ và nghe tiếng nức nở trẻ thơ, “Em sẽ không bao giờ yêu cô giáo nào như yêu cô, cô Shirley ơi, không bao giờ, không bao giờ.”
Trong hai năm vừa qua, cô đã làm việc nghiêm túc và nhiệt tình, phạm phải nhiều sai lầm và rút ra kinh nghiệm từ chúng. Cô đã nhận được phần thưởng. Cô đã dạy đám học trò vài điều, nhưng cô cảm thấy chúng dạy cô được nhiều hơn thế... những bài học về sự dịu dàng, tự chủ, trí tuệ trẻ thơ và hiểu biết về trái tim con trẻ. Có lẽ cô vẫn chưa thành công trong việc “khêu gợi” những khát vọng cao quý trong lòng đám học trò, nhưng cô đã dạy cho chúng, bằng chính nhân cách dịu dàng của riêng cô hơn là những bài học được chuẩn bị kỹ lưỡng, rằng những năm về sau, cần phải sống đẹp và độ lượng, luôn trung thực, lịch sự và thương người, xa rời những điều dối trá, xấu xa và thô tục. Có lẽ đám trẻ vẫn chưa ý thức rằng mình đã học được những bài học như vậy, nhưng chúng sẽ ghi nhớ và thực hành những điều được dạy rất lâu về sau, dẫu chúng đã quên mất thủ đô Afghanistan tên gì hay Chiến tranh Hoa hồng diễn ra vào ngày mấy.
“Thêm một chương của cuộc đời mình khép lại,” Anne nói to khi khóa bàn lại. Cô thực sự cảm thấy rất buồn, nhưng sự lãng mạn trong ý tưởng “một chương khép lại” cũng an ủi cô đôi chút.
Cô ở Nhà Vọng hai tuần vào đầu kỳ nghỉ, và mọi người có liên quan đều có một khoảng thời gian vui vẻ.
Cô đưa cô Lavendar đến thị trấn mua sắm và thuyết phục cô ấy mua một chiếc váy vải phin nõn mới, rồi tiếp theo là hết cắt rồi may một cách phấn khích, trong khi Charlotta Đệ Tứ khâu lược và dọn dẹp những mẩu vải vụn. Cô Lavendar từng than phiền là mình chẳng mấy hứng thú về mọi chuyện, nhưng đôi mắt cô lấp lánh trở lại trước chiếc váy xinh đẹp của mình.
“Tôi thật là một người ngớ ngẩn và phù phiếm biết bao,” cô thở dài. “Tôi vô cùng xấu hổ khi nghĩ rằng một chiếc váy mới lại làm tôi vui sướng phát điên như vậy... dẫu nó có là một chiếc váy phin nõn màu tím lưu ly đi chăng nữa, trong khi một lương tâm thanh thản và phần quyên góp cho Hội Truyền giáo Nước ngoài không sao làm được.”
Vào giữa chuyến viếng thăm, Anne về Chái Nhà Xanh một ngày để vá vớ cho cặp song sinh và giải quyết hàng đống câu hỏi tích lũy của Davy. Buổi chiều, cô đi xuống đường bờ biển để gặp Paul Irving. Khi cô băng qua ô cửa sổ thấp của phòng khách nhà Irving, cô thoáng thấy Paul đang ngồi trong lòng ai đó, nhưng ngay lập tức Paul đã chạy vọt xuống hành lang.
“Ôi, cô Shirley,” cậu kêu lên đầy kích động, “cô không ngờ chuyện gì đã xảy ra đâu! Một chuyện thật tuyệt vời. Ba đang ở đây... nghĩ mà xem! Ba đang ở đây! Mời cô vào. Ba ơi, đây là cô giáo xinh đẹp của con. Ba biết rồi đó.”
Stephen Irving bước tới mỉm cười chào Anne. Ông là một người đàn ông trung niên cao lớn đẹp trai, tóc xám, mắt sâu xanh sẫm, khuôn mặt mạnh mẽ nhưng u buồn, cằm và trán hết sức hài hòa. Đúng như khuôn mặt của nhân vật nam chính trong các truyện lãng mạn, Anne nghĩ thầm, lòng rộn ràng thỏa mãn. Thật thất vọng nếu gặp phải một người là nhân vật nam chính nhưng lại hói đầu, lưng còng hay thiếu vẻ nam tính. Anne sẽ cảm thấy khủng khiếp lắm nếu đối tác tình yêu của cô Lavendar lại không xứng với vai trò của mình.
“Vậy đây là ‘cô giáo xinh đẹp’ của cậu con trai bé nhỏ của tôi, tôi đã nghe kể rất nhiều về cô,” ông Irving nói với cái bắt tay thật chặt. “Thư của Paul viết đầy về cô, cô Shirley ạ, đến mức tôi cảm thấy mình đã quen với cô từ lâu rồi. Tôi muốn cảm ơn cô về những điều cô đã làm cho Paul. Tôi cho rằng ảnh hưởng của cô chính là điều thằng bé cần. Mẹ tôi là một trong những phụ nữ tốt đẹp và thân yêu nhất, nhưng tính cách thực tế thẳng thừng kiểu Scotch của bà chẳng thể luôn thông hiểu được cậu bé trai của tôi. Những gì bà thiếu, cô đã bù đắp cho thằng bé. Nhờ vào hai người, tôi cho rằng hai năm qua Paul đã được giáo dục ở mức tốt nhất mà một cậu bé mồ côi mẹ có thể có được.”
Ai cũng thích được đánh giá cao. Dưới lời khen ngợi của ông Irving, khuôn mặt Anne “ửng hồng như đóa hoa đào,” và người đàn ông bận rộn mệt mỏi với trò đời nhìn cô, nghĩ thầm rằng mình chưa bao giờ nhìn thấy cô gái nào xinh đẹp đáng yêu như cô giáo làng ở “tít rìa Đông” với đôi mắt tuyệt vời và mái tóc đỏ.
Paul ngồi giữa bọn họ, hạnh phúc mê người.
“Em chẳng bao giờ mơ là ba sẽ tới,” mặt cậu rạng rỡ. “Ngay cả bà nội cũng không biết. Đó là một bất ngờ tuyệt vời. Nói chung thì...” Paul lúc lắc mái tóc xoăn nâu vẻ nghiêm trang... “Em không thích bất ngờ. Khi bị bất ngờ thì ta mất hết cả niềm vui thích khi chờ đợi. Nhưng trong trường hợp thế này thì hoàn toàn ổn. Ba tới vào tối hôm qua sau khi em đã đi ngủ. Và sau khi bà nội cùng Mary Joe đã qua cơn kinh ngạc, ba và bà nội lên lầu chỉ để nhìn em thôi, định đến sáng mới đánh thức em dậy. Nhưng em tỉnh dậy ngay và nhìn thấy ba. Phải nói là em lao thẳng vào ba ấy chứ.”
“Và ôm chầm lấy tôi mạnh như một con gấu,” ông Irving choàng tay qua vai Paul và mỉm cười. “Tôi gần như không nhận ra cậu con trai của mình nữa, nó lớn quá, rám nắng và chắc nịch.”
“Em không biết ai vui hơn khi nhìn thấy ba, bà nội hay em,” Paul tiếp. “Bà nội loay hoay trong bếp cả ngày để làm những món ba thích ăn. Bà không tin tưởng Mary Joe, bà nói vậy đấy. Đó là cách bà thể hiện niềm vui sướng của mình. Em thì thích nhất là chỉ ngồi nói chuyện với ba. Nhưng nếu cô cho phép thì em phải chạy ra ngoài một chút. Em phải dắt bò vào cho Mary Joe. Đó là một trong những nhiệm vụ hằng ngày của em.”
Trong khi Paul vội vàng đi “làm nhiệm vụ”, ông Irving nói chuyện với Anne về nhiều việc. Nhưng Anne cảm thấy ông đang nghĩ đến một điều gì khác trong suốt thời gian đó. Cuối cùng thì ông cũng nhắc đến điều mình đang canh cánh trong lòng.
“Trong lá thư cuối cùng của Paul, cháu có kể chuyện đi với cô đến thăm một... người bạn cũ của tôi... cô Lewis ở ngôi nhà đá ở Grafton. Cô thân với cô ấy lắm sao?”
“Vâng, đúng vậy, cô ấy là một người bạn rất thân của cháu,” Anne trả lời một cách nghiêm túc, không hề để lộ cảm giác kích động đột ngột đang lan tỏa từ đầu đến chân cô khi nghe câu hỏi của ông Irving. Anne đã “linh cảm” thấy tình yêu lãng mạn đang lấp ló ở một góc quanh.
Ông Irving đứng dậy bước tới cửa sổ, ô cửa này nhìn ra mặt biển mênh mông óng ánh cuộn sóng và ngọn gió hoang đang ngân nga tiếng nhạc. Trong một thoáng, im lặng buông xuống căn phòng nhỏ với những bức tường sẫm màu. Rồi ông quay sang, mỉm cười nửa dịu dàng, nửa như trêu cợt xuống khuôn mặt đầy cảm thông của Anne.
“Tôi tự hỏi cháu biết được bao nhiêu chuyện,” ông nói.
“Cháu biết tất cả,” Anne đáp nhanh. “Ông biết đấy,” cô vội giải thích thêm, “cô Lavendar và cháu rất thân với nhau. Không phải ai cô ấy cũng kể những chuyện thầm kín thiêng liêng như thế đâu. Chúng cháu là tri âm tri kỷ.”
“Ừ, tôi tin là thế. Ồ, tôi muốn nhờ cháu một việc. Tôi muốn đến thăm cô Lavendar nếu cô ấy cho phép. Cháu có thể hỏi ý cô ấy giúp tôi không?”
Có giúp hay không? Ôi, đương nhiên là cô sẽ giúp rồi! Đúng, đó chính là tình yêu lãng mạn, tình yêu thực sự với vẻ duyên dáng của những vần điệu, cổ tích và giấc mơ. Có lẽ nó đến hơi muộn một chút, giống như một đóa hồng nở vào tháng Mười trong khi đáng lẽ phải nở vào tháng Sáu, nhưng dù sau cũng vẫn là một đóa hồng, dịu dàng thơm ngát với nhị hoa lấp lánh ánh vàng. Chưa bao giờ đôi chân Anne thoăn thoắt với nhiều nhiệt tình đến thế như trong chuyến đi băng qua rừng sồi đến Grafton vào sáng hôm sau. Cô thấy cô Lavendar đang ở trong vườn. Anne hồi hộp khủng khiếp. Tay cô lạnh giá, giọng run rẩy.
“Cô Lavendar, cháu có chuyện muốn nói với cô... một chuyện vô cùng quan trọng. Cô có thể đoán đó là gì không?”
Anne không bao giờ cho rằng cô Lavendar có thể đoán được, nhưng khuôn mặt cô Lavendar trở nên tái nhợt, rồi cô cất giọng dè dặt run rẩy, bao nhiêu màu sắc lấp lánh ngày thường đột ngột biến mất.
“Stephen Irving về rồi ư?”
“Làm sao cô biết? Ai kể cho cô?” Anne kêu lên vẻ thất vọng, bực bội khi bí mật tuyệt vời của cô đã bị bật mí.
“Chẳng ai cả. Tôi biết thôi, chỉ từ cách nói của cháu.”
“Ông ấy muốn tới thăm cô,” Anne thốt. “Cháu có thể cho ông ấy biết là cô đồng ý không?”
“Ừ, đương nhiên rồi,” cô Lavendar lộ vẻ bâng khuâng. “Chẳng có lý do gì mà không nên cả. Anh ấy chỉ đến như một người bạn cũ thôi mà.”
Anne có ý kiến riêng của mình về chuyến viếng thăm này, cho nên cô vội vã bước vào nhà để viết một lời nhắn tại bàn của cô Lavendar.
“Ôi, sống ngay trong một cuốn truyện thật là thú vị,” cô vui sướng nghĩ bụng. “Mọi chuyện đương nhiên sẽ kết thúc tốt đẹp thôi... phải như thế... và Paul sẽ có một người mẹ đúng ý mình, và mọi người sẽ đều hạnh phúc cả. Nhưng ông Irving sẽ đưa cô Lavendar đi... và có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy đến với căn nhà đá nhỏ bé này... vậy là luôn có hai mặt của vấn đề, như mọi điều khác trên thế giới này vậy.” Lời nhắn quan trọng đã được viết xong, Anne đích thân đem nó tới bưu điện Grafton, ở đó, cô chặn người phát thư lại và dặn dò ông ta nhớ đem nó đến bưu điện Avonlea.
“Nó hết sức quan trọng đấy ạ,” Anne lo lắng lặp đi lặp lại với ông ta. Người phát thư là một ông già gắt gỏng chẳng giống bộ dạng sứ giả của thần Ái tình tí xíu nào, Anne cũng chẳng dám chắc là ông ta sẽ nhớ. Nhưng ông ta hứa sẽ cố hết sức ghi nhớ, và cô đành phải bằng lòng với lời hứa đó.
Charlotta Đệ Tứ cảm thấy có một bí ẩn nào đó đang bao trùm căn nhà đá vào chiều hôm ấy... một bí ẩn mà cô bé bị ra rìa. Cô Lavendar lang thang trong vườn với vẻ thẫn thờ. Anne dường như cũng bị con quỷ bất an chiếm lĩnh, cứ đi qua đi lại, đi lên đi xuống mãi không thôi. Charlotta Đệ Tứ chịu đựng điều đó cho đến khi kiên nhẫn không còn là một đức tính tốt nữa, cô bé chặn Anne lại khi cô gái lãng mạn này đang đi chuyến hành trình vô định thứ ba qua gian bếp.
“Làm ơn mà, thưa cô, cô Shirley.” Charlotta Đệ Tứ năn nỉ, những chiếc nơ xanh biếc lúc lắc bất bình, “rõ ràng cô và cô Lavendar đang có một bí mật gì đó, và em nghĩ, xin lỗi nếu em quá sỗ sàng, thưa cô, cô Shirley, rằng thật nhỏ mọn khi cô không cho em biết, nhất là khi chúng ta thân thiết với nhau như vậy.”
“Ôi, Charlotta yêu quý, nếu là bí mật của chị thì chị đã kể hết cho em nghe rồi, nhưng em thấy đấy... đây là bí mật của cô Lavendar. Dù sao thì chị cũng bật mí tí xíu với em nhé... và nếu chuyện không có kết quả thì em không bao giờ được hé lộ cho bất cứ ai nhé. Em thấy đấy, bạch mã hoàng tử sẽ đến vào tối nay. Chàng đã từng đến một lần hồi lâu lắm rồi, nhưng trong một giây phút bốc đồng chàng đã bỏ đi, lang thang quá xa và quên mất bí mật của con đường kỳ diệu dẫn tới lâu đài bị phù phép, nơi nàng công chúa chung thủy đang nhỏ lệ nhớ thương. Nhưng cuối cùng chàng cũng nhớ ra, và nàng công chúa vẫn đang chờ đợi... bởi vì chẳng ai trừ chàng hoàng tử yêu quý ấy có thể đưa nàng rời đi.”
“Ôi, thưa cô, cô Shirley, diễn ra văn xuôi là thế nào vậy?” Charlotta hoang mang kêu lên.
Anne phá lên cười.
“Diễn ra văn xuôi thế này này, một người bạn cũ của cô Lavendar sẽ đến thăm cô ấy tối nay.”
“Ý cô muốn nói là người yêu cũ của cô ấy ư?” Charlotta phàm tục hỏi kỹ lại.
“Đó có lẽ là điều chị muốn nói đấy... dưới dạng văn xuôi,” Anne nghiêm túc đáp. “Đó là ba của Paul... Stephen Irving. Và có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta cứ hy vọng vào điều tốt nhất đi, Charlotta.”
“Em ước gì ông ấy sẽ cưới cô Lavendar,” Charlotta dứt khoát tuyên bố. “Có vài phụ nữ số định sẵn phải làm gái già, và em e rằng em là một trong số đó, thưa cô, cô Shirley, bởi vì em chẳng có chút xíu xìu xiu kiên nhẫn nào với bọn đàn ông. Nhưng cô Lavendar thì không như thế. Và em lo lắng khủng khiếp, chẳng biết cô ấy sẽ sống sót thế nào khi em quá lớn và phải đi Boston. Nhà em chả còn đứa con gái nào, và trời mới biết cô ấy sẽ ra sao nếu phải sống chung với một người lạ nào đó, họ sẽ cười cợt khi cô ấy tưởng tượng giả vờ, để đồ đạc lung tung và không chịu lấy tên Charlotta Đệ Ngũ. Cô ấy có thể kiếm được một người không hay xui xẻo làm bể chén đĩa như em, nhưng chẳng có ai yêu cô ấy hơn em đâu.”
Và cô bé giúp việc trung thành thút thít chạy vọt tới cửa bếp lò.
Tối hôm đó ở Nhà Vọng, mọi người dùng bữa trà như thường lệ, nhưng chẳng ai ăn uống được gì. Sau bữa trà, cô Lavendar lên phòng, mặc chiếc váy phin nõn mới màu tím lưu ly trong khi Anne chải tóc cho cô. Cả hai đều hồi hộp khủng khiếp, nhưng cô Lavendar giả vờ bình tĩnh và lạnh lùng.
“Mai tôi phải vá lại vết rách trên tấm rèm mới được.” Cô lo lắng xem xét tấm rèm cứ như chỉ có nó là đáng kể vào lúc này. “Những tấm rèm này không xứng với giá tiền mà tôi trả. Trời ơi, Charlotta lại quên quét bụi lan can cầu thang rồi. Tôi phải nhắc nhở cô bé mới được.”
Anne đang ngồi trên bậc thềm trước hiên nhà khi Stephen Irving Thiên đường xuôi lối đi và băng qua khu vườn.
“Đây chính là nơi thời gian đứng lại,” ông nói và nhìn quanh với vẻ hân hoan. “Ngôi nhà và khu vườn này chẳng có gì thay đổi kể từ lần chót tôi ở đây hai mươi lăm năm trước. Nó làm tôi cảm thấy trẻ trung trở lại.”
“Ông biết đấy, thời gian luôn dừng lại trong tòa lâu đài bị phù phép,” Anne nói một cách chân thành. “Chỉ khi hoàng tử đặt chân tới thì mọi việc mới thực sự bắt đầu.”
Ông Irving mỉm cười có chút buồn bã với khuôn mặt đầy hy vọng của cô, khuôn mặt chói ngời vẻ thanh xuân và hứa hẹn.
“Đôi khi hoàng tử đến quá muộn,” ông nói. Ông không cần đề nghị Anne diễn đạt lời nói của mình ra dạng văn xuôi. Như mọi tri âm tri kỷ khác, ông “hiểu” hết.
“Ồ không, không đâu, nhất là khi đó là hoàng tử thực sự đến tìm nàng công chúa chân chính,” Anne quả quyết lúc lắc mái tóc đỏ rồi mở cửa phòng khách. Khi ông bước vào trong, cô đóng chặt cửa lại, quay người đối diện với Charlotta Đệ Tứ, cô bé đang đứng ở hành lang, “gật gù ủng hộ và mặt tươi hơn hớn(1).”_
“Ôi, thưa cô, cô Shirley,” cô bé hít hà, “em nhìn lén từ cửa sổ nhà bếp... ông ấy đẹp trai khủng khiếp... vừa đúng độ tuổi hợp với cô Lavendar. Và chao ôi, thưa cô, cô Shirley, cô nghĩ nghe lén ở cửa thì có hại gì không?”
“Điều đó tệ khủng khiếp, Charlotta ạ,” Anne quả quyết, “cho nên em hãy đi cùng với chị ra xa để tránh khỏi sự cám dỗ thôi.”
“Em chẳng làm gì nổi cả, và cứ thẫn thờ chờ đợi thì thật khủng khiếp,” Charlotta thở dài. “Nếu lỡ ông ấy không chịu cầu hôn thì sao, thưa cô, cô Shirley? Ta chẳng bao giờ có thể tin tưởng vào bọn đàn ông cả. Chị cả của em, Charlotta Đệ Nhất, có lần nghĩ là chị ấy đã đính hôn với một người. Nhưng hóa ra anh chàng lại nghĩ khác và chị ấy nói sẽ không bao giờ tin một tên đàn ông nào nữa cả. Em còn nghe một trường hợp khác nữa cơ, một người đàn ông tưởng mình mê tít cô em, trong khi hóa ra người anh ta thực sự muốn lại là cô chị. Khi một người đàn ông còn không biết mình nghĩ gì, thưa cô, cô Shirley, thì làm sao một phụ nữ đáng thương có thể biết được chứ?”
“Chúng ta vào bếp rửa bộ thìa bạc đi,” Anne nói. “Công việc đó chẳng đòi hỏi phải suy nghĩ gì nhiều... vì tối nay chị không thể nghĩ ngợi gì. Và nó cũng giúp mình giết thời gian nữa.”
Một giờ trôi qua. Khi Anne đặt xuống cái thìa bóng loáng cuối cùng, họ nghe tiếng cửa trước đóng lại. Cả hai hoảng hốt nhìn vào mắt nhau tìm sự an ủi.
“Ôi, thưa cô, cô Shirley,” Charlotta thổn thức, “nếu ông ấy đi sớm như vầy thì chẳng thể trông đợi gì vào cả hiện tại và tương lai đâu.” Họ chạy như bay ra cửa sổ. Ông Irving không hề có ý định rời đi. Ông và cô Lavendar đang chầm chậm rảo bước trên lối đi chính giữa dẫn ra băng ghế đá.
“Ôi, thưa cô, cô Shirley, ông ấy choàng tay qua eo của cô Lavendar,” Charlotta Đệ Tứ thì thầm vui sướng. “Nhất định là ông ấy đã cầu hôn, nếu không cô ấy không đời nào cho phép.”
Anne ôm chầm lấy vòng eo tròn trĩnh của Charlotta Đệ Tứ và hai người khiêu vũ vòng quanh nhà bếp cho đến khi hết cả hơi.
“Ôi, Charlotta,” cô kêu lên sung sướng, “chị không phải là nhà tiên tri cũng chẳng phải là con gái của một nhà tiên tri, nhưng giờ chị có thể đưa ra một lời tiên đoán. Sẽ có một đám cưới tổ chức ở căn nhà đá cổ kính này trước khi lá phong đổi màu. Em có cần chị dịch ra văn xuôi không hả Charlotta?”
“Không, em hiểu được mà,” Charlotta đáp. “Một đám cưới đâu phải là thơ thẩn gì đâu. Ôi, thưa cô, cô Shirley, cô đang khóc kìa! Vì sao vậy?”
“Ồ, bởi vì mọi chuyện thật đẹp... như trong truyện vậy... vừa lãng mạn... vừa phảng phất buồn,” Anne chớp mắt cho giọt lệ rơi xuống. “Mọi chuyện hoàn toàn tuyệt vời... nhưng chẳng hiểu sao vẫn có chút buồn lẫn trong đó.”
“Ôi, đương nhiên cưới ai thì cũng có mạo hiểm cả,” Charlotta Đệ Tứ thừa nhận, “nhưng nói gì thì nói, thưa cô, cô Shirley, còn nhiều thứ tệ hơn một ông chồng nhiều.”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !